WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chiến tranh và người Mỹ trên quê hương tôi

LTG: Kỷ niệm 35 năm người Việt tị nạn tại hải ngoại. Kính tưởng niệm tất cả anh linh chiến sĩ Việt Nam – Hoa Kỳ và đồng minh, có Anh Chị Em ruột thịt của tôi, đã hy sinh vì chính nghĩa Tự Do trong chiến tranh Việt Nam trước tháng 4/1975.

Nguồn: photobucket.com

Năm 1961, má tôi bị bệnh tê liệt, chạy chữa khắp nơi, thuốc Bắc, thuốc Nam vẫn không khỏi, phải vào nằm nhà thương thí thị xã Phan Rang. Cha tôi đã mất. Chị Mùi, trưởng nữ, đi buôn dưa tận tỉnh Long Khánh, thỉnh thoảng mới về thăm má. Anh Phùng, trưởng huynh, anh Thiện kế tôi, đều đi học nghề thí công ở nhà chủ. Em Hỷ làm con nuôi người ta. Chỉ còn tôi luôn quấn quýt ở bên má. Thấy gia cảnh má nghèo, ban giám đốc cho tôi được ở lại luôn tại nhà thương để phụ chăm sóc má.

Hàng ngày, ngoài hai lần đến nhà bếp lãnh cơm về cho má và tôi cùng ăn, tôi thường đi la cà các khu bệnh khác trong nhà thương. Có lần đi ngang khu cấp cứu, tôi thấy nhiều thương binh nằm ở ngoài sân. Người nào cũng máu me lênh láng đầy mình. Họ rên rĩ, la hét vì cơn đau của những vết thương. Không hiểu vì sao có nhiều người bị thương như vậy, tôi tần ngần đứng nhìn một lúc, thấy tội nghiệp cho họ lắm. Lần khác, khi có vài anh lính khỏe mạnh khiêng thương binh vào khu cấp cứu xong thì ngồi nghỉ mệt, tôi làm gan đến hỏi. Các anh cho biết vừa mới đánh nhau ác liệt với tụi Việt cộng ở Sông Pha, cách thị xã vài chục cây số. Tôi không biết tụi Việt cộng là ai. Tôi nghĩ chắc là bọn ăn cướp. Tuổi mới lên bảy, tôi chưa biết gì về chiến tranh.

Nằm nhà thương vài tháng, bệnh má tôi vẫn không thuyên giảm. Cô Ba Tình, em kết nghĩa của cha tôi, đưa hai má con tôi về lại làng Tấn Tài B, cách thị xã bốn cây số, ở trong ngôi nhà tranh nhỏ trong vườn nhà cô. Tháng 8 / 1962, má tôi mất. Cô Ba nhận tôi làm con nuôi, cho ăn học tử tế. Sau vài lần ngồi khóc một mình trong xó tối vì nhớ má, tôi trở lại tính hồn nhiên, đi học, đi chơi với bạn bè, quên đi thời gian cơ cực mỗi ngày phải tự đi chợ, đi lượm củi, nấu cơm, nấu thuốc Bắc, lo lắng cho mẹ hiền bệnh hoạn nằm một chỗ; quên cả hình ảnh các thương binh máu me đầy mình ở khu cấp cứu trong nhà thương. Có vài ngày má nuôi và nhiều người khác trong làng đi làm hàng rào ấp chiến lược. Tôi đi theo má nuôi, lanh chanh chạy chỗ này, chỗ nọ chứ chẳng giúp được gì cho ai. Tôi hỏi má nuôi sao phải làm hàng rào dài thế, má nuôi nói là để không cho Việt cộng vào làng, vì Việt cộng nó ác lắm. Cuối năm, có anh Phước, người cháu của má nuôi từ tỉnh Lâm Đồng về chơi, kể cho tôi nghe những trận đánh của anh với Việt cộng; nhiều lần một mình anh mà đánh lui cả trăm tên Việt cộng. Anh đặt nhiều khẩu súng dọc theo giao thông hào, rồi chạy xẹt tới, xẹt lui bắn loạn xà ngầu, tụi Việt cộng sợ quá phải bỏ chạy. Lớn lên, tôi biết anh nói dóc. Anh còn nói dóc là Việt cộng nó ốm tong, ốm teo như con khỉ, nhiều thằng leo lên cây đu đủ cũng không gãy. Nhưng lúc đó còn nhỏ, nghe anh kể, tôi phục lăn. Anh cho tôi biết Việt cộng đang gây chiến tranh ở nhiều nơi trên đất nước. Rồi nhờ các bài học lịch sử vở lòng, thêm đọc truyện “Tuấn, chàng trai nước Việt” của Nguyễn Vỹ, tôi mới hiểu thế nào là giặc ngoại xâm gây họa chiến tranh, sự tàn ác của bọn Tàu và sự bóc lột dân ta của người Pháp. Bây giờ thêm tụi Việt cộng ác ôn gây chiến. Tôi thấy sợ chiến tranh, căm ghét tụi Việt cộng, oán hận giặc Tàu phương Bắc và giặc Pháp phương Tây. Đời sống quanh tôi ở Phan Rang bấy giờ rất thanh bình. Nhưng qua lời kể chuyện của anh Phước, trí óc tuổi thơ tôi cũng lờ mờ hiểu được hiểm họa chiến tranh đang xảy ra trên quê hương.

Hè 1965, tôi học xong lớp ba. Chị Mùi đưa mấy anh em tôi vào Long Khánh sống với chú  thiếm Bảy tại ấp Tân Phú. Con đường đất đỏ từ thị xã Xuân Lộc đi vào ấp mang tên Hoàng Diệu có một đồn lính Mỹ ở đầu ấp. Mọi người gọi là đồn Hoàng Diệu. Cách ấp khoảng hai cây số, có thêm căn cứ đóng quân của Sư đoàn 18 bộ binh và Lực lượng Thiết giáp.  Nhiều lần, xe thiết giáp và xe GMC chở đầy lính chạy rầm rầm ngang qua ấp, đi về hướng rừng sâu, bụi tung mù mịt cả con đường. Tôi đoán là lính đi hành quân đánh Việt cộng. Rồi, nhiều lần có những tiếng nổ ầm ầm trong đêm, nghe rất gần.  Cả gia đình đều chạy xuống hầm. Chú Bảy nói đó là Việt cộng pháo kích. Bộ mặt chiến tranh đã hiện rõ trước mắt tôi.

Một ngày, đi học về trên đường Hoàng Diệu, ngang qua đồn lính Mỹ, tôi nhìn thấy nhiều người lính Mỹ ra, vào đồn. Họ da trắng, cao lớn, mủi lỏ, mắt xanh. Có vài người cũng cao lớn nhưng mặt mày đen thui. Nhớ lời má nuôi kể giặc Pháp thời trước cũng dáng người cao lớn, mủi lỏ, mắt xanh, thêm có nhiều lính lê dương da đen rất hung ác, tự nhiên tôi thấy sợ sợ những người lính Mỹ này. Tôi nghĩ, chắc là họ xâm lăng nước mình. Lòng hiếu kỳ khiến tôi cứ đứng nhìn chăm chăm vào họ. Nhưng sao trông họ hiền hòa quá, chẳng có chút Hoa Kỳ đưa quân vào miền Nam Việt Nam gì hung dữ như giặc Tây. Họ cười vui vẻ khi thấy tôi đứng nhìn. Còn vẫy vẫy tay với tôi nữa. Một người lính đen đến gần, chìa ra trước mặt tôi cây kẹo chewing gum. Tôi lắc đầu không nhận, ù chạy về nhà. Tôi nói với chú Bảy :

-  Hôm nay lần đầu tiên con gặp người Mỹ. Trông tướng họ giống như giặc Tây vậy. Bộ người Mỹ xâm lăng nước mình hở chú ?

Chú Bảy cười xòa :

-  Họ không phải là giặc xâm lăng đâu con.

-  Vậy họ đến nước mình làm chi ?

-  Vì nước Mỹ, còn gọi là Hoa Kỳ, là đồng minh nước Việt Nam Cộng Hòa mình, nên họ gửi lính qua giúp mình đánh Việt cộng.

- Vậy người Mỹ là bạn của mình. Hèn chi con thấy họ hiền ghê, còn cho con kẹo nữa, mà con không lấy. Nước Mỹ ở đâu chú ?

-  Ở Châu Mỹ. Còn nước Pháp ở Châu Âu. Hai nước cách xa nhau lắm. Mỹ là nước giàu mạnh, lãnh đạo khối thế giới tự do chống lại cộng sản. Tụi cộng sản Tàu, Nga nó ác lắm, thường giết hại dân lành. Việt cộng là tay sai của cộng sản Nga, Tàu nên cũng rất ác ôn, chuyên đấu tố, cướp của, giết người. Trước năm 1954, ba của con làm Chánh tổng ở tổng Phước An, tỉnh Ninh Thuận, giàu có lắm, bị Việt cộng, hồi đó gọi là Việt minh, vào đốt nhà, cướp hết tài sản, đất đai. Ba má con mới chạy về làng Tấn Tài B lánh nạn, sống nghèo khổ như vậy.

Đối với tuổi thơ tôi, người Mỹ đã hiện diện trên quê hương tôi bắt đầu từ lần đầu tiên nhìn thấy đó. Rồi hình ảnh người Mỹ trở thành quen thuộc khi tôi thường nhìn thấy những xe GMC chở lính Mỹ chạy trên nhiều con đường khác trong thị xã. Đám trẻ nhỏ mỗi khi thấy xe lính Mỹ chạy qua là ùa ra vẫy tay, kêu ỏm tỏi những tiếng ô kê, ô kê, hê lô, hê lô để mong được lính Mỹ quăng cho vài cây kẹo.

Có lính Mỹ đóng quân, con đường Hoàng Diệu dần dần trở nên vui nhộn với những quán bar mọc lên san sát, đối diện với suốt cả chiều dài của đồn Mỹ. Những cô gái trẻ, mặt đầy phấn son, mặc Mini bó sát, ngắn củn cởn, thường ra đứng trước cửa quán mời mọc lính Mỹ. Có anh nào chịu vào quán là các cô ôm eo, bá vai, cười nói lả lơi. Thỉnh thoảng, có vài anh lính Mỹ say xỉn làm bậy cái gì đó, các cô la ới ới, chạy sấp chạy ngửa ra đường.

Số phận ấp Tân Phú có chung số phận với đồn Mỹ khi phải chịu đựng những trận đạn pháo của Việt cộng rót vào. Mỗi khi bị Việt cộng pháo kích, đồn Mỹ pháo trả lại. Tiếng nổ ầm ầm vang dội trong đêm. Cứ sau giờ cơm nước buổi tối, người dân trong ấp lại phập phồng lo sợ, không biết lúc nào Việt cộng sẽ bắn pháo. Họ ngủ không yên giấc. Gia đình chú thiếm Bảy tôi cũng vậy. Phần tôi, mỗi lần phải chạy xuống hầm tránh đạn pháo kích, tôi thấy ớn ớn căn hầm. Tôi với cả nhà tám người chụm lại, ngồi chồm hổm ở dưới hầm. Vách hầm đất đỏ ẩm ướt, bốc lên mùi hôi hám, thật khó chịu, tôi muốn ói. Tôi còn gục tới, gục lui vì cơn buồn ngủ, nhiều lúc ngã lăn kềnh trong hầm, mặt, mủi, tay, chân, quần áo dính đầy đất đỏ..

Có nhiều trận pháo kích, đạn rót trúng ngay nhà dân. Tiếng la hét, kêu gào của những người hàng xóm bị thương nghe thật thảm thiết, thê lương trong đêm đen. Những trận pháo kích của Việt cộng tăng lên, từng đêm, từng đêm. Riết rồi chú Bảy tôi không thèm chạy xuống hầm nữa. Mọi người trong gia đình ngồi dưới hầm mà cứ nơm nớp lo lắng cho chú. Thiếm Bảy gào lên :

-  Xuống hầm đi ông. Xuống hầm đi ông.

Tiếng chú tôi nói vọng xuống :

-  Mấy người cứ ở yên dưới hầm đi. Đừng lo cho tôi.

Thiếm Bảy càng gào to hơn :

-  Trời ơi ! Ông muốn chết sao ? Tôi lạy ông !. Xuống hầm đi ông.

-  Đừng lo. Gần đất, xa trời rồi, sợ gì chết.

Cứ vậy, đêm nào cũng điệp khúc đó giữa chú thiếm, thành quen thuộc với tôi. Cũng từ đó, tôi bắt đầu mỗi ngày biết dán mắt vào những mẫu tin tức chiến sự trên các nhật báo. Tôi biết được chiến tranh đã lan ra khắp miền Nam Việt Nam. Con số lính Mỹ tham chiến lên tới mấy trăm ngàn người. Còn có thêm quân các nước đồng minh khác như Đại Hàn, Thái Lan, Tân tây Lan, Úc đại Lợi, Phi luật Tân. Cường độ chiến tranh leo thang, thì lính Mỹ ở đồn Hoàng Diệu và người dân ấp Tân Phú càng hứng chịu nhiều hơn những trận pháo kích của Việt cộng. Cứ vài ngày là có một ngôi nhà bị máy bay B52 thả bom Bắc Việt đổ sập, tan hoang, và vài người dân chết hoặc bị thương. Tuổi thơ tôi có lần tự hỏi : Vì người Mỹ có mặt càng ngày càng đông trên quê hương tôi mà chiến tranh lan rộng, hay vì Việt cộng tăng cường chiến sự, mở rộng chiến tranh mà người Mỹ mới ngày càng có mặt đông đảo trên quê hương tôi ? Rồi tôi cũng quên đi những thắc mắc đó. Chuyện chiến tranh ngày càng khốc liệt trên quê hương trở thành quen thuộc, như chuyện ăn cơm mỗi bửa, sáng, trưa, chiều. Trí óc non nớt của tôi chưa đủ sức để tìm hiểu những vấn đề phức tạp. Tôi phải lo học hành. Còn phải đi phụ ruộng rẫy với gia đình chú thiếm.

Cuối năm 1966, chị Mùi lấy chồng là lính Biệt kích Mỹ. Tôi và anh Thiện theo ở với chị. Biệt kích Mỹ là binh chủng do người Mỹ trực tiếp huấn luyện, chỉ huy và trả lương. Mới đầu, đại đội anh Vọng, anh rể tôi, đóng quân ở Gia Liêu, gần thị xã. Vài tháng sau, đơn vị anh Vọng chuyển lên đóng trại ở lưng chừng núi Thị, cách thị xã khoảng mười cây số. Ở trên đỉnh núi, có căn cứ sĩ quan Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ. Chị tôi nhận được công việc nấu ăn cho sĩ quan Mỹ. Mỗi tối, khoảng 8 giờ, tôi lên đỉnh núi đón chị về. Nhiều lần tôi gặp các sĩ quan Mỹ. Họ rất thân thiện, cởi mở. Lúc thì ông sĩ quan Mỹ trắng lấy bánh ngọt mời tôi ăn. Lúc khác thì ông sĩ quan Mỹ đen lấy cho tôi lon cô ca lạnh, rồi xoa đầu tôi và nói vài câu tiếng Anh. Chị tôi thông ngôn lại : “Ổng nói em hiền hậu, trắng trẻo, dễ thương, nhưng dáng người có chút xíu khoảng tám, chín tuổi. Ổng không tin là em đã 13 tuổi rồi” Tôi bẽn lẽn cảm ơn ông. Tôi thấy thiện cảm với người Mỹ. Nên lúc đọc báo, biết được nhiều lính Mỹ bị thương, tử trận khi sát cánh chiến đấu với lính mình ở khắp nơi trên nửa lãnh thổ hình cong chữ S, tôi thấy đau xót cho họ. Quên bẵng những lời giải thích của chú Bảy, tôi lại tự hỏi :  Tại sao từ một nơi xa lắc, xa lơ cách một Thái Bình Dương vời vợi, người Mỹ lại đến đây chiến đấu cho quê hương tôi và chết vì quê hương tôi như thế ?

Gần cuối năm 1967, đại đội anh Vọng chuyển đi trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi, ở tận tỉnh Tây Ninh. Chị tôi theo chồng. Tôi và anh Thiện về ở với cô Lang, em họ lớn tuổi của tôi trong xóm cây cao su, gần bến xe Xuân Lộc. Anh Phùng rời nhà chú Bảy đi Sài Gòn sống với gia đình dì Mười, bà con bên ngoại. Tết Mậu thân, 1968, Việt cộng tổng tấn công vào Sài Gòn, Huế và khắp các tỉnh, thành khác ở miền Nam. Thị xã Xuân Lộc cũng không tránh khỏi. Tôi không ngờ cô Lang là cán bộ Việt cộng nằm vùng. Trong đêm giao thừa, cộng quân tấn công vào thị xã, cô dẫn Lộc, 17 tuổi, con trai cô và anh Thiện đi vòng vòng trong xóm, kêu gọi người dân nổi dậy lật đổ chính quyền “Mỹ, Ngụy”. Nằm trong nhà, tôi nghe rõ mồn một tiếng cô Lang, Lộc và anh Thiện vang lên om om trong đêm khuya. Cuộc tấn công của Việt cộng bị thất bại, phơi nhiều xác trong thị xã. Cô Lang dẫn Lộc và anh Thiện đi vào rừng làm du kích. Tôi chạy về lại nhà chú Bảy. Học hết đệ thất ( lớp 6 ), tôi đi Sài Gòn sống với anh Phùng. Tại Sài Gòn, nhiều nơi vẫn còn dấu tích bị tàn phá bởi đạn pháo, và người dân vẫn còn nét lo lắng, ưu tư trên khuôn mặt. Riêng Huế bị cộng quân chiếm giữ 25 ngày, tàn sát hơn sáu ngàn dân rồi chôn vào mấy chục hố chôn tập thể trong thành phố. Nghe người ta kể lại, tôi thấy ớn lạnh vì sự tàn ác của Việt cộng.

Cuối năm 1968, cô Lang cho người báo tin cho chú Bảy là anh Thiện và Lộc đã chết trong một trận càn quét của  Sư đoàn 18. Nghe chú Bảy kể lại, tôi ra sau hè, ngồi lặng lẽ một hồi thì bật khóc nức nở. Kế tiếp là Ngọc, lính Sư đoàn 18, con trai duy nhất của chú Bảy cũng hy sinh trong một trận đánh vào cứ địa Việt cộng tại biên giới Việt – Miên. Rồi anh Phùng vào lính, sư đoàn 7 bộ binh, đóng quân tại căn cứ Đồng Tâm, gần thành phố Mỹ Tho. Tôi đi Tây Ninh, sống với anh chị Mùi trong trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi, từ giữa năm 1969 đến giữa năm 1970. Đây chính là thời gian tôi có những kỷ niệm thật đẹp, thật êm đềm, vui vẻ với nhiều người lính Mỹ, và hiểu rõ hơn tại sao người Mỹ đã đến đất nước tôi, ra công, ra sức, ra tiền, tốn hao bom, đạn, xương máu để bảo vệ miền Nam Việt Nam.

….

Trại Biệt kích Mỹ Bến Sỏi do một nhóm sĩ quan Lực lượng đặc biệt Việt Nam trực tiếp chỉ huy nhưng thuộc quyền chủ quản của Lực lượng đặc biệt Hoa Kỳ B16, tỉnh Tây Ninh. Trại cách biên giới Việt – Miên khoảng sáu, bảy cây số. Chung quanh công sự phòng thủ của trại có sáu hàng rào kẻm gai gắn mìn “định hướng”, loại mìn bắn mìểng về phiá trước chống địch quân xâm nhập. Vòng ngoài xa xa, ở phía Bắc và Tây là những xóm nhà dân, phía Đông là cánh đồng hoang, phía Nam là con sông Vàm Cỏ lượn lờ chảy ngang qua. Quân số của trại có bốn đại đội Biệt kích, thêm một đội Pháo binh tăng cường. Lính của ba đại đội : 349, 351, 352 đều là người Việt chính gốc. Riêng đại đội 350 do anh Vọng làm đại đội phó toàn người Việt gốc Miên, được Mỹ tuyển dụng từ tỉnh Trà Vinh.

Anh Vọng cũng là người Việt gốc Miên nhưng có nước da trắng hơn nhiều người Việt. Dáng người anh dong dong, phong nhã, trông như thư sinh. Khuôn mặt anh có nét rắn rỏi, can trường của một người lính dày dạn gió sương. Miệng anh lúc nào cũng nở nụ cười tươi, và tính tình rất hòa nhã, khiêm tốn. Có lẽ đó là điều khiến chị tôi hết mực yêu thương anh và sống với anh rất hạnh phúc. Tôi mừng cho chị tôi lấy được người chồng tốt. Anh Vọng thương tôi như em ruột. Lần này, chính anh viết thư kêu tôi đi Bến Sỏi sống với anh chị; cho anh chị em gần gũi nhau. Anh đã chờ cả buổi ở bến xe Tây Ninh để đón tôi, đưa tôi về Bến Sỏi. Anh kể lại, trong mấy năm qua, vì ở gần biên giới là vùng cứ địa Việt cộng, nên trại Bến Sỏi chịu đựng nhiều áp lực nặng nề của cộng quân. Đã nhiều lần cộng quân tấn công vào trại bằng chiến thuật biển người, tiền pháo hậu xung, nhưng đều bị thất bại trước sự chống trả quyết liệt của lực lượng Biệt kích Mỹ. Chúng rút lui, đã bỏ lại nhiều xác chết vắt vẻo trên các hàng rào kẻm gai. Còn chuyện hứng chịu những cơn mưa pháo của Việt cộng hằng đêm là chuyện quá thường tình đối với người lính Biệt kích Bến Sỏi và vợ con của họ. Chị Mùi theo anh Vọng mấy năm qua, đã quen với những gian nguy, khổ cực của đời vợ lính. Đạn, bom, sự chết chóc của con người trong chiến tranh, đối với chị đã trở thành quen thuộc.

Anh chị Mùi bấy giờ đã có một đứa con trai lên một tuổi, tên Quang. Tôi sống với anh chị và cháu Quang trong một căn nhà mái tôn xập xệ ở xóm dân, gần bến phà sông Vàm Cỏ. Anh Vọng bận nhiều công vụ, chỉ xẹt về nhà một chút khi có giờ rãnh. Mỗi trưa, tôi vào trại lãnh cơm về cho cả nhà ăn. Mỗi chiều, chị Mùi bế cháu Quang cùng với tôi vào trại, ngủ qua đêm trong một căn hầm chất đầy bao cát chung quanh và trên nóc; cũng là công sự phòng thủ rất kiên cố. Hai tháng đầu, tôi chỉ long nhong đi chơi trong các xóm dân. Tôi làm quen được vài đứa bạn cùng lứa tuổi, thường hẹn nhau đi hái ổi, hái me ở các vườn hoang. Ăn đã rồi bắn bi, vật lộn. Sau đó rủ nhau đi tắm sông, thi đua bơi lội. Có lần, tôi xin theo ca nô của các anh đội Giang thuyền. Ca nô lướt nước dọc theo dòng sông Vàm Cỏ uốn khúc quanh co. Hai bên sông, chen lẫn với hàng dừa xanh, là những khóm hoa dại đủ màu, đỏ, vàng, tím. Phong cảnh thật đẹp, nên thơ. Khi đã xa khu dân cư, các anh Giang thuyền quăng một trái lựu đạn xuống nước. Vài phút sau, cá nổi lềnh bềnh, nhìn vui con mắt. Chúng tôi tranh nhau vớt cá, cười, nói ầm ĩ. Đời sống thật vui, nhưng vô tích sự. Có lẽ thấy cái vô tích sự đó, nên giữa tháng 8 / 1969, tôi đi bán đậu phộng rang trong trại.

Pages: 1 2 3 4

Phản hồi