WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

‘’Thằng (thất) phu’’(*): Hữu trách với quốc gia?!…

 

Tưởng nhớ 3 năm, ngày Phù Thăng về cõi vĩnh hằng (21.2.2009 – 21.2.2012), 84 năm ngày sinh (1928 – 2012).

Cổ nhân có câu răn dậy hậu thế: ’’Quốc gia hưng vong, Thất phu hữu trách’’. Câu nói đó được dân Việt ngàn đời ghi nhớ, làm theo. Thời đại nào nước Việt cũng có hằng hà sa số Thất phu (1), điển hình là’’Thằng Phu’’ – (dọc lái đi của bút danh Phù Thăng) – tên thật Nguyễn Trọng Phu, người xã Công lạc, huyện Tứ kỳ tỉnh Hải Dương.

Cuộc đời ông là một bi kịch nhưng thật bi tráng, cái bi tráng của người trí thức chân chính, nhà nghệ sĩ tài năng, tâm huyết với đất nước, dân tộc, người  Quân  tử thời hiện đại luôn giữ được tôn nghiêm của mình:

Giầu sang không thể quyến rũ

Gian khổ không thể chuyển lay

Uy vũ không thể khuất phục.

Về Phù Thăng, không ai nói vắn tắt nhưng đầy đủ, sống động bằng nhà thơ Xuân Sách (đồng thời với Phù Thăng) – qua kí hoạ bức chân dung bạn mình bằng thơ, in trong tác phẩm Chân Dung Nhà Văn của ông:

Chuyện kể cho người mẹ nghe

Biển lửa bốc cháy bốn bề tan hoang

Đứa con nuôi của trung đoàn

Phá Vây xong lại chết mòn trong vây.

Trong 4 câu thơ, có tên 3 tác phẩm tiêu biểu của Phù Thăng:

Biển Lửa (truyện phim),

Phá Vây (tiểu thuyết),

Con nuôi của trung đoàn (truyện)

Nguyễn Trọng Phu – Phù Thăng, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1947. Theo lời Thiếu úy Đỗ Đức Dân: Nguyễn Trọng Phu là bạn thân, đồng hương, cùng đơn vi chiến đấu. Ông Dân chuyển ngành đợt 8 vạn binh sĩ giải trừ quân bị (1958), về làm phó chỉ huy công trường Khoan – Bắn mìn mỏ Cọc 6 – Quảng Ninh, nơi tác giả bài viết này đang làm thợ máy khoan BU dưới quyền ông – kể lại: Ngay từ khi làm báo tường của đơn vị, ’’cậu ấy’’ (ông Phu) đã kí bút danh Phù Thăng. Bạn bè vui, hỏi, NTP  xác nhận và giải thích: Tên tớ là Phu. Để nhấn mạnh với đời, tớ tự coi mình là ’’Thằng Phu’’ cho dân dã. Vả lại đang ’’học cầy – (Nông phu)’’ trên cánh đồng chữ nghĩa nên Thằng -  Phu – Chữ , vất vả lắm!

Khi báo chi phê phán cuốn tiểu thuyết Phá Vây (1963), ông Đỗ Đức Dân mới biết tình hình của bạn mình, xúc động, kể cho mọi người nghe những kỉ niệm về người bạn chiến đấu với vẻ nể trọng, tự hào…

Sau khi chuyển ngành, trở thành hội viên Hội nhà văn, trên văn đàn Việt Nam, Nguyễn Trọng Phu vẫn dùng bút danh Phù Thăng, và ngay sau đó Phù Thăng đã trở nên nổi tiếng qua cuốn tiểu thuyết Phá Vây. Và Phá Vây đã trở thành ’’sự kiện văn học’’ xứng đáng xếp vào loại ’’độc nhất vô nhị’’ trong lịch sử văn học của làng Văn Chương Việt, ở nửa sau thế kỷ 20!

Phá Vây viết về đề tài chiến tranh.

Nhân vật chính (hóa thân của tác giả) là cán bộ chỉ huy đơn vị trinh sát, có những suy tư về chiến tranh, về hòa bình khác thường, độc đáo… Lãnh đạo Văn Nghê thời đó rất ’’cay’’ nhà văn mượn lời nhân vật để phê phán chủ trương giải quyết các tranh chấp bằng bạo lực – chiến tranh. Quan điểm của PT  ngược lại quan điểm của học thuyết Mác – Lê nin đã được các’’môn hộ cực đoan’’ phát triển thành nguyên lý: ” Làm Cách Mạng không thể đeo găng tay” (J.Stalin), ”Súng đẻ ra chính quyền” (Mao Trạch Đông). Sau này (1975 – 1979) – Pol Pot – tên đồ đệ quái dị  của học thuyết mang mầu sắc ‘’Cộng sản kiểu Trung Hoa’’- đã phát triển hơn lên một bậc: Tiến hành đấu tranh giai cấp bằng’’bạo lực cách mạng’’, gây ra cuộc diệt chủng tàn bạo, man rợ với chính dân tộc mình)…

Trần Đăng Khoa nói văn tắt trong cuốn Chân Dung Và Đối Thoại của anh (xuất bản lần đầu 1999)về nguyên nhân Phù Thăng ‘’mang hoạ’’:

’Tập sách sẽ là con thuyền xuôi chèo mát mái nếu không có vài dòng Phù Thăng luận về chiến tranh…’’ (CD&ĐT trang 66).

Nguyễn Quang Thân trên TT&VH số 55 ngày 24.02.2008 – thì ‘’tóm tắt cụt lủn’’ về nguyên nhân tai họa của Phù Thăng chỉ do một câu than vãn: ‘’… Đời Lính là đời quá nhọc nhằn’’.

Nói và trích dẫn như vậy quá thiếu, dễ gây phản cảm cho người đọc, nhiều người đặt câu hỏi: Lẽ nào chỉ viết có thế mà các vị ‘’Trên’’đầy đoạ một con nguời – một nhà văn tài năng đến tận đáy cuộc đời?

Sự thực đoạn văn nặng kí ‘’vài dòng’’ do Giáo sư Nguyện Hưng Quốc trích – đưa vào một tiểu luận của ông – như sau: ”… Chiến tranh đã gây lên và sẽ gây lên bao nỗi đau khổ, vất vả, tủi nhục, căm giận khác nữa… Chiến tranh không có gì đáng ca ngợi cả, và đời lính chỉ là cuộc đời nhọc nhằn mà thôi. Nếu như trong chiến đãu có thu được cái vinh quang chân chính của nó, thì cũng đã trả một gía quá đắt. Phải sớm kết thúc cuộc đổ mắu cùng những thảm họa của nó !”.

Có thế chứ!

Đây mới chính là nguyên nhân khiến tác gỉa Phá Vây mang họa.

Đoạn văn, tác gỉa viết ra hoàn toàn không đúng lúc. Vào năm 1963 , khi nghị quyết’’chống xét lại hiện đại’’ của Trung ương ĐLĐVN (sau đổi tên thành ĐCSVN) khóa III đang được thực hiện, khi không khí chiến tranh đang bao trùm không gian Việt Nam, được hệ thống truyền thông truyền bá, tuyên huấn lí giải: Có 2 loại Chiến tranh: Chiến tranh Chính nghĩa và Chiến tranh Phi nghĩa. Chúng ta làm chiến tranh dù dưới hình thức nào, với lí do gì cũng là Chính nghĩa. Bọn Đế quốc và bè lũ tay sai gây chiến tranh là Phi nghĩa. Cần phải ủng hộ triệt để cuộc chiến tranh CHÍNH NGHĨA, chống lại chiến tranh PHI NGHĨA.

Thế mà Phù Thăng lại nói chiến tranh chung chung… và cần phải ‘’sớm kết thúc’’. Trong thời điểm đó, các đoàn quân đang rùng rùng chuyển động hướng tới chiến trường ở bên kia vĩ tuyến 17, làm sao có thể chấp nhận, cho ‘’luồng tư tưởng’’ này tồn tại.

Hệ thống tuyên truyền và nền Văn – Nghệ XHCN được huy động tối đa ủng hộ, cổ vũ cho cuộc chiến nhằm thống nhất đất nước. Bỗng dưng cuốn sách của Phù Thăng công khai nói ngược, thậm chí phủ định quan điểm về chiến tranh cách mạng của những người lãnh đạo, đó là  một ý kiến lạc lõng mang tính‘’chống đối’’. Không bị xếp vào rọ ‘’Phản động’’ là may cho Phù Thăng lắm rồi. Sếp lớn không nghi ngờ lòng trung thành của một sĩ quan quân đội nhiều năm cầm súng chống Pháp, giờ cấm bút chiến đấu trên mặt trận Văn Nghệ – chỉ gọi lên phê phán rồi yêu cầu phải sửa lại tác phẩm, (cắt bỏ những đoạn văn luận bàn về chiến tranh).

Phù Thăng không chịu, công khai từ chối:

”Thực tâm tôi nghĩ thế nào thì tôi viết ra một cách trung thực thế. Nếu các anh cảm thấy không được thì thôi, không in nữa. Nếu trót in rồi thì không phát hành nữa, chứ bây giờ bảo tôi chữa khác đi, thì thú thực tôi chẳng biết chữa thế nào”. (Chân dung và Đối thoại trang 67).

Một cuộc đối thoại’’ngầm’’ giữa hai thế lực diễn ra gay gắt:

- Thế là thế nào?

- Nuôi quân ba năm xử dụng một ngày. Đảng và Nhà nước nuôi anh, cho anh cơm ăn, áo mặc, môi trường để viết rồi gíup anh in ấn, phổ biến, quảng bá tác phẩm để anh gặt hái vinh quang. Giờ cần anh ủng hộ, dù chỉ một đoạn văn, một câu nói (…), anh lại từ chối à?

- Ơn đó tôi ghi nhận, nhưng đây là lương tâm, lương tri, bản lĩnh của người cầm bút chân chính, tôi không thể làm khác.

- Thế thì…được… được!…

Ngay sau đó, các Báo, Tạp chí ào ạt đăng tải những bài viết phê bình , lên án Phá Vây mà không cho tác gỉa lên tiếng thanh minh, bảo vệ. Cũng giống như trường hợp các nhà Văn cùng thời, từng bị ”Trói vào mà đánh, khen thay chịu đòn”. Kết quả là : Phá Vây bị thu hồi, tác giả bị treo bút, chuyển đi, lần lượt từ cơ quan này đến cơ quan khác, bị ‘’vô hiệu hoá’’. Từ đó không thấy ông xuất hiện trên văn trường VN nữa. Ông sống lặng lẽ cho tới khi về hưu – về quê nhà’’theo đít trâu’’ (đi cầy) với chú’’trâu điên’’ (theo CDvĐT), vui với đồng ruộng và lũ … gà – vịt (2). Đề tài này quả thật gai góc : Cả chục năm sau – Việt Phương cũng viết, bàn về chiến tranh, bằng những câu thơ ‘’Không hợp thời’’ và cũng phải về (làm) vườn… non:

Ta thắng Mỹ cho ngàn vạn năm đời sắp tới

Cho cả thời con cháu ta sẽ hỏi

Vì đâu?

Ngày xưa trước năm 2000

Người ta giết nhau,

mạng người như hòn sỏi?…

Sau Hiệp định Paris (1973) – Phạm Tiến Duật – cũng lại ‘’mất lập trường’’ khi than vãn về hậu qủa của  chiến tranh thể hiện trong bài thơ Vòng Trắng và đã thất sủng nhiều năm tiếp theo:

”…Khói bom lên trời thành một vòng đen

Trên mặt đất hiện bao nhiêu vòng trắng

Có mất mát nào lớn bằng cái chết

Khăn tang vòng tròn như một số Không…”

Việt Phương, Phạm Tiến Duật – cũng giống như Phù Thăng – có những suy nghĩ ‘’lệch lạc’’ về chiến tranh khiến ‘’Con thuyền… cuộc đời’’ họ một thời guian dài đã không ‘’xuôi chèo mát mái’’…

Cũng không thể ‘’trách’’ những người lãnh đạo đương thời, vì lúc đó, chủ trương, đường lối, nghị quyết giải phóng miền Nam bằng vũ lực đã ban hành, muốn thực hiện được mục đích, người lãnh đạo buộc phải làm như vậy.

Nhưng cũng không thể ‘’chê’’ Phù Thăng qúa cố chấp (…). Đó là ‘’nghiệp chướng’’ của người cầm bút chân chính! Cả hai phía hành động đều đúng theo ‘’chức trách’’ của mỗi bên… Cuộc đấu sức qúa chênh lệch khiến nhà văn phải lãnh nhận hậu qủa.

Có điều: Hành động của Phù Thăng khiến chúng ta nhớ đến chuyện viên quan viết Sử thời Đông Chu Liệt Quốc bên Trung Hoa, cách đây hơn 2000 năm, Sử gia Tư Mã Thiên đã ghi lại, có thể tóm tắt:

”Thừa tướng Thôi Trữ và Khánh Phương muốn thâu tóm quyền lực toa rập nhau giết Tề Trang Vương. Ông ta ra lệnh cho quan Ngự sử không được chép vào sử sách hành động giết vua của mình mà phải chép khác đi… Quan Ngự sử không nghe – TT giết ngay. Người em kế của viên quan chép sử thay  anh tiếp tục lặp lại: Ngày ấy… tháng ấy… Thôi Trữ giết vua!

Thôi Trữ  lại chém quanh ta.

Người em thứ 3 tiếp tục vào chéo thay hai anh.

Thôi Trữ chém một lúc hai người, mệt mỏi nhìn người em út kia, hỏi : Nhà ngươi có sợ chết không, sao lại chép như hai anh mình?

Người kia khẳng khái đáp: Sợ, nhưng đây là chân lí, là sự thật ta chết sẽ có người khác thay! TT buông gươm dơ tay lên than: Ta chịu thua các ngươi - rồi  tha chết cho em út người chép Sử.

Khi ra về anh ta thấy có rất nhiều người đứng xếp hàng ở ngoài cổng, ngạc nhiên hỏi, đám người kia giải thích: Chúng tôi chờ, nếu ông bị chém, sẽ lần lượt thay thế chức vị của ông”.

Ta cũng lại liên tưởng tới hoàn cảnh của nhà bác học Ga li lê vì  nói ngược ý của giáo hoàng (theo sử sách ghi lại). Nhà bác học lừng danh bị cột vào giàn thiêu xử chết.Trước lúc đao phủ – đồ đệ của giáo hoàng – châm lửa, họ được lệnh hỏi ông lần cuối : Có thừa nhận trái đất đứng nguyên không? (trong khi khoa học xác định trái đất quay…). Trước ngọn lửa rừng rực… Ga li lê đành chấp nhận và đồng ý cải chính: ‘’trái đất đứng nguyên’’… Khi được cởi trói, chưa ra khỏi giàn thiêu, ông đã lại thốt lên : Dù sao thì trái đất vẫn cứ… quay!

Gía – Phù Thăng hành xử như Ga li lê!

Gía ông đừng cố chấp…

Nhưng ‘’Thằng – Phu – Chữ’’ đã nêu tấm gương sáng về lòng dũng cảm của người Nghệ sĩ chân chính: Thà gánh chịu tai ương chứ nhất định không chịu uốn cong ngòi bút!  Có thể coi Phù Thăng là người chép Sử lớn của Việt Nam thời hiện đại, chỉ kém sử gia của nước Trung Hoa c cổ từ  hơn 2 nghìn năm trước – chút ít!…

Sự bất đồng quan điểm với lãnh đạo văn hoá, văn nghệ đã đến điểm đỉnh. Phù Thăng lại không khoan nhượng… Guồng máy chỉ đạo chiến tranh không thể để cho vật chắn cản đường: Phải ‘’gạt – xúc – quẳng’’ đi! Nó không thể tồn tại trước ‘’Ba giòng thác cách Mạng’’,’’ba mũi giáp công’’ nhằm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước ‘’dù có phải đốt cháy cả dẫy Trường Sơn…’’! Kết cục ‘’Không xuôi chèo mát mái’’ đã đến với nhà văn dũng cảm kiên cường!

Việt Nam ta có câu ngạn ngữ: ”Về đuổi gà cho vợ”, là ám chỉ việc các đấng trượng phu thất bại trong sự nghiệp, trở thành phế nhân, chỉ còn làm ông chồng suốt mùa đông ru rú bên bếp lửa vuốt… đuôi mèo (3), hoặc đuổi gà cho bà xã… Câu nói đó vận ngay vào Phù Thăng. Chỉ khác một điều, ông không hoàn toàn thất bại theo nghiã hẹp. Ông về phục vụ bà nhà: Đi cầy, và’’hàng phục trâu điên’’, chăn… Vịt – như Trần Đăng Khoa kể trong CD&ĐT!

Thế nhưng nếu Trâu điên, Vịt… không làm ông nhụt chí, thì…lũ GÀ lại làm ông phát điên. Trong Chân dung và Đối thoại, Trần Đăng Khoa dành cho Phù Thăng những giòng chứa chan ân tình rồi giới thiệu tóm tắt, truyện ngắn Hạt Thóc của PT. Có thể xem Hạt thóc (4) là tác phẩm‘’Nặng kí’’ trong sự nghiệp sáng tác sau Phá Vây. Người đọc ‘’rùng mình’’ khi nghe đoạn văn của Hạt Thóc, (cũng như đã từng rùng minh khi đọc ‘’vài giòng’’ trong Phá Vây) : ”… Thật tội nghiệp cho gã (nhà văn)! Thà gã cứ coi mình là một cục cứt để rồi mà sợ chó thì đời gã chẳng đến nỗi khổ như vậy….” .

Câu văn gợi cho ta nhớ tới câu ví: ”Trí thức không đáng gía bằng cục… Phân” của ông Mao (5)! Nhưng ‘’Trí – ta’’ hãy dẹp sự tự ái sang bên, tiếp tục nghe Phù Thăng, TĐK trần tình trong CDvĐT:

”… Chó đang thưa vắng dần… Chỉ ở Hà Nội mới có chó. Rất nhiều chó. Chó ngào ngạt suốt một rẻo đê Nhật Tân… Nhưng đó lại là những con chó hoà bình, chẳng có gì phải sợ. Khốn nỗi gã lại là hạt thóc, một hạt thóc bé nhỏ nên mới sợ Gà. Mà Gà thì ở đâu chẳng có. Chúng sinh sôi nẩy nở đàn đàn lũ lũ… đến cả những phố phường xầm uất… cũng có thể bất thần nghe tiếng gà gáy te te… bởi vậy tính mạng gã luôn bị đe dọa”. (CD&ĐT Trang 62 – 63).

Chó thì được bà con nông dân nuôi ở làng quê để giữ nhà chống trộm, để giúp các cháu bé ”làm sạch” sau khi các chắu bĩnh ra, chứ ở Hà Nội có điện, có nước máy, cần gì chó, ai nuôi chó… ta? Thế mà bây giờ chó ở làng quê, miền ngược đang thưa dần…’’chỉ ở Hà Nội mới có chó’’… thậm chí rất nhiều chó là đằng khác! Sao lạ vậy nhỉ?

Chó nhiều – chẳng việc gì phải sợ: Không phải chó điên, chó sói, chó Berger to như con bê, được nuôi phục vụ việc bắt trộm cướp, bắt hung thủ trong các vụ án hình sự! Đây là những con chó không thể làm hại người – chó thuần chủng…Việt , chó gia súc – ’’chó hoà bình’’ để có thể bóp riềng mẻ mắm tôm, nướng, ninh, xáo, nhựa mận –  nhắm với rượu cuốc lủi , đến độ mùi ngào ngạt chẳng những suốt rẻo đê Nhật Tân, mà còn lan ra, phát tán toàn Hà Nội, các địa phương khác cũng’’toa rập’’ bắt chước, khiến hàng ngày người ta ‘’đánh hơi’’ , lũ lượt kéo đến những quán cầy tơ 7 món rồi nhai ngồm ngoàm, nuốt ừng ực!

Chó – nhưng ”đó là những con chó hoà bình chẳng có gì phải sợ” – nghĩa là chúng không thể cắn người được. Ngược lại, chúng còn bị người ‘’cắn’’… lại – rồi ăn ‘’chín’’, nuốt ‘’tươi’’!

Một số ông chủ của đất’’Ngàn năm văn hiến’’ và ngay cả ở Sài Thành Hoa Lệ ”Hòn ngọc của Viễn Đông” – dùng chó làm phương tiện hốt vàng… Họ biến việc nuôi, cung cấp, nhập khẩu chó, (chở hàng thuyền, hàng đoàn xe) vượt biên giới đổ bộ vào đất Việt nhằm thu lợi! Rượu – thịt chó đã trở thành món hấp dẫn của cả dân Việt, khiến ngành kinh doanh’’mộc tồn – cây còn – con cầy’’ phát triển thành ngành kinh doanh xuyên  quốc gia. Chó của Việt ta gần hết, các lái buôn sang Lào, Miên, Thái khai thác mang về phục vụ thị trường đầy tiềm năng. Trong nền kinh tế thị trường chó (vẫn được định hướng XHCN) ngày một phát triển, phát đạt, khiến họ hàng nhà Khuyển đi dần đến tuyệt chủng bởi đám lái buôn, đám nghiện ăn – phân loại, xếp hạng: Nhất Vện, nhì Vàng, tam Khoang, tứ Mực – và’’tìm…diệt’’!

Thế là người này bảo người kia, rủ nhau ùn ùn, nghìn nghịt kéo đến tụ tập, hình thành từng mâm, từng nhóm, từng cặp… Từ gìa đên choai choai. Từ các ông, gã, thằng… Phu đến các Sỹ Phu đủ kích cở, chủng loại – đều có mặt trong bữa nhậu sau khi đã ước hẹn nhau ’’làm xong phi vụ…’’ – như các quan chức TP Hải Phòng và Huyện Tiên Lãng thoả thuận cướp thành công đầm cá của gia đình họ Đoàn rồi cùng nhau liên hoan bằng bữa thịt chó!

Đến ngay cả các nam thanh, nữ tú – sinh viên, học sinh – cũng hăng hái tham gia mâm rượu. xếp chân bằng tròn trên chiếu, đồng loạt vui vẻ, hả hê ”đưa cay”, gào lên – ‘’trăm phần trăm’’, thưởng thức hương vị của xâu dồi, kẹp chả, nồi nhựa mận, đĩa thịt luộc chấm mắm tôm chanh trong tâm trạng ‘’thăng hoa’’, say sưa nghẫm nghĩ về câu nói của dân gian:

 Sống ở trên đời ăn miếng Dồi chó

Chết xuống âm phủ liệu có hay không.

 

Tiếp đó, TĐK diễn giải – Hạt Thóc (5).

Câu chuyện kể về nhà văn bị tâm thần.

Gã tâm thần mang trong lòng nỗi ám ảnh, tưởng mình là một hạt thóc… và vì là ”Thóc” nên luôn sợ…’’Gà’’ – mổ!

Nỗi ám ảnh ngày một tăng… đến độ gã phải vào nhà thương điên để chữa trị. Rất may, thời đó được người bác sỹ tài giỏi, thân ái, thậm chí kính trọng trí tuệ gã người bệnh của mình. Ông bác sĩ nhân ái kia chăm sóc con bệnh tận tình đúng như câu khẩu hiệu do đích thân cụ Hồ nói về trách nhiêm của thầy thuốc, được ghi khắp nơi trên tường của các trạm xá, bệnh viện : Lương y ‘‘kiêm‘‘ từ mẫu. (Thầy thuốc kiêm mẹ hiền – nguyên văn lúc đầu phát ra, sau sửa ‘‘kiêm‘‘ thành ‘‘như‘‘). Gã được sống trong căn phòng : ”… chẳng có cửa rả, ngày đêm mở thông thống… bệnh viên chẳng có tường ngăn, rào chắn, bệnh nhân chẳng ai bị trói giữ giam nhốt…” (Sách đã dẫn, trang 63) – nghĩa là gã tâm thần được sống và chữa trị trong môi trường thoải mái, tự do…Nhờ vậy, nhà văn kia khỏi bệnh. Người ta cho gã xuất viện.

Trên đường từ bệnh viện về nhà, nghe thấy tiếng gà gáy… căn bệnh cũ tái phát… Người Bác sỹ lại phải ra tay cứu, chữa… khi tạm ổn, ông ta ngạc nhiên hỏi, gã trả lời: Quả thực tôi đã khỏi bệnh, tôi là NGƯỜI hẳn hoi!

- Thế sao nghe tiếng GÀ… anh lại sợ mà trở cơn vậy?

- Đúng! Dù tôi là NGƯƠI… Nhưng lũ GÀ kia lại cứ coi tôi là… HẠT THÓC – thì sao?…

Thực ra Phù Thăng không phài là ”Thóc”… Không phải ‘’Gà’’. Chẳng phải ’’Chó’’, lại càng không về… đuổi ”Gà”! Theo Trần Đăng Khoa : Nhà văn tâm thần là chỉ huy của một đoàn quân… ”ông chỉ khẽ vẫy tay là cái đoàn quân ấy rùng rùng chuyển động…”, (CD và ĐT trang 67).

- Phù Thăng là ”Tư Lệnh” của đoàn quân… ”Vịt”!

Việt Nam ta khi xưa thường gọi những người lao động là PHU : Phu Mỏ (thợ mỏ), Nông Phu (thợ cầy). Phu Xe (thợ xe kéo), Phu Mộ (thợ đào, bốc mả)… Phu… Phu… Nếu là người có chữ nghiã, trí thức thì gọi là SỸ PHU. Còn nếu là kẻ tầm thường – vô tích sự thì là THẤT PHU ! Nhà văn tự nguyện đại diện cho họ hàng nhà Phu bằng bút danh PHÙ THĂNG – THẰNG PHU, là bởi ông sinh ra từ giới cần lao này. Phù Thăng tình nguyện đại diện cho những Ông, những Gã, những Thằng Phu… vì Ông muốn làm một người Phu chân chính, thực hiện lời dậy cuả tiền nhân: ”Quốc Gia hưng vong, Thất Phu hữu trách”!

Nhưng, ông đã phải trả gía quá đắt cho hành động tích cực, dám đi ra ngoài khuôn mẫu để rồi nhận lấy sự trả thù của ý thức hệ. Phù Thăng chết dần, chết mòn trong vòng vây thù địch chỉ vì yêu quý chế độ, giữ vững khí tiết của nhà văn chân chính: Vắt’’ kiệt những giọt, những giòng… mắu lầy nhầy tủy – não để’’hữu trách với quốc gia’’, mà lẽ ra ông cần phải biết, nhớ: Người cầm quyền của chế độ không thích loại ‘’mắu’’ này!

Nếu ông chiụ làm ’’cục cứt’’ chồm hỗm để mà đợi lũ chó ngoạm – thì đời ông chắc sẽ khác đi nhiều!

Nhưng khốn nỗi: Ông là Phù Thăng – Thằng Phu… Chữ!

Sau sự kiện Phá Vây, trên văn đàn Việt Nam, tên tuổi ông bị sổ thẳng.

Cho đến nay, gần 50 năm trôi qua, kể từ ngày nổ ra sự kiện Phá Vây, người đương thời – lớp trẻ hậu sinh – không còn ai biết đến bút danh Phù Thăng nữa. Khi ông nhắm mắt suôi tay, tờ báo mạng Văn Chương Việt vẫn dành cho ông chỗ, để đăng tải truyện ngắn Hạt Thóc và vài dòng cáo phó chân tình. Đó cũng là thẻ nhang thắp, cầu cho ông về nơi chín suối thanh thản.

Giá như Phù Thăng chịu uốn cong ngòi bút!

Gía như Phù Thăng chịu sống xu thời!

Tiếc thay ông không sống, làm được như nhiều đồng nghiệp đã làm…

Phá Vây – đứa con PT rứt ruột đẻ ra – đã bị ‘’cầm tù’’ ngay khi mới chào đời. Bây giờ ‘’nó’’ cũng sắp lên lão (50). Có muốn phục vụ cho đời cũng không còn cơ hội vì cũng sắp’’lên đường theo tổ tiên’’.

Qúa muộn rồi! Tiếc thay!

Đứa con tinh thần nào của Nhà văn cũng muốn được sống thoải mái, tự do trong cuộc đời của chúng. Người cha, người mẹ nào cũng muốn đưọc nhìn thấy con mình khôn lớn trưởng thành… Nhưng, người cha Phù Thăng – Thằng Phu đã không may mắn: Mãi hai mươi năm sau (1963 – 1983) ‘’thằng Phá Vây’’ mới mãn hạn tù’’! Khi đó -Bố gìa yếu, mòn mỏi trong vòng vây… Con ngơ ngác, lạc lõng giữa cuộc đời.Chẳng ai biết hắn là ai?

Nếu được mãn nguyện trước khi nhắm mắt, chắc ông bố Phù Thăng sẽ ngậm cười mà an nghỉ ở thế giới bên kia!

 

BERLIN 10.02.2012

L.X.Q

© Đàn Chim Việt

——————————————-

(*) – Từ Phù Thăng, đọc lái đi thành Thằng Phu.

(1) . Theo giải thích của từ đoển tiếng Việt: Thất phu – Người đàn ông là dân thường, kẻ tầm thường, kẻ vô tích sự, (hàm ý coi khinh, theo quan niệm cũ) thể hiện trong câu mắng: Hạng thất phu. Đồ thất phu!

(2) – Trong phim Chuyện Tử Tế, Đạo diễn Trần Văn Thủy đã dùng câu bình rất ‘’sắc’’:’’Xem ra khoảng cách giữa nhà quay phim và gã chăn vịt chỉ là gang tấc’’. Phù Thăng trước khi về đi cầy là nhà biên kịch ở hãng phim, là nhà văn rồi về quê đi chăn vịt . ‘’Gã chăn vịt’’ của Trần Văn Thủy chính là Phù Thăng…

(3) – Nguyên văn câu ca dao:

Chồng người đi ngược về xuôi

Chồng em ngồi bếp vuốt đưôi con mèo .

(4) – Hạt Thóc – VCV đăng ngày 23.02.2008. http://vanchuongviet.org/vietnamese/vanhoc_tacpham.asp?TPID=7452&LOAIID=2&LOAIREF=1&TGID=1514

(5) – Từ trước tới giờ các sách báo đều coi câu này là của Mao Trạch Đông. Nhưng mới đây Tiến sĩ Nguyễn Đình Dăng  cho biết : Câu ví này được rút ra từ một lá thư V. Lénin gửi cho Đại văn hào M.Gorki ngày 15.9.1919 .Mao Trạch Đông chỉ lặp lại lời V.Lénin ! (Xem http://old.danchimviet.info/archives/52238 (dcv.info 12.2.2012)

 

8 Phản hồi cho “‘’Thằng (thất) phu’’(*): Hữu trách với quốc gia?!…”

  1. NON NGÀN says:

    CHIẾN TRANH VÀ HÒA BÌNH

    Chiến tranh là việc của quân sự (quân đội), nhưng hòa bình lại là việc của chính trị (chính quyền). Không có quân đội nào tự đánh nhau cả. Sự đánh nhau của quân đội hay của chiến tranh là do người làm chính trị, người cầm quyền điều khiển. Do vậy chiến tranh có chiến tranh chính nghĩa và chiến tranh phi nghĩa. Chiến tranh chính nghĩa là chiến tranh vệ quốc, chiến tranh tự vệ. Chiến tranh phi nghĩa là chiến tranh xâm chiếm, chiến tranh tranh bá đồ vương cho quyền lợi của cá nhân, phe nhóm riêng tư, không phải thật sự cho quyền lợi của xã hội, quốc gia, đất nước hay dân tộc. Tất nhiên chiến tranh chính nghĩa thì mọi người đều thấy. Nhưng có những cuộc chiến tranh phi nghĩa vẫn nhân danh chính nghia, tự cho là chính nghĩa, thì không phải bất cứ ai cũng thấy. Chiến tranh chính nghĩa thì có kéo dài bao nhiêu cũng chính đáng. Nhưng chiến tranh phi nghĩa thì cho dầu chỉ xảy ra chớp nhoáng trong thoáng chốc cũng không chính đáng. Dầu vậy, thường khi thì chiến tranh chính nghĩa không kéo dài lâu. Trong khi đó nhiều cuộc chiến tranh phi nghĩa lại thường kéo dài dai dẵng. Trong thế kỷ trước, khi Nhật hoàng phát động chiến tranh, đó là cuộc chiến tranh phi nghĩa vì nhằm vì quyền lợi riêng của nước Nhật. Nhưng khi Mỹ thả bom nguyên tử xuống đất Nhật nhằm kết thúc sớm chiến tranh, Nhật hoàng thấy không thể kéo dài cuộc chiến tranh vô vọng, phi nghĩa, thế là Nhật hoàng tuyên bố đầu hàng để cứu tổ quốc, nhân dân, đất nước Nhật bản. Nhật hoàng hoàn toàn không vì quyền lợi bản thân mình mà chỉ nghĩ đến dân tộc, đất nước Phù tang, sự đầu hàng hay tự nguyện chấm dứt chiến tranh đó lại trở nên cần thiết, chính nghĩa. Như thế, sự kéo dài hay rút ngắn, tính cách chiến tranh ra sao không nói lên điều phi nghĩa hay chính nghĩa, mà chính là mục đich hay tinh thần của cuộc chiến tranh mới nới lên tính cách chính nghĩa hay phi nghĩa của nó. Dầu sao chăng nữa, chiến tranh luôn luôn là công cụ của chính trị, không bao giờ là ý nghĩa tự thân của nó. Có nghĩa hòa bình vẫn luôn chính nghĩa hơn chiến tranh, cho dù chiến tranh là chính nghĩa hay phi nghĩa. Vậy nên, chỉ khi nào ngoài mục đích tốt mà không thể có hòa bình theo cách khác, chiến tranh bất đắc dĩ đó mới thật là chiến tranh chính nghĩa. Trái lại chiến tranh bằng mọi giá, nhằm đạt tới các mục đích chủ quan, sai lầm nào đó, chiến tranh đó không thể gọi được là chiến tranh chính nghĩa. Chiến tranh vỉ hòa bình, đó là chiến tranh chính nghĩa, chiến tranh vì chiến tranh luôn luôn chỉ là chiến tranh phi nghĩa. Chẳng hạn, chiến tranh tôn giáo, chiến tranh xâm chiếm, chiến tranh ý thức hệ v.v… nói trắng ra đều là những chiến tranh phi nghĩa. Bởi chỉ có chiến tranh tự vệ, chiến tranh vì hạnh phúc con người, chiến tranh giải phóng đất nước thật sự thực chất mới đúng nghĩa là chiến tranh chính nghĩa. Tức mọi sự chiến tranh nhân danh điều gì đó, hay núp dưới danh nghĩa nào đó mà không phải bản chất thật như tuyên bố công khai, đều không thể là chiến tranh chính nghĩa. Trong ý nghĩa chung hết, dù thế nào chăng nữa, mọi binh sĩ dẫn dân trong chiến tranh đều không thể tự quyết định về thân phận chính mình. Sự chiến thắng hay thất bại trong chiến tranh không phải hoàn toàn quyết định bởi sự chính nghĩa hay không chính nghĩa mà lắm khi chỉ do thời cơ, hoàn cảnh, do chiến lược, chiến thuật nhất định, do sự gan dạ liều lĩnh, mà không hẳn do tính nhân dạo, do sự quyết tâm hay lòng quả cảm. Bởi vậy người ta chỉ có thể đánh giá về ý nghĩa của chiến tranh mà không thể đánh giá sự thành công hay thất bại của chiến tranh. Sự anh hùng trong chiến tranh cũng vậy. Sự anh hùng hoặc do ý thức tự giác hay do hoàn cảnh bó buộc. Hoàn cảnh bó buộc đó là sự anh hùng bất đắc dĩ, ai cũng công nhận. Nhưng ý thức tự giác là sự anh hùng đúng nghĩa, chỉ bản thân người anh hùng đó thấy mà nhiều khi mọi người bên ngoài đều không thể nào nhìn thấy. Do vậy mọi tác phầm văn học nghệ thuật ca ngợi chiến tranh như là công cụ tuyên truyền đều hoàn toàn ngớ ngẩn hay vô nghĩa. Chỉ có các tác phẩm nghệ thuật nào ca ngợi lòng nhân ái, tinh thần hòa bình, mục đích cao cả chống chiến tranh ngay trong chiến tranh đó mới thật sự là tính nhân văn, tính văn hóa cao hay thật sự mới hoàn toàn ý nghĩa. Trên đây chính là ý nghĩa hay sự tự luận về chiến tranh và hòa bình một cách chính đáng và ngay thẳng nhất, không cứ là chiến tranh ở đâu, thời nào, do ai quyết định và quyết định vỉ những lẽ gì. Nói chung lại chiến tranh là hành vi tệ hại nhất trong xã hội con người. Bởi sự tàn ác cá nhân thường chỉ làm chết chóc, đau khổ một hay một số người, sự tàn phá cá lẻ. Nhưng chiến tranh là sự giết người hàng loạt, sự đau khổ hàng loạt, sự hủy diệt rộng lớn các thành quả cũng như nhân mạng của nhiều người. Do đó, mọi thái độ, lới nói, hành vi ca ngợi chiến tranh một cách vô ý thức đều phi nhân đạo và thấp kém. Tuyên truyền chống chiến tranh phi nghĩa là tuyên truyền đúng, nhưng tuyên truyền hòa bình giả tạo để nuôi dưỡng hay phát động chiến tranh là sự tuyên truyền đối gạt và sai trái. Ngược lại mọi sự tuyên truyền chiến tranh chỉ nhằm chiến tranh đó đều là những tuyên truyền tàn ác và phi nghĩa. Chính bởi thế mọi lý thuyết đề xướng dùng bạo lực nhằm giải quyết những vấn đề xã hội đều là các tà thuyết. Cho dù bạo lực đó được gọi là bạo lực cách mạng cũng chỉ là lạm dụng danh từ, ngụy tạo hay ngụy trá. Bởi cách mạng hay không cách mạng là do chính trị quyết định mà không phải do bạo lực hay chiến tranh. Chỉ có khi hòa bình lập lại, ý nghĩa của cách mạng hay của chiến tranh đó mới có thể hiện rõ nguyên hình là như thế nào. Còn trong khi bạo lực hay chiến tranh đang xảy ra, đó chỉ là quán tính của sự tàn ác nhân quả lẫn nhau mà không có gì là trong sáng hay đúng đắn cả. Cũng bởi thế mà các khẩu hiệu như quyềnlực trên đầu súng, chiến tranh hay chính trị là thống soái v.v… và v.v… thực chất chỉ nói lên các ý thức, các tâm hồn bệnh hoạn đã lợi dụng con người, lợi dụng xã hội, lợi dụng lịch sử cho các tham vọng hay điên cuồng riêng tư mà thực chất không hề mang ý nghĩa nhân bản hay nhân văn cần thiết hoặc chính đáng gì cả. Hay nói khác đi, thực chất đó mới chính là sự phản lại con người, phản lại xã hội, hay nói chung mới thật sự là phản động.

    ĐẠI NGÀN
    (27/02/12)

  2. BẠN ĐỌC says:

    Nhiều lúc đọc comment cuả anh thích thú hơn cã đọc bài viết chính cuả các tác giả.
    tHIỄN NGHĨ , Những phản ứng thẳng thắng cũng biến hoá đuợc ít nhiều u tật do lịch sử , do văn hoá, do hoàn cãnh… lẫn khuất trong các thế hệ nguời Việt…
    Cám ơn anh Lại Mạnh Cường.

    • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

      Xin cám ơn BẠN ĐỌC đã đồng cảm, nên khen … quá tay.

      Ở đây tôi chỉ vui “miệng” bàn góp chơi, rồi lại giật mình e dài quá qui định, sẽ bị cắt xén ngang xương, hay nhận lời trách cứ từ Ban Biên Tập.
      Lẽ ra tôi cần viết thành bài bản đàng hoàng hơn, hay góp ý nhiều kỳ, để mổ kỹ hơn nữa. Chẳng hạn cái thường được nạn nhân (như cha con Vũ Thư Hiên chẳng hạn) gọi là “vụ án tù mù Xét Lại Chống Đảng”, mà không ít người bị mắc “bệnh liên quan”, chả khác chi thời Cải cách Ruộng đất !
      Nếu tôi nhớ không nhầm thì nhà văn Bùi Ngọc Tấn cũng bị qui chụp vào nó, nên mới có CHUYỆN KỂ NĂM 2000 ra mắt ở trong nước. Sách lọt lưới chẳng bao lâu lại bị thu hồi và cấm lưu hành một thời gian dài !
      Trần Thư qua TỬ TÙ TỰ XỬ LÝ NỘI BỘ ra mắt ở Mỹ (Nghe tác giả than là, nhà xuất bản thêm chữ vào cho “gây cấn”, nhưng lại hại bạn vô ngần ! Bởi mới đọc qua tựa đề, người ta liên tưởng ngay tới đám xã hội đen, kiểu như truyện Mafia tựa đề Bố Già rất nổi tiếng của nhà văn Mỹ gốc Ý Mario Puzzo …)

      LMC

      Lẽ ra tôi phải “mổ” kỹ câu hỏi (thực ra có câu trả lời trong đó) của Xuân Sách:

      TÔI KHÔNG HIỂU VÌ SAO, LẦN NÀY VÀ NHIỀU LẦN SAU NỮA, CỨ CÓ BIẾN ĐỘNG CHÍNH TRỊ XÃ HỘI GÌ XẢY RA THÌ NGỪOI TA CHỌN NGAY GIỚI VĂN NGHỆ SĨ ĐỂ TIẾN HÀNH ĐẤU TRANH TƯ TƯỞNG TRƯỚC TIÊN VÀ ƯU TIÊN CHO CÁC TÁC PHẨM VĂN HỌC !

  3. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa tác giả và bà con,

    Theo tôi nhận xét, tác giả Lê Xuân Quang “ca cải lương” hơi bị nhiều, nên làm “loãng mất” sự chính xác ra sao về sự cố Phá Vây của Phù Thăng !

    1/
    Xuân Sách là bạn chí thân với Phù Thăng, đã viết một bài hồi ký lấy tên PHÁ VÂY, để viết về sự cố đó ra sao. Tìm kiếm trong internet tin tức tác phẩm Phá Vây của Phù Thăng, tôi đọc được bài viết này.

    Nguyên do cũng tình cờ tôi lạc bước vào blog nhà văn Nhật Tuấn (NT), em trai nhà văn Nhật Tiến, và là tác giả mà tôi hâm mộ ngay từ thập niên 90 qua tác phẩm Đi Về Nơi Hoang Dã.

    Hâm mộ cực kỳ Chân Dung Nhà Văn của Xuân Sách, NT đã tung chưởng lực tới mức độ tối đa là “12 thành công lực”, bằng một loạt bài, vẫn còn đang viết tiếp tục, nhằm tán rộng tác phẩm tả chân các văn nghệ sĩ thời CS bằng thơ ấy của Xuân Sách. NT đã cố “giải mã” Chân Dung Nhà Văn, qua những giải thích (chủ quan) rất lý thú, bằng sự dựa vào chứng cớ và lý luận riêng. Qua đó chúng ta có thêm hương vị đậm đà khi đọc sách bị cấm của Xuân Sách.
    (Khi về VN tôi vào năm 2003 tôi tình cờ thấy trên giá sách của nhà sách Khai Trí cũ tại Sài Gòn, có tác phẩm trùng tên, nhưng của tác giả khác. Đọc sơ qua tôi thấy là hàng mạo hóa, nên không mua. Bởi tôi đã có bản sao bản chép tay của Xuân Sách, khi tác phẩm của ông bị tịch thu và bị cấm lưu hành sau khi cho in ra. Ông đã phát tán bằng cách sao chụp bản thảo gửi cho bạn bè khắp nơi làm tài liệu. Nhóm Thông Luận Paris đã sao chụp thêm và tôi xin được gần chục bản, để tiếp tay phổ biến rộng)

    Động lực lớn giúp cho tôi tìm hiểu thêm về Phù Thăng, khi tôi đọc những lời “bình loạn” của fan blogger Nhật Tuấn dưới bài viết về Phù Thăng, kèm theo với nhiệt tình hồi âm của blog chủ NT !
    Thực ra cách nay khoảng hơn 10 năm, khi nhận được sách Chân Dung và Đối Thoại của Trần Đăng Khoa do một anh bạn ở Tiệp chuyên bán sách báo trong nước ở các chợ trời VN vùng Tây Tiệp, tôi đã chú ý đến hai bài viết: về Tố Hữu và về Phù Thăng. Lúc đó tôi chưa biết ông là ai, nhưng cám cảnh cho ông quá chừng ! Và tôi đã làm quen với ông qua mấy câu thơ của Xuân Sách trong Chân Dung Nhà Văn đã có sẵn từ lâu.

    2/
    Về bài viết của Xuân Sách nói trên, qua internet có ghi chú ngay khởi đầu

    Di cảo của nhà văn Xuân Sách được con trai ông, anh Ngô Nhật Đăng cung cấp cho Phongdiep.net . Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc

    [trích]
    Sau đó chúng tôi được gọi về dự trại sáng tác của Tạp chí VNQĐ thật.Trại đặt ở Thanh Liệt ngoại thành.ở trại Phù Thăng viết tiểu thuyết Phá vây khiến tiếng tăm nổi như cồn,nhưng cũng vì Phá vây mà anh phải hứng chịu một tai nạn cực kỳ vô duyên và đắng cay tới số.

    Hồi đó chúng tôi còn trẻ,làm lính nếm mùi bom đạn nên bớt sợ súng,còn về văn chương thì đúng là “điếc không sợ súng”.Chúng tôi lao vào công việc như trâu bò,trời nóng,không có quạt,điện chập chờn chỉ có mấy bóng đèn đỏ quạch,đêm muốn viết phải chong đèn dầu,sáng ra thằng nào thằng nấy lỗ mũi đen xì vì hít muội khói.Hòang Văn Bổn xương xẩu vêu vao cày đã ghê nhưng còn kém Phù Thăng một bậc.Trong vòng hơn một tháng hắn viết được hơn ba trăm trang bản thảo.Viết bằng bút thường chấm mực trên khổ giấy pơ luya mỏng đặt trên tờ bìa dày có kẻ hàng làm chuẩn.Chữ hắn đều tăm tắp đẹp mê hồn.Sau này đưa xuống nhà in công nhân cứ thế sắp chữ lên khuôn in ra trên 600 trang (có thể ghi vào kỷ lục Ghinet).

    Phá vây bán chạy như tôm tươi,dư luận khen ngợi. Đề tài chiến tranh địch hậu còn mới,là quyển sách hay vào thời đó (1961).Tiền nhuận bút so với bây giờ là rất cao.Trên ba ngàn đồng,trừ ăn khao Phù Thăng còn xây được ngôi nhà ở quê cho cha mẹ,hắn khoe với tôi không kém gì nhà chánh tổng và coi như đã làm được việc báo hiếu.

    Thời đó người viết ít,có sách được in càng hiếm.Thơ văn thường in chung,ai giỏi lắm mới được in riêng một tập trên dưới trăm trang có hàng chữ ngang trên đầu “Tác phẩm đầu mùa”.Năm 1962 tôi cũng được Nhà xuất bản Văn học cho in một tác phẩm đầu mùa chưa được trăm trang mà đã sung sướng lắm.Huống chi Phù Thăng xuất hiện với cuốn tiểu thuyết dày cộp,lại được dư luận chú ý thì quả là một hiện tượng.Cứ thế mà “phù nổi”mà “thăng thiên” thì cũng không có gì quá đáng. Khao bạn bè ở cửa hàng nổi tiếng với menu tám món trên phố Hàng Buồm giá cố định cứ 5 đồng một người.Khổ chủ Phù Thăng đặt vò ruợu nút lá chuối khô lên bàn tuyên bố :

    -Tôi định chiêu đãi các ông suất 10 đồng,nhưng quy định ở đây chỉ có thế,vò ruợu này tôi lên tận làng Vân mua về mời các ông chiếu cố.
    Một người nâng cốc :
    -Nào chúng ta cùng cạn chén …phá vây cùng tác giả.

    Vậy mà tai họa ập đến như tiếng sét giữa trời quang.Năm 1962 ở Liên Xô nảy nòi một bọn “xét lại”,chống đường lối xây dựng CNXH,xét lại chủ nghĩa Mác – Lê Nin.Nước ta phải hưởng ứng việc ngăn chặn loại trừ tận gốc tư tưởng đó càng nghiêm càng tốt.Tôi không hiểu vì sao,lần này và nhiều lần sau nữa,cứ có biến động chính trị xã hội gì xảy ra thì người ta chọn ngay giới văn nghệ để tiến hành đấu tranh tư tưởng trước và ưu tiên cho các tác phẩm văn học.Và hai tác phẩm “điển hình”lần này là “Vào đời” của Hà Minh Tuân và “Phá vây” của Phù Thăng.

    (…)

    Còn “Phá vây”như tôi đã nói ở trại viết tất cả các bản thảo đều được tác giả đọc trước tòan thể trại viên để đóng góp ý kiến.Phá vây đọc ròng rã trong hai ngày.Trong buổi góp ý gần như mọi người đều đánh giá tốt,không có “vấn đề” về nội dung,chỉ có một số ý kiến về chi tiết để tác giả sửa chữa.Hôm đọc có cả đại biểu đặc biệt là biên tập viên Nhà xuất bản Quân đội.Sau khi sửa chữa lần cuối,bản thảo được đưa về Nhà xuất bản làm thủ tục rồi đưa luôn xuống nhà in không cần đánh máy.Thời bấy giờ in một cuốn sách dày như Phá vây mất rất nhiều thời gian,và đã xảy ra một chuyện ngoài dự đóan của mọi người.

    Trong thời gian theo dõi và chữa bông ở nhà in,Phù Thăng được đọc cuốn “Tấc đất”,cuốn sách viết về chiến tranh vệ quốc của Liên Xô do Nhà xuất bản Quân đội dịch và in.Tác giả Phá vây rất thích cuốn này,bởi Liên Xô đã qua chiến tranh hơn một thập kỷ,tác giả Tấc đất với độ lùi thời gian đã thể hiện chiến tranh với những khía cạnh mặt trái.Từ cảm nhận đó Phù Thăng có ý muốn sửa chữa đôi chỗ trong tác phẩm của mình.Sách đã lên khuôn không thể sửa nhiều,anh chỉ thêm một đọan cho nhân vật chính của mình được đa dạng phong phú hơn trong tư tưởng.Đọan văn “oan nghiệt” đó lúc in ra chỉ được hơn chục dòng ở đọan cuối trang 147.Vậy mà trong chiến dịch kia người ta đã “soi”đúng những dòng đó và kết luận :
    “Người chiến sĩ đi chiến đấu bảo vệ đất nước mà còn tính toán được mất thì đấy là tư tưởng của lái trâu”.

    Và lão “lái trâu” Phù Thăng lập tức ăn đòn,anh bị ra khỏi quân đội chuyển sang xưởng phim.Đấy là kỷ luật không nhẹ thời đó.Phù Thăng là người có nghị lực không chịu gục ngã.Sang cơ quan mới anh viết kịch bản “Biển lửa”được dựng thành phim.Anh còn in tập truyện ngắn “Chuyện kể cho người mẹ”và tập sách cho thiếu nhi “Đứa con nuôi của Trung đoàn”.Người ta chưa quên Phá vây và lần này tập sách viết cho thiếu nhi cũng bị soi và tìm ra vết.Lúc này lại xảy ra một chuyện nữa,đạo diễn nổi tiếng Phạm Văn Khoa dựng phim Chị Dậu,ông chọn một số diễn viên là nhà văn.Cụ Nguyễn Tuân vai chánh tổng,Kim Lân vào vai Lý trưởng còn Phù Thăng vinh dự được nhận vai thằng Mõ.Một sự lựa chọn xác đáng,anh chàng có cái đầu to người nhỏ lại thiếu hai cái răng cửa,da đen đúa đánh một hồi mõ,há cái miệng rộng : Chiềng làng chiềng chạ y chang thằng mõ hết chê.Máy đã bấm không hiểu tại sao cái “tin dữ”đó bay về tận cái làng Tất Lại Thượng,Tứ Kỳ,Hải Dương quê anh.Và người nhà lên tận Hà Nội kéo Phù Thăng về quê.

    Họ Nguyễn Trọng họp chất vấn :
    - Cái họ này đã đến nỗi nào mà anh đang tâm bôi xấu,tưởng anh đã làm ông này ông nọ,sao lại đổ đốn đi làm thằng mõ ?
    Phù Thăng lúc đầu cười khơ khớ giải thích về vai trò diễn viên trong nghệ thuật thứ bảy,thằng mõ diễn viên khác hẳn thằng mõ ngoài đời.Vô ích,các cụ có lý lẽ của mình :

    – Anh là nhà văn đã viết được quyển sách to đùng ,vang danh cả nước,bây giờ anh lại làm thằng mõ trong phim chiếu cho cả nước xem,mặt mũi bày ra đấy làm sao chối được.Chúng tôi đi ra khỏi nhà chỉ cần người ta bóng gió họ Nguyễn Trọng làng này mộ tổ phát lớn hay sao mà ông nhà văn bây giờ lại được làm thằng mõ.Chúng tôi bàn rồi ,anh chỉ có hai con đường,một là bỏ thằng mõ,hai là bỏ cái họ này ,bỏ cái làng này đi đâu thì đi.

    Không còn đường nào khác Phù Thăng về Hà Nội xin thôi việc,lĩnh “Một cục”trở về làng làm dân thường.Từ đó “thằng Phu”vác cày ra ruộng đi sau con trâu, “thằng Phu”chọn cây tre buộc túm lá chuối khô làm sào chăn vịt.
    Mỗi khi thả vịt nằm lều mà không quên được “nghiệp”văn,Phù Thăng lại suy nghĩ về một quyển sách sẽ viết,những trang hồi ký,thỉnh thỏang còn làm thơ,thơ anh cũng không xòang.
    [hết trích]

    3/
    Thưa tôi thiển nghĩ , qua Xuân Sách chúng ta đã thấu rõ nội vụ từ A đến Z ra sao. Nhất là để hiểu thân phận “gia cầm gia súc) của văn nghệ sĩ thời CS, tùy thời tùy hứng của đảng CS mà lúc đươc thả lỏng quanh quẩn trong sân trong chuồng, lúc bị trói đem ra vặt lông mần thịt.

    Chả riêng gì mình Phù Thăng, mà trong di cảo của Xuân Sách nói trên đã dẫn chứng luôn trường hợp đáng thương của nhà văn Hà Minh Tuân như sau:

    [trích]
    Nhà văn Hà Minh Tuân lúc này đang là Giám đốc Nhà xuất bản Văn học.Trước Vào đời ông đã có hai tiểu thuyết là Trong lòng Hà Nội và Hai trận tuyến.Tiểu thuyết nghiêng về hồi ký.Ông họat động từ thời “tiền cách mạng”,là một trong những chỉ huy cuộc khởi nghĩa giành chính quyền và bảo vệ Thủ đô thời 45-46.Nhưng ông rẽ sang đường văn,nếu không đã làm to.Ông được anh em nhà văn yêu mến tin cậy bởi quan niệm,cách làm việc và nhất là tư cách của ông.Khi viết xong “Vào đời” dù in ở “nhà mình”ông vẫn cẩn trọng đưa cho anh em biên tập đọc,còn có hàm ý muốn được góp ý vì các biên tập viên đều là bậc đàn anh trong nghề như chị Anh Thơ,anh Quang Dũng,anh Xuân Hòang vv…Tác phẩm này ông viết về đề tài hiện đại,lớp thanh niên mới vào đời,tích cực là chính,tiêu cực so với thực tế lúc đó cũng chưa là gì cả,chỉ như gảy vài cái mụn ghẻ trên cơ thể.Ban biên tập đọc xong bàn riêng với nhau :

    Văn chương của cụ như vậy cũng là được,suôn sẻ ,chỉn chu,còn nội dung tư tưởng thì khỏi lo,cụ mà còn “mất lập trường”nữa thì cánh chúng ta đi tù cả nút.
    Điều không may quyển sách lại ra đời đúng thời điểm lửa bỏng thế là nên chuyện.Hà Minh Tuân mất chức giám đốc,mọi người chỉ biết thế,không ai dám bàn tán vì sợ cháy thành vạ lây.Một thời gian dài sau đó một lần tôi tình cờ gặp ông trên phố, tôi chào ông và hỏi thăm xem ông làm việc ở đâu.

    Vẫn với thái độ nhã nhặn,nụ cười hiền hậu vốn có ông trả lời :
    – Cám ơn anh có lời hỏi thăm,tôi chuyển sang Bộ Thủy sản làm ở Vụ Cá nước lợ.
    Lần đầu tiên trong đời tôi nghe tên một cơ quan như vậy.Rồi ông cầm tay tôi nói tiếp :
    – Bây giờ tôi biết thêm một chút về “người nước lợ”nhưng cá nước lợ thì vẫn mù tịt.

    Tôi nghĩ chắc vì nhân thân,vì thành tích họat động cách mạng dày dặn của ông mà ông thóat được việc đi cải tạo lao động.Nhận một công việc tréo ngoe như thế cũng là cách “ngồi chơi xơi nước”mà cả hai bên đều chấp nhận được.Thế cũng là may,nhưng không hiểu sao khi tạm biệt ông tôi lại có một linh cảm tệ hại là ông sẽ phải chịu cay đắng nhiều hơn thế.Rất buồn là tôi không nhầm.Có thể nói số phận ông thê thảm hơn tôi tưởng.Ông trở thành một ông già cô độc,trắng tay,vợ con,nhà cửa,bạn bè…mất hết,ra đi như một người cùng khổ lẩn thẩn ngơ ngác mà không biết mình phạm tội tổ tông gì.
    Và lần ấy tôi đã viết chân dung ông với dự cảm không lành đó :

    Bốn mươi tuổi mới vào đời
    Ăn đòn hội chợ tơi bời xác xơ
    Giữa hai trận tuyến ngu ngơ
    Trong lòng Hà Nội bây giờ ở đâu
    [hết trích]

    Còn tôi đọc sách VĂN NGHỆ SĨ MIỀN BẮC NHƯ TÔI ĐÃ BIẾT của Xuân Vũ, mới hay tác phẩm ĐỐNG RÁC CŨ của Nguyễn Công Hoan, một tay cô đầu văn nghệ nổi tiếng, bị đánh tơi tả ra sao, và sau đó Nguyễn Công Hoa bị thất sủng luôn.

    Nhìn chung, văn nghệ sĩ cũng có kẻ ngay người gian, nhưng tuyệt đại đa số phải “giả dại qua ải”, nghĩa là phải biết “sợ” như Nguyễn Tuân; hay “can đảm lắm” thì cùng viết văn thơ phải biết rằng viết “một câu trung phải kèm theo ngay một câu nịnh” như Nguyễn Minh Châu thố lộ ! Chưa kể không ít kẻ như Chế Lan Viên, muối mặt ngồi vào bàn tiệc để thản nhiên nhồm nhoàng nhai bánh vẽ ! Bởi không thế, sẽ mang tiếng “phá rối cuộc vui” và bị mời ra khỏi bàn tiệc; hay bị qui kết “hết khả năng nhai”, nên không còn cơ hội ăn bánh thật !
    Nếu tôi nhớ ko lầm thì một nhà học giả nổi tiếng, tác giả một quyển tự điển (Đào Duy Anh ?) từng nói riêng với người thân cận đại khái: Muốn đọc tôi thì chỉ nên đọc ở phần giữa, còn phần đầu và phần cuối nên bỏ ! Bởi các phấn đó để cám ơn Bác và Đảng, trích dẫn tùm lum câu nói của các ông tổ CS để làm bùa hộ mệnh.
    Kinh nghiệm bản thân là một lần tôi đọc luận án tiến sĩ về văn suôi VN, bảo vệ vào giữa thập niên 90, thấy quả y như thế thật. Đó là cái công thức mà ai muốn sống sót phải nắm cho vững.

    Mong được nghe thêm cao kiến bốn phương trời. Xin cám ơn trước rất nhiều.

    A’dam, 18-02-2012
    Kính cáo,
    Lại Mạnh Cường

    Ghi chú:
    Cũng tương tự như nhà văn Hà Minh Tuân khi gặp nạn, tôi cũng qua vụ việc Đoàn Văn Vơn ,mới rõ một số tổ chức trong xã hội công dân (civil society), như ông Vũ Văn Luận, đương kim tổng thư ký Liên chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ huyện Tiên Lãng.

    RFA phỏng vấn và ông VVL trả lời hay ko thua gì ông nhà văn Hà Minh Tuân:

    - VVL: Đầu tiên tôi rất vui, vì đó là chân lý mà chúng tôi đã khẳng định suốt từ năm 1993 đến nay. Dân chúng rất hoan nghênh quan điểm của chính phủ (trung ương), vì như thế mới hợp với lòng dân

    Hỏi (H): Vì sao điều sai trái đó lại kéo dài lâu?

    - VVL : Thứ nhất, do yếu kém trong quản lý; thứ hai, từ những ý đồ khuất tất của họ (lãnh đạo địa phương) từ đó đến nay; thứ ba, sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể các cấp quá muộn màng.
    Đây là một vấn nạn lớn ở VN, bởi nó liên quan đến rất nhiều vụ khiếu kiện đất đai khác nữa.
    Theo tôi, tới đây đảng và nhà nước VN phải làm tổng kết để rút kinh nghiệm.

    H: Ông mong mỏi việc thực thi của chính phủ tới đây ra sao ?

    VVL: Có lẽ chúng tôi còn phải chờ đợi một thời gian nữa.

    • Lâm Hoàng Mạnh says:

      Lâu lắm mới thấy “phảm hồi gia” phản hồi “nên tấm nên miếng”.
      Bái phục anh bạn già thân mến.
      Chúc khỏe và phản hồi khỏe.

      • LẠI MẠNH CƯỜNG says:

        Lâm đại ca nhã giám,

        Tiểu đệ xin trước tiên có lời thăm hỏi và chúc ca ca cùng toàn gia mạnh khoẻ. Thêm nữa chúc mừng tác phẩm của ca ca thành công mỹ mãn.

        Thiển nghĩ ca ca nên cám ơn ông Xuân Sách mới đúng, bởi chẳng riêng tiểu đệ mà rất nhiều người đã nhờ ông mà “sáng mắt sáng lòng” rất nhiều về mặt thật nhà văn thời CS (nhất là thời nội chiến hai miền Nam Bắc mà đệ ít biết, đúng hơn là hầu như không biết gì, về họ). Có Chân Dung Nhà Văn làm điểm tựa, đệ cứ thế lần mò làm quen, rồi nhẵn mặt “anh tài” đảag ta nơi đất Bắc xã nghĩa.

        Xin cám ơn luôn Nguyễn Hưng Quốc (NHQ), viết luận đề rất hay qua tác phẩm VĂN HỌC VIỆT NAM DƯỚI CHẾ ĐỘ CỘNG SẢN (1945-1990), nhà xuất bản Văn Nghệ, Cali, 1991.
        Nguyễn Hưng Quốc học văn sau 1975 ở Sài Gòn, tức thời CS chiếm trọn cả nước, nên nắm khá vững những cốt tủy của sinh hoạt văn học nghệ thuật thời CS ra sao, để từ đó khéo léo mổ xẻ chi tiết các căn bệnh mạn tính, nguy hiểm của nền văn học CSVN. Dĩ nhiên không thể phủ nhận tài năng và sự chịu khó sưu tầm tài liệu để khảo cứu nghiêm chỉnh, có hệ thống và rất khoa học của tác giả. Xin có lời ngợi khen nhiệt liệt NHQ (thời đó Quốc viết ác (liệt) hơn giờ nhiều, bởi chuyên khảo cứu ko để mầu và mùi chính trị dính vô làm “hoen ố”, “giảm giá” ít nhiều giá trị tác phẩm văn học)

        (Mở ngoặc đơn, theo email của nhà văn Nguyễn Mộng Giác gửi cho tôi hồi 06 tháng tư năm 1999 qua địa chỉ một anh bạn, thì Quốc là học trò của Mai Quốc Liên ở đại học Sư phạm sau 1975.
        Mai Quồc Liên nghe nói về tác phẩm SÔNG CÔN MÙA LŨ (SCML) viết về Tây Sơn Nguyễn Huệ, nên nhờ Quốc khi về Úc mua dùm, nhưng Quốc không thực hiện. Nên khi nghe ông Liên công tác qua Mỹ, ông Giác nhắn bạn mình là Trương Vũ, gửi tặng Liên bộ trường thiên tiểu thuyết ấy (mà ông Giác ký tặng riêng cho ông Vũ).
        Ông Liên.đã say mê đọc trên chuyến máy bay về lại VN, nên sau đó tìm mọi cách vận động các nơi quen biết để được phép cho in lại trong nước SCML.
        Khi tôi qua Mỹ đến nhà ông Giác chơi, ông còn cho tôi hay, ông đã giao hẹn trước là, toàn quyền in ấn miễn phí, miễn là không được sửa chữa một tí ti nào. Thế nhưng vẫn có lời ong tiếng ve khi người ngoài nước thấy sách của NMG được trân trọng in ấn và phổ biến trong nước. Thật đáng buồn !
        Với tôi Nguyễn Mộng Giác là nhà văn tôi thích nhất qua hai bộ trường thiên tiểu thuyết SCML và MÙA BIỂN ĐỘNG. Ông viết truyện ngắn cũng hay, nhưng sở trường vẫn là chuyện dài.
        Tôi xem Mùa Biển Động như là Hậu Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ; và Tuấn, Chàng Trai Nước Việt của Nguyễn Vỹ là Tiền Khu Rừng Lau ! SCML lại trước cả truyện dài của Nguyễn Vỹ. Cùng thời với Khu Rừng Lau còn có DÒNG SÔNG THANH THỦY của Nhất Linh.
        Thực ra sắp đặt như thế cho dễ nhớ những tác phẩm dài hơi nổi tiếng, chứ còn có các tiểu thuyết hay hồi ký khác cũng rất hay. Chẳng hạn BỊ VÂN LỤC , hay Một Cơn Gió Bụi của Lệ Thần Trần Trọng Kim …)

        Cũng cám ơn luôn Trần Đăng Khoa đã múa bút viết một bài xuất thần về “thằng Phu” và cả blogger Nhật Tuấn, đã gợi hứng cho tôi rất nhiều khi nghiên cứu chẳng riêng gì về Phù Thăng, mà còn nhiều nhà văn khác nữa.

        Tiện thể xin cám ơn Xuân Vũ đã cho biết một số giai thoại làng văn “cười ra nước mắt” thời CS

        Trân trọng,
        Lại Mạnh Cường

      • Lâm Hoàng Mạnh says:

        Chú mày “giết anh rồi” ai đời lại gọi anh là “ca-ca” và Lâm “nhã giám” nghe cứ như Thái giám (hoạn quan) ấy.
        Trong tiếng Nga và tiếng Pháp, từ “ca-ca” không hay ho gì cả.

        Thân ái.

      • Lão Ngoan Đồng says:

        Choáng ông anh của tộI quá xoá đi thôi.

        Ăn nhờ ở cậy nhà nữ hoàng Elizabeth đệ nhị quá lâu,
        nên mất hết vốn chữ Hán(g) Việt mất tiêu rồi đó nhe :-) !

        Người ta “sổ nho” (chùm, nguyên cả thùng) mà lại chê !

        Đại ca You ui, từ nay đệ xổ tiếng ba rọi, Dziệt lẫn Anh dzăng, Nôm na mách qué cộng với Háng tự, cho đề huề nhé :-) !

        Lão Ngoan Đồng

Leave a Reply to Lâm Hoàng Mạnh