WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nga Mỹ đọ sức, Trung Quốc hưởng lợi

Ảnh www.telegraph.co.uk

Ảnh www.telegraph.co.uk

Trong hai bài học rút ra từ Chiến Tranh Lạnh cho Nga và Trung Quốc thì ông Putin chỉ áp dụng một còn Bắc Kinh mới thực hiện cả hai:

1. Nga-Hoa hợp tác với nhau mới có thể cân bằng được với thế lực của Tây Phương, còn kình chống lẩn nhau thì sẽ bị chia rẽ và đánh gục.

2. Trung Quốc hưởng lợi nhiều nhất nếu tình trạng căng thẳng giữa Nga và Mỹ gia tăng. Vào cuối Chiến Tranh Lạnh khi Tây Phương nổ lực kềm chân Nga bằng hoả tiển tầm trung Patriot ở Âu Châu và du kích quân tại A-Phú-Hãn thì Hoa Lục không còn bị đe doạ từ phương Bắc nên mới rảnh tay tập trung nhân vật lực canh tân hoá đất nước.

Nếu chọn mốc thời gian đánh dấu cho việc Nga-Hoa trở lại hợp tác chiến lược sau Chiến Tranh Lạnh thì đó là cuộc chiến Kosovo, khi máy bay Hoa Kỳ vô tình (hay cố ý) thảy một quả bom đánh sập Đại Sứ Quán Trung Quốc [1] mà Bắc Kinh không đủ khả năng để trả đủa; chiến sự sau đó chấm dứt với giải pháp chính trị của Tây Phương dù bị xem như vô cùng thiệt thòi cho cánh người Serb vốn được Nga hậu thuẩn, thế mà Mạc Tư Khoa không đủ uy thế để bênh vực đàn em. Nga-Trung sau đó gạt bỏ các tranh chấp về biên giới để tăng cường hợp tác thương mại và phối hợp trong chính sách ngoại giao. Nga cung cấp khí đốt và công cụ quốc phòng trong khi Hoa Lục trở thành nguồn sản xuất cung cấp vật liệu tiêu dùng đa dạng với giá cả phải chăng. Giữa hai bên tuy còn nhiều bất đồng như về giá cả năng lượng, việc sao chép công nghệ quân sự, sự hiện diện ngày càng đông của người Hoa ở vùng Tây Bá Lợi Á, và tranh giành ảnh hưởng với các nước thuộc khu vực Trung-Á; nhưng cả Bắc Kinh lẫn Mạc Tư Khoa đều tự chế không để tham vọng địa chính trị dẫn đến thế kình địch như trong thời kỳ Chiến Tranh Lạnh.

Các chỉ trích của Tây Phương về những vi phạm nhân quyền và thể chế chính trị độc tài càng khiến Putin cùng Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn vì cả hai xem đây là mưu toan của Âu-Mỹ ngăn cản sự trỗi dậy của Nga và Hoa Lục. Giữa hai nước cho dù không thành hình một liên minh chính thức nhưng đã phối hợp nhịp nhàng với hai lá phiếu phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc để phá vở các nổ lực của Tây Phương nhằm cô lập hoá Iran và Syrie: qua đó Mạc Tư Khoa khôi phục dần ảnh hưởng tại Trung Đông còn Bắc Kinh hưởng lợi khi Mỹ bị chi phối không thể nhanh chóng chuyển trọng tâm chiến lược sang vùng Thái Bình Dương.

Cả Nga và Trung Quốc đều muốn khống chế các nước xung quanh, một mặt vì xem đây là khu vực ảnh hưởng truyền thống nhưng cạnh đó còn thêm tham vọng bá quyền giành nguồn tài nguyên dồi dào của các láng giềng. Song song với nhiều biện pháp cứng rắn dùng làm cây gậy Bắc Kinh thêm vào sức mạnh mậu dịch như củ cà-rốt, trong lúc ông Putin khéo léo sử dụng lá bài năng lượng để vừa ràng buộc các nước Tây Âu đồng thời mua chuộc hay uy hiếp những nước lân bang.

Cho dù có nhiều đánh giá rằng Nga đang trên đà suy thoái lâu dài do dân số giảm và nền tảng chính trị xã hội bấp bênh, nhưng vào hiện tại và trong những năm sắp tới Mạc Tư Khoa vẫn đủ khả năng khuấy động thế địa chính trị tại Âu Châu, Trung Đông và ngay cả vùng Thái Bình Dương.

Tuy nhiên, trong tương quan giữa Nga và Trung Quốc thì trong tương lai xa Bắc Kinh sẽ chiếm lợi thế với cả GDP và dân số nhiều gần gấp mười lần nước láng giềng. Hoa Lục hiện tôn trọng Mạc Tư Khoa như một đối tác bình đẳng – thay vì xem nhẹ thuộc hàng dưới như đối với Nhật hay Ấn Độ – bởi nhiều lý do: Trung Quốc cần nguồn năng lượng bên ngoài trong khi chưa khai thác được tại Biển Đông còn tình hình Trung Đông quá bấp bênh; Nga là nước duy nhất bán các kỹ thuật quốc phòng tối tân, lại có thêm một kho vũ khí nguyên tử khổng lồ để tự vệ hay kiềm chế Hoa Kỳ. Nhưng trên hết vì thế chân vạc hiện thăng ba chân chớ không phải nghiêng về một bên, cho dù Mạc Tư Khoa thân thiện với Bắc Kinh hơn đối với Hoa Kỳ nhưng đó là sự chọn lựa độc lập, và nếu không hài lòng trong bang giao Nga-Trung Mạc Tư Khoa đủ tư cách để thay đổi lập trường sang hoà hoãn với Tây Phương nhằm tạo bất lợi cho Trung Quốc.

Tổng Thống Putin rất chủ động trong các vấn đề Syrie và Iran khiến Âu-Mỹ dù bất bình nhưng vẫn phải xem Nga là một đối tác ngang hàng trong thế địa chính trị toàn cầu chớ không còn đối xử như với một cường quốc yếu thế.

Nhưng thế cân bằng địa chính trị nói trên đang bị lung lai khi ông Putin quyết định can thiệp trắng trợn vào Ukraine giúp cho nước đứng ngoài cuộc tranh chấp là Hoa Lục hưởng lợi.

Vào lúc mà Tổng Thống Putin hứng khởi với sự trỗi dậy của nước Nga hùng mạnh và trách nhiệm qua lần tổ chức Thế Vận Hội Mùa Đông vô cùng hoành tráng, nhưng bất ngờ dân chúng Ukraine khước từ cử chỉ mua chuộc hào phóng gồm 15 tỷ USD và giá khí đốt giảm 1/3 mà lại lật đổ chính quyền thân Nga.

Chẳng những việc này làm sứt mẻ uy tín cá nhân mà còn đốt tiêu món tiền khổng lồ 51 tỷ USD ông Putin đã bỏ ra để tô điểm cho hình ảnh của xứ sở tại Socchi. Nếu để Ukraine trở lại thân Tây Phương thì chẳng khác nào chịu thua cho Âu-Mỹ tăng cường ảnh hưởng vào khu vực ảnh hưởng truyền thống sát cạnh biên giới Nga vốn là điều khiến Mạc Tư Khoa cay đắng với đà phát triển của NATO sang hướng Đông sau Chiến Tranh Lạnh. Putin chẳng những sẽ tiêu tan chiến lược thành hình một khối Trung-Bắc Á bắt cầu giữa Trung Quốc và Âu Châu trong khi chính chiếc ghế Tổng Thống của ông cũng lung lay nếu dân Nga học thói Ukraine đòi cải tổ chính trị. Cuối cùng, ông Putin không thể quay mặt đối với đa số người gốc Nga ở Đông Ukraine như đã từng bỏ rơi đối với người Serb tại Kosovo [2].

Tổng Thống Putin biết rõ Âu Châu không hề muốn thách đố Nga tại Ukraine khi chính khối này chưa thoát ra khỏi khủng hoảng kinh tế. Nhưng bắt buộc ông phải trả đũa bằng biện pháp mạnh đối với nước nhỏ lân bang, bởi theo tính toán nếu không phản ứng thì hậu quả khó lường, còn chủ động tiến công thì dù sẽ bị sẽ gặp nhiều đối kháng nhưng cuối cùng giá phải trả chỉ ở mức tượng trưng.

Tây Phương chắc chắn không thể dùng áp lực quân sự với Nga. Phong tỏa kinh tể chỉ mang lại hậu quả tương đối vì Nga chủ yếu bán ra nước ngoài năng lượng và vũ khí là hai thứ mà lúc nào cũng có người mua! Kinh tế Nga đang gặp khó khăn nên ông Putin có cớ đổ lỗi cho Tây Phương nhằm khích động tinh thần dân tộc và cũng cố vai trò lãnh đạo của mình. Hơn nữa, nếu thế giới bị khủng hoảng khiến giá dầu tăng vọt lại giúp cho Nga cơ hộp đổ đầy vào ngân khố đang vơi của mình. Trong khi đó Tây Âu lệ thuộc vào khí đốt và nguồn tài chánh của các nhà tư bản Nga nên cũng khó lòng đáp trả bằng biện pháp mạnh.

Nhưng dù Tây Phương trả đũa kém hữu hiệu vẫn không đồng nghĩa với thế địa chính trị tiếp tục thăng bằng như cũ. Nếu tham vọng của Putin là phục hưng nước Nga để được Âu-Mỹ chấp nhận như một đối tác ngang hàng – hay chân vạc thứ ba trong sinh hoạt chính trị toàn cầu – thì nay sau vụ Ukraine Tây Phương không còn chọn lựa mà phải xem Nga là kình địch chiến lược. Âu Châu mang ám ảnh bị chia cắt như dưới thời Chiến Tranh Lạnh, các nước Đông Âu lo ngại bị bỏ rơi như đã hứng chịu nhiều lần trong lịch sử nên phải tăng cường quân sự khiến căng thẳng gia tăng cho dù không bên nào muốn thấy xảy ra. Hoa Kỳ ngoài việc đối đầu với khối Hồi Giáo cực đoan nay phải chú trọng trở lại đến Châu Âu thì chiến lược chuyển trục sang Thái Bình Dương không khỏi bị ảnh hưởng.

Như phần trên đã phân tích, thế mạnh của ông Putin là chủ động qua chính sách ngoại giao độc lập giữa hai siêu cường Mỹ-Trung, cho dù hiện ông thân thiện với Bắc Kinh để cân bằng với Tây Phương nhưng quyết định này hoàn toàn độc lập mà không bị áp lực bên nào, trái lại ông có thể lợi dụng thế tranh chấp Mỹ-Trung để khi nghiêng về bên này mai ủng hộ bên kia nhằm có lợi trong lúc thế lực của Nga kém nhiều hai siêu cường nói trên. Nhưng nếu tình thế đưa đẩy nước Nga trở thành kình địch của Tây Phương thì chọn lựa này không còn nửa mà Putin bắt buộc sẽ phải tựa vào Trung Quốc để đối phó với Hoa Kỳ. Hoa Lục đang có ưu thế tuyệt đối với GDP và dân số gần mười lần hơn Nga, nay lại thêm thế chủ động chiến lược trong tranh chấp giữa Mỹ-Nga, dần dần rồi sẽ xem Nga là một nước kém vai vế thay vì đối tác ngang hàng như ông Putin đang mong muốn. Cho dù hiện Hoa Lục hơi khó xử do lập trường không can thiệp vào nội bộ nước khác khi Nga tiến vào Crimea nhưng lợi ít chiến lược to lớn hơn nhiều so với các vấn đề ngắn hạn. Người Trung Hoa vốn mềm dẻo như nước, họ sẽ không tỏ thái độ kiêu căng mà tiếp tục cung kính trọng vọng Sa Hoàng Putin ngay trong lúc thương lượng đòi ép giá năng lượng, đòi mua bằng được các vũ khí tối tân để rồi sao chép, và đem dân chúng và tiền đầu tư đổ vào Nga bù đắp cho các khoảng trống của Tây Phương bỏ lại.

Putin chỉ có vài ngày hay vài tuần để quyết định cho tương lai lâu dài của đất nước: quốc hội Nga và nhà nước bù nhìn Crimea bỏ phiếu tán đồng tái sát nhập bán đảo này trở lại với nước Nga. Nếu Tổng Thống Putin cho phép sát nhập không khác gì ông cắt đứt mọi chiếc cầu với Âu Châu để rồi bị lên án giống như Hitler với tham vọng ngày càng tăng không bờ bến tiếp theo mỗi thắng lợi: sau Crimea đến Odessa, rồi toàn cõi Ukraine, đến Ba Lan và Romania là hai nước sát cạnh….

Nhưng Tổng Thống Putin có thể phủ quyết để trao trả toàn vẹn lãnh thổ cho Ukraine. Âu Châu sẽ thở phào nhẹ nhõm vì không còn sợ phải đối đầu với Nga. Khối EU không hề muốn vác thêm gánh nặng về kinh tế và di dân của Ukraine, họ sẽ hợp tác để xây dựng một nhà nước tôn trọng các quyền lợi chiến lược và dân sự của người gốc Nga – với điều kiện Mạc Tư Khoa cũng phải tương nhượng không dựng lên một chính quyền bù nhìn. Tây Phương sẽ thật sự xem Putin như một đối tác ngang hàng, cho dù là một đối thủ quyền biến, nguy hiểm quyết đoán nhưng không mang những ảo vọng điên rồ như Hitler. Bắc Kinh sẽ tiếc nuối một cơ hội lớn để phá vỡ thế cân bằng chiến lược với phần lợi về phía mình, nhưng phải kính nể một lãnh đạo tài ba.

Chỉ trong những ngày sắp tới thế giới sẽ thấy liệu nhà kỳ thủ vô địch có tự đưa mình vào chỗ không lối thoát [3] hay biết ngừng lại trong thế thượng phong.

————————————————-
[1] Các nguồn tin không chính thức về sau này cho biết Mỹ quyết định dội bom toà Đại Sứ Trung Quốc vì đã được dùng để hỗ trợ ngầm phe phái chống NATO

[2] Còn quá sớm để rút ra bài học nhưng theo đánh giá của người viết thì cho đến nay ông Putin chỉ sai lầm một bước đầu tiên là dùng Tổng Thống Yukelovich để hủy bỏ trắng trợn hiệp ước tham gia EU vào phút cuối. Khi quần chúng nổi dậy lật đổ chính quyền thân Nga thì Putin buộc phải can thiệp dứt khoát. Ngược lại Tây Phương cũng không còn chọn lựa mà phải lên án Nga khiêu khích và xâm lược, tạo ra một chuỗi dài leo thang cho dù không bên nào muốn đối đầu lẫn nhau vào lúc ban đầu.

[3] Nếu chọn sát nhập Crimea thì Tổng Thống Putin vẫn đủ tài ba để tiếp tục nắm thế thượng phong như đe doạ vùng Odessa hay ngay cả Kiev, nhưng Tây Phương sẽ không còn chọn lựa mà bắt buộc phải giúp đỡ cho chính quyền Kiev không sụp đổ. Nhưng các thắng lợi chiến thuật không thể bù đắp mất mát trên thế địa chính trị khi ông Putin làm gẫy đổ thế thăng bằng của chân vạc khiến Nga không còn chọn lựa nào khác hơn là dựa vào Trung Quốc để chống Tây Phương.

 

2 Phản hồi cho “Nga Mỹ đọ sức, Trung Quốc hưởng lợi”

  1. NON NGÀN says:

    TỪ ĐẤU TRANH Ý THỨC HỆ ĐẾN ĐẤU TRANH LÃNH THỔ

    Khi đấu tranh ý thức hệ không còn, quả thật Ukraina đã thoát khỏi Liên xô và trở thành quốc gia độc lập. Nhưng dù Liên Xô hay Nga ngày nay, sự đấu tranh giữa Nga và Ukraina cũng còn là đấu tranh lãnh thổ. Nếu nguyện vọng của nhân dân Ukraina không muốn mình bị phụ thuộc vào Nga, điều đó là chính đáng, đáng lẽ Nga phải tôn trọng. Sự kiện Tổng thống Ukraina bị lật đổ mà Nga cho là lật đổ không hợp pháp là điều cần phải xem lại. Cho nên lời tuyên bố của Tổng thống bị lật đổ này yêu cầu Nga đem quân vào giúp quả là sự sai trái mà Nga vẫn ủng hộ. Chính ngoài quyền lợi trực tiếp của Nga đối với Ukraina về nhiều mặt, còn món bẽo bỡ hơn cả, đó là ý đồ kịch bản nhằm để vùng Crimea được sáp nhập vào Nga. Quả thật đất nước Ukraina đang phải đối đầu với Nga trong đấu tranh mang tính lãnh thổ ngày nay là điều đáng buồn, đáng buồn cho Ukraina, cũng như đáng buồn cho cả Nga. Bởi vì khi đấu tranh ý thức hệ thời Liên Xô không còn nữa, thì nước Nga đến nay vẫn chưa đi tới được một quan điểm khách quan, đúng đắn, lành mạnh, đó là cần tôn trọng quyền tự quyết của các dân tộc khác, mà cụ thể là nước láng giềng Ukraina của mình một cách đúng nghĩa thật sự. Tất nhiên trong ý nghĩa và tình huống như thế thì chính Ukraina phải tự giúp họ trước rồi các lực lượng nào công tâm thật sự mới có thể giúp họ sau.

    NGÀN KHƠI
    (12/3/14)

  2. Johnny says:

    MỸ VÀ NGA

    1) Quả đúng vậy, nếu Nga và Mỹ đọ sức thì TQ hưởng lợi,…

    2) Putin là vị TT tài ba, sành sõi,… ông ta can thiệp vào Ukraine có lẽ đã có mưu đồ gì sau đó mà chúng ta không đoán được.

    3) Ông Obama coi ông Putin như một đối thủ đáng gườm,…

    4) Còn ông Putin lại coi ông Obama như một tên bất tài, bất lực mà thôi.

    5) Chúng ta chỉ chờ xem SÁCH LƯỢC của ông Putin.

    (còn tiếp)

    Johnny, USA.

Phản hồi