WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Lý thuyết kinh tế của Adam Smith và J.M Keynes đã hết hiệu nghiệm?

 «Viết để tưởng nhớ tới Thầy, Bu và Anh, những người đã có công sinh thành, nuôi nấng và dạy dỗ tôi. »

 

Adam Smith

Adam Smith

Thế giới vừa trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, mà người ta đã so sánh với cuộc khủng hoảng năm 1929 – 1930, và Âu châu hiện nay gượng dậy rất khó khăn, lấy trường hợp điển hình là nước Pháp. Ai cũng biết người đưa ra lý thuyết kinh tế để cứu chữa cho cuộc khủng hoảng đầu là John Maynard Keynes; và nước đầu tiên áp dụng là nước Hoa kỳ của  Flanklin Roosevelt, vào năm 1933. Từ đó cho tới năm 2008, hầu như tất cả các quốc gia trên thế giới đều theo mô hình kinh tế của Keynes, dựa trên căn bản của Adam Smith.

Tuy nhiên với cuộc khủng hoảng 2008, có người đặt ra câu hỏi : Phải chăng mô hình kinh tế của Adam Smith và của Keynes đã lỗi thời?

Một cách tương đối, người ta có thể nói 2 nhà kinh tế lớn nhất thế giới từ xưa cho tới nay là Adam Smith và John M. Keynes.

 John M. Keynes

John M. Keynes

Adam Smith : Nhà triết học, luận lý, đạo đức và kinh tế gia, người Ecosse, Anh quốc, sinh năm 1723, mất năm 1790, là con một người công chức, học tại trường Glasgow từ năm 1737 đến 1740, rồi học ở trường Oxford. Sau đó ông trở về Glasgow, dạy luận lý năm 1750, hai năm sau ông dạy triết học, cho tới năm ông từ chức, 1764. Nhờ việc dạy học này, mà ông viết quyển Lý thuyết về những tình cảm đạo đức ( La Théorie des sentiments moraux), xuất bản năm 1759. Sau đó ông mới cho xuất bản quyển Tìm kiếm bản chất và những nguyên nhân về sự giàu có của các dân tộc ( Recherche sur la nature et les causes de la richesse des nations), xuất bản năm 1776. Người ta chỉ nói nhiều đến quyển sách thứ nhì, nhưng người ta quên nói đến quyển sách trước đó. Tuy nhiên chúng tôi cho rằng quyển sách đầu không kém phần quan trọng, vì nó đặt nền tảng đạo đức cho một quốc gia, xã hội và từ đó đặt căn bản cho việc làm kinh tế, trao đổi, buôn bán. Ngoài lãnh vực kinh tế người ta còn gọi ông là một nhà đạo đức là như vậy.

Trước khi là nhà kinh tế Adam Smith đã là một nhà triết lý chính trị, đạo đức, luật pháp. Ông nằm trong trường phái tư tưởng chính trị tự do ( Ecole libérale), theo đó cần phải tôn trọng tối đa quyền tự do con người, cần tôn trọng  sự phân quyền và làm thế nào để quyền lập pháp và tư pháp được độc lập, không bị khống chế bởi quyền hành pháp.

Tư tưởng kinh tế của ông nằm trong đó, nói một cách khác đi là nằm trong chiều hướng triết lý chính trị của nước Anh nói riêng và của Âu châu nói chung vào thế kỷ thứ 18 / 19.

Quyển sách Sự giàu có của các quốc gia nói lên mô hình khung và cắt nghĩa cách hành sử của con người và của xã hội trong lãnh vực kinh tế. Nó chứng minh rằng sự cạnh tranh và sự tìm kiếm lợi nhuận cá nhân có thể cho phép tạo ra một trật tự xã hội hài hòa trong đó sự phát triển kinh tế và những hiệu quả của nó sẽ được phân phát rộng rãi trong xã hội, đặc biệt qua việc tăng lương cho thợ, việc giảm lãi xuất và giảm giá, với điều kiện là tất cả phải nằm trong một xã hội tự do, dựa trên căn bản đạo đức, bắt đầu bằng đạo đức đơn giản nhất là «  Cái gì anh không muốn người ta làm cho anh, thì anh đừng làm cho người khác. ».

Đạo đức mà Adam Smith quan niệm rất đơn giản và bình thường, nó dựa trên điều mà ông gọi là Thiện Cảm (la symphatie), theo đó con người bình thường là muốn sống hòa bình, muốn có được cảm tình của người chung quanh, và từ đó ông cho rằng đó là nguồn gốc căn bản của đạo đức và luật pháp, dựa trên câu châm ngôn vừa nói.

Ở điểm này chúng ta mới thấy Adam Smith đã nhìn đúng, xa hơn K. Marx cả trăm năm, vì Marx sinh năm 1818, Adam Smith, 1723. Adam Smith đã lấy cái gì bình thường của con người, « muốn sống hòa bình và có thiện cảm với người chung quanh «, làm căn bản cho triết lý cuộc sống xã hội ; trong khi đó Marx lấy cái gì là bất bình thường, cho rằng « lịch sử nhân loại là bạo động, là đấu tranh giai cấp. » Không cần dẫn chứng lý luận dài dòng, chúng ta chỉ cần lấy thí dụ bản thân chúng ta để kiểm nghiệm: Bình thường chúng ta muốn sống hòa bình, chúng ta chỉ dùng đến bạo động khi bị bắt buộc, khi bất bình thường. Một lỗi lầm to lớn nhất của Marx là lấy sự bất bình thường làm bình thường, rồi tổng quát hóa cho lịch sử nhân loại.

Tư tưởng đạo đức bình thường và câu châm ngôn trên đã được những người soạn ra Bản Tuyên Ngôn Quốc tế nhân quyền lấy làm kim chỉ nam cho việc soạn thảo vào năm 1948.

Ở Việt nam chúng ta các cụ đồ Nho đều dạy con cháu, học trò: «  Kỷ sở bất dục vật thi ư nhân «  hay người bình dân buôn bán đều khuyên con cháu: « Khôn ngoan chẳng lọ thực thà. Lường thưng, tráo đấu, chẳng qua đong đầy. »

Quan niệm đạo đức hoàn toàn ngược lại với Trung Cộng và Việt cộng ngày hôm nay, theo lời dạy của Đặng tiểu Bình: «  Mèo trắng hay mèo đen, không quan trọng, miễn là mèo bắt chuột «, đưa đến hậu qủa là người dân của 2 quốc gia này làm bất cứ việc gì để có tiền, không xem đạo đức, luân thường ra gì cả. Nên tại 2 xã hội trên con người đã trở thành vô cảm, vô đạo đức, sự kiện con cái phản lại cha mẹ, vợ chồng đâm chém, người hại người xảy ra thường xuyên và gấp bội so với các xã hội khác trên thế giới.

Sở dĩ ở đây có người cho quyển sách đầu của Adam Smith quan trọng là như vậy, vì phải có nền tảng đạo đức trước, sau đó mới nói đến sự làm ăn kinh tế, buôn bán.

Theo lý thuyết và tinh thần luận lý sắp xếp của Adam Smith thì xã hội gồm 3 khung chính: Khung thứ nhất đó là triết lý đạo đức, vì con người không có đạo đức thì sẽ cấu xé nhau; Khung thứ nhì là khung chính trị luật pháp, phải cần có một chế độ dân chủ, tôn trọng những quyền căn bản của con người, trong đó có quyền tự do kinh tế và quyền tư hữu; Khung thứ ba mới tới kinh tế, trong đó có một trật tự kinh tế tự nhiên theo luật thị trường cung cầu và chính phủ tránh tối đa vào việc can thiệp.

Thật vậy, về kinh tế, Trường phái kinh tế tự do hay cổ điển mà Adam Smith là người sáng lập, chủ trương kinh tế tự do, thị trường, có một trật tự kinh tế tự nhiên trên thị trường, qua luật cung và cầu. Nói một cách dễ hiểu là trên thị trường khi cung sản xuất nhiều hàng hóa, thì giá sẽ rẻ. Một khi giá rẻ, cầu tức người tiêu thụ thấy giá rẻ sẽ mua nhiều và từ đó giá sẽ tăng lên, cho tới khi 2 đường biểu diễn cung và cầu gặp nhau, thì cho ra giá quân bằng. Chính vì vậy mà Adam Smith chủ trương không có sự can thiệp của chính quyền. Chính quyền chỉ nên đưa ra những luật pháp để cho sự cạnh tranh trở nên công bằng, tránh sự gian lận và chính quyền nên chú trọng vào việc giáo dục cùng khuyến khích sự thành lập càng nhiều xã hội dân sự càng tốt để cho người dân có thể tự bảo vệ cho mình.

Trường phái kinh tế tự do của Adam Smith chủ trương một sự cạnh tranh trên thị trường, nhưng là một sự cạnh tranh lành mạnh dựa trên căn bản đạo đức và luật pháp, và chủ trương sự phân công ở mức độ quốc gia và ở trên thị trường quốc tế. Ai giỏi về nghề gì, quốc gia nào có khả năng về ngành gì thì làm nghề đó và ngành đó, sau đó trao đổi một cách công bằng, hợp pháp, kiểu như các cụ Việt Nam xưa kia hay nói: « Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh «, nhất là thế giới đi vào kỷ nguyên kỹ nghệ hóa, sản xuất nhiều và nhanh vượt bực, rồi trao đổi theo nguyên tắc đạo đức tối thiểu có luật pháp bảo đảm sự công bằng, thì từ đó tạo ra sự giàu có của cá nhân cũng như của các dân tộc.

Đề tựa “Đi tìm bản chất và nguyên do sự giàu có…”  là như vậy.

Chúng ta nên nhớ quyển sách này là một phần nào trả lời Trường phái Trọng Nông (Physiocrates) của Quesnay ( 1694 – 1774), Turgot ( 1727 -  1781), cho rằng nguồn gốc sự giàu có chính của một quốc gia nằm trong nông nghiệp, vì vậy cần có một chính sách tự do kinh tế khuyến khích nông nghiệp. Chúng ta nhớ là Adam Smith trước khi viết quyển sách thứ nhì, thì đã du lịch qua Pháp, có dịp bàn luận rất nhiều với những nhà kinh tế theo trường phái Trọng Nông của Pháp.

Thêm vào đó, Adam Smith còn muốn trả lời Trường phái Trọng Thương ( Mercantiliste) cũng thịnh hành vào thế kỷ thứ 17 và 18 ở Âu châu cho rằng sự giàu có của một quốc gia là từ ngoại thương, làm thế nào để xuất cảng nhiều và nhập cảng ít, để có nhiều vàng.

Theo Adam Smith thì sự giàu có của một quốc gia nằm ở mọi ngành, mọi nghề, ở chỗ làm thế nào để sản xuất mạnh trong những ngành, những nghề đó, theo kiểu nhất nghệ tinh, nhất thân vinh. Chuyện này đúng cho một quốc gia cũng như đúng cho cộng đồng thế giới, với điều là phải có sự trao đổi dựa trên căn bản đạo đức, luật pháp và công bằng, như trên đã nói.

Tuy nhiên thực tế đôi khi biến chuyển có chiều hơi khác. Đó là cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới, trong đó có nước Anh, vào năm 1929 – 1930, làm cho nguyên tắc điều hành kinh tế tự nhiên trên thị trường qua luật cung cầu, không được vận hành một cách tốt đẹp.

Chính vì vậy mà có sự xuất hiện của John Maynard Keynes.

J. M. Keynes sinh năm 1883, năm chết của Karl Marx và mất năm 1946, một năm sau Thế Chiến thứ Nhì kết thúc.

Ông đã từng học trường kinh tế nổi tiếng của Anh, Cambridge, là học trò của A. Marshall, sau đó ông dạy kinh tế ở trường này. Ông được chính quyền Anh trao cho nhiều nhiệm vụ kinh tế tài chánh quan trọng.

Là đại diện thường trực của chính quyền tại Hội nghị Versailles năm 1919, ngay sau khi Đệ Nhất Thế Chiến ( 1914 – 1918) chấm dứt, để bàn về hòa bình thế giới và tiền bồi thường chiến tranh của Đức. Ông còn là Trưởng Ban đánh giá tài sản của Đức, mà theo ông chi phí bồi thường chiến tranh quá nặng, quá cao so với khả năng thực sự của Đức. Chính vì vậy ông đã đưa ra ý kiến Hòa Bình cao thượng ( Paix magnanime), bớt gánh nặng cho Đức; nhưng không được Hội nghị chấp nhận. Ông xin từ chức và đã trình bày ý kiến của mình trong quyển sách Hậu quả kinh tế của hòa bình ( Les Conséquences économiques de la Paix), ông tiên đoán việc ép buộc Đức phải trả giá quá nặng sẽ mang tới những hậu quả kinh tế tai hại mà người ta có thể nói sau này là một trong những nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1930 và của Thế Chiến thứ Nhì 1939 – 1945.

Rời khỏi chính quyền, nhưng ông vẫn tiếp tục hoạt động, suy nghĩ, nhất là trong lãnh vực kinh tế và tiền tệ. Ông chỉ trích chính quyền trong chính sách tiền tệ giảm phát ( politique déflationniste) và nghĩ rằng tư tưởng của Adam Smith cần phải được tu bổ lại. Chính vì vậy mà ông đã viết quyển sách Về Tiền tệ ( Traité de la monnaie), xuất bản năm 1931, rồi quyển sách  Lý thuyết tổng quát về việc làm, về tiền lời và về tiền tệ ( Théorie générale de l’emploi, de l’intérêt et de la monnaie), xuất bản năm 1939, theo đó quan niệm trật tự kinh tế tự nhiên qua luật cung cầu của trường phái Tự do không phải lúc nào cũng đúng, hoàn toàn hoàn hảo, mà cần phải có những tu bổ, như kiểu những tu hiến, vì ông vẫn coi lý thuyết của Adam Smith làm căn bản.

Keynes đã « tu hiến «  những gì?

Theo luật cung cầu thị trường, khi số người bị mất việc tăng, giá lương sẽ giảm xuống, và một khi lương giảm, thì chủ sẽ mướn thợ nhiều hơn, để đưa đến « quân bằng tự nhiên », nhưng Keynes quan sát thấy lương giảm, nhưng thất nghiệp vẫn tăng.

Lý luận trên phương diện kinh tế vĩ mô ( macro – économique), tức trên bình diện quốc gia, ông nhận xét có một sự giảm về vấn đề tiêu thụ ( baisse de la consommation), giảm về lợi nhuận tư bản (baisse de l’efficacité du capital) và tiền lời của các ngân hàng bắt đầu bằng ngân hàng trung ương quá cao, làm cho lượng tiền tệ trên thị trường giảm, đưa đến nạn giảm phát ( déflation) và từ đó đưa đến việc đầu tư trên thị trường bị tụt xuống, làm cho không giải quyết được thất nghiệp.

Từ đó ông đưa ra những giải pháp tu bổ, vẫn trên bình diện kinh tế vĩ mô:

- Chính quyền có thể đi theo một chính sách ngân sách thất thâu, nhưng không quá cao, vào khoảng 3% tổng sản lượng quốc gia, và dùng tiền này để thực hiện những công trình xây cất vĩ đại cho hạ tầng kinh tế như mở đường, xây cất trường học, ngay cả việc trợ cấp cho những người thất nghiệp, để tăng sự tiêu thụ. Nên nhớ vào lúc đó chưa có trợ cấp thất nghiệp. Đây là một ý kiến vừa táo bạo và vừa nhân đạo của ông.

- Qua chính sách tiền tệ, tiền tệ đây bao gồm cả tiền giấy, tiền đồng, tiền chèques, những phiếu nợ, và ngày hôm nay người ta tính luôn cả tốc độ di chuyển của tiền tệ theo những nhà chuyên môn, qua chính sách này chính quyền có thể tăng hay giảm lượng tiền tệ trên thị trường qua việc ấn định lãi xuất do ngân hàng trung ương quốc gia định ra để làm tăng hay giảm lượng tiền này. Nếu lãi xuất quá cao, làm cho những nhà đầu tư không dám vay tiền đầu tư, đưa đến tình trang giảm phát ( déflation) đưa đến tình trạng kinh tế bị ngộp thở, trở nên suy yếu ( rècession). Nhưng nếu lãi xuất quá thấp sẽ đưa đến lạm phát ( inflation), giá cả tăng vọt, làm mất tin tưởng của người tiêu dùng. Đây là vai trò chính của ngân hàng trung ương định ra lãi xuất chính ( taux d’escompte) để từ đó những ngân hàng con đi theo.

Đó là hai cột trụ chính của lý thuyết kinh tế của Keynes.

Nước áp dụng đầu tiên lý thuyết này thành công là Hoa Kỳ dưới thời tổng thống Roosevelt.

Roosevelt đã đắc cử tổng thống Hoa kỳ, năm 1932, ngay sau cuộc khủng hoảng kinh tế 1929 – 1930. Ông đã áp dụng lý thuyết của Keynes bằng cách áp dụng chính sách thất thâu ngân sách khoảng 3%. Với tiền này ông đã cho làm những công trình kinh tế như xây xa lộ, xây nhà thương, trường học, mở mang giáo dục. Ông không ngần ngại cấp phát tiền cho những gia đình nghèo và thất nghiệp, điều bị phản đối bởi một số người lúc bấy giờ.

Ngoài ra ông còn áp dụng một chính sách tiền tệ dễ dãi quyết định bởi ngân hàng trung ương ( FED) định số tiền lãi xuất không cao để khuyến khích đầu tư và tiêu thụ.

Phải nói Roosevelt đã cứu nước Hoa kỳ qua cuộc khủng hoảng 1929 – 1930. Chính vì vậy ông đã được dân Hoa Kỳ bầu ông làm tổng thống 4 nhiệm kỳ. Nhiện kỳ thứ 4 mới bắt đầu năm 1945, thì ông mất vào ngày 12/tháng4 cùng năm, lúc Đại Chiến thứ Nhì chưa chấm dứt.

Như trên đã nói, Keynes giữ vai trò quan trọng sau cuộc Đệ Nhất Thế Chiến, thì trước và sau Đệ Nhị Thế Chiến, Keynes cũng giữ vai trò quan trọng.

Ông được chỉ định làm nhà kinh tế chính thức của chánh quyền Anh, là Phó Thống đốc Ngân hàng Trung Ương, được giao phó nhiệm vụ soạn thảo Chương trình ổn định tiền tệ thế giới ( Chương trình Keynes) ; và như vừa nói lý thuyết của ông được Roosevelt áp dụng, nhưng điều mà ít người biết: ông là người quan trọng trong hội nghị Bettons Wood năm 1944, Hội nghị đặt nền tảng cho kinh tế, tiền tệ, mậu dịch quốc tế sau Thế Chiến. Từ Hội nghị này, người ta thấy phát sinh ra Quĩ Tiền tệ Thế giới (FMI), Ngân hàng Quốc Tế (WB), Tổ Chức Thương mại Quốc tế (WTO), những cơ quan chính điều khiển kinh tế, thương mại thế giới sau 1945 cho tới mãi ngày hôm nay.

Chính ông đã đưa ra ý kiến về «Vàng và Dollar bản vị». Ông tiên đoán rất rõ rằng sau Thế Chiến, thế giới cần xây dựng lại, cần trao đổi mậu dịch nhiều, nhưng số vàng trên thế giới có giới hạn, nhất là đối với các quốc gia Âu châu. Nên ông đề nghị những nước này chấp nhận vừa lấy vàng, vừa lấy Dollar làm bản vị cho tiền của mình ( Gold Exchange Standard). Đó là lý do thành lập Quĩ Tiền tệ thế giới.

Nhưng vì cần trao đổi mậu dịch nhiều, nên phải có luật lệ, đó là lý do thành lập Tổ chức thương mại quốc tế. Trong lãnh vực này công lao của ông cũng không ít.

Từ điểm này, nhiều người cho rằng J. M. Keynes không còn nằm trong Trường phái kinh tế tự do, chống lại Adan Smith. Nhưng họ đã lầm. Chính Keynes và những đồ đệ của ông vẫn cho rằng mình nằm trong Trường Phái Kinh tế Cổ điển  ( Ecole classique) hay Tự do ( Ecole libérale) của Smith, mà những người sau này cho rằng Trường phái kinh tế của Keynes là Tân Cổ điển ( Ecole néo – classique) hay Tân Tự do ( Ecole néo – libérale).

Lý thuyết của Keynes chỉ là những điều tu bổ thêm cho Trường phái Cổ điển. Một thí dụ dễ hiểu : Hiến pháp tự do, dân chủ Hoa kỳ do Washington, Jefferson và những người đại diện cho hơn 10 tiểu bang Hoa kỳ lúc đầu vẫn là căn bản, là chính; về sau này có những tu hiến chỉ là phụ thêm.

Lý thuyết kinh tế của Keynes đối với lý thuyết kinh tế của Adam Smith cũng vậy. Đây chính là điều ông và đệ tử của ông nghĩ.

Từ sau Đệ Nhị Thế Chiến, thế giới chia làm 2 phe, phe cộng sản với quan niệm nhà nước can thiệp 100% vào đời sống kinh tế quốc gia, bãi bỏ quyền tư hữu, quyền tự do kinh tế. Phe tự do vẫn nằm trong tư tưởng tự do kinh tế của Adam Smith với « tu hiến » của Keynes.

Người ta thấy gì từ đó cho tới năm 2008, năm của cuộc khủng hoảng kinh tế không thua gì năm 1929?

- Phe cộng sản hoàn toàn thất bại cho tới khi sụp đổ năm 1990, chỉ còn rơi rớt lại một vài nước trong đó có Trung cộng và Việt Nam.

- Phe tự do, một cách tương đối, rất thành công, mặc dầu có một vài khủng hoảng nhỏ, nhưng kinh tế đã tiến vượt bực, tổng sản lượng quốc gia đã tăng cả mấy chục lần, số lượng trao đổi hàng hóa cũng vậy, đời sống người dân đã được tăng, các quốc gia đã trở nên giầu có. Đó chính là những lời tiên đoán của Adam Smith qua quyển sách Bàn về bản chất và nguyên do sự giàu có của các quốc gia là như vậy.

Tuy nhiên đã xẩy ra cuộc khủng hoảng kinh tế to lớn năm 2008, có thể so sánh với cuộc khủng hoảng năm 1929. Từ đó nhiều người cho rằng lý thuyết kinh tế tự do của Adam Smith, được tu bổ bởi Keynes, hoàn toàn đã lỗi thời cần phải vứt bỏ. Người khác thì ngược lại cho rằng tư tưởng kinh tế của 2 nhà kinh tế nổi tiếng này đã bị áp dụng sai lầm.

Chúng ta hãy xem xét vấn đề kỹ hơn; nhất là từ năm 2008 tới nay, đã là 6 năm, nhiều quốc gia đã đưa ra những biện pháp để khống chế khủng hoảng, cũng giúp chúng ta dễ dàng nhận xét vấn đề:

Cuộc khủng hoảng kinh tế năm 2008, có thể tóm gọn là bắt đầu từ Hoa kỳ, từ ngành ngân hàng, với sự phá sản của một ngân hàng lớn,  truyền sang ngành địa ốc, xe hơi, rồi bị lây dịch sang gần như tất cả mọi hoạt động kinh tế, rồi lan rộng ra thế giới, nhất là các nước Âu châu, đặc biệt là những nước Nam Âu: Hy lạp, Tây ban nha, Bồ đào nha, Pháp v.v…

Hiện nay, nói một cách tương đối thì Hoa kỳ đã gượng dậy, trong khi những nước Nam Âu còn rất khó khăn, ngoại trừ những nước Bắc Âu, trong đó có Đức, Hòa lan, Thụy điển, Đan mạch v.v…

Khi cuộc khủng hoảng bùng nổ, lây lan rất mạnh, không riêng ở Hoa kỳ, mà gần như cả thế giới, nhất là Âu châu, những người chủ trương kinh tế quốc doanh, với sự can thiệp 100% của chính quyền vào đời sống kinh tế, nói một cách khác đi là những người còn nuối tiếc chế độ cộng sản Liên sô, như đảng Cộng sản Pháp, không ngần ngại đưa ra những khẩu hiệu từ thời K. Marx, Lénine: « Tư bản đang tự đào mồ chôn mình ! « , « Tư bản đang dãy chết . »

Những người khác chủ trương kinh tế hoàn toàn tự do thì cho rằng sở dĩ có khủng hoảng là vì chính quyền đã can thiệp quá nhiều vào đời sống kinh tế của dân.

Từ năm 2 008 tới nay, như vậy là đã 6 năm, thời gian giúp chúng ta nhìn lại một cách sáng suốt hơn, biết rõ đâu là nguyên do, đâu là giải pháp, nhất là hiện nay kinh tế thế giới, bắt đầu đã tương đối phục hồi.

Nguyên do, nếu nói về lý thuyết, thì những chính quyền đã không thực hiện đúng những lời dạy của Adam Smith và nhất là của Keynes. Chúng ta lấy ví dụ 2 nước điển hình là Hoa kỳ và Hy lạp:

Keynes dạy là sự thất thâu ngân sách quốc gia ở mức độ khoảng 3% tổng sản lượng quốc gia, mức nợ nhà nước ở mức độ 30% hay cùng lắm là ở 50% tổng sản lượng quốc gia. Gần như tất cả những nước  khủng hoảng đều không theo đúng lời dạy này:

Mức độ nợ của Hoa kỳ lên đến 100%, đó là 15 990 tỷ $, trong khi tổng sản lượng là 16 000 tỷ $. Hơn thế nữa, đây chẳng phải là lỗi đảng Cộng hòa hay đảng Dân chủ, mà Hoa kỳ đã từ lâu muốn giúp dân thực hiện giấc mơ của mình, đó là có một căn nhà, một chiếc xe hơi, một bộ bàn ghế và một cái bếp hiện đại. Chính vì vậy đã đi theo một chính sách cho vay dễ dãi. Người dân cần gì cũng có thể mua chịu. Mua chịu đến mức độ tiền lương kiếm được 2 000 $, thì mua chịu đến 1990$, không còn tiền để sinh sống. Đây không phải là trường hợp của trăm ngàn người, mà là cả triệu người. Đến khi kinh tế gặp một vài trục trặc, gây ra thất nghiệp, người dân không thể trả tiền ngân hàng, thì gây ra khủng hỏang, không những ở ngành ngân hàng, mà lan sang địa ốc và xe hơi.

Nước Hy lạp, thất thâu ngân sách quốc gia đâu có ở mức độ 3%, mà ở mức độ 13% hay 15%. Nợ nhà nước đến 200% tổng sản lượng quốc gia. Chính quyền tại những nước bị khủng hoảng đã tiêu xài quá độ, có chính quyền làm kế toán giả để mượn tiền những cơ quan tài chính quốc tế. Người ta có thể nói một cách tương đối và tổng quát, đó là những nguyên do chính của cuộc khủng hoảng.

Tuy nhiên từ đó đến nay là 6 năm, cũng đã có những giải pháp cho cuộc khủng hoảng này. Và nước đầu tiên là Hoa kỳ, Âu châu cũng đã gượng dậy, nhưng còn hơi khó khăn, tiêu biểu là nước Pháp.

Chúng ta xem xét Hoa kỳ đã phục hồi như thế nào và nước Pháp gượng dây khó khăn như thế nào?

Không ai chối cãi rằng kinh tế Hoa kỳ ngày nay đã phục hồi, thất nghiệp đã giảm xuống dưới 7% thay vì hơn 8% trước đây, ngành ngân hàng và địa ốc đã trở lại hoat động tương đối bình thường. Ngành xe hơi, hãng Général Motor, trước đây, gần như bị phá sản, nay đã trở lại hàng nhất nhì thế giới. Nhưng Hoa Kỳ đã dùng những lý thuyết kinh tế, biện pháp nào để phục hồi ?

Những biện pháp vẫn nằm trong tư tưởng của Adam Smith và của Keynes, tức là vẫn giữ kinh tế thị trường và nhà nước dân chủ, không từ bỏ, vẫn dùng «  tu chính của Keynes «, cố từ từ trở về lời dạy của Keynes là thâm thủng ngân sách không quá 3%, nợ nhà nước không quá 30% tổng sản lượng quốc gia, nhưng uyển chuyển hơn.

Hoa kỳ ý thức rất rõ rằng nhà nước và dân tiêu xài quá khả năng sản xuất và thâu nhập của mình, nên tìm cách, đầu tiên với chính phủ, giảm đi những phần chi tiêu không cần thiết, bớt công chức, giảm quân đội, đó là với chính phủ. Còn đối với dân thì kiểm xoát kỹ việc cho vay.

Ở điểm này, phải công nhận rằng chính quyền, những nhà kinh tế và chuyên viên Hoa kỳ làm việc mau lẹ và rất có kết quả. Họ không ngần ngại bỏ giáo điều «  Không can thiệp vào đời sống kinh tế tư nhân « , mà họ can thiệp thẳng, đi vào từng hộ gia đình, từng hãng xưởng, ngân hàng, xem hộ nào còn có thể trả tiền mua nhà, mua xe, nhưng chỉ gặp khó khăn nhất thời, thì họ giúp đỡ, bằng cách cho vay thêm dài hạn, còn hộ nào không thể, thì họ khuyên nên phá sản. Về ngân hàng và kinh tế cũng vậy. Tuy nhiên với những hãng xưởng mang lại công ăn việc làm cho nhiều người, thì họ sẵn sàng giúp đỡ thẳng tay, không ngại việc can thiệp vào đời sống các xí nghiệp. Bằng chứng là hãng Général Motor.

Về chính trị tài chánh, thì chúng ta phải cho một điểm cao cho Ngân hàng Trung ương ( FED). Họ theo sát thị trường tài chánh, biết rất rõ khi nào phải hạ giá tiền lời chính ( taux d’escompte) để thị trường, dân, các hãng xưởng có thể vay để tiêu xài và đầu tư, để kinh tế không bị lâm vào cảnh suy yếu ( dépression) ; nhưng lúc nào cũng coi chừng để tăng lãi xuất, để số tiền trên thị trường không quá nhiều, đi đến lạm phát, giá cả hàng hóa tăng. Họ đã áp dụng lời dạy của Keynes một cách rất uyển chuyển và tài tình.

Tuy nhiên Khối Âu châu, tiêu biểu là Pháp, cường quốc kinh tế thứ nhì trong Khối, sau Đức, đang gượng lại kinh tế một cách khó khăn.

Nói rằng những chính quyền, nhà kinh tế, chuyên viên kinh tế Âu châu không giỏi bằng Hoa kỳ, không nắm vững lý thuyết của Keynes,  thì hoàn toàn không đúng. Vì hoàn cảnh lịch sử, chính trị, xã hội của Khối và của từng nước trong Khối khác Hoa kỳ.

Người cho rằng Âu châu không theo lời dạy của Keynes, không ai hơn là ông Paul Krugman, người tự nhận là đồ đệ trung thành của Keynes, nhận Giải Nobel Kinh tế năm 2008, hiện là giáo sư trường đại học Princeton, trong quyển sách mới xuất bản, mang tên Hãy làm cho chúng tôi ra khỏi khủng hoảng! Ngay lập tức «  ( Sortez – nous de la crise ! Maintenant), gần như đặc biệt cho Âu châu, trong Lời Mở đầu cho Nhà xuất bản sách bỏ túi ( Edition de la Poche), ông viết:

« Nếu những chính quyền muốn sửa lại những quyết định sai lầm là đã đi theo chính sách kinh tế thắt lưng, buộc bụng ( politique d’austérité), thì hãy đi theo chính sách kích thích kinh tế ( Politique de relance), thì kinh tế sẽ sớm trở lại kinh tế bình thường. » ( Paul Krugman – Sách vừa dẫn – Lời mở đầu – Nhà xuất bản Flammarion – 2013). Trong bài phỏng vấn của tờ tuần báo L’Expresse, trước đó, số 391, từ ngày 29/8 tới 4/9 /2012, khi người ta hỏi ông làm thế nào để cứu Âu châu, ông trả lời :

«Ít chính sách thắt lưng buộc bụng một cách rừng rú ( austérité sauvage) , cần một sự thất thâu tối thiểu về ngân sách cho những nước đang gặp khó khăn kinh tế; và đồng thời một chính sách tiền tệ rộng rãi hơn của Ngân hàng Trung ương Khối Âu châu, để duy trì một sự lạm phát tương đối cao hơn là sự lạm phát hiện nay trên toàn Âu châu. »

Thực ra cái nhìn của ông Paul Krugman bảo là sai thì không đúng, nhưng cái nhìn này quá thiên về kinh tế mà quên đi hoàn cảnh lịch sử và chính trị của Khối Âu châu.

Thật vậy Âu châu, nhất là Khối Âu châu hiện nay có một hoàn cảnh lịch sử, chính trị và ngay cả kinh tế khác hẳn Hoa kỳ.

Để tránh việc Âu châu, nhất là 2 nước Đức Pháp có chiến tranh, vì 2 nước này có thể nói trong quá khứ gần, là 2 trong những nguyên do chính của 2 cuộc thế chiến, những nhà thành lập ra Khối Âu châu như Robert Schuman, Adenauer v.v…, đã khôn ngoan từ từng bước một, bắt đầu bằng kinh tế, qua việc nhỏ đó là thành lập Hội Hợp tác Đức Pháp khai thác than đá, sau đó lần lượt qua nhiều lãnh vực khác, đến chính trị và văn hóa. Hơn thế nữa, những người lãnh đạo của 2 quốc gia này ý thức rất rõ rằng thế giới càng ngày càng đi đến toàn cầu hóa về kinh tế, chia thành từng vùng, từng khối, để đương đầu với Hoa kỳ, Nhật, Trung cộng, Âu châu không thể riêng rẽ, mỗi nước đứng một mình, mà cần phải hợp tác chặt chẽ hơn, từ chính trị, với Quốc Hội Âu châu, Ủy Ban Âu châu, tới kinh tế, đồng Euro, tới văn hóa, sự hợp tác giữa những đại học, sinh viên và học sinh. Tất nhiên để làm được như vậy, thì phải có sự nhân nhượng giữa những quốc gia trong Khối. Chính trị, theo như một nhà tư tưởng đã nói, đó là «một nghệ thuật thỏa hiệp giữa những khuynh hướng khác nhau.»

Nay chỉ nhìn về kinh tế, như ông Paul Krugman, cho rằng đồng Euro quá mắc, khiến cho xuất cảng khó khăn, nên trở về đồng tiền riêng của mỗi quốc gia, giúp cho chính phủ có một đường lối chính trị mền dẻo hơn, để dễ ứng phó với tình trạng thay đổi mau lẹ của thị trường. Đồng ý, nhưng đó là mặt kinh tế. Còn mặt chính trị, xã hội, văn hóa để đâu. Nếu phá bỏ đồng Euro, trở về tiền tệ riêng của mỗi quốc gia, có nghĩa là phá bỏ luôn cả Khối Âu châu.

Hơn thế nữa ông Krugman tự cho mình là đồ đệ trung thành của Keynes, nhưng nên nhớ rằng lý thuyết của Keynes đồng ý là còn giá trị, nhưng không còn quá hiệu nghiệm như thời những năm 30 và 40, vì kinh tế hôm nay là toàn cầu, có một sự cạnh tranh tàn khốc.

Kinh nghiệm của xứ Pháp, vào năm 1981, ông François Mittérand của đảng Xã hội lên làm tổng thống, đã dùng lý thuyết của Keynes, nhằm «Kích cầu” , bằng cách tăng lương thợ, nhưng thay vì người dân pháp được tăng lương, mua sắm hàng của Pháp, để đồng thời có thể « Kích cung «, thì lại đi mua hàng của ngoại quốc rẻ hơn. Chính vì vậy mà cán cân ngoại thương của Pháp bị thất thâu trầm trọng. Đồng Franc bị phá giá 3 lần.

Ông Krugman còn trách bà Thủ tướng Đức Angela Merkell đã đưa tiêu chuẩn thâm thụt ngân sách dưới 3% và lạm phát không quá 1% như một giáo điều, làm cho kinh tế Âu châu bị nghẹt thở.

Ở điểm này, chúng ta cũng không thể quên mặt chính trị, lịch sử, xã hội. Khối Âu châu gồm 2 nước lớn là Đức và Pháp. Kinh tế Đức là lớn mạnh nhất nhờ dân số đông nhất trong Khối, dân Đức chăm chỉ, cần cù, chịu khó làm việc và tiết kiệm, kinh tế Đức thiên về kỹ nghệ và xuất cảng, vì xuất cảng máy móc nên không bị dao động bởi thị trường. Ngược lại kinh tế Pháp cũng có xuất cảng kỹ nghệ, nhưng phần lớn về thực phẩm, đồ trang sức, nước hoa, nên dễ bị dao động. Phần đóng góp của Đức vào ngân sách chung Âu châu lớn nhất. Thực tế là gánh nặng của Đức cho việc xây dựng Khối Âu châu cũng vậy. Chính phủ Đức không muốn cho dân Đức có cảm tưởng phải gánh tất cả những gì mà những nước khác tiêu xài pha phí như Hy lạp, Pháp, Tây ban nha v.v…

Chính vì vậy mà có 3% và 1%.

Nếu có một cái nhìn bi quan, quá khích, thì không biết Khối Âu châu đi về đâu.

Đó là cái nhìn của những tổ chức chính trị cực hữu cũng như cực tả của Khối nói chung và đặc biệt của nước Pháp. Như cái nhìn cực hữu của Mặt Trận quốc gia ( Front national) của bà Marine Lepen, thì đòi phá bỏ Khối, trở về chủ nghĩa quốc gia cực đoan như thời của Hitler. Cái nhìn cực tả của Mặt trận Tả ( Front de Gauche) của ông Jean Luc Mélenchon, trong đó có đảng Cộng sản và một số đảng tả và Trotkiste Pháp, thì đòi trở về thời cộng sản Liên sô cũ, với sự can thiệp mạnh mẽ của chính quyền vào đời sống kinh tế, như việc ông Mélenchon đòi quốc hữu hóa trở lại, đòi dựng hàng rào quan thuế, phá bỏ đồng Euro.

Nếu chúng ta nhìn lạc quan thì tin tưởng rằng giới lãnh đạo Âu châu, nhất là những chính quyền, họ đủ sáng suốt, không bị rơi vào tình trạng quá khích, cực đoan. Họ đủ khôn ngoan để tìm ra những thỏa hiệp, vì như trên đã nói : «Chính trị chính là nghệ thuật thỏa hiệp.»

Vì vậy khi xét một xã hội, một khối chúng ta không thể nhìn chỉ từ một khía cạnh.

Đó là cái nhìn toàn diện của Adam Smith và ngay của cả Keynes. Lý thuyết của 2 nhà kinh tế hàng đầu thế giới này vẫn còn gia trị. Nhưng áp dụng nó phải uyển chuyển.

Chúng ta có thể nói tư tưởng đạo đức, chính trị, kinh tế của Adam Smith và của Keynes có thể ví như bốn cạnh của một hình vuông. Cạnh đầu là đạo đức dựa trên tình cảm bình thường là con người muốn sống an bình và có thiện cảm với người khác. Cạnh thứ nhì là tư tưởng chính trị và luật pháp: một quốc gia tự do, dân chủ, tôn trọng những quyền căn bản của con người, lấy luật pháp công bằng để hành xử, tam quyền phân lập, quyền hành pháp không thể khống chế 2 quyền khác. Cạnh thứ ba là tự do kinh tế, tôn trọng quyền tư hữu, theo kinh tế thị trường do luật cung cầu quyết định.

Đó là tư tưởng của Adam Smith.

Nhưng cạnh thứ tư là những tu chính của Keynes, chấp nhận một cách giới hạn quyền can thiệp của nhà nước, để điều chỉnh sự trục trặc nhất thời của kinh tế thị trường dựa vào sự thất thâu có giới hạn của ngân sách nhà nước, với con số là 3% tổng sản lượng quốc gia; và chính sách tiền tệ, cho phép ngân hàng trung ương điều chỉnh lượng tiền tệ trên thị trường để khuyến kích tăng trưởng kinh tế.

Hình vuông vừa nói chỉ có thể thành hình khi có đầy đủ 4 cạnh vừa nói, chỉ cần thiếu một cũng không xong.

Bởi vậy khi nói đến tư tưởng kinh tế của Keynes, người ta không thể quên tư tưởng của Adam Smith. Và cũng chính vì vậy mà người ta gọi Trường phái Kinh tế của Keynes là Tân Tự do hay Tân Cổ Điển. (1)

Tư tưởng của 2 nhà kinh tế lớn này vẫn còn giá trị, đối với gần như toàn thế giới, ngoại trừ một số nước cộng sản, với điều kiện là phải áp dụng nó một cách khôn ngoan và uyển chuyển.

 Paris, ngày 30/04/2014

© Chu chi Nam

© Đàn Chim Việt

 

3 Phản hồi cho “Lý thuyết kinh tế của Adam Smith và J.M Keynes đã hết hiệu nghiệm?”

  1. NGÀN KHƠI says:

    BÀN VỀ THẾ GIỚI LOÀI NGƯỜI

    Thế giới loài người chỉ là một con thuyền đang trôi trong không gian vô tận. Cái bờ của dòng sông đó là hệ mặt trời và ngân hà, ở trong một khu vực thiên hà lớn hơn nào đó.
    Lịch sử của thế giới loài người là lịch sử phát triển từ thấp lên cao. Mỗi yếu tố phát triển đó là từng quốc gia, từng dân tộc hợp lại. Sự phát triển có thể liên tục, có thể gián đoạn, có thể thoái bộ nhất thời, nhưng thế giới không thể bao giờ không phát triển, đó là quy luật tất yếu.
    Tuy vậy con người là yếu tố đại diện chung cho toàn nhân loại. Giá trị và ý nghĩa con người do đó chính là trí tuệ, là tinh thần, không phải vật chất, không phải chỉ là sự sinh tồn thường tình kiểu mọi sinh vật khác. Con người sống là để tồn tại, nhưng đỉnh cao nhất là để tận hưởng mọi thú vui trí tuệ, tinh thần, không phải chỉ là thú vui bản năng hay vật chất. Tinh cảm, cảm xúc cao quý, đó mới là giá trị, là ý nghĩa. Tình cảm, cảm xúc mù quáng, đó là tầm thường, thấp kém, bởi phi tri thức, phi ý thức lành mạnh, sáng tỏ và sáng suốt.
    Nguyên nhân sự tồn tại con người là cả sự bí ẩn của vũ trụ đến nay vẫn chưa giải mã hết. Học thuyết duy vật chỉ là học thuyêt u mê, phi lý, ngu dốt. Đó là nhìn hiện tượng bên ngoài rồi vơ đũa cả nắm tất cả đều vật chất. Thế giới là cụ thể, luôn phát triển từ cái cụ thể, đó là hiện tượng khách quan tất yếu. Nhưng cái bề ngoài đó cũng như trái bóng cao su, nếu không có cái nâng đỡ bên trong, là chất khí nào đó, hình dạng bên ngoài của trái bóng không thể phồng lên được. Con diều bay nhờ gió, không khí, nhưng thực chất cũng phải nhờ sợi chỉ nhỏ do đứa bé nắm giữ ở đầu dưới đất.
    Vật chất không bao giờ chính là nguyên nhân của vật chất. Bởi như vậy là phi lô-gích. Cái tưởng như khôn mà thật ra là cái ngu của Các Mác là chính như vậy. Vật chất mà tự biện chứng để làm nên thế giới, đó chỉ là cái nhìn hiện tượng, hoàn toàn thiếu thông minh, hoàn toàn thiếu sâu sắc. Từ khởi điểm mù quáng mà toàn bộ học thuyết Mác cũng chỉ là sự tưởng tượng mù quáng cả nút, do đó không bao giờ có giá trị, ý nghĩa hay thành quả khách quan nào được.
    Thế nên con người sinh ra mỗi cá nhân đều có thân phận riêng cụ thể của mình. Đó là nguồn gốc di truyền, hoàn cảnh sống, cơ hội, sự may mắn, cũng nhờ vào các sự phấn đấu riêng. Trong mọi ý nghĩa đó con người có người tốt, người xấu, người giỏi, người dở, nhưng ai cũng có quyền sống như nhau và kết quả là bài toán tổng hợp cho toàn xã hội. Chính nền giáo dục, nền kinh tế, nền chính trị lành mạnh sàng lọc mọi phẩm chất của con người để làm nên cái tốt đẹp chung. Nếu trái lại chỉ là một xã hội hổn độn, hổn loạn, một xã hội đi xa tính cách con người, phản lại con người, phản lại xã hội, tức không thành người.
    Xã hội tự do, thị trường tự do, nền giáo dục khai mở đó là các ý nghĩa, các giá trị nhân bản tối hậu của xã hội con người. Ngược lại xã hội độc tài độc đoán, nền giáo dục ngu dân nào đó, kiểu xã hội bao cấp ý thức hệ khiến toàn bộ mọi người bị khống chế, bị nô lệ bởi một thiểu số nào đó cầm quyền, nhân danh mọi sự sai trái nào đó, chính là xã hội phản nhân bản, phản nhân văn nhất.
    Cho nên mọi người không thể nhân danh bất kỳ cái gì hạn hẹp để bó buộc người khác phải theo mình. Xã hội không thể nhân danh bất kỳ cái gì chủ quan để buộc những bộ phận nào đó phải tuân thủ tuyệt đối theo mình. Bất kỳ một bộ phận nào của xã hội không thể nhân danh cái gì chủ quan để khống chế, nô lệ hóa toàn bộ xã hội.
    Chính ý nghĩa của thế giới văn minh, phát triển là như thế. Đó là nền tảng khách quan của mọi chế độ dân chủ tự do thật sự là như vậy. Chính trí thức, trí tuệ đúng nghĩa điều khiển sự phát triển của cá nhân và nhân loại mà không hề là vật chất hay kinh tế. Bởi chính tinh thần, trí tuệ tạo ra mọi hiệu quả, hợp lý cho vật chất mà không phải vật chất tự nó làm nên tất cả.
    Mác dùng khái niệm vật chất, khái niệm độc tài, ý nghĩa độc tôn, dùng sự khống chế mù quáng của tập thể để hi sinh mọi sự chính đáng, cần thiết của cá nhân, đưa ra những lập luận huyễn hoặc, tưởng tượng để tự cho là chân lý một cách một chiều và chủ quan, rồi chủ trương dùng bạo lực để thực hành tất cả những cái đó. Như vậy rõ ràng học thuyết Mác chỉ là một học thuyết phi nhân bản, phản khoa học, phản khách quan, hay nói thẳng ra chỉ là một học thuyết tà mị vì ảo tưởng, tham vọng riêng hoặc ngu ngốc. Nhưng giới bình dân, ít học mà tin nhảm chẳng nói làm gì. Kể cả một số gọi là trí thức của phương Tây cũng cạn hẹp cho đó là học thuyết nhân bản, thì quả thật đó chỉ là bọn trí thức ma mánh, ngu khờ, hạn hẹp hay ngụy tín. Ngay cả một Trần Đức Thảo ở VN trước đây mà cũng đã từng tin nhảm như vậy thì thật rõ rang quả thật là rất đáng tiếc.

    THƯỢNG NGÀN
    (03/5/14)

  2. Nguyễn Tấn Trung says:

    Theo tôi tư duy của Adam Smith và J.M. Keynes luôn đúng, Sư phục hồi kinh tế Hoa kỳ và sự phá triễn của một số nước không bềnh vững, Thế giới ngày càng mâu thuần và nếu không có sự can thiệp của thế guiới vô hình thì nhân loại sẽ bị tiêu diện trong ít năm tới đến 200 năm nữa, Tuy nhiên nhân loại có thể tự cứu mình được

    Thế giới mâu thuẩn ở chổ: tình người ngày một khô cạn và xung đột, Hố giàu nghèo càng sâu rộng, người giàu thay vì thương người nghèo lại khinh ghét người nghèo. Người nghèo thay vì kính trọng ngưỡng mộ người giàu lại hận thù người giàu, Vợ chồng thay vì kết hòa thành m̀ột lại đôi co với nhai, Cha mẹ thay vì yêu quý con lại coi con như cái nợ đời, Con thay vì hết lòng lo cho cha mẹ lai thấy không có bổn phận lo, bạn bè thay vì thân mến giúp đỡ nhau thì phòng thủ cạnh tranh vợi nhau …

    Nguyên nhân dẫn đến mâu thuẩn kình chống: Dân số thế giới quá lớn so với sức chịu đựng của trái đất, Nền giáo dục chỉ dáy tài chứ kh̀ông dạy đức, Luật lệ quá nhiều quá máy móc bị lợi dụng quá đáng.

    Nhân loại có thể tự cứu: Phải cả tổ lại Liên hiệp quốc Hội viên chính thức là những nước có tự do dân chủ thật sự, Hội viên dự khuyết là những nược có lộ trình tiến tư do dân chủ cụ thể,từng bước một xóa bỏ biên giợi quốc gia, Giáo dục phải hướng đến một con người có nhận thức: Tiền của rất quan trọng, nhưng kiến thức quan trọng hơn, Kiến thức rất quan trọng nhưng Sức khoẻ tốt, thói quen tốt và tấm lòng tốt là 3 điều quan trọng nhất và không thể thiếu.

  3. THƯỢNG NGÀN says:

    NÓI VỀ KINH TẾ HỌC VÀ XÃ HỘI HỌC

    Kinh tế học và xã hội học đều nhất thiết phải là những khoa học. Có nghĩa chúng phải khách quan, đặt cơ sở trên các dữ kiện thực tế có thật mà không phải trên sự tưởng tượng chủ quan hoặc trên các ham muốn ảo tưởng nào đó của con người. Bởi vậy kinh tế học kiểu “ý thức hệ” chỉ là sự càn dở, ngu ngốc, phi lý, và là sự sai lầm nghiêm trọng.
    Chẳng hạn, mọi khoa học tự nhiên đều là khoa học khách quan, vì nó đặt nền tảng trên mọi quy luật vật chất khách quan có thật. Toán học cũng phải là khoa học khách quan, vì nền tảng của lý trí con người vẫn phải đặt trên mọi hiện tượng khách quan tự nhiên trong thực nghiệm.
    Khoa học kinh tế cũng vậy, phải đặt nền tảng trên khoa học xã hội, tức trên những quy luật khách quan, những dữ kiện khách quan của tâm lý con người và tâm lý xã hội. Học thuyết Mác Lênin chỉ thuần túy là một ý thức hệ chủ quan, do cá nhân của Mác nghĩ ra một cách hạn hẹp, tưởng tượng và ảo tưởng, Lênin cũng chỉ phát triển ra bằng cách đồ lại và tưởng tượng bổ sung thêm hơn nữa, nên ý thức hệ nó cũng chỉ là ý thức hệ mà không thể nào là khoa học dù cho có mệnh danh cả triệu lần nó là khoa học.
    Kinh tế học là nền tảng tồn tại, là nguồn sống còn của xã hội con người. Bởi vậy nó nhất thiết phải là khoa học khách quan mà không thể nào khác. Có nghĩa con người có thể chủ quan về khoa học, có thể lúc đúng, lúc sai về khoa học, đó là tại sự hạn hẹp mỗi lúc của con người. Nhưng khoa học đúng nghĩa thì bao giờ cũng là khoa học, kinh tế học cũng thế. Mọi nhà kinh tế học hay mọi nhà khoa học kinh tế nói chung, chỉ nhằm tìm ra các quy luật kinh tế xã hội chính xác, khách quan, hiệu quả, phù hợp thực tế, họ không bao giờ tự đặt ra, tự tưởng tượng ra các quy luật kinh tế. Điều này họ cũng giống các nhà vật lý học, các nhà khoa học, các nhà khoa học khác nói chung. Quy luật khách quan luôn là quy luật khách quan không là gì khác.
    Trong kinh tế học có các yếu tố nền tảng như : lao động, trí tuệ, tài nguyên, phúc lợi, nguyên lý điều hành, phương tiên giao dịch. Các yếu tố nền tảng này không thể thiếu cái nào. Vì khiếm khuyết hay yếu kém cái nào, các cái khác có thể cũng khiếm khuyết theo hay kết quả chung có thể bị lệch hay bị hạn hẹp. Bởi thế nếu chỉ quan tâm hay đề cao quá đáng một cái nào đó đều sai lầm và phiến diện.
    Mác chỉ đề cao lao động một cách phiến diện, theo quan điểm hoàn toàn hạn hẹp, do đó cũng bất chấp mọi cái khác và làm học thuyết kinh tế của Mác chỉ trở nền què quặt, phi hiệu nghiệm. Bởi vì chính trí tuệ của con người nâng cấp, thăng hoa lao động. Chính tài nguyên là đối tượng vận dụng của kinh tế mà không là gì khác. Phúc lợi xã hội là mục đích và nền tảng tất yếu của kinh tế. Điều này chủ yếu là hiện tại, không phải đẩy tới xã hội tưởng tượng nào đó trong tương lai như kiểu Mác.
    Nguyên lý điều hành là nguyên lý thị trường, nguyên lý tự do dân chủ trong xã hội, nguyên lý xã hội dân sự đúng nghĩa. Tức động lực của kinh tế là lợi nhuận cá nhân và phúc lợi xã hội. Vai trò của nhà nước, luật pháp là vai trò, ý nghĩa tiết chế, điều tiết, không phải là ý nghĩa cầm chịch, khống chế hoặc cai thầu mọi việc. Bởi vì nếu làm như thế kinh tế không còn tự do phát triển được, phúc lợi không thể chia đều, không thể điều hòa cho mọi giới mà chỉ tập trung vào một số quyền chức tha hồ hưởng lợi riêng mọi mặt. Bởi thế tiền tệ là phương tiện hữu hiệu nhất để điều hòa xã hội, để đầu tư và tái đầu tư ở mọi thời điểm trong kinh tế. Tiền tệ là phương tiện hiệu quả nhất và tiện dụng nhất mà con người đã khám phá ra trong lịch sử. Mác và Lênin đều chủ trương xóa bỏ tiền tệ, chủ trương kinh tế trao đổi trực tiếp lao động, tức kinh tế hợp tác lao động, kinh tế tập thể, đó là sự ấu trĩ và sai lầm lớn lao trong kinh tế. Chẳng qua chỉ vì Mác hiểu sai về lao động, hiểu sai về tư hữu, hiểu sai về thị trường, hiểu sai về cơ chế vận hành kinh tế. Bởi vậy thổi phồng sự bóc lột, lấy cái phiến diện làm cái tổng thể, hiểu sai về giai cấp, hiểu sai về phúc lợi, cuối cùng biến kinh tế xã hội thành ra một guồng máy cơ giới hoàn toàn giả tạo, phi hiệu quả, mất hiệu lực mà mọi người đều từng thấy.
    Bởi vậy những nhà kinh tế học như A. Smith hay J. M. Keynes, thật ra họ là hai nhà khoa học kinh tế lớn nhất trong vô số những nhà kinh tế thực tế từ trước đến nay. Smith thì quan tâm đến ý nghĩa kinh tế tổng quat, nhất là ý nghĩa tài nguyên. Trong khi đó J. M. Keynes đặc biệt quan tâm đến cơ chế hay cơ cấu tiền tệ, chính là cái cốt lõi quyết định nhất. Cho dù nhìn ở khía cạnh vi mô hay vĩ mô trong kinh tế học, các lý thuyết của họ đều là những lý thuyết khoa học khách quan thật sự, nên nó rất quan trọng, quyết đinh và bổ ích cho toàn bộ kinh tế xã hội trong xã hội con người, thời nào cũng thế. Bởi vậy không thể cho lý thuyết của họ lúc nào trở nên lỗi thời, nhưng nó luôn là nền tảng chung và càng ngay về sau nó càng được phát triển hơn, chi tiết hóa thêm, cách tân hóa thêm khi áp dụng cơ bản và hiệu quả vào đời sống xã hội mà thôi.
    Điều này chẳng khác gì vật lý cổ điển không bao giờ bị đào thải. Nó vẫn là nền tảng của vật lý hiện đại, vật lý lượng tử, nhưng được nhìn cách tinh tế hơn, bao quát hơn, sâu xa hơn, tinh vi hơn mà thôi. Bởi vậy có thể nói đi trệch được của khoa học, của thực tế mà cứ tự mệnh danh là khoa học, là thực tế thì vẫn cứ phản lại khoa học và thực tế là chính như thế. Học thuyết kinh tế xã hội của Mác đó là một ý thức hệ hoàn toàn phi thực tế vì tưởng tượng, nên ý nghĩa và kết quả của nó thực chất cũng chỉ là như vậy. Do đó những gì Mác phê phán một cách thô thiển trong xã hội tư bản khách quan, thực chất nó đều lặp lại trong mô hình xã hội kinh tế tập thể chuyên đoán chủ quan của Mác một cách tinh vi, gai góc, hay có thể nói là trầm trọng hơn về rất nhiều mặt, đối với từng cá nhân và với toàn xã hội mà thôi.

    ĐẠI NGÀN
    (02/5/14)

Phản hồi