Kinh nghiệm tranh đấu Ba Lan
họ đấu tranh trong hy vọng
chế độ Cộng Sản sẽ cáo chung
nhiều người nghĩ có thể chết vẫn chưa thấy
nhưng tranh đấu đến cùng
trước tình cảnh đất nước thoái hóa
dưới sự cai trị của bạo quyền
họ không nhắm mắt không ngậm miệng
thẳng thắn nói lên tiếng nói lương tâm
họ lên tiếng bằng mọi hình thức
trí thức viết tuyên ngôn đối kháng
văn nghệ sĩ sáng tác phản ảnh xã hội đau buồn
sinh viên chống đối trong sân trường
công nhân bỏ xưởng bãi công
tất cả biểu tình những ngày nghỉ lễ
luôn luôn với tinh thần bất bạo động
họ đấu tranh liên tục
cho tự do dân chủ
cho nhân quyền
họ bị những kẻ đứng bên lề
cho là thành phần phá hoại
thành phần bất lương làm loạn xã hội
nhưng họ không nao núng
trước các ý kiến thiển cận của những kẻ cầu an
và rồi lâu dần ai cũng biết
họ là những người tranh đấu đứng đắn
có lý tưởng có lương tri
họ yêu đất nước quê hương
với tầm nhìn sáng suốt
họ nói thật làm thật
sẵn sàng chấp nhận hy sinh
họ không sợ mất việc mất quyền lợi
không sợ phân tán gia đình
không sợ đói rét
không sợ chết không sợ tù
bị cấm tự do ngôn luận
bị nhà nước triệt để đàn áp
bị mật vụ theo dõi bắt bớ bạo hành
họ vẫn không chịu khuất
họ viết chui truyền tay nhau đọc
những bài nhận định phê bình
những sáng tác thơ văn
họ đặt những vấn đề đạo đức chính trị
truyền bá tư tưởng đấu tranh
họ lập những đài phát thanh
bí mật phát sóng ngắn
thảo luận những đề tài nóng
loan báo tình hình thời sự
họ vẽ những bích chương những biếm họa
về xã hội thối nát tham nhũng bất công
họ đi nhà thờ cầu nguyện
rồi hội họp sau thánh lễ
vận động nhau giữ vững niềm tin
vào Công đoàn Đoàn kết
vào chính cá nhân mình
đa số những lãnh tụ Công đoàn Đoàn kết
xuất thân từ giai cấp thợ thuyền
nhưng họ đã thách thức can trường
đã uyển chuyển đấu tranh
với sự tham gia của thành phần trí thức
họ đối thoại với chế độ độc tài khi cần thiết
chấp nhận thỏa hiệp khi có lợi cho dân
biết thắng từng bước một
cuối cùng họ đã thành công
từ tranh đấu âm thầm
đến đối lập công khai
đến chiến thắng bằng lá phiếu
hãy mở dấu ngoặc về Thiên An Môn
cùng năm cùng giai đoạn
cùng thách đố tự do dân chủ
nhưng hai giải pháp trái ngược hoàn toàn
trong lúc lãnh đạo Trung Quốc
ra lệnh hành quyết sinh viên
bằng lưỡi lê súng đạn Hồng vệ binh
bằng bánh xích sắt xe tăng
những người lãnh đạo Ba Lan
đã chọn ôn hòa thương thuyết
tình hình mỗi ngày một biến chuyển
phần thắng nghiêng về phía dân chủ tự do
với hậu thuẫn dân chúng đủ mọi thành phần
họ đòi thay đổi chính quyền
phong trào diễn biến hòa bình
trở thành cuộc cách mạng nhung
ở Ba Lan ở Tiệp ở Hung
khắp Đông Âu bùng lên khí thế đấu tranh
các chế độ Cộng Sản phải đành nhượng bộ
cao điểm là bức tường Bá Linh sụp đổ
một biến cố thay đổi lịch sử
mà Ba Lan đã đóng góp khởi đầu
nhìn lại Ba Lan hai mươi năm sau
trong giai đoạn hậu cộng sản
xã hội vẫn còn một số hiện tượng tiêu cực
đầy những khó khăn thực tế
mà chính quyền phải đối phó mỗi ngày
từ sự gia tăng thất nghiệp
hành vi phạm pháp
tham nhũng hối lộ lạm quyền
đến khoảng cách biệt giầu nghèo
thái độ kỳ thị thiếu khoan dung
họ còn quá nhiều điều phải suy nghĩ
sau những vấp váp sai lầm
phải tìm giải pháp tốt hơn
nhưng ngày nay hồi tưởng lại
không ai không thấy quý trọng
một nền tự do dân chủ bình thường
mà họ đang cương quyết bảo vệ
cho chính mình và thế hệ tương lai
© Bắc Phong
Ý thơ phần nhiều dựa trên nội dung bài Solidarity under strain của Adam Michnik đăng trên báo The Guardian ngày 9-11-2009.