Bầu cử giữa kỳ 2014: Tea Party – Nỗi lo của ông chủ tịch Hạ viện John Boehner
Thử tưởng tượng cuộc họp báo đầu ngày do ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner chủ tọa sáng mai ở Washington D.C. ngay sau ngày cuộc bầu cử giữa kỳ 2014.
Trước ống kính truyền hình, người lãnh đạo ngành lập pháp Hoa Kỳ hãnh diện loan tin chiến thắng, lấy được thêm ghế ở Hạ Viện (và có thể lấy cả khối đa số Thượng Viện), xem đó là thắng lợi lớn cho đảng và “chứng tỏ người dân Hoa Kỳ đã quá chán nản với chính phủ của Tổng Thống Barack Obama”. Như thường lệ, sau phát biểu ngắn gọn của ông là phần trả lời câu hỏi của giới truyền thông, trước khi ông cất bước rời phòng họp báo để trở lại văn phòng, bắt đầu ngày làm việc của “thời đại chính trị hoàn toàn mới”, đi đằng sau là những vị dân cử cùng đảng đang nắm giữ các vị trí quan trọng, giúp ông hoạch định chiến lược cho 2 năm tới cũng như cho cuộc bầu cử tổng thống 2016 để đảng Cộng Hòa lấy lại Tòa Bạch Ốc.
Có lẽ trên đoạn đường rất ngắn dẫn về văn phòng, ông Chủ Tịch Hạ Viện vừa đi vừa lo. Lý do: từ trước ngày cuộc bầu cử diễn ra, những cuộc thăm dò cuối cùng cho thấy chuyện Cộng Hòa lấy thêm ghế ở Hạ Viện là điều đương nhiên sẽ đến, nhưng trong số khoảng một chục ghế có thêm sẽ có từ 6 đến 8 ghế thuộc về nhóm “Tea Party”, nhóm bảo thủ làm việc chung với đảng Cộng Hòa nhưng thường mạnh mẽ phản đối chiến lược mà đảng Cộng Hòa đề ra. Nói cách khác: thành công của đảng Cộng Hòa sau cuộc bầu cử lần này chưa hẳn đã hay, vì có thể tạo thêm nhức đầu cho những người đang lãnh đạo đảng ở tòa nhà Quốc Hội Liên Bang Hoa Kỳ.
Các vị tân dân biểu “Tea Party” đó gồm những ai? Có thể họ là những ứng cử viên ở các tiểu bang miền Nam -như ông Gary Palmer ở Alabama hay ông John Ratcliffe của tiểu bang Texas- nuôi mộng đánh bại những vị dân biểu Cộng Hòa đang gặp khó khăn khi tái ứng cử vì bị chỉ trích là “không bảo thủ đúng mức”, cũng có thể là những ứng cử viên tranh cử ngay tại các tiểu bang được xem là thành trì của đảng Dân Chủ như California, Florida, Illinois, New York…, khu vực tỷ lệ cử tri không hài lòng với đường lối của Tổng Thống Dân Chủ Barack Obama chẳng phải là nhỏ; hoặc là những ứng cử viên đang hy vọng trám chỗ của những vị dân cử Cộng Hòa không tái ứng cử, như ông Barry Loudermilk (Georgia) từng nói với cử tri “tôi chẳng bao giờ ủng hộ ông Boehner”, hay ông Jody Hice cam kết nếu đắc cử “sẽ vận động dựng một hệ thống lãnh đạo mới ở Hạ Viện”, hoặc ông Glenn Grothman (Wisconsin) lúc nào cũng hãnh diện nói “tôi là người đi sát lập trường bảo thủ hơn ông Boehner”, dùng đó là một chiêu bài để thu hút phiếu ủng hộ của cử tri.
“Thế nào bên Cộng Hòa cũng có thêm ghế ở Hạ Viện”, ông phụ tá Nathan Gonzales của tổ chức độc lập Rothenberg Political Report chuyên quan sát sinh hoạt bầu cử nói, “chỉ không biết là thêm bao nhiêu ghế thôi”. Bản thăm dò mới nhất của tổ chức này cho thấy số dân biểu đại diện cho nhóm “Tea Party” trong đảng Cộng Hòa “có khả năng sẽ đông hơn trước”, đi kèm với nhận định cho rằng nếu điều này xảy ra, “ngay chính đảng Cộng Hòa cũng sẽ phải làm việc khó khăn hơn” vì lập trường của “Tea Party” cứng rắn, không chấp nhận nhượng bộ chính trị.
Cảnh báo này cũng được Viện Nghiên Cứu Chính Sách Tiến Bộ (the Progressive Policy Institute) đưa ra hồi giữa tháng Mười, lúc các nhà quan sát bầu cử tin rằng đảng Dân Chù không có cơ hội lấy lại khối đa số Hạ Viện. Trong bài nhận định đăng tải trên những tờ báo có tầm vóc của Mỹ, Viện Nghiên Cứu có tên nêu trên nhắc đến sự kiện những tổ chức siêu vận động của cánh bảo thủ Cộng Hòa như Club for Growth, Americans for Prosperity và Heritage Action dồn những khoản tiền lớn để ủng hộ các ứng cử viên Tea Party, “tấn công cả những người lãnh đạo đảng như ông thủ lãnh Cộng Hòa Mitch McConnell ở Thượng Viện và ông (Cựu) Phụ Tá Thủ Lãnh Cộng Hòa Eric Cantor ở Hạ Viện” là bằng chứng cho thấy “cuộc cách mạng trong thành phần bảo thủ đã khởi đầu”. Điều này, “sẽ đem lại khó khăn cho sinh hoạt ở Quốc Hội” vì thành phần cấp tiến, dung hòa không thể đưa ra chính sách “nếu không tìm được sự đồng thuận của các đồng viện Tea Party”.
Một số quan sát viên chính trị cho rằng các nhận xét đó không chỉ “quá đúng” trong quá khứ mà “sẽ đúng cả trong tương lai”. Bà Martha Turner, một chiến lược gia Cộng Hòa xem Tea Party “là một đảng nằm trong một đảng”, giải thích “họ sinh hoạt chung với cánh Cộng Hòa, tham dự tất cả những cuộc họp, đồng ý thảo luận về chính sách chung nhưng họ lại có đường lối hoạt động riêng”, đưa ra thí dụ điển hình “2 năm trước đây Tổng Thống Barack Obama và ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner đã đồng ý với nhau về ngân sách, khi ông Boehner về trình bày với các đồng viện cùng đảng, tức khắc ông ta gặp sự chống đối của nhóm 38 vị dân biểu Tea-Party”.
“Nhóm này”, bà Turner nói tiếp, “chủ trương ngăn chận tất cả mọi đề nghị phía hành pháp đưa ra”, đẩy cánh Cộng Hòa ở Hạ Viện vào thế “bó tay, lúc nào cũng lắc đầu, không chấp nhận làm việc với Tòa Bạch Ốc”. Tình trạng này dẫn đến kết quả tỷ lệ người dân không hài lòng với Quốc Hội xuống quá thấp, “có lúc chỉ trên 10%”.
Tòa Bạch Ốc từ chối trả lời những câu hỏi liên quan đến chuyện Tea-Party sẽ tạo thêm thanh thế sau cuộc bầu cử giữa kỳ 2014, nhưng mới tháng trước khi gặp gỡ với khoảng 100 nhà lãnh đạo tinh thần của cộng đồng người da đen, Phó Tổng Thống Joseph Biden dùng những từ ngữ rất nặng nề, gọi Tea Party là “một lũ điên” (nguyên văn: “they are (Tea Party) crazy”).
“Họ không phải là những người tiêu biểu cho Đảng Cộng Hòa mà chúng ta thường nghĩ”, Phó Tổng Thống Biden trình bày trong buổi gặp gỡ ở South Carolina, hôm 15 tháng Mười 2014, “họ là một nhóm Cộng Hòa hoàn toàn khác. Tôi chẳng bao giờ muốn phê bình ai đúng ai sai, nhưng tôi có thể nói với quý vị là nhóm này là nhóm thiếu lương tri” (nguyên văn: “but I will tell you that they have no judgment”). Ông bảo thêm “nếu đảng Cộng Hòa thành công trong cuộc bầu cử giữa kỳ, chúng ta sẽ chẳng đạt được thỏa thuận chính trị nào với họ cả” nhắc nhở mọi người có trách nhiệm “phải đánh bại những phần tử Tea Party” để tạo cơ hội “cho những vị dân cử Cộng Hòa khác làm việc”, ý muốn nói nếu không có nhóm Tea Party, chính trường Hoa Kỳ không lâm vào cảnh bế tắc như hiện giờ.
Trước lời chỉ trích quá nặng này của Phó Tổng Thống Biden, đại diện cho tập thể cử tri ủng hộ Tea Party (The Tea Party Patriots) là bà Jenny Beth Martin đưa ra bản thông cáo, nội dung cho rằng xưa nay ông Biden là người “nổi tiếng ăn nói lung tung”, nên những nhận xét ông đưa ra “là những điều không đáng để mọi người phải quan tâm tới”.
THƯỢNG VIỆN: BUÔNG TỔNG THỐNG, CHƯA CHẮC ĐÃ GIỮ ĐƯỢC GHẾ
“Đương nhiên Tổng Thống và các cố vấn của ông bực bội”, ông Cố Vấn Chính Trị David Axelrod trả lời câu hỏi về chuyện các vị dân cử Dân Chủ không muốn xuất hiện chung với Tổng Thống Brack Obama, đặc biệt là những người đang ứng cử hay tái ứng cử thượng nghị sĩ.
Không dùng chữ “sai lầm” để chỉ trích các chính trị gia cùng đảng, “nhưng theo quan điểm cá nhân”, người từng điều khiển cả 2 cuộc vận động tranh cử cho Tổng Thống Barack Obama nói tiếp, “tôi luôn luôn tin rằng chiến lược chính trị đó không phải là chiến lược hay, ngoại trừ trường hợp ngay từ ngày đầu họ đã chống đối chính sách mà Tổng Thống đề ra”, nhắc lại các vị dân cử của đảng Dân Chủ đã đi sát với Tổng Thống Obama ngay từ ngày đầu, bây giờ họ muốn “lánh xa” nhà lãnh đạo cùng đảng “cũng không được và không nên làm”, vì đối thủ chính trị của họ “sẽ đem chuyện cũ ra để chỉ trích, dùng đó làm mồi câu phiếu cử tri”. Vì vậy, “các ứng cử viên Dân Chủ nên tận dụng mọi cơ hội để trình bày, giải thích rõ cho cử tri biết những gì họ đã làm và tại sao họ lại làm những điều đó” thay vì tìm cách “buông” Tổng Thống trong giai đoạn này. Ông nhắc lại “dĩ nhiên Tổng Thổng và anh em chúng tôi không vui về chuyện này, chúng tôi đều nghĩ không muốn đến gần Tổng Thống trong lúc tranh cử chẳng có lợi gì cả, mà chỉ tạo cơ hội cho đối thủ chính trị (Cộng Hòa) dùng làm cái cớ để tấn công mình”.
Phát biểu của người được xem là thân cận nhất của Tổng Thống Obama được đưa ra vào đúng thời điểm cuộc tranh cử giữa kỳ 2014 đang ở giai đoạn cuối cùng: tất cả những cuộc thăm dò cử tri cho thấy đảng Dân Chủ đang gặp khó khăn, không chỉ mất thêm ghế Dân Biểu Hạ Viện mà chuyện mất cả thế đa số ở Hạ Viện cũng có thể xảy ra. Tùy theo cuộc thăm dò được phổ biến, kết quả đều cho thấy tối thứ Ba tới đây “có thể đảng Cộng Hòa sẽ lấy được 51 hoặc 52 ghế”, hoặc thận trọng nhất, có thể cuộc bầu cử Thượng Viện năm nay “vẫn chưa ngã ngũ” nhưng chuyện Dân Chủ mất ghế là điều có thể đoán trước được, dù mất bao nhiêu ghế “thì chưa rõ”.
Một trong những lý do khiến đảng Dân Chủ gặp khó khăn trong cuộc bầu cử năm nay vì cử tri không hài lòng với chính sách của Tổng Thống Obama, và họ sử dụng lá phiếu để bày tỏ quan điểm chính trị. Trước sự kiện người dân không ủng hộ Tổng Thống, phần lớn các chính trị gia cùng đảng với ông đồng loạt “buông” ông, hầu như chẳng ai muốn đến gần với ông cả. Chẳng những không muốn đứng cạnh ông, họ còn không muốn ông xuất hiện ở tiểu bang của họ, đến mức chính Tổng Thống Obama cũng phải lên tiếng than thở: “không thể chối cãi được là mọi chính sách mà tôi đề ra sẽ được đem lên bàn mổ chính trị”, và “điều không thể chối cãi được” là “những vị nghị sĩ đang gặp khó khăn khi họ tái ứng cử chính là những người đã ủng hộ tôi”.
Điều Tổng Thống Obama nói chẳng sai. Tỷ lệ các vị nghị sĩ Dân Chủ bỏ phiếu ủng hộ ông kên tới 96%, và càng ủng hộ ông nhiều bao nhiêu thì bây giờ họ lại tìm cách tránh xa ông bấy nhiêu. Ông Mark Udall của tiểu bang Clorado, người từng 99% bỏ phiếu ủng hộ ông Obama, hãnh diện nói với cử tri “người cuối cùng Tòa Bạch Ốc thấy là tôi”, ý muốn nói ông không phải là người lúc nào cũng đi hàng đầu trong việc ủng hộ Tổng Thống. Thượng Nghị Sĩ Mark Begich của tiểu bang Alaska, 98% bỏ phiếu ủng hộ Tổng Thống, bảo “tôi là cái gai (mà Tổng Thống phải đối phó), “và khi tôi tỏ lộ mình là cái gai, đương nhiên Tổng Thống chẳng có vui gì”.
Nhưng “buông” Tổng Thống để hy vọng tái đắc cử là điều không hẳn đã đúng.
“Tôi còn nhớ hồi bầu cử giữa kỳ 1994, các ứng cử viên Dân Chủ cũng tìm cách tránh xa Tổng Thống Bill Clinton”, ông Cựu Cố Vấn Tòa Bạch Ốc Stanley Greenberg kể lại. “Lúc đó tôi đã phải viết một thư riêng gửi cho mọi người” nhắc nhở “cử tri muốn biết dựa vào những lý do gì mà các vị dân cử lại bỏ phiếu ủng hộ các dự luật Tổng Thống đệ nạp cho Quốc Hội”. Trong thư, ông nói rõ trách nhiệm của các vị dân cử “là phải trình bày cho cử tri biết đường hướng họ và Tổng Thống cùng đi để xây dựng quốc gia, chứ không phải là tìm cách chối bỏ những gì quý vị đã làm trước ngày tái ứng cử”. Khi nhắc lại chuyện này, ông không quên kể thêm hồi 2006 giữa lúc dư luận cử tri đang ồn ào vì cuộc chiến Iraq, “các ông bà Cộng Hòa cũng tìm mọi cách để xa lánh Tổng Thống George W. Bush”, dẩn đến kết quả “hồi 1994 Dân Chủ mất cả Thượng Viện lẫn Hạ Viện, đến năm 2006 Cộng Hòa cũng thế”, xem đó là “bài học lịch sử mà các vị Thượng Nghị Sĩ Dân Chủ “cần phải nhớ”.
Bài học lịch sử đó, theo Cựu Nghị Sĩ Chủ Tịch Khối Đa Số Tom Daschle của đảng Dân Chủ, “không may đang tái diễn”. “Đáng lý ra, các ứng cử viên Dân Chủ nên dùng cuộc tranh cử năm nay để làm sang tỏ hơn chính sách của đảng, cho cử tri biết chính sách này khác với chính sách của đảng Cộng Hòa như thế nào, sẽ có lợi cho người dân ra sao”. Rất tiếc, ông Daschle nói tiếp, “chúng ta đã đánh mất cơ hội để trình bày những điều quan trọng, bởi vì không ai chịu làm điều đó cả”.
Tại Washington, một viên chức điều hành Văn Phòng Trung Ương của đảng Dân Chủ tiết lộ hồi đầu năm nay, “phía hành pháp (Dân Chủ) và lập pháp (Dân Chủ) đã gặp nhau để thảo luận về chính sách cho mùa bầu cử”. Cuộc thảo luận đó kết thúc “bằng một kế hoạch chung” trong đó bao gồm việc “sẽ đánh mạnh vào những việc như đề nghị tăng mức lương tối thiểu, sẽ thông qua dự luật bình dẳng về lương bổng (equal-pay legislation)”. Viên chức này cho biết thêm “kế hoạch đó không thành công vì đảng Cộng Hòa quấy lên dư luận chống đối Tổng Thống Obama”, nhìn nhận “ít nhiều họ đã thành công bằng chiến lược đó”, như cuộc thăm dò của Gallup thực hiện đầu tháng Mười cho thấy 32% cử tri nói đi bầu để bày tỏ sự chống đối của họ với Tổng Thống Obama, chỉ có 20% cho biết sẽ dùng lá phiếu để bày tỏ sự ủng hộ họ dành cho nhà lãnh đạo đương nhiệm.
Kết quả những cuộc thăm dò đó đẩy các ứng cử viên Dân Chủ đến chỗ “càng xa Tổng Thống Obama càng tốt”, quan sát viên bầu cử Holly Miller vừa cười vừa nói. “Họ tưởng rời xa ông Obama sẽ giúp họ thành công, nhưng điều này hoàn toàn không đúng”, bà Miller giải thích thêm “có thể bên Dân Chủ sẽ không mất khối đa số ở Thượng Viện, nhưng chuyện mất vài ghế là điều cả nước Mỹ ai cũng nhìn thấy”.
Điều đó thể hiện khá rõ trong những cuộc thăm dò thực hiện vào buối tối trước ngày bầu cử: tất cả đều quy về một điểm, cho thấy đảng Cộng Hòa đang thắng thế, kể cả ở những tiểu bang ứng cử viên Dân Chủ tranh chức thượng nghị sĩ không muốn nghe ai nhắc đến tên Tổng Thống Obama. Cầm trên tay kết quả những cuộc thăm dò, một viên chức Tòa Bạch Ốc vừa lắc đầu, vừa than “họ (Cộng Hòa) bỏ ra tới 2 tỷ dollars để quảng cáo tranh cử, chủ đích là những lời chỉ trích nặng nề mà họ dành cho Tổng Thống Obama, thế mà không ai lên tiếng bênh vực ông một câu!”
© Đàn Chim Việt