WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tại sao nước Tầu bị tụt hậu?

rongTQ

Gần đây, theo Bản Tường trình của Quỹ Tiền tệ Thế giới, tháng 10/2014, thì Tổng sản lượng quốc gia của Trung cộng, tính theo khả năng mua bán, đã vượt qua Hoa kỳ, Trung cộng là 17632 tỷ $, Hoa kỳ là 17416 tỷ $. Tuy nhiên theo nhiều nhà kinh tế và chuyên viên thì Trung cộng vẫn bị liệt vào hàng các quốc gia kém phát triển, nếu không muốn nói là chậm tiến, do nhiều lý do, vì sản lượng tính theo đầu người hàng năm, thì Trung cộng mới chỉ bằng 1/5 Hoa kỳ, và còn thua nhiều nước khác.

Thật vậy, kinh tế Trung cộng ngày một chậm lại, không ở mức độ tăng trưởng như trước đây, với 2 con số, nay chỉ còn một, mặc dầu mức sản xuất cao, nhưng hoàn toàn vay mượn kỹ thuật ngoại quốc, thiếu sáng kiến, trong 100 hãng xưởng sáng chế hàng đầu thế giới, Mỹ chiếm hàng đầu với 40 hãng, Trung cộng không có hãng nào (Theo Reuters). Trung cộng chỉ làm gia công, qua những công trình dự án hợp tác với các nước khác. Lý do là Tàu độc đảng, cổ điển, không dám nghĩ ngoài khuôn khổ, mất hết ý chí sáng tạo mà dân tộc Tàu đã có trước đây.

Nếu nhìn vào bảng những phát minh sáng kiến của nhân loại từ trước tới giờ, thì dân Tàu đóng góp không nhỏ, như đã sáng chế ra giấy, kỹ thuật in, địa bàn và thuốc súng. Tuy nhiên những phát minh sáng kiến này đã ngừng vào năm 1000, thế kỷ thứ 11, thời Bắc Tống (916 – 1125), trong khi đó thì thế giới nhất là tây phương, tiếp tục có những phát minh sáng kiến mới, làm cho nước Tàu trở nên tụt hậu.

Từ ngày Đặng tiểu Bình chủ trương canh tân kinh tế tới nay đã được gần 40 năm, không ai chối cãi rằng kinh tế Trung cộng tăng trưởng rất mạnh, nhưng nói về mặt khoa học kỹ thuật, thì vẫn chưa có một sáng chế nào mang danh hiệu quốc tế, như hãng Samsung, Huyndai của Nam Hàn.

Trong một cuộc chạy đua, khi anh chạy chậm hơn người khác, cũng có nghĩa là anh lùi và tụt hậu so với những người chạy nhanh hơn anh.

Để cắt nghĩa hiện tượng lùi và tụt hậu của Tàu, có người dựa vào bảng thống kê những phát minh của nhân loại từ lúc đầu cho tới ngày hôm nay, và kết án 4 chế độ cận đại của Tàu: nhà Nguyên (1279 – 1368), nhà Minh (1368 – 1644), nhà Thanh (1644 – 1911), và chế độ cộng sản từ 1949 tới nay, vì từ 4 chế độ này, Tàu không còn phát minh sáng kiến nào.

Theo quan niệm này vai trò chế độ, thể chế chính trị trong việc phát triển con người nói chung và trong việc phát triển khoa học kỹ thuật nói riêng được đặc biệt quan tâm và nhấn mạnh.

Người xưa có câu: « Nhìn lại quá khứ, xét hiện tại, để tiên đoán tương lại. » Chúng ta hãy nhìn sơ lược lịch sử cận đại Tàu, xét hiện tại Trung cộng, rồi đưa ra những giả thuyết về tương lai, để tìm câu trả lời.

Bà Magaret Thatcher, Thủ tướng Anh từ năm 1979 đến năm 1990, theo trường phái Tự do kinh tế, chủ trương chính thể tự do, dân chủ và kinh tế thị trường, có viết một quyển sách mang tựa đề « Statecraft – Strategies for a changing world » ( Cách trị quốc – Chiến lược để thay đổi thế giới ), theo đó thì để có thể giới tốt đẹp, chỉ có con đường duy nhất là theo thể chế tự do, dân chủ, kinh tế tự do thị trường. Để dẫn chứng bà đã đưa ra 2 cột so sánh về tổng sản lượng quốc gia, thì những nước chậm tiến hay còn thiếu phát triển, phần lớn là những nước độc tài, còn những nước phát triển là những nước dân chủ.

Từ đó, để cắt nghĩa tình trạng thiếu phát triển, tụt hậu của Trung cộng hiện nay, nhất là dựa vào bảng thống kê những phát minh sáng kiến của nhân loại, nhiều người cho rằng đó là vì Trung cộng bị đắm chìm trong chế độ quân chủ độc tài, ngay cả hôm nay với chế độ cộng sản.

Sở dĩ có quan niệm này, vì nhìn vào lịch sử nước Tàu, lấy đời nhà Tống, Bắc Tống (916 – 1125) làm mốc thời gian, thì trước đó, nước Tàu có nhiều đóng góp quan trọng cho lịch sử văn minh nhân loại, nhưng sau đó thì không. Chẳng hạn năm 105, đời nhà Hán, phát minh ra giấy, năm 680, cuối đời nhà Tùy, bước sang nhà Đường, phát minh ra kỹ thuật in, năm 1000, thời Bắc Tống, phát minh ra địa bàn và thuốc súng. Thế rồi từ đó, cho tới nay với thời cộng sản, trải qua nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh, nước Tàu không có một phát minh sáng kiến nào.

Trong khi đó thì Tây phương, năm 1210 phát minh ra bánh tay lái, năm 1712 ra máy hơi nước, 1733 ra máy dệt, năm 1804 tàu xe điện, 1876 ra điện thoại, 1886 xe hơi, năm 1903 ra máy bay v.v…

Có người đi xa hơn cho rằng nước Tàu bị tụt hậu là vì vẫn còn ở trong nền văn minh định cư nông nghiệp, trong khi thế giới đã chuyển qua văn minh tri thức điện tóan.

Một điều lầm lẫn to lớn của những nhà tư tưởng đông phương là cho rằng đông phương thua tây phương chỉ trong lãnh vực khoa học kỹ thuật.

Không phải thế.

Đông phương thua tây phương còn ở trong lãnh vực triết lý, tư tưởng, nhất là trên phương diện làm thế nào để tổ chức một xã hội có thể dung hòa quyền lợi tư nhân (intérêt privé) và quyền lợi tập thể ( intérêt public), điều này đã được Socrate ( -470 – 399 trước tây lịch), Platon ( -428 – 348 ttl) thảo luận rất kỹ. Trong khi đó ở đông phương, đặc biệt là Tàu, với Lão Tử sống cũng vào thế kỷ thứ 5, thứ 6 trước tây lịch, Khổng Tử (551 – 479 ttl), cũng có thể gọi là những người cùng thời. Lão tử thì chủ trương xuất thế, không màng đến sự can thiệp và cải cách xã hội. Ông cho rằng con người cần sống hòa hợp với thiên nhiên và tạo hóa, tuân theo quy luật của thiên nhiên, càng ít can thiệp vào việc đời thì xã hội theo lẽ tự nhiên sẽ hài hòa hơn. Khổng tử thì chủ trương nhập thế, nhưng không chú ý đến sự hổ tương giữa xã hội và cá nhân, đã hy sinh quyền lợi cá nhân, riêng tư cho gia đình, cho tập thể và xã hội, con người sinh ra có trách nhiệm là để phục vụ gia đình và xã hội, chứ không được quyền hưởng hạnh phúc cá nhân. Chính điều này đã làm cho xã hội Tàu mất quân bình và dễ bị những chính quyền độc tài lợi dụng.

Đến thế kỷ thứ 17 và 18, thì tây phương hơn hẳn đông phương trên phương diện văn hóa, triết lý chính trị, làm thế nào để tổ chức một xã hội hài hòa, một xã hội dân chủ, tam quyền phân lập rõ ràng qua những triết gia như Lock (1632 – 1704) với quyển sách (Traité sur le Gouvernement civil) (1690), Bàn về Chính quyền dân sự; J.J. Rouseau (1712 – 1778) với quyển (Contrat social ), Khế ước dân xã; Montesquieu (1689 – 1755) với ( Esprit de Lois), Tinh thần luật pháp, bàn về sự phân quyền rõ rệt trong một chính quyền dân chủ, cùng nhiều nhà triết gia, tư tưởng khác.

Thế rồi cuộc Cách mạng Độc lập Hoa kỳ 1776, rồi cuộc Cách mạng Dân chủ Pháp 1789, đã làm cho phương tây bùng nổ, phát triển không những về khoa học kỹ thuật, mà còn về phương diện tổ chức xã hội chính trị, tạo môi trường và cơ hội cho nhân tài thi thố khả năng.

Trong khi đó thì đông phương, đặc biệt Tàu và Việt Nam vẫn lùng thùng trong tư tưởng và cách tổ chức xã hội quân chủ phong kiến, và có thể nói cho tới ngày hôm nay, vì chế độ cộng sản chỉ là mặt trái của chế độ quân chủ.

Nếu chúng ta nhìn thật xa về văn hóa, văn minh, theo một số nhà sử học và nhân chủng học, thì nhân loại đã trải qua 5 nền văn minh: giai đoạn đầu là văn minh trẩy hái, mà mô hình tổ chức nhân xã là chế độ gia tộc; thứ hai là văn minh du mục, vì cây trái và xúc vật chung quanh hang động của mình cũng trở nên khan hiếm, con người phải đi xa để kiếm ăn, mô hình tổ chức nhân xã thời đại này là chế độ bộ lạc; nhưng rồi đi xa, thức ăn cũng khan hiếm, con người phải trồng trọt và nuôi xúc vật để sinh sống, nó bước sang nền văn minh định cư nông nghiệp, mà mô hình tổ chức nhân xã là chế độ quân chủ, lúc đầu là quân chủ phong kiến tản quyền, sau đó là quân chủ tập quyền, với nền văn minh này, con người đã có thể thỏa mãn những nhu cầu thiết yếu của nó, và một khi những nhu cầu thiết yếu được thỏa mãn, con người quay sang những nhu cầu xa xỉ, như ăn không phải chỉ cần no, mà còn cần phải ngon, có gia vị, mặc không chỉ cần ấm, mà cần đẹp, dệt được vải mặc, nhưng muốn mặc lụa, nên họ đã trao đổi với người dệt lụa, trồng được lúa mì, nhưng muốn ăn lúa mạch, nên đã trao đổi với người có lúa mạch. Con đường trao đổi Tơ lụa và Gia vị đông tây của nhân loại xuất hiện là thế. Con người bước sang hình thức văn minh thương mại, rồi với những phát minh sáng kiến, điện thoại, internet v.v…con người không cần đi xa để trao đổi, mà chỉ cần ngồi một chỗ cũng có thể trao đổi. Con người bước sang hình thức văn minh tri thức, điện tóan.

Tại sao lại là tri thức, vì vào 3 nền văn minh đầu, lao động trong kinh tế, chủ yếu chính là sức mạnh bắp thịt chân tay, nhưng khi bước sang 2 nền văn minh sau, sức mạnh lao động chủ yếu là trí óc, để phát minh sáng kiến. Nước nào có một đội ngũ chuyên gia đông và giỏi, nước đó sẽ làm chủ.

Để phát minh sáng kiến, con người cần có trao đổi. Nói theo Socrate: « Nơi nào có trao đổi, đối thoại, nơi đó có tiến bộ và dân chủ. » Chính vì vậy mà mô hình tổ chức nhân xã của 2 nền văn minh sau là chế độ tự do, dân chủ và kinh tế thị trường.

Trở về với Tàu, nước này đã có nền văn minh định cư nông nghiệp rất sớm, từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế, vì theo truyền thuyết, thì những vị này đã dạy dân trồng trọt, sau đó bước sang đời nhà Trụ, rồi tới nhà Chu ( 1134 – 770 ttl), rồi thời Xuân thu Chiến quốc ( 722 – 256 ttl). Vào thời này, đã có những tính toán, ý định định đưa nước Tàu từ văn minh định cư nông nghiệp sang thương mại, như vào thời Xuân thu – Chiến quốc, nước Tề của Quản di Ngô đã phát triển thương mại qua việc buôn bán muối, quặng sắt và ngay cả phá lệ thường bằng cách mở những thanh lâu để kiếm tiền. Các vị tú bà thờ thần Bạch mi chính là thờ Quản Trọng. Hay như với thời Lã bất Vi, một doanh thương giầu có nước Triệu. Một hôm ông hỏi cha ông: thưa cha, làm nghề nông, phát đạt gấp mấy lần ? – Gấp ba. Nghề buôn bán? – Gấp 10, nhất là buôn bán vàng, gấp 100. Nhưng buôn bán người để làm quan ? – Gấp không biết bao nhiêu lần, nếu thành công.

Tuy nhiên một Quản trọng, một Lã bất Vi không thể thay đổi được cục diện, vì đầu óc tôn quân dưới chế độ phong kiến của dân Tàu quá nặng nề và kéo dài cho mãi tới hôm nay. Nên nước Tàu lại trở lại thời kỳ quân chủ, nhất là quân chủ tập trung với Tần Thủy Hoàng đời Tần (221 – 206 ttl), về chính trị, quân sự, hành chánh, nhưng về ý thức hệ, giáo dục, xã hội, phải đợi đến thời vua Hán Vũ Đế (140 – 87 ttl) nhà Hán mới hoàn chỉnh và kéo dài cho tới bây giờ.

Ngày hôm nay, Tập cận Bình lên ngôi, lại trở về chính sách « ngăn sông, cấm chợ, bế quan tỏa cảng » trong lãnh vực tư tưởng và chính trị, trở về mô hình tổ chức nhân xã thời quân chủ, độc quyền cá nhân, độc đảng. Ông cho rằng các tư tưởng bên ngoài sẽ thách thức hệ thống chính trị, sói mòn sự độc quyền lãnh đạo của đảng cộng sản Trung quốc. Do đó Bắc Kinh ra lệnh cấm nghiên cứu và giảng dạy bảy chủ đề: các giá trị phổ quát, xã hội dân sự, quyền công dân, tự do báo chí, những sai lầm của Đảng Cộng sản, quyền ngôn luận của chủ nghĩa tư bản và tính độc lập của ngành tư pháp.

Tập cận Bình còn cho luân lưu trong Đảng một tài liệu mang tên là Văn kiện số 9, gồm 7 không: « Bản văn kiện kêu gọi các đảng viên phải trung kiên xóa bỏ tự do phát biểu ý kiến , các ảnh hưởng từ nước ngoài hay bất cứ một điều gì phảng phất dân chủ, tinh thần minh bạch hay quan điểm độc lập. » ( Robert Marquand – Xi Jiping emerges as forceful nr.1 – Rewriting China‘s powerful playbook – trong The Christian Science Monitor –October/8/2014 ).

Nhằm củng cố quyền lực độc tôn của mình, ông Tập tìm cách loại bỏ những tiếng nói chính trị khác, đặc biệt là trên Internet của Trung Quốc mà một thời rất sôi động. Một luật đe dọa trừng phạt đến ba năm tù vì đăng tải bất cứ tin gì mà chính quyền cho là một “tin đồn” khi bài viết được hơn 5.000 người đọc hoặc chuyển tiếp hơn 500 lần.. Những hạn chế nầy đã làm tụt giảm 70 phần trăm bài viết trên mạng Weibo từ tháng 03/ 2012 đến tháng 12/ 2013. Sau đó người dân Tàu tìm cách sử dụng tin nhắn trên nền WeChat. Vào tháng 08/ 2014, Bắc Kinh lại ban hành quy định mới yêu cầu người sử dụng tin nhắn đăng ký tên thật của mình, hạn chế việc chia sẻ tin tức chính trị và xã hội. Trong bảng xếp hạng về tự do Internet trên toàn thế giới vào năm 2013, tổ chức phi lợi nhuận Freedom House của Mỹ đã xếp Trung Quốc hạng 58 trên 60 quốc gia, bằng với Cuba và hơn mỗi Iran.

Về đối ngoại, Tập cận Bình bề ngoài luôn tỏ ra hiếu hòa. Trong một lần phát biểu tại Paris vào tháng 3/2014 ông đã mượn câu nói của Napoleon về nước Tàu nhưng bổ túc thêm „ Trung quốc là một con sư tử đã thức dậy, nhưng đây là một con sư tử ôn hòa, thân mật và văn minh“. Ngoài miệng thì vậy nhưng chính sách ngoại giao của Tàu càng ngày càng tỏ ra hung hãn: ngoài việc chiếm Hoàng, Trường sa, cắt cáp, trấn lột, giết chóc ngư dân, kéo dàn khoan dầu vào hải phận của Việt Nam, Tàu cộng còn công bố đường Lưỡi bò chín đoạn xâm lấn hầu hết hải phận của các nước láng giềng, tranh chấp biển đảo với Nhật bản, Phi luật Tân, Nam hàn, Đài loan; mới đây còn tuyên bố thành lập „ vùng nhận dạng hàng không“ tại biển Đông chồng chéo lên vùng nhận diện của Nhật và Nam hàn.

Trong lãnh vực kinh tế, Tập cận Bình nhấn mạnh đến tự do hóa nền kinh tế thị trường, nhưng đồng thời lại muốn gia tăng sự kiểm soát kinh tế, nhất là đối với những hãng xưởng nước ngoài. Cơ quan truyền thông Trung cộng cố tình bới móc những lỗi lầm của các công ty nước ngoài và phớt lờ những sai trái của công ty bản địa. Cũng như trong chiến dịch chống tham nhũng, họ Tập cũng chỉ tấn công những đối thủ của mình nhưng lại bao che cho gia đình, dòng họ và phe cánh.

Với bộ máy đảng, bộ máy nhà nước, với chính sách trị dân qua cái loa, để tuyên truyền, qua những mỹ từ, khích động lòng tự ái dân tộc, chủ nghĩa quốc gia cực đoan, qua cái còng là những ai không theo thì bỏ tù, và qua cái súng là những ai cứng đầu, chống lại thì thủ tiêu, bắn giết, Tập cận Bình có thể thành công trong ngắn hạn, nhưng dài hạn thì cần phải xuy xét kỹ.

Người ta còn nhớ vào những năm của thập niên 40, trong Thế Chiến thứ Hai, lúc này nước Anh và Đồng minh đang cần có sự tham dự của Liên sô vào thế chiến. Những văn sĩ, ký giả thường lui tới Liên sô, trong đó có ông Bernard Shaw, bạn thân của ông Georges Orwells, tác giả quyển tiểu thuyết Trại xúc vật ( Animal Farm), mà ông Paul Nitzé, cố vấn của Tổng thống Truman, lấy ý từ trong quyển sách này làm ra Chiến luợc Be Bờ ( Containment Policy), suốt trong thời Chiến tranh Lạnh. Nhà văn Bernard Shaw, có một lần phỏng vấn Staline, có hỏi ông ta và yêu cầu ông ta so sánh giữa Washington và Lénine, Staline đã kiêu hãnh trả lời: « So sánh giữa Washington và Lénine chẳng khác nào so sánh biển cả và một giọt nước. Lénine chính là biển cả, Washington chỉ là giọt nước. »

Việt nam chúng ta có câu: « Thức lâu mới biết đêm dài, ở lâu mới biết là người có nhân « hay « Đường dài mới biết ngựa hay «. Câu trả lời ai là giọt nước, ai là biển cả, mãi 50 năm sau, khi đế quốc cộng sản dựng lên lúc đầu bởi Lénine, bị sụp đổ, vào năm 1990, người ta mới rõ.

Thực vậy, nếu Lénine có cái nhìn xa, trông rộng như Washington, biết rằng thế giới đi theo chiều hướng tự do, dân chủ, tôn trọng nhân quyền, không xây dựng một nhà nước độc tài, không chủ trương độc đảng, tạo dựng một hiến pháp dân chủ như Washington, coi trọng quyền tự trị của các nước chung quanh, thì có lẽ nhà nước do Lénine dựng lên, không bị sụp đổ và vỡ ra nhiều mảnh.

Ngày hôm nay, Tập cận Bình cũng chỉ là lập lại cái gì chế độ quân chủ xa xưa của Tàu đã làm, lập lại cái gì gần, mà cộng sản đã làm, những điều này, trong dài hạn rất có thể sẽ dẫn đến hiện tượng chế độ cộng sản Tàu cũng sẽ sụp đổ như Liên Xô, và cũng bị vỡ ra từng mảnh.

Gần đây, người ta bàn tán sôi nổi, nhất là giới trí thức cộng sản Tàu, về việc ông Tập cận Bình, muốn làm một tổng hợp tư tưởng của Mác – Lénine, Mao và truyền thống văn hóa Tàu.

Trong một bài diễn văn đọc tại Hội nghị Trung ương 4 khóa 18, vào ngày thứ hai 13/10/2014, ông tuyên bố: « Đảng Cộng sản chúng ta là đảng mác xít kiên định và tư tưởng dẫn đường của chúng ta là chủ nghĩa Marx Lénine, tư tưởng Mao trạch Đông và chủ nghĩa xã hội đặc sắc Trung quốc « , ông Bình nói tiếp: «Đồng thời chúng ta không phải là kẻ hư vô lịch sử và không phải là những kẻ hư vô văn hóa. Chúng ta không thể dốt nát lịch sử đất nước của mình, và chúng ta không thể coi thường bản thân.» (Xi Jinping on Exceptionalism With Chinese Characteristics by DIDI KIRSTEN TATLOW/ The New York Times).

Thực ra ý muốn và công lao của họ Tập để làm tổng hợp 2 ý thức hệ cũng chỉ là công “Dã tràng xe cát biển Đông, nhọc nhằn mà chẳng nên công cán gì. »

Không những không nên công cán gì, mà chỉ làm tụt hậu thêm nước Tàu vì những lý do sau đây:

1) Muốn tạo nên một ý thức hệ vào thời buổi này quả là lạc hậu, lỗi thời. Theo ông Karl Popper (1902 – 1994), một triết gia, nhà tư tưởng chính trị nổi tiếng của thế kỷ 20, một người mà 2 vị Thủ tướng Đức, Helmut Schmidt và Helmut Kohl, coi quyển sách « La Société ouverte et ses ennemies « (Xã hội mở và kẻ thù của nó), như quyển sách gối đầu giường; ông Edgar Faure, Thủ tướng Pháp đã lập ra hội những người bạn của Popper. Theo K. Popper, thì: « Xã hội biến chuyển từng ngày từng giờ, nếu không nói từng phút từng giây, vì lúc nào cũng có những phát minh sáng chế mới trên đủ mọi lãnh vực. Tạo ra một ý thức hệ như Hégel và Marx ( Popper chỉ trích mạnh mẽ 2 người này – Lời Tác Giả) chẳng khác nào đóng thế giới trong một lồng kính, bắt nó không được tiến triển. »

Karl Popper được coi là một trong những người tranh đấu cho tự do, dân chủ, chống lại độc tài cộng sản và độc tài phát xít mạnh nhất trong thế kỷ 20. Thật vậy, ông sinh quán tại nước Áo, Vienne. Vào năm 20, lúc đó ông đã đi theo đảng Cộng sản Áo. Trong một cuộc biểu tình ở Vienne, ông đã chứng kiến những người trong đảng Cộng sản Áo, nổ súng giết chết một người của đảng Xã hội. Từ đó ông tự đặt câu hỏi :

«Phải chăng người ta có thể nhân danh một cái gì tốt đẹp, nhưng xa vời, để có thể giết người?”

Rồi ông từ bỏ đảng Cộng sản. Vào đầu thập niên 30, ông phải rời nước Áo vì bị Hitler xâm chiếm. Ông là người Áo, gốc Do Thái. Ông sang dạy luận lý ở Tân tây lan, sau đó về Anh, dạy ở trường London Economic School. Ông là người rất giỏi về việc phê bình khoa học, nhất là phương pháp khoa học. Ông được Albert Einstein, cũng là bạn của ông, cho rằng ông là người giỏi nhất của thế kỷ 20 về phê bình phương pháp khoa học. Ông cũng phê bình lý thuyết của Marx. Ông cho rằng lý thuyết của Marx chỉ là mượn tiếng khoa học, nhưng chẳng khoa học gì cả. Những điều Marx viết có tính cách tiên tri, lãng mạng, nhiều hơn là khoa học.

2) Làm tổng hợp chủ nghĩa duy vật của Marx và những tư tưởng truyền thống có tính cách duy tâm của Tàu, chính là phối hợp nước với lửa, điều mà chính Marx và người cộng sản cho rằng: Có duy tâm thì không có duy vật. Có duy vật thì không có duy tâm.

Truyền thống văn hóa Tàu chủ yếu là Nho giáo, trong đó tư tưởng của Không tử là chính, đại để được thâu tóm trong cách cư xử thường ngày của con người với nhau là « Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín « ( tức lòng thương yêu lẫn nhau, lòng biết ơn nếu chúng ta được người khác nuôi nấng, giúp đỡ, phải cư xử có phép tắc, phải trau dồi sự hiểu biết, và phải giữ sự tín nhiệm).
Trong khi đó thì Marx chủ trương phá bỏ mọi truyền thống đạo đức, luân lý cổ truyền. Ông viết: «Không còn chân lý muôn thuở nữa… Bởi lẽ đó chủ nghĩa cộng sản bãi bỏ chân lý muôn thưở; nó bãi bỏ tôn giáo và đạo đức thay vì cải cách chúng, nó đi ngược lại tất cả những phát triển lịch sử trước nó.» ( K. Marx – Le Manifeste du Parti communiste – trang 44 – Union Générale d’Editions – 1962 – Paris).

Gần hơn thì Mao tuyên bố: «Khổng tử là con chó giữ nhà cho tụi phong kiến»; và Đặng tiểu Bình nói: «Mèo trắng, mèo đen không cần biết, chỉ cần là mèo biết bắt chuột «, hô hào dân làm giầu, không coi đạo đức, nhân nghĩa, lễ trí tín là gì, miễn là có tiền. Chính vì vậy mà xã hội Tàu hiện nay tham nhũng hối lộ từ trên xuống dưới, đạo đức bị băng hoại, con người trở nên lãnh cảm, vô đạo đức.

Làm tổng hợp mô hình tổ chức nhân xã Marx Lénine, một mô hình độc đảng, độc tài với vị Tổng bí thư nắm mọi quyền hành trong tay, không còn gì là nguyên tắc dân chủ, phân quyền, với mô hình tổ chức nhân xã quân chủ, theo đó nhà Vua là thay trời trị dân; điều đó chẳng khác nào vớt 2 miếng gỗ mục, trôi dạt lênh đênh trên biển văn minh hiện đại, tri thức điện toán, đem ghép vào nhau, sớm muộn rồi cũng tan rã.

Trở về với đề tài «Tại sao nước Tàu bị tụt hậu”. Tất nhiên có rất nhiều nguyên do: nguyên do xa đó là nước này vẫn lùng thùng ở thời kỳ văn minh định cư nông nghiệp với mô hình tổ chức xã hội quân chủ; nguyên nhân gần đó là những chế độ nhà Nguyên, nhà Minh, nhà Thanh, và gần nữa là chế độ cộng sản, không dám hay không muốn thoát khỏi mô hình tổ chức xã hội này.

Nếu muốn bắt kịp nền văn minh tri thức điện toán, thì dân Tàu bắt buộc phải từ bỏ chế độ cộng sản, một hình thức chế độ quân chủ, nhưng ác ôn, côn đồ hơn, làm cho tất cả những đầu óc phát minh sáng tạo bị hạn chế, làm cho nước Tàu tụt hậu.(1)

Paris ngày 09/12/2014

Chu chi Nam và Vũ văn Lâm

@ Đàn Chim Việt

9 Phản hồi cho “Tại sao nước Tầu bị tụt hậu?”

  1. KHÁCH NGOÀI NGÕ says:

    Tụt hậu còn là phúc, tụt luôn xuống hố cả nút ấy chứ lị . Khôn hồn thì bảo nhau cha con vứt bỏ mẹ nó cái chủ nghĩa báo cô mà chạy theo thiên hạ đi may ra chưa muộn đâu chú Ba .

  2. THỎ RÙA CHẠY THI says:

    Trong một cuộc chạy đua, tranh giải quán quân : về danh vọng tiền tài không thôi, có địch thủ nào mà lại không thi đấu hết mình,để cho đối phương qua mặt ( như ngụ ngôn con thỏ và con rùa ) không nhỉ ? — Vì thế ta nên nghĩ, hiện giờ, ( tương lai thì không biết đến khi nào ) không bao giờ, ngay cả đến Nga sô, chứ đừng nói tới một quốc gia nào khác đuổi kịp Mỹ không thôi chứ đừng nói tới qua mặt được Mỹ về lãnh vực kỹ thuật khoa học, nhất đây lại là một cuộc chạy đua thi đấu giành ngay mạng sống của mình. Chị Hằng thì đã bị Mỹ quậy nát bỏ đi rồi, gần như vầy mà cha con nhà chú Ba ta còn đang loay hoay vẽ sơ đồ, vẽ kiểu tính toán chế tạo tầu vũ trụ để cũng bắt chước mon men lên thăm Chị còn chưa ra ( mặc dù đã cọp-dê của Mỹ ). Trong khi đó Mỹ nó đã tới Sao Hỏa xa ta cả hàng triệu km, trung bình 300 triệu km nhé (1) . Rồi tầu bè, tầu sân bay trang bị tên lửa lên nước là đồ bỏ, nó thay bằng Laser rồi ? . Trong khi đó Thị Lạng, thị Nở tầu sân bay đồng nát mua lại của Nga tân trang còn chưa xong, đi hia ngàn dậm cũng không đuổi kịp ở đấy mà đòi qua mặt . Mơ ngủ ? . Có tiền mua Tiên cũng được, đồng ý, nhưng đôi khi tiền không mua được tiên được phúc mà lại mua họa vào ? —- Ghi Chú (1) : Vì Sao Mars và Trái Đất đều có những quĩ đạo riêng biệt xoay quanh Mặt Trời, nên lúc chúng gần nhau lúc chúng lại xa nhau, chúng xa nhất khi Sao Hỏa xa mặt Trời ( Perihelion ) và Trái Đất ở vào vị trí xa mặt Trời ( Aphelion ) tức ở vào vị trí dối diện qua mặt Trời .

    • TươngLailàKwáKhứ! says:

      ( tương lai thì không biết đến khi nào )? Rõràng là tươnglai sẽ đi vào kwákhứ thôi mà! Ko phải là nhưthế hay sao? Tấtcả đều bắt đầu từ kwákhứ và tấtcả cũng đều sẽ kway về kwákhứ để lại bắtđầu một chukỳ mới! Cho nên:

      Xa nhau rồi lại gần nhau
      Tươnglai em bé trước sau cũng già!
      Rõràng kwákhứ không xa
      Tươnglai, hiệntại, đều hóa ra lãogià!!!

      HưKhôngWa

  3. Chán ngắt says:

    “Xem ra thì cũng có ngần ấy thôi”. Tại sao các nước theo chế độ cọng sản tụt hậu ? Chính vì bọn cọng chỉ biết nhắm mắt theo chủ nghĩa mác xít dùng bạo lực cướp chính quyền, dùng bạo lực đàn áp nhân dân, mặc kệ sư oán trách, ta thán. Càng đàn áp bao nhiêu thì sự chống đối càng tăng, tạo sự bất hợp tác với chính quyền, chán nản trong công việc, phá hoại ngầm hoặc công khai trong mọi lãnh vực, trây lười, đổ vấy, ngụy biện tràn lan. Nguyên nhân này tàn phá nề nếp truyền thống “cần cù, nhẫn nại ,tạo dựng,khai hóa, thăng tiến” êm đềm, đẹp đẽ ngày xưa. Do đó nhiều hỗn loan xẩy ra, văn hóa biến đổi, giáo dục xuống cấp, xã hội đồi trụy, sản lượng kém dần, chống đối rồi đàn áp khắp nơi. Một xã hội “bấp bênh” như vậy làm sao không tụt hậu được !!!
    Mong các lãnh đạo cọng sản nghĩ lại.

  4. KHÁCH QUA ĐƯỜNG says:

    ” Tại sao nước Tầu tụt hậu ” ? Là vi nước Tầu theo chủ nghĩa cộng sản . Không tin thử xem các nước cộng sản có nước nào không tụt hậu không ? Này nhớ trước kia 3 nước Việt -Miên- Lèo kể cả Thái Lan thì so ra Việt Nam là đàn anh thế mà bây giờ còn TỤT HẬU xa không những chỉ sau Thái Lan mà còn tụt hậu lẹt đẹt sau cả Lào, Cao-Miên , khốn nạn chưa , sao vậy ? Vì Việt Nam là cộng sản .

  5. Minh Đức says:

    Trích: “Nhằm củng cố quyền lực độc tôn của mình, ông Tập tìm cách loại bỏ những tiếng nói chính trị khác, đặc biệt là trên Internet”

    Tập Cận Bình siết chặt tư tưởng là để củng cố quyền lực. Trước hết là để ngăn cản khuynh hướng dân chủ, thứ hai là tập trung chỉ huy để đi theo đường lối bành trướng, gây hấn.

    Nếu nói là làm như vậy Trung Quốc sẽ tụt hậu vì ít sáng kiến, phát minh thì đó là cái hại về lâu dài, cái lợi trước mắt là đảng CSTQ tập trung quyền lực và sức mạnh trong tay. Nhờ tập trung hàng ngàn tỉ đô la trong tay mà Trung Quốc được các nước như Venezuela cầu cạnh, mượn tiền khi gặp khó khăn về kinh tế. Với kỹ thuật quân sự ăn cắp và bắt chước thì Tập Cận Bình xem như thế là đủ cho Trung Quốc hùng mạnh. Điều này đúng khi Trung Quốc ăn cắp nhanh, đuổi kịp các nước Tây Phương, nhất là Mỹ, giống như là Liên Xô đã đuổi kịp Mỹ trước đây. Nhưng rồi cuộc cách mạng tin học xảy ra khiến cho các nước Tây Phương vọt lên. Cuộc cách mạng tin học có được là nhờ để cho dân tự do suy nghĩ, phát minh, không thể đi ăn cắp của ai được vì đã có ai nghĩ ra đâu để mà ăn cắp. Liệu các nước Tây Phương có sẽ có một cuộc cách mạng kỹ thuật khác hay không thì tương lai sẽ trả lời. Nhưng với sự bùng nổ về tri thức và con người làm việc có phương pháp hơn thì cách cuộc cách mạng kỹ thuật xảy ra tiếp theo nhau ngày càng nhanh hơn.

    Dù cho Trung Quốc có sẽ tụt hậu trong tương lai xa thì Việt Nam cũng đừng để trở thành nạn nhân của sự bành trướng của Trung Quốc trong tương lai gần. Việt Nam nếu có khôn thì đừng đi theo con đường của Trung Quốc mà đi theo con đường để cho tri thức phát triển, có thể sau này mới có thể vượt qua Trung Quốc. Việt có nghĩa là vượt (như ưu việt). Nếu không vượt được thì không xứng đáng với chữ Việt.

  6. Tô huy Cơ says:

    Thiển nghĩ , Tập độc quyền dụng dọng Maxit để về hình thức thì khóa được mõm bọn Maxit Maoit , còn bản chất thì vô hiệu bọn chúng ( hàng trăm triệu đứa mà Giang Chu đã dầy công xây dựng ) đó là bước căn bản đẻ xóa xổ chế độ cs Tầu ( sau khi đã bắt và xử bọn đầu sỏ ) . Tập không màng danh vọng , không ngại sinh tử , người như thế tôi tin sẽ Hồng Kong hóa đươc Đại lục, thực hiện được ” giấc mơ Trung Hoa ” hòa nhập với thế giói như mô hình Nhật !. Tây tạng , Tân cương sẽ được độc lâp như các thuộc địa cũ của Nga khi cái gọi là Liên xô tan vỡ !.

  7. Minh Đức says:

    Trích: “Statecraft – Strategies for a changing world » ( Cách trị quốc – Chiến lược để thay đổi thế giới”

    Câu “strategies for a changing world” đúng ra có nghĩa là “các chiến lược cho một thế giới thay đổi liên tục”. Câu đó nói lên quan niệm của người viết là phải nhìn thế giới này là luôn luôn thay đổi và phải có cách cai trị phù hợp với tình thế luôn luôn cần phải thay đổi.

    Bà Magaret Thatcher đã làm đúng như bà nói là thay đổi nền kinh tế nước Anh. Bà ta xem nhẹ khu vực sản xuất hàng hóa mà Anh không thể cạnh tranh với các nước khác mà chuyển sang dịch vụ về tài chánh. Nghĩa là Anh đem tiền đi đầu tư vào các nước khác. Sự thay đổi này khiến cho Anh thoát ra khỏi cảnh kinh tế trì trệ. Cái ưu điểm của kinh doanh trong tài chánh là mức tăng trưởng của nó nhanh hơn kinh tế sản xuất hàng hóa. Trong sản xuất hàng hóa muốn tăng trưởng thì phải xây thêm nhà máy, thuê thêm người nên nó chậm, còn trong tài chánh khi có lời thì mức lời có thể rất lớn nên mức tăng trưởng kinh tế cũng rất lớn.

  8. Minh Đức says:

    Trích: “dân Tàu đóng góp không nhỏ, như đã sáng chế ra giấy, kỹ thuật in, địa bàn và thuốc súng. Tuy nhiên những phát minh sáng kiến này đã ngừng vào năm 1000, thế kỷ thứ 11, thời Bắc Tống (916 – 1125)”

    Nhìn vào lịch sử Trung Hoa, từ thế kỷ thứ 10 trở đi thì Trung Hoa có những triều đại cai trị trên toàn cõi Trung Hoa và có ổn định lâu dài. Còn từ thế kỷ thứ 10 trở về trước thì Trung Hoa trải nhiều thời kỳ bị phân chia, cát cứ. Chính vì phân chia cát cứ mà có tiến bộ vì phải cạnh tranh nhau, vì văn hóa không bị kiểm soát bởi một trung tâm duy nhất. Trong các thời kỳ trước thế kỷ thứ 10, có nhiều lúc người Hồ, người Tây Tạng, các dân tộc bị gọi là rợ ở phía Bắc đánh xuống Trung Hoa và cai trị với các triều đại ngắn ngủi. Nhưng vì thế mà có sự trao đổi và ảnh hưởng lẫn nhau về văn hóa.

    Trung Hoa cũng tiến bộ nhanh vào thời Chiến Quốc, là thời có sự phân chia, cát cứ.

    Sự ganh đua, cạnh tranh tạo ra sự tiến bộ. Cái cảnh bốn phương phẳng lặng, hai kinh vững vàng không tạo ra tiến bộ vì không có nhu cầu cần phải thay đổi, cần phải có sáng kiến. Nhân loại ngày nay khôn hơn khi cai trị theo lối vẫn duy trì sự cạnh tranh nhưng loại bỏ việc cạnh tranh bằng bạo lực, gây ra đổ vỡ, chết chóc.

Leave a Reply to THỎ RÙA CHẠY THI