WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thế nào là dân chủ

CHÍNH TRỊ, KINH TẾ VÀ ÐA NGUYÊN

SỰ THAM GIA HOẠT ÐỘNG XÃ HỘI

Các công dân không bắt buộc phải tham gia vào các hoạt động chính trị và họ cũng được tự do thể hiện sự không hài lòng bằng cách không tham gia vào các hoạt động chính trị. Nhưng nếu không có sự tham gia tích cực của công dân thì nền dân chủ sẽ trở nên yếu ớt. Công dân trong các xã hội dân chủ có cơ hội được tham gia vào rất nhiều các tổ chức, các hiệp hội tư nhân, các tổ chức tình nguyện. Phần lớn các tổ chức đó hoạt động liên quan tới các chính sách công cộng. Và chỉ có một số là do chính phủ tài trợ và kiểm soát. Một quyền cơ bản để tạo nên dân chủ là mọi cá nhân có quyền tự do hội họp, tự do tổ chức và thành lập các hội dưới nhiều dạng khác nhau của tổ chức phi chính phủ. Khi những người có cùng lợi ích tập hợp nhau lại, khi đó tiếng nói của họ sẽ được lắng nghe và cơ hội để gây ảnh hưởng đốùi với các thảo luận chính trị sẽ được tăng lên. Như Alexis de Tocqueville, nhà nghiên cứu chính trị nổi tiếng thế kỷ 19 đã viết :” Không có một đất nước nào mà sự đòi hỏi cấp thiết phải có các hiệp hội để chống lại sự chuyên chế bè cánh và sự độc đoán lãnh đạo như một đất nước được xây dựng theo kiểu dân chủ.”

Các tổ chức, hiệp hội trong các xã hội dân chủ có số lượng rất lớn và được phân loại theo nhiều cách. Các tổ chức mà chức năng chính của nó là gây áp lực đối với chính phủ về một vấn đề đặc biệt nào đó thì được xếp vào các nhóm hoạt động vì lợi ích hay các nhóm vận động hậu trường ( lobby). Các nhóm vì lợi ích tư nhân như các hiệp hội kinh doanh, các tổ chức nghề nghiệp hoặc liên đoàn lao động, thường có các lợi ích kinh tế trong các chính sách mà họ ủng hộ, mặc dù cũng có thể họ đề cập tới lợi ích công cộng trong các vấn đề khá xa so với lĩnh vực chuyên môn của họ.

Các tổ chức được gọi là vì lợi ích công cộng như các tổ chức phúc lợi xã hội hoặc vì môi trường, họ luôn tìm cách làm cho các nhận thức của họ trở thành các lợi ích tập thể hoặc của xã hội. Điều này không làm cho các tổ chức vì lợi ích công cộng trở nên tốt hơn hay đạo đức hơn các tổ chức vì lợi ích tư nhân. Hơn nữa, lợi ích của bản thân cá nhân bao giờ cũng được đặt ngay tiếp theo lợi ích công cộng.

Cả hai dạng tổ chức vì lợi ích này đều hoạt động rất mạnh tại các xã hội dân chủ. Cả hai đều rất quan tâm tới dư luận, cùng cố gắng để mở rộng sự ủng hộ như tìm cách giáo dục công chúng và đồng thời ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ cùng một lúc.

Các nhóm vì lợi ích đóng vai trò như một sức mạnh trung gian giữa các cá nhân đơn độc và chính phủ có qui mô lớn và cách xa dân chúng. Chính thông qua các hoạt động của các tổ chức đó và thông qua các cuộc tranh luận công khai, cởi mở, các tranh cãi gay gắt, các quyết định thỏa hiệp và các nhất trí đồng thuận giữa các bên mà xã hội dân chủ mới đưa ra được các quyết định liên quan tới đời sống của các thành viên trong xã hội đó.

HOẠT ĐỘNG BỎ PHIẾU

Trong các nền dân chủ hiện đại, hoạt động bỏ phiếu bầu các công chức nhà nước là một dạng hoạt động thường thấy nhất và cũng là cơ bản nhất nói lên sự tham gia của công dân vào việc tổ chức xã hội. Khả năng thực hiện các cuộc bầu cử tự do và công bằng là vấn đề cốt lõi để một xã hội được gọi là dân chủ.

Động cơ bỏ phiếu của cử tri cũng nhiều và đa dạng như các tổ chức và quyền lợi mà các tổ chức đó đại diện trong xã hội dân chủ. Đương nhiên là các cử tri sẽ bỏ phiếu cho các ứng cử viên đại diện cho quyền lợi của họ, nhưng cũng có nhiều yếu tố khác ảnh hưởng tới sự lựa chọn đó. Ví dụ sự liên quan tới đảng chính trị: các cử tri có cảm tình mạnh mẽ với một đảng chính trị nào đó sẽ có nhiều khả năng bỏ phiếu cho đảng đó hơn các cử tri có tính chất độc lập và không thuộc đảng phái nào. Trong các hệ thống bầu cử theo đại diện tỷ lệ , các cử tri chỉ có thể bỏ phiếu cho một đảng nào đó chứ không bỏ cho các ứng cử viên cá nhân.

Các nhà khoa học chính trị đã xác định được rất nhiều yếu tố có thể ảnh hưởng tới sự quyết định của cử tri và tổng số lá phiếu bầu. Ví dụ, ở các quốc gia theo hệ thống bầu cử đại diện theo tỷ lệ, khi mà mỗi lá phiếu đều được tính vào tỷ lệ đại diện trong cơ quan lập pháp, luôn có tổng số lá phiếu cao hơn các nước theo hệ thống đa số tuyết đối hoặc đa số tương đối. Tình trạng kinh tế, xã hội, sự dễ dàng đăng ký bầu cử, sức mạnh của hệ thống đảng, hình ảnh ứng cử viên trong công chúng, khoảng cách giữa các cuộc bầu cử – tất cả các yếu tố này đều tác động tới số lượng và tần số đi bầu của các cử tri. Trong các cuộc bầu cử dân chủ, vấn đề chính không phải là xác định được ứng cử viên nào kêu gọi được nhiều ủng hộ nhất từ công chúng mà là xác định được ứng cử viên nào có khả năng làm cho những người ủng hộ mình chuyển các mong muốn của họ thành lá phiếu một cách hiệu quả nhất. Sự thờ ơ của công chúng vẫn là một lo lắng trong bầu cử dân chủ, ở chỗ là những người nắm quyền lãnh đạo sẽ được bầu bởi một số lượng cử tri nhỏ hơn tổng số lượng cử tri hợp pháp, chứ không phải là lo ngại không đủ người cho các vị trí lãnh đạo.

CÁC ÐẢNG CHÍNH TRỊ

Các đảng chính trị tuyển chọn, chỉ định ứng cử viên và tổ chức các chiến dịch bầu ra các lãnh đạo nhà nước. Nếu là đảng chiếm đa số, họ sẽ xây dựng các chương trình chính sách cho chính phủ, còn nếu là phía đối lập họ sẽ đưa ra các phê phán, chỉ trích và đề nghị các giải pháp khác. Các đảng huy động ủng hộ từ các tổ chức vì lợi ích cho các chính sách chung; giáo dục công chúng về các vấn đề công cộng; xây dựng các nguyên tắc và cấu trúc cho các tranh luận chính trị. Trong một số hệ thống, ý thức hệ có thể đóng một vai trò quan trọng khi tuyển chọn và là động cơ thúc đẩy các đảng viên; còn ở những hệ thống khác, các quan tâm về kinh tế hoặc các quan điểm về xã hội lại có thể đóng vai trò quan trọng hơn tư tưởng chính trị ( ý thức hệ).

Cách thức tổ chức và hoạt động của các đảng rất khác nhau. Có hai kiểu đặc trưng. Một thái cực theo hệ thống nghị viện đa đảng tại châu Âu, các đảng chính trị có thể được tổ chức rất chặt chẽ và hoạt động gần như chỉ do những đảng viên chuyên nghiệp trọn thời gian ( full-time professionnals). Một thái cực khác là ở Hoa kỳ, có hai đảng chính là đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, là các đảng được tổ chức phi tập trung, hoạt động rộng khắp ở cả quốc hội và các bang. Cứ 04 năm lại thay đổi khi các tổ chức của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ hợp lại với nhau để tổ chức các chiến dịch cho bầu cử tổng thống, với sự giúp đỡ phần lớn của những người tình nguyện.

Các đảng chính trị cũng thay đổi tùy theo xã hội mà nó hoạt động. Các chiến dịch bầu cử thường được tổ chức rất công phu và tốn kém thời gian và đôi khi kỳ cục. Nhưng chức năng của các chiến dịch lại hết sức nghiêm túc: đảm bảo cho các công dân của xã hội dân chủ có thể lựa chọn các vị lãnh đạo và tự mình xác định cho số phận của riêng họ theo một cách thức hòa bình và công bằng.

PHẢN ÐỐI

Trong xã hội dân chủ các công dân có quyền tập hợp nhau một cách ôn hòa và phản đối các chính sách của chính phủ hoặc các tổ chức hành động bằng các hình thức biểu tình, tuần hành, gửi kháng nghị, tẩy chay, bãi công và nhiều hình thức hành động trực tiếp khác.

Hành động trực tiếp được phép cho tất cả mọi người trong xã hội dân chủ, nhưng thường được sử dụng bởi các tổ chức đối lập, các nhóm thiểu số hoặc nhóm bị thiệt thòi về quyền lợi khi những nhóm đó cảm thấy không còn các phương tiện nào khác để gây ảnh hưởng tới chính sách của chính phủ. Các loại phản đối như thế luôn luôn là một phần tất yếu của xã hội dân chủ. Ngày nay, các hình thức phản đối phi bạo lực thường được tổ chức để lôi kéo sự chú ý của giới truyền thông về nhiều vấn đề rộng lớn từ ô nhiễm môi trường tới vũ khí hạt nhân, các chính sách đối ngoại, các vấn đề phân biệt chủng tộc và màu da. Một dạng hành động trực tiếp đặc biệt khác là quyền của các công đoàn lao động tổ chức các cuộc bãi công phản đối những người sử dụng lao động khi các mâu thuẫn không giải quyết được trên bàn đàm phán.

Các phản đối là một cơ sở để đánh giá một nền dân chủ. Các lý tưởng của sự tự do thể hiện và tham gia tổ chức xã hội của công dân sẽ dễ dàng đạt được khi mọi người đều giữ được cách cư xử lịch sự và cùng thỏa thuận về các vấn đề cơ bản. Nhưng khi những người phản đối và bị phản đối không thống nhất được trên các vấn đề cơ bản, thì sự bất đồng có thể trở thành sự cáu giận và manh động. Lúc đó một trong những vấn đề cần phải Cân bằng là vừa bảo vệ quyền tự do ngôn luận, quyền hội họp của công dân, vừa duy trì được trật tự của xã hội và tránh mọi ý đồ hăm dọa hay bạo lực. Nếu triệt tiêu các phản đối ôn hòa với lý do đảm bảo trật tự xã hội sẽ tạo nên sự dồn nén, ức chế. Ngược lại, nếu để các phản đối bằng bạo lực xảy ra một cách không kiểm soát thì lại dẫn tới tình trạng hỗn loạn, vô chính phủ.

Không có một công thức kỳ diệu nào để đạt được sự Cân bằng, điều đó phụ thuộc vào cam kết của đa số người dân là cần phải duy trì các định chế của dân chủ và các đòi hỏi của quyền cá nhân. Các xã hội dân chủ có khả năng chấp nhận mọi bất đồng sâu sắc nhất giữa các công dân chỉ trừ một bất đồng đó là tính hợp pháp của bản thân nền dân chủ.

CÁC PHƯƠNG TIỆN THÔNG TIN

Lãnh đạo là sự trao đổi thông tin. Do các xã hội hiện đại đã phát triển rất lớn về kích thước và tính phức tạp, lĩnh vực truyền thông và các thảo luận công cộng đang ngày càng bị chi phối bởi các phương tiện thông tin: đài phát thanh, ti-vi, báo, tạp chí, sách và cả các cơ sở dữ liệu tin học.

Trong xã hội dân chủ có rất nhiều phương tiện thông tin giống nhau, nhưng các chức năng của chúng đặc biệt khác nhau. Một trong số những chức năng đó là thông tin và giáo dục. Để có được quyết định khôn ngoan cho các chính sách công cộng, công chúng cần phải có các thông tin chính xác, kịp thời và không bị thiên lệch. Do có nhiều ý kiến khác nhau, công chúng cũng cần phải được tiếp cận với tất cả các quan điểm. Đây là điểm đặc biệt quan trọng trong các chiến dịch bầu cử, khi chỉ có một số ít cử tri có được cơ hội gặp ứng cử viên và số được nói chuyện với ứng cử viên còn ít hơn nữa, do đó các cử tri buộc phải trông cậy vào báo chí và ti-vi để hiểu các vấn đề và biết được đặc điểm, cũng như các thông số cần thiết của các vị trí khác nhau của các ứng cử viên và đảng của họ.

Chức năng thứ hai của các phương tiện thông tin là giữ vai trò kiểm soát chính phủ và các định chế quyền lực khác trong xã hội. Do giữ một vai trò độc lập và khách quan, dĩ nhiên không tuyệt đối, các phương tiện thông tin có thể lật tẩy sự thật đằng sau các tuyên bố của chính phủ và buộc các công chức nhà nước phải có trách nhiệm với các hành động của họ.

Nếu họ muốn, các phương tiện thông tin cũng có thể có vai trò tích cực hơn nữa trong các cuộc tranh luận công cộng. Bằng các bài xã luận hoặc các phóng sự điều tra, phương tiện thông tin có thể huy động một chiến dịch cho các chính sách cụ thể hoặc cho các cải cách mà họ thấy cần được thực hiện. Các phương tiện thông tin cũng có thể đóng vai trò như một diễn đàn cho các tổ chức và các cá nhân thể hiện ý kiến, quan điểm bằng cách gửi thư cho ban biên tập và đăng các bài báo với các quan điểm khác nhau.

Các bình luận viên lại mang tới cho các phương tiện thông tin một vai trò ngày càng quan trọng: “tạo nên các chương trình nghị sự “. Do không thể đề cập mọi vấn đề, các phương tiện thông tin ( PTTT) buộc phải lựa chọn vấn đề nào cần đề cập, vấn đề nào cần bỏ qua. Nghĩa là họ cần phải xác định đâu là tin, đâu không phải là tin. Do đó, các quyết định về thông tin đó sẽ ảnh hưởng tới nhận thức của công chúng đâu là vấn đề quan trọng nhất. Tuy nhiên, không giống như các nước mà hệ thống thông tin bị kiểm soát bởi chính phủ, trong một xã hội dân chủ, các PTTT không đơn giản chỉ đóng vai trò cổ động, lôi cuốn hoặc tảng lờ cố ý, vì các đối thủ khác hoặc ngay cả chính phủ cũng được tự do lôi kéo sự chú ý của công chúng cho các vấn đề quan trọng của họ.

Đa số cho rằng các PTTT không phải luôn thực hiện các chức năng đó một cách có trách nhiệm. Các phóng viên báo chí và truyền hình có thể mong muốn đạt được tiêu chuẩn khách quan trong công việc của họ, nhưng các tin tức không thể tránh được sự ảnh hưởng bởi sự nhạy cảm và thiên lệch của chính các cá nhân đó hoặc của cơ quan báo chí mà họ cộng tác. Họ có thể là những người dễ xúc động, hời hợt, chủ quan, không chính xác, xúc phạm và dễ khiêu khích. Tuy nhiên giải pháp cho vấn đề này không phải là ban hành luật pháp để qui trách nhiệm một cách tùy ý hoặc quản lý chặt chẽ các nhà báo mà phải mở rộng sự tranh luận và trao đổi của công chúng để công chúng có thể sàng lọc tốt hơn trong bạt ngàn thông tin và các từ ngữ hùng biện của báo chí để tìm thấy cho mình các yếu tố cơ bản của sự thật. Oliver Wendell Holmes luật sư nổi tiếng của Tòa tối cao Hoa kỳ đã phát biểu vào năm 1919 như sau:” Thử nghiệm tốt nhất của chân lý là sức mạnh của tư duy làm cho nó được chấp nhận trong sự cạnh tranh của thị trường.”

DÂN CHỦ VÀ KINH TẾ

Thể chế dân chủ không áp đặt bất kỳ một học thuyết kinh tế nào. Các chính phủ dân chủ chấp nhận cả học thuyết của các nhà xã hội chủ nghĩa và những người theo thị trường tự do. Thực tế, trong các xã hội dân chủ hiện đại có rất nhiều tranh luận, bàn cãi đề cập tới vai trò cụ thể của chính phủ về kinh tế. Tuy nhiên, cũng phải nói rằng những người chủ trương thể chế dân chủ thường nhìn nhận vấn đề tự do kinh tế như một yếu tố căn bản của dân chủ. Điều này không loại trừ các vấn đề kinh tế có thể trở thành phương diện để phân chia và xác định quyền lực chính trị của phái “tả , hữu” như chúng ta đang thấy. Ví dụ, các nhà dân chủ xã hội nhấn mạnh vào việc đòi hỏi quyền bình đẳng và phúc lợi xã hội phải là vấn đề then chốt trong các chính sách kinh tế của chính phủ. Trước đây, chính đòi hỏi đó đã mang lại cho chính phủ quyền sở hữu các bộ phận quan trọng của nền kinh tế quốc gia như viễn thông, giao thông và một số nghành công nghiệp nặng. Các nhà dân chủ xã hội cũng kêu gọi chính phủ phải quan tâm đến các vấn đề y tế, thất nghiệp và các phúc lợi xã hội khác. Ngược lại, các đảng bảo thủ và ôn hòa thường nhấn mạnh nhiều hơn tới nền kinh tế thị trường tự do, không bị can thiệp hoặc kiểm soát bởi chính phủ như là một phương tiện hiệu quả nhất để đạt được tăng trưởng kinh tế, phát triển công nghệ và mở rộng giàu mạnh. Tuy nhiên, trên thực tế, tất cả mọi cá nhân và tổ chức tham gia trong các tranh luận về kinh tế thường dễ thống nhất với nhau hơn trong các cuộc tranh luận về chính trị. Ví dụ, cả hai phe tả và hữu đều cùng thừa nhận vai trò quan trọng của các phong trào lao động tự do, độc lập với chính phủ. Những người lao động trong một xã hội tự do có quyền thành lập hoặc tham gia vào các tổ chức đại diện cho quyền lợi của họ để thương lượng với những người sử dụng lao động về vấn đề tiền lương, sức khỏe, chế độ hưu trí, điều kiện làm việc và các vấn đề bất hòa.

Không có nhà nước dân chủ hiện đại nào mà có nền kinh tế hoàn toàn thuộc sở hữu của nhà nước hoặc hoàn toàn tự do. Tất cả đều là sự kết hợp giữa các xí nghiệp tư nhân và các cơ sở của nhà nước. Hoạt động của nền kinh tế dân chủ chủ yếu dựa trên các qui luật của thị trường tự do: giá cả không do nhà nước qui định mà do sự quyết định độc lập trong mối quan hệ tương tác giữa người tiêu dùng và nhà sản xuất.

Các đảng chính trị cánh tả, thường theo chủ nghĩa dân chủ xã hội có định hướng, thừa nhận là thị trường tự do hoạt động đúng theo các nguyên tắc cung-cầu sẽ là độc lực thiết yếu cho sự phát triển kinh tế và giàu mạnh. Tương tự như thế, các đảng cánh hữu ôn hòa, thường phản đối sự can thiệp của nhà nước hay sở hữu của nhà nước trong khu vực sản xuất, chấp nhận trách nhiệm của chính phủ trong việc điều chỉnh một số lĩnh vực kinh tế: thất nghiệp, y tế, các phúc lợi xã hội, sử dụng chính sách thuế để phát triển kinh tế. Do đó, các nền kinh tế theo thể chế dân chủ mặc dù đa dạng về chi tiết nhưng đều giống nhau về các đặc tính cơ bản.

Gần đây, sự sụp đổ của một loạt các nền kinh tế kế hoạch hóa trung ương trên khắp thế giới càng nhấn mạnh vai trò quan trọng của các thị trường tự do. Điều đó cho thấy dù là trong vấn đề kinh tế hay chính trị thì tự do vẫn là một yếu tố không thể thiếu. Như Morris Abraham, cựu đại sứ tại liên hợp quốc về vấn đề nhân quyền và cựu chủ tịch ủy ban quan sát của LHQ tại Giơ-ne-vơ đã phát biểu:” Chỉ riêng tự do không thể đảm bảo cho thành công về kinh tế, nhưng sự cưỡng ép chắc chắn sẽ mang lại thất bại”. Thậm chí điều đó đúng ngay cả với một số ít chế độ độc tài, họ đã tiến được các bước dài về kinh tế khi họ mang lại tự do cho lĩnh vực kinh tế nhưng lại từ chối trong lĩnh vực chính trị. Tuy nhiên, các thành công đó của họ thường không đảm bảo cho sự mạnh mẽ của chế độ về lâu dài mà nó góp phần làm tăng thêm các đòi hỏi của dân chúng về tự do chính trị phải tương xứng với tự do về kinh tế như trường hợp của Chilê hay Đài loan. Các nền dân chủ vẫn sẽ tiếp tục các tranh luận về kinh tế một cách gay gắt như đã có trong qua khứ. Nhưng càng ngày các cuộc tranh luận đó không chỉ nhấn mạnh vào các nền kinh tế do nhà nước chỉ đạo đã bị thất bại mà còn đảm bảo sao cho các lợi ích của thị trường tự do đến được với mọi người trong một thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau.

TIẾNG NÓI

Các nền dân chủ tạo ra rất nhiều các trách nhiệm mang tính nhân bản, như người dân được hưởng may mắn về khả năng tự lãnh đạo mình theo cách tự do và công bằng, hoặc mọi xã hội dân chủ đều chứa đựng sự đa dạng vô tận về các sở thích, và các cá nhân – những người xứng đáng được hưởng quyền lợi là lời nói của họ được người khác lắng nghe và quan điểm của họ được người khác tôn trọng. Do đó, một điểm hết sức hiển nhiên của mọi nền dân chủ lành mạnh là sự ồn ào và sôi nổi.

Cựu tổng thống Hoa kỳ George Bush đã mô tả hệ thống rộng lớn của các tổ chức tình nguyện tại Hoa kỳ như ” hàng ngàn ánh đèn” có ý nghĩa ẩn dụ như sự đa dạng hay đa nguyên của các xã hội dân chủ ở khắp nơi. Các tiếng nói trong xã hội dân chủ bao gồm tiếng nói của chính phủ, của những người ủng hộ đảng cầm quyền và chắc chắn có tiếng nói của cả các bên đối lập. Nhưng các tiếng nói đó được tăng cường thêm bởi các tiếng nói của các liên đoàn lao động, các tổ chức vì lợi ích, các hiệp hội cộng đồng, các phương tiện thông tin, các nhà nghiên cứu và phê bình, các lãnh tụ tôn giáo và nhà văn, các doanh nghiệp nhỏ cho tới các tập đoàn kinh tế lớn, các nhà thờ và trường học.

Tất cả các tổ chức đó đều được tự do phát biểu và tham dự vào hoạt động chính trị dân chủ ở bất cứ mức độ nào, địa phương hay trung ương. Theo cách đó, các hoạt động chính trị dân chủ sẽ là một tấm lọc cho mọi đòi hỏi, yêu cầu của công chúng đa dạng để trở thành các chính sách chung cho xã hội. Như cựu tổng thống Hoa kỳ Jimmy Carter một lần đã phát biểu:” Kinh nghiệm của dân chủ cũng như kinh nghiệm của chính bản thân cuộc sống – luôn thay đổi, vô tận về sự đa dạng, đôi khi hỗn loạn và điều giá trị hơn cả là được thử thách qua những khó khăn”

Tự bản thân dân chủ không đảm bảo cho bất kỳ điều gì. Dân chủ mang lại cơ hội cho thành công cũng như rủi ro cho thất bại. Trong bản Tuyên ngôn mạnh mẽ và sắc sảo của Thomas Jefferson thì lời hứa của dân chủ là “ Cuộc sống, Tự do và theo đuổi Hạnh phúc.”

Dân chủ vừa là lời hứa mà cũng là thách thức. Lời hứa là con người được tự do, cùng làm việc với nhau, có thể tự quản lý mình để đạt được khát vọng về tự do cá nhân, cơ hội kinh tế và công lý cho xã hội. Đó cũng là thách thức vì thành công của thể chế dân chủ chỉ dựa trên chính đôi vai của những công dân trong thể chế đó chứ không ai khác.

Chính phủ của dân và do dân có nghĩa là các công dân của xã hội dân chủ cùng chia sẻ với nhau các thành quả cũng như các khó khăn. Do lĩnh trách nhiệm tự quản lý mình cho nên mỗi thế hệ đều tìm cách duy trì những thành quả vất vả mới có được về tự do cá nhân, quyền con người và nguyên tắc sống theo luật pháp cho thế hệ kế tiếp. Mỗi xã hội và mỗi thế hệ đều phải biết cách thực hiện dân chủ một cách sáng tạo: áp dụng các nguyên tắc trong quá khứ vào tình hình thực tế đang đổi thay của thời đại mới và xã hội mới.

Nhà thơ quá cố Josef Brodsky, gốc Nga, đoạt giải Nobel đã từng viết:” Con người tự do sẽ chẳng trách cứ ai khi thất bại” và điều này cũng giống như các công dân trong một thể chế dân chủ, những người tự nhận trách nhiệm đối với số phận xã hội mà họ đã tự chọn để sống.

Và cuối cùng chúng ta sẽ có được chính phủ mà chúng ta xứng đáng phải có.

Bản dịch của Phạm Hồng Sơn và Thư Lê
Tác giả giữ bản quyền và chịu mọi trách nhiệm về bản dịch

Phạm Hồng Sơn 72B Thụy Khuê – Tây hồ – Hà nội
ĐT: 847 35 83; 0903 21 3776
E-mail: sonhqv@hn.vnn.vn


Chú thích của người dịch

1. Pericles: vua thời A- ten cổ đại sống vào khoảng 495-429 trước công nguyên, nổi tiếng là người quyền lực, sống cách biệt với dân chúng nhưng với tài hùng biện, sự thông thái, chính trực và lòng yêu tổ quốc đã được dân chúng ngưỡng mộ, ủng hộ. Về mặt chính trị, Pericles chủ trương làm cho dân chúng tham gia tích cực vào sự quản lý, lãnh đạo đất nước. Các công dân khi phục vụ nhà nước sẽ được trả công và các thành viên của hội đồng quản lý, lãnh đạo được lựa chọn từ nhiều người trong toàn bộ cộng đồng A-ten. Dưới thời lãnh đạo của Pericles ( trong 15 năm ) A-ten đã trở thành một trung tâm văn hóa, nghệ thuật rực rỡ vào thời đó.

2. Vaclav Havel: sinh ngày 05/10/1936 tại Pra-ha, là nhà văn, kịch tác gia, cựu tổng thống cộng hòa Tiệp khắc cũ và tổng thống đầu tiên của cộng hòa Séc và hơn hết là người đấu tranh cho dân chủ và chủ nghĩa nhân văn tại nước cộng hòa Tiệp Khắc cũ. Thuở nhỏ gặp rất nhiều ngáng trở trong việc học hành do xuất thân từ một gia đình kinh doanh ở Pra-ha. Tuy nhiên với nghị lực và niềm tin vào tương lai, ông đã tham gia vào hoạt động văn học, xã hội từ rất sớm. Các kịch bản của ông đã đóng vai trò chính trong phong trào văn hóa, dân chủ gọi là Mùa xuân Pra-ha năm 1968, đề cao văn hóa Séc và xã hội Séc.

Sau đây là một số mốc quan trọng:

+ 1975: gửi thư ngỏ cho chủ tịch cộng hòa Tiệp khắc chỉ ra các điều kiện thiết yếu cho xã hội và trách nhiệm của chế độ cầm quyền.

+ 1977: Đồng sáng lập của nhóm 03 người đại diện đầu tiên cho sáng kiến hiến chương 77, trong đó có Ủy ban bảo vệ những người bị khởi tố trái pháp luật.

+ 1978: bị cầm tù khoảng 05 năm, trong thời gian này ông đưa ra một tác phẩm có tên “ Quyền lực của không quyền lực”, tác phẩm này có ảnh hưởng rất lớn nhất là các nước xã hội chủ nghĩa.

+ 1989: là một trong những người sáng lập và lãnh đạo “ Diễn đàn công dân” đưa ra các sáng kiến dân chủ, sau này là nhân tố chính cho “Cách mạng Velvet”. Cũng trong năm này ông được bầu làm tổng thống tạm thời cho Tiệp khắc đến khi bầu cử nghị viện. Cuộc bầu cử tự do sau đó đã bầu ông làm tổng thống từ tháng 07/1990 với nhiệm kỳ 02 năm.

+ 20/07/1990: Từ chức tổng thống vào lúc 18:00, với lý do được đưa ra là không còn tiếp tục cam kết trung thành với nước cộng hòa Séc và Slova nữa.

+1993: được bầu là tổng thống đầu tiên của cộng hòa Séc.

Ông được rất nhiều các giải thưởng và danh hiệu trao tặng của các tổ chức quốc tế ( UNESCO , Olof Palme,..) và các trường đại học (York Canada, Columbia New York,…)

Một trong những phát biểu nổi tiếng của ông là “ Tất cả chúng ta đều đang sống trong một kỷ nguyên đa cực (không phải 02 cực như thời chiến tranh lạnh: ND) dù chúng ta đã từng là người nô lệ hay là ông chủ thì kỷ nguyên này cũng sẽ tạo ra cái mà tổng thống vĩ đại Lincoln đã gọi là “ Gia đình con người”, kinh nghiệm làm việc với những người đối lập đã dạy cho ông thấy rằng ý thức vượt lên sự tồn tại không như triết học của Marx đã dạy một cách sai lầm “ “ sự cứu rỗi thế giới loài người không dựa trên cái gì khác ngoài tình thương con người, năng lực phản ánh của con người, sự hiền lành của con người và tính trách nhiệm của con người.”

3. Andreil Sakharov: Sinh ngày 21/05/1921 tại Nga mất ngày 14/12/1989 . Nhà khoa học vật lý hạt nhân, nguyên tử xuất sắc của Liên bang Xô viết cũ, đã được phong tặng Anh hùng lao động và các giải thưởng Lê-nin, Stalin. Được giải Nobel hòa bình năm 1975. Và trên hết là một nhà khoa học đấu tranh không mệt mỏi cho Hòa bình, Nhân quyền, Dân chủ, Giải trừ vũ khí. Ông là một trong những nhà khoa học trẻ trong nhóm nghiên cứu bí mật của Liên bang Xô viết cũ với nhiệm vụ phát triển vũ khí nguyên tử từ năm 1948 -1968, mặc dù trong một thế giới khép kín, cách biệt với bên ngoài, ông đã nhận thức được các hậu quả nguy hiểm của các thử nghiệm hạt nhân với con người ( tàn phá, ảnh hưởng tới di truyền,… ), chính điều đó đã thúc đẩy ông viết một bản đề nghị chân thành tới nhà nước liên bang về vấn đề đó, ông hy vọng sẽ mở ra các trao đổi quan điểm một cách tự do và cởi mở, nhưng ông đã hết sức thất vọng. Theo ông, sự nguy hiểm của chạy đua vũ khí ( trong đó có hạt nhân) chỉ có thể loại bỏ được bằng cách thông qua sự hợp tác hơn là các tranh cãi về tư tưởng hay dân tộc. Năm 1970 ông cùng một số người bạn và đồng nghiệp lập nên “ Ủy ban vì Nhân quyền “, mục đích của ủy ban này là hoạt động trong khuôn khổ các nguyên tắc nhân quyền của Công ước về Nhân quyền của Liên họp quốc năm 1948 để đấu tranh cho các mục tiêu: Bãi bỏ xét xử kín; Luật báo chí đảm bảo cho mọi người có đầy đủ thông tin; Cải cách hệ thống nhà tù; Ân xá các tù chính trị; Bãi bỏ án tử hình; Mở cửa biên giới; và cấm sử dụng các viện tâm thần vì mục đích chính trị. Trong bài diễn văn đọc tại lễ trao giải thưởng Nobel hòa bình năm 1975, bà AASE Lionaes – Chủ tịch Ủy ban Nobel của quốc hội Na-uy đã nhắc lại câu nói của Goethe được Sakharov đưa vào trong tác phẩm “ Manifesto” của ông năm 1968: “ Chỉ những con người đấu tranh liên tục cho chính bản thân mình mới xứng đáng được hưởng Tự do và Cuộc sống “.

Phản hồi