Ý kiến ngắn về hạt giống dân chủ
Dân chủ trong một nước đang phát triển (developing country) và tại một quốc gia tiến bộ (developed nation) có thể được ví với hai thửa ruộng khác nhau:
1. Nước đang mở mang tựa như mảnh đất vừa được khai phá nên các loài cỏ dại (tập đoàn lợi ích, tệ đoan xã hội, …) cùng cỏ tốt (tiềm năng và nhận thức trong quần chúng, …) đua nhau mọc rất nhanh. Nếu không được vun bồi kỹ lưỡng thì cỏ dại sẽ lan tràn và đè bẹp các giống cỏ tốt.
2. Nước tiến bộ giống như thửa ruộng đang tươi tốt. Tuy vậy loài cỏ xấu lúc nào cũng rình rập sinh sôi trở lại nhất là trong hoàn cảnh mùa màn thay đổi, hạn hán hay ngập lũ (khủng hoảng kinh tế, va chạm với các nhóm di dân,…)
Cho nên dân chủ không chỉ là mục tiêu mà còn là tiến trình, cũng như nhà nông năm tháng miệt mài không ngừng chăm sóc diệt loài cỏ dại cho đồng ruộng xanh tươi.
Việt Nam từ ngày đổi mới đã thể hiện rất nhiều tiến bộ khích lệ kèm theo những tệ đoan nhanh chóng tràn lan. Khía cạnh tích cực bao gồm hội nhập vào quốc tế, thương mại phát triển, dân chúng tìm tòi mở mang kiến thức, hàng triệu người thoát ra khỏi cảnh nghèo khó bần cùng tạo điều kiện thành hình một tầng lớp trung lưu và doanh nhân vô cùng năng động. Nhưng bên cạnh đó là bức tranh ảm đạm khi phe đảng cầm quyền và tập đoàn lợi ích cấu kết và bén rể ngày càng sâu; công an trị và trộm cướp hoành hành; đạo đức xã hội suy đồi vì đa số giành giật món lợi tư và hưởng thụ nhất thời thay vì chuẩn bị lâu dài cho tương lai.
Nếu chỉ nhìn một chiều để phủ nhận mọi điểm tích cực trong xã hội cũng giống như chối bỏ trên đất nước không còn có giống cỏ tốt. Nhưng nếu chóa mắt trước những hào nhoáng và tiền của trong xả hội thì lại quên đi nguy cơ cỏ dại tràn lan rất nhanh. Tương lai của đất nước liệu sẽ trở thành một quốc gia văn minh tùy thuộc vào các điều kiện thuận lợi cho loài cỏ tốt phát triển như dân chủ, pháp trị, thị trường tự do, doanh nghiệp tư nhân, ý thức công dân có đẩy lùi dần độc tài, các tập đoàn lợi ích và chủ nghĩa tư lợi cá nhân.
Hoa Kỳ và Âu Châu là hai khu vực có nền móng dân chủ lâu đời và vững chắc, dù vậy cỏ dại vẫn rình mò lan tràn trở lại khi lơ là thiếu chăm sóc. Gần 10 năm sau cuộc đại khủng hoảng kinh tế cho thấy khoảng cách giàu nghèo ngày thêm sâu đậm; trào lưu toàn cầu hóa đã bỏ rơi một thành phần không nhỏ trong xã hội; di dân mang theo tội phạm, khủng bố, tình trạng lạm dụng trợ cấp tạo ra tâm trạng bất an vì dân chúng cảm thấy bị phản bội và cấu trúc xã hội (social structure) thay đổi nhanh hơn là họ có thể thích ứng. Áp lực kiểm duyệt tư tưởng và ngôn luận (politically correct) dồn nén không cho người dân bày tỏ nỗi phẫn nộ cho nên đến khi bùng nổ khiến các cuộc tranh luận trở nên khích động và mang màu sắc giận dữ, kỳ thị và chia rẽ.
Khái niệm dân chủ đang trải qua thời kỳ khủng hoảng từ cội rễ ở cả các nước văn minh lẫn những quốc gia chậm tiến. Nền dân chủ đủ vững để thích ứng và tồn tại, nhưng những thử thách hiện giờ cho thấy tiến trình này không tất yếu mà sẽ trải qua nhiều cơn quặn thắt nên cần đến sự suy xét chín chắn và thành thật trong mọi tầng lớp xã hội.
© Đoàn Hưng Quốc
© Đàn Chim Việt
Việt Nam Cộng Hòa chưa hiện diện trở lại từ Nam chí Bắc tại Việt Nam thì đừng hòng mong có hạt giống lẫn đất trồng cho…Dân Chủ! Lật đổ chế độ Vẹm láo XHCN (xuống hàng chó ngựa) rồi dựng lại Việt Nam Cộng Hòa, Dân Chủ sẽ nở hoa nhanh chóng tại Việt Nam.
YÊU CẦU TỰ DO DÂN CHỦ VÀ XÃ HỘI CON NGƯỜI
Dân chủ thì đi đôi với tự do, có cái này mới có cái kia, không thể bao giờ chỉ có một cái mà được. Độc tài thì không có cả hai cái trên, vì có cả hai cái trên cũng không bao giờ có độc tài được.
Như vậy dân chủ tự do trái với độc tài là trái về nguyên lý hay nguyên tắc vận hành xã hội, nên nó không thể hà rứa, ba phải bảo đều có cả hai hay chẳng có cái nào cả. Xã hội con người luôn luôn bắt buộc phải có một trong hai cái ấy thôi, hoặc cái này hoặc cái kia là do con người tự lựa chọn.
Dân chủ tự do đương nhiên cũng phải có giới hạn mà không thể vô hạn. Bởi vô hạn thì nó trở thành tự phá vỡ, không thể nào bảo đảm tồn tại được nữa. Giới hạn đó là giới hạn đạo đức và giới hạn hữu lý. Luật pháp chân chính nói chung đều xây trên chính giới hạn này. Vượt qua giới hạn này cũng không còn tự do dân chủ đúng nghĩa nữa, và kê cả luật pháp khi đó cũng thành vô nghĩa.
Riêng về độc tài cũng có nhiều loại, độc tài cá nhân hay nhóm cá nhân chỉ phủ thuộc vào sự tồn tại của cá nhân hay nhóm cá nhân đó. Nó chỉ là tạm bợ và thoáng qua không lấy gì hoảng sợ, vì không có nguyên tắc nào ràng buộc sự tồn tại dài lâu của nó cả.
Nhưng độc tài về ý thức hệ và tư tưởng mới là điều đáng sợ nhất. Bởi nó không còn phụ thuộc vào cá nhân mà thuộc về toàn bộ hệ thống tổ chức xã hội. Cũng như khi đã hình thành nên rồi thì rất khó phá bỏ nó, vì nó đã bị bê tông cốt thép hóa, nó như sức mạnh quán tính vô hình, vượt ra ngoài mọi cá nhân, vượt lên trên mọi cá nhân cụ thể. Đây là điều quái ác nhất, bởi vì hệ tư tưởng chỉ do một hoặc vài cá nhân đưa ra, có thể đầy tính chủ quan, sai trái, nhưng lại có thể khống chế, đóng khung xã hội một cách phi lý trong lâu dài hoặc vĩnh cửu.
Cho nên dân chủ tự do không phải chỉ như hạt giống tốt mà còn như mảnh đất tốt. Ươm mầm hạt giống tốt cũng phải loại trừ đi mọi hạt cỏ dại, vì cỏ dại bao giờ cũng lấn át cả hạt giống tốt. Nhưng đối với mảnh đất xấu, có khi không có hạt giống tốt nào mọc được mà chỉ có cỏ dại mọc được. Mọi chế độ độc tài thật chẳng khác gì hạt cỏ dại, trong đó không hạt giống tốt nào mọc lên được mà cuối cùng chỉ còn toàn cỏ dại. Nhất là độc tài ý hệ, nó không những là hạt cỏ dại mà còn là mảnh đất xấu. Nên mọi sự lựa chon ban đầu mới thật là sựa lựa chọn khôn ngoan hay dại dột, hay chỉ là sự lựa chon theo cảm tính, theo thị hiếu mà không theo khoa học hay sự hữu lý sáng suốt nào cả.
THƯỢNG NGÀN
(30/6/16)