Niềm tin còn một chút này…
Trước thảm cảnh đồng bào miền Trung bị lũ lụt, dân ta ai cũng động lòng, muốn đóng góp, chia sẻ ít nhiều với bà con… Nhưng vì sao các tổ chức trong hệ thống chính trị của Đảng và Nhà nước đứng ra kêu gọi, lại ít hiệu quả? Vì người dân không còn tin vào các tổ chức này. Vì sao họ lại không tin nữa? Điều đó ai cũng hiểu. Đến bà Doan, Phó Chủ tịch nước ở mãi thượng tầng, khi đương chức, còn phải thốt lên: “Người ta ăn của dân không từ một thứ gì”!
Cho nên Mặt trận Tổ quốc, đại diện cho tất cả các tổ chức chính trị, xã hội, kêu gọi mấy ngày, mà như trang VOV.vn cho biết: “Tính đến thời điểm 17h, ngày 19/10, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã tiếp nhận số tiền: 1 tỷ 939 nghìn 450 đồng. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIV ủng hộ 50 triệu đồng, Bộ Giao thông Vận tải ủng hộ 500 triệu đồng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ủng hộ 200 triệu đồng, Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam ủng hộ 500 triệu đồng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Bắc Giang ủng hộ 400 triệu đồng, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam ủng hộ 200 triệu đồng, Công đoàn Ban Tổ chức Trung ương 80 triệu đồng và một số cá nhân, tổ chức ở Hà Nội đã trực tiếp đến quyên góp, ủng hộ đồng bào miền Trung.” (http://vov.vn/…/to-chuc-van-dong-quyen-gop-ung-ho-dong-bao-…). Những con số cho thấy tiền đều do các tổ chức của hệ thống chính trị bỏ ra, chứ từng người dân tự nguyện đóng góp vào vô cùng ít ỏi.
Trong khi đó 1 cá nhân MC Phan Anh tuyên bố: tự bỏ ra 500 triệu và kêu gọi bạn bè, người dân, ai muốn gửi tiền cứu trợ đồng bào miền Trung, anh xin nhận chuyển giùm. Và điều kỳ lạ, chỉ 24 giờ, tài khoản của anh đã nhận được 8 tỉ đồng. Trang VietNamnet cho biết: “Tiền ùn ùn về tài khoản Phan Anh. MC Phan Anh vừa bất ngờ thông báo số tiền ủng hộ về tài khoản khiến nhiều người choáng váng. Đến chiều 19/10, Phan Anh cho biết: “Mình chưa kịp chụp màn hình nhưng số tiền chung tay của mọi người hiện nay đã lên tới 16 tỷ rồi. Triệu lần cảm ơn” – MC Phan Anh cập nhật trên trang cá nhân”
Tại sao người ta lại vô tư dồn tiền gửi cho Phan Anh để cứu trợ đồng bào? Vì người dân có nhu cầu, tình cảm tha thiết muốn cứu trợ đồng bào. Và tìm được người đáng tin tưởng, hoàn toàn có thể cậy nhờ gửi đồng tiền mồ hôi, nước mắt của mình, mau chóng đến được tận tay đồng bào đang khốn khó, khắc khoải mong chờ… Họ tin tưởng vào sự vô tư, trong sáng của Phan Anh; họ không có gì phải lăn tăn, lo ngại về sự khuất tất, xà xẻo món tiền của họ trước khi đến tay đồng bào hoạn nạn… Trong Tâm lý học hay Xã hội học, đây là một thực nghiệm tự nhiên, khách quan, cho kết quả rất đẹp và hoàn toàn tin cậy về mặt khoa học, không ai có thể phủ nhận.
Tôi tin rằng tất cả những người có tấm lòng ngay thật, trong sáng, lương thiện đều không thể nghĩ điều gì xấu về động cơ của Phan Anh và của những người gửi tiền. Trong giờ phút “nước sôi, lửa bỏng” của đồng bào, Phan Anh kêu lên cần cứu giúp, mọi người tin anh và nhờ anh chuyển giùm món tiền đến đồng bào. Tôi đã tin anh, gửi anh chuyển giúp 1 triệu, 100 triệu, hay 10 tỉ đồng thì bản chất của lòng tin cũng vậy thôi. Đã không tin thì 1 đồng cũng không muốn gửi. Niềm tin giữa những con người với nhau, không ảnh hưởng gì đến ai. Về mặt lý lẫn tình, Phan Anh làm việc này có gì sai không? Giả sử bây giờ tôi nhờ anh A đem 10 tỉ đồng đưa cho chị B ở Hà Tĩnh, giữa tôi và anh A tin nhau, nhờ nhau thì có gì sai? Có cần phải báo cáo, xin phép ai không? Ở đây chỉ có những người nhờ Phan Anh chuyển tiền, giờ kiện Phan Anh vì lý do gì đó, thì các cơ quan có trách nhiệm mới vào cuộc điều tra kết luận. (Đây cũng là điều, có người lo ngại, Phan Anh có thể bị gài bẫy bởi kẻ xấu).
Với những suy nghĩ như trên, nên khi tôi thấy trên TINMOI 24.com viết: “MC Phan Anh đã vi phạm Nghị định 64/2008 và Nghị định 147/2007 của Chính phủ” và nêu ra đến 6 điểm Phan Anh vi phạm (http://tinmoi24.com/…/news-38-1-d5d1724749e609fcd43c6c83705…), tôi rất băn khoăn, lo ngại, chẳng lẽ pháp luật của Nhà nước ta lại khe khắt, phũ phàng đến tàn nhẫn như vậy với việc làm trong sáng, đầy tình nghĩa với đồng bào của Phan Anh hay sao?
Ta phải nói thực với nhau, chính quyền muốn bắt ai, cũng đều tìm ra được lý do để bắt, để điều tra kết tội, không nặng, thì nhẹ, ít ra là cảnh cáo, phạt vi phạm hành chính…
Trường hợp Phan Anh, tôi chỉ muốn nói với Chính quyền rằng: Xã hội ta đang rất cần những người như Phan Anh. Hàng triệu người dân còn chút niềm tin gửi gắm vào Phan Anh, đó là còn hy vọng vào những điều tốt đẹp. Niềm tin ở đây là niềm tin vào cái Chân, cái Thiện, niềm tin đạo đức xã hội, là tình người; đó không phải là niềm tin chính trị, có tính đảng phái, phe nhóm… Kết tội việc làm của Phan Anh, đánh đổ hình ảnh của Phan Anh là đánh sập chút niềm tin yêu cuối cùng của hàng triệu người dân, gây nên nỗi thất vọng lớn lao vào tình đồng loại, nghĩa đồng bào. ..
Tôi nghĩ, trước hết Chính quyền cần tuyên dương Phan Anh; sau đó, nếu Phan Anh có gì chưa phải, Chính quyền nên chỉ bảo giúp anh, để lần sau làm cho đúng hơn, tốt hơn. Đó là cách để xã hội ta sẽ xuất hiện nhiều hơn những Phan Anh trong lớp trẻ; đó mới là hy vọng của toàn xã hội hiện nay, mới là đạo lý mà nhân dân ta mong đợi.
25/10/2016
M.V.T (Facebook)
Cái vụ này những người ghét Phan Anh phá cho vui vậy thôi, Nghị định 64/2008 chỉ là không cho phép các cá nhân lập quỹ, thực chất là để phòng tránh việc lợi dụng mà thôi…Chuyện này tôi cam kết là không bao giờ xảy ra cả ..
“Với những suy nghĩ như trên, nên khi tôi thấy trên TINMOI 24.com viết: “MC Phan Anh đã vi phạm Nghị định 64/2008 và Nghị định 147/2007 của Chính phủ” và nêu ra đến 6 điểm Phan Anh vi phạm (http://tinmoi24.com/…/news-38-1-d5d1724749e609fcd43c6c83705…), tôi rất băn khoăn, lo ngại, chẳng lẽ pháp luật của Nhà nước ta lại khe khắt, phũ phàng đến tàn nhẫn như vậy với việc làm trong sáng, đầy tình nghĩa với đồng bào của Phan Anh hay sao?”
Hỏi mụ Kim Ngân : Quốc Hội của những nước khác, làm ra những điều luật ích nước lợi
dân. Xin hỏi cái quốc hội của mụ làm cái quái gì ,mà để những điều luật khốn nạn này hoành hành
thiên hạ ?
LÁ MẶT LÁ TRÁI
Cái lá cũng có mặt phải mặt trái giống như mọi sự vật khác huống gì con người. Nhưng có cái khác là đối với con người tốt, mặt phải vẫn có nhiều hơn và thường được đưa ra ngoài nhiều hơn, đó là lý do tại sao con người vẫn tín nhiệm, vẫn tin tưởng những người tốt mà không ai muốn đặt niềm tin vào những người xấu hay bị họ cho là xấu. Niềm tin như vậy do bản chất của đối tượng quyết định mà không phải do chủ quan của người trao niềm tin quyết định.
Từ đó cũng bắt qua nói mối tương quan giữa niềm tin và luật pháp. Thật ra ai có hiểu ý nghĩa chính đáng của luật pháp đều thấy được luật pháp nhằm để tạo cơ sở niềm tin hay bảo đảm cho cơ sở niềm tin giữa con người và con người trong xã hội mà không gì khác. Luật pháp không tạo ra cái gì trong xã hội cả, mọi cái đều do tự bản thân mỗi người tạo ra. Luật pháp bởi thế chỉ nhằm bảo đảm và hỗ trợ đối với mọi điều tốt con người có thể làm được và ngăn cản mọi điều xấu con bị cấm làm, chỉ có đơn giản như thế thôi.
Nên nếu luật pháp chỉ nhằm chuyên chính buộc con người phải làm điều này mà không được làm điều kia thực chất đó chỉ là luật pháp vô nghĩa. Luật pháp khoa học và khách quan cần thiết chỉ nêu điều cấm nếu vi phạm đạo đức mà không thể bó buộc con người phải làm điều này điều nọ. Luật pháp chủ yếu là nhằm ngăn ngừa cái xấu mà không phải chủ yếu cưỡng chế phải làm cái tốt, vì không ai chủ quan về cái tốt được cả.
Thế thì trong những hoàn cảnh xã hội bị thiên tai hay địch họa, bất kỳ cá nhân nào cũng có thể và có quyền xướng xuất ra những nghĩa vụ điều tốt nào đó để kêu gọi nhiều người cùng làm với mình để giúp đỡ cho người khác bị thiệt hại đáng thương nào đó. Luật pháp chỉ chế tài hay ngăn ngừa họ lợi dụng điều đó để làm chuyện xấu, phạm pháp khi họ phạm pháp hay có ý phạm pháp thật, nhưng không thể ngăn cản họ làm điều tốt và buộc cái gì cũng phải nhất nhất xin phép mới được làm. Bởi nếu mình không làm được tốt mà lại nhân danh này nọ để cấm cản người khác cũng không được thiện nguyện làm điều tốt thì chuyện đó chỉ trở thành bất công, phi lý và vô nghĩa.
NON NGÀN
(26/10/16)