WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Một vài suy nghĩ nhỏ về vấn đề lớn

Hình như ai đó có câu nói rất hay “Nếu như ta bắn vào thiên nhiên bằng môt phát súng lục, thiên nhiên sẽ bắn lại ta bằng một viên đại bác“. Có lẽ thấm nhuần được câu nói trên, nên các nước Âu- Mỹ, người ta rất sợ “làm mất lòng ông“ môi trường, thiên nhiên. Họ rất sợ thiên nhiên nổi giận, sẽ đổ ụp thiên tai vào đầu. Nên họ có luật bảo vệ môi trường rất chặt chẽ. Cơ quan hành pháp thực thi cũng rất nghiêm túc. Từ những luật pháp rõ ràng như vậy, nên người dân có ý thức chấp hành rất cao. Nói chung là người dân các nước Ậu- Mỹ rất tôn trọng luật, họ rất sợ phạm luật.

Một thí dụ nhỏ sau đây cho ta thấy ý thức chấp hành luật pháp của họ như thế nào. Có một nhóm thanh niên Đức to cao lực lưỡng, uống rượu say, ngả nghiêng hò hét, chọc phá ngoài đường phố. Thấy vậy, một cô cảnh sát trẻ, nhỏ bé mảnh mai, đi đến đề nghị tất cả đứng lại để kiểm tra chứng minh thư.  Cả nhóm im bặt, họ đứng nghiêm xuất trình giấy tờ. Sau khi bị cô cảnh sát nhắc nhở, cả nhóm xin lỗi, và lặng lẽ bỏ đi. Không phải họ sợ cái cô gái bé nhỏ này, mà tôn trọng, họ biết sợ công việc cô cảnh sát trẻ đang thi hành, và cái mầu áo cô đang mặc.

Ngược lại, chúng ta điếc không sợ súng. Chúng ta đã và đang tàn phá thiên nhiên, môi trường bằng gấp trăm ngàn lần bom đạn của chiến tranh. Mặc dù chúng ta cũng có luật môi trường, nhưng những con người thi hành luật pháp không nghiêm. Hoặc những người thi hành luật đã bắt tay với cái ác để tàn phá thiên nhiên, môi trường vì những lợi ích cá nhân. Những vùng đất mang những mầm mống căn bệnh giết người, hủy hoại nòi giống, những dòng sông đã chết, và đang chết, chúng tôi cam đoan rằng, nếu không có bàn tay giúp sức, làm ngơ của một số người nào đó, đố thằng tư bản nào dám ngang nhiên xả thẳng nước thải, hoá chất ra sông, hồ. Với thời gian dài như vậy, những người có trách nhiệm không thể đổ cho chủ đầu tư quá tinh vi, hoặc đổ lỗi cho trình độ, phương tiện, kỹ thuật kiểm tra yếu, thiếu để chạy tội, điều này không thể chấp nhận được. Nạn chặt phá rừng đầu nguồn bừa bãi, là một trong những nguyên nhân gây ra những trận lũ lụt kinh hoàng ở các tỉnh phiá bắc vừa qua. Theo thiển ý của chúng tôi, nhà nước nên giao rừng đầu nguồn cho bộ đội biên phòng bảo vệ, lực lượng này mới đủ sức mạnh trấn áp tội phạm. Bộ Nông lâm nghiệp chỉ làm công tác kỹ thuật, chuyên môn. Nhà nước phải có chính sách đặc biệt đối với đời sống nông thôn miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số. Từ trước đến nay trên giấy tờ, chúng ta nói qúa nhiều về sự bình đẳng, giữa miền núi nông thôn và thành phố, nhưng thực tế giầu nghèo, chăm sóc y tế, giáo dục ngày càng có khỏang cách rất lớn. Sự bất bình đẳng vô lý này, làm cho xã hội bất ổn. Các loại tội phạm tàn phá rừng cũng từ nguyên nhân này mà ra.

Tại sao chúng ta chỉ ưu tiên đầu tư cho Hà Nội và các thành phố lớn khác, mà chúng ta bỏ rơi nông thôn và miền núi? Bằng cớ là mấy xã thuộc tỉnh Hoà bình cũ, từ trước đến nay chẳng ai quan tâm đến điện đóm, nâng cao đời sống cho người dân nơi này, nhưng chỉ cần sát nhập về Hà Nội có ít ngày là ánh sáng điện cũng tràn về. Cũng là người dân Việt, cùng sống trong một chế độ, tại sao có sự đối xử bất bình đẳng như vậy? Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến sự di dân tràn lan, làm cho Hà Nội và các thành phố lớn đông nghẹt cứng, nạn ách tắc giao thông không bao giờ giải quyết được. Người nông thôn đổ về thành phố vật vờ kiếm việc làm, làm cho bộ mặt các thành phố trở nên nhếch nhác, tệ nạn xã hội cũng từ đây mà ra.

Chúng ta nên xoá bỏ dần đẳng cấp, tên gọi các bệnh viện trung ương như ở các nước. Bệnh viện các tỉnh thành phố đều được đầu tư về vật chất và con người như nhau. Mỗi tỉnh nên có một trường đại học tổng hợp và có ngành y, dươc khoa. Bệnh viện, các trung tâm y khoa nên trực thuộc vào trường tổng hợp.  Các giáo sư, bác sĩ giỏi có thể được mời làm việc ở tất cả các trường đại học và bệnh viện. Nếu thời gian đầu chúng ta không đủ các giáo sư, chuyên gia giỏi có thể thuê người nước ngoài. Làm như vậy bệnh nhân từ các tỉnh không phải đi xa, ăn chực nằm chờ, kinh tế và rẻ hơn rất nhiều về lâu dài.

Các thành phố cũng nên bỏ tên gọi thành phố trung ương, thành phố địa phương, thành phố loại 1,2, 3 … Xã hội công bằng văn minh, nên đối xử đầu tư như nhau, người dân nơi nào cũng có quyền được hưởng chăm sóc y tế, giáo dục một cách bình đẳng. Chúng tôi cũng không hiểu sao bộ giáo dục và nhà nước lại đặt tên trường đại học QUỐC GIA Hà nội, đại học QUỐC GIA thành phố HCM . Chả lẽ các trường đại học ở các tỉnh, hoặc các trường đại học tư nhân khác, không phải của quốc gia VN hay sao? Chính sự phân chia đẳng cấp qua tên gọi này, làm mất đi sự cạnh tranh công bằng trong tuyển sinh, đào tạo, thiệt thòi cho các sinh viên đi tìm việc sau này.

Ngồi viết đến đây, tự nhiên tôi nghĩ đến một số các nhà báo trong nước hay viết (theo tôi, đã dùng chữ sai) – công an thu giữ một số văn hóa phẩm đồi trụy. Thực ra đã là văn hoá (chỉ là tinh hoa) thì làm gì có văn hóa đồi trụy, mà chỉ có sách báo, băng điã hình đồi trụy mà thôi. Hồi chúng tôi khai lý lịch (lebenlauf) vào quốc tịch Đức, chúng tôi chỉ thấy dòng phải khai, qúa trình đào tạo, và nghề nghiệp, chứ không phải như ở VN, mỗi lần khai lý lịch dòng này ghi, trình độ văn hoá: lớp 7, hay lớp 10, hoặc đại học… Ngẫm đi ngẫm lại, thấy mẫu lý lịch của người Đức có lý hơn, chứ văn hoá làm quái gì có trình độ. Hàm nghĩa của văn hoá rất rộng lớn. Nhiều ông học vị cao đến tiến sĩ, mà chẳng có chút văn hoá nào. Ngược lại, nhiều người ít học, nhưng người ta thể hiện rất văn hoá trong cuộc sống. Không hiểu, những mẫu lý lịch viết sẵn được bán ở các hiệu sách, mấy chục năm về trước có gì thay đổi hay không? Theo chúng tôi nếu còn nguyên như cũ, thật là không ổn.

Nhà tôi, cách sân vận động trung tâm thành phố Leipzig một cánh rừng nhỏ, và con sông, nếu đi bộ nhanh mất khoảng  mười lăm phút. Nơi đây đã diễn ra bốn trận bóng đá của giải thế giới năm 2006. Cả bốn trận cầu trên, tôi đều có vé vào xem. Rất may mắn, tôi mua được vé của những người Đức vì lý do nào đấy, họ không xem, nên bán lại (có khá nhiều người Đức ra sân bán lại vé, họ chỉ lấy giá gốc đã mua – buôn vé, bán giá chênh lệch cao, tôi chỉ thấy có người Italia, và phần đông là người Nam Mỹ).

Sân vận động Leipzig, mới được xây lại ở ngay trung tâm thành phố. Bao quanh là dòng sông Elsterbecken trong xanh, thơ mộng. Đứng trên cầu cao Landauer bắc qua sông, ta thấy sân vận động với sức chứa năm mươi ngàn người lọt thỏm dưới những tán lá rừng xanh ngát. Cúi xuống, ta nhìn thấy những đàn cá to, nhỏ đang bơi lội tung tăng dưới nước. Ngẩng đầu lên, ta nhìn thấy trường đại học tổng hợp Leipzig cao thanh thoát, như quyển sách đang được mở ra (mô hình kiến trúc Uni-Leipzig là hình quyển sách đang mở). Có một điều đặc biệt, người dân Đức không bao giờ ăn cá dưới sông, hồ do chính họ, hoặc người khác câu hoặc bắt lên. Họ chỉ ăn cá đã làm sẵn, bán ở trong cửa hàng. Tôi có mấy ông bạn già người Đức, có chứng chỉ học qua lớp câu cá (ở Đức ai muốn câu cá giải trí phải đăng ký học một khoá, tất nhiên chỉ được câu ở những nơi qui định) thỉnh thoảng đi câu, thủ về một hai con cá chép, hoặc trắm, nặng đến hai ba ký cho tôi. Mấy ông bạn này là thành phần tạp ăn, đến nhà hoặc vào quán của tôi bất cứ cái gì cũng ăn được. Ấy thế mà mấy con cá đi câu mang về, chúng tôi làm sạch sẽ tẩm gia vị, cho vào lò nướng cả tiếng đồng hồ, mang ra vàng ươm, thơm phưng phức, tách ra thịt trắng phau, chấm với nước mắm, chanh, gừng tỏi, tiêu ớt ngon tuyệt cú mèo, mời mãi, cứ nhún vai không chịu ăn. Thế có bực mình không cơ chứ!

Người Việt ta thường sống, và làm việc theo cảm tính với phương châm “ luật pháp cũng  phải có tình người “. Điều này rất đúng, và hay ở thời điểm chúng ta còn đóng cửa với bên ngoài, “trong nhà nhất mẹ, nhì con“. Nhưng qủa thật, rất tai hại về quản lý trật tự, xã hội trong thời kỳ mở cửa hiện nay. Nó phá vỡ toàn bộ hệ thống luật pháp từ thượng tầng đến cơ sở. Câu chuyện từ bản thân chúng tôi, kể ra đây để chúng ta thấy được phần nào về sự tỉ mỉ, chuẩn xác về luật pháp và thi hành nghiêm minh của nước sở tại Đức quốc. Số là, nhà tôi ở tầng trệt có hai cừa hàng, mỗi cái rộng chừng 80 mét vuông. Hai cửa hàng chúng tôi đều cho thuê làm cửa hàng tạp hoá và cắt tóc. Nhưng trước đây mấy năm, người thợ cắt tóc về hưu, cho nên ông ta đã trả lại cửa hàng cho chúng tôi. Lúc này, chúng tôi muốn sửa cửa hàng cắt tóc thành một quán ăn uống nhỏ. Khi tôi lên đặt đơn ở sở xây dựng, người nhận đơn rất nhiệt tình hướng dẫn tôi (người nhận đơn cũng là người quyết định có cho phép tôi sửa chữa hay không).

- Trước tiên, ông phải lấy chữ ký của hai hàng xóm cạnh nhà, đồng ý cho ông mở cửa hàng ăn uống. Sau đó ông đến văn phòng kiến trúc, họ sẽ hướng dẫn, vẽ cho ông sơ đồ sửa chữa. Khi nhận được hồ sơ này, chúng tôi xem lại khu vực ông còn có thể mở tiếp hàng ăn uống nữa không, hay đã đủ rồi. Nhưng theo tôi biết ông mở hàng ăn Á châu, chắc không có vấn đề gì, vì khu ông chưa có. Nếu không có gì thay đổi, ba tháng sau, ông sẽ nhận được giấy phép sửa chữa, và những yêu cầu bắt buộc về bảo vệ môi trường, như nước thải, và ống khói của nhà bếp. Hiện tại, ông tuyệt đối không được sửa chữa gì.

Đúng như lời người nhận hồ sơ nói, ba tháng sau ngày nộp đơn, tôi nhận được giấy phép sửa chữa. Mọi yêu cầu, như trần chống cháy, tường cách âm, nhà vệ sinh nam, nữ, và nhà vệ sinh riêng biệt cho người làm, không có gì đáng ngại. Nhưng hai yêu cầu bắt buộc về ống khói bếp (Lüftung ), và thùng lọc dầu mỡ  (Abfettscheider) của nước thải qủa là vấn đề lớn với chúng tôi lúc đó. Riêng tiền mua thùng lọc mỡ này, và công lắp ráp đường nước thải, từ nhà bếp xuống tầng hầm qua thùng lọc mỡ, sau đó chảy vào đường ống nước thải chung của thành phố, tổng cộng 5000 euro, chưa kể 16 phần trăm thuế. (Thùng lọc dầu mỡ này hai, ba tuần sẽ có một công ty đến lấy dầu mỡ đọng đi). Mô tơ máy hút, đường ống khói từ bếp lắp lên qua nóc nhà khoảng chừng 40 mét, cộng tiền thuê giàn giáo, cũng hết khoảng 15.000 euro. Nhìn thấy hoá đơn mời chào của công ty lắp ráp, mấy ông bạn thân hãi qúa bàn lùi:

- Nên lắp đường ống đến sau nhà thôi, giảm được nửa tiền, bởi vì vườn và sân nhà ông 400 mét vuông, cộng vườn các nhà xung quanh hơn 1000 mét vuông nữa, mùi xào nấu không thể bay qúa xa như vậy. Hơn nữa những hộ gia đình thuê nhà ông đều đồng ý làm đường ống ra đến sân sau nhà.

Nghe cũng có lý, tôi tặc lưỡi làm liêù. Hôm sở xây dựng, cơ quan trật tự xã hội (cơ quan cấp giấy phép hành nghề – Gewerbeamt), sở phòng cháy chữa cháy xuống nghiệm thu (kiểm tra lần cuối- abnahme). Qủa nhiên họ không chịu, mặc dù hàng xóm của tôi, và những ông tây bà đầm thuê nhà tôi cũng xúm vào nói cho tôi.

- Chúng tôi biết rằng làm đường ống cao qua nóc nhà là rất đắt tiền, vì bảo vệ môi trường, sức khoẻ cho người dân, chúng tôi không thể làm khác được. Đây là luật pháp, nên chúng tôi yêu cầu ông làm đúng theo qui định, nếu không, quán của ông không có giấy phép hoạt động.

Trước thái độ cương quyết cơ quan công quyền, chúng tôi buộc phải làm đúng theo yêu cầu.

Thật vậy, với tôi con người là yêú tố chính quyết định về trật tự xã hội tốt hay xấu. Những kỹ thuật trợ giúp cũng rất quan trọng, nhưng chỉ là bậc thứ . Cái tâm của con người sử dụng những kỹ thuật đó là cao hơn tất cả. Những tản mạn, suy nghĩ trên là của riêng tôi, có thể là đúng, cũng có thể là sai. Nhưng những việc tôi kể là hoàn toàn chính xác. Những suy nghĩ, trăn trở về môi trường của chúng hiện nay có lẽ cũng không phải của riêng tôi, có nhiều người còn dằn vặt hơn tôi. Không hiểu sao, tôi cứ mong có một ngày được đứng trên cầu Long biên, nhìn xuống dòng sông Hồng đỏ nặng phù xa hai bên bờ là những mầu xanh bất tận, với tâm hồn của thuở bé thơ. Xa nhà đã lâu nhiều khi cứ lẩn thẩn viết ra cho đỡ nhớ.

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

Phản hồi