Người Việt – Một dân tộc say mê quyền lực
Trong thế giới Tây đại nhân quyền lực không chỉ đơn thuần được cân đo bằng tư duy, nhân cách, hay đạo đức của người muốn nắm vị trí quyền lực, mà người đó còn phải tự chứng tỏ bằng những sách lược, đường lối lãnh đạo của mình thông qua những cuộc tranh cử và đầu phiếu phổ thông.
Kết quả thua hay thắng vốn không phụ thuộc vào “lý lịch trích ngang“ hay những “chỉ tiêu của trên” rót xuống, trái lại những lá phiếu của quần chúng chính là sự phán quyết người đó có thực sự đủ tư cách để nắm vị trí quyền lực hay không.
Trong thế giới của người Việt mọi sự hoàn toàn quay ngược kim đồng hồ. Nghĩa là: tư duy, phẩm vị, đạo đức… chỉ là những thứ trang điểm giúp cho những gương mặt vốn dĩ nham nhở, đần độn, đầu dơi, mình chuột bỗng chốc trở thành những gương mặt thánh thiện, khả ái. Nhiều người thì thào bảo: Ngài ơi! Làm lãnh đạo người Việt chỉ cần ngài hội đủ hai yếu tố đó là hoàn hảo rồi. Tư duy ư? Một xã hội bị lột trần như nhộng thì ngài cần gì phải đầu tư chất xám cho mệt. Vả lại khi ngài đã có quyền lực trong tay, ngay cả những lời lởm khởm nhất của ngài, lập tức đã có đám quần chúng (những “em út“) biến những thứ lởm khởm đó thành những tư duy vĩ đại và thời thời thượng nhất. Còn nhân cách ư? Ngài lo xa mất rồi. Quyền lực chính là nhân cách, cho dù nhân cách của ngài chỉ bằng… hạt đỗ, nhưng đám “ong thợ” sẽ tạo cho ngài một nhân cách hoành tráng nhất trong các loại nhân cách hiện có trên trái đất này. Ngài lại lăn tăn về đạo đức ư? Nói nhỏ để ngài biết thôi nhé: Đạo đức là thứ đồ chơi của đám người chính nhân quân tử, mà mình dẫu có độn thổ cũng không thể chui vào hàng ngũ của đám người ấy. Cho nên đạo đức mình nên coi nó là cái bánh vẽ thôi. Thời buổi này mà rủ nhau khợp cái thứ của nợ ấy vào, đời không teo tóp thì ngài cũng đi trồng răng giả đấy. Những thứ quí hiếm đó ngài cứ thảy ra cho đám quần chúng nó hít hà, xâu xé lẫn nhau. Ngài phải quán triệt rằng: Khi đám quần chúng xung quanh ngài, trước mặt ngài chỉ lo xâu xé để tranh giành miếng nhét vào miệng, tất ngài sẽ trở thành một con người vĩ đại và đạo đức nhất.
Vậy nhé. Ba thứ quan trọng nhất của một người nắm chiếc ghế quyền lực ngài đều có cả, còn điều gì khiến ngài phải lăn tăn? Đã có chuyện kể rằng: Có một Đồng Chí (xin được viết hoa hai từ “đồng chí” để tránh hiểu lầm với cụm từ “đồng chí đổ bô” đang lưu truyền trong dân gian) cán bộ nọ mặc dù trình độ chỉ vượt quá giai đoạn xóa nạn mù chữ, nhưng rồi thời thế đổi thay, trong một thế giằng co về quyền lực, đồng chí nọ đã được đôi bên A và B “mời” về rồi bế đồng chí đó ngồi vào chính giữa, để đóng vai trò: Cùng hợp tác lãnh đạo! Dĩ nhiên trước khi đồng chí cán bộ nọ được định vị trên chiếc ghế quyền lực trên, đồng chí đó đã phải thỏa mãn một hiệp ước bất thành văn bản của bên A và B: Chỉ cần đồng chí… gật khi được đánh thức là… đủ. Thoạt đầu đồng chí cán bộ nọ đã tự vấn lương tâm rồi rụt rè phản đối. Ông bảo:
- Không được đâu! Năng lực của em chỉ đủ để lo việc Xã thôi, giờ các bác giao cho em vị trí then chốt của Tỉnh như vậy làm sao em gánh nổi?
Thấy đồng chí cán bộ nọ tỏ vẻ lo âu, phía bên A liền vỗ vai ông, giọng kẻ cả bảo:
- Cậu yên trí đi. Khi tớ bảo cậu bước sang Trái thì cậu cứ nhắm mắt lại, rồi ung dung bước sang Trái. Vậy là đủ.
Bên B cũng bước lại, vừa vỗ vai vừa ấn đồng chí cán bộ nọ ngồi xuống, giọng trấn an:
- Cậu không phải hoảng lên như thời chuẩn bị đánh quân Bành Trướng, rồi lo quá xa như vậy. Điều chúng tớ muốn cậu làm là khi có hiệu lệnh cậu cứ hồn nhiên, nhắm mắt lại, rồi bước sang Phải là đủ.
- Nhưng mà…! Đồng chí cán bộ nọ nhấp nhổm định giải thích lo lắng trong lòng nhưng đã bị cả hai bên A và B bước, tới ấn tọt ông ngồi lên chiếc ghế của mình, rồi đồng thanh nói:
- Cậu hay cãi thế nhỉ? Chẳng nhưng mà nhưng miếc gì hết. Đây là Hiệp nghị Tản quyền.
- Các bác bảo sao ạ? Đảng bộ Tỉnh đã có nghị quyết từ bao năm nay là quyền kiểm soát không thể phân tán, sao giờ này các bác lại đi ngược chủ trương thế?
Nghe hỏi vậy, cả bên A và B đều nhoẻn cười bí hiểm, rồi cùng bước tới đập đập lên vai đồng chí cán bộ Xã nọ bảo:
- Cậu là chúa tin người. Làm lãnh đạo, đặc biệt là lãnh đạo cao cấp mình phải mánh lược thì mới đè đầu được đám quần chúng, và tụi nó mới không dám ho he. Mình nói “tản quyền“ là nói mồm nói mép thôi, chứ mình đâu có văn bản, nghị quyết giấy trắng mực đen đâu mà cậu hoảng. Vả lại mình “tản” là “tản” vào tay các đồng chí tín cẩn của mình hết cả, rồi cùng lãnh đạo, chứ ai dại gì “tản” vào tay quần chúng. Hơn thế xu thế thời đại cũng đã đổi thay rồi, mình không có những chủ trương sáng suốt, tìm cách khoả lấp, sẽ bị xung quanh nó nhòm ngó vào rồi bảo mình lạc hậu, chuyên quyền thì gay lắm. Rồi đám quần chúng được thể làm loạn, chúng tớ sợ lúc ấy chẳng phải là “tản“ miệng mà là “tản“ thật chứ chẳng chơi. Vả lại cậu phải yên tâm vào đường lối sáng suốt của chúng tớ, và chúng tớ cũng sẽ không làm cậu khó xử đâu mà sợ. Còn chuyện cậu nay phải đi qua Phải, mai phải bước qua Trái là chúng tớ làm cho đúng thủ tục hành pháp thôi, những lúc khác cậu vẫn có khoảng trống để ngồi vào vị trí quyền lực của mình đấy chứ…
Thế rồi ngày qua ngày… Đồng chí cán bộ nọ đã nhận ra rằng cái vị trí Phải-Trái mà ông đang đảm nhiệm cũng không đến nỗi tồi tệ như ông từng lo nghĩ, trái lại, đôi lúc nó đã đưa ông vào vị thế của một kẻ trên một người, dưới vạn người. Dĩ nhiên nhiệm vụ quay Trái-Phải ông vẫn luôn luôn phải hoàn thành xuất sắc, nhưng những lúc nhàn tản, được ngồi lên chiếc ghế quyền lực của chính mình, ông đã hào sảng nhận ra rằng: Mẹ chúng mày chứ! Thế gian này mà vắng ông một ngày lại không đại loạn sao?
Nhiều người xung quanh ông thì bảo: Dào ôi! Hay ho gì cái thế “bình vôi” ấy hả “cụ“ (trong chốn quan trường người Việt có một thói quen không biết nên coi đó là nguy hiểm hay khôi hài là hay xưng, hay gọi cấp trên bằng “cụ“, mặc dù có “cụ“ chỉ vào hàng con, cháu mình, nhưng cứ phải một, hai thưa… “cụ“ thì mới ăn ngon, ngủ yên. Bằng không các “cụ“ mà không thèm hiếng mắt tới thì chỉ có nước ra gò Đống Đa mà toạ. Lâu, nó trở thành một cách hành xử bất biến). Anh nào quệt cũng được. Anh nào bôi cũng xong. Ai đàm tiếu mặc ai. Đồng chí cán bộ nọ lúc này đã trở nên phương phi. Dáng đi của ông cũng trở nên bệ vệ hơn. Giọng nói của ông cũng sang sảng và đanh thép hơn, và quan trọng hơn là ông đã có thói quen nheo nheo mắt, rồi gà gật phán: Tớ “bình vôi” đấy! Làm đếch gì tớ? Và ông còn hay mủm mỉm cười, bảo: Nhưng tớ nói cho mà hay. Thiếu cái “bình vôi” của tớ, bố bảo anh nào nhai trầu được đấy? Nghe đồng chí “bình vôi” phán như vậy, bên A mới giật nảy mình rồi thì thào vào tai bên B:
- Bỏ mẹ rồi. Mình nghĩ cho thằng cả thộn này ngồi vào đó để dễ sai bảo, ai ngờ bây giờ nó quay ra làm phản, lại còn dám lên mặt cả với mình.
Bên B thấy vậy cũng cay cú thì thào vào tai bên A:
- Thì tôi đã cảnh cáo ông rồi. Tản quyền với phân quyền là trò chơi với lửa, nó giống con dao hai lưỡi. Mình còn sức thì còn chạy được, con dao cũng còn trong tay mình, chứ mình đuối sức nó không thốc lửa vào đít mình thì cũng kề dao vào cổ mình liền. Thằng này nó ngu thật, nhưng nó giống mình, tham như mõ. Tự dưng mình lại trao hết quyền lực vào tay nó. Bây giờ nó đủ lông, đủ cánh, nó quay ra đả lại cả mình. Biết tránh thế nào bây giờ?
Đồng chí “bình vôi” nghe bên A và B “tự kiểm thảo” chỉ ngồi rung tít đùi. Khi thấy bên A và B ngừng thì thào rồi lấm lét nhìn mình, đồng chí “bình vôi” bèn khoái trá bảo:
- Các chú không phải lo xa rồi hoảng lên thế làm gì. Mọi chuyện vĩ mô các chú cứ để cho bác lo. Nhiệm vụ của các chú bây giờ là bác bảo đi đâu, làm gì thì cứ việc tới đấy và cứ thế mà làm.
- Nhưng mà…! Cả hai bên A và B đều sửng cồ đồng thanh nhổm lên định phát biểu nhưng đã bị đồng chí “bình vôi” bước tới rồi vừa đập, vừa nhấn mạnh lên vai hai bên A và B, cười khẩy bảo:
- Các chú hay cãi thế nhỉ? Không nhưng mà nhưng miếc gì hết. Bác bảo đi là phải đi. Bác bảo đánh là phải đánh. Bác bảo thắng là phải thắng. Chuyện đơn giản như vậy mà các chú không làm được thì còn đứng trước mặt bác, còn làm lãnh đạo làm gì?
Phải. Đây chính là lúc quyền lực đã giúp đồng chí cán bộ “bình vôi” nọ thức tỉnh. Nói khác đi: Quyền lực đã khiến con người ông thay đổi. Trong thế giới tây đại nhân, một người được quần chúng tín nhiệm và được trao giữ quyền lực, ngay lập tức những quyền lực ấy sẽ được vận hành không ngừng nhằm thiết lập, thay đổi, hoàn thiện cuộc sống dân sinh và xã hội.
Nói khác đi: Cuộc sống dân sinh và xã hội được thăng hoa là nhờ tài thao lược của người được giao trọng trách quyền lực. Sẽ có người bảo: Ngài ơi đó chính là cái Tâm của người nắm giữ quyền lực (người lãnh đạo). – Vậy là sai bét đấy! Có người sẽ cãi lại như vậy. – Nếu nói đến chữ Tâm thì chẳng có anh lãnh đạo nào nước nào có Tâm bằng các lãnh đạo của dân Việt mình. Ngài cứ lật lịch sử mà xem. Nhiều… “cụ“ lắm, mặc dù trong thế… “ngậm sâm“ vậy nhưng vẫn kiên quyết được cống hiến trọn đời cho dân, cho nước đó sao? Chẳng biết nên gọi đó là phước hay hoạ? Chỉ biết rằng cái mảnh đất cong cong hình chữ “S“ ấy cứ ngày một, ngày hai thêm hom hem, móp méo. Nhiều người ví cái mảnh đất còm cõi tự xưng là Đại Việt ấy giống như một đoàn tàu “áp đát“ mà các bác lái tàu chẳng bác nào chịu “giao ca“ cả. Thành thử cái đoàn tàu ấy khi lên… bờ, lúc xuống… ruộng.
Mặc. Miễn đoàn tàu của chúng ta (Chúng Ta trong xã hội Việt là một đại danh từ nhân xưng mang rất nhiều xứ mệnh vinh quang và cao cả. Ví thử: Năm nay “chúng ta“ được mùa lớn. Khi nói tới được mùa dĩ nhiên mọi người sẽ nghĩ ngay tới những người nông dân. Nhưng không. Nông dân thực tế chỉ là một danh từ chỉ một đám người mang tính cổ cầy, vai bừa, ấu trĩ và lạc hậu…Do vậy “chúng ta“ ở đây phải được hiểu rõ là: Nhờ sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của các đồng chí cấp uỷ… Ấy vậy nhưng đổi ngược lại: Những khi thất bát, mất mùa… Ngay lập tức hai từ “chúng ta“ lúc này sẽ bị lột trần, và các đồng chí nông dân lúc này sẽ được lên ngôi để chịu… trận) ấy vẫn cứ phải chạy, còn chạy về phương nào vốn không phải phận sự của những chủ nhân ông đất Việt, mà đó là nhiệm vụ cao cả của những người cầm lái vĩ đại…
Quyền lực nhiều người ví nó giống như bánh lái của một con tàu. Con tàu có cập bến được một cách an toàn hay không phải nhờ ở tầm nhìn xa và tài thao lược của viên thuyền trưởng cùng sự đoàn kết hết lòng của các thuỷ thủ đoàn. Con tàu Việt Nam vẫn đang chòng chành lao ra biển khơi giữa muôn trùng bão tố. Với những mẹo lược của viên thuyền trưởng và đám thuỷ thủ đoàn đương thời mọi người chỉ còn biết nín… thở để chờ một dịp may, thay vì khẳng định: Con tàu của “chúng ta“ sẽ cập bến bình yên…
© Việt Hà
© Đàn Chim Việt
Tôi nghĩ tác giả NVH đã nhâm, hoặc cố ý nhầm. Kẻ say mê quyền lực trên trái đất này là hai loại người. Bọn lưu manh và cộng sản đều nghĩ mình tài năng, thủ đoạn hơn nên cướp quyền được và chúng coi như chuyện đương nhiên . Vì tranh giành quyền lực say mê, nên chúng đều đẻu giả, tàn ác, dối trá, mất tính người. Chúng sẽ chết trong quả báo.
Người ta nói tính hài hước là biểu hiện của sự thông minh, nhưng không phải ai thông minh cũng có tính hài hước. Ngược lại, tính tham quyền cố vị (cộng theo hách dịch, hủ hoá) là biểu hiện của người kém thông minh và thiếu tài năng, nhưng không phải ai kém thông minh và tài năng đều có tính tham quyền cố vị.