WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Vì sao Đối kháng Việt Nam không có trong tư duy Tây phương?

Tác giả: Dustin Roasa. Nguyễn Khoa Thái Anh chuyển ngữ từ nguyên bản tiếng Anh

Ngày 08 tháng 10 2009, Trần Khải Thanh Thủy, một phụ nữ Hà Nội lên đường đi Hải Phòng, một thành phố ở vùng duyên hải Việt Nam, để tham dự phiên tòa xử sáu nhà hoạt động dân chủ. Nhưng bà đã không đến được tòa án. Ngược lại, bà đã gặp một rào chắn của công an và được lệnh phải trở về nhà cho đến khi có thông báo mới. Đêm đó, hai kẻ lạ đột nhập vào nhà bà và đánh bà bằng gạch trước mặt chồng và con gái, trong khi nhân viên an ninh đứng ngoài nhà nhìn vào. Cảnh sát sau đó đã bắt giữ Trần Khải Thanh Thủy và kết án bà về tội hành hung.

Phiên tòa của Trần Khải Thanh Thủy đã diễn ra vào tháng Hai năm nay và kéo dài một ngày. Chứng cớ then chốt của phe công tố viện là một bức ảnh của nạn nhân đầu bị băng bó, mà sau đó các bloggers Việt Nam cho thấy đã bị cạo sửa một cách thô thiển. “Đó là một vụ giả mạo và một chuyện vu khống hoàn toàn!” Trần Khải Thanh Thủy nói như thế về sự cáo buộc. “Têi không đến đây để hứng chịu chuyện nhục nhã này.” Tòa án kết án bà đến ba năm rưỡi tù giam, nhưng bà không nghe lời tuyên án bởi vì vị thẩm phán đã đuổi bà ấy ra khỏi tòa vì phát biểu không đúng lượt mình. Human Rights Watch đã đưa ra một thông cáo gọi các phiên tòa là “Quái đản.”

Hai phụ nữ đang ở tù: Phạm Thanh Nghiên và Trần Khải Thanh Thủy

Đây không phải là đầu tiên Trần Khải Thanh bị đụng độ với nhà chức trách. Bà bị vào tù năm 2007 vì viết bài chỉ trích chính phủ và kêu gọi dân chủ đa đảng. Các nhóm nhân quyền và các chính phủ nước ngoài coi bà như là một tù nhân lương tâm và đang kêu gọi trả tự do cho bà. Ít ra bà là nhà hoạt động ủng hộ dân chủ thứ mười sáu bị bỏ tù ở Việt Nam kể từ tháng 10 năm 2009, một trường hợp mà đại sứ Mỹ tại Việt Nam mô tả là một hành động “quá độ” trong vụ vi phạm nhân quyền.

Thực sự đã có một quá độ, nhưng đó chỉ là một phần của một cốt chuyện lịch sử to tát hơn nhiều. Lần đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất từ năm 1975, Đảng Cộng sản cầm quyền phải đối mặt với một thách thức dai dẳng và có tổ chức, đe dọa tính chính thống của mình. Những người bất đồng chính kiến đến từ mọi tầng lớp xã hội đã cùng nhau góp sức kêu gọi các cuộc bầu cử và chính trị đa nguyên. Phong trào này còn nhỏ, nhưng nó đang phát triển và, xét về mức độ nghiêm trọng của cuộc đàn áp, các bộ phận an ninh chức trách đang đối phó với nó một cách rất nghiêm trọng.

Tuy nhiên, hầu như thế giới bên ngoài đã không biết gì cả. Là một nhà báo đã từng làm việc ở Đông Nam Á trong năm năm qua và là người đã từng tiếp xúc với các nhà hoạt động dân chủ tại Việt Nam, tôi thường tự hỏi tại sao các phong trào đã không thu hút được trí tưởng tượng của thế giới như các phong trào tương tự ở Trung Quốc, Miến Điện, và Zimbabwe. Cho dù với lý do gì đi nữa, có thể đây là lần đầu tiên bạn đọc về phong trào dân chủ Việt Nam.

Câu chuyện bắt đầu vào ngày 08 tháng Tư năm 2006, khi một nhóm các nhà hoạt động gửi một bản kiến nghị trực tuyến được gọi là “Tuyên Ngôn 2006 về Tự do Dân chủ cho Việt Nam.” Hơn hai nghìn người, luật sư, cựu đảng viên Cộng sản, các nhà sư Phật giáo, các linh mục Công giáo, nhà văn và trí thức từ mọi miền của đất nước đều liều mạng bất chấp sự bắt  giữ, đã ký vào bản tuyên ngôn. Họ được gọi là Khối 8406, một danh xưng ghi nhớ ngày tháng bản ký kết được công bố. Bản tuyên ngôn kêu gọi các cuộc bầu cử tự do và một hệ thống chính trị, tôn vinh các quyền cơ bản của con người, lời lẽ của nó đã đánh đúng ngay vào tâm điểm của tính hợp pháp của Đảng Cộng sản. Cuộc chiến giành độc lập chống Pháp và chống Mỹ của Việt Nam theo những người soạn bản hiến chương 8406 là một cuộc chiến có bản chất quốc gia dân tộc. Thông qua bạo lực và khủng bố, các tư tưởng gia Cộng sản đã cướp đoạt cuộc đấu tranh và lèo lái nó theo ý đồ và mục tiêu của riêng họ. Đúng hay sai, phần lớn điều này không thành vấn đề. Bằng cách tấn công nhà nước về những gì được xem là vai trò thiêng liêng của họ – như lãnh đạo cuộc chiến giành độc lập và thống nhất đất nước– những nhà bất đồng chính kiến đã gửi một thông điệp rằng họ chơi thiệt.

Chính quyền phản ứng bằng cách ban hành hàng chục vụ bắt giữ. Những người không bị  tù phải đương đầu với sự đánh đập, sách nhiễu và hăm dọa. Báo chí nhà nước đã chạy bài chỉ trích các thành viên của Khối 8406 cho  rằng họ “lợi dụng tự do dân chủ” và âm mưu lật đổ chính phủ. Các cuộc đàn áp có tác dụng gây khiếp sợ. Phần lớn các nhà bất đồng chính kiến đã thôi không dám ăn nói công khai, nhưng một số ít đã hoạt động trong bóng tối, họ lặng lẽ tiếp tục tổ chức và xuất bản các bản tin và tuyên ngôn.

Tôi đến thăm một số thành viên của Khối 8406 tại Việt Nam vào mùa đông năm 2007, tâm trạng của họ là bi quan. Mặc dù họ tin rằng với thời gian và lòng kiên trì, người dân nói chung sẽ tìm thấy sự can đảm để cùng họ tham gia, phong trào đã bị vây bủa và nhiều thành viên bị vào tù. Những nhà bất đồng chính kiến đã bị cô lập và cần một động lực để liên kết sự ủng hộ. Một số hy vọng rằng các quyền lợi của người lao động sẽ là câu trả lời, các cuộc đình công trở thành một hiện tượng ngày càng gia tăng ở các công xưởng trong nước, trong khi những người khác hy vọng rằng các quyền tự do tôn giáo và đất đai có thể nảy sinh ra nguồn lực. Những nhà bất đồng chính kiến cũng hy vọng rằng các nhà báo sẽ bắt đầu đổ vào Việt Nam để phổ biến câu chuyện của họ, cũng như các nhà tranh đấu nước ngoài sẽ chung sức giúp họ. Ngoại trừ một vài trường hợp đơn lẻ, điều này đã không xảy ra. Vì sao?

Có phải vì Việt Nam còn thiếu một nhà lãnh đạo có mãnh lực thu hút để khuấy động lương tâm thế giới, như Aung San Suu Kyi của Miến Điện hay Morgan Tsvangirai của Zimbabwe? Lãnh đạo của phong trào Việt Nam đã không có tiếng tăm như thế, nhưng họ đã minh chứng sự dũng cảm và chịu đựng nhiều nỗi truân chuyên không kém. Thí dụ như ông Nguyễn Đan Quế, một bác sĩ tại thành phố Hồ Chí Minh, đã trải qua hai mươi trong ba mươi năm qua trong vòng tù tội, nhưng không được ai biết đến, ngoại trừ một số các độc giả trung kiên đã theo dõi trang mạng Human Rights Watch. Ông làm việc không mệt mỏi với tư cách một nhà văn, nhà tư tưởng, và chiến lược gia của phong trào. Ông hiện đang sống dưới sự quản thúc ngoài đời, nơi ông chịu đựng sự giám sát liên tục và sách nhiễu của công an. Bất kể một kinh phí rất lớn đối với ông và gia đình, ông đã từ chối các khoãn đãi lưu vong tại Hoa Kỳ. Không có biểu tượng nào tốt hơn cho chuyện bất đồng chính kiến ở Việt Nam bằng tiếng nói của ông Nguyễn Đan Quế. Nhưng thế giới đã không đến giúp sức.

Có phải vì phong trào không có đủ sự yểm trợ trong nước đề được coi là một hiện tượng phổ biến chính thống? Mặc dù các nhà bất đồng chính kiến tự thừa nhận rằng phong trào của họ còn nhỏ, có lẽ chỉ có vài ngàn thành viên tích cực, họ cho rằng có nhiều người nhiều người Việt ủng hộ họ nhưng không thể lên tiếng vì sợ cơ quan an ninh. Thật ra không có cách nào để kiểm chứng đề xuất này, nhưng phong trào ủng hộ dân chủ tại Trung Quốc, cũng nhỏ tương tự và cũng không xác định được sự hỗ trợ của quần chúng, thế nhưng cũng đã được các phương tiện truyền thông quốc tế trợ lực. Các nhà báo như Howard French đã hâm nóng vấn đề bất đồng chính kiến Trung Quốc trên trang nhất của tờ New York Times trong nhiều năm qua, trong khi tờ báo này chỉ thấy phù hợp để đề cập đến những nhà bất đồng chính kiến Việt Nam một đôi lần. Rất ít các ấn phẩm khác đã có động thái nào tốt hơn để chuộc lỗi cho mình.

Có phải rằng chính phủ Việt Nam không đến nỗi tồi tệ như thế? Theo các tổ chức nhân quyền như Human Rights Watch, Freedom House, Phóng viên không Biên giới, và nhiều nhóm khác, Việt Nam là một trong những nhà nước áp bức nhất thế giới. Chính phủ Việt Nam không cho phép đối lập chính trị, họ điều khiển tất cả các phương tiện truyền thông trong nước; họ không cho phép người lao động tổ chức kết cấu, họ thường xuyên tịch thu đất đai của nông dân để làm giàu các quan chức nhà nước và những người có móc nối chính trị. Tuy nhiên, nhà cầm quyền đã tìm được cách để giới hạn, chuyển hướng cuộc thảo luận quốc tế sang chuyện kinh tế và ngành du lịch đang nở rộ ở Việt Nam. Sự khám phá lại của phương Tây về Việt Nam sau nhiều năm bị cô lập làm họ ngạc nhiên khi thấy rằng xứ sở này không còn giống như một chiến trường và biết chào đón đầu tư nước ngoài. Các cuộc trò chuyện không đi xa hơn những chuyện đó.

Liệu thế giới xử lý Việt Nam khác thường bởi vì Việt Nam chiếm một vị trí đặc biệt trong óc tưởng tượng của phương Tây? Trước nhất, tất nhiên “Việt Nam” là một cuộc chiến tranh. Trong tư duy của phương Tây, tất cả các ý niệm về Việt Nam bắt nguồn từ ý niệm đó. “Việt Nam” là một ẩn dụ cho sự hiểm nghèo đối với liều thuốc ngạo mạn của phương Tây, ngược lại, một biểu tượng cao quý cho các phong trào cách mạng của thế giới thứ ba. “Việt Nam” được liên kết với thập niên sáu mươi và một sự thay đổi động trời trong các giá trị Mỹ và sự xuất hiện của một nền văn hóa đại chúng mới. Trong những năm gần đây, “Việt Nam” đã đến được coi như là một biện minh cho bất kỳ một số các vị trí trái ngược nhau về các cuộc chiến ở Afghanistan và Iraq. Nếu bạn ủng hộ sự tiếp tục tham gia của Mỹ trong các cuộc chiến này, “Việt Nam” là một lời cảnh báo về một giá phải trả cho việc từ bỏ một đồng minh, một câu chuyện của các trại cải tạo và thuyền nhân. Nếu bạn chống đối các cuộc chiến tranh, “Việt Nam” cũng chính là chuyện cảnh báo về những làng mạc bị ném bom tan tành và các lãnh tụ giả dối. Do vậy, điều này không đáng ngạc nhiên vì sau đó, trong óc của phương Tây “Việt Nam” không còn giống như Việt Nam, một đất nước của 85 triệu người cai trị bởi một trong những chế độ độc tài cộng sản cuối cùng trên quả đất.

Nhưng có lẽ hình ảnh “Việt Nam” mạnh mẽ nhất là mặc cảm tội lỗi. Rằng Hoa Kỳ đã làm những điều khủng khiếp, chất độc Da cam, các vụ đánh bom trải-thảm, vùng tự do bắn giết, người ta không thể tranh cãi gì hơn, và nhiều hậu quả của những hành vi trên vẫn có thể nhìn thấy trong các cảnh quan và con người.

Tôi sống ở Nam Vang (Phnom Penh), Campuchia, một quốc gia mà nay chỉ mới bắt đầu trỗi dậy từ những chấn thương bị lôi kéo vào chiến tranh Việt Nam. Trong số các di sản dễ thấy nhất của thời đại này là những người bị cưa tay, cưa chân. Nhiều người bị cụt chân tay, hậu quả của hàng ngàn quả bom chưa nổ do máy bay Mỹ thả trong các phi vụ bí mật ở miền đông Campuchia, san bằng toàn bộ các ngôi làng và giết chết hàng chục ngàn người. Các khu vực lớn của miền đông Campuchia vẫn còn rải rác với những quả bom, tiếp tục giết và gây thương tích, làm tàm tật dân quê nghèo ở Campuchia. Việt Nam vẫn mang tàn tích chiến tranh riêng của họ, trong đó có nhiều bom mìn chưa nổ và trẻ em sinh ra với khuyết tật do chất độc Da cam. Sống và làm việc ở Việt Nam vào những năm 2004-2005, tôi thường mang mặc cảm hối hận hay xấu hổ. Nhưng tôi đã rất đỗi ngạc nhiên rằng vì chẳng bao giờ gặp phải sự căm hận của người Việt. Thay vào đó, cảm nghiệm chính của tôi là sự cởi mở và óc hiếu kỳ của người Việt. Đôi khi đề tài chiến tranh được đưa ra, phản ứng còn tùy thuộc vào tuổi tác của người đối thoại. Những người trẻ hầu như không quan tâm về một cuộc chiến đã xảy ra trước khi họ được ra đời và cuộc sống của họ ít bị nó chi phối. Những người Việt có tuổi, đủ để trải nghiệm chiến tranh, phản ứng của họ chủ yếu là sự tương kính, mà tôi nghĩ là do họ biết phân biệt rõ ràng giữa người dân Mỹ và hành vi của chính phủ Mỹ. Thậm chí đôi khi gặp phải những trường hợp tôi cho là lòng quảng đại, một điều mà tôi tin rằng có liên hệ đến thành quả của chiến tranh: họ đã thắng và chúng tôi bị bại. Dầu vậy, tôi không bao giờ vượt qua được ý thức tội lỗi và xấu hổ.

Hầu hết thời gian ở Việt Nam, tôi làm việc tại các tờ báo nhà nước tại Hà Nội. Phận sự sớm sủa của tôi một trong các tòa báo là hiệu đính một bài viết về các phi công Mỹ bi giam giữ trong thời chiến tại Hỏa Lò – khách sạn “Hanoi Hilton”, một nhà tù Bắc Việt khét tiếng về sự đối xử và tra tấn khắc nghiệt của nó đối với những người bị giam hãm. Bài báo cho rằng Bắc Việt đã đối xử tử tế với tù nhân. Để trưng ra bằng chứng, bài báo cung cấp một loạt các hình ảnh trắng đen lấm tấm nhiều hạt cho thấy người Mỹ trong sân tù chơi bóng chuyền và cờ tướng và ngồi quanh nhau nói chuyện. Với những tư thế cứng nhắc và những nụ cười gượng gạo, rõ ràng là những bức ảnh đã được dàn dựng. Tôi định khiếu nại với chủ biên. Chẳng phải vì chuyện này sẽ mang lại khác biệt gì trong ấn bản ngày mai, nhà kiểm duyệt có phán quyết sau cùng về tất cả mọi bài sẽ được in – nhưng ít ra có ai đó, ở mức độ tối thiểu nào, đã phản đối. Tuy nhiên sau một hồi suy nghĩ, tôi đã không làm điều đó. Là một người Mỹ, tôi lý giải rằng mình không có quyền khiếu nại, vì tất cả những chuyên kinh khủng mà đất nước tôi đã làm tại Việt Nam trong chiến tranh. Biết rằng những điều này xảy ra trước khi tôi sinh ra, biết rằng tôi sẵn sàng lên án chúng nếu có bất cứ một ai hỏi, điều này không quan trọng. Tôi đã sẵn sàng chấp nhận một phiên bản của lịch sử mà tôi biết rằng sai để tránh đương đầu với một cảm giác hổ thẹn, mà tôi vẫn không có câu trả lời đích xác vì sao tôi có.

Đó là một bước nhảy vọt ngắn từ chuyện đó sang đến những chuyện khác, nhiều lập trường phiền toái hơn. Các tù nhân cuối cùng của chiến tranh đã trở về Hoa Kỳ hơn ba mươi năm trước đây; còn những việc trước mắt và bây giờ thì sao? Để chuyện bất đồng chính kiến sang một bên, nói chung tại Việt Nam có bất mãn thật sự trong dân tình về hệ thống chính trị hiện hành. Một số bạn bè Việt Nam quen biết của tôi, sau nhiều tháng gầy dựng lòng tin, tâm sự về suy tư của họ. Một người bạn nhà báo đã có một sự mặc khải trong khi đọc ‘Cái Mộ của Lenin/Lenin’s Tomb’ của David Remnick tại một trường đại học ở nước ngoài. “Nó giống như ở đây,” cô thầm thì với tôi vào một đêm khuya trong một tiệm ăn, “nhưng tôi không thể làm bất cứ điều gì về nó. Tôi có một gia đình còn phải lo.” Một tay guitar trong một trong số ít ban nhạc rock của nước này phàn nàn rằng nhạc sĩ đã phải để ý những gì họ nói trên sân khấu vì sợ gây rắc rối với cảnh sát. Một nha sĩ thất nghiệp cho biết ông không thể hành nghề bởi vì ông không đủ khả năng hối lộ cần thiết để mở một phòng mạch.

Là một người nước ngoài, tôi sống một cuộc sống thoải mái và ít khi phải lo lắng về chuyện chính quyền. Nhưng hễ khi nào bắt đầu đánh mất cái nhìn thực tế, trong nhấp nháy một cảnh đường phố đã đưa tôi về thực tại nó cho tôi thấy chuyện gì đang diễn tiến ở đây. Tôi không bao giờ quên cái nhìn của một bà bán trứng bị một nhóm công an đánh đập vào một buổi sáng khi tôi lái xe đến sở làm. Bà ấy là một di dân nghèo từ nông thôn ra, và tôi không biết vì lý do gì, chắc bà có một vi phạm nhỏ. Khi lòng đỏ chảy ra từ vỏ trứng bị bể lai láng trên vỉa hè, khách qua lại sợ điếng người nhưng họ giả vờ không để ý, và bà bán trứng phải chịu đựng những cú thượng cẳng tay hạ cẳng chân hành hung mà không có đến một tiếng kêu cứu. Tôi cũng đã cố làm ngơ những gì đang xảy ra, nhưng không giống như những hành khách khác, tôi không sợ cảnh sát. Lý do của tôi thật khác biệt, và từ đó đã trở thành một phản xạ: tôi có quyền gì để lên án sự đánh đập, vì những gì xứ sở tôi đã làm tại Việt Nam trong cuộc chiến?

Tôi tin rằng mặc cảm tội lỗi và xấu hổ đằng sau quyết định không phản đối sự đánh đập bà bán trứng là một động lực có thể giải thích được quyết định của cộng đồng quốc tế đang bỏ qua phong trào dân chủ tại Việt Nam. Một người phương Tây chủ xướng dân chủ đương đại cho Việt Nam có thể có cùng một lập luận không thoải mái tương tự như các luận cứ ủng hộ các cuộc chiến tranh Mỹ Việt – và chúng ta đã học bài học này chưa? Không cần biết sự đóng góp công khai, khi thích hợp, làm hậu thuẫn hỗ trợ cho một phong trào bất đồng chính kiến bản địa hoàn toàn khác biệt với việc ủng hộ sự can thiệp bằng quân sự. Tư duy của người Tây phương từ lâu đã đánh mất đi “chính nghĩa đạo đức” của mình để được tham gia vào công việc hiện đại Việt Nam là một điều khá phổ cập, trừ chuyện du lịch hoặc đầu tư.

Giả định này có một vấn đề là nó khá tự kỷ, cho phép người Tây phương tránh né cảm xúc phức tạp và khó chịu. Một vấn đề khác là không có ai buồn tâm sự với người Việt Nam. Người ta có thể yêu cầu các nhà bất đồng chính kiến cho biết những loại hỗ trợ nào họ cần, mặc dù trả lời cho câu hỏi này có thể mang đến nhiều nguy cơ cho cá nhân họ.

Các nhà đối kháng tôi quen ao ước người nước ngoài sẽ hỗ trợ cho lý tưởng của của họ. Họ yêu cầu các nhà báo và nhà hoạt động nhân quyền phổ biến câu chuyện của họ và áp lực Đảng Cộng sản thay đổi đường lối. Hơn nữa, họ nói rằng, cộng đồng quốc tế có nhiệm vụ thực thi tiêu chuẩn nhân quyền thông qua các tổ chức quốc tế mà Việt Nam đang là thành viên hoặc hy vọng sẽ tham gia. Sau cùng, nhiều người nhắm và Hoa Kỳ: Người Mỹ phải tham gia nhiều hơn nữa, với tư cách cá nhân, và thông qua chính phủ của họ, để yêu cầu cải thiện Việt Nam.

Điểm cuối cùng này sẽ gây tranh cãi, nhưng nó không dựa trên một số tin tưởng ngây thơ về ý định của Mỹ, nó là một sự thừa nhận thực tế của địa chính trị. Hoa Kỳ là một trong những đối tác thương mại lớn nhất Việt Nam, đó là nơi cư ngụ lớn nhất thế giới của người Việt hải ngoại, người Mỹ là một trong những nhóm đông đảo nhất thăm viếng Việt Nam hàng năm và, bất kể sự xuất hiện gần đây của Trung Quốc, Hoa Kỳ vẫn còn là một diễn viên có ảnh hưởng ở Đông Nam Á. Mặc cảm tội lỗi gây ra ảo tưởng là người Mỹ đền tội cho tội lỗi quá khứ của mình bằng cách đứng bên lề thì chỉ đúng như thế: ảo tượng. Điều này không cắt nghĩa được sự tham gia ngày càng gia tăng của Mỹ ở Việt Nam. Khi sự tham gia này tiếp tục tăng trưởng, người Mỹ phải đảm bảo rằng nó có một bộ phận nhân quyền mà không chỉ đơn thuần mang lại lợi ích chiến lược hay kinh doanh cho Hoa kỳ.

Trong số những người bất đồng chính kiến, tôi đã nói chuyện với ông Nguyễn Thanh Giang, một nhà địa vật lý 74 tuổi, từ miền Bắc, tương đối có quan điểm tiêu biểu trên các đối tượng này. Mặc dù ông chưa bao giờ là một thành viên của Đảng Cộng sản, ông đã giữ một chức vụ lâu đời tại Cục Địa Chất của chính phủ Hà Nội. Chính phủ cho phép ông đi du lịch Hoa Kỳ đối với một số ít các hội nghị trong thập niên tám mươi và chín mươi – ông là một trong những nhà khoa học đầu tiên kể từ khi đất nước thống nhất được phép làm như vậy, chuyện này đã mở mắt cho ông nhận thức rõ các vấn đề tại Việt Nam. Ông bắt đầu viết tiểu luận và thư ngỏ gửi tới Đảng Cộng sản kêu gọi cải cách. Năm 1999, ông bị bắt vì bất đồng chính kiến và trải qua hơn một tháng biệt giam, nhưng các nhà chức trách đã thả ông do áp lực từ chính phủ Mỹ và các nhóm khoa học và nhân quyền. Ông hiện đang nghỉ hưu và sống dưới sự quản thúc tại gia ở Hà Nội.

Mặc dù Nguyễn Thanh Giang kêu gọi sự hỗ trợ của Mỹ cho sự nghiệp dân chủ, ông không biện hộ cho hành vi của Mỹ trong cuộc chiến. Người Mỹ cảm thấy buồn và xấu hổ là đúng, ông đã viết cho tôi trong một e-mail. “Tuy nhiên, nỗi buồn và xấu hổ… nên được các cơ quan an ninh nhà nước Việt Nam thể hiện tương tự như thế,” ông viết. Người Việt đã thi hành những hành vi “ngu ngốc và vô đạo đức” trong và sau chiến tranh, bao gồm cả các chiến dịch Cải cách Ruộng đất giữa những năm 1950, kết quả là hàng trăm ngàn người chết, và sự đàn áp dã man trong phong trào Nhân Văn, một phe cải cách của Đảng Cộng sản. Ông đưa ra những vấn đề này không nhằm mục đích giải oan cho hạnh kiểm của người Mỹ, nhưng để chứng minh những gì ông tin là đúng bản chất của chiến tranh – một “trò bẩn” mà không có ai trong cuộc lại không có vết nhơ. Nhưng tội lỗi không có nghĩa là người Mỹ nên bị tê liệt với hối hận, đúng hơn, nó đặt một gánh nặng đặc biệt đè lên họ để “bù đắp cho sự hủy diệt gây ra bởi các vụ đánh bom ở Việt Nam” bằng cách hỗ trợ cho các phong trào ủng hộ dân chủ.

Một số người Mỹ đã lên tiếng về tình hình tại Việt Nam. Rất ít người trong số đó thuộc phe Tả. Một số nhỏ ấn phẩm của Mỹ hỗ trợ cho phong trào dân chủ thuộc dạng bảo thủ: Wall Street Journal, tờ New York Post, và New York Sun. Năm 2007 George W. Bush đã tổ chức mời bốn người Mỹ gốc Việt hoạt động dân chủ vào Nhà Trắng – một trong những người đó đã bị tù, và ông Bush đã giúp phóng thích nhà chính kiến Nguyễn Vũ Bình trước chuyến viếng thăm Nhà Trắng của Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cùng năm. Barack Obama, mặt khác, đã không thể hiện sự quan tâm tương xứng trong các vấn đề này, một điều không lấy gì làm ngạc nhiên so với sự dè dặt cố hữu của ông đối với vấn đề nhân quyền ở châu Á. Như vậy chỉ còn lại hai cử tri lớn của Mỹ tham gia vào Việt Nam, cả hai đều thuộc phe bảo thủ: các tổ chức truyền giáo chú trọng vào tự do tôn giáo và các nhà đầu tư tập trung vào quyền tự do kinh tế.

Tôn giáo và tự do kinh tế thực sự là vấn đề quan trọng đối với phong trào ủng hộ dân chủ, nhưng nền tảng của nó là rộng hơn nhiều và bao gồm các vấn đề gần gũi với phe cấp tiến, chẳng hạn như quyền lợi của phe thiểu số và lao động. Những nhà bất đồng chính kiến đã xác định rằng hàng triệu công nhân trong các nhà máy sản xuất hàng hoá cho phương Tây ở Việt Nam là đồng minh tự nhiên của họ. Đình công, mặc dù bất hợp pháp, đã gia tăng nhiều trong những năm gần đây, và các nhà đối kháng đang làm việc cật lực để tiếp cận hàng ngũ các nhân công, bất chấp những nỗ lực của chính phủ để ngăn chặn họ. Khi chính phủ Việt Nam và các doanh nghiệp phương Tây là tiếng nói duy nhất trong các nhà máy, công nhân sẽ tiếp tục phải đương đầu với các điều kiện khắc nghiệt, lương thấp, và sự cô lập chính trị.

Tuy nhiên, có một phương cách tiến bộ cho những người Mỹ quan tâm về dân chủ và quyền con người ở Việt Nam. Hoa Kỳ chẳng có gì để cảm thấy thoải mái khi nhìn lại lịch sử của họ tại Việt Nam, nhưng Anh quốc cũng chẳng khá hơn khi nhìn lại lịch sử của họ ở Zimbabwe hay Miến Điện. Thế mà, người Anh và chính phủ của họ đã trở thành những nhà lên án hàng đầu về hai chế độ, thậm chí dù cho điều này có nghĩa là họ phải chịu đựng những cáo buộc rằng tật thói (thực dân) thích xỉa xói vào chuyện cũ vẫn chưa chừa. Người Mỹ lên tiếng phản đối chế độ hiện hành tại Việt Nam có thể sẽ nghe cùng một luận điệu từ chính phủ Việt Nam và từ những nước ngoài. Điều này sẽ khuấy lên những ký ức khó chịu, đặc biệt do hai cuộc chiến tranh đang diễn ra ở Iraq và Afghanistan.

Nhưng chuyện thụ động sẽ được trả bằng một giá quá đắt, đặc biệt là tính theo của những phát triển gần đây ở Việt Nam, cho thấy rằng phong trào này đang ở một giai đoạn thật hệ trọng. Trong mùa hè năm 2008, các nhà đối kháng nhận được một món quà bất ngờ từ nhà cầm quyền. Chính phủ Việt Nam đã lặng lẽ thương nhượng đầu tư đất đai nhiều tỷ đô la cho một công ty quốc doanh Trung Quốc khai thác mỏ tại Tây Nguyên, Việt Nam. Theo các điều khoản của thỏa thuận này, các công ty Trung Quốc đã đưa vào hàng ngàn người lao động, trong một thời điểm thất nghiệp đang lên cao ở Việt Nam, họ lại cho xây dựng khu trang trại và nhà hàng với bảng hiệu Trung Quốc.

Không có chuyện gì đoàn kết người Việt Nam bằng sự nghi kỵ của họ đối với người hàng xóm khổng lồ phương Bắc. Hai nước chia sẻ một lịch sử bão nỗi đánh dấu một thời gian dài đô hộ bởi Trung Quốc và chiến tranh gần đây nhất, một cuộc xung đột biên giới ngắn ngủi nhưng đẫm máu vào năm 1979. Các phản ứng dữ dội vì các thỏa nhượng khai thác mỏ đã nổi lên nhanh chóng. Chín mươi tám tuổi, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người hùng Điện Biên, thần tượng trong cuộc chiến chống Pháp và Mỹ, công bố công khai chỉ trích việc nhượng bộ. Blogger Việt Nam viết về tiềm năng xâm nhập ngầm của quân đội và nhân viên tình báo của Trung Quốc. Các phong trào ủng hộ dân chủ nắm bắt vấn đề này vội kêu gọi nhiệt huyết quốc gia và sức đề kháng của dân tộc Việt, tiềm ẩn các nguyên lý thôi thúc dân chủ: tinh thần vô trách nhiệm, lòng tham lam của lãnh tụ, nhà nước đã bán linh hồn Việt Nam cho Bắc Kinh, và chỉ có một hệ thống thực sự dân chủ mới có thể kềm giữ chúng được.

Một nhà đối kháng kết nối vấn đề Trung Quốc với nền dân chủ là Lê Công Định, một luật sư bốn mươi mốt tuổi, từng học tại Đại học Tulane bằng học bổng Fulbright. Lê Công Định nổi tiếng ở Việt Nam qua các vụ án cao cấp đại diện chính phủ trong đó có một vụ tranh chấp thương mại với Hoa Kỳ về cá tra bán phá giá, mà Việt Nam đã thắng. Ông cũng đảm nhiệm các công việc có nhiều rủi ro lớn khi bảo vệ các nhà đồng chính kiến tại tòa án, nhưng danh tiếng của ông và vị thế tốt với chính phủ bảo vệ ông khỏi những hậu quả. Rốt cuộc Lê Công Định đã bi thất sủng với chính quyền khi ông bắt đầu viết blog về các mỏ bauxite và chuyện tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc trên các quần đảo có khả năng chứa nhiều dầu khí ở Biển Đông. Vào ngày 20 tháng 1 năm 2009, ông đã bị kết án năm năm tù giam vì hành động tuyên truyền chống nhà nước. Chuyện Lê Công Định bị giam cầm đã gửi một thông điệp rõ ràng: việc lên tiếng về Trung Quốc và dân chủ, ngay cả đối với những người có kết nối chính phủ hay từ các gia đình chính trị nổi bật, sẽ không còn được dung thứ.

4 nhà đối kháng VN ra tòa: (Từ trái qua) THDThức, NTTrung, LTLong, LCĐịnh

Khi nhiều người Việt Nam bắt đầu nhận thức được phong trào ủng hộ dân chủ thông qua các vấn đề Trung Quốc, và các vụ đàn áp các nhà đối kháng vẫn tiếp tục tăng trưởng, sự hỗ trợ của quốc tế cho sự nghiệp dân chủ tại Việt Nam thực là bức thiết hơn bao giờ hết. Lê Công Định là trường hợp nhắc nhở rằng chính trị bất đồng chính kiến trong các xã hội độc tài là một chuyện rủi ro không đảm bảo thành công.  Tuy nhiên, hãy thử tưởng tượng, nếu câu chuyện ngục tù của Solzhenitsyn đã rơi vào tai điếc. Hoặc nếu Hiến chương 77 đã không bao giờ được đọc đến bên ngoài biên giới Tiệp Khắc. Việt Nam hiện nay đang có Solzhenitsyns và Havel. Liệu có ai nghe?

© NKTA (Bản tiếng Việt)

© Đàn Chim Việt

————————————————-

Dustin Roasa là một nhà báo độc lập ở Campuchia, một cây bút về nhân quyền và vấn đề phát triển ở Đông Nam Á. Ông sống tại Việt Nam năm 2004-2005 và thường xuyên trở lại Việt-Nam.

2 Phản hồi cho “Vì sao Đối kháng Việt Nam không có trong tư duy Tây phương?”

  1. Việt Hùng says:

    Đúng vậy,

    Mỹ, Pháp và nhiều nước phương Tây khác không có quyền dạy dỗ Việt Nam về nhân quyền và dân chủ, vì dưới chiêu bài đó họ đã mang chiến tranh, mang bom đạn đến tàn phá đất nước Việt Nam hàng chục năm, đã giết chết hàng triệu người dân Việt Nam vô tội (hoặc chỉ có cái “tội” duy nhất là tội yêu nước).

  2. D.Nhật Lệ says:

    Dù là người nước ngoài viết về VN.nhưng tác giả cũng có một phần chính xác trong nhận định và muốn
    đứng giữa,không muốn nghiêng về bên nào nên tác giả đã chỉ trích cả bên.Thế nhưng,chỉ vì muốn trung lập mà tác giả có một số nhận định hời hợt,không sâu sắc và thuyết phục cho lắm.
    Tại sao rất ít trí thức thiên tả ủng hộ nhóm đối kháng ở VN.? Nêú nói mặc cảm thì chính những người
    này mới mang mặc cảm “tội lỗi” vì đã lầm tưởng chiến tranh VN.là chiến tranh “giải phóng”,sau khi kẻ
    thắng trận công khai hóa đảng cầm quyền là đảng CSVN.Tuy nhiên,đa số người này vẫn cố che giấu
    và biện hộ bằng cách hướng qua việc họ làm là ủng hộ hòa bình chứ không thể nhận mình bị CSVN.
    lợi dụng.Trong đám phản chiến nói trên,có mấy người thành thật nhận họ đã lầm.May lắm mà vẫn chưa đủ đếm trên đầu ngón tay như nhà báo Olivier Todd,nữ ca sĩ Joan Baez…Đa số không nhận mình lầm
    là vì yếu tố tâm lý tự cao của giới trí thức phương tây,như J.P.Sartre chẳng hạn, nhưng ông này dù
    sao cuối cùng cũng ra tay giúp đỡ người tỵ nạn.Còn một số thì cảm thấy hổ thẹn mà im lặng.Và số
    nữa thì vẫn còn ngây thơ tin người CSVN,không sớm thì muộn cũng sẽ làm “cách mạng” như chúng
    từng truyên truyền.Thậm chí gián điệp PXẨn làm việc cho CSVN.mà có người vẫn tin ông này không
    phải theo chủ nghĩa CS..Buồn cười hơn có ông còn vơ vào PXA.thích…nếp sống tự do của Mỹ ?
    Lý do thứ hai thế giới không nghĩ tới nhóm đối kháng VN.là vì vấn đề vượt biên tỵ nạn của người VN.
    vẫn không thể chấm dứt ngày nào kinh tế VN.chưa khá lên để giải quyết công ăn việc làm,mà theo
    họ,đa số người ra đi vì kinh tế,chứ không phải chính trị.Do đó,trước mắt họ thấy phải nhân nhượng
    với VN.mà không chỉ trích nặng nề và nhất là không ra mặt ủng hộ những người đối kháng.
    Lý do nữa là họ có quyền tự do lựa chọn nhóm đối kháng tuỳ theo mỗi nước có đối kháng mạnh hay
    không,có điều kiện hiến định để phát triển nhóm đối kháng như Zimbabwe chẳng hạn.Truờng hợp của
    Burma thì khác hơn một chút vì bà Aung San Su Kyi có dây mơ rễ má với nước Anh và nhất là bà đã
    đoạt giải Nobel nên được thế giới thường xuyên lưu tâm đến.
    VN.hoàn toàn khác hẳn vì chiến tranh lạnh đã hạ màn và vì VN.vừa trãi qua 1 cuộc chiến tranh.Lấy kinh
    ngjhệm từ Đông Âu thoát khỏi CS.không phải nhờ bên ngoài mà ngược lại nhờ nội lực của nhân dân,
    do đó thế giới tỏ ra hoà hoãn đối với vài nước CS.còn lại.Hòa hoãn nghĩa là không thể ủng hộ hay để
    ý đến nhóm đối kháng VN.một cách công khai.
    Trước mắt,tình cảnh đối kháng VN.là như vậy nhưng không phải không có trong tư duy phương tây
    như tác giả nghĩ mà mức độ ít hơn các nơi khác và về lâu về dài,thế giới sẽ phải ủng hộ đối kháng
    VN.ngày càng mạnh mẽ hơn,nếu CSVN.cố tình đi ngược những cam kết quốc tế hòng kéo dài nền
    độc tài chuyên chế !
    Tôi nghĩ sự hòa hoãn có giới hạn chứ CSVN.không thể “mặt trơ trán bóng” là xong !

Leave a Reply to Việt Hùng