WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Thời sự nóng hổi: OBAMA – biểu tượng của thời đại

Đêm 4-11-2008, khắp nước Mỹ bùng nổ niềm vui lớn. Gần 1 triệu dân Chicago lập tức mở hội ở công viên Grant Park. Cả thế giới cùng Hoa kỳ nín thở sôi nổi chào đón tin này.

Tổng thống thứ 44 của Hoa kỳ là Barack OBAMA, một chàng trai 47 tuổi, da nâu, có cha gốc nước Kenya – châu Phi, mẹ người Mỹ (bang Kansas), sinh năm 1961 ở đảo Hawaii giữa Thái Bình Dương; Obama là giáo sư đại học ngành luật, luật sư, nhà báo, từng là tổng biên tập tạp chí “Luật pháp” của trường Đại học danh tiếng nhất Harvard; năm 2002, Obama được bầu làm nghị sỹ bang Illinois, 2 năm nay là Thượng nghị sỹ Quốc hội Hoa kỳ. Từ nay anh thanh niên Obama, trẻ thứ nhì (sau John F Kennedy vào Nhà trắng khi 43 tuổi) trong tất cả 44 đời tổng thống Mỹ, được trân trọng gọi là Ngài Tổng thống của Hợp chúng quốc Mỹ, quốc gia hùng mạnh nhất, Người có quyền lực nhất trong hơn 6,8 tỷ người trên thế giới hiện tại.

Nhiều kỷ lục được lập. Đông đảo nhất cử tri đi bầu: 130 triệu. Obama giành đa số áp đảo, “trời long đất lở” (landslide): 338 trên 538 đại cử tri. Đảng Dân chủ dành đa số ở Thượng viện (55 trên 100) cũng như ở Hạ viện (248 trên 435, còn thêm), Thống đốc: 28 trên 50. Obama sẽ là ” Tổng thống toàn quyền “. Tổng thống Bush từ Nhà trắng gọi điện cho Tổng thống mới chúc mừng, mời Obama sớm vào Nhà trắng: “một hành trình vĩ đại “. McCain công nhận thua, an ủi phe mình: “tôi thua, các bạn thì không “.

* Điều không thể tưởng tượng:

Ngày 20-1-2009, 2 tháng rưỡi nữa, Obama sẽ chính thức làm lễ tuyên thệ nhận chức Tổng thống Mỹ, Nguyên thủ Quốc gia, còn là người đứng đầu Chính phủ, cũng là Tổng tư lệnh quân đội Hoa kỳ. Trong thời kỳ toàn cầu hoá, mọi đường lối chính sách của Hoa kỳ đều tác động trực tiếp hay gián tiếp, ảnh hưởng ít nhiều đến gần 200 nước, đến mọi con người sống trên hành tinh này.

Vài năm trước đây, không một ai tưởng tượng nổi có một người da màu, mang dòng máu châu Phi, có thể trở thành tổng thống Mỹ. Không ai có thễ nghĩ rằng có một cặp vợ chồng da màu là Tổng thống và Đệ nhất phu nhân, là ông chủ và bà chủ của Nhà trắng. Giữa vận động bầu cử, Obama không ngần ngại giới thiệu vợ mình, nữ luật sư Michelle Obama, là từ một dòng máu nô lệ da đen. Nhân ngày Phụ nữ 20-11-2008, thế giới nhắc đến bà Rosa Parks, người phụ nữ da đen ở bang Alabama tháng 12 năm 1955 từng ngồi lỳ trên xe buýt không chịu nhường chỗ cho người da trắng, đưa đến cao trào đấu tranh giành được quyền bình đẳng chủng tộc trên toàn liên bang. Không có bước khởi đầu ấy cách đây mới 53 năm không thể có sự kiện chấn động địa cầu Barack cùng Michelle Obama trống dong cờ mở bước vào Nhà trắng hôm nay.

Trước đây, ứng cử viên tổng thống thường thuộc gia đình quyền quý, dòng họ cao sang , có khi 2 đời làm tổng thống (như cha con John Adams và John Quincy Adams, cha con George Herbert Bush và George Walker Bush), từ gia đình thống đốc, thượng nghị sỹ, có trang trại rộng lớn, gia tài triệu phú, như dòng họ Roosevelt, Kennedy, Bush, hoặc phải là một chính khách dày dạn hàng hai chục năm đấu tranh nghị trường và quốc tế, như Truman, Nixon hay Reagan, hay là tướng lĩnh hiển hách chiến công như Ulysses Grant, Dwight Eisenhower. Tổng thống Obama hôm nay là một chàng trai 47 tuổi, mới làm thượng nghị sỹ ở thủ đô Washington DC 2 năm, gia đình loại trung lưu, cả dòng họ không có một danh tiếng nào đáng trưng ra. Obama cũng không có một đại công ty tư bản ngành dầu mỏ, sản xuất vũ khí hay ngân hàng nào đỡ đầu. Đây là chuyện kỳ lạ, khó hiểu, không thể tưởng tượng nổi, nay thành sự thật hiển nhiên, làm sửng sốt bao người, cần tìm cho ra căn nguyên, từ đó có thể khám phá ra nhiều điều thú vị và bổ ích.

* Những rào cản vượt qua:

Để nhận rõ “sự kiện lịch sử Obama”, xin lược lại những rào cản to lớn mà ứng cử viên tổng thống trẻ tuổi vượt qua, như một cầu thủ bơi lội bơi ngược dòng sông giữa mùa nước lũ. Nhưng là xuôi dòng Thời đại. Hơn một năm trước, ông phải đọ sức trong đảng Dân chủ với 6 đối thủ đều đáng gờm. Đó là những thống đốc, nghị sỹ Edwards, Biden, Dodd, Richardson, Kucinich, đặc biệt là bà Hillary Clinton… Họ có quá trình họat động từ 20 đến 38 năm, kinh nghiệm đầy mình, phe cánh vững mạnh. Bạn bè chân thành khuyên ông hãy thư thả, biết chờ đợi, thời cơ cho ông chưa tới. Obama tự tin, được thầy cũ và bạn thân khuyến khích, kiên trì dấn thân. Từ hàng cuối của 7 ứng viên Dân chủ, Obama nổi dần lên như một khám phá, một ngôi sao, một của quý ẩn dấu được tìm thấy. Ông có tư tưởng của mình, có xét đoán của mình, biết bắt mạch xã hội, hiểu thấu đáo tầng lớp trung lưu và biết cách diễn đạt rõ ràng đi thẳng vào lòng người nghe. Nhiều người nói ông có biệt tài hùng biện, nên hiểu hùng biện không phải chỉ là nói năng lưu loát, lập luận chặt chẽ, lời lẽ trau chuốt, mà còn có sức lôi cuốn của tài thuyết phục, khả năng hấp dẫn số đông bằng lòng thành thật lương thiện để tạo nên sự tin cậy.

Trong cuộc đọ sức tay đôi cuối cùng trong đảng Dân chủ với bà Hillary Clinton, hầu hết công luận và các hãng thăm dò cho rằng bà Hillary loại Obama là cái chắc, còn dễ dàng nữa. Bà có cái thế của một thượng nghị sỹ già dặn ở thủ đô Washington, gây ảnh hưởng vang dội từ New York, có thế áp đảo của người da trắng chiếm 74% số cử tri, cộng thêm thế mạnh của phụ nữ chiếm già nửa số cử tri, lại thêm uy danh và vốn chính trị của ông chồng Bill Clinton. Cuộc đọ sức thoạt nhìn tưởng như không cân sức. Thế mà chuyện khó tưởng tượng nổi xảy ra. Châu chấu đá nghiêng xe.

Bí quyết ở đâu ? Đa số cử tri đảng Dân chủ dày dạn đấu tranh, thật không ngờ, chọn Obama. Vì sức trẻ ư ? tài hùng biện ư ? kiến thức ư ? có cả. Nhưng trên hết là gì ?

Tôi được sống trên đất Mỹ những ngày sôi nổi này, được hỏi chuyện những công dân bình thường vùng nông thôn, các sinh viên da trắng và da màu, vì sao Obama được mến yêu tin cậy đến thế. Họ cho biết : đó là đức tính biết lắng nghe, biết cúi mình xuống những con người bình thường, hiểu rõ tầng lớp trung lưu đa số, thông cảm với những con người bất hạnh thiếu thốn để san sẻ sự thịnh vượng chung. Obama nói, toát lên một ý chí nói là làm, không nói khéo để lấy lòng cử tri rồi quên hết. ”Chúng tôi đã chán ngán những điệu bộ hoa chân múa tay kiểu diễn kịch của những ông già bệ vệ. Họ không truyền cảm được. Ngắm nhìn và nghe họ, chúng tôi hiểu : họ vì họ, vì chính họ, hơn là vì cử tri, vì cộng đồng. Obama nổi lên giữa những người như thế, khác hẳn những người như thế. Obama có năng lực truyền cảm. Chúng em khóc khi nghe Obama nói về những khát vọng nhỏ của dân thường, của đời thường, như giấc mơ lớn nhất của đời ông “.

* Hơn cả một anh hùng: Keo đọ sức cuối cùng McCain – Obama còn gay go hơn.

McCain có tuổi ngang tuổi bố Obama, già dặn trên Chiến trường và Chính trường, từ gia đình hiển hách, ông nội và bố đều là đô đốc 4 sao, có 5 năm rưỡi gan góc trong tù cộng sản bảo chứng cho lòng yêu nước. McCain còn có một ban tham mưu tranh cử lão luyện của đảng Cộng hoà, được coi là đảng già dặn, có kỷ luật hơn hẳn đảng Dân chủ. McCain chọn bà Palin thống đốc bang Alaska, xinh đẹp, hoa hậu thời trẻ, trượt tuyết giỏi, từng cầm đầu đội bóng chày nữ, thích săn gấu, còn biết thúc đẩy mạnh khai thác kho dầu tự nhiên tại chỗ để nâng cao đời sống cho toàn dân trong tiểu bang.

McCain khoét sâu 2 nhược điểm của Obama. Sự non nớt, thiếu kinh nghiệm, mới ở thời kỳ tập sự ở thủ đô Washington, chưa hiểu biết về đối ngoại. Quân sự mù tịt; sẽ chỉ là anh lính tò te khi phải nắm chức Tổng tư lệnh quân đội Mỹ hùng mạnh nhất, với chìa khoá kho vũ khí nguyên tử khủng khiếp trong tay. Phe cánh McCain diễu cợt : Obama biết nói gì nhỉ, khi gặp Putin, Hồ Cẩm Đào, Merkel, Sarkosi, Chavez !

Trong tranh cử phe McCain có lúc hạ những đòn thấp kém. Như rêu rao Obama là con người khả nghi về chính trị. Từ cái tên gốc là Barack Hussein Obama, không phải tên Mỹ, có liên hệ với Sađam Hussein ở Irak ? rằng ông sinh ra ở Kenya – châu Phi, không thể là công dân Mỹ; rằng ông từng quan hệ thân với những kẻ quá khích, chủ trương tả khuynh, có xu hướng khủng bố. Rằng ông học trường hồi giáo ở Nam Dương từ lớp vỡ lòng nên khó lòng từ bỏ tôn giáo gốc gác ấy, dù nay theo Thiên chúa giáo.

Ác độc hơn, McCain đưa ra nhận định chủ trương đánh thuế cao các nhà triệu phú, giảm thuế cho các hộ trung lưu của Obama là thực hiện chủ nghĩa xã hội, ý nói theo kiểu cộng sản mác xít, còn gọi là thuyết Obamarx, Obamarxism để hù doạ công luận, vì xã hội Mỹ hiểu rằng “chủ nghĩa xã hội thực tế” ở Liên xô, Trung quốc, Cuba, Việt nam là man rợ tối tăm cùng cực. Phe cánh chống Obama trong những ngày tranh cử cuối hét toáng lên rằng : không thể để một con quỷ (a devil) lọt vào Nhà trắng, với Obama một trận hồng thuỷ chính trị sẽ tàn phá nước Mỹ, không thể để cho một “ẩn số”, một kẻ “đầy nghi vấn” lọt vào Nhà trắng để nắm quyền lực tối cao. Họ tung tin: Obama sẽ sớm bị ám sát !

McCain mỉa mai những hãng thăm dò dư luận :” Tôi không lo, tôi còn thích những dự báo xấu về tôi, những hãng thăm dò không đáng tin cậy. Tôi là con người của những phút chót, của những đảo lộn hoành tráng (spectacular) và toàn thắng “.

Phe cánh McCain còn tin ở “hiệu ứng Bradley” , xảy ra năm 1982, khi ông Tom Bradley , người da đen, ra tranh cử Thống đốc Cali, được các hãng thăm dò báo tin chắc thắng vì vượt đối thủ da trắng đến 7 điểm, vậy mà Bradley bị loại; vì tinh thần kỳ thị ở cử tri da trắng còn khá sâu, nhiều cử tri da đen còn tự ty, nhưng không thổ lộ công khai.

Vậy mà Obama vẫn thắng. Bộ máy vận động tranh cử của đảng Dân chủ đã tìm ra những biện pháp có hiệu quả, gắn liền với con người và tư chất Obama. Phần lớn họ là trí thức trẻ từ 30 đến 45 tuổi, kiến thức sâu rộng luôn gắn chặt với thực tế và hiệu quả.

Kiến thức + Thực tiễn + Hiệu quả là Phong cách làm việc của họ. Họ là những nhà chính trị-tâm lý học, xã hội học, thông tin học đầy tài năng. Họ nghiên cứu kỹ những đòn tấn công, từng miếng võ của đối phương để gạt, đỡ, quật trả kiểu gậy ông đập lưng ông, hoá giải hết mọi hoả mù, vu cáo, với phương châm bình thản, tự tin, không cay cú, sơ hở, với một đạo lý : lương thiện, tôn trọng công chúng, chân thành dấn thân cho toàn xã hội, chững chạc, có văn hoá với đối phương. Họ bỏ qua chuyện bà Palin tậu chiếc áo lộng lẫy 150 ngàn đôla, làm McCain bực mình, người dân lắc đầu bĩu môi, thế là đủ.

Bộ máy vận động của Obama còn dùng một đội ngũ tình nguyện viên trẻ từ 15, 16 đến 35 tuổi, được huấn luyện bài bản, ăn nói lưu loát, chịu khó di chuyển – từng tốp xe máy, xe đạp, đi bộ – đến nơi hẻo lánh, gõ cửa từng nhà, dùng điện thoại di động và cố định, tháo gỡ từng vướng mắc của cử tri. Những bầy ong thông minh, cần mẫn.

Về quỹ tranh cử dư dật, 150 triệu đôla quyên góp vào tháng cuối, phần lớn là do tầng lớp trung lưu toàn nước Mỹ góp lại. Obama kêu gọi đông đảo cử tri đóng góp 100, 50 hay 20 đôla cũng là quý, góp gió thành bão, quý hơn nữa là tiền của những giờ làm thêm của người lao động, của những thanh niên vừa vào đời tự lập, hoặc qua những buổi hội luận về đất nước. Số tiền này vài chục nhà tỷ phú có thể góp, nhưng nó có ý nghĩa hơn khi là của hàng triệu cử tri góp lại, như một cam két chính trị tin cậy, dứt khoát.

Obama thắng Anh hùng McCain, châu chấu lại đá voi, làm nên lịch sử, vì những lẽ ấy.

* Đội đá vá trời: một loạt nhiệm vụ nặng nề đến kinh hoàng chờ đợi êkíp Obama.

Kinh tế tài chính Mỹ bên bờ vực thẳm. Hàng ngìn tỷ đôla thâm thủng ngân sách. Dập tắt ngọn lửa chiến tranh ở Trung đông mà không bỏ chạy, đầu hàng. Xây dựng đồng thuận dân tộc sau cuộc tranh cử quyết liệt. Hàn gắn rạn nứt trong khối đồng minh quốc tế. Tự khẳng định vai trò tiên phong của ngọn trào dân chủ, bình đẳng, hoà bình và nhân quyền quốc tế.

Tất cả đều là những vấn đề cấp bách, cực kỳ khó khăn, tưởng như là phải đội đá vá trời vậy. Chưa kịp thưởng thức hết niềm vui vẻ vang của chiến thắng, nhóm Obama phải sắn ngay tay áo vào việc theo phương châm khẩn trương, chín chắn, dựa vào kiến thức và tâm huyết của mọi nhân tài tinh hoa của nước Mỹ, sớm đoạn tuyệt với những nếp làm việc thủ cựu : hành chính quan liêu, sức ỳ bảo thủ, lãng phí, xa cơ sở, xa quần chúng. Trước hết là thành lập một nội các kiến thức sâu, hành động giỏi, nhắm vào hiệu quả thực chất, xoay chuyển dần tình thế. Thắng lợi huy hoàng của cuộc tranh cử đầy khó khăn, kịch tính rất cao, cho phép đông đảo người dân Mỹ tự huy động, cùng chung sức với vị tổng thống trẻ do chính họ lựa chọn, bước vào thời kỳ lịch sử mới.

* Mọi sự đều có thể : Một sự kiện không ngờ, không thể tưởng tượng nổi đã xảy ra.

Một cuộc vận động bầu cử ly kỳ nhất, sôi động nhất, hồi hộp thú vị nhất vừa kết thúc. Không ít nhà bình luận cho rằng Obama thắng chỉ vì Tổng thống Bush quá kém, gây chiến tranh thất bại, kinh tế tài chính lụn bại. Đúng là vậy, nhưng chưa đủ.

Obama thắng to là sản phẩm mang tính biểu tượng cao của thời đại, của thế kỷ 21, của nền văn minh kiến thức-trí tuệ, của cách mạng kỹ thuật thông tin, của làn sóng lịch sử con người mới đông đảo. Những nguyên nhân cơ bản, sâu xa ấy quyện vào nhau. Vẻ đẹp sâu xa, tầm lịch sử, giá trị khai phá, hợp quy luật tất yếu sự kiện Obama là ở đó.

Thế kỷ này là thế kỷ của tri thức, của trí tuệ. Obama là con người của tri thức, của trí tuệ. Không phải chỉ ở chí tiến thủ, ở trình độ học vấn, mà còn ở sự tiêu hoá tri thức và học vấn, ở sự quý trọng tri thức và học vấn. Ngành giáo dục, hệ thống đại học sẽ được chính quyền Obama chăm sóc đặc biệt. Obama đã lựa chọn một số chuyên gia kinh tế tài chính được đánh giá là có kiến thức sâu rộng với những kiến giải mang tính sáng tạo – như nhà kinh tế trẻ Larry Summers – cho nhiệm kỳ đầy khó khăn và thử thách này. Khủng hoảng tuy không may, là cơ hội thử tài.

Thay đổi xã hội lớn sẽ là tư bản đầu cơ (speculator capitalism) bị hạn chế, cho tư bản kinh doanh-sản xuất (entrepreneurial capitalism) phát triển mạnh, đẩy lùi hoạt động đầu cơ tiền tệ, chứng khoán, bất động sản để dành ưu tiên cho sản xuất của cải xã hội.

Một biện pháp kinh tế của Obama là phát triển thật mạnh các cơ sở kinh doanh vừa và nhỏ, tiết kiệm nghiêm ngặt mọi chi phí công có tính chất phô trương, từ trên cao nhất làm gương xuống tận dưới cùng, bịt chặt mọi rò rỉ lãng phí, sớm áp dụng mọi thành quả khoa học – kỹ thuật, công nghệ mới và phát minh, tận dụng internet, tự động hóa… Obama định hướng cho 4 năm chính quyền Obama: mọi sự nói là làm, và làm thật, thực chất (real), không làm giả, làm “ảo”. Giảm thuế thật. Tiết kiệm thật. Giảm chi phí công thật. Hỗ trợ lớp trung lưu thật. Nâng cao giáo dục thật. Bảo hiểm y tế rộng thật…

Về quân sự, ứng cử viên Obama đã nhăm nhe những viên tướng trẻ, kiến thức sâu rộng, có đầu óc nghiên cứu thực tế với trí sáng tạo, để cùng tổng thống mới giải quyết từng bước chiến trường Irak và chiến trường Afghanistan. Trong những viên tướng trí thức trẻ ấy có trung tướng David Petraeus hiện ở Bộ tư lệnh trung tâm đóng ở Tampa, bang Florida. Obama đánh giá cao khả năng của nhóm tướng Petraeus, dù ông này thuộc đảng Cộng hoà, tuyên bố : tôi sẽ là tổng thống của toàn nước Mỹ, tôi chọn mọi tài năng ở bất cứ tổ chức chính trị nào, đã chọn là tin, đi sát cùng họ, tôi học họ nữa.

Obama sớm được ngưỡng mộ ở Anh, Pháp, Đức… Báo le Monde thăm dò, 68 % độc giả Pháp “bỏ phiếu” cho Obama, chỉ 5 % cho McCain, kết luận : cả châu Âu đều Obamiste. Cơn mê Obamania tràn khắp hành tinh. Ở Berlin (Đức) 200 ngàn người, vốn nặng kỳ thị, tập họp nghe Obama nói chuyện, nói vo mà lôi cuốn, phát hiện ở Obama chẳng những có kho kiến thức gắn thực tiễn, còn có tính hóm hỉnh mà chính khách hiện còn quá hiếm. 83% dân Thuỵ sĩ, 62% dân Bỉ, 61% dân Nhật mê Obama. Sao lạ vậy ?

Vì Obama là biểu tượng của sự thay đổi thế hệ, của bàn giao thế hệ. Rồi sẽ có nhiều bộ trưởng, thứ trưởng, thượng nghị sỹ, thống đốc, thị trưởng trẻ, phụ nữ, da màu khắp nước Mỹ được cử do kiến thức, tài năng, tâm huyết thật của chính họ, chứ không phài do những gì ở ngoài họ: gia đình, dòng họ, tài sản, quen biết, phe cánh, đút lót…

Vì Obama là biểu tượng cho một kiểu cách cầm quyền, một phong cách cai trị mới, trẻ trung, bén nhạy, thực chất, bao dung, mang đậm tính cộng đồng. Một tổng thống trẻ tự tin, đầy quyền lực, quyết chí xây dựng một kiểu cách cầm quyền mới, nhắm vào hiệu quả cao, vào thực chất, có thể tin rằng ý định văn hoá tốt đẹp ấy sẽ thành sự thật.

Tư chất được bạn bè, báo chí Mỹ đánh giá cao là tính chân thật dản dị, biết lắng nghe, gần quần chúng, thực tiễn, bình tĩnh, con người hành động sau khi nghĩ kỹ.

* Obama và các bạn trẻ Việt nam:

Người Việt nam có vẻ ưa thích McCain hơn Obama. Vì McCain là người đã quen biết, Obama còn là người lạ. McCain từng bị giam ở Hoả lò Hànội, từng chủ trương sớm bỏ cấm vận, sớm bình thường hoá, mở rộng quan hệ 2 nước. Chính quyền trong nước có vẻ “bỏ phiếu” cho McCain. “Ông tổng thống này từng bị chúng tôi bắt và cầm tù đấy”, ý nghĩ này có thể ve vuốt chút tự hào lỗi thời. Trong cộng đồng Việt nam ở hải ngoại, phần lớn ủng hộ McCain, trong khi phần lớn cộng đồng Trung hoa, Ấn độ, Nhật bản, Hàn quốc, Mễ… ủng hộ Obama. McCain từng giúp đỡ việc tiếp nhận thuyền nhân Việt nam, còn đề xướng việc tiếp nhận thêm con cái những H.O. từng cộng tác với Hoa kỳ.

McCain có thể là một tổng thống tốt. Ông dày dạn kinh nghiệm, qua thử thách hiểm nghèo, là một anh hùng quốc gia. Nhưng ông đã thua. Ông công nhận thua, ông chúc mừng Obama, người được lá phiếu cử tri đánh giá cao hơn, được tin cậy hơn.

Cử tri Mỹ không nhẹ dạ, hời hợt. Họ không nhầm lẫn, không bị báo chí xỏ mũi. Không ít đảng viên Cộng hoà bỏ phiếu cho Obama. Không ít trí thức và tuổi trẻ Việt nam ở Mỹ bỏ phiếu và vận động nhiệt tình cho Obama. Họ biết ông Biden gần đây từng chất vấn trực tiếp ngoại trưởng Phạm Gia Khiêm, và ứng cử viên Obama cũng ra tuyên bố đòi Hànội tôn trọng tự do tôn giáo và nhân quyền khi Nguyễn Tấn Dũng thăm Mỹ. Nhóm độc đoán ở Hànội ưa McCain, nhiều phần vì “rét” Obama và Biden. Để xem, Obama nói là làm.

Mong rằng các bạn trẻ Việt nam trong và ngoài nước tìm hiểu sâu sắc cuộc bầu cử Mỹ và tổng thống Mỹ trẻ trung cùng thế hệ. Để nuôi mong ước nước ta sớm có một chế độ đa nguyên đa đảng như đông đảo các nước dân chủ. Để cử tri ta có quyền tự do lựa chọn những người lãnh đạo qua những cuộc tranh cử hào hứng, thoát khỏi những cuộc bầu cử ” đảng chọn, dân bầu ” nhạt nhẽo, sinh ra nhiều quan chức thiếu kiến thức, quan liêu, giỏi moi móc của công, chỉ có tài “hành dân”. Để không thể có một thủ tướng dám không chút ngượng ngùng tuyên bố ” không cho phép tư nhân làm báo”, coi tất cả hơn 10 ngàn nhà báo đều là viên chức của đảng, cưỡng bức họ phải viết theo ý của đảng cầm quyền, nếu viết theo công tâm, lẽ phải, theo luật pháp, trái với ý độc đoán của đảng thì bị mất chức, bị vào tù; để cho Việt nam bị xếp vào thứ 169 trên 173 nước về tự do báo chí, mà vẫn không lấy đó làm nhục, không thấy điều ấy thiệt hại cho đất nước biết bao nhiêu.

Hãy chung sức gạt bỏ những gì là hủ lậu, bảo thủ, là “ảo”, nói mà không làm, nói chống tham nhũng lại trị người chống tham nhũng hăng nhất nhất, nói vì dân mà chỉ vì đảng.

Các bạn trẻ Việt nam, hãy tỉnh táo nhìn ra thế giới, hãy nhận rõ các bạn trẻ từ 18 đến 35 tuổi đang là số đông áp đảo công dân nước ta, đang có hơn 6 ngàn nhà báo trẻ trong các ngành báo viết, báo nói, báo ảnh, báo mạng, không thể hèn kém so với tuổi trẻ nước khác. Hãy mừng khi nhà báo trẻ Obama đàng hoàng bước vào Nhà trắng, trong khi cả 14 vị trong bộ chính trị ở Hà nội hiện nay chưa ai tự viết nổi lấy 1 bài báo, khác hẳn với nhiều lãnh đạo cũ, như Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Nguyễn văn Linh… mặc dù những điều họ viết cần xem xét đánh giá lại.

Đừng cam chịu, để những cái đầu cổ hủ tối tăm – những kẻ có thể nói về thực chất là “thất học” giữa thời đại kiến thức cầm quyền – hiếp đáp mãi. Hãy tập họp lại, tự mình giành lại quyền tự do, đòi chuyển giao thế hệ, đưa quê hương vào thời kỳ của trí tuệ, kiến thức, thực chất, đoạn tuyệt với đổi mới ảo.

Đổi mới ảo nên nói “liên minh công nông” mà nông dân mất sạch quyền sở hữu ruộng đất, phải ly nông ly hương, nhục hơn thời phong kiến, nói đổi mới mà báo chí bị kềm kẹp hơn thời thực dân, toà án bất công hơn thời Pháp thuộc. Đổi mới ảo để tệ hơn cũ.

Hãy hành động như hàng trăm blogger trẻ, như nhà báo Nguyễn Văn Hải – Điếu Cày lập ra Báo Dân, Báo Tự do Ngôn luận trên mạng, dựa trên Quyền tự do ngôn luận ghi trong Hiến pháp và các Tuyên ngôn quốc tế mà chính quyền nước ta cam kết tôn trọng, để rồi…quịt…Người cầm quyền lại đi ăn gian với nhân dân, mà không biết hổ thẹn.

Với Barack Obama nhận chức tổng thống Mỹ, một kỷ nguyên mới của nước Mỹ mở ra. Một làn gió mới trong lành thổi qua khắp hành tinh. Thế hệ mới trỗi dậy. Sức bật mới có đà. Quần chúng đông đảo thức tỉnh về sức mạnh của mình làm nên lịch sử.

Cuộc tranh đấu mới nhiều cam go cũng nhiều hứa hẹn mở ra. Nền chính trị toàn cầu như trẻ lại, đầy hưng phấn. Mọi giấc mơ đều có thể thành hiện thực, qua đấu tranh quyết liệt của mọi con người có kiến thức, có ý chí đổi mới về thực chất.. Mỗi công dân của thế giới, trong đó có người Việt nam, náo nức góp phần tham gia vào cuộc đổi mới của nền chính trị thế giới, để cuộc sống trên hành tinh bớt tối tăm, thêm tự do và sáng tạo, mọi người ở mọi nước tận hưởng ấm no và hạnh phúc, xứng đáng với danh nghĩa Con Người.

Paris 5-11-2008.

Phản hồi