Lưu Hiểu Ba, nhân quyền và tương lai chính trị TQ
Ngày 3/12/2010, hãng thông tấn Nam Hàn phỏng vấn ông Ngụy Kinh Sinh và được đăng ở trang web www.kukinews.com. Sau đây là phần trả lời của ông Ngụy cho các câu hỏi của phóng viên. Phần tiếng Việt do Lê Minh Nguyên chuyển ngữ.
1) Phóng viên: Ông đã phê bình ông Lưu Hiểu Ba, một nhà hoạt động nhân quyền vừa được giải thưởng Nobel Hòa bình 2010, bởi vì ông ấy quá thông cảm với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong quan điểm của ông, ông Lưu dường như là một người ôn hòa.
- Ông có thể nói về ý nghĩa của việc được giải này không? Tại sao bây giờ và tại sao là ông Lưu Hiểu Ba?
-Tác động của nó lên sự đổi mới chính trị ở TQ, lên trí thức TQ, và lên xã hội dân sự ở TQ trong dài hạn cũng như trong ngắn hạn là gì?
Ngụy Kinh Sinh: Có rất nhiều định nghĩa của chữ “ôn hòa”. Hiện giờ, định nghĩa mà người TQ chúng tôi chấp nhận là một người nói năng với lằn ranh cuối cùng được chấp nhận bởi những người Cộng sản Trung Quốc. Một người như vậy không chỉ bênh vực việc cộng tác với chính quyền Cộng sản Trung Quốc, mà còn phải chống lại người Trung Quốc nào sử dụng vũ lực để chống lại chế độ độc tài Cộng sản. Vị thế này không khác mấy với mục đích của “Hội Nghị Tư Vấn Chính Trị” được bảo trợ bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hay nói một cách chính xác hơn: những người này tự chọn thế đứng ở giữa một bên là đối lập (hay bất đồng chính kiến) và một bên là Đảng Cộng sản. Chỉ khi nào họ được sự bảo trợ từ nước ngoài, họ mới chấp nhận rủi ro để tự coi mình là những nhà “bất đồng chính kiến”. Gần đây, một trong số họ, Wan Yanhai, một người đã không bao giờ coi mình là phần tử của phong trào dân chủ Trung Quốc, nhưng khá nổi tiếng và chính xác qua câu nói: “Lưu Hiểu Ba là người cộng tác tốt nhất với Đảng Cộng sản Trung Quốc.”
Người như ông Lưu được tưởng thưởng bởi cộng đồng quốc tế. Chẳng là chính Uỷ Ban Nobel đã tuyên bố: nó cho người ta một hướng mới và một phong cách mới. Trong ngắn hạn, nó sẽ làm giảm thiểu cả hai mặt: sự chống đối của người dân Trung Quốc cũng như sự chống đối của quốc tế đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hậu quả sẽ là, Trung Quốc mất hay chậm trễ cơ hội cho diễn biến hòa bình. Tuy nhiên, tất cả sự hợp tác này sẽ không kéo dài được tính chất lừa dối của nó, nên không có tác dụng lâu dài.
2) Phóng viên: Ông có thể mô tả về hồ sơ nhân quyền cũng như sự tự do ngôn luận và tự do báo chí ở Trung Quốc? Dường như, nhiều thứ đang trở nên tốt hơn ở Trung Quốc mặc dù không nhanh như ông mong muốn. Ít nhất, họ (chính quyền) khẳng định như vậy. Ông nghĩ tự do chính trị như tự do phát biểu và nhân quyền ở Trung Quốc đã cải thiện được bao nhiêu trong mười năm qua?
Ngụy Kinh Sinh: Trên bề mặt, người tây phương đang nói là hồ sơ nhân quyền, sự tự do bày tỏ, và tự do báo chí ở Trung Quốc tốt hơn. Đó là bởi vì truyền thông quốc tế cũng dần dần bị bao bọc bởi chiến dịch tung tiền của Đảng Cộng sản Trung Quốc. Trong thực tế, sự đàn áp của chính quyền Cộng sản Trung Quốc ngày càng trầm trọng hơn trước. Tình trạng đang xấu xa hơn, thay vì cải thiện. Ba mươi năm trước, khi tôi bị đi tù, tôi đã không bị tra tấn dã man như họ đã làm cho Gao Zhisheng và Guo Feixiong ngày hôm nay, mặc dù Đặng Tiểu Bình yêu cầu áp dụng cho tôi sự đối xử tồi tệ nhất. Những trường hợp này chứng minh rằng tình trạng nhân quyền Trung Quốc đang đi bước lùi, chứ không phải bước tới. Việc ông Lưu Hiểu Ba được đối xử tử tế chỉ là sự chứng tỏ rằng ông không phải là kẻ thù của Đảng Cộng sản; nó không chứng tỏ được là việc đối xử với các tù nhân chính trị đã được cải thiện.
3) Phóng viên: Gần đây, nông dân, công nhân và lao động nhập cư đã bắt đầu đòi quyền của họ. Giới bình dân đã bị bỏ rơi và bị đàn áp trong một thời gian dài nay đột nhiên nhận ra là họ có thể làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe trên đường phố.
- Các điều kiện của họ về kinh tế và chính trị là gì?
- Một số học giả lạc quan phương Tây mong đợi các thành phần này sẽ thay đổi hệ thống chính trị Trung Quốc. Ông nghĩ gì về vai trò của họ trong việc cải cách chính trị hay dân chủ hóa ở Trung Quốc? Ông có nghĩ rằng họ có thể đóng một vai trò hàng đầu trong việc cải cách xã hội Trung Quốc?
Ngụy Kinh Sinh: Nó không phải là vì “giới bình dân đã bị bỏ rơi và bị đàn áp trong một thời gian dài nay đột nhiên nhận ra là họ có thể làm cho tiếng nói của họ được lắng nghe trên đường phố.” Nó là vì người dân dần dần nhận ra được sự ngoan cố của Đảng Cộng sản Trung Quốc và do đó đã từ bỏ ảo tưởng của họ về diễn biến hòa bình. Vì vậy, Lưu Hiểu Ba được cần dùng để hướng dẫn người dân trở về giai đoạn chờ đợi của “bất bạo động, thuận lý và hòa bình.” Trước khi Lưu Hiểu Ba nhận được giải thưởng, những người như ông có ảnh hưởng rất ít. Ngay cả những người hàng xóm của ông nhầm tưởng là ngôi sao điện ảnh nổi tiếng, bà Liu Xiaoqing, đã giành được giải thưởng. Ủy ban Hòa bình Nobel mong muốn giải thưởng sẽ giúp gia tăng ảnh hưởng của ông Lưu. Hy vọng này có thể đạt được một phần.
Sau ba mươi năm tư tưởng dân chủ được lan truyền, người dân Trung Quốc không chỉ sẵn sàng tranh đấu cho các quyền kinh tế và lợi ích của họ, mà còn rõ ràng mong muốn một sự thay đổi hệ thống chính trị. Vì vậy, ngay cả trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc, thảo luận về cải cách chính trị đã bắt đầu. Ước vọng chung của người dân Trung Quốc là lộ trình tốt nhất cho tương lai của Trung Quốc. Dù cho có một cố gắng để thay đổi lộ trình này của một số nước phương Tây, nó sẽ không có hiệu lực.
4) Phóng viên: Có một số tranh luận về cải cách chính trị bên trong Đảng Cộng sản Trung Quốc. Gần đây, ông Ôn Gia Bảo, Thủ tướng Trung Quốc, nhiều lần nhấn mạnh cải cách chính trị. Nhân Dân Nhật Báo công khai bác bỏ quan điểm của ông ta. Ông có tin rằng có những bất hòa khá lớn trong nội bộ và có các quan điểm khác nhau trong Đảng Cộng sản Trung Quốc? Ông nghĩ gì về đề xuất của ông Ôn Gia Bảo?
Ngụy Kinh Sinh: Một số người trong giai cấp thống trị ở Trung Quốc đã kiếm được nhiều tiền nên họ hy vọng diễn biến hòa bình thay vì để cho cuộc cách mạng bạo lực có nhiều khả năng xảy ra. Điều này là vì cuộc cách mạng bạo lực có thể làm cho họ mất tất cả. Thủ tướng Ôn Gia Bảo có thể là đại diện của họ. Họ đang hình thành một phe nhóm chính trị nhỏ. Nhưng đại đa số những người trong các nhóm đặc quyền đặc lợi ở Trung Quốc sẽ không chấp nhận quan điểm của phe này. Các viên chức cấp thấp và trung bình cùng thân nhân của họ không tin rằng sẽ có một kết quả tốt từ diễn biến hòa bình. Họ tin vào việc nên đàn áp nhiều hơn nữa. Nếu không có đủ áp lực quốc tế và trong nước, thì nếu chỉ có thiện ý mà thôi, tự nó một mình không thể làm cho các loại bạo chúa, lớn và nhỏ, từ bỏ quyền lực. Chính Sách Thiều Quang (Sunshine Policy) của Nam Hàn là một bằng chứng tốt: Kim Chánh Nhật (của Bắc Hàn) đã không làm một sự cải tiến nhỏ xíu nào.
5) Phóng viên: Trung Quốc đã hội nhập thành công sự giàu có và quyền lực. TQ đã chấp nhận khu vực tư nhân và đã thành công trong việc chinh phục trí thức và các nhà tư bản. Vì vậy mà tầng lớp trí phú của Trung Quốc không còn muốn đóng vai trò của những người phê bình chế độ. Ông nghĩ tại sao họ bị hội nhập vào hệ thống chính trị TQ quá dễ dàng như vậy? Ông nghĩ gì về vai trò của họ trong việc cải thiện tình trạng chính trị và xã hội Trung Quốc?
Ngụy Kinh Sinh: Sự giàu có và quyền lực không bị hội nhập, nhưng tất cả được bắt đầu bởi một điều. Sự giàu có đến từ quyền lực. Kết quả này là đặc tính của chủ nghĩa tư bản quan quyền. Sau vụ thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng Sáu năm 1989, Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện một chính sách mới với việc kết hợp lại những tinh hoa của ba thành phần “chính trị, kinh tế và văn hóa”. Chính sách này đã được sử dụng cách đây hai ngàn năm, khi Hán Vũ Đế mua chuộc tất cả các trí thức. Bởi vì văn hóa truyền thống của Trung Quốc là “dùng học lực xuất sắc để chọn người làm quan,” và cũng bởi vì sự khác biệt rất lớn giữa những quyền lợi có được khi so sánh giữa nhà tù và sự đầu hàng, hầu hết những người được gọi là trí thức lựa chọn làm bầy tôi của chính quyền Cộng sản. Vì thế, những người bình thường xem những người được gọi là trí thức này là “những yếu tố biết rồi.” Vai trò của sự lệ thuộc thì không rõ ràng lắm. Một số có thể là nạn nhân của ma cà rồng hút máu nên quay qua hút máu các nạn nhân tiếp theo. Một số có thể không làm gì cả. Tuy nhiên, có một vài trí thức kế thừa văn hóa truyền thống Trung Quốc về những “yếu tố khác biệt”: có lòng can đảm và dám hy sinh bản thân. Họ sẵn sàng chấp nhận rủi ro cho ý thức hệ và trách nhiệm xã hội để lãnh đạo nhân dân chống lại độc tài. Những người này là những ngôi sao thực sự, là nhà sản xuất và đạo diễn cho chính trị tương lai của Trung Quốc.
6) Phóng viên: Dân chủ hóa TQ (hay dân chủ Trung Quốc) có ý nghĩa gì đối với ông? Có phải nó có nghĩa là áp dụng một hệ thống chính trị kiểu tây phương như dân chủ đa đảng, kiểm soát và thăng bằng? Hay là ông tin rằng có thể có một cách khác, một cách Trung Quốc cho xã hội dân chủ?
-Các điều kiện tiên quyết cho dân chủ Trung Quốc là gì?
-Khả năng cho Trung Quốc và người dân Trung Quốc có được tự do là gì?
-Con đường nào ông nghĩ Trung Quốc nên chọn để đạt mục tiêu?
Ngụy Kinh Sinh: Tương lai dân chủ Trung Quốc sẽ giống như ở các nước phương Tây: một hệ thống cụ thể có thể khác, nhưng những nguyên tắc cơ bản của nền dân chủ thì không thể khác. Nếu không, nó sẽ là dân chủ giả tạo của Đảng Cộng sản. Các điều kiện tiên quyết quan trọng nhất cho nền dân chủ là có tự do ngôn luận, tự do lập hội, và một hệ thống đa đảng. Sau hơn một thế kỷ của xung đột và hơn ba thập kỷ của sự học tập lại các ý tưởng dân chủ, người dân Trung Quốc biết rõ ràng mục tiêu của họ. Nó sẽ chỉ là vấn đề thời gian và cơ hội để cho người Trung Quốc có được tự do của họ. Diễn biến hòa bình là điều mà hầu hết mọi người hy vọng. Tuy nhiên, nếu những người trong chinh quyền, cùng với giai cấp trí thức bị mua chuộc bởi chính quyền Trung Quốc, và cộng đồng quốc tế, ngăn cản hy vọng này, thì cách mạng bạo lực trở nên hiển nhiên ở Trung Quốc.
7) Phóng viên: Một số người Trung Quốc cho rằng việc ông Lưu Hiểu Ba trúng giải là một hành động chính trị để tấn công Trung Quốc. Chủ nghĩa dân tộc được cố ý quảng bá và khuyến khích bởi chính quyền và các cơ quan truyền thông. Trong nhiều phương diện, nó đúng như vậy. Các quyền lực thế giới đang sử dụng các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc như là một vũ khí để đàm phán. Theo ông, chủ nghĩa dân tộc có tác động gì lên dân chủ Trung Quốc?
Ngụy Kinh Sinh: “Các quyền lực thế giới đang sử dụng các nhà bất đồng chính kiến Trung Quốc như là một vũ khí để đàm phán.” Hành động này thường là để phục vụ cho lợi ích riêng của họ. Chính quyền Cộng sản Trung Quốc đã học được từ thời Đặng Tiểu Bình về việc chia sẻ quyền lợi với các đại công ty phương tây trong việc khai thác người dân Trung Quốc. Vì thế, không giống như những gì đã xảy ra ở Nam Hàn, với người dân Trung Quốc của chúng tôi, khả năng nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế đang trở nên nhỏ hơn và nhỏ hơn.
Chủ nghĩa dân tộc là một con dao hai lưỡi. Nó có thể cũng cố sự cai trị độ độc tài, nó cũng có thể làm suy yếu sự cai trị độc tài.
8- Phóng viên: Các sinh hoạt trong quá khứ và các kế hoạch tương lai của Ngụy Kinh Sinh Foundation là gì? Tình trạng của các nhà hoạt động chính trị Trung Quốc ở hải ngoại thì như thế nào?
Ngụy Kinh Sinh: Các hoạt động chính của Foundation chúng tôi sẽ luôn luôn là: thúc đẩy sự quan tâm của cộng đồng quốc tế về nhân quyền ở Trung Quốc, và hướng dẫn tư tưởng cho phong trào chống đối bên trong Trung Quốc. Phong trào chống đối Trung Quốc ở hải ngoại rất giống với những gì mà Nam Hàn đã kinh qua trước đây, nhưng có nhiều khó khăn hơn. Lúc xưa, các nhà độc tài Nam Hàn không có nhiều kinh nghiệm trong việc làm bí mật, các kỹ năng của họ thấp xa Đảng Cộng sản Trung Quốc, thậm chí thấp hơn cả Kim Chánh Nhật.
9) Phóng viên: Trung Quốc là một đối tác rất quan trọng của Nam Hàn trong khu vực, về kinh tế và về chính trị. Đặc biệt chúng tôi người Nam Hàn phải đối phó với Bắc Hàn. Trung Quốc là đối tác và tay chơi quan trọng nhất trong trò chơi.
- Theo ông, dân chủ TQ có ý nghĩa gì với Nam Hàn? Nó ảnh hưởng thế nào đến Đông Bắc Á?
-Từ cuối năm nay, Trung Quốc có lối tiếp cận ngoại giao cứng rắn và khiêu khích. Quan điểm của ông thế nào về các chiến thuật bất tương nhượng này? Theo ông họ làm như vậy để nhằm mục đích gì?
Ngụy Kinh Sinh: Trung Quốc không phải “là đối tác và tay chơi quan trọng nhất trong trò chơi”. Nó cũng không phải là một trò chơi. Các trò chơi đều có quy luật. Chính sách của Bắc Kinh và Bình Nhưỡng là phá vỡ các quy luật, là giết người và xâm lược. Cũng giống như mục đích của chế độ Kim Chánh Nhật, mục đích tối hậu của những người Cộng sản Trung Quốc ở Bắc Kinh là loại bỏ tất cả các chính quyền không cộng sản ở Đông Á. Không chỉ bởi vì cả Bình Nhưỡng và Bắc Kinh là Cộng sản, nhưng hơn hết bởi vì sự hiện hữu của dân chủ là mối đe dọa lớn nhất cho các chế độ độc tài này. Ở một bên, Đảng Cộng sản đang sử dụng một chính sách hai mặt với sinh và tử, ở phía bên kia, người ta tin rằng nó là một trò chơi mà tất cả mọi bên đều tuân theo quy luật. Đây là nguyên nhân gốc rễ, là tại sao Trung Quốc và Bắc Hàn liên tiếp chiến thắng trong cái gọi là “trò chơi”.
Dân chủ hóa Trung Quốc sẽ hoàn toàn thay đổi thế trận này. Chỉ khi nào đối phó với một nước tương đối dân chủ thì mới có thể có cạnh tranh hòa bình trong khuôn khổ của các quy luật. Nói về quy luật với các nhà độc tài thì không thể được và không thực tế, như được mô tả bởi các câu tục ngữ Trung Quốc: “leo cây để bắt cá”, hoặc “thương lượng với con cọp để lấy bộ da của nó”.
© Lê Minh Nguyên (Bản tiếng Việt)
© Đàn Chim Việt