Thảo luận giữa phái đoàn Trung Quốc và Việt Nam
CWIHP
11/4/1967
Mô tả: Chu Ân Lai kể lại mối quan hệ trước đây liên quan đến Đài Loan và Quốc Dân đảng, Mỹ và Liên Xô trong bối cảnh lịch sử hiện tại của Trung Quốc. Ông ta cũng nhấn mạnh sự cần thiết trong việc hỗ trợ Campuchia.
Chu Ân Lai: … Vì vậy, chúng tôi cho rằng chiến thắng càng gần hơn, thì cuộc đấu tranh của các ông với Liên Xô càng quyết liệt hơn. Bởi vì khi các ông tiến gần đến chiến thắng, Mỹ muốn gây áp lực nhiều hơn để chấm dứt chiến tranh, để họ có thể có phần ở miền Nam Việt Nam, không phải mất hoàn toàn. Hiện tại Pháp chỉ trích Mỹ, nhưng khi các ông tiến gần tới chiến thắng, Pháp có thể đến gần hơn với Mỹ, và các quốc gia dân tộc khác muốn thỏa hiệp, có thể đến nói chuyện như Mỹ.
Trung Quốc có một câu châm ngôn rằng, bạn thực sự bắt đầu một cuộc hành trình dài 100 dặm sau khi đã đi được 90 dặm đầu. Bởi vì 10 dặm cuối cùng luôn khó khăn như đi 90 dặm đầu tiên. Trên một con đường bằng phẳng, các ông không thể nhìn thấy rõ, nhưng các ông sẽ nhìn thấy rõ hơn khi các ông leo núi Hy Mã Lạp Sơn. Chúng tôi tin rằng các ông sẽ cố gắng hết sức để giành thắng lợi cuối cùng và chúng tôi sẽ khuyến khích người dân thế giới để hỗ trợ các ông. Nhưng Liên Xô sẽ bỏ cuộc.
Ở đây, tôi muốn nói cho các ông biết sự thật: ngay cả Stalin đã một lần làm như vậy. Năm 1945, Nhật đầu hàng. Hoa Kỳ hỗ trợ Tưởng giới Thạch. Liên Xô chiến thắng, nhưng bị thiệt hại trong cuộc chiến rất lớn. Vì vậy, Hội nghị Yalta là một trong những thỏa hiệp về phạm vi ảnh hưởng giữa Liên Xô và Mỹ sau Đệ nhị Thế chiến. Đó là một hội nghị sai lầm. Xem sự thỏa hiệp là một chiến thuật đúng đắn, nhưng thật là sai lầm khi xem nó như một chính sách. Hai quả bom nguyên tử của Hoa Kỳ đã làm Stalin bàng hoàng, làm cho ông ta sẵn sàng cho một thỏa hiệp. Vì vậy, ông ta đã ký một thỏa thuận với Tống Tử Văn (1) công nhận Mỹ có ảnh hưởng lớn nhất ở Trung Quốc, để đổi lấy sự công nhận của Mỹ về ảnh hưởng của Liên Xô ở vùng Đông Bắc [Trung Quốc] và ở Tân Cương cũng như Mông Cổ.
Stalin đã gửi một bức điện cho đồng chí Mao Trạch Đông, nói rằng, đảng Cộng sản Trung Quốc cần hợp tác với Quốc Dân đảng, [và] không bắt đầu một cuộc chiến bởi vì điều này có thể dẫn đến sự hủy diệt của dân tộc Trung Hoa. Rõ ràng là Stalin cảm thấy bị đe dọa do hai quả bom nguyên tử của Mỹ. Vào thời điểm đó, Lục Định Nhất (Lu Dingyi) (2), Stalin cũng đề nghị rằng đồng chí Mao Trạch Đông nên đến Trùng Khánh đàm phán với Tưởng [Giới Thạch]. Và không lâu sau đó, có một tin về lời mời chuyển đến đồng chí Mao từ Tưởng.
Lúc đó, chúng tôi đối mặt với thực tế là Cộng sản Quốc tế không còn tồn tại; cũng như họ không giữ vai trò trong việc ban hành các hướng dẫn chung. Nhưng chúng tôi nghĩ rằng Trung Quốc là một phần của phong trào chung, và chúng tôi phải phục vụ mục đích chung. Dựa trên những suy nghĩ của đồng chí Mao Trạch Đông, chúng tôi giữ cho nội chiến không thể tiêu diệt dân tộc Trung Hoa. Chúng tôi cũng có thể chứng minh rằng nội chiến là do Quốc Dân đảng, chứ không phải do Đảng Cộng sản Trung Quốc. Nhưng vấn đề vào thời điểm đó là, liệu đồng chí Mao Trạch Đông có nên đến Trùng Khánh hay không. Nếu không, người ta cho rằng đảng Cộng sản Trung Quốc chịu trách nhiệm cho cuộc nội chiến.
Vì vậy, bây giờ các ông thấy, những suy nghĩ của Khrushchev đều có nguồn gốc của nó. [Sau đó] Khrushchev làm cho người Trung Quốc giết người Ấn Độ, nên cuộc xung đột biên giới Trung-Ấn do Trung Quốc gây ra. Dĩ nhiên, Stalin không nói như thế. Cho nên đồng chí Mao Trạch Đông quyết định đi Trùng Khánh. Vào thời điểm đó, toàn bộ lập trường của ĐCSTQ đã thống nhất: các thông điệp phản đối các cuộc đàm phán được gửi từ mọi miền đất nước tới ủy ban trung ương. Nhưng đồng chí Mao, đồng chí Vương Nhược Phi (3) và tôi đã khởi hành. Lúc đó, đồng chí Mao bổ nhiệm Lưu Thiếu Kỳ để thay mặt mình. Chuyện này đã 22 năm rồi.
Kết quả của chuyến đi Trùng Khánh của chúng tôi là, một mặt, Tưởng ký thỏa thuận, và mặt khác, bắt đầu nội chiến. Sau khi ký, đồng chí Mao trở về vùng giải phóng và một nhóm đàm phán gồm ba người, Trương Trung Trị, [phái viên Mỹ, George C.] Marshall, và Chu Ân Lai vẫn ở Trùng Khánh. Nhiều cuộc đàm phán đã được tiến hành và nhiều thỏa thuận đã được ký. Nhưng tháng 7 năm 1946, Quốc Dân đảng phát động các cuộc tấn công quy mô lớn, trước hết là vào quân lính do đồng chí Trần Nghị chỉ huy ở vùng giải phóng của Bắc Giang Tô. Quân của Tưởng chiếm đóng một số thành phố, đặc biệt là Trương Gia Khẩu, Andong… Nghĩ rằng chắc chắn có thể giành chiến thắng, họ triệu tập hội nghị của Quốc hội bù nhìn mà không tham khảo chúng tôi. Chúng tôi, những người đàm phán, lúc đó trở lại Duyên An.
Đầu năm 1947, Hồ Tông Nam (4) tiến hành một cuộc tấn công vào Duyên An, và chưa đầy sáu tháng, vào tháng 7 năm 1947, ông ta chiếm các thị xã, thành phố trong khu vực này. Lúc đó, đồng chí Mao chỉ huy chiến tranh du kích ở Thiểm Bắc, đồng thời lãnh đạo cuộc đấu tranh trên toàn quốc. Tôi ở bên đồng chí Mao. Một bác sĩ Liên Xô (5) đi cùng chúng tôi lúc đó, chuyển một thông điệp từ Stalin, mong đồng chí Mao đến Moscow. Không biết tại sao, chúng tôi nghĩ rằng [họ muốn đồng chí Mao đi đến] đó là để thảo luận về việc tiến hành cuộc chiến. Tuy nhiên, do tình hình trong nước, đồng chí Mao không thể đi.
Ngay sau đó, chúng tôi nhận được tin quân đội dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lưu Bá Thừa (6) đã vượt sông Hoàng Hà và tấn công khu vực núi Đại Biệt [Sơn]. Điều này xảy ra chỉ một năm sau khi nội chiến bắt đầu. Trước đó, gần như tất cả các thành phố và thị đã được giải phóng [khỏi Nhật Bản] bị mất vào tay quân Tưởng. Cho nên, đa số quân của Tưởng lúc đó bận rộn trong các khu vực mới chiếm đóng.
Khi quân của Lưu Bá Thừa tấn công khu vực miền núi Đại Biệt [Sơn], điều này dường như đánh vào tâm can của Tưởng. Ông ta rất sợ hãi và đã phải sử dụng một mưu mẹo. Qua Tống Tử Văn, em trai của bà Tống Mỹ Linh (7), Tưởng đã gặp Federenko, lúc đó là Đại biện Liên Xô, yêu cầu Moscow thông báo cho ĐCS Trung Quốc rằng, ông ta sẵn sàng đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh. Vào thời điểm đó, mặc dù Tưởng bị đánh bại, nhưng ông ta vẫn còn hưởng lợi. Liên Xô chuyển thông điệp của ông ta cho chúng tôi và cho rằng chúng tôi nên đi đàm phán. Với Tưởng, chúng tôi không đóng cửa để đàm phán.
Khi tôi rời Nam Kinh vào cuối tháng 10 năm 1946, đồng chí Đồng Đổng Tất Vũ (8) rời Nam Kinh vào tháng 1 năm 1947, tôi nói đó là Quốc Dân đảng đã đóng cửa để đàm phán. Tuy nhiên, chúng tôi thấy rằng, sẽ là bất lợi nếu các cuộc đàm phán bắt đầu vào tháng 7 năm 1947. Bởi vì, như các ông đã nói, việc cân bằng lực lượng không có lợi cho chúng tôi. Kết quả là, chúng tôi tiếp tục chiến đấu cho đến năm 1949, năm mà chúng tôi có thể bảo đảm chiến thắng một cách quyết định.
Vào lúc đó, Tưởng đã rút lui và kêu Lý Tông Nhân (9) thay mặt ông ta đàm phán. Được thôi! Chúng tôi chấp nhận đàm phán và đưa ra một số nguyên tắc. Trương Trị Trung (10) đẫn đầu phía Quốc Dân đảng. Ông ta đến Bắc Kinh và các cuộc đàm phán diễn ra trong 20 ngày. Chúng tôi đề nghị [một dự thảo với] 8 chương và 24 điều khoản.
Trong khi đó, lực lượng vũ trang của chúng tôi đã sẵn sàng vượt sông Dương Tử. Nếu dự thảo được ký, sẽ không có chuyện gì xảy ra. Nếu không, chúng tôi sẽ vượt sông. Phái đoàn Quốc Dân đảng đồng ý ký vào bản dự thảo, nhưng khi đưa trở lại Nam Kinh, dự thảo đã bị Đại sứ Mỹ từ chối. Vì vậy, Lý [Tông Nhân] đã rút lui và một triệu binh sĩ của chúng tôi vượt sông Dương Tử.
Trong suốt chiến dịch, quân đội dưới quyền chỉ huy của đồng chí Lâm Bưu đã chiếm Vũ Hán. Có một tiến triển khôi hài: khi các cuộc đàm phán đang diễn ra, Lý Tông Nhân chuyển chính quyền của ông ta đến Quảng Châu, [và] Đại sứ Liên Xô đã đi với ông ta. Tuy nhiên, đồng nhiệm Mỹ vẫn ở lại Nam Kinh. Khi Nam Kinh được giải phóng, ông ta vẫn ở đó. Ông ta nói với một trí thức Trung Quốc rằng, nếu Chính phủ Cộng sản Trung Quốc muốn có quan hệ ngoại giao với Hoa Kỳ, thì Hoa Kỳ sẽ không rút Đại sứ quán khỏi Trung Quốc, và thậm chí sẽ là nước đầu tiên công nhận nước Trung Quốc mới và sẵn sàng viện trợ cho Trung Quốc trị giá $5 tỷ đô la. Đại sứ Hoa Kỳ muốn mua chúng tôi, nhưng quân giải phóng không quan tâm, đột kích khu dinh thự [sứ quán] và ông ta đã trốn thoát. Nước Anh thì ngớ ngẩn hơn, gửi một tàu chiến đến bắn vào chúng tôi. Chúng tôi đã kết liễu chiếc tàu này.
Tuy nhiên, ở mức độ nào, chúng tôi vẫn nghĩ rằng Stalin là nhà Marxist Leninist vĩ đại. Sau khi Thượng Hải được giải phóng, Lưu Thiếu Kỳ đã đến Moscow. Stalin đã tự phê bình – một cách ngấm ngầm – hỏi câu hỏi này: “Điện tín của tôi gửi hồi tháng 8 năm 1945 có gây cản trở cuộc chiến tranh giải phóng của các ông không?” Lưu Thiếu Kỳ trả lời “Không” và đã không nói thêm [điều gì] nữa. Có lẽ đồng chí Giang Thanh (11) cũng có mặt tại cuộc họp đó vì bà ta đang ở Moscow để trị bệnh.
Khi nâng cốc chúc mừng, Stalin thậm chí còn nói: “Bây giờ tôi đã quá già. Mối quan ngại của tôi bây giờ là, sau khi tôi chết, các đồng chí này – ông ta chỉ vào Voroshilov, Molotov và những đồng chí khác – sẽ sợ chủ nghĩa đế quốc“. Lý do Stalin nói như vậy là vì ông ta chưa hết lo lắng về bom nguyên tử. Nhưng có lẽ, vấn đề bom nguyên tử đã cho ra một số giải pháp như nó đã có vào thời điểm năm 1949, chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc 5 năm [trước], Cách mạng Trung Quốc đã kết thúc, nhưng Hoa Kỳ đã không sử dụng vũ khí nguyên tử. Điều mà Stalin đã nói bây giờ trở thành sự thật. Đó là để hỗ trợ quan điểm của tôi, rằng các ông càng đến gần chiến thắng, [các ông] sẽ càng bị những người xét lại Xô Viết phản bội cản trở – những người này chắc chắn không thể so sánh với Stalin. Có lẽ tôi hơi cường điệu. Sẽ tốt hơn nếu dự đoán này không thành sự thực. Nhưng tôi dựa trên kinh nghiệm quá khứ để cảnh báo các ông.
Võ Nguyên Giáp: Người ta nói rằng khi quân giải phóng đến sông Dương Tử, Stalin khuyên các ông không nên tiến thêm về phía Nam. Có thật vậy không?
Chu Ân Lai: Quân đội của chúng tôi tấn công Đại Biệt [Sơn] vào giữa năm 1947 và vượt sông Dương Tử vào năm 1949. Đại sứ quán Liên Xô cùng với Chính phủ [Quốc gia] của Lý Tông Nhân đến Quảng Châu. Lúc đó, Tưởng đã ở Ninh Ba. Đại sứ quán Mỹ vẫn ở lại Nam Kinh.
Đại sứ Mỹ ở lại Nam Kinh bởi vì ông ta hiểu rằng Tưởng không thể ngăn chúng tôi. Nhưng Liên Xô đã đi đến Quảng Châu bởi vì tình báo Liên Xô dự đoán rằng quân giải phóng không thể vượt sông Dương Tử. Theo họ, nếu chúng tôi làm như thế, Mỹ sẽ can thiệp, và sử dụng bom nguyên tử. Vì vậy, họ tin rằng sông Dương Tử cuối cùng sẽ là đường phân chia: miền Bắc sẽ do ĐCS Trung Quốc kiểm soát và miền Nam do Quốc Dân đảng. Mỹ thì nghĩ khác: nếu họ hỗ trợ Tưởng, tình hình sẽ không khác hơn. Nếu họ can thiệp, họ sẽ có thêm một gánh nặng khi các vấn đề châu Âu đã không được giải quyết.
….
Chu Ân Lai: Bây giờ tôi chuyển sang vấn đề thứ hai. Các ông đã nghe nói về những sự cố gần đây ở Battambang. Người ta nói rằng điều này là do các phần tử đỏ (Khơ me Đỏ?) [lực lượng Campuchia] gây ra. Tuy nhiên, có lẽ nó đã được gây ra bởi các lực lượng do Mỹ hậu thuẫn với mục đích chia rẽ các lực lượng của chúng ta (12).
Phạm Văn Đồng: Có thể lắm. Khu vực này dưới sự ảnh hưởng của nhóm Sơn Ngọc Thành (13) đến từ Thái Lan.
Trần Nghị: Không phải dưới sự ảnh hưởng của Đảng Campuchia?
Phạm Văn Đồng: Liên quan đến Đảng Campuchia, chúng tôi không thể nói liệu họ có bất kỳ vai trò nào [trong sự cố này] hay không.
Chu Ân Lai: Có nghi ngờ nào về vũ khí chúng tôi gửi cho các ông qua đường Campuchia đã được Đảng Campuchia phân phát cho người Trung Quốc [sống ở Campuchia] hay không?
Phạm Văn Đồng: Không, có lẽ đây là vũ khí cũ. Nhưng chúng tôi không chắc lắm. Khi chúng tôi trở về Hà Nội, chúng tôi sẽ hỏi và sau đó thông báo cho các ông về điều này.
Chu Ân Lai: Ngày 30 tháng 9, Douc Rasy, Phó Thủ tướng Campuchia nói rằng, Lon Nol có thể cải tổ nội các của ông ta. Sihanouk đã từng nói rằng Lon Nol nên mời một số phần tử đỏ (Khơ me Đỏ?) vào nội các, theo đó Chau Seng (14) sẽ được bổ nhiệm làm phó thủ tướng phụ trách tài chính, So Nem (15) sẽ thay thế Douc Rasy và sẽ là Bộ trưởng Bộ Kế hoạch. Có lẽ So Nem thật sự là một người tả khuynh, vì vậy ông ta đã bị từ chối. Chau Seng thuộc phe Sihanouk. Tuy nhiên, ông ta được cho là tả khuynh. Ông ta cũng nói rằng, nội các Lon Nol phải được cải tổ. Ông ta đề nghị một danh sách các ứng cử viên nhưng Lon Nol không đồng ý. Thông tin này do Meyer (16) tiết lộ. Nếu nội các Lon Nol sụp đổ, Sihanouk sẽ mời Penn Nouth (17) là người trung lập, để thành lập chính phủ.
Vào ngày 4 tháng 4 năm 1967, Quốc hội Campuchia đã tổ chức một phiên họp khẩn cấp. Một nghị quyết cho phép Sihanouk có đặc quyền đã được thông qua sau các cuộc tranh luận nảy lửa. Một số người đã tổ chức biểu tình ở trước Cung điện Hoàng gia. Sau đó họ được mời vào bên trong cung điện và đã được hoàng hậu đón tiếp. Sihanouk công bố nghị quyết Quốc hội và nói rằng ông ấy đã được xác định là người trung lập, chống cả những người cánh tả lẫn cánh hữu.
Đại sứ quán của chúng tôi đi đến kết luận rằng ông ta chủ yếu chống những người cánh tả. Nhưng tại sao ông ta bổ nhiệm Penn Nouth để lập chính phủ? Có một số mâu thuẫn ở đây. Sau đó, hoàng hậu kêu gọi người dân đoàn kết chống lại kẻ thù. Tại tỉnh Kamdan, đã có truyền đơn chống lại Khimsamthan người có thể là cánh tả. Và tại Kompong Chom và Stungstreng, đã có các cuộc biểu tình ủng hộ chính sách Sihanouk chống lại những người cánh tả.
Tóm lại, tình hình vẫn đang thay đổi sau sự kiện Battambang. Ở Campuchia, có hai nội các: một nội các chính thức và một nội các vô hình. Nội các vô hình đã viết: “Đất nước chúng ta đang bị đe dọa. Việt Minh đang mở mặt trận ở Battambang. Chúng ta phải đối phó với kẻ thù ở hai mặt trận: chống lại người Khmer cấp tiến và chống lại các phần tử Đỏ (Khơ me Đỏ?). Trong quá khứ, Chính phủ Campuchia chỉ chiến đấu chống lại đế quốc Mỹ và bây giờ còn có đế quốc Cộng sản. Thái độ của chúng ta đối với những người Cộng sản luôn đúng. Vậy tại sao bây giờ họ lại tấn công chúng ta?”
Tại sao Campuchia có thái độ như thế đối với Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam? Lý do mà tôi thấy đó là: Mặt trận Dân tộc GPMN cố gắng để kéo quân Mỹ đến biên giới Campuchia, làm cho lính Campuchia bắn vào họ (lính Mỹ), do đó làm cho Campuchia tham gia vào cuộc chiến. Mặt trận Dân tộc GPMN cố tình ra lệnh cho hơn 2.000 người đến Campuchia tị nạn. Có 7 bác sĩ hoạt động trong số những người này, để chăm sóc y tế và tác động đến người Campuchia.
Lon Nol bị những người cánh tả chỉ trích và ông ta cũng không hài lòng. Lon Nol nói rằng vì tình hình nghiêm trọng, ông ta ngưng giúp Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam. Tuy nhiên, ông ta không đề cập vũ khí đã đến Campuchia. Ông ta cũng ngưng vận chuyển gạo. Ngoài ra, Lon Nol ra lệnh kiểm soát chặt chẽ về buôn lậu biên giới để đe dọa Mặt trận Giải phóng miền Nam. Tuy nhiên, điều này chỉ mang tính hình thức, thực chất không có gì quan trọng.
Võ Nguyên Giáp: Một số trường hợp xảy ra gần đây ở khu vực biên giới giữa miền Nam Việt Nam và Campuchia. Gồm có: một cuộc tấn công do một tiểu đoàn Mỹ vượt biên giới. Lực lượng Quân Giải phóng của chúng tôi đã giúp các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang Campuchia chống trả lại. Các tiểu đoàn Mỹ đã phải rút lui. Trong Chiến dịch Junction City của Mỹ, thường dân và quân đội Việt Nam di tản sang Campuchia.
Phạm Văn Đồng: Một số bác sĩ y tế Việt Nam đến đó để điều trị cho người dân [Campuchia]. Tuy nhiên, chúng tôi phải rất cẩn thận về vấn đề này.
Chu Ân Lai: Đúng vậy. Bởi vì hiểu lầm có thể bắt nguồn từ những vấn đề nhỏ. Theo các nguồn tin của chúng tôi, những người đại diện của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam, với chỉ thị từ Mặt trận, gặp gỡ đại diện của phe “nhân dân” ở Campuchia (Ghi chú của biên tập: Khmer Đỏ, do Pol Pot lãnh đạo) và trao đổi ý kiến với họ về tình hình ở Campuchia. Bất đồng chủ yếu về chính sách đối phó với Lon Nol. Chúng ta chinh phục tình cảm của Lon Nol, nhưng họ phản đối ông ta. Đấu tranh có thể được gia tăng, nhưng không cần thiết tiến hành đấu tranh vũ trang ở Campuchia. Vào lúc này, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam là chiến thắng.
Nếu các khu vực biên giới Việt Nam – Campuchia bị phong tỏa, các lực lượng vũ trang ở miền Nam Việt Nam sẽ phải đối mặt với khó khăn, [và] lúc đó lực lượng cách mạng Campuchia sẽ không tiến lên. Cuộc đấu tranh của Việt Nam là vì lợi ích chung của các dân tộc Đông Dương và Đông Nam Á, và chiến thắng của cuộc đấu tranh này mang tính quyết định. Trong trường hợp này, đấu tranh của Campuchia, thậm chí đấu tranh vũ trang, hạn chế các mục tiêu. Vì vậy, ngay cả trong trường hợp có được chiến thắng, chiến thắng đó cũng bị hạn chế, về bản chất không dứt khoát, chưa nói đến việc những chiến thắng đó có thể bị mất dễ dàng. Vì vậy, về vấn đề này, phải biết làm thế nào để đặt lợi ích tổng thể lên trên những hạn chế.
Tuy nhiên, nếu cuộc đấu tranh này khởi đầu từ người dân, thì câu chuyện sẽ khác đi. Trong trường hợp đó, cuộc đấu tranh này không thể chống lại được, bởi vì tự nhiên người dân sẽ đứng lên chống lại áp bức. Họ sẽ phải trải qua đàn áp, nhưng họ cũng sẽ học những bài học. Công việc của một đảng cách mạng là lãnh đạo cuộc đấu tranh. Tóm lại, trong trường hợp cuộc đấu tranh của nhân dân miền Nam Việt Nam thành công, có hy vọng cho cuộc đấu tranh ở Campuchia. Lý luận này nên được thể hiện rõ ràng cho phe “nhân dân” ở Campuchia.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi thường cố gắp thuyết phục họ. Và chúng ta phải tiếp tục làm như vậy.
Chu Ân Lai: Đúng vậy, như mỗi bên đều có sự độc lập của nó.
Võ Nguyên Giáp: Nhưng trước khi họ đồng ý với chúng tôi.
Phạm Văn Đồng: Chúng tôi vẫn không biết rõ, ở mức độ nào thì cuộc đấu tranh được tổ chức, và ở mức độ nào thì bị khiêu khích bởi kẻ thù.
Võ Nguyên Giáp: Các đồng chí của chúng tôi ở miền Nam đã gửi người đi nói chuyện với phe “nhân dân”.
Phạm Văn Đồng: Thông tin Mặt trận Dân tộc Giải phóng liên lạc với phe “nhân dân” là đúng, bởi vì chúng tôi yêu cầu Trung ương Cục miền Nam liên hệ trực tiếp với phe này.
Chu Ân Lai: Đồng chí Nguyễn Thương (18) nói rằng, cần phát triển quan hệ tốt đẹp với Campuchia. Tôi thấy hai khả năng. Một là, Sihanouk sử dụng tình hình này để gây áp lực lên các lực lượng cách mạng Campuchia nhằm cân bằng các lực lượng cánh tả và cánh hữu. Đây là chiến thuật mà ông ấy thường sử dụng đến. Hai là, cho thấy chính sách trung lập của ông ta: tất cả các lực lượng ở Campuchia, dù là thân Trung Quốc và thân Việt Nam hay thân Mỹ, đều do ông ta kiểm soát. Nói chung, như tôi đã nói với các ông trước đây, chúng ta phải chinh phục tình cảm của ông ấy, đồng thời sẵn sàng cho việc cung cấp hàng hoá qua ngả Campuchia khi tình hình cho phép. Do đó cần phải duy trì liên lạc thường xuyên với Tổng Tham mưu Trung Quốc và Bộ Giao thông Vận tải và Truyền thông.
————————————————-
Ghi chú:
1. Tống Tử Văn: là em vợ của Tưởng Giới Thạch và là Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao Trung hoa Dân quốc.
2. Lục Định Nhất: là ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị ĐCS Trung Quốc, ủy viên Ban Bí thư Trung ương Đảng, Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền Trung ương ĐCS TQ, và Phó Thủ tướng Trung Quốc cho đến khi bị thanh trừng hồi đầu năm 1966.
3. Vương Nhược Phi: là ủy viên Bộ Chính trị ĐCS TQ, đã chết trong một tai nạn máy bay năm 1946.
4. Hồ Tông Nam: là một trong những vị tướng hàng đầu của Quốc Dân đảng.
5. A.Y. Orlov (? -1949): còn có tên là Zhelepin và Terebin, viên chức tình báo quân đội Xô Viết, đã từng phục vụ như người liên lạc với lãnh đạo ĐCSTQ ở Úc Nam và sau đó ở miền bắc Sơn Tây và Hà Bắc.
6. Lưu Bá Thừa: là một trong những người chỉ huy quân sự quan trọng nhất của ĐCSTQ trong nội chiến Trung Quốc 1946-1949.
7. Tống Khánh Linh: là vợ của Tôn Trung Sơn và là chị vợ của Tưởng Giới Thạch. Bà là thành viên duy nhất trong gia đình họ Tống ủng hộ Cộng sản.
8. Đổng Tất Vũ: trong thập niên 1940, là ủy viên Bộ Chính trị và là Phó Tổng Bí thư Văn phòng phía Nam của ĐCSTQ, đứng hàng thứ hai sau Chu Ân Lai.
9. Lý Tông Nhân: quyền tổng thống của chính phủ Trung Hoa Dân quốc năm 1949 sau khi Tưởng Giới Thạch từ chức của vào tháng Giêng năm đó.
10. Trương Trị Trung: là trưởng phái đoàn đại diện cho Chính phủ Quốc gia tại các cuộc đàm phán hòa bình với Trung Cộng vào mùa Xuân năm 1949.
11. Giang Thanh: người vợ thứ ba của Mao Trạch Đông (vợ thứ tư, nếu tính luôn bà La Thị do cha mẹ Mao cưới ở quê nhà, nhưng không sống chung), đang ở Moscow để chữa bệnh hồi mùa Hè năm 1949.
12. Tham khảo “cuộc nổi dậy Samlaut” đầu năm 1967 ở tỉnh miền Tây Battambang, được nhắm tới chống lại chủ trương của Lon Nol, lúc đó là thống đốc tỉnh, thu mua lúa gạo với giá rất thấp so với giá thị trường.
13. Sơn Ngọc Thành: lãnh đạo phong trào quốc gia nhỏ ở Campuchia hồi thập niên 1930, giữ chức Thủ tướng trong một thời gian ngắn từ tháng 8 đến tháng 10 năm 1945, chống lại Thái tử Sihanouk trong thập niên 1960, và làm thủ tướng một lần nữa dưới thời Lon Nol từ tháng 3 đến tháng 10 năm 1972.
14. Chau Seng: chính trị gia cánh tả Campuchia.
15. Sơn Ngọc Minh (Achar Mean) (1920-1972), một tu sĩ Phật giáo Campuchia, bút danh của ông được lấy từ hai người anh hùng của ông ta là Sơn Ngọc Thành và Hồ Chí Minh khi ông tham gia cuộc đấu tranh chống Pháp. Chủ tịch Mặt trận Issarak Khmer hồi thập niên 1950. Sau Hiệp định Geneva năm 1954, ông và 500 người Campuchia khác sống lưu vong ở miền Bắc Việt Nam. Nhiều người trong số họ đã trở lại chiến đấu chống lại Khmer Đỏ năm 1971-72, và biến mất ngay sau đó. Tin đồn ở Việt Nam là Sơn Ngọc Minh đã bị Ieng Sary đầu độc chết tại Bắc Kinh.
16. Charles Meyer: một cố vấn thân cận của Sihanouk.
17. Penn Nouth (1906 – 1985): là cố vấn chính trị thân cận nhất của Sihanouk, làm thủ tướng 1948-1949, 1952-1955, 1958, 1961-1962, và 1967-1969. Ông cũng đứng đầu Chính phủ Hoàng gia Liên minh các Dân tộc Campuchia, thành lập tại Bắc Kinh hồi tháng 5 năm 1970 và chào đón Sihanouk khi ông ta trở về Campuchia năm 1975.
18. Nguyễn Thượng: làm nghề ngoại giao và luật sư, sau khi làm đại sứ ở Guinea, trở thành đại diện Bắc Việt ở Campuchia vào năm 1966, và là đại sứ khi Bắc Việt công nhận Campuchia vào tháng 8 năm 1967. Phục vụ cho đến 1975 (từ năm 1970 với Chính phủ Hoàng gia Liên minh các Dân tộc Campuchia – GRUNK – của Sihanouk). Sau đó làm Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam (đến năm 1989).