Nhịp cầu nối hai thế hệ
Hợn một năm rồi tôi đi “du thuyết” đến nhiều thành phố từ Đông chí Tây ở Hoa Kỳ để kêu gọi mọi người Việt đầu tư cho tương lai của chính cộng đồng nơi mình sinh sống. Việc này cần làm trước khi quá trễ: lớp người chủ lực trong các sinh hoạt cộng đồng trong 36 năm qua đang lùi nhanh vào bóng tối, trong khi ấy cộng đồng chưa có một kế hoạch đáng kể nào để chuẩn bị cho thế hệ tiếp nối. Thiếu sự tiếp nối thì bất luận theo đuổi lý tưởng nào hay mục đích gì, chúng ta cũng sẽ đi vào ngõ cụt.
Thật bất ngờ khi thông điệp “đầu tư cho tương lai” ấy được một số phụ huynh đón nhận trong cách nhìn khác: qua đó họ thấy cơ hội để bắc nhịp cầu cảm thông và hợp tác giữa cha mẹ và con cái khi chung vai sát cánh phục vụ cộng đồng.
Tại buổi tiếp xúc với đồng hương ở San Jose, một cụ bà ngoài 80 tâm tình: “Tôi đi nghe để rồi về nhà kêu gọi mấy người cháu nội, ngoại tham gia”.
Ở Houston, ở Bắc Virginia, ở Philadelphia, ở Dallas, v.v. tôi cũng đã gặp những bậc ông bà, cha mẹ đi tìm cơ hội cho con, cháu tham gia sinh hoạt cộng đồng cùng với họ.
Trong nhiều gia đình Việt ở xứ Mỹ hố ngăn cách giữa trẻ và già ngày càng sâu. Con cái lớn lên, chúng có đời sống riêng. Cha mẹ ít có dịp truyền thông với con cái, kể chi ông bà với cháu nội, ngoại.
Trước viễn tượng ấy, một số phụ huynh đã nhìn thấy “đầu tư cho tương lai” cộng đồng có thể tạo nhịp cầu nối họ với con cái. Khi trao đổi về công việc, khi chia sẻ niềm hứng khởi, hoặc ngay cả khi bàn luận về những trở ngại, cha mẹ có cơ hội để đến gần với con cái. Quan hệ cao thấp khi con cái còn bé sẽ chuyển thành quan hệ hợp tác bình đẳng giữa những người đồng tâm đồng chí.
Hưởng ứng thông điệp “đầu tư cho tương lai” một người mẹ và cô con gái từ San Diego cùng nhau đến Bayou La Batre, Alabama để tình nguyện giúp những đồng bào bị ảnh hưởng bởi nạn dầu tràn. Tôi cũng lại thấy cả gia đình quây quần với nhau quanh dự án giúp trẻ em thuộc gia đình nghèo khó. Và rồi cũng có cặp vợ chồng sau hơn 20 năm biệt tăm với sinh hoạt cộng đồng, nay cảm thấy trách nhiệm hỗ trợ cho cô con gái đi làm việc nghĩa.
Sau mỗi buổi nói chuyện, nhiều người trẻ đã đến chia sẻ riêng với tôi niềm phấn khởi và xúc động khi biết rằng bậc cha anh để ý đến niềm trăn trở của họ và quan tâm đầu tư vào họ. Và có gì quý bằng khi sự để ý và quan tâm ấy đến từ chính cha mẹ của mình.
Sau mỗi buổi nói chuyện, nhiều người lớn cũng đến bày tỏ với tôi niềm hân hoan góp một bàn tay yểm trợ cho giới trẻ, trong đó có chính con cái của họ. Có bà mẹ đã nhắn nhủ với tôi: “Anh hãy giúp cho em nó một hướng đi. Chúng tôi cổ lỗ không biết phải làm sao.” Có người cha cho biết, sau buổi nói chuyện đã về nhà căn dặn con cái: “Ba muốn cả nhà mình cùng hợp tác trong một dự án chung, để còn có dịp cho ba mẹ nói chuyện với các con.”
Những dự án cụ thể và thiết thực ở ngay địa phương tạo điều kiện dễ dàng cho cả gia đình cùng tham gia, chia sẻ, hợp tác. Trong ý nghĩa ấy, đầu tư cho tương lai của cộng đồng có tác dụng duy trì giềng mối của gia đình.
Ngày 2 tháng 7 tới đây khoảng hai trăm người, hưởng ứng lời kêu gọi “đầu tư cho tương lai”, sẽ hội tụ về thủ đô Hoa Thịnh Đốn để cùng nhau đề xuất một kế hoạch 10 năm để thăng tiến cộng đồng. Trong số ấy có những trường hợp cha mẹ, con cái đã ghi danh cùng tham dự. Tôi mong rằng sẽ có thật đông những trường hợp như vậy.
Đầu tư cho cộng đồng cũng là đầu tư cho chính gia đình mình. Đó là một khám phá lý thú nằm ngoài dự liệu của tôi khi khởi đầu chuyến “du thuyết” cách đây hơn một năm.
© Nguyễn Đình Thắng
[Để ghi danh tham dự Hội Nghị Lãnh Đạo Người Mỹ Gốc Việt, xin vào trang mạng: vasummit2011.org.]
Nguồn: machsong