Viết về danh nhân thế kỷ 21: Steve Jobs
Ngày ấy đã đến rồi…
…Nhưng quả táo còn cắn dở dang.
Với quả táo cắn dở dang, không hề liên quan gì đến khoa học, chẳng ăn nhằm gì đến điện toán, cha đẻ của nó, anh chàng học hành cũng dở dang đã làm thay đổi thế giới chúng ta đang sống.
Chúng tôi có đứa cháu vợ sinh quán Rạch Giá lưu lạc bên Toronto, xứ Canada mới qua chơi Bay Area.
Toàn thể 9 quận với hơn 200 thành phố quanh vịnh Cựu Kim Sơn, cháu chỉ nhớ có San Francisco, San Jose và sau cùng là Cupertino.
Tại sao Cupertino? Đó là thành phố đặt bản doanh của Apple. Xem ra thế hệ mới của nhân loại ngày nay anh nào cũng biết hãng Apple.
Hiện nay cơ sở của Apple cũng đã được coi là tân kỳ nằm ở phía Tây Nam xa lộ 280. Nhưng rồi đây bản doanh mới như một phi thuyền vĩ đại hình tròn sẽ hạ cánh xuống phía Đông Bắc xa lộ 280 để trở thành tân vương quốc Apple. Từ cảm hứng của Ngũ Giác Đài, nhà tỷ phú điện tử đã lựa chọn một kiến trúc 3 tầng quay vòng tròn để làm kinh đô cho Apple. Cung điện này sẽ là nơi làm việc của 13 ngàn nhân viên với 10,000 chỗ đậu xe. Đặc điểm quan trọng nhất của Apple là tìm tòi khai phá, nên Steve đã dành 300,000 square feet làm khu vực Research.
Tuy nhiên quốc vương của Apple là Steve Jobs chỉ mới được coi các công trình qua hình ảnh. Bởi vì ngày ấy của ông đã đến rồi.
Một đời bất hạnh
Tháng 8-2011 vừa qua giám đốc công ty Apple, ông Steve Jobs loan báo trong thư từ chức gửi cộng đồng điện toán.
Thư rằng : “Tôi đã từng nói, ngày nào không còn làm tròn bổn phận, sẽ là người đầu tiên thông báo cho các bạn biết.
Thật buồn là ngày đó đã đến.”
Trong thư ông đề cử phó giám đốc lên thay và ông tự đề nghị mình vào chức chủ tịch hội đồng quản trị.
Trên thực tế, từ mấy tháng gần đây, vị phó giám đốc của Apple đã chính thức đảm đang mọi việc. Chức vụ mà ông Jobs làm chủ tịch hội đồng quản trị cũng chỉ là hình thức danh dự.
Cuộc đời ông đang ở những ngày tháng sau cùng vì bệnh ung thư gan đã đến lúc không còn cứu chữa được nữa.
Nhà tỷ phú danh tiếng nhất trong thế giới điện tử thực sự đã sống một cuộc đời bất hạnh và sự đau đớn sau cùng ngoài bệnh tật thì phải kể đến là cuộc đời vắn số. Mới ngoài 50, với sự nghiệp vĩ đại, bộ óc phi thưòng, tư duy xuất sắc và gia tài gần 10 tỷ mỹ kim, phải ra đi quả thực là đại bất hạnh.Tin sau cùng cho biết, ông đang chuẩn bị ra đi.
Những phát minh vĩ đại
Steven Paul “Steve”Jobs sinh ngày 24 tháng 2-1955. Cùng với 2 người bạn từ cuối thập niên 70 đã hoàn thành dự án thương mại với phát minh máy điện toán cá nhân Apple II. Đây là một bước tiến vĩ đại của nhân loại đi từ các máy điện toán khổng lồ IBM dùng trong quốc phòng và kỹ nghệ trở thành computer đem đến mỗi nhà. Qua đầu thập niên 80 với máy Macintosh và con chuột ra đời thì nhân loại đã thực sự bước vào thời đại điện tử. Thung lũng Santa Clara trong đó có San Jose và Cupertino đã trở thành thung lũng điện tử. Người Việt tỵ nạn không những đến từ Việt Nam, từ các trại tỵ nạn qua San Jose mà cả ngàn người từ các tiểu bang khác cũng dọn về Bắc Cali để đi làm điện. “Ở đây chồng tếch vợ ly, cùng làm một síp còn gì sướng hơn.”
Năm 1985 Steve bất đồng ý kiến với hội đồng quản trị công ty Apple bèn tách ra lập công ty mới. Sau đó ông trở thành người khai phá con đường dùng computer trong các phim hoạt họa và là thành viên của công ty Disney Land. Ông cũng trở lại làm giám đốc Apple đưa công ty này lên tột đỉnh vinh quang với nhiều sáng chế mỗi năm cho đến khi mới loan báo từ chức.
Về phương diện cá nhân, Steve Jobs có gia đình, 4 con. Cư ngụ tại Palo Alto, California. Lương trung bình 1 triệu 1 năm nhưng ngoại bổng thì vô kể. Tài sản hiện tại trên 8 tỷ mỹ kim, nguồn gốc lai Trung Đông, mang quốc tịch Mỹ, theo đạo Phật.
Ra đời dưới một ngôi sao xấu
Cậu bé Steve Jobs không phải là người thuần chủng Hoa Kỳ. Cha ruột là Abdulfattah John Jandali người Hồi giáo xứ Trung Đông Syrian. Mẹ ruột là Joanne Simpson.
Gia đình không chấp nhận cuộc hôn nhân của cha mẹ nên cô gái mang bụng bầu về sanh tại San Francsico và đem đứa con trai cho ông bà mẹ nuôi. Cha mẹ nuôi là Paul và Clara Jobs, cư ngụ tại Mt.View.
Lúc còn nhỏ cậu bé Steve học tiểu học và trung học tại Cupertino. Sau đó ghi danh học Reed College tại Portland được đúng 1 semester rồi bỏ ngang. Cuộc sống thời niên thiếu của Steve hết sức nghèo khổ. Ngủ tại sàn garage bạn bè, đi nhặt lon bán kiếm sống và ăn cơm homeless tại chùa Hare Krihna.
Ông Jobs có lúc nói rằng nếu ông theo học đại học chăm chỉ thì không có computer Mac ra đời.
Phải chăng vì hoàn cảnh sinh ra từ gia đình một di dân bất hạnh, nuôi dưỡng bởi một gia đình nghèo túng đã dẫn dắt Steve Jobs đến con đường vinh quang hiện nay.
Con người ảnh hưởng đời sống nhân loại
Cuối thế kỷ 20 nhân loại bước vào thời đại máy điện toán cá nhân. Mọi người bắt đầu một cuộc sống khác. Cuộc sống trong thế giới ảo. Click một cái, cả thiên đường và địa ngục hiện ra. Máy điện toán là nơi tập trung kiến thức của cả tỷ người góp lại từ cả thiên thu lịch sử. Màn hình hiện lên mọi tin tức thông thái và đem đến cả tin tức ngu dốt và rất nhiều ngộ nhận. Con đường điện toán đã có biết bao nhiêu đóng góp của thiên tài trong nhân loại. Tuy nhiên trước sau cho đến bây giờ chỉ có một người nổi bật nhất, đó là Steve Jobs. Một người sắp chết. Cha không nhận con. Mẹ bỏ con một mình. Bán lon coke để lấy tiền mua coca. Ăn cơm chùa trở thành theo đạo Phật. Chỉ vì lưu lạc lang thang không có tiền học nên túng quẫn phải tìm đường trở thành thiên tài điện tử.
Khi trở thành danh tiếng vang lừng thì buồng gan đã chai cứng. Khi trở thành tỷ phú thì thân thể đã tàn phai. Tiền rừng bạc bể nhưng ăn mặc vẫn như homeless muôn đời. Được cả thế giới thương yêu nhưng người thân cận làm việc bên cạnh, ai cũng nói đây là một ông chủ xấu tính nhất địa cầu. Học hành chẳng ra sao nhưng được các đại học danh tiếng thế giới mời tới để trao bằng tiến sĩ danh dự đủ loại. Và quan trọng hơn hết là đọc diễn văn để dạy dỗ cho các tân khoa cao học tốt nghiệp đủ mọi ngành.
Và bài diễn văn quan trọng nhất Steve mới đọc tại đại học Stanford có tựa đề… Các bạn sẽ đoán xem. Phải chăng là điện toán thế kỷ 21, hay là ảnh hưởng của computer trong đời sống hiện nay? Không! Sai hết. Tựa của bài diễn văn lừng danh đó là :
How to live before you die. Sống ra sao trước khi chết
Trong bài đó có những câu hỏi. Anh làm gì nếu hôm nay là ngày cuối của cuộc đời. Với mầm ung thư trong người, với hoài bão mãnh liệt suốt từ năm 15 tuổi cho đến nay 56 tuổi, người thanh niên cao lênh khênh như cây sậy đó luôn luôn là người có thẩm quyền nhất để nói về đề tài sự sống và cái chết.
Với hàng ngàn khoa học gia trẻ tuổi trên thế giới, Steve là thần tượng về kỹ thuật, nhưng mọi người lại kính trọng ông về tư tưởng.
Ngày nay, không phải các chính khách lãnh tụ mới thay đổi cuộc sống, không phải các nhà văn hóa mới làm cuộc sống thay đổi, bây giờ là thời đại của các kỹ thuật gia làm cuộc đời chúng ta khác biệt.
Pascal đã nói, con người cũng chỉ là cây cỏ như muôn loài. Con người khẳng khiu như cây xậy. Nhưng con người là cây xậy có tư tưởng.
Một trong những người đó là Steve Jobs. Cây sậy có tư tưởng.
Ngày của ông đã đến, nhưng thời của Steve vẫn còn mãi mãi như kinh đô Apple dưới hình dạng phi thuyền hình tròn vĩ đại sắp hạ cánh xuống Cupertino vào những năm sắp đến.
Steve sẽ không thấy được vương quốc của ông, nhưng nhân loại sẽ có dịp thấy thành quả của quả táo cắn dở dang và đâu đó là những lon coca thu lượm lại để cho đứa bé trở thành một con người.
Thật lạ lùng khi Trung Đông nẩy sinh ra Bin Laden làm điêu đứng Hoa Kỳ. Trung Đông cũng tặng cho Mỹ quốc đứa con lạc loài Steve Jobs.
Rồi đây những bà mẹ Tầu Đài Loan ở Cupertino la mắng thằng con, mày bỏ học thì sau này thành thứ người gì? Đâu phải đứa nào bỏ học cũng thành Steve Jobs.
© Giao Chỉ – San Jose
© Đàn Chim Việt