Một tai nạn thảm khốc đã được dự báo trước
Ngày 7/11/2011, tiêu đề và hình ảnh của một tai nạn giao thông thảm khốc làm 13 người chết cháy khiến tôi bàng hoàng. Chiếc xe đò cháy rụi, chỉ còn một đống sắt vụn han rỉ, đen thui. Tôi nhìn mãi đống sắt vụn đó. Nhưng trước mặt tôi là hàng chục khuôn mặt đang kêu gào, la khóc thảm thiết chen chúc nhau cố tìm lối thoát. Hàng chục người chen chúc trên một chiếc xe đóng kín không cửa thoát hiểm. Hàng chục con người chen chúc nhau vượt quá số ghế hạn định trên một chiếc xe đã “bị” cải biên trái phép. Và những chiếc xe này lại được lái bởi những tài xế say rượu, bởi những tài xế mệt mỏi vì lái quá nhiều giờ trong ngày. Và đặc biệt, những chiếc xe khách đó thường xuyên được lái bởi những tài xế chạy ẩu, chạy vội, chạy vượt xe trước trên những quốc lộ chỉ có hai lằn đường, đặc biệt là quốc 1 Bắc Nam. Đó là những chuyến xe tôi đã đi. Và tôi gọi đó là những “ quan tài di động” được tổ chức bởi những “nhà quàn” đưa hành khách vun vút vội vàng trên những “con đường chạy tới nghĩa địa”
“Nhà quàn” đây không chỉ là chủ xe. “Nhà Quàn” đây còn là ban quản lý bến bãi, là cảnh sát giao thông. Nói tóm lại là chính quyền. Tại sao hàng ngày có vô số những chuyện tương tự liên quan tới sinh mạng người dân đang sờ sờ diễn ra trước mắt mọi người như thế mà chính quyền không có giải pháp, không quan tâm, trong khi họ lại nghĩ tới một chuyện vừa vớ vẫn vừa ngu xuẩn là “đưa vào nghị trình thảo luận của quốc hội DỰ LUẬT THƠ”!
Những “quan tài di động” là rất phổ biến thời “ngăn sông cấm chợ xã hội chủ nghĩa” của những năm trước 1990. Thời đó chỉ có những chiếc xe cũ rích còn lại từ “thời Mỹ Ngụy.” Những chiếc xe đã quá tuổi thọ được cải biến để tăng số ghế quá hạn định rồi lại chở số người quá số ghế. Những chiếc xe lúc nào cũng quá tải cho nên muốn lên được xe trước tiên phải giang hay tay cố bám vào cửa xe đã chật cứng người. Chiếc xe khởi hành lao đi vun vút với mấy thân người còn lắc lư ngoài cửa xe. Đó là một trong những hình ảnh tiêu biểu của nền “văn minh xã hội chủ nghĩa” du nhập từ miền bắc sau khi miền Nam được “giải phóng khỏi cuộc sống đói khổ bị kềm kẹp của Mỹ Ngụy.”
Bây giờ, hơn 20 năm sau khi tập tành đi vào kinh tế thị trường, tự do cạnh tranh, những chiếc xe cũ không còn nữa, nhưng vẫn là những “quan tài di động” kiểu mới.
Cách nay mấy năm, lần đầu tiên về nước tôi đi chuyến xe được gọi là “sang”, xe bus du lịch. Hồi đó thì loại xe này là sang thật, vì đắt tiền hơn những chuyến xe khách bình thường. Mặc dù vậy, giá cũng không đắt lắm cho nên dân chúng trong nước đi cũng nhiều.
Xe phải chạy đêm vì ban ngày luôn kẹt trên quốc lộ. Đây là một đặc tính của quốc lộ Việt Nam mà tôi đã đi đường bộ xuyên quốc gia qua gần 40 nước không một nước nào mắc phải. Trong những nước tôi đi qua đó kể cả Campuchia, Lào, và mấy quốc gia cực nghèo ở lục địa châu Mỹ, không có một nước nào có một quốc lộ chính mà hầu như toàn quyến chỉ có 2 lằn xe, khu gia cư lại lấn ra sát ven đường, và trên đường xe thì lúc nào cũng kẹt cứng. Trong khi đường chỉ dài có 1138 km (707 miles). Trong tình huống như thế, đối với chủ xe, chạy đêm là giải pháp đỡ tốn kém nhất.
Nhưng chạy đêm cũng có cái kinh hoàng của chạy đêm. Vì quốc lộ chỉ có 2 lằn đường cho nên muốn vượt xe trước thì phải lấn sang lằn đường trái chiều. Xe lao đi vun vút. Trong đêm tối, không thấy gì, nổi bật lên ở phía đối diện là duy nhất hai ngọn đèn xe sáng chói. Theo ước tính thì chiếc xe ngược chiều còn ở xa, tài xế xe lấn sang lề bên trái, tăng tốc cố vượt xe trước. Trong khoảng khắc, 2 ngọn đèn sáng chói ở phía đối diện đang mau chóng lớn dần. Lớn dần! Rõ ràng là 2 ngọn đèn sáng chói đang to dần đó đang lao ngược chiều về phía xe của tôi. Ngồi cạnh tôi là mấy tay tây ba lô Âu châu. Sợ quá họ nhắm nghiền mắt lại. Thời gian lúc đó sao lại chậm thế! Cuối cùng chiếc xe tôi đi cũng kịp vượt xe trước lách trở lại vào lằn đường của mình. Hai bóng đèn xe sáng chói trái chiều lao vụt qua. Kèm theo tiếng gió ào thổi là tiếng còi xe. Mấy tay tây balo cười nói với tôi, không đâu trên thế giới có những chuyến xe tử thần như thế. Chúng tôi nhìn nhau cười.
Năm 2010, tôi đi một chiếc xe “du lịch có ghế nằm” từ Đông Hà ra Hà Nội. Vì là khách đầu tiên nên tôi được nằm ở ghế đầu, thấy thoải mái. Khi xuống bến xe Hà Nội, không thấy một tây ba lô nào, tôi lấy làm lạ. Đi du lịch nhiều nơi trên thế giới, kể cả những nơi thiếu an ninh, tôi biết một nguyên tắc của dân du lịch nhà nghề là lúc nào và nơi nào thấy có tây ba lô là ở đó an toàn. Nhưng bến xe Hà Nội không có bóng dáng một tây đầm ba lô nào khiến tôi thắc mắc. Sự thắc mắc được giải đáp trên lượt về.
Tôi đã gọi điện thoại cho một hãng xe được quảng cáo là “xe du lịch có ghế nằm”. Tôi còn hỏi rõ xe 3 hàng ghế hay 5 hàng ghế thì được quả quyết chỉ có 3 hàng ghế thôi. Và tôi cũng yêu cầu đăng ký hàng ghế đầu. Nhưng khi tới nơi, tôi được nhà xe cho biết hàng ghế đầu hết rồi chỉ còn hàng ghế cuối. Đó là cách làm ăn tiêu biểu tại Việt Nam ngày nay: chữ “tín” hầu như không có trong tiếng Việt. Tôi cũng đành đi. Tôi muốn nằm ở hàng ghế trên cũng không còn chỗ. Đành chấp nhận “nằm” ở hàng ghế dưới. Và tôi bước lên xe. Ngập ngừng! Xe không phải chỉ có ba hàng ghế như cho biết mà là năm hàng ghế. Có nghĩa là “Nhà Quàn” họ kê ghế nằm cho khách ở cả hai dẫy đường đi. Vị chi trên sàn chiếc xe chật kín 5 hàng ghế cho tới cuối xe. Và bên trên là một “tầng” cũng 5 hàng ghế như vậy. Tôi không thể “đi” vào ghế của mình mà phải “bò”. Sự kiện này trong chuyến ra Hà Nội tôi không biết vì lần đó tôi được nằm ở hàng ghế đầu ngay sau tài xế. Vì ghế (giường ?) của tôi ở cuối nên tôi phải bò qua tất cả các hàng ghế (giường ?) nằm của những người khác mới tới “giường” của mình. Khi tới nơi rồi tôi phải nằm luôn, không thể ngồi được nữa, vì hàng ghế trên chỉ cách mặt tôi chưa tới 1 mét. Thế có nghĩa là xe nguyên thủy chỉ có một tầng ghế ngồi, bây giờ để tăng số khách “Nhà Quàn” họ hạ hàng ghế ngồi thành ghế nằm để có chỗ thiết trí thêm một hàng ghế nằm bên trên. Và dĩ nhiên khách nằm bên trên cũng không đủ chiều cao khoảng trống để ngồi mà họ cũng phải nằm suốt một đêm đi đường.
Cạnh tôi là một nữ hành khách khá xinh. Và giường “chúng tôi” sát nhau quá. Nằm yên chờ xe chạy mà thấy vừa “vui”, vừa buồn cười, mà vừa lo. “Vui” là vì được nằm sát một cô khách xinh như thế. Nhưng lo thì “hơi bị nhiều”. Xe chưa chạy nhưng nỗi lo mỗi lúc một tăng. Tôi muốn xuống trở lại đi tiểu cũng không được, vì sẽ làm phiền bao nhiêu khách họ cũng đã nằm yên vị rồi, chỉ chờ khách tới đủ là đi. Nằm bên cạnh mình là một phụ nữ đẹp nên thích thì thích thật nhưng cũng khổ là tôi cứ phải nằm ké né, ôm sát hai tay vào thân mình. Sợ lỡ “đụng” sang bên cạnh thì chết. Nhưng rồi đêm hôm thì sao? Lỡ mình ngủ quên vung tay sang bên cạnh thì sao? Hay là mình không vung tay sang bên cạnh mà cô gái đó biết mình là việt kiều nổi máu tham vu oán giá họa thì sao? Ai làm chứng cho mình? Bên cạnh nỗi lo đó là nỗi lo cũng lớn tương tự, nhỡ có tai nạn xe bị cháy thì sao?
Tôi đã trải qua kinh nghiệm hồi thập niên 1980, ở trại cải tạo Z30D Hàm Tân Thuận Hải, nằm trong nhà giam bằng tranh bị cháy bên ngoài rồi. Sáu chục con người la ó hoảng loạn trong căn nhà tranh đang bốc lửa trên mái mà mấy “ngài” quản giáo và trực trại nhất định không chịu mở khóa cho chúng tôi chạy ra. May nhờ mấy anh cũng tù cải tạo được làm trật tự hết lòng lấy nước dập tắt lửa. “Cách mạng” thực là nhân đạo! Cán bộ và quản giáo luôn bảo thế! Thật khủng khiếp. Nằm “bó mình” (chứ không phải chỉ bó gối), nhìn ngược lên cái “trần” là hàng ghế nằm bên trên gần ngay sát mặt mình mà lo lắng, phân vân. Tôi muốn ngộp thở. Nằm yên không nhúc nhích được, không quay trái phải được, vì hai bên đều có người, quay sang thì miệng mình sát vào mặt hay vào miệng người ta à? Nhìn ra ngoài cái cửa sổ xe bị che khuất bé hơn. Không nhìn thấy sinh hoạt gì bên ngoài, chỉ có một mảng mây nhỏ. Muốn đi xuống nhưng đây là chuyến chót trong ngày. Xe chạy đêm. Ngày mai nếu đi thì cũng lại chiếc “quan tài di động” tương tự. Không lối thoát.
Nhưng rồi như hiển hiện trước mắt hình ảnh 60 người tù cải tạo, trong đó có tôi, với những nét mặt kinh hoàng, hành động hoảng loạn, chen chúc nhau mà cảm thấy bất lực không biết làm gì để thoát thân trong khi ngọn lửa đang bốc cháy trên đám mái tranh phía cửa khiến tôi quyết định phải đi xuống. Mạng mình là quí. Không thể giao mạng mình cho một chiếc “quan tài di động” như đánh bạc thế này được. Tôi mạnh mẽ quyết định đi xuống và sẽ đi xe lửa chứ không bao giờ dám đi những chiếc “quan tài di động” như thế này nữa. Ra tới gần cửa xe, tôi ngồi dậy hỏi nhà xe lấy lại đôi giầy. Khi lên xe, vì quá chật nên nhà xe tổ chức thu các giầy dép vào một chỗ. Tôi vừa đứng dậy vừa hơi bực nói với lơ xe và tài xế, “đi xe như thế này như đi xe hòm ấy!” Lơ xe trả lời, “Xe như thế này mà ông nói xe hòm à?” Tôi định lấy máy ảnh chụp để làm tài liệu nhưng rồi sợ bị lơ xe hay tài xế hành hung nên thôi. Du lịch về Việt Nam cái gì cũng đáng sợ.
Con gái tôi còn ở miền Trung. Cô ấy có cửa hàng quần áo ở nhà nhưng thỉnh thoảng cũng phải đích thân ra Hà Nội gặp nhà sản xuất để xem mẫu mã mới. Tôi hỏi cô ấy cũng đi những chuyến xe như vậy sao thì cô ấy cho biết đâu còn loại xe nào nữa. Tôi hết hồn và dặn cô ấy, “Con à! Mạng mình là quí. Con không thể nào đánh cược mạng con cho những chiếc “quan tài di động” như vậy được. Đồng ý là con đi chưa có chuyện gì xảy ra, nhưng chưa chứ không phải là không. Lỡ xảy ra, xe bị cháy, thì chắc chắn con không còn lối thoát, chắc chắn sẽ chết.”
Tôi luôn nghĩ thế nào cũng có một tai nạn cháy chiếc “quan tài di động” này. Mà một khi chiếc “quan tài di động” như thế đã cháy thì chắc chắn chết. Ai mà thoát chết trong tai nạn cháy loại chiếc “quan tài di động” như thế phải nói là đại phước. Bây giờ mới có tai nạn thảm khốc như thế là quá muộn. Đáng lẽ tai nạn cháy chiếc “quan tài di động” phải xảy ra sớm hơn nữa và nhiều hơn nữa để thức tỉnh chính quyền phải mau chóng ban hành những qui định cấm cải biên các xe khách thành loại “quan tài di động” chật chội và chở khách gấp đôi số ghế dự định như thế. Trong khi đất nước có nhiều lãnh vực cần chính quyền và quốc hội ban hành những luật, những nghị định để bảo toàn mạng sống và quyền lợi người dân thì lại không làm. Họ lại đi làm chuyện “ruồi bu” là thảo luận DỰ LUẬT THƠ. Đúng là chỉ có tại Việt Nam Xã Hội Chủ Nghĩa!
© Nguyễn Tường Tâm
© Đàn Chim Việt
Tôi chịu nhất là câu viết này trong bài:
“Tại sao hàng ngày có vô số những chuyện tương tự liên quan tới sinh mạng người dân đang sờ sờ diễn ra trước mắt mọi người như thế mà chính quyền không có giải pháp, không quan tâm, trong khi họ lại nghĩ tới một chuyện vừa vớ vẫn vừa ngu xuẩn là “đưa vào nghị trình thảo luận của quốc hội DỰ LUẬT THƠ”!
Mặc dù mỗi năm các chị em phụ nữ VN đảm đang, trung hậu, anh hùng đã thi đua lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn bằng cách nạo phá thai quyết liệt , lọai khỏi vòng chiến đấu hơn 2 triệu sinh mạng của trẻ thơ. Nhưng Dân số VN bây giờ đã 90 triệu rồi. Tốc độ sinh đẻ còn rất cao cho nên việc mỗi ngày tai nạn giao thông chết năm bảy chục người , đâm chém nhau chết thêm mấy chục người nữa cũng là chuyện nhỏ rất nhỏ . Không có gì phải la lối cho ồn ào . Bây giờ bước ra đường cũng giống như xẻ dọc trường sơn đi kiếm chác. Ngày xưa thì B52 thổi tan xác còn bây giờ thì tan xác bởi xe điên . Đa số bằng lái xe ở VN đều là Bằng Mua cả. Có tiền là có bằng bất kỳ lọai bằng gì. Cho nên tai nạn giao thông ở VN đứng nhứt nhì thế giới là dễ hiểu và cũng rất đáng tự hào.
Xe cộ đã thế lại còn thêm tình trạng bị tai nạn gần chết nằm chèo queo trên xa lộ vẫn không xe nào dừng lại để đưa con người ta vào bệnh viện vì sợ họa lây…..Chỉ có người đứng xem…..Thật là vãi đái linh hồn…
Không phải như ở Tây Âu, thấy người bị nạn mà không dừng lại cứu cấp hoặc gọi cấp cứu sẽ bị đưa ra toà…
Cái này có phải gọi là vô cảm?
Chỉ đúng một phần : khi gặp tai nạn ,người ta nhào vô để hôi của , để cướp tài sãn của người bị nạn .
Đó là cách “trồng người” của chế độ Hồ chí Minh !
Người dân VN hiện nay khi ra đường như đánh cược số phận con người cho sự may rủi , hên xui …vì cái XHCN này xem mạng người không quang trọng bằng việc bảo vệ đảng cs của chúng !