Vịnh Hạ Long, Luật biểu tình,…và Hitler
Vịnh Hạ Long vừa được xếp (tạm thời) vào hạng bảy kỳ quan thiên nhiên thế giới trong một cuộc bầu chọn mà những người nghiêm túc và yêu khoa học không thể tán thành. Nhưng nếu coi cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long” vừa qua như một phép thử để đánh giá khả năng huy động, khống chế dư luận của chính quyền và đánh giá mức độ tiến bộ về nhận thức xã hội của dân chúng thì có thể thấy chính quyền vẫn còn mạnh ở mức gần như có thể tuyệt đối áp đảo mọi ý kiến trái chiều và nhận thức xã hội đã có sự tiến bộ nhưng vẫn còn rất non yếu. Bằng chứng cho hai nhận định này là việc gần như toàn bộ hệ thống truyền thông đại chúng và các cơ quan đoàn thể, chính trị, xã hội, kinh doanh, nhiều nhân vật “thành đạt” về học vị, chính trị và kinh tế trong xã hội từ trung ương tới địa phương đều tích cực tham gia “bỏ phiếu” (nhắn tin) ủng hộ cho “bầu chọn vịnh Hạ Long”. Và nhận thức xã hội đã tiến bộ là nhiều người đã nhận ra ngay tính chất thiếu đứng đắn, phi khoa học của cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long”, đã công khai bày tỏ bức xúc, chỉ trích, phản đối. Nhưng số lượng những tiếng nói “chống” còn quá ít và yếu so với số “ủng hộ” và (đương nhiên) không thể ngăn chặn được một sự huy động sức lực vô cùng quí giá của xã hội cho một việc tuyệt đối không trung thực ở cấp độ quốc gia.
Vậy với một không gian xã hội rộng như thế, một số lượng người lớn, đa dạng và phức tạp như vậy mà những người cầm quyền vẫn còn lèo lái, khống chế, hướng được tư tưởng, suy nghĩ và hành động của đa số để ủng hộ một vấn đề kỳ cục như vậy thì trong các không gian hạn hẹp hơn, với số lượng người ít hơn nhiều và đã được chọn lọc kỹ như Quốc hội, Chính phủ, Mặt trận Tổ Quốc, Hội Đồng Nhân dân, v.v thì khả năng khống chế tư tưởng, hành động của người cầm quyền chắc chắn cũng phải ít nhất, nói một cách hết sức thận trọng, là không thể kém hơn.
Như thế, với một chính quyền mà khả năng (và ý chí) khống chế tư tưởng, hành động của xã hội vẫn còn mạnh (vì còn kiểm soát gần như tuyệt đối các cơ quan thông tin, truyền thông, các lực lượng bảo vệ trật tự xã hội và pháp luật,…), cùng với một nhận thức tiến bộ nói chung của người dân vẫn còn ít (do bị chính quyền khống chế,…) và yếu (do rất thiếu các công cụ thể hiện như báo đài tư nhân hợp pháp, công khai,…) và hoàn toàn không có các phương tiện bảo vệ, hỗ trợ (tòa án, cảnh sát độc lập,…) thì mọi kết quả bầu chọn, đánh giá hay thậm chí cả trưng cầu dân ý (referendum) do chính quyền khởi xướng hay ủng hộ đều không thể tin cậy và (do đó) không nên trông chờ.
Vậy vấn đề đang “nóng” ở Quốc hội về việc tranh luận “nảy lửa” có nên đưa “Luật Biểu tình”, “Luật Hội” vào nghị trình của Quốc hội có xứng đáng được “nóng” lên trong dư luận như đang diễn ra hay không? Phải chăng đang có một chuyển đổi “dân chủ” thực sự trong Quốc hội? Hay đang có một ẩn ý nào muốn sắp đặt để hướng dư luận đến một hy vọng rằng cuối cùng Quốc hội cũng có một bước “tiến bộ” vượt bậc dám để cho các ý kiến đối lập được va chạm công khai, đáp ứng đúng khát khao đang muốn có thay đổi, muốn có “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” của nhiều người? Rồi có thể đa số của Quốc hội sẽ đưa vào nghị trình và thông qua các luật đó trong nay mai? Nhưng rồi thực tế sẽ cho thấy chính những “Luật Biểu tình” hay “Luật Hội” đó sẽ “trói”, “bắt” tất cả những ai muốn lập hội hay biểu tình thực sự? Tất nhiên, đến nay không ai có thể khẳng định “có” hay “không” cho những nghi vấn vừa nêu. Nhưng một khi ý kiến của các vị đại công thần còn bị hắt bỏ, những kiến nghị chính đáng của những người rất thân với Đảng còn không được hồi đáp hoặc người dân chỉ ngồi nói chuyện với nhau trong quán mà còn không được đảm bảo an toàn thì lấy gì để đảm bảo Đảng sẽ đồng ý cho Quốc hội thông qua những dự thảo luật đặt quyền lợi của dân lên hàng đầu? Và nếu như Quốc hội sẽ thông qua được những luật tiến bộ như thế thì người dân sẽ có phương tiện gì để bắt người nhà nước phải tuân thủ? Trong tình cảnh ngay cả mẹ đẻ (hiến pháp hiện thời) còn bị người ta khinh rẻ trăm điều thì sao có thể kỳ vọng những đứa con (các bộ luật) hay các bà mẹ khác (hiến pháp mới hoặc tu chính) sẽ được người ta tôn trọng, yêu mến?
Có thể nhiều người vẫn cảm thấy vui mừng và tự hào với danh hiệu “Top 7 Wonders” vừa có cho vịnh Hạ Long. Nhưng một danh hiệu thiếu trung thực không thể mang lại một sự yêu mến, tôn trọng. Có thể nhiều người đang thực sự hồi hộp và nóng lòng muốn có luật biểu tình, luật hội hay hiến pháp mới. Nhưng việc có luật biểu tình, luật hội hay thậm chí có một bản hiến pháp với tinh thần và những điều khoản rất dân chủ nhưng không gian trao đổi vẫn bị giới hạn, luồng thông tin và sự phản biện vẫn bị theo rõi và bóp nghẹt thì đó vẫn chỉ là điềm báo của lừa gạt, tai ương hơn là thiện ý, hạnh phúc. Loài người đã phải trả giá nhiều cho những âm mưu, vấp váp, ngộ nhận như thế. Luật thành văn hay hiến pháp dân chủ chưa phải là phương thuốc thiết yếu để ngăn chặn hay chữa trị độc tài mà có thể chính chúng còn tạo ra những chỗ núp đẹp và kín hơn cho những ý đồ thâm độc, những hành động tàn ác với con người. Chính thể Việt Nam Dân chủ Cộng hòa của Hồ Chí Minh những năm 1953-1959 và chính thể Third Reich của Adolf Hitler những năm 1933-1939 là những minh họa rõ ràng cho những bài học đau đớn đó của nhân loại.
18/11/2011
© Phạm Hồng Sơn
© Đàn Chim Việt
“Luật thành văn hay hiến pháp dân chủ chưa phải là phương thuốc thiết yếu để ngăn chặn hay chữa trị độc tài mà có thể chính chúng còn tạo ra những chỗ núp đẹp và kín hơn cho những ý đồ thâm độc, những hành động tàn ác với con người.”
Quý vị đừng nghĩ là thể chế dân chủ là 1 thể chế kiện toàn. Thể chế dân chủ có những “lỗ hổng” mà những kẻ ưa chuộng và cổ võ cho thể chế độc tài có thể “núp” kín. Vì trong 1 thể chế dân chủ, các tư tưởng (tốt xấu), lập ngôn, lập hội, etc., đều có thể cùng hiện hữu. Ý chính trong 1 xã hội dân chủ là quyền tự do lựa chọn, và dĩ nhiên là phải chịu trách nhiệm về những sự lựa chọn đó.
Cách hay nhất là nâng cao tầm hiểu biết (ie.,nâng cao dân trí) của đương sự, để đương sự có “đủ” kiến thức để có thể lựa chọn 1 cách khôn ngoan.
Dĩ nhiên, phạm trù bên ngoài bao bọc cái dân chủ đó là luật pháp. Luật pháp bảo vệ tất cả mọi người sao cho công bằng. Xin lấy 1 ví dụ. Ở Mĩ có hội theo khuynh hướng neo-Nazi (Tân Phát Xít), những người theo khuynh hướng này, và những người chống lại nó. Miễn là những người theo khuynh hướng neo-Nazi kô phạm pháp, chính phủ Mĩ sẽ kô làm gì họ. Quyền lợi của những người theo khuynh hướng neo-Nazi và những người khác đều ngang nhau.
Như vậy, ờ 1 nơi như Mĩ, 1 người theo CNCS và 1 người thường đều được đối xử ngang nhau trước pháp luật. Nếu người theo CNCS hiểu được, biết được CNCS là gì, có thể người đó sẽ hành xử theo lối khác. Một người CS ở Mĩ bây giờ cũng sẽ chẳng làm gì được, chẳng có thể ”rù quến” được ai.
Bưng bít thông tin, chính sách ngu dân, mị dân, xuyên tạc, chụp mũ, etc., ngày nay chẳng còn chỗ đứng đối với những người có hiểu biết.
Tác giả PHS đã đem chuyện bầu chọn vinh Hạ long ra để nói đến vấn đề áp đặt trong quốc hội, tôi e có cái gì đó khập khiễng.Với một chính thể độc đảng, độc tài thì chuyện áp đặt ở Quốc hội dễ như trở bàn tay, đâu cần gì phải huy động mọi phương tiện truyền thông.
Về chuyện bầu chọn Vinh Hạ long mang tính đại chúng, bên cạnh đó là lòng yêu nước và tự hào dân tộc, nên kết quả rất khả quan, mặc dù ta có thể không hài lòng với cách bầu chọn này vì tính thiếu trung thực của nó.
Tôi ví dụ nếu đưa ra câu hỏi: Trung quốc là bạn hay thù của nhân dân Việt nam?
Dù nhà nước có vận dụng hết công suất của truyền thông, kể cả quyền lực đen để kêu gọi nhân dân bỏ phiếu là “BẠN” thì số phiếu bầu là “THÙ” sẽ áp đảo. Chắc chắn là như vậy.
Vì vậy tôi nói Tác giả PHS khập khiễng là ở chỗ đó.
“Nhưng nếu coi cuộc “bầu chọn vịnh Hạ Long” vừa qua như một phép thử để đánh giá khả năng huy động, khống chế dư luận của chính quyền và đánh giá mức độ tiến bộ về nhận thức xã hội của dân chúng thì có thể thấy chính quyền vẫn còn mạnh ở mức gần như có thể tuyệt đối áp đảo mọi ý kiến trái chiều và nhận thức xã hội đã có sự tiến bộ nhưng vẫn còn rất non yếu.”
Ý chính của tác giả, theo như ttôi thấy, là hiện tượng thăm dò dư luận quần chúng qua việc “bầu chọn vịnh Hạ Long” và luật biểu tình của ĐCSVN.