Khủng hoảng Euro: Tình tiết như một vở kịch Hy Lạp (Greek drama)
Làm thế nào một nước nhỏ như Hy Lạp mà nền kinh tế trong Châu Âu chỉ bằng thành phố Miami so với Mỹ, lại có thể đe doạ làm sụp đổ toàn bộ khối Euro? Bài viết này sẽ phát hoạ vài nét đơn giản của một sự kiện vô cùng phức tạp vốn sẽ thành đề tài của vô số cuộc nghiên cứu trong tương lai.
Các nước Nam-Âu phát triển thấp nhưng nhờ nhập vào khối Euro 10 năm trước nên được vay mượn với lãi suất hạ ngang bằng với những nền kinh tế mạnh như Đức. Tiền của dễ dãi một phần cho nhà nước vay để trang trải chi phí an sinh xã hội, phần khác đổ vào địa ốc vì đây là những nơi nắng ấm phù hợp cho du lịch và hưu trí.
Năm 2007 khi cuộc khủng hoảng địa ốc nổ lớn tại Hoa Kỳ thì toàn bộ hệ thống tài chánh quốc tế xét lại gắt gao các khoảng cho vay, từ đó phát hiện ra là nhà nước Hy Lạp che giấu mức nợ so với GDP. Các chủ nợ hoảng hốt siết chặt tín dụng và dò hỏi sang những quốc gia lân cận như Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Ý Đại Lợi; mới thấy rằng các nước này dù không gian lận nhưng nợ nần cũng đã chồng chất, trong khi mấy năm nay tăng trưởng không nhờ vào sản xuất mà chỉ trông nơi bong bóng địa ốc nay đã căng phồng.
Phản ứng của các nhà đầu tư là rút tiền tháo chạy như đã từng làm tại Đông Á năm 1998. Nhưng trái với Thái Lan, Nam Hàn thời đó đã phá giá đồng bạc để cắt giảm chi tiêu và nâng sức cạnh tranh, thì các nước Nam Âu bị kẹt trong đồng tiền chung Euro nên không thể hạ thấp hối đoái, chỉ còn có cách cắt ngân sách, bớt lương và sa thải nhân viên.
Trên nguyên tắc cả hai biện pháp cùng nhằm mục tiêu giảm thâm thủng nhưng hậu quả xã hội rất khác nhau: nếu phá giá đồng bạc thì sức mua giảm đều cho mọi người trong cùng một lúc; còn trái lại cắt chi tiêu thì khó mà đồng đều (hưu bổng, giáo dục hay y tế), sa thải công nhân thì ai đi ai ở. Kết quả là dân chúng biểu tình phản đối làm đổ nhào hàng chục chính quyền chỉ trong vòng 2, 3 năm.
Một cách khác để phục hồi niềm tin của các nhà đầu tư là khối Euro – mà chủ yếu là Đức và các quốc gia Bắc Âu – đứng ra bảo đảm nợ của các nước Nam Âu cho đến khi kinh tế ổn định trở lại. Nhưng dân Đức phản đối vi trước giờ họ dành dụm chiụ khó làm ăn từ khi thống nhất đất nước, nay bị bắt phải ôm nợ của người dưng nước lã!
Tình trạng này xảy ra vì khối Euro dù thống nhất về đồng bạc nhưng lại không có quy chế Liên Bang nên mỗi nước vẫn có quyền tự quyết định. Nếu so với Mỹ trong cuộc khủng hoảng năm 2007-2008: khi giá nhà lên thì dân Cali, Florida hưởng lợi trong lúc dân Texas, Ohio ganh tỵ, nhưng đến khi bóng nổ thì nhà nước dùng ngân sách chung để cứu vớt – ai có phản đối bất công nhưng cũng đành phải chiụ (!) vì đó là luật chơi chung, chỉ mong rằng sau này đến khi mình hoạn nạn được kẻ khác giúp lại.
Nhưng cạnh đó còn có một lý do thực tế khác: chủ nợ của Nam Âu lại chính là các ngân hàng Đức Pháp; hơn nửa kinh tế Đức tăng trưởng một phần không nhỏ nhờ vào bán các máy móc xây dựng cho Nam Âu. Nếu các nước Nam Âu quịt nợ thì hệ thống ngân hàng và kinh tế của Tây Âu cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Vì thế khủng hoảng dần dần lây lan sang Bỉ, Pháp. Trong bầu không khí bi quan người ta lại thêm lập luận rằng những nước như Pháp chi phí xã hội ngày càng tăng, mức lương cao trong lúc sức cạnh tranh kém so với khu vực Đông-Á nên khả năng trả nợ ngày càng giảm, và việc mất điểm tín dụng chỉ xảy ra sớm hay muộn mà thôi.
Hiện thời các nước Nam Âu phải mượn nợ ở mức lời 6-7%, trong lúc Đức và Bắc Âu được hưởng 2-3%. Nếu Ngân Hàng Châu Âu (ECB) – mà chủ yếu là Đức – phát hành công phiếu Âu Châu (Euro Bond) để mua lại nợ công của Nam Âu thì Đức và Bắc Âu sẽ phải chiụ lải xuất cao và điểm tín dụng thấp. Nếu ECB in thêm tiền (như Mỹ đã làm năm 2010) thì Đức sẽ chiụ lạm phát cao hơn mức hiện thời là 2-3%. Tưởng cũng nên nhắc lại là nước Đức sau Thế Chiến Thứ Nhất bị Âu Châu ép buộc phải bồi thường chiến tranh, lạm phát tăng phi mã tạo bất mãn xã hội vào điều kiện cho Hitler lên nắm chính quyền – từ đó đến nay tâm lý dân Đức rất kiêng sợ lạm phát.
Hai cột trụ trong nền tài chánh Tây Phương là ngân hàng và bảo hiểm. Các công ty này nắm hàng ngàn tỷ đô-la từ các quỹ hưu bổng vì trước nay chỉ có lời không thể lổ. Nhiều hãng lại bán bảo hiểm để có thu nhập dễ dàng từ hai nơi “an toàn”, một là nợ công Âu Châu (nơi có tín dụng cao), hay là địa ốc (nợ có thế chấp) nay phải lo sợ vì các món tiền khổng lồ sẽ phải đền bù. Uy tín của hãng bảo hiểm xuống thấp nên lại càng không mượn được nợ ngân hàng để hoàn trả các khoảng bảo hiểm ngắn hạn tạo ra một vòng lẩn quẩn vô cùng nghiệt nghèo.
Cho đến 3 tháng trước đây không ai tin rằng đồng Euro có thể sụp đổ. Độ may rủi nay đã lên đến mức 50/50 đây là một sự việc không thể tưởng tượng nổi.
***
Hai cuộc khủng hoảng 12/ 2007 làm nổi bật các nan đề kinh tế:
Rủi ro đạo đức (moral hazard), hay nói cách nôm na là sống lương thiện là bị lỗ. Người nào liều lĩnh, mua bán đổi chác nhà lúc tăng giá, lời hưởng riêng còn đến khi thị trường sụp được giúp đỡ giảm nợ Ngân hàng cho vay mượn cẩu thả đến khi bị thua lỗ được chính quyền đem tiễn thuế cứu vớt. Nước nào lạm chi đến mức gần sụp thì đòi các quốc gia khác hỗ trợ. Nền tảng của thị trường tự do là cạnh tranh ráo riết nhưng công bằng thì nay giữa quần chúng, tư bản và nhà nước niềm tin đó đã mất mát rất nhiều.
Các nước Đài Loan, Nam Hàn cùng chiụ khủng hoảng tương tự năm 1998 nhưng phục hồi rất nhanh vì đây là những nền kinh tế đang phát triển có tính cạnh tranh cao. Trái lại Âu Châu và ngay cả Hoa Kỳ không biết bao giờ mới vực dậy vì lương bổng vẫn còn quá cao (so với Đông-Á) trong khi các chi phí xã hội ngày càng tăng. Dân chúng đòi hỏi quyền lợi mà không ai chiụ là người hy sinh đầu tiên, nhà nước càng dân chủ thì càng không tìm ra phương án giải quyết mà làm hài lòng mọi người!
© Đàn Chim Việt