Ra mắt sách song ngữ “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness”
Vào khoảng 200 người đã tham dự buổi ra mắt sách song ngữ “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” được tổ chức thành công mỹ mãn vào chiều thứ Bẩy, 03-12-2011, tại Mason District Government Center thuộc thành phố Annandale, Virginia. Đặc biệt trong buổi ra mắt sách này, có khá đông người Mỹ tham dự. Gần 100 cuốn sách đã được khán thính giả mua tại chỗ. Đây là một thành tích hiếm có tại vùng Thủ Đô Hoa Kỳ.
Chúng tôi được biết “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” là cuốn sách song ngữ đầu tiên của Nhà Văn Cung Thị Lan viết chung với Dịch Giả Kratzke Từ Diệm Trân. Bốn cuốn sách đã xuất bản trước đây là: “Nha Trang Dấu Chân Kỷ Niệm” (2004), “Hai Chị Em” (2005), “Tình Trên Đỉnh Sầu” (2006) và “Khoảng Cách Của Biệt Ly” (2009).
Buổi ra mắt sách “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” do nhóm thân hữu Trung Học Võ Tánh và Huyền Trân Nha Trang tổ chức với sự hỗ trợ của cơ sở văn học Cỏ Thơm, Câu Lạc Bộ Văn Học Nghệ Thuật vùng Hoa Thịnh Đốn, Hướng Đạo Việt Nam vùng Hoa Thịnh Đốn, và tuần báo Đời Nay. Người điều khiển chương trình ra mắt sách là một người rất quen thuộc trong vùng thủ đô là bà Kiều Thu.
Hiện diện tại buổi ra mắt sách này có đại diện của một số cơ quan truyền thông như Bà Thanh Trúc thuộc SBTN-DC, các Ông Nguyễn Phúc và Bùi Dương Liêm thuộc Đài Truyền Hình vùng Hoa Thịnh Đốn. Trước đó, đài SBTN-DC đã giới thiệu cuốn sách “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” trên hệ thống truyền hình của đài.
Sau nghi thức chào cờ Mỹ – Việt và phút mặc niệm dành cho những người đã tranh đấu cho tự do, ông Phạm Quang Hiệp, phu nhân của Tác Giả Cung Thị Lan, thay mặt Nhà Văn Nguyễn Thị Ngọc Dung, Chủ Nhiệm tam cá nguyệt san Cỏ Thơm, vào phút chót bất khả kháng không có mặt, đã giới thiệu Dịch Giả Kratzke Từ Thị Diệm Trân với khán thính giả. Bà Diệm Trân, một cựu học sinh Trưng Vương tại Saigon, tốt nghiệp Cao Học Thống Kê University of Illinois và Cao Học Giáo Dục tại George Mason University. Hiện nay Bà đang làm việc tại Sở Thống Kê của Bộ Lao Động Hoa Kỳ và là một giáo sư toán tại một trường trung học của quận Fairfax, Virginia.
Trong phần phát biểu về cuốn hồi ký “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness”, Dịch Giả Diệm Trân tâm sự:
“Khi Diệm Trân đọc truyện ‘Những Tấm Lòng Nhân Ái’ của nhà văn Cung Thị Lan lần đầu tiên, Diệm Trân rất xúc động và mong con mình cũng đọc được truyện để biết được về những cuộc hành trình gian truân của người dân Việt và hiểu thêm tại sao người dân Việt lại phải xa rời quê hương và hy sinh tính mạng đi tìm tự do. Không ngờ nghĩ như vậy lại được tác giả ướm lời về việc dịch sách. Dĩ nhiên là Diệm Trân hăm hở nhận lời. Hẳn là Cung Thị Lan và Diệm Trân có duyên số với nhau.”
Trong phần phát biểu, bà Lê Tống Mộng Hoa đã giới thiệu tác giả Cung Thị Lan như sau:
“Chị Cung Thị lan sinh ra và lớn lên tại miền biển hiền hòa Nha Trang 1956. Trong những năm đầu của buổi thơ ấu, chị đã học ở các trường Nữ Tiểu Học Nha Trang, Nữ Trung Học Nha Trang và trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang. Sau khi tốt nghiệp trường Cao Đẳng Sư phạm Nha Trang Cung Thị Lan đã dạy ở trường cấp hai Hải Ninh Sông Mao của tỉnh Bình Thuận, trường Vĩnh Thọ tại Cầu Xóm Bóng Nha Trang và trường Phước Tân Nha Trang. Năm 1989 chị Cung Thị Lan vượt biên cùng chồng là anh Phạm Quang Hiệp và con trai là cháu Phạm Thanh Tùng 18 tháng.”
“Gia đình chị may mắn được tàu Đan Mạch vớt và đưa đến Nhật. Sau 10 tháng ở trại Nhật, gia đình chị được Hoa Kỳ bảo trợ đến Phi Luật Tân. Nơi đây chị vừa học Anh Ngữ, vừa làm công tác thiện nguyện xã hội. Năm1990 chị Cung Thị Lan và gia đình định cư tại Hoa Thịnh Đốn. Năm 1991, chị có thêm cháu thứ hai là Phạm Thanh Minh. Và năm 1994 chị có thêm cháu Phạm Thanh Trí.”
“Từ 1994 đến năm 2004 chị làm giáo viên viếng nhà cho chương trình Head Start của trung tâm Rosemount. Năm 2004, chị Cung Thị Lan làm giáo viên dạy trẻ cho chương trình Even Start của Boat People SOS. Cuối năm 2004, chị đạt bằng cử nhân Giáo Dục trẻ tại University of The District of Columbia. Từ đầu năm 2005, sau tốt nghiệp Cử Nhân, vì chưa tìm được việc làm, chị Cung Thị Lan ghi danh học ngành Thẩm Mỹ tại Aspen Academy. Tháng 9, năm 2005 cho đến nay chị làm cán sự xã hội của ngành quản lý giáo dục thuộc Bộ Xã Hội. Ngoài vai trò làm mẹ, nhân viên chính phủ, chị Cung Thị Lan còn là huynh trưởng Hướng Đạo năng động và vui tính. Chị đã làm việc cho đoàn Hướng Đạo Chi Lăng tại vùng Hoa Thịnh Đốn từ năm 1994 dến năm 2005. Năm 2008 chị được học bổng cho chương trình học giáo dục khuyết tật. Trong thời gian học master ban đêm, chị vừa làm cho bộ Xã Hội trong những ngày thường và vừa làm cho Hair Cuttery trong hai ngày thứ Bảy và chủ Nhật. Tháng 8 năm 2010 chị lấy bằng master giáo dục khuyết tật tại đại học George Mason, Virginia.”
Nhà Văn Phong Thu, diễn giả chính của buổi ra mắt sách, cho biết rằng:
“Hồi Ký lấy mốc thời gian từ năm sau 1975 đến đầu thập niên1980 tại thành phố Nha Trang. Nha Trang là một thành phố nằm trên một bãi biển xinh đẹp ở Miền Trung Việt Nam với những bãi cát trắng và nhiều hòn đảo nhỏ. Nó nằm hướng Bắc cách thành phố Sài Gòn 450 km.”
‘Những Tấm Lòng Nhân Ái’ là hồi ký tự truyện mà chị đã viết bằng cả trái tim của mình. Tôi đã thực sự bị lôi cuốn và tò mò về những chi tiết, những sự kiện xảy ra gắn liền với cuộc đời của chị, và kinh nghiệm của những thuyền nhân Việt Nam. Nhìn dáng dấp hiền hậu, dễ mến, luôn tươi cười, cởi mở với mọi người, tôi không thể nào biết được gia đình chị đã trải qua một cuộc vượt biển hải hùng để tìm tự do.”
“Lan là một giáo viên dạy tại trường trung học cấp II tại Thành phố Nha Trang. Nhưng đồng lương hàng tháng không đủ để lo cho một đứa con. Chồng chị cũng là một nhà giáo, nhưng bị chính quyền phê rằng “Học lực tốt nhưng tư tưởng chính trị không tốt” không được đi dạy học, anh sống không có hộ khẩu, không có công ăn việc làm và phải sống vất vưởng bằng nhiều nghề khác nhau.”
“Dù vất vả, cực nhọc quanh năm, cả hai vợ chồng cũng không thể nào có tiền nuôi nỗi một đứa con trai duy nhất là bé Tinô. Vật chất thiếu thốn đã đành, nhưng tự do tư tưởng bị bóp nghẹt và tương lai của gia đình thật mù mịt. Nghề dạy học là một nghề cao qúy. Nhưng hàng ngày Lan phải chứng kiến cảnh nói láo của Hiệu Trưởng, Hiệu Phó, Ban Giám Hiệu và thầy cô giáo trong trường. Chị đã viết rằng:
“…Tôi chợt nhớ những câu hỏi móc méo của những đứa học trò lớp 8, 9 trong những giờ học lịch sử mà tôi thường nghe: ‘Cô nói mọi người sẽ được sung sướng khi đất nước tiến lên chủ nghĩa cộng sản mà sao em thấy dân mình không chịu ở lại để chờ sống sung sướng lại ùn ùn kéo nhau đi vượt biển vậy hả cô?’…’Sao tụi đế quốc tư bản bóc lột nhân công một cách dã man mà sao nhiều người liều mạng đến mấy nước tư bản chi vậy?’ và ‘chẳng lẽ những người vượt biển dùng sanh mạng mình để đánh bạc với tử thần chỉ vì vật chất thôi sao cô?…’”
“Con đường tìm tự do hạnh phúc phải trả một giá khá đắt. Trên mặt đất là phải đối phó với công an. Trên biển, mấy chục người chen chúc trong một chiếc ghe nhỏ như một chiếc lá trôi trong biển nước mênh mông.bề dài của nó chỉ 7 mét và bề ngang 2,50 mét. Họ vật lộn trong tiếng ầm ầm gào thét, cuồng nộ của biển cả trong cơn bão dữ. Ghe lại chết máy. Họ mệt mỏi, đau khổ, tuyệt vọng. và chỉ còn chờ chết. Nhưng cuối cùng chiếc tàu nhỏ bé đã được tàu Maersk của Đan Mạch cứu. Vị thuyền trưởng Jorgen L. Olesen và thủy thủ đoàn đã trở thành vị ân nhân cao qúy nhất đã khắc sâu trong lòng thuyền nhân Việt Nam.”
Trong lời phát biểu ngắn ngủi ở phần cuối của chương trình Nhà Văn Cung Thị Lan tâm sự rằng:
“Hai Mươi hai năm về trước nếu Cung Lan không được tàu Đan Mạch cứu thì Cung Lan không thể nào đứng đây thưa chuyện cùng quý vị; cho nên mặc dù ngày Lễ Tạ Ơn đã trôi qua nhưng mỗi ngày đối với Cung Lan là một ngày Lễ Tạ Ơn.”
Gia đình tác giả Cung Thị Lan gồm ba người dời bờ biển Nha Trang vào 30 tháng 3, 1989 cùng với 28 thuyền nhân khác mà phần lớn là đàn bà và trẻ em, trên một con thuyền dài bẩy thước và rộng hai thước rưỡi. Vào trưa ngày 2 tháng 4 năm 1989 là ngày được tầu dầu Đan Mạch Maersk với Thuyền Trưởng Olesen cứu vớt, tác giả chợt nhớ ra rằng: “Mười bốn năm trước, nó là ngày buồn của thành phố biển Nha Trang của chúng tôi, còn bây giờ là ngày chúng tôi được phục sinh.”
Nhà Văn Cung Thị Lan đã viết cuốn sách “Những Tấm Lòng Nhân Ái” để một lần nữa cám ơn những người đã giúp bà và gia đình sống sót để đi đến bến bờ tự do. Sau gần trọn 14 năm sống dưới xã hội chủ nghĩa, gần suốt bốn ngày đối diện với tử thần trên biển cả mênh mông từng phút từng giây và bao nhiêu năm tháng vật lộn với cuộc sống mới, bà vẫn giữ trọn vẹn được niềm tin về tình người:
“Bâng khuâng với niềm thương yêu tràn ngập, tôi tin lòng nhân ái của con người vẫn còn rất nhiều trên thế giới này.”
Buổi ra mắt sách “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” đã được kết thúc bằng một tiệc trà thân mật và văn nghệ đặc sắc gồm các ca nhạc sĩ được yêu mến tại vùng thủ đô Hoa Thịnh Đốn như Yanni Nguyên, Đèo Văn Sách, Kim Phụng, Mai Ngọc Hoa, Tuyết Lan, Trần Mạnh Hùng, Nguyễn Minh Niên, Phan Anh và Linh Đỗ. Những bài hát được khéo léo chọn lọc cho phù hợp với không khí của đề tài “Những Tấm Lòng Nhân Ái” gồm những bài như “Những Bước Chân Việt Nam” của Trúc Hồ và Trầm Tử Thiêng, “Nha Trang” của Minh Kỳ, “Mời Em Về” của Việt Dũng, “Bên Kia Sông” của Nguyễn Đức Quang, “Bài Ca Hạnh Ngộ” của Lê Uyên Phương, “Em Còn Hẹn Anh Đến Bao Giờ” của Huy Lãm phổ thơ của Cung Thị Lan.
“Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” không những là một nhân chứng trong giai đoạn bi thảm của đất nước mà còn là một đóng góp ý nghĩa vào tủ sách song ngữ quan trọng nhưng còn quá hiếm hoi của người Việt hải ngoại. Chúng tôi chúc mừng Nhà Văn Cung Thị Lan và Dịch Giả Diệm Trân và xin thân ái giới thiệu tác phẩm “Những Tấm Lòng Nhân Ái – Unforgettable Kindness” đến quý độc giả.
Địa chỉ liên lạc để mua sách:
Cung Thị Lan: cunglan@yahoo.com
Kratzke Từ Thị Diệm Trân: dtkratzke@gmail.com
Giá bán: $20.
© Đàn Chim Việt