WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Bằng Việt phê phán xã hội bằng thơ

Tôi xin bình luận tập thơ “Nheo mắt nhìn thế giới” của Ông.

“Nheo mắt nhìn thế giới” – NXB Văn học 2008, là một tập thơ có tiếng vang và hay nhất của Bằng Việt. Trong lời giới thiệu tập thơ, Ông đã viết:

- Thơ đối với tôi (tức tác giả) không chỉ là thơ mà còn là một thái độ sống. Đã là một thái độ sống, thì bút pháp thể hiện cốt sao nói được hết điều mình cần nói, cần tỏ thái độ…

Một đoạn khác cũng lời giới thiệu ấy, Ông còn nhấn mạnh:

- “Nheo mắt nhìn thế giới” – đầu đề tập thơ này thoạt nghe có vẻ hơi kênh kiệu, thậm chí có phần xấc lược! Nhưng đọc kỹ các bạn sẽ thấy, thực ra là một thái độ, một tâm trạng khá kìm nén, đến mức có phần nhẫn nhịn, lặng lẽ chiêm nghiệm, đôi khi chua chát, ngậm ngùi…

Nhìn tổng thể tập thơ bắt nguồn từ một cách nhìn của một cõi lòng có phần u uẩn, dồn ứ cảm xúc mà tạo thành thi phẩm, mang tính phê phán xã hội sâu sắc. Vậy ta hãy xem, qua những bài thơ Bằng Việt đã phê phán xã hội thế nào? Xin mở đầu trang bình luận này bằng việc phân tích bài “Nhớ Trịnh”:

Có khi
Một ngày ruổi rong, một ngày tất bật
Cũng không làm xong một việc ra hồn!

Có khi
Cả tuần lao lung, cả tuần suy ngẫm
Cũng không nhìn thấu bản thể mình!

Tôi nói về đoạn thơ giữa trước:

Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội
Tuổi hoa niên, trung niên, kế tiếp tuổi già
Chong chóng quay, rút cuộc được gì?…

Được chuyển động – làm bù nhìn của gió…

Bằng Việt (BV) không chỉ là nhà thơ, mà còn thuộc hàng thủ lĩnh chính trị trong cơ quan tuyên huấn Đảng, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Thủ đô, phó Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật VN, đồng Chủ tịch Hội đồng thơ HNVVN. Có thể nói suốt cuộc đời Ông luôn tỏ ra trung thành, mẫn cán, phụng sự chế độ như một cái …”chong chóng quay” ( như thơ đã viết). Vậy sao lại phải thốt lên:

Chong chóng quay, rút cuộc được gì?

Ông tự trả lời:

Được chuyển động – làm bù nhìn của gió…

Có nghĩa là, tất cả sự phụng sự không biết mệt mỏi ấy:

Ngày sống vội, tuần sống vội, năm sống vội

Cả đến những bổng lộc, vinh quang mà Ông đã có (tôi xin nói về ý nghĩa của sự “vinh quang” này sau), cũng chỉ để làm…”một bù nhìn”! Nhưng là bù nhìn của ai?

bù nhìn của gió…

Gió thổi thì chong chóng phải quay! “gió” ở đây nó biểu thị cho một thế lực – Đó chính là bộ máy nhà nước! Ta đọc tiếp những câu thơ dưới:

Và gió, quẩn quanh đầu sông, cuối bãi,
Cũng một kiểu bù nhìn của nóng lạnh, Âm-Dương

Khí trời thay đổi… lúc nóng, khi lạnh thì tạo thành gió – Vậy “gió” lại cũng chỉ là “một thứ bù nhìn”… của trời đất ( tức Âm-Dương)! Hình tượng “Âm-Dương” tác giả sử dụng, chính là để chỉ về chế độ cũng chỉ như… “một thứ bù nhìn” theo chủ nghĩa Marx hoang tưởng mà thôi! Nó vận hành như gà mắc tóc:

cứ quẩn quanh nơi đầu sông, cuối bãi

Đó là một bộ máy cổ hủ, thậm chí còn bị tha hoá… (ta sẽ xét ở các bài khác thì thấy ý nghĩa này rõ hơn: như bài “Ngô đồng”, “Người của thế kỷ trước”, hay “Ngôn ngữ và chính trị” v.v…). Để rồi tác giả kết luận:

Còn Âm-Dương có từ đâu, tồn tại tới đâu
Thì mở hết giác quan, ta vẫn là mù tịt!

Với kiến thức của một học giả, sự từng trải một đời người và chân dung của một văn nghệ sĩ có tầm vóc, mà Bằng Việt phải than: mở hết các giác quan, ta vẫn là mù tịt!/ – Ông hoài nghi, nói đúng ra là Ông không còn tin vào thể chế của chủ nghĩa Marx là đúng nữa? Ôi, nhưng đó lại chính là lý tưởng mà cả đời Ông cống hiến, để bây giờ sụp đổ thế ư? rồi tác giả buồn bã kết luận:

Rầu rĩ trở về câu thơ của Trịnh:

“Đêm thấy ta là thác đổ…”
Vậy ngày ơi, ta là gì?

Nghĩa là, hôm nay chỉ là đêm trường – Vậy ngày mai khi trời sáng lạn thì sao? Ông chợt thấy mình rồi sẽ chẳng là gì cả! Mai ngày khi thời thế đổi thay, chủ nghĩa Marx đã không còn, xã hội đi theo một hướng khác đúng đắn và hợp lý hơn!? Nói một cách cụ thể: tên tuổi với niềm vinh quang mà Ông có hôm nay sẽ chỉ giả ảo nhất thời, nó giống như một “bóng ma” trong chốn quan trường, một thứ bù nhìn… của cái thế thời này! Lòng Bằng Việt tan nát, nên mới nhắc đi nhắc lại mãi câu thơ:

“Đêm thấy ta là thác đổ…”
Có lẽ nào, chỉ thế thôi sao?

Tôi phân tích sang bài “Ngô đồng”:

Thất vọng với ngàn xưa hay thương xót ngô đồng
Trót được tôn quá cao, đẩy mãi vào lịch sử
Để đến nỗi hậu duệ giờ thoái hoá
Lưu luyến thưở vàng son xa lạ với đời thường!

Ngay vào câu thơ đầu ta đã thấy: Phải chăng như vua Ngô xưa, ngồi ở quá cao không nghe lời ai, có mắt như đui – để đến lúc cả thành trì bị đốt cháy mới chịu tỉnh ra? thì nước đã mất, nhà đã tan rồi! Đồng thời còn tồi tệ hơn, thất vọng và chua xót bởi cả đến lớp hậu duệ giờ cũng theo đó… mà bị đổ đốn và tha hoá. Tức là Ông thất vọng cho guồng máy nhà nước đương đại đó! Hình tượng”ngô đồng” mà BV dùng trong bài thơ là để chỉ cho lớp quan chức chốn cung đình. Luận theo ý nghĩa thực tiễn thì ta thấy: từ trên cao nhà nước xuống đến dưới các cấp địa phương vẫn bao tệ nạn, tha hoá. Không ít vùng nông thôn Việt Nam ngày nay, chính quyền bạo hành, đè nén dân tình… lại hình thành các kiểu địa chủ phong kiến ngày xưa. BV đã lên án, Ông chỉ trích sự xuống cấp về cả nhân cách, phẩm giá của những lớp “ngô đồng” ấy – giờ chỉ còn là:

Những chậu cảnh rẻ tiền, bầu cây thô tháp
Lá nhăn nhúm răng cưa, xoè rẻ quạt
Giống lai tạp bình dân, xa rời danh giá cũ
Chỉ khiến nguội tanh trí tưởng tượng ngàn đời!

Đã cổ hủ, thoái hoá mà vẫn cố bám lấy quyền vị và những vàng son để hưởng lợi lộc, vinh hoa… thì tất yếu sẽ sinh ra ung nhọt trong xã hội. Xét ra cả nhiêù nước trên thế giới trên con đường tiến đến chủ nghĩa xã hội – Tầng lớp giai cấp vô sản trong guồng máy lãnh đạo nhà nước, từ giai cấp vô sản thuần tuý sẽ biến chất thành “Tầng lớp giai cấp vô sản hoá lưu manh”, hoặc “Tập đoàn giai cấp vô sản tham nhũng, lũng loạn…” ! Đó cũng là kết quả tất yếu để đến cuối thập kỷ 90, sang 1991 của thế kỷ XX, hàng loạt các nước XHCN ở Đông Âu bị sụp đổ. Hệ thống chủ nghĩa cộng sản tan rã lan rộng trên phạm vi toàn thế giới. Ông than:

Ngô đồng ơi, ngô đồng
Có phải nhầm không đấy?
Giờ hoá hèn mọn vậy
Biết trách ai, ngô đồng?

Ta nói như thế không phải là thương xót cho những sự đổ vỡ ấy, mà để nhìn thấy sự hoang tưởng của chủ nghĩa Marx – khi Người đã vạch ra một viễn vọng của chủ nghĩa cộng sản? Viễn vọng cùng chủ nghĩa đó đã tan tành!

Tôi phân tích bài “Người của thế kỷ trước” – Nói về những gương mặt đặc trưng cho một chế độ của một thế kỷ đã đi qua, song những con người cổ hủ của thế kỷ đó vẫn tiến tới, cùng với lớp hậu duệ kế thừa trong guồng máy đương đại cũng bị thoái hoá (như đã phân tích ở bài trên):

Để đến nỗi hậu duệ giờ thoái hoá

đang ngất ngưởng phán xét, điều hành xã hội ở thế kỷ mới này:

Anh đâu cần ai thương, anh bình giá mọi điều bằng cái nhìn khinh bạc
Anh đứng trên mọi điều để xét nét thời gian
Nhưng có ích gì đâu!
Khi trên khuôn mặt anh đã in vết thẫm mầu…

Với những con người đã bất chấp cả điều hay, lẽ dở – Tức là khinh bạc cả quyền lợi cộng đồng, coi thường luân lý… để xét nét mà phán quyết! Thì đâu còn phải là người của nhân dân, của đất nước nữa? Đó chính là lớp quan lại đang dẫm đạp lên quyền lợi dân tộc mà chúng ta thấy không ít trong xã hội ngày nay. Nếu lớp quan lại đó chiếm nhiều trong bộ máy nhà nước, thì tất dẫn đến lúc bọn họ sẽ bán cả nước để cầu vinh!? Như thơ Ông viết:

Anh đầy khôn ngoan, đầy so đo, đầy tránh né
Anh sống đến hôm nay, dương dương tự đắc
Nhưng than ôi!
…Tôi ngồi uống với anh như uống cùng ảo ảnh
Uống cùng bao nhiêu khát vọng không thành?

Đó cũng chính là hình ảnh của cái guồng máy “như một thứ bù nhìn” mà BV đã tả trong bài “Nhớ Trịnh”.

Về bài “Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông” – Bài thơ chế nhạo những kẻ hợm hĩnh, đó là phường ngu dốt, kệch cỡm… lại luôn luôn lên mặt dậy dỗ, thuyết giáo cho đời. Tác giả không có ý bôi xấu hoặc chế giễu những người bị khuyết tật, như Ông viết:

Không phải ngọng bẩm sinh
Chúng đánh lưỡi, chúm môi… dần hoá ngọng.

“ngọng” cũng chỉ là biểu tượng tác giả dùng để ám chỉ lớp quan cách dởm đời. Đó chính là những thứ quan hay hống hách thường thấy nhan nhản thời nay, chúng như phường trưởng giả học làm sang. Có khác nào Tú Xương cũng đã từng giễu cợt những phường như thế ở thời xưa:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang
Đứa thì mua tước đứa mua quan
Phen này ông quyết đi buôn lọng
Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng.

Đọc bài thơ của BV ta thấy cả một sự nực cười và chua chát. Những loại quan ngọng đó càng tỏ ra oai vệ, càng lên cao giọng, ỷ quyền đe nạt mọi người, thì chúng lại càng “ngọng”, ngọng đặc quánh lại. Người đời bây giờ biết nhiều loại quan ngọng như thế lắm! Người ta không dại gì nói chuyện tử tế, đứng đắn với chúng, có khi lại mang vạ vào thân. Cho nên:

Người đời thừa hơi nói mãi chuyện khôn
Thì ngọng hùa nhau cùng dồn đến dại…

Có thể chúng sẽ đổ xô vào cấu xé, dẫm đạp lên cả những người dân yêu nước? Và nếu một khi luật pháp lại thuộc về những kẻ quan lại cầm quyền như thế, thì xã hội này đâu có còn là của nhân dân?

Tôi nói đến bài “Sự kiện tày đình” – Tác giả chỉ đi từ sự việc thay đi, đổi lại của pháp luật: Cấm đăng kí xe, xong rồi lại cũng pháp luật – cho đăng kí xe thoải mái! Nhưng đây cũng chỉ là một hiện tượng lấy ra làm minh chứng. Thực tế sự thay đổi pháp luật ở xã hội ta nó diễn ra tuỳ tiện tới mức, như Ông viết:

Mình tự trói tay mình, rồi lại tự cởi ra
Tự biểu quyết xong, lại tự chê mình phạm vào hiến pháp!

Khi quyết đáp, cũng viện đủ lý do quyết đáp
Khi huỷ đi lại cười trừ: “Chưa hợp lòng dân!”

Ông muốn chỉ trích sự méo mó, một sự ẩm ương đến nực cười của lớp quan chức nhà nước đương thời, những người làm ra pháp luật, cầm cương nẩy mực ở xã hội. “pháp luật” có khác nào thứ trò và những thứ trò đó cứ ngang nhiên diễn đi, diễn lại. Một bài thơ mang tính chất rất điển hình của thời thế hôm nay.

Giờ tôi phân tích về bài “Ngôn ngữ và chính trị” – Tác giả đứng trên bình diện của thời đại, thế giới mà phân tích nhân tình thế thái:

Tôi đến Vácsava khi Liên Xô đã đổ
Thấy tiếc toà nhà cao như trường Lômônôxốp
Kiến trúc thời Xtalin, giờ bỗng bị bỏ hoang!

Khi Liên Xô còn vững, nước Nga trở thành thành trì trung tâm của khối XHCN. Nhưng khi Liên Xô bị đổ rồi, thì than ôi!… đến cái tiếng Nga cũng không ai muốn dùng. Ngay cả người Nga lúc ra nước ngoài cũng không muốn sử dụng cái tiếng nói mẹ đẻ của họ nữa. Thứ ngôn ngữ của một dân tộc lớn như thế, mà nay cả thế giới khinh miệt nó. Ông đã phải than lên:

Ngôn ngữ tội tình gì?…
Mà dâu bể khó lường, mà giậu đổ bìm leo?
Hay cũng nhiễm thói đời, như đồng tiền đen bạc
Lúc thắng thế vung vinh, lúc tủi phận bọt bèo?!

Thế mới biết thế thời “Được làm vua, thua làm giặc” là vậy!

Sự sụp đổ của Liên Xô cùng hàng loạt các nước XHCN ở châu Âu – Nó báo hiệu sự tan vỡ của Chủ nghĩa Marx-Lenin! Một số lãnh thổ trong Liên bang Nga rơi vào cảnh nội chiến tương tàn, không biết khi nào mới hồi phục được như trước, lại trở về thời kỳ của “tư bản dã thú” đã qua từ hàng trăm năm trước. Marx hoang tưởng đã đành, mà ngay cả lãnh tụ Lê Nin cũng ngộ tưởng khi tuyên bố rằng: Những nước vừa ra khỏi ách thuộc địa như Việt Nam, Trung Quốc… ở châu Á, hay các nước nhược tiểu ở các châu lục khác trên thế giới, có thể tiến thẳng lên CNXH không cần qua TBCN (nghĩa là đốt cháy giai đoạn) – Khi đã có Liên bang Xô viết làm chỗ dựa. Thì chính Liên Xô lại đổ đầu tiên!

Như thế là sự ngộ tưởng của Lê Nin không chỉ trở thành một hệ quả đối với nhân dân Nga, đất nước Nga – mà còn kéo theo sự lầm lạc trên con đường đi tới của lịch sử các nước vừa giải phóng ra khỏi ách đô hộ của thực dân hay đế quốc? Nó sẽ dẫn đến sự thoái hoá của bộ máy nhà nước và xã hội đó!

Đứng trước thực tế ấy, Bằng Việt hoài nghi về Học thuyết Marx? Ông không còn lòng tin vào thể chế, dù cả đời Ông đã phụng sự cho thể chế ấy! Khi Ông nhận ra mình cũng chỉ là… “thứ bù nhìn” của một guồng máy bù nhìn, trong cái chủ nghĩa hoang tưởng kia mà thôi – như ở bài “Nhớ Trịnh”:

Chong chóng quay, rút cuộc được gì?
Được chuyển động – làm bù nhìn của gió,
Và gió, quẩn quanh đầu sông, cuối bãi,
Cũng một kiểu bù nhìn của nóng lạnh, Âm-Dương…

Giờ ta xem xét đến bài thơ “Nheo mắt nhìn thế giới” – mà ngay cái đầu đề của bài cũng được lấy để đặt tên cho cả tập thơ của Ông.

Bài thơ gồm có ba đoạn ngắn. Hai đoạn trên chỉ là sự tả: Ở trên máy bay với độ cao 3000m nhìn xuống – người thì như hạt bụi, các cao ốc như hộp diêm, rừng già như tóc rối. Còn trông ra cả vũ trụ kia… toàn mây trắng mây, như vẩy rồng, vẩy cá, một màu xanh da trời vô cùng, vô tận.

Thực ra Ông chỉ lấy đó làm hình tượng – Ý nói, ta hãy rút ra một tầm xa mà nhìn và suy xét cả thời đại mà xem?…Sau mỗi đoạn ấy tác giả đều bung ra một câu kết, thán rằng:

- Kết đoạn 1/. Nheo mắt biết buồn gì?

- Kết đoạn 2/. Nheo mắt biết vui gì?

Có nghĩa là: Khi đứng trên một tầm để bao quát cả xã hội cùng thế giới thì… chẳng biết nên vui hay buồn vì lẽ gì? Tức là lòng Ông hoang mang. Nhưng Ông hoang mang vì cái gì? Chính là “Thế sự”! Như đã phân tích: Ông không biết cả chủ nghĩa Marx cùng thế chế mà Ông đã suốt đời phụng sự đó, rồi sẽ đi về đâu? đến đâu?… Bài thơ mang ý nghĩa ẩn dụ – Lý tưởng cùng tình hình xã hội tác động lên tư tưởng, nhân sinh quan của Ông… nó trở nên mờ mịt. Ông thảng thốt cảm thấy đời Ông có thể sẽ trở thành vô nghĩa? Bởi thế ở đoạn thơ thứ 3, Ông viết với một tâm trạng nửa vời nhưng mang đầy sự phẫn chí:

Nheo mắt vì rợn ngợp
Nheo mắt vì bất cần/ Có thể đầy phấn kích
Có thể đầy phân vân/ Hay nhuốm màu khinh bạc
Hay chan hoà bao dung…

Để cuối cùng dồn nén vào một câu tổng quát: Nheo mắt nhìn thế giới/ – Ông “rợn ngợp” trước bao sự kiện lớn thế giới đã đành, nhưng cũng vì cả những điên đảo, sự rối loạn của xã hội và thế thời đang bao phủ lên tâm hồn cùng nhỡn quan – mà Ông đã viết:

Có mở hết giác quan, ta vẫn là mù tịt!

Ông “bất cần” vì chán cái thời thế có quá nhiều sự đen bạc, giả tạo này! Tôi xin chép ra đây những vần thơ của Chế Lan Viên:

Lũ ta là con rối
Cho cuộc đời giật dây…

Phải chăng: Bởi Ông không muốn làm một con rối và thứ “bù nhìn” như thế nữa? Cái lý tưởng cùng chủ nghĩa suốt đời Ông theo đuổi bỗng trở thành bong bóng, vừa hoang tưởng lại vừa chìm trong sự tha hoá, nên tâm trạng mới: Có thể đầy phấn kích/ Có thể đầy phân vân/ – Cũng không biết mình nên “khinh bạc” hay nên “độ lượng mà bao dung”? Với tâm trạng ấy, ở một bài thơ khác Bằng Việt tự thán:

Người đàn ông đã đến tuổi gàn
Đã đến tuổi không còn gì để mất
Mới hiểu được góc nhìn ngoài sự vật
Thấy rõ hình hài những thứ vô vi…

“những thứ vô vi” ở đây chính là sự vô nghĩa bao quanh cuộc đời, những “đạo nghĩa” tưởng như cao cả mà Ông tâm huyết, thì nay tất cả đã tan vỡ!… Rồi, cũng giống như nỗi lòng của Tú Xương ngày xưa, Ông tự vỗ an mình:

Ngủ đi! Ngủ đi…
“Ngủ quách sự đời thây kẻ thức”

Ngủ đi!… Ngủ ư?… lại mất ngủ rồi!

Ông muốn ngủ đi để quên tất cả mà không ngủ được, bởi thế Ông… “bất cần”! Ông không muốn mở to mắt nhìn ra xã hội và thế giới nữa, nên ông:

“Nheo mắt nhìn thế giới”…

Đó là một thái độ phủ nhận và phủ nhận một chủ nghĩa hoang tưởng, cùng guồng máy hiện hành của Bằng Việt.

Trang viết đã dài, tôi chỉ xin bình thêm một bài nữa: “Rượu của Nguyễn Cao Kỳ”, thuộc trong những bài thơ có tiếng tăm nhất của tập Nheo Mắt Nhìn Thế Giới này – Hơn 30 năm sau chiến tranh, Nguyễn Cao Kỳ từ Mỹ trở về Việt Nam thăm quê, có tặng cho vị thiếu tướng công an một chai rượu. Vị thiếu tướng mang ra cho anh em uống. Mọi người thì vui vẻ:

- Ồ, rượu ngon thì cứ uống! Đâu cần cố chấp mãi chuyện xưa.
Nhưng một người thì nhất quyết: “không”!

Đấy, câu chuyện diễn tả lại chỉ có thế. Bài thơ đặt ra trước chúng ta một câu hỏi: Chiến tranh qua lâu rồi, trong chúng ta những người ở hai chiến tuyến, có nên giữ thái độ hận thù và mặc cảm nữa hay không? Một câu hỏi không phải dễ trả lời! Nhưng đọc lên ta thấy cũng phân vân? Không thể trách những người bỏ qua tất cả, cứ uống tràn, nhưng cũng không thể trách anh chàng đã nhất định không chịu uống kia! Và thế là:

Bữa rượu bỗng dưng trở thành đắng đót.

Nó khoáy vào một vết thương của cả hai bên, chưa sao lành lại được:

Vì sao không? Chẳng cố chấp quá ư!
Cậu là lính phòng không, chúng tớ đều cựu chiến binh cả chứ!
Cũng bom đạn, cũng Trường Sơn, cũng vào sinh ra tử
Sống đến hôm nay, đâu phải để hận thù!

Nhưng rượu dù ngon mà sao vẫn đắng? Thế đấy! Sự đời, chuyện đất nước, chuyện con người:

Có phải tự đáy lòng không vượt qua mặc cảm
Không vượt qua nỗi buồn của cuộc chiến tranh xưa,
Không vượt qua chính mình, không vượt qua quá khứ
Vết thương cũ còn đau khi gió chuyển sang mùa…

Thái độ của nhà thơ trung thành với hiện thực, tác giả giữ sự khách quan với ý nghĩ của các nhân vật trong việc mô tả. Ông chỉ đặt ra câu hỏi, chứ không có ý định phê phán ai, hay lên tiếng ủng hộ ai – Bởi vì, chính Bằng Việt cũng có trả lời được câu hỏi đó đâu?

Ông cũng uống, nhưng chẳng qua là muốn quên đi tất cả: cứ uống! Ông không thể trả lời được về cả cuộc chiến tranh xưa cùng những bối rối của hôm nay?

- Ừ thì giải phóng xong rồi, nhưng để phụng thờ cái gì và… ” lý tưởng” gì đây? Chủ nghĩa Marx ư? Hoang tưởng! Thế thời này đâu còn phải là của dân tộc, của nước non?… Ta lại trở về với bài thơ Nhớ Trịnh – Và Ông thấy mình bỗng nhiên đã trở thành một “con rối”, một thứ bù nhìn quay như ‘chong chóng”… trong cái guồng máy có phần phi nhân nghĩa của đương đại này.

Bài thơ trăn trở trong đó một câu hỏi: Chúng ta đang ở đâu và… phải đi đến đâu đây?

Tôi đã được xem một bức tranh lớn nổi tiếng của danh hoạ Pháp Henri Paul Gauguin (1848-1903), có một cái tên rất dài, tôi nhớ đại để là: Chúng ta là ai? đang ở đâu? và sẽ đi đến đâu? – Nhân sinh quan chủ đạo của nhà thơ trong tập thơ này chính là ở câu hỏi đó! Hơn thế, về một phương diện nhất định… Bằng Việt đã phủ nhận chính cái thế thời mà chúng ta đang sống hôm nay!

Đến đây – Tôi xin tặng Bằng Việt đôi khúc thơ nhỏ, trích ra từ trong thiên sử thi gọi là: “Tiểu trường ca Thế Giới Tự Do – Phạm Ngọc Thái”, như sau:

Khúc 1 – Năm xưa ta đã trải thảm đỏ cho Mỹ rút về nước
Nay ta lại trải thảm đỏ để Mỹ vào Việt Nam
Nếu Mỹ không mang bá mộng xâm lăng…
(Chuyện thời thế – Thế thời: Phải thế!).

Khúc 2 – Thằng Tàu – ta cố tranh thủ kết đồng minh
Nhưng bản chất chúng là kẻ thù truyền kiếp của Việt Nam…
Ngàn năm trước đã thế!
Ngàn năm sau vẫn thế!
(Nếu một khi ta không đủ mạnh).
……..

“Nheo mắt nhìn thế giới” là một tập thơ mở – Nó mở cái gì? Nó mở ra một câu hỏi: Chúng ta là ai? đang ở đâu? và chúng ta sẽ đi đến đâu đây?

Bằng Việt đáng quí ạ:

Chúng ta đi về phía “Tượng thần tự do” – Nước Mỹ.
Việt Nam đi về phía “Tượng thần tự do” – Nước Mỹ.
“Tượng thần tự do” muôn năm!!!

© Phạm Ngọc Thái

1 Phản hồi cho “Bằng Việt phê phán xã hội bằng thơ”

  1. Quê tôi says:

    Xin mạn phép trả lời nhà thơ

    trích: Đêm thấy ta là thác đổ…”
    Vậy ngày ơi, ta là gì?
    Dễ ẹc.

    “Đêm thấy ta là thác đổ”
    Ngày chế độ nhốt đời ta

    Ngày, ta là tù chứ còn gì nữa. Có đúng không nào ?

Phản hồi