Con Rồng trong dân gian
Năm 2012 cầm tinh con rồng nằm trong cung hoàng đạo, đứng vị trí thứ 5 trong số 12 con giáp, theo lịch Nhâm Thìn (壬辰) thuộc thứ 29 theo Thiên Can Địa Chi là: Giáp Tý, Ất Sửu, Bính Dần, Đinh Mão, Mậu Thìn, Kỷ Tỵ, Canh Ngọ, Tân Mùi, Nhâm Thân, Quý Dậu…. chu kỳ sáu mươi năm (60), năm 2012 Nhâm thìn (thứ 29), năm 2024 Giáp thìn (thứ 41) 2036 Bình thìn (thứ 53) tới năm 2072 trở lại năm Nhâm thìn.
Về đời sống, trong khoa học cũng như thi ca của 12 con giáp như: hổ, rắn, khỉ, chuột được nuôi trong sở thú, heo, gà, chó, mèo, trâu, ngựa được thuần hóa thành gia súc, nhưng con rồng không thể tìm đâu ra trong thực tế. Rồng sống trong những câu chuyện thần thoại từ Á sang Âu trong các phim hoạt hình giả tưởng. Tuy nhiên con rồng là biểu tượng đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam, liên quan đến truyền thuyết con rồng cháu tiên chuyện huyền thoại Lạc Long Quân lấy nàng Âu Cơ đẻ ra bọc trăm trứng và nở thành một trăm người con….Rồng là biểu tượng của sự cao quý tốt đẹp, thăng hoa và thịnh vượng, rồng xuất hiện thể hiện cái đẹp chân, thiện, mỹ. Hình ảnh con rồng đã ăn sâu vào tâm thức của người Việt, những di tích lịch sử, cổ vật có hình rồng bay phượng múa, (long-lân-qui-phụng) được sử dụng trong kiến trúc tôn giáo, điêu khắc và hội họa, hình rồng mang bản sắc riêng. Từ đời Lý rồi qua các triều đại rồng có những khác biệt, thân rồng uốn hình 12 khúc, đại diện 12 tháng trong năm. Thân mềm mại uốn lượn thể hiện sự biến hóa. Trên lưng có vây nhỏ liền mạch và đều đặn. Đầu rồng có bờm dài, râu cằm, không sừng. Mắt lồi to, hàm mở rộng có răng nanh, bốn chân mỗi chân có ba, bốn móng cong nhọn. Đầu rồng ngẩng cao, há miệng rộng vờn đớp viên ngọc quý (ở Nhật Bản, Đại Hàn và Trung Hoa rồng hay cầm ngọc bằng chân trước). Rồng luôn tìm kiếm viên ngọc đó như một vật hình cầu lơ lửng ngay gần miệng rồng để diễn tả ý rồng nhả ngọc, rồng chầu ngọc, hay rồng tranh ngọc
Rồng ở các nước Á châu có nhiều khác biệt với rồng ở Âu châu, rồng Á châu có mình rắn, vảy cá, bờm sư tử, sừng hươu và biết bay, là con vật linh thiêng. Ngược lại các nước Âu châu rồng “Dragon” là một loài quái vật thân con khủng long có cánh dơi là biểu tượng của cái ác và sự hung dữ đều phun ra lửa hay nước phá hủy tất cả. Sức mạnh của rồng ở trong miệng và đuôi của nó
Những hình tượng đó đều sinh ra từ trí tưởng tượng của con người và là đặc điểm của mỗi nền văn hóa, nên rồng Đông phương có những nét khác rồng Tây phương.
-Fairy Dragon, rồng màu sắc sặc sỡ, có cánh chuồn chuồn hoặc cánh bướm, cổ dài, đuôi dài, mắt to.
-Azure Dragon, loại rồng thường có màu xanh lục hoặc xanh blue, sống rất thọ, hay gặp ở Bắc Cực.
-Chimera, loại rồng 3 đầu, hung ác, có sải cánh rộng, ở trong rừng núi cao, rồng mang sức mạnh của thiên nhiên là 4 yếu tố tạo nên vũ trụ: Gió, Lửa, Đất và Nước. Sự khác biệt về rồng của Đông phương cũng như Tây phương đều giúp con người nhận thức khám phá về thế giới thêm phong phú.
Hiện tượng vòi rồng hút nước
Vòi rồng hút nước là hiện tượng một luồng không khí lớn xoáy tròn mở rộng ra từ một đám mây dông xuống tới mặt đất. Lốc xoáy do có 2 luồng gió mạnh thổi ngược chiều và lệch nhau tạo nên xoáy mạnh cuốn nước lên cao giống như vòi rồng, sức hút ở trung tâm cơn lốc lên đến 100km/giờ. Do đó cơn lốc này có thể hút nước biển và cả những con cá đem lên trời, đường kính của vòi rồng có thể thay đổi từ 20m đến khoảng 50m. Người ta gọi vòi rồng âm Hán-Việt là “lục long quyển”, tiếng Anh Tornado có nguồn gốc từ tiếng Tây Ban Nha là tornar.
Nhìn từ xa vòi rồng có thể có màu đen hoặc trắng, tuỳ thuộc những thứ mà nó cuốn theo, vòi rồng xuất hiện ở trên đại dương thường hút nước biển lên cao tạo thành các cây nước (waterspouts).
Rồng sống trong huyền thoại
Trong dân gian, rồng vẫn là sự kích thích trí tưởng tượng tạo cảm hứng sáng tác cho con người. Ở Việt Nam hình tượng rồng đại diện cho uy lực triều đình, rồng được thêu lên áo bào vua. Áo vua được gọi là long bào, mũ vua được gọi là long quân, giường vua ngủ được gọi là long sàng, sân vua được gọi là long đình, xe vua dùng được gọi là long xa, thuyền vua ngự được gọi là thuyền rồng… Cột trụ chùa, cung điện, bia trụ xưa nay đều có hình rồng uốn éo theo chiều đứng, (loại rắn bò uốn éo theo chiều ngang).
Lý Công Uẩn lật đổ nhà tiền Lê năm Kỷ dậu 1009, lên ngôi tức Lý Thái Tổ trị vì (1010-1028) có công lập nên nhà Lý. Tháng 7 năm 1010 vua dời đô từ Hoa Lư (Ninh Bình) ra thành Đại La, có huyền thoại rằng khi vua đi thuyền đến Đại La thì rồng xuất hiện trên trời, báo điềm lành cho triều đại tốt đẹp nên vua đổi tên Đại La thành Thăng Long, có nghĩa là “rồng bay lên”. Từ đo bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới đối với vận mệnh của dân tộc trên đất Thăng Long. Vua Minh Mạng (trị vì 1820-1841) đổi Thăng Long (821 năm) thành Hà Nội năm 1831, nhà thơ Huy Cận đã hoài cổ Thăng long với “đất ngàn năm văn vật”:
Đây Thăng Long đất sắp tròn nghìn tuổi
Rồng bay lên ngày tháng tốt tâu vua
Lý Công Uẩn mắt thần nhìn nước non mở hội
Bốn phương trời Đại Việt lập kinh đô
Trong thi ca, tục ngữ lưu truyền, hay các truyện thần thọai ly kỳ, hấp dẫn đều do trí tưởng tượng trong đời sống dân gian đó là những ước mơ và khát vọng của con người về rồng…
Phận gái lấy được chồng khôn
Xem bằng cá vược vũ môn hoá rồng.
Nghĩ con cá lý ngư cũng như thân thiếp
Chờ cho mãn kiếp tu hoá rồng
Thôi anh đừng mong vợ mong chồng
Để cho em xa lánh bụi hồng gió trăng
Nước lên khỏi bực tràn bờ
Thương thì nói vậy, biết chờ đặng không
Đặng không tôi cũng gắng công
Chừng nào ao cá hóa rồng sẽ hay.
Trí tưởng tượng thật phong phú, rồng không ấp trứng nhưng nở ra rồng
Trứng rồng lại nở ra rồng
Liu diu lại nở ra dòng liu diu
Trứng rồng lại nở ra rồng
Hạt thông lại nở cây thông rườm rà
Sông Trà sát núi Long Đầu
Nước kia chảy mãi rồng chầu ngày xưa
Núi Long Đầu lưu danh hậu thế
Chùa Thiên Ấn ấn để hậu hoàng
Ai về xứ Quảng cho nàng về theo
Sự chệnh lệch về kiến thức trong tình yêu, tình vợ chồng xưa cũng như nay, quả là một trở ngại lớn lao trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình :
Rồng nằm bể cạn phơi râu,
Mấy lời anh nói dấu đầu hở đuôi.
Rồng vàng tắm nước ao tù,
Người khôn ở với người ngu bực mình.
Một ngày tựa mạn thuyền Rồng
Còn hơn trăm kiếp nằm trong thuyền chài
Rồng giao đầu, Phụng giao đuôi,
Nay tui hỏi thiệt : Mình thương tui không mình ?
Người xưa quan niệm “vua ngự rồng chầu” Huế là kinh đô có sông Hương núi Ngự. Nơi tham dự họp hội triều kiến của triều đình nên gọi là rồng chầu ngoài Huế, Ngựa tế Đồng Nai là nơi khai khẩn đất hoang mở rộng bờ cõi, đời sống của ngựa vất vả nhọc nhằn…
Rồng chầu ngoài Huế, ngựa tế Đồng Nai
nước sông trong chảy lộn sông ngoài
thương người quân tử lạc loài tới đây
Rồng đen lấy nước thì nắng,
Rồng trắng lấy nước thì mưa .. .
Cái đẹp phát xuất từ tâm tư con người, quan niệm của người bình dân thời xưa cho chúng ta thấy được một phần nhân sinh quan :
Lỗ mũi em thì tám gánh lông
Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho
Đêm nằm thì ngáy o o
Chồng yêu, chồng bảo ngáy cho vui nhà.
Hôm qua anh đến chơi nhà
Thấy mẹ nằm võng, thấy cha nằm giường
Thấy em nằm đất, anh thương
Anh đi mua gỗ đóng giường tám thang
Bốn góc thì anh bịt vàng
Bốn chân bịt bạc, tám thang chạm rồng
Ví von rồng qua các câu đố về tàu cau và con gà trống
Đầu rồng đuôi phụng le te
Mùa đông ấp trứng muà hè để con
Đầu rồng, đuôi phụng cánh tiên
Ngày năm bảy vợ, tối ngủ riêng một mình.
Thực vật và động vật mang tên rồng
Các loại cây xương rồng tên khoa học: Cactaceae có từ 24 đến 220 chi, tùy theo nguồn (90 chi phổ biến nhất), trong đó có từ 1.500 đến 1.800 loài. Cây xương rồng có nguồn gốc từ vùng sa mạc Mỹ châu và một số mọc trong rừng nhiệt đới, xương rồng có gai và thân, lá cây chứa nước dự trữ hai lá mầm và có hoa nở đẹp lâu tàn.…Trái Thanh long (Dragon Fruit) của Việt Nam thơm ngon xuất cảng ra thị trường thế giới….
Nhiều loại cá gọi là cá rồng, cá rồng Á châu (tên khoa học: Scleropages formosus) Cá rồng được tìm thấy ở một số nước như: Thái Lan, Indonesia (Bocneo, Sumatra), Malaysia. Úc loại cá nầy theo màu sắc và hình dáng chia ra làm 4 loại chính là:
Kim long quá bối Cross Back Goiden Maiaysia (giống này từ Malaysia):
Huyết long Super Red (giống này từ Indonesia)
Kim long hồng vĩ Red Tail Golden (giống này từ Indonesia)
Thanh long Green Arowana giống này có ở nhiều nơi trên vùng nhiệt đới.
Loài cá Rồng Lá Leafy Seadragon (Phycodurus eques), cá Rồng Tảo The Weedy Seadragon (Phylloptreyx Taeniolatus) là những loại cá đẹp trông giống như một thân cây có những cái lá thật lạ, lộng lẫy là những phiến da, treo khắp đầu, thân, đuôi, rồng lá sống ở độ sâu từ 5-35m, ở vùng nước ôn đới theo duyên hải miền Nam Australia trong khu rừng tảo bẹ dưới biển, ở Viện Hải dương Học Long Beach California có nuôi những loại đó.
Cá vượt vũ môn theo truyền thuyết cho rằng loại cá chép vượt vũ môn để hóa rồng. Người Tàu đời nhà Hạ quan sát mùa vượt thác của cá Hồi về những dòng suối trên cao để đẻ trứng, họ không hiểu về tập tính đời sống loại cá nầy nên bịa ra lối giải thích rằng đoàn cá thi vuợt qua các bậc cao gọi là vũ môn để hoá rồng bay đi, con nào không thành công thì chết.
Theo tài liệu dẫn chứng đó là loại cá Hồi Salmon/ Lachs dòng họ Salmonidae có 4 loại chính: Chinook, Coho, Sockeye và King Salmon. Đời sống hấp thụ cả cả hai môi trường đối nghịch là nước mặn lẫn nước ngọt. Cá Hồi được sinh trưởng tại vùng nước ngọt, nơi bắt nguồn của các con sông, suối, hồ. Sau đó chúng xuôi theo dòng ra biển sống tại các đại dương bao la. Đến mùa giao phối, chúng lại ngược dòng thời gian dài một vài tháng, quay về nguồn vượt thác để sinh sản rồi chết. Trứng nở ra thế hệ con cái lại tiếp tục quay ra biển sinh tồn duy trì nòi giống….
Những địa danh có hình tượng rồng
Sân rồng, thuyền rồng của ông kỷ sư Nguyễn Thành Nam (1909-1990), là người sáng lập Đạo Dừa; hay còn gọi là Hòa đồng Tôn giáo; Cuộc sống tu hành thức ăn chỉ là trái cây và dừa (nên người đời gọi Ông Đạo Dừa) ông thành lập đạo Dừa tại cồn Phụng ở Bến Tre vào năm 1963. Khu vực hành đạo của Đạo Dừa rộng khoảng 1.500m2 hiện vẫn còn “Sân rồng”, có hình 9 con rồng ôm thân cột, hình ông ốm nhỏ đứng giữa 9 bà vợ tượng trưng cho 9 con rồng (vợ nhưng không quan hệ tình dục?).
Sông chín rồng là sông Cửu Long, hay Cửu Long Giang (九龍江), là tên gọi chung cho các phân lưu của sông Mê Kông chảy trên lãnh thổ Việt Nam. Bắt đầu từ Phnom Penh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Bassac (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang), cả hai đều chảy qua đồng bằng châu thổ rộng 3,3 hecta ruộng lúa phì nhiêu, nước sông chảy ra biển có chín cửa. Từ Hậu giang các cửa : Định An, Ba Thắc, Tranh Đề. Từ Tiền giang các cửa: Tiểu, Đại, Hàm Luông, Cổ Chiêm, Cung Hầu, Ba Lai, nên sông Mê Kông còn được gọi là sông Cửu Long, tức “sông chín rồng”, ngày nay do môi trường thay đổi một cửa sông đã bị cát bồi biến mất một con rồng! nhưng trong lòng của nhân gian vẫn còn 9 con rồng
Sông Cửu Long chín cửa hai dòng
Người thương anh vô số
Nhưng anh chỉ một lòng với em
Ngoài ra còn có nơi mang tên long tức rồng: Vĩnh Long, Long Hồ, Bình Long, Long Bình, Hạ long, Phước Long, Long Mỹ, Long Hải, Long Xuyên, Long Khánh, Long An, Long Hồ, Long Đất, Long Thành, Long biên…ở Indonesia có đảo rồng
Những phim và sách mang tên rồng
Các phim Tàu kiếm hiệp và võ thuật nỗi tiếng như: Ngoạ hổ tàng long, Mãnh long quá giang, Thiên long bát bộ, Long hổ đấu, các phim họat hình của Nhật: Truyền thuyết về rồng, Tales From Earthsea, legen of the Millennium Dragon 2011, ngoài ra còn có các loại phim Dragonnica, Dragon and Elf Beauty wallpaper from Dragons wallpapers; D War, Dinosaur and Dragon, Người con của rồng, Rồng xanh…. nhạc phẩm Con Rồng Việt Nam…
Loạt truyện Bảy viên ngọc rồng được phát hành với 3 loạt truyện, 17 phim hoạt hình, Video game. Năm 2008, hãng 20th Century Fox sản xuất bộ phim đầu tiên với người thật đóng trình làng năm 2009. Các tên tài tử điện ảnh võ thuật Tàu được nhiều người biết như Thành Long (Jackie Chang) Lý Tiểu Long (Bruce Lee) Địch Long, truyện Tam Quốc có Triệu Tử Long, Ngọa Long Khổng Minh Gia Cát Lượng, Đào Duy Từ có “Ngoạn Long Cương Vãn”….Tác phẩm “Con Rồng An Nam” của cựu hoàng Bảo Đại (1913-1997) hoàng đế thứ 13 là con “rồng nằm” cuối cùng của nhà Nguyễn đã qua đời và bị lãng quên trên xứ người.
Tác giả Bill-Hayton cựu phóng viên BBC tại Hà Nội viết “Vietnam Rising Dragon”. (là con rồng của tập đoàn đảng CSVN đang biến chủ nghĩa CS sang tư bản Việt Nam thành kiểu công ty gia đình. Tầng lớp mới giới thương gia, không tách khỏi đảng cộng sản mà lại là thành viên của đảng, hoặc có liên quan tới đảng), theo “chủ thuyết” COCC là bốn chữ cái đầu của Con Ông Cháu Cha hay 5C viết tắt là của “Con Cháu Các Cụ Cả”. Từ thế kỷ thứ 20 các nước tự do chọn người tài đức ra phục vụ quê hương và dân tộc, CS Việt Nam thì đi ngược lại bánh xe tiến hoá của lịch sử.
Nhật ký “rồng rắn” của cố trung tướng Trần Độ (1923-2002) là tác phẩm cuối đời, niềm vui chưa trọn vẹn. Tác giả nói đến nỗi niềm cay đắng đã phục vụ dưới chủ nghiã CS và bị khai trừ khỏi đảng. Ông viết để tặng “người đời và cuộc đời” những ai còn quan tâm đến tiền đồ của đất nước, ước mơ cuối cùng của ông chỉ có tự do, dân chủ cho dân tộc Việt Nam. Bốn câu thơ sau đã nói lên nỗi lòng của tác giả:
Những mơ xoá ác ở trên đời
Ta phó thân ta với đất trời
Ngỡ ác xóa rồi thay cực thiện
Ai hay, biến đổi, ác luân hồi.
Nhìn lại năm Tân mão đi qua thế giới thay đổi, những người hiền tài hay ác độc đều phải ra đi theo luật tạo hóa “sinh lão bệnh tử”. Osama bin Laden, xuất thân trong gia đình giàu có tại sao ông hận đời, cuồng tín tổ chức khủng bố quốc tế giết người và cuối cùng phải chết theo định luật “dùng gươm sẽ chết vì gươm”. Đại tá Gadhafi của Lybia, 42 năm quyền lực thao túng dầu mõ đầu tư hơn 200 tỷ Mỹ Kim ra ngoại quốc… sống giàu sang, tham lam, thủ đoạn để rồi chết trong nhục nhã cô đơn, thân xác bị kéo lê trên đường phố, tất cả danh vọng tài sản đều bỏ lại, cát bụi trở về với cát bụi… Thế giới văn minh ngày nay loại bỏ người ác, cũng như chế độ độc tài ra khỏi quỷ đạo của trái đất, đây là bài học qúy giá cho những ai còn tham quyền cố vị, muốn cầm quyền theo lối cha truyền con nối.
Thế giới thương tiếc Steve Jobs là thiên tài của thời đại, nhiều phát minh cho ngành điện tử làm thay đổi đời sống truyền thông, đóng góp một sự nghiệp vỉ đại cho nhân loại… Ðịnh mệnh đã thu ngắn sinh mệnh của ông, dù ông có tài sản 8 tỷ US$ nhưng không mua được sự sống cho chính mình! Âu Châu khủng hoảng tiền tệ, Thái Lan Campuchia, Việt Nam bị ngập lụt. Tệ hại hơn nửa nhà cầm quyền Việt Nam không tôn trọng nhân quyền, đàn áp các cuộc biểu tình chống Tàu xâm chiếm biển đảo của Việt Nam, bắt giam thành phần trí thức già- trẻ yêu nước bất đồng chính kiến vì họ muốn nhà cầm quyền phải tôn trọng các quyền tự do của con người, không đàn áp tôn giáo. Cố Thượng nghị sĩ Daniel Patrick Moynihan (1927-2003) đã nói: ”If a person goes to a country and finds their newspapers filled with nothing but good news, there are goodmen in jail” (nếu bạn đến một nước mà bạn chỉ thấy trên báo toàn những tin tốt, thì những người tốt của đất nước đó ở trong tù) trường hợp nầy giống xã hội VN ngày nay.
Năm 2012 là năm Thìn, theo người Tây phương coi rồng là biểu tượng cho sự xấu xa, độc ác, là đối tượng mà con người cần phải chinh phục, thì ngược lại Đông phương xem rồng là biểu tượng cho sự tốt đẹp, may mắn và thịnh vượng… Dù quan niệm khác nhau nhưng năm Nhân thìn đến mọi người dù Âu hay Á đều mơ ước một tương lai tươi đẹp hơn, đời sống vượt qua những khó khăn về kinh tế, có công ăn việc làm, tránh chiến tranh và mong ước thiên tai không xảy ra để con người bớt khổ đau nghèo đói…Mong ước Việt Nam có tự do dân chủ và nhân quyền được tôn trọng, người dân được sử dụng các quyền tự do căn bản để xây dựng một xã hội công bằng, bác ái, được sống trong an bình và công lý. Kinh tế Việt Nam phát triển, như những con rồng tại Đông Nam Á Châu bay cao, để chúng ta có thể tự hào là Con Rồng Cháu Tiên,
© Đàn Chim Việt
————————
Tài liệu tham khảo:
Thi ca bình dân Việt Nam Ng. Tấn Long-Phan Canh NXB Sống Mới Saigòn 1969
Ca dao trữ tình Việt Nam NXB Giáo Dục
Tài liệu, hình trên các Website và Wikipedia