Chế độ đất đai Việt Nam: Sai đến đâu sửa đến đó
Trong thời gian gần đây người ta bàn cãi rất nhiều về những mưu toan tịch thu đất đai của người dân ở Huyện Cờ Đỏ thuộc tỉnh Cần Thơ và Huyện Tiên Lãng ngoại thành Hải Phòng mà bà Trần Ngọc Sương và ông Đoàn Văn Vươn là hai nạn nhân chính. Trước đây đã có hàng trăm ngàn trường hợp nông dân bị ức hiếp như vậy vì họ đều cùng ở trong cùng cảnh ngộ như Bà Sương hay ông Vươn. Trong nhiều trường hợp hàng trăm dân oan kéo về Hà Nội và Saigon để khiếu kiện về đất đai trong hơn mười năm vừa qua. Một tai nạn này đã gây xúc động mãnh liệt trong nước cũng như ở hải ngoại xẩy ra vào cuối năm 2005 liên quan đến đất đai và bà Phạm Thị Trung Thu là một nạn nhân. Tuyệt vọng vì khiếu kiện đòi nhà đất bị tịch thu tại Đà Lạt không có kết quả, bơ vơ không nơi nương tựa và uất ức vì bị đối sử bất công, Bà Phạm Thị Trung Thu đã ra Hà-Nội tự thiêu ngay tại nhà tiếp dân ở Quận Ba Đình. Bà bị phỏng nặng nhưng được cứu sống 1/ và chữa trị bằng một phần tiền của một số người hảo tâm mà Bà không hề quen biết ở nước ngoài gửi về giúp.
Đất đai là một tài nguyên khan hiếm, một tích sản quý giá và là một vấn đề quan trọng liên quan đến tất cả 90 triệu người Việt Nam. Ai cũng cần có một mái nhà trên một mảnh đất để ở. Nhưng đất đai còn là một phương tiện sinh sống thiết yếu của 63 triệu người dân nông thôn. Nhà nước đụng đến đất đai là đụng đến an sinh của cả 90 triệu dân. Gần nửa thế kỷ vừa qua, Cộng Sản Việt Nam CSVN) đã dùng đất đai và nhà ở làm phương tiện để sách động và kiểm soát dân. Chính sách đất đai và hộ khẩu cũng như cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950, đều là những thứ vay mượn của Trung Quốc. Chúng đã cản trở việc phát triển đất nước và gây ra không biết bao nhiêu đau thương và bất công trong xã hội.
Chế độ đất đai tại Việt Nam phản ảnh trung thực mưu đồ tối tăm và tầm nhìn thiển cận của cấp lãnh đạo.
Chính sách tập thể hóa đất đai
Trong thời gian chưa nắm được quyền hành, CSVN phát động đấu tranh giai cấp, đấu tố địa chủ, lấy đất chia lại cho dân, “trả ruộng cho người cầy” để lôi kéo nông dân. Đến khi có được quyền hành trong tay, CSVN thâu hồi lại đất đai và bắt dân làm mướn. Chính sách tập thể hóa đất đai kéo dài không được bao lâu vì nông dân chống đối mạnh mẽ, đặc biệt tại miền Nam Việt Nam. Tính đến năm 1986, chỉ có 5.9% nông dân ở đồng bằng Sông Cửu Long, 20% ở miền Đông Nam phần, và 85% ở vùng đất thấp của miền Trung gia nhập các hợp tác xã. Số lượng nông phẩm sản xuất giảm xuống nhanh chóng khiến Việt-Nam bị đe dọa bởi nạn khan hiếm thực phẩm nghiêm trọng. Nạn thiếu đói này làm người ta liên tưởng đến chính sách bắt dân trồng đay thay vì lúa gạo để làm nguyên liệu cho việc sản xuất quân trang, quân phục của quân phiệt Nhật vào năm Ất Hợi 1945. Hậu quả là một triệu dân Việt bị chết đói.
Để giải quyết nạn đói đe dọa, CSVN đã phải nương tay để mặc dân chúng tự sản xuất nông phẩm trên những mảnh đất quanh nhà hay bỏ hoang. Vào năm 1981, CSVN ban hành Chỉ Thị 100, thiết lập hệ thống “khoán sản phẩm” để chính thức hoá tình trạng “xé rào” ở cả hai miền Nam Bắc. Theo chỉ thị này đất đai vẫn thuộc về toàn dân và do nhà nước quản trị, nhưng nông dân được trao cho một số nguyên liệu và được khoán cho làm một số công việc sản xuất trên mảnh đất được nhà nước chỉ định, được trả công trên số giớ làm, và được giữ số lượng nông phẩm thăng dư trên số lượng ấn định phải nộp cho nhà nước. Nhờ vậy số lượng nông phẩm tăng lên.
Chính sách này có nhiều khuyết điểm như tiền công trả cho nông dân không dựa trên lượng và phẩm của nông sản do gia đình nông dân sản xuất. Ngoài ra việc phân phối đất đai không công bằng đã gây ra nhiều kiện tụng. Tuy nhiên Chỉ Thị 100 là bước đầu quan trọng đưa đến những cải tổ rộng lớn với chính sách “Đổi Mới” vào cuối năm 1986. Sau thời điểm này CSVN ban hành nhiều luật đất đai và tu chính nhiều lần khác nhau theo kiểu vá víu “sai đến đâu sửa đến đó”.
Luật Đất Đai 1988
Để giải quyết tình trạng kiện tụng về đất đai mỗi ngày một nghiêm trọng, CSVN đã ban hành luật đất đai lần đầu tiên vào năm 1988 sau khi chiến tranh chấm dứt tại Việt-Nam. Đất được phân phối cho dân chúng sử dụng, nhưng việc mua bán, thuê mướn đất đai, thay đổi mục tiêu sử dụng hoàn toàn bị cấm đoán. Cũng vào năm này, nhà nước ra Nghị Quyết số 10, chính thức hủy bỏ hệ thống sản xuất nông phẩm tập thể.
Luật Đất Đai 1988 có những điểm chính sau đây: 1) Đất đai thuộc quyền sở hữu chung đặt dưới sự quản lý của nhà nước; 2) Nhà nước cho cá thể và các tổ chức thuê đất để sử dụng lâu dài; 3) Người sử dụng đất có thể bán những sản phẩm gặt hái từ miếng đất đã sử dụng; 4) Mua bán đất bị cấm đoán; 5) Tranh chấp về đất đai sẽ được xử theo luật lệ; 6) Đất không được phép cho thuê lại; và 7) Không được thay đổi cách sử dụng đã mô tả.
Luật Đất Đai 1993
Luật đất đai thứ 2 ban hành vào năm 1993. Luật mới tiến bộ hơn, cho phép người sử dụng đất được quyền chuyển nhượng, mua bán, cho thuê, thừa kế hoặc thế chấp. Trong việc áp dụng luật mới năm 1993 có sự khác biệt đáng kể giữa các vùng khác nhau. 2/ Luật Đất Đai 1993 có rất nhiều hạn chế cản trở việc thực hiện các quyền trên. Trước tiên, chính phủ không ban hành bất kỳ sắc lệnh nào giải thích việc áp dụng các quyền này. Thứ 2, luật quy định diện tích đất nông nghiệp trồng cây hàng năm tối đa mà mỗi hộ miền Nam được phép sử dụng là ba mẫu hectare – ha) còn ở ngoài Bắc là hai mẫu. Đối với đất trồng cây lâu năm, giới hạn tương ứng là 10 mẫu đất đồng bằng và 30 mẫu đất đồi núi. Thứ 3, thời gian sử dụng đất trồng cây hàng năm là 10-15 năm và gia hạn thêm. Thứ 4, cấm chuyển đổi đất trồng lúa sang trồng các loại cây khác. Thứ 5, việc chuyển nhượng đất lâu dài bị hạn chế bởi các trường hợp cụ thể đi ra khỏi vùng, không có khả năng sử dụng mảnh đất riêng) và đòi hỏi phải có giấy phép của chính quyền địa phương. Thứ 6, không cho phép cho thuê hay cho thuê mướn đối với đất trồng cây hàng năm hoặc đất nuôi trồng thủy sản quá ba năm, trừ khi có giấy phép của chính quyền. Thứ 7, việc mua bán trao đổi đất đều phải nộp thuế. Thuế suất áp dụng là 50% giá trị đất nếu là đất trồng lúa của một hộ gia đình sang tên cho một hộ gia đình khác và để trồng các loại cây khác. Thuế suất là 30% trong trường hợp đất xây dựng cơ sở công nghệ.
Luật Đất Đai 1993 đã được tu chính lại hai lần vào năm 1998 và 2001. Tu chính 1998 cho phép khoảng 100,000 mẫu đất nông nghiệp được dùng cho mục tiêu khác mỗi năm. 3/ Tình trạng đất đai ngày càng rắc rối với số đơn khiếu nại và kiện cáo ngày càng gia tăng. Mỗi năm riêng Viện Giám Sát Nhân Dân nhận được 5,000-7,000 khiếu nại. Tính đến cuối năm 2003 đã có khoảng 120,000 tranh chấp liên quan đến đất đai. 4/ Những biến loạn lớn ở Cao Nguyên Trung Phần đã xẩy ra vào 2001 và 2004 chỉ vài tháng trước khi Luật Đất Đai 2003 bắt đầu có hiệu lực một phần liên quan đến việc xâm chiếm đất đai của đồng bào thiểu số.
Trong một số trường hợp, cuộc tranh chấp về đất đai trở nên sôi nổi khiến dân chúng trở thành hung bạo. Vào cuối năm 1998, dân chúng thuộc làng Thổ Hà thuộc tỉnh Bắc Giang đã dùng liềm, giáo mác, gậy, cuốc, và dao dựa tấn công mãnh liệt và làm bị thương một số viên chức chính quyền khi họ đến viếng thăm một địa điểm được thu hồi từ nông dân để xây sân gôn trong một dự án hợp tác với Daewoo Group của Đại Hàn. Trước đó thỉnh thoảng cũng đã xẩy ra những cuộc xô sát có tính cách bạo lực như vậy. Dân chúng liên hệ chấp nhận đất của họ bị thu hồi nhưng họ đòi hỏi bồi thường hợp lý. 5/
Vào cuối năm 2002 trước khi CSVN họp đại hội, hàng trăm nông dân đã đụng độ với công an tại quận Hoài Đức ở miền bắc của tỉnh Hà Tây, chỉ cách Hà Nội 20 km. Khi nhân viên công lực hợp lực với công nhân dùng võ lực buộc khoảng 190 người thuộc 38 gia đình phải dời khỏi một vùng bị giải tỏa để xây khu công nghiệp, một cuộc xô sát đã xẩy ra. Một số viên chức nhà nước đã bị thương, một chiếc xe hơi bị đập phá. Hai công an và một viên chức bị dân chúng bắt giữ. Tại đại hội đảng, Tổng Bí Thư Nông Đức Mạnh có nhắc nhở các đảng viên rằng những xáo trộn xã hội sẽ gây ra những bất ổn, mặc dù ông không đề cập rõ ràng đến sự kiện ở Hà Tây. Ông phê bình rằng cuộc cải tổ hành chánh tiến hành chậm chạp, tội ác và đồi trụy lan rộng, và ông cũng nhận thấy tình trạng tham nhũng của một số đảng viên và viên chức chính quyền. 6/
Luật Đất Đai 2003
Luật mới này thay thế Luật Đất Đai 1993, những tu chính và bổ túc 1998 và 2001 cũng như những sắc lệnh và nghị định liên hệ và bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/7/2004.
Luật 2003 tái xác nhận rằng đất đai không thuộc quyền sở hữu tư nhân mà là của toàn dân do nhà nước quản lý. Nhà nước bao gồm Quốc Hội, Chính Phủ, và Ủy Ban Nhân Dân cấp tỉnh và huyện. Luật Đất Đai 2003 có những điểm chính sau đây được giải thích rõ hơn so với luật cũ:
1. Đất được chia ra làm 3 loại: đất nông nghiệp, đất phi-nông nghiệp, và dất bỏ hoang Trước đây đất được phân làm 6 loại: đất nông trại, đất rừng, đất nông thôn, đất thành thị, đất dùng cho mục đích đặc biệt, và đất hoang). Trong mỗi loại đất lại chia ra nhiều thứ khác nhau tùy theo mục tiêu sử dụng như đất dành cho khu công nghệ, đất dùng cho khu kỹ thuật cao, đất dùng cho khu kinh tế, đất dành xây công sở, v.v.
2. Một điều khoản trong Luật Đất Đai 2003 ấn định về giá đất, hủy bỏ bao cấp, đấu thầu đất, khảo giá bao gồm quyền sử dụng đất, thu hồi đất chậm trễ sử dụng, v.v.
3. Người sử dụng đất có quyền chuyển nhượng, chỉ định, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng, thế chấp, bảo đảm, và góp vốn đối với quyền sử dụng đất.
4. Một số điều khoản nằm trong Luật Đất Đai 2003 quy định quyền lợi và bổn phận của người Việt hải ngoại, các tổ chức và người ngoại quốc đối với việc sử dụng đất tại Việt-Nam. Các công ty tư nhân nội địa được phép cho các nhà đầu tư nước ngoài thuê mướn lại quyền sử dụng đất dài hạn của mình với sự chấp thuận của cơ quan chính quyền đã cấp quyền sử dụng dất đai cho các công ty tư nhân này và thời hạn cho thuê không được quá hơn thời hạn đã ghi trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đai. 7/
Luật Đất Đai 2003 được coi như là một bộ luật tỉ mỉ nhất từ trước đến nay bao gồm 6 chương và 146 điều. Tuy nhiên sau hơn một năm áp dụng Luật Đất Đai 2003 đã để lộ ra một số thiếu sót. Theo Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường, cơ quan chính phụ trách thanh tra việc thi hành luật đất đai, những khiếu nại của dân chúng là hợp lý và có những lý do khác nhau như số tiền bồi thường quá thấp, xin chứng chỉ khai phá đất khó khăn, v.v. Mặt khác, các toán thanh tra của Bộ Tài Nguyên Thiên Nhiên và Môi Trường báo cáo một than phiền và khiếu nại khác của dân chúng như nhân viên quản lý đất đai thiếu khả năng, trình độ hiểu biết luật kém, một số nhiệm vụ của các cơ quan địa phương trùng hợp nhau, việc cấp phát chứng chỉ sử dụng đất chậm trễ v.v. Ngoài ra việc thi hành luật đất đai rất chậm, đặc biệt đối với những dự án xây cất, kế hoạch sử dụng đất lớn. Trong khi đó việc thu hồi những đất bỏ hoang tiến hành chậm.
Luật Đất Đai 2003 vẫn giữ nguyên hạn chế diện tích dành cho mỗi hộ nông dân như Luật Đất Đai 1993. Điều này có nghĩa là hai mẫu ở miền Bắc và ba mẫu ở miền Nam dành cho cây hàng năm, 10 mẫu đất đồng bằng và 30 mẫu đất đồi núi dành cho cây lâu năm. Nhưng trên thực tế có dân được giao cho sử dụng tới 40 mẫu đất như ở Long An. Ông Võ Quan Huy ở huyện Đức Hòa tích tụ được tới 550 mẫu vì nhờ người đứng tên giùm. 8/
Một điểm quan trọng hơn cả là luật đất đai 2003 vẫn không thừa nhận quyền sở hữu của người dân. CSVN giải thích rằng “Đất đai là kết quả của một quá trình chế ngự thiên nhiên, chống giặc ngoại xâm của cả dân tộc chứ không của riêng ai. Tách khỏi những điều kiện của nhà nước, của cộng đồng, thì không một cá nhân nào có thể khai phá và giữ gìn bất cứ mảnh đất nào để rồi sau đó nói nó hoàn toàn là của mình. Có chăng, ở đây họ chỉ có công khai phá và sử dụng nó.” 9/ Tuy nhiên nguyên nhân sâu sa vẫn là tham vọng độc quyền không thay đổi từ xưa đến nay của CSVN về cả hai mặt chính trị và kinh tế. Với cùng một tư duy thiển cận và phản quốc hại dân này, hơn 10 năm qua CSVN vẫn không dứt khoát cải tổ các xí nghiệp quốc doanh mặc dù đa số những công ty này thua lỗ, phung phí tài nguyên quốc gia, và cũng là nơi nuôi dưỡng bè phái, tham nhũng. Điển hình là trường hợp Tập Đoàn Công Nghiệp Tàu Thủy Việt Nam Vinashin.
Chính vì có những thiếu sót nghiêm trọng sau nhiều lần sửa đổi, Luật Đất Đai 2003 vẫn không làm giảm được sự bất mãn và ngăn chặn được những cuộc khiếu nại tập thể. Vườn hoa Mai Xuân Thưởng ở Hà Nội là nơi hàng trăm dân khiếu kiện ở các nơi đổ về tập trung hàng ngày để mong Văn Phòng Tiếp Dân của nhà nước giải quyết nỗi oan ức mất nhà mất đất của họ. Phóng viên Diễm Hương của Đài Tiếng Nước Tôi có mặt tại Hà Nội tường thuật rằng vào cuối năm 2005, những người dân khiếu kiện đã gởi ra hải ngoại một lá thư kêu cứu có 44 người ký tên cùng với 900 gia đình ở thôn Phú Thượng, quận Tây Hồ; Hà Nội, và 560 gia Đình ở xã Lai Vũ, Hải Dương, 100 gia đình ở tỉnh Thái Bình và 200 gia đình ở tỉnh Bắc Giang. Tất cả cũng thường xuyên có mặt tại vườn hoa Mai Xuân Thưởng. 10/
Trước sự kiện là ngày càng có nhiều biểu tình Ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí Thư Đảng Cộng Sản Việt-Nam đã phát biểu như sau: “Chế độ dân chủ của chúng ta ngày càng loạn.” 11/ Hai năm sau nhà nước Việt Nam ban hành Nghị Định số 38/2005/NĐ-CP vào ngày 18/3/2005 với tựa đề là “Nghị Định Của Chính Phủ Quy Định Một Số Biện Pháp Bảo Đảm Trật Tự Công Cộng” bao gồm những luật lệ ngăn chặn những cuộc biểu tình của dân chúng vì nhiều lý do khác nhau liên quan đến nhà đất, thuế, tham nhũng, nhân quyền và tôn giáo. Thông Tư số Số: 09/2005/TT-BCA của Bộ Công An nêu rõ rằng những cuộc tập trung từ năm người trở lên đều bị cấm.
Theo Bộ Nông Nghiệp và Phát Triển Nông Thôn, khoảng 376,000 mẫu trồng lúa đã bị thu hồi làm một triệu nông dân bơ vơ trong khoảng thời gian 2001-2006. Luật Đất Đai 2003 nhắm đơn giản hóa thủ tục làm các các hợp đồng lớn, nhưng cũng lại tăng tốc độ nông dân mất đất. Khoảng 70% của 31,000 đơn khiếu nại trong năm 2007 không được đền bù thỏa đáng. 12/
Chính sách quy hoạch đất đai
Quy hoạch đất đai là lấy đất bỏ hoang hay thu hồi đất do dân chúng đang sử dụng, dời dân đi nơi khác để lấy đất dùng cho các dự án có lợi ích công cộng. Mục tiêu đề ra rất hợp lý, nhưng việc thực thi chính sách này gây ra nhiều kiện tụng và tạo ra căm phẫn trong dân chúng. Hiện tượng này hầu xẩy ra ở khắp 61 tỉnh và thành phố trên toàn quốc.
Luật đất đai có nhiều kẽ hở và mù mờ, nên dễ bị lạm dụng. TS Nguyễn Thanh Giang tại Hà Nội mới đây vừa phát biểu với phóng viên của đài Radio France International RFI) rằng “cái gọi là sở hữu toàn dân là nguồn gốc gây ra nhiều tham nhũng, làm tăng khoảng cách giàu nghèo, làm giảm năng suất nông nghiệp và nói chung là cản trở sự phát triển của đất nước. Thực chất sở hữu toàn dân là gì? Là sở hữu của Nhà nước. Mà sở hữu của Nhà nước là sở hữu của chính phủ. Mà sở hữu của chính phủ là của các quan chức. Cho nên có một thực tế là một giám đốc nhỏ như giám đốc một công ty chế biến cây trồng nông nghiệp đã biếu không 700 hectare đất công ở huyện Bến Cát, Bình Dương. Một ông giám đốc nhỏ như vậy mà có thể biếu 700 hectare đất, vậy thì những ông quan lớn hơn 5, 7 bậc có thể biếu không đến bao nhiêu hectare đất?” 13/
Trường hợp thông thường là dân bị lấy lại đất nhưng không được bồi thường theo giá thị trường hoặc không được đền bù gì cả vì không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đai. Dân có những trường hợp khiếu nại nghiêm trọng mà nhà nước không giải quyết nhanh chóng. Có trường hợp kiện cáo kéo dài 15 năm rồi mà vẫn chưa kết thúc. 14/ Đất bị nhà nước thu hồi, “giải phóng mặt bằng”, rồi được phân lại thành các lô và rao bán lại với giá cao gấp nhiều lần cho những người giầu có để xây biệt thự hay các mục tiêu khác mà “chủ cũ” không đủ điều kiện thực hiện. Một nông dân ở Củ Chi, Trảng Bàng được đền bù 15 triệu đồng US$951) cho một miếng đất rông ½ mẫu. Nhưng giá thị trường gấp 10 lần tức là 150 triệu VNĐ US$9,510). Với một số tiền ít oi như thế, một nông dân không được huấn luyện để có nghề khác, vì nhà nước không có đủ ngân sách, chẳng bao lâu sẽ trở thành kẻ vô sản thuần tuý. 15/ Một số nông dân trồng rau ở Đà Lạt bị đuổi ra khỏi khu đất đang sinh sống, xin đất ở nơi khác để tiếp tục sống về nghề trồng rau, nhưng không được chấp thuận. Nhà nước tính đưa số nông dân vào ở trong chung cư. Xưa nay chỉ biết cầm cuốc, cầm sẻng, họ lo sợ vì không biết làm gì khác để sống.
Nguyên nhân của tình trạng quy hoạch hỗn loạn này là do nhà nước không có một chính sách đất đai rõ ràng, không có sự giám sát hữu hiệu và sự lạm dụng địa vị của các quan chức nhà nước ở địa phương cũng như tại trung ương. “Trên bảo dưới không nghe. Địa phương tự tung, tự tác, muốn làm gì thì làm; vượt ra ngoài vòng kiểm soát của chính phủ.” 16/ Ngoài ra một số cán bộ kiểm tra việc thi hành luật lại không hiểu rành rẽ về luật lệ đất đai. Các dự án phát triển cần quy hoạch đất đai được soạn thảo một cách thiếu minh bạch. Có những dự án quy hoạch được thiết kế giả tạo để làm tiền dân chúng.
Giải pháp
Việt Nam cần phải gia tăng diện tích đất sử dụng trong nông nghiệp hạn điền) cho mỗi hộ nông dân để họ có thể cơ giới hóa sản xuất và gia tăng năng suất. Theo ông Nguyễn Tử Cương, Ủy Viên Thường Vụ Trung Ương của Hội Nghề Cá, Việt Nam hiện có 14 triệu hộ nông dân nhưng có tới 70 triệu mảnh đất trên 10 triệu hec ta đất nông nghiệp. 17/ Như vậy mỗi mảnh đất trung bình chỉ có 1,429 thước vuông. Trong tình trạng này, phát triển nông nghiệp một cách quy mô được không thể thực hiện được một khi Việt Nam muốn phát động một cuộc đổi mới thứ hai.
Quan trọng hơn nữa, thời gian sử dụng đất cần được kéo dài hơn để nông dân yên tâm làm ăn, sẵn sàng bỏ vốn cải thiện đất đai và có đủ thời gian kiếm lời và thu hồi số vốn đã đầu tư. Theo Luật Đất Đai 2003, thời hạn cho thuê đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản, đất làm muối cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá hai mươi năm; thời hạn cho thuê đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng là không quá năm mươi năm. Việc ấn định thời gian sử dụng đất đai từ 1 – 20 năm thuộc quyền sinh sát của chính quyền địa phương. Những lổ hổng của luật đất đai là những cơ hội giúp cho các quan chức dễ dàng bóc lột dân vô tội vạ một cách hợp pháp. Theo cuộc điều tra của báo Tuổi Trẻ, các xã ven biển của huyện Tiên Lãng, các hộ dân được giao đất với thời hạn khác nhau: từ 4 năm đến 15 năm. Không ai được sử dụng đất đến 20 năm. 18/
Việc cấp bách là nhà nước phải bồi thường thiệt hại cho dân chúng bị trưng thu ruộng đất và nhà cửa theo giá thị trường. Luật này cần phải có hiệu lực hồi tố đối với những trường hợp trưng thu tài sản từ khi có Luật Đất Đai 1993 đến nay. Dân chúng phải được quyền khiếu nại tại địa phương cũng như tại các cấp cao hơn kể cả trung ương. Trung Ương không thể phủi tay đổ lỗi hết cho địa phương. Những Biện pháp này không những vì lý do công bằng mà còn là cách để ngăn chặn nạn đầu cơ, tham nhũng, bóc lột những kẻ thân cô thế cô và giúp rút ngắn thời gian chờ đợi của các nạn nhân.
Những biện pháp trên chỉ có tính cách ngắn hạn. Để giải quyết vấn đề đất đai tận gốc, Việt Nam cần phải sửa đổi hiến pháp, trả lại quyền sở hữu đất đai cho người dân. CSVN cần phải học bài học nông trường tập thể và hợp tác xã nông nghiệp để cấp bách kết thúc chính sách “đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý”. Một khi có quyền sở hữu đất đai, người dân mới có động lực và tự do để tăng gia sản xuất và phương tiện để vay vốn để phát triển. Nạn tham nhũng đất đai sẽ chấm dứt để người dân nông thôn thấp cổ bé miệng được yên ổn làm ăn.
Theo ông David Brown, một nhà ngoại ngoại giao Hoa Kỳ trước đây phục vụ lâu năm tại vùng Đông Nam Á, nay đã về hưu, nhờ sửa đổi luật đất đai sản lượng nông nghiệp của Việt Nam đã tăng hơn 100% trong khoảng thời 1993-2008 và Việt Nam đã trở thành một trong quốc gia xuất cảng nông phẩm lớn nhất trên thế giới về gạo, cà phê, hạt điều, hột tiêu và hải sản… Ông Brown nhậc xét thêm rằng luật đất đai hiện nay của Việt Nam là một quả bom nổ chậm. Nó sẽ nổ vào năm 2013 [khi thời hạn cho sử dụng đất 20 năm chấm dứt] – nếu không có một cuộc cải tổ căn bản thì những thảm kịch như thứ bất ngờ xẩy đến cho ông Đoàn Văn Vươn sẽ đe dọa một nửa dân số. 19/
Kết luận
Nếu Việt Nam thực hiện một cuộc đổi mới thứ hai, tạo điều kiện dễ dãi cho tư nhân làm ăn, nông dân tự do cầy cẫy, tiềm năng sẵn có sẽ giúp Việt Nam tiến mạnh hơn nữa để dân Việt có cơ hội ngửa mặt lên với thế giới, chứ không còn phải đi bán thân xác và sức lao động ở nước ngoài. Có sức mạnh kinh tế mới có thể có sức mạnh quân sự để bảo vệ giang sơn.
Kể từ ngày ban hành luật đất đai đầu tiên kể từ sau 1975 đến nay đã được 24 năm, một thời gian khá dài. Sự oan ức của dân chúng mỗi ngày một tích lũy nhiều hơn trước sự vô cảm của nhà nước. Tình trạng này đã đưa đến sự chống cự bằng võ lực mới nhất tại Tiên Lãng. Tuy nhiên đây cũng sẽ không phải là phát súng cuối cùng. CSVN xem ra chưa sẵn sàng từ bỏ độc quyền về đất đai để chấp nhận cho nó một cuộc cải tổ toàn diện nhằm giải phóng nông dân, cũng như hiện nay họ cũng chưa sẵn sàng giải phóng những xí nghiệp quốc doanh như tờ tạp chí nổi tiếng trên thế giới The Economist nhận định. 20/
Trong cuộc họp liên bộ tại văn phòng Thủ Tướng ở Hà Nội về vụ việc cưỡng chế thu hồi đất tại huyện Tiên Lãng, Hải Phòng vào chiều 10-02-2012, ông Nguyễn Tấn Dũng nhận định rằng cả việc giao đất và thu hồi đất đối với trường hợp của ông Đoàn Văn Vương đều không làm đúng theo pháp luật. Việc tổ chức thưc hiện cưỡng chế có nhiều sai sót và đã gây ra hậu quả nghiêm trọng. Nguyên do là sự yếu kém của chính quyền huyện Tiễn Lãng trong công tác quản lý nhà nước về đất đai. Chủ Tịch và Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Huyện Tiên Lãng bị đình chỉ công tác. Việc khởi tố việc phá nhà ông Vươn bắt đầu được tiến hành.
UBND Huyện Tiên Lãng không hành động đơn phương. Tuy nhiên không một viên chức nào ở cấp tỉnh bị xử lý. Trái lại họ còn được trao cho trách nhiệm kiểm điểm toàn bộ sự việc. Nói tóm lại Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ phê phán về sự sai trái trong việc thi hành luật lệ đất đai mà không đề cập gì đến nội dung của bộ luật. Nhưng đây mới thật sự là nguồn gốc của những rắc rối làm nông dân mất ăn mất ngủ bấy lâu nay.
Đất nước vẫn sẽ tiếp tục bị kìm hãm bởi những chính sách phi lý của CSVN để có thể vươn lên trừ phi có một sự thức dậy đồng loạt của toàn dân. 21/
© Nguyễn Quốc Khải
© Đàn Chim Việt
——————————————-
Chú thích:
1/ Việt Hùng, “Tình Trạng Hiện Nay Của Bà Phạm Thị Trung Thu Sau Khi Tự Thiêu,” RFA, 12-01-2006.
2/ Rita Liljestrom và các cộng sự , “Thuận lợi và khó khăn của nông thôn Việt Nam: kẻ mất người được trong công cuộc đổi mới”, Curzon Press, United Kingdom: 1998.
3/ Tran Dinh Thanh Lam, “Factories Grabbing Land From Farmers,” Inter Press Service, Ho Chi Minh City: June 3, 2004.
4/ Financial Times Information, “Vietnam’s Legislators Call for Lower Land Prices,” October 28, 2003.
5/ Reuters, “Villagers Attack Vietnam Officials in Land Dispute,” Hanoi, Oct. 21, 1998.
6/ Reuters, “Vietnam Land Dispute Turns Violent As Party Meets,” Hanoi, Nov. 8, 2002.
7/ National Assembly, Socialist Republic of Vietnam, “Law on Land, No. 13-2003-QH11, March 31, 2004.
8/ Q. Vinh – Vân Trường, “Bất Cập Tron Luật Đất Đai,” Tuổi Trẻ, 07-02-2012.
9/ Đỗ Thúy Hường, “Tôi Tìm Hiểu Luật Đất Đai,” 25-03-2008.
10/ Diễm Hương, “Tiếng Kêu Cứu Của Người Dân Khiếu Kiện,” Đài Tiếng Nước Tôi, 14-01-2006.
11/ Deutsche Presse-Agentur, “Land Protest in Vietnam’s Capital,” Hanoi: June 26, 2003.
12/ David Brown, “Vietnam’s Contentious Land Law,” Asia Sentinel, Feb 3, 2012.
13/ Thanh Phương, “Luật Đất Đai Phải Công Nhận Quyền Sở Hữu Tư Nhân,” RFI, 10-01-2012.
14/ Tiền Phong, “Đà Nẵng: Một Vụ Khiếu Kiện 15 Năm Chưa Kết Thúc do UBNDTP Tiền Hâu Bất Nhất,” 10.10.2005.
15/ Tran Đinh Thanh Lam, “Factories Grabbing Land From Farmers,” Inter Press Service, Ho Chi Minh City: June 3, 2004.
16/ Chu Vũ, “Đất Đai: Vấn Đề Nóng Bỏng Hiện Nay ở Việt-Nam,” 16.09.2005.
17/ Nam Nguyên, “Sửa Luật Đất Đai Để Tránh Những Vụ Tiên Lãng,” RFA, 07-02-2012.
18/ Xuân Long – Đức Bình, “Tiên Lãng – Nơi Luật Đất Đai Bị Bóp Méo,” Tuổi Trẻ, 03-02-2012.
19/ David Brown, “Vietnam’s Contentious Land Law,” Asia Sentinel, Feb 3, 2012.
20/ The Economist, “Rulers Pass Up The Chance To Deal With Mounting Economic Problems,” Hanoi, Jan. 6, 2011.
21/ Bài phân tích này một phần dựa vào tài liệu “Chính Sách Đất Đai Tại Việt Nam” của cùng tác giả phổ biến ngày 29-11-2005.
Thưa bà con,
Có nhiều điều tôI muốn trình bày cho thật khúc triết, nhưng sẽ dài quá, dù tôi cố hết sức thu gọn.
Mong được sự thông cảm, nhất là từ Ban Biên tập Đàn Chim Việt :-) !
1/
Dân ngoài Bắc sống gần 60 năm (54-’12), còn dân trong Nam gần 40 năm (từ 1975) dưới chế độ CS, cho nên đã ít nhiều thấm nhuần “ơn Bác, ơn Đảng” qua sự tảy não có hệ thống và rất khoa học. Chính vì thế tôi rất tâm đắc với nhà văn Đào Hiếu, khi phát biểu bóng gió rằng, dân mình chả khác gì “con chó”, vốn xưa nay trung thành với Bác Hồ và đảng CS. Cho dù chủ có đối xử tàn tệ thế nào đi nữa, thậm chí đòi ăn thịt nó, nhưng con chó tuyệt đối trung thành, không bao giờ phản chủ.
Nói gắn gọn, đó cũng là hình tượng con chó của Palov, khi rung chuông là dịch vị ứa ra cho dù không thấy đồ ăn !
Nhà văn nữ Võ Thị Hảo lại gọi đó là sự “nô lệ hoá dân” :(Nô lệ phải gọi dạ bảo vâng, phải thờ chữ “nhẫn”, phải dâng hiến cho họ (quan lại mới) quyền lợi chung riêng và ngay cả tính mạng. Cho sống thì được sống, bắt chết phải chết, không được quyền trái ý họ. Như thế, người dân là công cụ trong tay họ, bị họ cưỡng đoạt quyền tự do ngôn luận và quyền nhân thân.)
Ta hãy thử phân tích phản ứng của quần chúng ra sao, trước quyết định của thủ tướng Dũng hôm thứ sáu 10 tháng hai vừa qua.
1.1/
Đa phần hồ hởi phấn khởi, thậm chí một bà con dâu họ Đoàn đã thổ lộ với phóng viên Gia Minh RFA rằng, vui mừng quá không nói lên cảm nghĩ riêng; bà khác khi được hỏi nghĩ sao nếu như chồng còn ở tù, lại tự an ủi: Thì em xin lập lại cái mất của nhà em là cái được của quần chúng; rồi họ mong ơn đảng và chính quyền chiếu cố hoàn cảnh khó khăn mà giảm tội.
Thực tâm họ biết rõ đảng và nhà nước CS rất bất minh và bất nhân, bằng chứng họ cùng biết bao người quanh họ bị thọ nạn oan uổng, khiếu oan mãi không được đành phải liều mạng bạo động bằng vũ khí tự chế thô sơ!
Điều này tôi thông cảm và hiểu được, bởi bấy lâu nay đảng và nhà nước là các ông trời ông thần ông thánh … cho nên chỉ có cầu xin ơn trên để hưởng phúc tránh hoạ ! Tôi muốn nói đảng CS là hiện thân một tôn giáo mới đội lốt chính trị !
Ta thấy có những bậc học cao hiểu rộng, như giáo sư Chu Hảo, đã tỏ thái độ “cam chịu” tuân phục đảng CS, mặc dù chưa nhất trí với đảng. Chính vì thế mà nhà văn nữ Phạm Thị Hoài đã đặt cho ông này và đồng bọn biệt danh “đối lập trung thành” ! Rồi chê là họ thích được “trả giá mềm” để vẫn tiếp tục ngồi lại bàn tiệc nhồm nhoàng “ăn bánh vẽ”, những mong rằng sẽ có cơ hội “ăn bánh thật”, như Chế Lan Viên từng tự thú (Bánh Vẽ trong tập thơ Di Cảo cuối đời), thay vì bị đuổi ra khỏi bàn tiệc với tội danh “phá rối cuộc vui” ! Vì thế nhà văn nữ họ Phạm chê đám này “lạc quan vô tận” bởi chúng tự an ủi, rồi ra mọi sự sẽ khá lên, sẽ có đối dời …
Chu Hảo cũng chả khác gì nhà văn Nguyễn Tuân, kẻ từng than với đàn em: “Tao sống tới ngày nay là nhờ biết sợ !”
Hay như đại tá nhà văn Nguyễn Minh Châu đã tự kiểm mà rằng: “Viết văn gì mà một câu trung lại vội kèm theo một câu nịnh !” ; hay lúc bức bối quá bảo nhỏ nhau: “Chúng ta có phải con gà con vịt đâu là (đảng) lúc buộc lúc cởi!” vào thời có phong trào văn nghệ phản tỉnh phản kháng cuối thập niên 80 !
1.2/
Rất ít người nắm rõ nội dung nan đề, chẳng hạn như ông Vũ Văn Luận, tổng thư ký Liên chi hội Nuôi trồng Thủy sản Nước lợ huyện Tiên Lãng.
- VVL: Đầu tiên tôi rất vui, vì đó là chân lý mà chúng tôi đã khẳng định suốt từ năm 1993 đến nay. Dân chúng rất hoan nghênh quan điểm của chính phủ (trung ương), vì như thế mới hợp với lòng dân
Hỏi (H): Vì sao điều sai trái đó lại kéo dài lâu?
- VVL : Thứ nhất, do yếu kém trong quản lý; thứ hai, từ những ý đồ khuất tất của họ (lãnh đạo địa phương) từ đó đến nay; thứ ba, sự vào cuộc của các cơ quan đoàn thể các cấp quá muộn màng.
Đây là một vấn nạn lớn ở VN, bởi nó liên quan đến rất nhiều vụ khiếu kiện đất đai khác nữa.
Theo tôi, tới đây đảng và nhà nước VN phải làm tổng kết để rút kinh nghiệm.
H: Ông mong mỏi việc thực thi của chính phủ tới đây ra sao ?
VVL: Có lẽ chúng tôi còn phải chờ đợi một thời gian nữa.
Theo một số đông cho rằng, ông Nguyễn Tấn Dũng vừa là ủy viên Bộ chính trị, vừa là đại biểu đơn vị Hải Phòng, vừa là thủ tướng, đã từng có ý kiến trong một số vụ việc trọng đại, nhưng rồi các chỉ đạo của ông cũng không được thực thi rõ ràng ! Như thế dù đã có ý kiến của ông Dũng trong vụ việc Tiên Lãng, nhưng quá trình đi đến thực thi còn trước mặt, nên mọi người vẫn phải chờ đợi thời gian trả lời ! Trong khi đó cuộc sống của gia đình nạn nhân ra sao ? Bản án của chồng cha họ sẽ thế nào ? Nhìn chung dân tình vẫn còn xôn xao chứ chưa thực sự an lòng.
1.3/
Người nắm vững vấn đề nhất, theo tôi vẫn là luật gia LÊ HIẾU ĐẰNG, nguyên phó chủ tịch Mặt trận Tổ quốc t/p HCM, qua những lý giải có tình có lý của ông trong hai cuộc phỏng vấn gần đây nhất của RFI.
Ông Đằng mạnh mẽ lên án chính quyền địa phương ở Hải Phòng là những kẻ phá hoại chính sách lớn của nhà nước là khuyến khích sản xuất. Ông tố cáo: “Nhà nước hay nói là kẻ xấu hay âm mưu diễn biến hòa bình. Nhưng mà riêng bản thân tôi không thấy đâu hết. Chính những kẻ xấu, kẻ phá hoại chính sách là nằm trong Đảng và chính quyền, như ông chủ tịch huyện Tiên Lãng và kể cả chính quyền thành phố Hải Phòng, sau khi vụ việc xảy ra rồi lẽ ra phải điều tra kỹ cái này, lại đứng hùa về phía huyện Tiên Lãng và có những ý kiến bất nhất. Cả một cái hệ thống chính trị, cả một cái tập thể ở Hải Phòng lại chủ trương việc này.”
Ông phê phán nhà nước CS rất mạnh bạo: “Điều đó nói lên rằng, sau phát biểu của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, và bài viết của ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vào đầu năm 2012 nói rằng sẽ nghiêm trị tham nhũng, tiêu cực ; thì rõ ràng vụ Tiên Lãng Hải Phòng nó bộc lộ cái mức độ thối nát, mức độ ức hiếp quần chúng rất là nghiêm trọng.
Vì vậy chúng tôi ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng như nhân dân cả nước đang trông chờ sự xử lý nghiêm minh của Đàng và Nhà nước. Và nếu xử lý không nghiêm minh, không đúng mực trước những vi phạm nghiêm trọng của chính quyền huyện Tiên Lãng và Hải Phòng, thì chứng tỏ giữa lời nói với việc làm của các vị lãnh đạo là không đi đôi với nhau. Người dân không còn tin cái lời nói đó nữa, và nghị quyết xây dựng Đảng vừa rồi được Hội nghị Ban chấp hành Trung ương lần thứ tư họp đưa ra, là không có tác dụng gì nữa, nó vô nghĩa !
Nếu mà xử lý không đúng mực thì chúng tôi sẽ có tiếng nói, sẽ có hành động để phản ứng lại.”
Về luật đât đai ông đã phê phán gay gắt: “Đó là vấn đề sở hữu đất đai của người dân mà chúng ta chưa công nhận, là một việc hết sức bất hợp lý, không phù hợp với đạo lý. Bởi vì đất đai là tư liệu sản xuất, tại sao công nhận đối với các nhà công thương ở đô thị, mà đối với nông dân thì lại không công nhận quyền sở hữu ruộng đất ?
Tôi cho đây là một trong những nguyên nhân gây nên những việc lạm quyền của chính quyền các cấp. Và hiện nay có thể nói là nó hình thành một loại cường hào mới ở nông thôn cũng như ở một số vùng, bức hiếp người dân.”
Với riêng thủ tướng Dũng, ông Đằng góp ý thẳng thắn: “Người dân đang chờ xem Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, với tư cách là người đứng đầu chính phủ, và đồng thời là đại biểu thuộc đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng, sẽ xử lý vấn đề này như thế nào.
Nhưng rõ ràng là, tuy là đại biểu của dân, nhưng đoàn đại biểu Hải Phòng cho đến nay chưa có ai lên tiếng gì cả. Gần một tháng trời rồi mà sự im lặng đó –như trước đây ông Tổng bí thư Nguyễn Văn Linh có nói –là một « sự im lặng đáng sợ », và người ta cũng rất ngạc nhiên vì sự im lặng này.”
Tôi cũng rất tâm đắc với nhận xét rất mức thước của ông Đằng về vai trò quân đội: “Đây là tranh chấp dân sự, và việc này thật không đáng để huy động một lực lượng hùng hậu như vậy. Mà thiên hạ buồn cười nhất là cái ý kiến của ông Ca, giám đốc công an Hải Phòng, nói đây là một chiến dịch phối hợp đẹp, có thể viết thành chuyện phim.
Để giải tỏa một gia đình người dân như ông Vươn mà chính quyền Hải Phòng lại huy động cả một lực lượng hùng hậu như vậy, làm cho dân người ta thấy rằng có cái gì bất bình thường. Người ta hoàn toàn có thể hoài nghi là có những động lực bên trong, khiến chính quyền Hải Phòng cũng như Tiên Lãng đã xua quân đi giải tỏa, trấn áp một gia đình như vậy.
Đây là một việc làm hết sức – tôi xin nói thẳng – là ngu xuẩn, của một cái chính quyền không kể đến lợi ích của người dân, không kể đến uy tín, thanh danh của chính quyền” !
2/
Tới đây tôi không thể không đề cập đến những tai to mặt lớn ở thành phố cảng Hải Phòng.
2.1/
Người đầu tiên tôi đề cập đến là đại tá giám đốc công an thành phố ĐỖ HỮU CA.
Sự ngạo mạn đến thách thức, coi thường người dân và công luận lên tới đỉnh điểm, khi đại tá Ca lớn lối khoe khoang:
“Đâu có chuyện cưỡng bức, chúng tôi diễn tập đấy chứ … Một cuộc diễn tập phòng thủ bảo vệ trật tự an ninh ven biển phối hợp các lực lượng thật chặt chẽ, một chiến công trong huấn luyện an ninh thời binh…Cuối cũng chúng tôi cũng bắt được đối tượng, trốn sao được?…Đây là một cuộc diễn tập thắng lợi, một thành công tốt đẹp, có thể dựng thành phim, viết sách…”
Chẳng hiểu lực lượng quân sự và dân phòng lẫn đám đầu gấu của ông Ca cùng đồng bọn xử dụng trấn áp dân lành, liệu sẽ rút kinh nghiệm để ngăn chống có hiệu qủa hơn trước bọn “Tàu lạ” thường hay quấy rối vùng duyên hải của ta chăng ?
Chỉ biết qua video clip cùng tin đưa từ phía nhà nước, một dùm “giặc cỏ”, nhưng can đảm liều lĩnh dùng vũ khí tự chế thô sơ đã anh dũng ngăn chống một lực lượng đông đảo gấp bội và được trang bị tận răng; rốt cuộc giặc cỏ rút lui êm thât an toàn, để lại cho phía địch một số thương vong với máu thịt tại hiện trường.
Chưa hết ông Ca còn láo lếu khi bảo căn nhà đúc hai tầng của gia đình anh Vươn chỉ đáng gọi là … “cái chòi trông cá” ! Người dân vô cùng phẫn nộ và lôi ngay các phủ các quan lớn ra đấu tố tưng bừng.
Cứ nhìn bản lai diện mục ông Đỗ Hữu Ca, cùng phát biểu linh tinh của ông ấy, là ta hình dung ra ngay được các chính quyền địa phương ở nước ta ra sao !
Ấy thế mà ông ấy vẫn “bình chân như vại” !
Những tin tức, giải thích … từ cửa miệng các quan viên, từ xã đến huyện và thành phố “Hoa Cải” Hải Phòng rất bất nhất, trước sau KHÔNG như một, thậm chí có lúc trái chiều nhau, phản ánh trung thực cái gọi là ứng xử TÙY TIỆN của quan chức nhà nước CS hiện nay. Đồng thời bộc lộ rõ, sự LÚNG TÚNG không đối phó kịp với diễn tiến tình hình quá mau đi ngoài dự liệu.
.
2.2/
Cũng phải kể đến ông số một Hải Phòng là bí thư NGUYỄN VĂN THÀNH, vốn gốc công an và gắn bó rất nhiều năm với thành phố Hải Phòng. Đọc tiểu sử của ông đến “chóng cả mắt” về tài đức, thế mà ko hiểu tại sao ông lại để cớ sự tệ hại như vụ Đoàn Văn Vươn xảy ra trong địa bàn quen thuộc như lòng bàn tay !?
Wikipedia:
Ông Nguyễn Văn Thành sinh ngày 5 tháng 3 năm 1957, tại Trường Yên, Hoa Lư, Ninh Bình. Xuất thân trong gia đình nông dân, ông theo học và tốt nghiệp chương trình phổ thông 10/10. Sau đó, ông tiếp tục học bậc Đại học và tốt nghiệp Cử nhân ngành Luật.
Sau khi tốt nghiệp, từ tháng 8 năm 1979 đến tháng 10 năm 1988, ông được phân công về công tác tại Công an Thành phố Hải Phòng, thăng dần lên Đội phó, Đội trưởng, Phó trưởng phòng nghiệp vụ Công an Thành phố Hải Phòng. Ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27 tháng 5 năm 1982.
Từ tháng 10 năm 1988 đến tháng 6 năm 1996, Nguyễn Văn Thành lần lượt giữ các chức vụ Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Trung tá, Trưởng Công an quận Hồng Bàng, sau đó, chuyển sang công tác hành chính, lần lượt giữ chức Phó Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng, Phó Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Hồng Bàng.
Tháng 7 năm 1996, ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hải Phòng khóa 11, Bí thư Quận ủy, kiêm Chủ tịch HĐND quận Hồng Bàng. Tháng 4 năm 2001, ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Đảng bộ Thành phố Hải Phòng khóa 12, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chánh Văn phòng Thành ủy.
Từ tháng 6 năm 2004, ông là Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, lần lượt là Phó Chủ tịch UBND thành phố, rồi Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố. Tháng 12 năm 2009, ông được bầu làm Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Ban cán sự Đảng UBND thành phố, Chủ tịch UBND thành phố.
Ngày 1 tháng 12 năm 2010, Nguyễn Văn Thành được bầu làm Bí thư Thành ủy Hải Phòng[2]. Ngày 14 tháng 12 năm 2010, ông được phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Chủ tịch Ủy ban Nhân dân. Người kế nhiệm ông trong chức vụ Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hải Phòng là Dương Anh Điền.
Các học vị của ông gồm Tiến sĩ Kinh tế, Cử nhân Luật, Cử nhân Anh văn.
Và người ta đã tự hỏi “Việc gặp gỡ báo chí để thông tin đến người dân cả nước chiều 7/2 của Bí thư Hải Phòng Nguyễn Văn Thành là sự “cởi mở” tự thân hay lãnh đạo Hải Phòng đã ở vào tình thế “nước đến chân”, “cực chẳng đã”?”
(Người dân Hải Phòng biết chuyện, đã so sánh ông Nguyễn Văn Thành hiện tại với vị tiền nhiệm là ông Đoàn Duy Thành ở các thập niên 60, 70 và 80. Họ đều cho rằng ông Thành Nguyễn kém xa vị tiền nhiệm Thành Đoàn, người được xem lập nhiều công trạng cho Hải Phòng.
Theo Wikipedia, vào năm 1980, ông đã chỉ đạo và tổ chức đắp đập Đình Vũ và đắp đê đường 14, lấn ra biển một diện tích ngang với huyện Tiên Lãng. Riêng đắp đê đường 14 đã thành lập thêm được hai xã; để ghi nhớ công lao của Đoàn Duy Thành, nên đã đặt tên xã mới là Hải Thành và Tân Thành . Tổ chức Phong trào Ngói hóa nông thôn, không thực hiện Chỉ thị Z30 tuyệt mật, tịch thu những nhà 2, 3 tầng mới xây những năm 1980.)
3/
Tôi xin long trọng tuyên dương các blogger lề trái, đã nhập cuộc chơi thật tích cực với khí thế bừng bừng từ đầu đến cuối và càng ngày càng khởi sắc.
Lần đầu tiên tôi thấy những blogger lề trái trong nước đã phát huy tối đa quyền tự do ngôn luận, để đưa ánh sáng công lý soi rọi những góc tối tăm oan khuất ở đầm Cống Rộc huyện Tiên Lãng thành phố Hải Phòng.
Họ đã thành công vang dội, bởi lôi cuốn được đám cô đầu văn nghệ của báo đài web blog lề phải phải cuốn cờ cuốn lều trại đi theo họ rùng rùng ! Những con chó nghiệp vụ của lề phải chẳng những phải câm mõm phản biện hoàn toàn, lại còn tranh nhau đi lùng sục tại hiện trường để lấy tin, thay vì làm tin từ phía chính quyền cung cấp như xưa nay!
Các vị lão thành cách mạng cũng thi nhau lên tiếng bênh vực cho lẽ phải khi thấy sự việc quá lộ liễu và tệ hại hết chỗ nói !
Chính vì thế mà thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phải mặc nhiên công nhận công sức của giới báo chí (hiểu ngầm là lề trái) và tuyên dương họ.
Sơ kết, vai trò thiết yếu các mạng xã hội trong thời sự đã nổi bật hơn bao giờ hết và coi như đã thành công bước đầu.
Tôi không đi vào chi tiết, vì mỗi blogger có cách đóng góp riêng của mình. Thông tin nhanh nhậy, nhiều, chính xác, hấp dẫn với hình ảnh nóng bỏng chính là blogger Nguyễn Quang Vinh, aka Cu Vinh ! Kế đó có blog Quê Choa của nhà văn Nguyễn Quang Lập; hay blogger Nguyễn Xuân Diện có những tuyệt chiêu như tổ chức đi thăm nạn nhân cả hai phía thi hành áp chế và bên bị cưỡng chế rất thú vị; cũng như cuộ lạc quyên không tiền khoáng hậu bởi được cả trong và ngoài nước ủng hộ nơi blogger Cu Vinh và Xuân Diện.
Những blogger khác như Huỳnh Ngọc Chênh, Nguyễn Tường Thụy … là những cánh tay nối dài của blogger có mặt thường xuyên nơi chiến địa ! Blogger Trương Duy Nhất có những bài bình luận sâu sắc đáng chú ý.
Dĩ nhiên phía hải ngoại cũng không bỏ qua dịp may bằng vàng này mà khai thách mọi mặt.
Thật đúng là ĐƯỜNG RA TRẬN MÙA NÀY ĐẸP LẮM / TRƯỜNG SƠN ĐÔNG “NHỜ” TRƯỜNG SƠN TÂY !
Lãnh đạo HP thật quỷ quyệt, đã đi trước một bước khi thành lập cái “Tổ công tác” ấy với sự “điều hành” của Tên Thoại nhằm “thông cung” cho đồng bọn, gây cản trở, khó khăn cho việc xử lý tận gốc vụ việc.
Rất lấy làm tiếc, chỉ một chút sơ hở, lơ là trong chỉ đạo của TT…
Dư luận sau cuộc họp 10/2/2012 của ông “thủ tướng” của đảng csvn:
Kết luận của Thủ tướng vụ Tiên Lãng: diệt cỏ phần ngọn!
Họ áp dụng câu: “chuyện lớn biến thành nhỏ, chuyện nhỏ hoá ra không” (nếu có thể). Cái sai cốt lõi nằm ở chỗ “luật đất đai”, tước đoạt quyền “sở hữu cá nhân”- có truyền thống từ ngày loài người từ bỏ cuộc sống du mục, bước sang lối sống định cư. Nó “cho phép cán bộ”, nhân danh đảng và nhà nước, mọi thứ đều cho là “lợi ích toàn dân”; bắt dân chịu ép mọi bề !
Các “quan chức Hải Phòng” đã có lời lẽ và hành động bao che các huyện, xã rõ rệt, chẳng những không bị kỷ luật, mà được chỉ định đứng ra điều tra nội vụ. Thật là nực cười và lố bịch !