WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Đôi chút mông lung sau một chuyến về

 

Từ sau cuộc đại khủng bố 11/9/2001 tại Hoa Kỳ, việc di chuyển bằng đường hàng không toàn thế giới đã thay đổi. Hàng tỷ tỷ đô la phải đổ ra lo về an ninh. Những đón đưa tình tứ, lãng mạn nơi sân ga không còn nhiều. Người đi giảm mất cái rầu rầu chia tay mà xen vào cái ngay ngáy xếp hàng dài, chờ rà soát qua cổng an ninh. HH và tôi mất cái bịn rịn chia tay con cháu và cứ lo lo về hành trình dài với những bất trắc. Con cháu cũng không yên tâm, cho dù hành trình của chúng tôi là hành trình về một nơi chốn cũ. Nơi chốn của kỷ niệm, còn gọi là Quê Hương!

Khi đóng gói hành lý, tôi bỏ theo trong đó mấy bao plastic đen, khổ lớn, thường dùng để đựng rác lúc làm vườn, phòng khi bị khám xét tại cổng vào phi trường Tân Sơn Nhứt. Tôi sẽ không bị bối rối khi hành lý của mình bị tháo tung vì không chịu hối lộ năm, mười đô la. Nên, nếu có biến cố như thế, tôi sẽ chụp ảnh để kỷ niệm rồi lùa tất cả đồ đạc vào trong các túi plastic đã chuẩn bị, mà chẳng cần tốn công sắp xếp lại vào vali!

Hành lý xách tay (carry-on) của chúng tôi khá gọn nhẹ. Mỗi đứa một vali đúng cỡ kèm theo một xách nhỏ. Chỉ lo lo về mấy thứ lỉnh kỉnh như son phấn, các chất lỏng như thuốc ho, thuốc tiêu chảy, nước hoa, nước lau mắt kiếng, nước lau tay tránh nhiễm trùng… nhưng mọi việc đều suôn sẻ.

Hơn 15 tiếng đồng hồ phải ngồi bó gối trong chiếc ghế từ Newark đến HongKong quả là mệt mỏi. Phi trường HongKong hiện đại, tiện nghi hơn hẳn ở Taiwan, dù các bảng hướng dẫn du khách cũng có tí chút trở ngại. Khi rời phi cơ, vì phải lo giải quyết thứ nhu cầu cấp bách của cơ thể bị dồn nén nên chúng tôi lẹt đẹt lại sau cùng nhưng tin là phi trường đã có đủ hướng dẫn! Theo All Immigrants thì bị nghẽn lối. Cửa khóa! Tìm hỏi một nhân viên, bà nầy không biết Anh ngữ. Lớ ngớ chút chút rồi mạnh ai nấy đi. Đi một đỗi khá xa, gặp lại bà đó. Bà đến gần chúng tôi ú ớ hai tiếng, nghe như “W1”. Đến một ngã tư khá rộng, cũng vắng hoe. Quẹo trái theo mũi tên chỉ đường mới gặp được toán hướng dẫn viên, đúng là W1. Theo dòng người, lên thang cuộn vào xét an ninh. Cũng nhiêu khê nhưng có vẻ đơn giản hơn tại Hoa Kỳ. Thoát cửa ải, tưởng yên nhưng trước khi theo thang cuộn xuống cổng đợi giờ lên máy bay, lại bất ngờ bị một nhóm an ninh khác chận lại. Nữ xét nữ, nam xét nam. Trạm nầy chỉ xét ngẫu hứng, không phải tất cả. Cái vui vui là vali hành lý tôi kéo đi là của HH. Toàn đồ tế nhuyễn phụ nữ! Anh chàng mở ra, hỡi ơi nhưng lỡ rồi!

Đáp chuyến bay kế tiếp về Thành phố Hồ Chí Minh, có xướng ngôn tiếng Việt, tiếp viên Việt nhưng không có một quảng cáo nào về Việt Nam! Ngành du lịch Việt Nam coi bộ ẹ thấy rõ! Trái hẳn, chuyến bay từ Hoa Kỳ về HongKong, ¾ quảng cáo đều giới thiệu về Tàu!

Khi vào Việt Nam thủ tục khai báo hải quan không còn nữa. Lần về thăm hơn bốn năm trước, lúc chúng tôi trở ra, đã mất 20 đô la tại cửa ải nầy vì đánh mất 2 tờ khai quan thuế. Cô nhân viên mặc áo dài, phụ trách thu hồi lúc đó được dịp trổ tài “giúp đỡ nhiệt tình”, mỗi tờ chỉ tốn 10 đô(!), vì “em phải rà xét máy vi tính suốt cả ngày.. để tìm ra bản phụ xếp vào hồ sơ của anh chị” trong khi khéo léo nhắc chúng tôi là chuyến bay sắp khởi hành [1] thêm 10 đô trả tiền quá cảnh phi trường cho mỗi người!

Hai tiếng rưỡi từ HongKong vào Thành phố Hồ Chí Minh là hai tiếng rưỡi nôn nao. Lo lắng về trắc trở, xôn xao về cảm xúc. Không hiểu tâm trạng những đứa con xa trở về của những người nước khác khi thăm lại đất nước họ ra sao nhưng tâm trạng chúng tôi thật hỗn độn. Cái hỗn độn không phải không có lý do. Báo chí chính thống, chưa nói đến các trang webs và blogs lề trái, đã nói đến vô số bất trắc có thể gặp. Một đất nước tràn ngập tham nhũng và tệ nạn. Nơi mà “luật pháp là miệng tao”, câu nói để đời tại Nguyệt Biều, đẻ ra vụ án Bịt miệng Linh mục Nguyễn Văn Lý sau nầy. Nơi mà mới đây những vụ “giết người máu lạnh” như Lê Văn Luyện, chưa đến tuổi 18. Nơi mà cả nước đang sôi sục vụ nông dân “Jacquou” Đoàn Văn Vươn [2] đang nổi giận, đặt mìn tự chế, bắn bị thương lực lượng công an kết hợp với quân đội khi bị cưỡng chế đầm thủy sản, là tài sản một đời của mấy gia đình quai đê lấn biển.

Ngồi ghế cạnh tôi là một thanh niên Mỹ. Mặc tuềnh toàng, T-shirt không cổ, jean bụi với Ipod. George từ Atlanta đến Việt Nam dạy Anh ngữ tại một đại học, hình như gần chùa Vĩnh Nghiêm. George dạy ở Việt Nam được 18 tháng qua, ca ngợi sự hiếu học của sinh viên Việt. Nhận xét về giao thông của George không kinh khủng như một số người ngoại quốc khác vì anh có thể sử dụng xe gắn máy hàng ngày. “Có bị tickets?” “Yes, bị phạt ba lần!” “Cách giải quyết?” “Cũng bình thường!” George muốn nói đến việc hối lộ gần như công khai! Nhưng anh là người ngoại quốc nên công an ngại sẽ bị tố cáo. Còn cô bạn gái Việt Nam của George thì khác. “Bạn gái là học trò?” “Không phải, quen nhau qua nhiều liên hệ khác. Cô ấy giỏi Anh ngữ và đang làm việc với các công ty nước ngoài.” “Move-in?” (Việt Nam gọi là sống thử) “Không, không…vì phong tục rối rắm” “Yêu nàng?” “Yes!” Chữ vâng, nghe rất trầm, như muốn gửi gắm chút chiều sâu tình cảm, được kéo dài hơn, để lưu ý người nghe! Gia đình bạn gái George ở Vũng Tàu nên cuối tuần George thường theo về đó. “Còn các món ăn Việt?” “Thích, thích lắm. Biết dùng đủa rồi!” Bố George cũng đã viếng Việt Nam. Chia tay, tôi đùa: “Hy vọng cô bạn gái đi cùng với bạn trai mới.. đến đón mày..” “No.. no, khon dau, khon dau!” Không, không, không đâu, không đâu. George rất tự tin. Mà tự tin cũng phải, con gái đương kim thủ tướng còn lấy Việt kiều cơ mà!

HH và tôi cùng nhìn qua khung cửa sổ máy bay để quan sát. Khung cửa sổ mà chúng tôi đã chọn từ lúc mua vé! Dù là đêm khuya, mù mờ, nhưng chúng tôi cũng từ chối bữa ăn đang phục vụ để tiết kiệm thời gian, vốn hiếm hoi, nhận diện lại mình với quê hương. Bóng đêm mờ mịt không biết đâu là đâu nhưng quê hương là đây. Là nỗi nhớ, nỗi trăn trở. Là những nơi chúng tôi đã từng sống, từng đi qua, từng chứng kiến, từng nếm trải. Vui sướng có, đau khổ có, gian nan có, chua chát có… Bên dưới đang tăm tối, đang lác đác ánh đèn.. phố thị.. thành phố.. rồi tràn ngập đèn muôn màu… Chắc là Sài Gòn xưa! Tiếng xướng ngôn viên người Việt thông báo đang vào không phận Thành phố Hồ Chí Minh, rồi chậm lại, máy bay nhẹ nhàng hạ xuống giữa một trời sao. Cảm giác trào dâng ào ạt.

Hạ cánh suôn sẻ ngay xuống phi đạo nên chúng tôi mất dịp nhìn thêm. Có thể chuyến bay của chúng tôi là chuyến cuối trong đêm nên khung cảnh sân bay khá vắng. Hành lang vào cửa hải quan trình passport, visa cũng vắng. Rút kinh nghiệm lần trước, HH và tôi không cùng đến cửa hải quan một lúc để khỏi bị chỉ thẳng vô mặt, lườm lườm: “Hàng một”! [1] Lần nầy, tôi đến trước và, khá bất ngờ, anh hải quan ngoái đầu nhìn HH đang đứng đợi, ngoắt tay ra dấu cho vào chung. Giọng anh thật tử tế: “Đi đường xa chắc rất mệt, chú có thể lại ngồi nghỉ ở dãy ghế kia. Mình cô đứng lại đây được rồi. Cháu chỉ làm việc năm ba phút là xong!” “Cảm ơn anh”. HH nộp chung passport và visa, tôi thong dong qua cửa. Cảm giác thật thoải mái! Ít ra thì cũng phải tạo thiện cảm tối thiểu để người trở về có ấn tượng tốt với quê hương. Hình ảnh nầy chắc sẽ gieo thêm niềm vương vấn!

Ngồi nhìn anh công an hải quan trẻ cười cười, nói nói gì đó với HH. HH cũng cười cười nhưng không thấy nói, rồi nhận lại giấy tờ, bước nhanh qua ải.

“Hắn nói cô về chơi Tết xin cô lì xì!”, HH kể. “Hóa ra họ tâm lý để xin tiền! Em có mắc bẫy không?” Tôi hỏi lại. “Còn khuya!” Giọng HH đanh lại đến không ngờ! Chúng tôi đã theo dõi báo chí biết việc công an công khai giết người trên đường phố, giết người trong đồn bót, công khai nhận hối lộ.. để bây giờ miệng lưỡi dẻo dẹo xin tiền.. nên ánh mắt và khuôn mặt, vốn hiền lành phúc hậu bẩm sinh của HH, chợt biến mất!

Đến carousal nhận hành lý, hàng loạt nhân viên xen vô, nhiệt tình. Thấy chúng tôi đang lớ ngớ, một anh nhanh nhẩu kéo hai chiếc xe đẩy lại gần. Có tiếng một anh nào đó: “Đừng lấn sân nghe cha!” Trong khi chờ đợi hành lý xuất hiện, lu bu, chạy tới chạy lui, anh nầy lo cung cấp thêm xe cho những người khác. Vali chúng tôi trờ đến, không có anh, tôi kéo ra, bỏ lên xe đẩy. Chờ đến lượt cái khác, cũng tôi kéo ra. Chất vừa xong, anh ta chạy lại, chỉ chỉ ngón tay: “Chú đẩy ra chỗ đó.. chỗ đó!”, rồi thôi. Cứ ngỡ là anh ta sẽ giúp “trọn gói” cho đến khi ra đến bãi đậu xe! HH cho 5 đô, nói với tôi: “Job coi bộ dễ quá mà! Đem lại chiếc xe đẩy công cộng.. có được 5 đô!” Ở Mỹ, tệ lắm cũng phải làm gần một tiếng đồng hồ!

Đẩy xe đi, gặp cô áo dài đứng điều động, chỉ tôi vào chỗ xét hành lý nhập nội. Tôi nói “cám ơn” nhưng không nghe tiếng cô trả lời. Mọi việc êm xuôi, không bị lằng nhằng như lần về trước. Không cần dùng mấy bao plastic dự trù. Hên?

Một hàng ngựa sắt ngăn hàng trăm người đang chen lấn đón đợi. Tiếng cười nói í ới, ồn ào. Ở đây không còn sự thơ mộng, cho dù có thể cũng có rất nhiều ôm siết. Nhiều nước mắt trùng phùng của thân nhân, của tình nhân. HH xúc động gặp lại người chị sau hơn 30 năm xa cách dù chỉ mới rời bỏ quê hương khoảng 18 năm. Vì, sau biến cố 30-4-75, người miền Nam đã bị tản lạc bằng trăm ngàn cách khác nhau! Đúng như điều mà ông Võ Văn Kiệt đã nói: “Có triệu người vui thì cũng có triệu người buồn”! Tôi chào chị, nói: “Chị già hẳn!” và ghìm lại được câu: “.. đang mặc đẹp nhưng cũng không giấu hết được sự tiều tụy”. Em tôi, ốm. Gầy rạc. “Em chỉ còn 35 ký!”. Tôi không “hug” ai, chỉ đứng lặng.

Taxi vừa đến nhà, mẹ tôi đã mở cửa sẳn, chờ. Tôi gọi: “Má ơi, tụi con về đây!” Rồi sà vào ôm mẹ. Tôi xúc động, còn mẹ tôi lại khá tỉnh táo. Tưởng mẹ ngon lành! Ai ngờ, ôm mẹ mới nghe được nhịp tim mẹ cũng đang đập loạn. Lăn lóc, vật vả với đàn con cháu trước mọi chuyển biến tàn nhẫn của lịch sử, mẹ tôi đã quen nén sự xúc động vào bên trong! Tôi sờ lại được bầu vú êm ấm đã nuôi tôi lớn khôn. Cha tôi huơ huơ tay, lên tiếng: “Tụi con về đó hả?”

Trong nhà không có không khí tết dù chúng tôi đã báo trước ngày về. Chỉ gọn, sạch. Đèn lư bàn thờ bóng loáng, tinh tươm. Mấy tấm ảnh ông bà, cô chú và đứa em gái trên bàn thờ như đang chăm chú nhìn chúng tôi: Đón đứa con xa trở về! “Tết nầy tụi con phải về sum họp một lần vì cha mẹ cả hai bên đều đã vào tuổi 90, không về thì biết đợi đến bao giờ?” Tôi muốn nói to lên như thế!

27 Tết, dạo một vòng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh. Anh xe ôm thả tôi ở đầu đường Nguyễn Huệ, ngồi đợi. Tôi lững thững giữa phố Sài Gòn xưa. Nhớ câu thơ Trần Dần: “Tôi bước đi không thấy phố thấy nhà. Chỉ thấy mưa sa trên màu cờ đỏ” Còn tôi, tôi bước đi chỉ thấy phố thấy lầu cao mà không hề thấy nét rạng rỡ trên từng khuôn mặt. Lang thang đường hoa Nguyễn Huệ, có anh đánh giày ngồi tựa gốc cây, cầm chiếc giày trên tay, cắm cúi đánh, mà đồ nghề chỉ vỏn vẹn là cái bàn chải và hộp xia. Bến Bạch Đằng đầy rác rưởi, với anh xe ôm ngồi cúi đầu, ăn dấm dúi bữa trưa. Tượng Đức Trần Hưng Đạo vẫn thẳng tay chỉ ra sông, là cách duy nhất để thoát thân. Bên kia Thủ Thiêm, đã vắng chiếc phà cũ trăm năm! Bê tông cốt sắt đang mọc lên nhan nhãn. Những nhà cửa, vườn tược xanh mượt từ bao nhiêu đời đang biến mất. Người ở đó bị bắt buộc phải bán giá rẻ mạt, rồi ngậm ngùi tản lạc như dân miền Nam sau 1975, để chế độ đương thời cấu kết với tư bản nước ngoài khai thác. Quay lại đường Đồng Khởi, quả thật Tự Do đã mất rồi! Những dãy đèn căng ngang với hoa lá chữ nghĩa gì đó chắc chỉ sáng về đêm. Khu phố sang trọng nhất ngày xưa vẫn sang trọng. Trai thanh, gái lịch với hào nhoáng các gian hàng. Đứng lớ ngớ, nơi Pagode cũ, nhìn qua nhà hát có khẩu hiệu “Mừng Xuân mừng Đảng”, nhìn lại Continental, dấu ấn của một thời. Cư xá Eden đang bịt kín để xây cất mới. Tượng Thủy Quân Lục Chiến bây giờ là hồ nước đầy rong rêu, đang soi bóng cũng câu khẩu hiệu “mừng Xuân mừng Đảng”. Trước Tòa Đô chánh cũ, bùng binh Nguyễn Huệ – Lê Lợi.. người không đông lắm nhưng lạ. Mô hình đầu con rồng Nhâm Thìn to đùng, có cái lưỡi hoa vàng cong lên cong xuống dài thoòng, nhưng sao cứng ngơ cứng ngắt! Toàn cảnh đường hoa Nguyễn Huệ chẳng có gì đáng kể. Có thể vì dưới ánh sáng ban ngày nên mọi sự đều trần trụi. Bóng tối, vâng, chỉ có bóng tối với đèn màu mới che giấu được sự thật.

Đứng trong công viên nhà thờ Đức Bà nhìn xuống đường Tự Do cũ, có cái gì đó hun hút, mờ mờ, thật lạ. Hông nhà thờ, góc phía Bưu Điện và Thống Nhất cũ, loang lỗ vết đái với phân người! Có thể đây là điều đương nhiên vì khu vực nầy luôn đông người mà chung quanh hình như không có nhà vệ sinh công cộng(?) Phía Tòa Giám mục không còn quán cà phê bụi “Bà Hai dao lam” nổi tiếng hơn mấy mươi năm trưóc. Trao đổi với một anh đang bán nước giải khát, tôi biết họ vẫn còn sống nhưng quán bị dẹp lâu lắm rồi! Đưa máy qua song cửa hẹp, tôi chụp được ảnh một linh mục quần đùi áo ba lỗ đang xịt nước tưới cây quanh chân tượng Đức Mẹ, đền chầu trong sân. Thả bộ một vòng, từ vỉa hè đến vườn cây trước Dinh Độc Lập cũ, thảm cỏ nhàu nát, nhiều nơi trơ trốc, nói gì đến kịp xanh vì lượng người dẫm đạp và cũng để cảm nhận sinh hoạt trong khu vực. Chắc chắn tại đây cả ngày lẫn đêm đều có nhiều đôi mắt cú vọ. Vì là nơi đã bùng nổ việc đàn áp người biểu tình chống Trung Quốc xâm chiếm Hoàng Sa – Trường Sa trong mùa hè năm trước.

Hồ Con Rùa thật vắng. Dơ bẩn. Nước cạn. Rác và rêu xanh. Tụ điểm mọi biến động trước kia và bây giờ vẫn tại đây. Chẳng thấy ai dòm ngó gì nhưng có một thanh niên đang dùng máy bộ đàm. Cán cây kiếm đâm xuống trung tâm hồ vẫn trơ gan, cứ như thanh kiếm gãy. Và, đã hoen ố rêu bụi thời gian.

Muốn nán lại Sài Gòn qua mồng một Tết, sẽ đi Đà Lạt sau nhưng không thể tìm được vé. HH và tôi lại được Văn, đứa cháu, “offer” lên Đà Lạt bằng xe riêng tối 27 Tết. “Đi ban đêm mát và hy vọng đường vắng”, Văn nói thế. Hẹn 8 giờ tối nhưng đường từ Thủ Đức vào Sài Gòn kẹt cứng. Mãi 10 giờ Văn mới đến. Sinh sau năm 1975, dân IT, nghề nghiệp vững, thường xuyên đi công tác nước ngoài, có xe hơi riêng nên tạm coi Văn như thuộc lớp trí thức trẻ thành đạt. Cell phone, Ipod đời mới nhưng lại đi dép lẹp xẹp, mặc tuềnh toàng, là hình ảnh chung chung của giới trẻ bụi bụi. Hình như vẻ bên ngoài không quan trọng với họ lắm! Cũng giống như thần tượng thế hệ họ, Steve Jobs, cha đẻ của Ipod vừa mới qua đời chỉ áo pull đen, quần jean khi ra đứng thuyết trình!

Lòng vòng tìm lối ra khỏi thành phố, xe mở máy lạnh mà cửa kính để hở, tưởng Văn quên, tôi nhắc. “Tại có mấy con gà phía sau, sợ hôi nên con để hở”, rồi Văn tiếp: “Vợ con thích ăn thịt gà vườn nên con ra Long Khánh mua lúc chiều”. Thấy công an giao thông chận xe, tôi hỏi chuyện hối lộ. “Việc hối lộ là bình thường”, Văn trả lời. “Thế làm thế nào để biết phải chung chi bao nhiêu?” “Mình phải tự biết vi phạm bao nhiêu điều, tính ra, cộng lại” Tìm hiểu đầu tiên của tôi đã như là một linh tính! Khoảng 2 giờ sáng khi xe qua khỏi Di Linh, đoạn Phú Ninh thì phải, thì bị đèn pin huơ huơ. Văn tấp vô lề cỏ. Viên công an đi đến, đưa tay chào và nói gọn: “Anh vi phạm luật giao thông” rồi bỏ đi khá xa. Văn mở hộc lấy giấy tờ xe và bóp, ra gặp. Tôi cố theo dõi nhưng đèn đường không đủ sáng và lệch hướng kiếng chiếu hậu, đành ngồi chờ. Chừng 5, 7 phút Văn trở lại nói: “Năm trăm!” (500.000) “Thế trường hợp mình không hối lộ thì sao?” “Bị thu giấy tờ xe và bằng lái”. Văn tiếp: “Cái khổ là mình phải đích thân quay trở lại địa phương để nộp phạt, kẹt công việc làm ăn mấy ai có thì giờ nên hối lộ cho yên!” “Không thể trả phạt qua thư gửi bưu điện?” “Nếu dễ thế thì mấy ai chịu hối lộ!” Thật tình tôi không biết Văn vi phạm điều gì, vì đường thì hẹp lại không đủ sáng và ngoằn ngoèo cho nên dẫu có chạy quá tốc độ chắc cũng không cao cho lắm!

“Giới trẻ đang thích loại nhạc nào? Hip-hop? Diva?” “Con không biết, nhưng với con thì thích có chút tiền chiến” “Còn Trịnh Công Sơn?” “Thích chứ!” “Nhạc Trịnh trước hay sau 1975?” “Sau 1975 Trịnh cũng có nhiều bản hay” “Thí dụ?” Văn vừa lái vừa lục lục hộc, lấy cái CD nhạc Trịnh để thay cái đang hát. “CD nầy có mấy bản con rất thích” Chúng tôi nghe nhưng hoàn toàn không biết. Không cảm được gì. Và dĩ nhiên, nghe nhạc cũng cần phải có môi trường riêng. “Nhạc Trịnh là tiếng nói của người trong cuộc. Chiến tranh đã phi lý, mà nội chiến nữa, nên mức độ phi lý càng lớn, do đó người cùng thế hệ thích nhạc Trịnh thì dễ hiểu rồi. Nhưng thế hệ Văn đâu phải là người trong cuộc? Phải chăng sự thích cũng có phần nào mang tính phong trào?” “Con thích vài bản sau 75 nữa mà!” “Còn tác giả nào khác?” “Như.. như..” thì tôi bù trớt! Đến cái tên bây giờ cũng không nhớ để ghi lại! Chỉ chắc rằng không có tên tác giả nào, bản nhạc nào trong thời chiến ở phía Bắc được nhắc đến.

Suốt 6 tiếng hành trình về đến Đà Lạt cũng khá nhiều đề tài thú vị được nêu ra và (hình như) chúng tôi cũng tự giới hạn việc trao đổi về quan điểm chính trị nhưng vẫn xảy ra. Tôi cứ ngài ngại, không biết Văn có là đảng viên hay không?

“Thí dụ, chỉ đơn giản bằng con số, thì tỉ lệ người còn ủng hộ cộng sản là bao nhiêu?” Không chút do dự, Văn dứt khoát: “Những người không có liên hệ gì với đảng cộng sản thì 10 người đều chống cả 10!” “Thế tại sao họ vẫn tồn tại?” “Vì vây cánh, số ăn theo! Con số nầy không phải nhỏ.” “Đảng viên cộng sản và số ăn theo cứ cho là 10, 15 triệu đi thì số còn lại vẫn áp đảo cơ mà?” “Cái khổ là sợ và vô cảm đã thành bệnh mãn tính. Thành thói quen chưa thể thay đổi nhanh được! Như đã biết hối lộ là sai nhưng không hối lộ không được. Như thế thì mình bị chết trước!” Văn bất mãn thấy rõ và mấy lần nhấn mạnh câu: “Chế độ cộng sản là chế độ dứt khoát không có đối thoại!”

Cho đến lúc gõ những dòng nầy tôi vẫn chưa biết Văn có là đảng viên đảng cộng sản hay không! Nhưng qua trao đổi, nếu Văn là đảng viên thì những đảng viên như Văn tự nó đang là những đóa Hoa Lài, ít hơn là đã ngấm hương Hoa Lài. Như vậy thì cách mạng Hoa Lài Bắc Phi đang âm ỉ lan tỏa ngay trong lòng Đảng! Còn Văn không là đảng viên, chỉ là thế hệ trí thức trẻ, thì ý thức chống cộng cũng đang phát triển mạnh. Ba phần tư dân số là giới trẻ sinh ra sau 1975, không dính dáng gì với cuộc chiến đã qua, sẽ là nhân tố chính đưa đến cách mạng tại Việt Nam. Một bên là “dứt khoát không có đối thoại” một bên là “tôi phải được tự do bày tỏ chính kiến” thì mâu thuẫn nội tại đó nhất định phải bùng nổ.

Đàng nào thì cuộc cách mạng cũng sẽ đến. Và, phải đến.

Ra đón giao thừa tại bờ hồ Xuân Hương với Bảo. Đêm lạnh nên Bảo trang bị khá cẩn thận. Mấy lớp áo, khăn quàng cổ và lủng lẳng máy ảnh thứ xịn. Thủy Trang kín người nên đóng cổng. Bảo nhập nhóm trẻ. Mọi người đang đi tìm cái vui giao thừa. Tôi lang thang đi tìm cái lạ. Từng đợt pháo bông tỏa sáng, hai bên bờ hồ đang đông nghẹt người. Cứ nghe bù..ù..ùmm thì vài giây sau lại nghe bụ..ụ..ụpp, tỏa đủ màu sắc lung linh trong chốc lát, rồi tắt ngúm. Tôi chợt nghĩ đến cái tỏa sáng tư duy của một số trí thức trước hàng trăm ngàn tệ nạn của đất nước, là hậu quả tất yếu của một thể chế lạc hậu còn rơi rớt lại trên hành tinh. Đã lóe lên, liệu rồi cũng tắt ngúm như vậy sao? Khi bùng nổ thì nghe hàng vạn tiếng vỗ tay nhưng khi tắt ngúm, trả lại bóng đêm mênh mông, rồi cứ thế trong lặng im?

Hai hình ảnh đón giao thừa còn đọng lại trong ký ức tôi. Có 3 nhóm trẻ con, hơn 10 cháu, khoảng 7, 8 tuổi (có thể là người Thượng) ngồi tựa vào vách, dốc Hòa Bình, co ro trong cái lạnh nửa đêm trước hàng ngàn người đang đổ về bờ hồ, với những chiếc nón lật ngửa đặt trên vỉa hè, trống trơn. Hình ảnh khác là một đôi vợ chồng trẻ mặc đẹp, người vợ với giày nhọn, gót cao và vì chỗ đó dốc bờ hồ rất đứng nên người vợ phải vất vả lắm mới xuống được sát mé nước để cùng chồng thầm thì gì đó rất nhanh, rồi cùng nhau mở bọc plastic.. có thể là đôi cá được trả về với thiên nhiên, như là ước nguyện đầu năm, trước sự chứng kiến của hai con thơ khoảng 4, 5 tuổi đứng trên bờ.

Mồng Bốn Tết, mua được vé xe Phương Trang, loại xe bus lớn đủ tiện nghi, giá bình thường 260.000 đồng, chúng tôi quay lại Thành phố Hồ Chí Minh. Tại trạm nghỉ Suối Hồng, để khách xả hơi, hình ảnh một nữ du khách phương Tây của xe khác, khá lẻ loi. Tôi mon men làm quen. Cô người Đức, nói được Anh ngữ, du lịch Việt Nam hai tuần, bắt đầu từ Hà Nội, Vịnh Hạ Long, Đà Nẵng, Đà Lạt và Thành phố Hồ Chí Minh là chặng cuối. Tôi ngạc nhiên vô cùng khi biết cô chỉ đi một mình! Không có bạn đồng hành và cũng không có chút tiếng Việt. Cô kể đã bị “chặt đẹp” tại Hà Nội và Hạ Long với gia gấp ba nhưng không thể kêu cứu. Tôi nói đôi chút về sự nguy hiểm có thể gặp, nhưng cô thì hoàn toàn ngây thơ, chỉ ca ngợi cái đẹp và lạ của Việt Nam. HH và tôi cẩn thận đủ thứ, nhưng “cô bé từ trên trời rơi xuống” không biết bất cứ thứ gì chung quanh lại tỉnh bơ, kể cũng lạ. Không hiểu có phải vì lâu quá không được nói chuyện hay không nên lúc chia tay cô khá thân mật với tôi. Đến lúc nầy tôi mới chợt nhận ra cô có mái tóc vàng óng và đôi mắt xanh thật đẹp. Tiếc là không còn kịp nữa. Nhìn cô và chỉ biết chúc cô những ngày cuối tại Thành phố Hồ Chí Minh được trọn vẹn để hình ảnh và con người Việt Nam sẽ là kỷ niệm đẹp trong ký ức cô. Mong là cô không thiếu may mắn như Matt Kepnes [3]

Lại đối diện với dòng xe cộ hỗn độn, xô bồ. Hơn 8 giờ tối, xe Phương Trang vào thành phố theo ngã Trương Định. Sắp đến cổng vườn Tao Đàn thì gặp rừng người đang trẩy hội. Đêm đèn màu rực rỡ. Không phải chỉ trang trí đèn nơi cổng vào hay trên từng trụ hai bên đường nhưng xe tiến vào cứ như đang đi dưới bầu trời đầy sao dù không biết chương trình trình diễn có khá không. Người Việt thời buổi nầy hình như chỉ thích phô trương còn bên trong lại rỗng.

Chỉ còn hai ngày ngắn ngủi nữa, tôi chạy thăm vài bằng hữu.

Thăm anh bạn từ Úc về. Vợ chồng đang tìm cách bán nhà giữa thời buổi địa ốc đang bị đông lạnh, thế mà giá vẫn cao hơn nơi tôi đang sống. Ngôi nhà hơn 40 mươi năm với đầy ắp kỷ niệm, lại ở tuổi xế chiều lẽ ra phải được giữ lại để vừa an ủi tuổi già, vừa kỷ niệm cho con cháu thế nhưng vợ chồng anh cũng phải ngậm ngùi dứt áo ra đi! Đất không lành, chim không đậu! Anh bạn chở đi thăm vài người quen khác. Thăm một ông cựu giáo sư đại học, đã viết sách về nghiên cứu. Lại lan man chuyện viết lách. Rồi lan man đến chuyện trí thức XHCN, vô tình trùng hợp với đề tài đang được tranh luận sôi nổi cả trong lẫn ngoài nước: “Thế nào là trí thức” sau phát biểu của Giáo sư trẻ Ngô Bảo Châu.

Tôi nhận được cuốn hồi ký tự xuất bản, vừa mới ra lò, của một người khác! Tác giả cùng thời và bạn của Đào Hiếu do Đào Hiếu trình bày, chưa kịp đọc.

Sau cùng là ghé thăm một gia đình thuộc loại bị hoạn nạn nhất từ sau biến cố năm 1975. Chị mất, anh một mình nuôi dưỡng hai con học hành thành đạt. Đây là lần đầu gặp hai cháu. Nhìn cháu gái thì hình ảnh mẹ cháu lại hiện về, rõ mồn một. Cái mẹt hàng với năm ba cục kẹo, ngồi chồm hỗm trên mặt đất sình lầy ở khu Kinh tế mới Lê Minh Xuân làm cái gọi là buôn bán để kiếm sống! Không ai có thể nghĩ đấy là công việc mưu sinh của đôi vợ chồng có bằng đại học!

Anh kể, hàng năm số Võ Bị, Chiến Tranh Chính Trị cũng âm thầm tổ chức họp mặt. Chỉ gặp nhau trong tình anh em nhưng liên lạc phải rất bí mật vì bị nhà nước cấm. Tôi nghĩ, nếu một chế độ mạnh và hợp lòng dân thì tại sao lại cấm sự biểu lộ tình cảm của người khác. Sự tương thân tương trợ rất cần thiết trong mọi xã hội, vì ở đó là biểu lộ tình thương tự nhiên giữa người với người. Thăm viếng nhau mà phải giữ bí mật tuyệt đối thì chế độ đã vô tình khuyến khích họ đi vào con đường hoạt động bí mật.

Hai tuần về “Ăn Tết” trôi nhanh đến không ngờ. Mồng Bốn, mồng Năm sau Tết một số cửa hàng lớn vẫn chưa mở cửa lại. HH đem ở đâu về được 3 cái mền lông dài, mướt và mịn như nhung, khá nặng. Một cái cho chúng tôi, hai cái còn lại cho hai cháu gái gọi là quà kỷ niệm của quê hương. Thôi thì, vì thương các cháu, đành chịu khó đóng gói hành lý đem đi. Việc nầy mấy ai ngờ lại có chút lôi thôi khi trở ra.

Vẫn ngại chuyện bị US Customs khám xét thực phẩm khi đem vô nước Mỹ, vì thế tất cả đồ dùng không liên quan đến thực phẩm tôi gom chung với 3 cái mền nhét vào 2 vali gửi hành lý, vali xách tay dành chứa thực phẩm, để tiện trình hải quan Hoa Kỳ.

Ngày đi trời khá nóng và nghĩ lên máy bay về Mỹ thì cũng chẳng lạnh gì nên tôi mặc sọt, áo T-shirt không cổ.

Tại cửa an ninh đầu, xem passport và thu lại visa, HH được qua trước. Tôi bị giữ lại lâu hơn. Hỏi: “Bao lâu rồi chú mới về lại Việt Nam?” Đáp: “Khoảng 4 năm hơn, hay gần gần như vậy” “Ồ, lâu quá chú mới về mà, xin chú chút tiền lì xì”, anh hải quan cười cầu tài! Tôi chợt nghĩ, chỉ tại cái lè phè, mặc có vẻ “Mỹ bụi” của tôi nên chắc dễ moi tiền(?) Tôi cười, chỉ HH đang đứng đợi ở xa: “Cô giữ hết tiền. Chú không có đồng nào trong túi!”

Tưởng là yên rồi, HH và tôi đủng đỉnh tìm cổng đợi lên máy bay. Nhưng trước khi đến đó thì có một toán kiểm soát khác, xét bằng tay, giông giống toán xét tay ở HongKong hôm về. Xét túi hành lý HH, anh an ninh cầm lọ Pepto Bismol màu hồng mà chúng tôi đã sử dụng một phần: “Lọ nầy trên 100cc, dùng để làm gi?” điệu bộ rất-an-ninh! Tôi nói: “Thuốc đau bụng” Anh săm soi kỹ: “Cho con nít hả?”. HH phản ứng rất nghề nghiệp nhưng cũng ném vào đó sự bực bội: “Con nít uống chết đó!” Ngưng đôi ba phút anh ra dấu cho qua. Đến lượt tôi, cả một vali thực phẩm! Anh an ninh khác khám, nói thật khẽ: “Xách của chú sao nặng quá vậy?” Rồi mò mò, chỉ bịch tiêu sọ: “Tiêu nầy mà bột là vi phạm an ninh” “Vì sao?” “Vì mùi!” Suy nghĩ cách để kiếm chuyện: “Xách nầy nặng quá, chắc phải gửi qua hành lý. 150” Tôi phản ứng: “Thực phẩm mà! Trăm rưởi quá đắt!” Anh ta cố tìm lý do khác. Tôi dang ra, đợi. “Cái xách của chú lớn quá khổ!” Liếc đồng hồ, còn nhiều thời gian mà, gần một tiếng nữa mới đến giờ bay nên tôi tỉnh bơ! Cũng 5, 7 phút trôi qua, tôi nói: “Xách của tôi toàn thực phẩm nhưng không hẳn là thực phẩm. Là quà tặng của người thân. Là tình cảm quê hương. Nhưng nếu các anh thấy cần thiết, muốn lấy bao nhiêu, cứ thoải mái! Và lấy thì nhớ vứt vào sọt rác!” Thấy có vẻ căng thẳng, anh an ninh khác xen vào: “Thôi chú cứ đem đi và nhớ rút kinh nghiệm!” Tôi muốn tiếp, nhưng ghìm lại: “Tôi du lịch nhiều nơi, qua rất nhiều nước nên kích cỡ hành lý xách tay chắc chắn tôi phải biết hơn các anh? Còn như thế nào gọi là ‘rút kinh nghiệm’?”

Khám xét an ninh là lo về ma túy, súng đạn, chất nổ nhưng hình như chỉ có tại Việt Nam thêm phần thực phẩm. Nhân viên an ninh chỉ biết thi hành bổn phận, không thể tìm mọi cớ để vòi vĩnh làm tiền!

Thoát cửa ải sau cùng, ngẫm nghĩ phải chăng vì cách mặc tuềnh toàng “Mỹ hóa” tưởng dễ moi tiền, nên tôi mới bị hạch sách?

Ai cũng có một quê hương nhưng người chiếm giữ quê hương lại tìm mọi cách để bòn rút, bóc lột người về thì cho dẫu có bao nhiêu nghị quyết về Việt Kiều cũng chỉ là vô ích! Muốn cai trị đất nước tốt thì tiếng nói của người Việt trong và ngoài nước phải được lắng nghe. Lần về nầy tôi đã ở hai nơi, Sài Gòn cũ và Đà Lạt, không nơi nào mở được các trang webs tiếng Việt ở ngoài nước, kể cả bbc/vietnamese mà không phải vượt tường lửa!

(Feb 10th, 2012)

© Hồ Phú Bông

© Đàn Chim Việt

____________________________________________________________________
[1] Hồ Phú Bông- Đôi điều nhân một chuyến về – talawas 5/2008
[2] Đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, giữa cơn đói cùng cực của cả nước, nhà cầm quyền cộng sản Việt Nam đã cho chiếu bộ phim nhiều tập “Người nông dân nổi dậy” mà nhân vật chính là nông dân có tên Jacquou. Gần 30 năm sau, Jacquou Đoàn Văn Vươn tại Việt Nam lại xuất hiện, làm dậy sóng công luận. Và, chắc sẽ còn nhiều Jacquou khác trong tương lai. Xem bộ phim nầy tại đây: http://www.imdb.com/title/tt0272389/

http://www.google.com/search?q=jacquou+le+croquant+1969&hl=en&rlz=1C1WZPD_enUS412US412&site=webhp&prmd=imvns&tbm=isch&tbo=u&source=univ&sa=X&ei=3d4zT8uVM_Do2gXIorGQAg&ved=0CD4QsAQ&biw=1280&bih=709

[3] http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2012/02/120203_us_blogger.shtml
Matt Kepnes, một blogger hoạt động khá tích cực trên các trang mạng xã hội, được website Huffington Post đăng lại hôm 30/1/2012, phần lớn kể về những kinh nghiệm “không may mắn” sau một tháng du lịch ở Việt Nam vào năm 2007.

 

6 Phản hồi cho “Đôi chút mông lung sau một chuyến về”

  1. D.Nhật Lệ says:

    Nói chung,tôi không phản bác những gì mắt thấy tai nghe của người trong cuộc là tác giả HPB.nhưng đoạn
    nói về phản ứng của HPB.và HH.trước việc đòi tiền của CA.tôi thấy có gì đó hơi lấn cấn !
    Nếu tác giả muốn chống tham nhũng nên không cho tiền thì điều đó có lẽ qúa lý thuyết,thậm chí là lý tưởng
    hóa từ một việc cỏn con mà đó không phải là nguyên nhân tạo ra tham nhũng.Chống tham nhũng ra trò là chống những kẻ quyền cao chức trọng,chứ nhằm nhò gì dăm ba anh làng nhàng cắc ké như thế !
    Xét cho cùng,chính quyền lực không bị kiểm soát do không có đảng đối lập làm đối trọng,cho nên quyền
    lực tuyệt đối sinh ra tha hóa,khiến con người động lòng tham và tham nhũng từ đó mà phát triển và tung
    hoành,chứ chống tham nhũng ở nơi cán bộ cấp thấp thì chẳng hữu hiệu mảy may nào vì không triệt đúng nguyên nhân của tham nhũng.
    Thượng bất chính,hạ tất loạn.Chẳng qua bọn chóp bu đớp toàn TIỀN TỶ nên thuộc hạ cũng phải tìm cách
    bắt chước mà moi chút TIỀN LẺ từ đồng bào xa quê trở về thăm nhà ! Nghĩ thế cho khoẻ,bác ơi !
    .

  2. thùy says:

    Một bài viếtkhông có chi lạ.Nếu có là người về dịp Tết,khi có người ông vụ vui vẻ xin tiền lì xì theo tục lệ đầu năm ,laị không cho còn có gương mặt cong cớn (show off),và kết luân một cách hồ đồ,người ta ph5c vụ mình ,cười nói tử tê ,vui vẻ hỉ là Xin Tiền. Cho hay không cho là quyền của mình vì không thấy người mở miệng xin làm khó dể gì người “về thăm quêhương “này hết. Vậy thì có gì để NÓI ? ỞMỷ phục vụ tốt người ta củng cho tiền TIPS,cho nên các phuc vụ viên,nhất là người MỲ rất ân cần và vui vẻ…Về thăm quê trong dịp vui tết chơi xuân ờ vn mà đang báomấy cái chuyện hết sức bình thường (không khó dể,không bắt chờ lâu,không lục tung hành lý khám xét,không dọa dẩmđể xùy tiền ra như trước đây có nhiều bài báo than phiền,vây là KHEN VC “tốt làm” rồi chớ còn gì ?).
    Ôi ,vậy mà RẶN ra bài viết khá “lòong thòong”quảng cáo về vn và đem đăng được thì ,qủả TÀI thật !

  3. cú đỉn says:

    Cái bác viết bài này cú đỉn quá. Nếu là tôi thì khi các cháu công an cửa khẩu hay hải quan gì đó đã ngỏ lời xin lì xì thì tôi cho ngay, chúng nó bây giờ đã có tôn ti trật tự rồi nên không dám quấy nhiễu, chỉ xin thôi thì nên cho vì chúng nó quá khổ. Tất nhiên với cái đám gây khó dễ như bác kể trước lúc lên máy bay thì cần phải làm như bác. Bác ơi, nếu yêu quê hương thì hãy mở rộng lòng đừng có quá khắt khe như thế với những người khốn khổ. Chắc là bác ít khi đi du lịch đến những nước có dân chủ nhưng vẫn còn nghèo khổ, cảnh tượng còn thậm tệ hơn so với ở VN bây giờ đấy bác ạ.

  4. Khinh Binh says:

    Đọc tới đây: “Đáp chuyến bay kế tiếp về Thành phố Hồ Chí Minh…” thì hết muốn đọc nữa! Thở dài! vẫn còn những con bò ưa viết lách!

    • Mai says:

      Sao mà nóng thế bác? SG và Tp HCM khác nhau quá mà!  SG là trái tim của người miền Nam.  Tự do, thanh lịch, văn minh, .. còn Tp HCM thì đầy đủ mọi thứ xấu xa nhất trên đời như vậy mà dám gọi Tp HCM là SG thì tự mình đâm vào trái tim của chính mình, phải ko ạ?  Thí dụ:  Ngày xưa Hùynh Tấn Mẫm đứng giữa SG biểu tình để lật đổ VNCH, bây giờ cũng chính hắn xuống đường để cứu đảng của hắn ko lẽ gọi là hắn đang đứng giữa SG?  Phải chỉ rõ là hắn đang đứng giữa Tp HCM chống Đảng của hắn thì bộ mặt bọn GPMN mới lộ nguyên hình chớ!

      Cho nên ngày nào CS sụp đổ thì chúng ta mới xúm nhau xây dựng lại SG. Xây dựng lại dân chủ, tự do, văn minh!  Hehehe :) Chúc bác vui.

  5. Nguyen quoc viet says:

    Một điều rất thật , mà cũng rất đáng buồn là : cái Quê hương xưa , cũ thật thân thương , thật gần gũi của Anh , của tôi , của tất cả chúng ta ( những người đã phải trải qua muôn vàn đắng cay , cùng khổ sau ngày 30 – 04 -1975 và cuối cùng cũng phải dứt áo , bỏ lại tất cả để vượt Biển , vượt Biên … tìm sự sống , niềm hy vọng vượt thoát , ngay trong cái Chết ) … đã thật sự không còn tồn tại trong hơn ba mươi lăm năm qua . Mặc dù cái mảnh đất mang tên Việt nam vô cùng yêu thương vẫn còn đó nhưng … cái Linh hồn , cái Tâm hồn thật sự của nó chỉ còn là trong Kí ức của dòng Thời gian , từng ngày theo nhau trôi qua đi . Cố hương ơi … xin mãi còn được giữ tên người !!! .

Phản hồi