Bình thơ Bế Kiến Quốc
HOA HUỆ
Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Em đừng nhìn đi đâu thế em
Anh không biết vì sao, ai có lỗi…
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Bế Kiến Quốc
(1949 – 2002)
Bài thơ đưa ta đến một cảm giác với bao mâu thuẫn của tình yêu:
Hoa huệ trắng và bức tường cũng trắng
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Màu hoa huệ trắng đặt trước một bức tường cũng trắng như sự trắng trinh thơm ngát ở người con gái, mơ mộng và nên thơ. Nhưng:
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Đó lại là hai mặt mang đầy kịch tính. Tôi nói “kịch tính” ở đây, bởi vì: Bông hoa nào dù trắng trong và hương ngát bao nhiêu chăng nữa, nhưng khi bóng của nó hắt lên tường thì đều thành màu đen cả (nghĩa đen)!…Ý là tình yêu đã mang đến cho ta niềm vui sướng, hạnh phúc vô biên – Ngược lại, tan vỡ cũng gây không ít những đau đớn và thất vọng. Cái mâu thuẫn ấy có mấy đôi trai gái không thường vấp phải? Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã sử dụng hình tượng bóng đen đó (nhưng theo nghĩa bóng), để nói lên nỗi lòng mình đang tan nát.
Henrich Haine một nhà thơ lớn nước Đức (1797-1856), trong bài thơ “Những hoa hồng tím nhạt” đã viết:
Em có hiểu vì đâu?
Những hoa tím im lặng
Trêncánh đồng xanh mầu?
Tình cảm đồng điệu từ những bông hoa tím được nhà thơ sử dụng chỉ cốt bộc lộ nỗi đau thầm nén của lòng người con trai trên cánh đồng xanh mướt, tha thiết tình yêu kia! Ông viết tiếp:
Vì sao trên không trung
Chim sơn ca than khóc?
Vì sao đoá hoa thơm
Tỏa một mùi chết chóc?
Hình ảnh bông hoa được sử dụng thêm một lần nữa nhưng ở mức độ cao hơn, khốc liệt hơn – Rằng, một đóa hoa thơm cũng mang nỗi khổ hạnh khi trái tim tình yêu người bị đớn đau. Như lời của Nguyễn Du:
Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?
Việc sử dụng hình ảnh bông hoa để nói về tình yêu của nhà thơ Bế Kiến Quốc và Henrich Haine khác nhau là ở chỗ: Hình ảnh của nhà thơ Đức thông qua trạng thái ở bông hoa mà biểu đạt nỗi xót xa về tình cảm , hay sự quặn thắt trong lòng người – Nhưng bông hoa trong bài thơ “Hoa huệ” thì lại được xây dựng hẳn thành một biểu tượng cho tình yêu!
Anh viết bài thơ này từ năm 1969, khi còn là một sinh viên trường Đại học Tổng hợp. Nghe nói những năm tháng ấy các sinh viên của trường anh thường lập ra những nhóm thơ, tìm tòi nhiều, cả thơ trong nước và thơ thế giới. Bài thơ đã ảnh hưởng trường phái thơ tượng trưng của văn học châu Âu. Tuy nhiên, đó là sự ảnh hưởng về phương pháp sử dụng hình tượng nghệ thuật thể hiện, tư duy thơ vẫn bắt nguồn từ tình cảm bản thân trong đời sống tình yêu lứa đôi, dồn nén của trái tim mà ra. Cho nên bài thơ tuy viết theo dạng biểu tượng xúc tích nhưng tình cảm vẫn tha thiết, đằm thắm:
Em đừng nhìn đi đâu thế em
Anh không biết vì sao, ai có lỗi…
Sau hai câu đầu đưa ra sự đối ngược giữa hình ảnh bông hoa trắng với cái bóng trên tường lại đen, tác giả bắt ngay vào diễn tả trạng thái riêng tư – Đó là sự trách cứ người yêu hờ hững chăng? Anh tiếc nuối hay anh phân bua về sự tan vỡ ấy? Câu thơ:
Anh không biết vì sao, ai có lỗi?
Ta thấy lòng nhà thơ vẫn còn rất tha thiết với người con gái năm xưa, dù mối tình đã tan có thể không bao giờ còn hàn gắn lại được. Tuy có đôi chút yếu lòng nhưng thơ không rơi vào bi lụy. Có vẻ trách đấy mà đâu có trách, cảm hóa ta về một mối tình đẹp và trong sáng.
Tất cả chỉ có sáu câu . Hai câu kết tác giả trở lại với hình ảnh của bông hoa và cái bóng đen trên tường, khóa bài thơ lại:
Nhưng mãi mãi vẫn còn câu hỏi
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
Cái bóng đen của bông hoa in trên nền tường trắng là một bóng… buồn! Câu hỏi:
Sao bóng hoa trên tường lại đen?
mãi mãi còn day dứt, trăn trở trong trái tim người con trai! Nhìn “bóng hoa đen”… lòng anh lại càng xa xót về một kỷ niệm đã xa xưa. Sự đối ngược giữa hình ảnh bông hoa trắng và bóng đen tự thân đã mang theo một quan điểm triết lý về sự hợp tan, lành dữ trong trời đất. Đó cũng chính là ý nghĩa tự nhiên của tình yêu và cuộc sống, vừa hạnh phúc mà lại vừa đau khổ!
Nhà thơ Bế Kiến Quốc đã tạo nên bức tranh “Hoa huệ” không kém phần độc đáo.
© Phạm Ngọc Thái
© Đàn Chim Việt
HOA HUỆ
Hoa huệ trắng như không thể nào trắng hơn được nữa
Ôi màu trắng của sự trinh nguyên
Hay màu trắng của đóa hoa hoàn toàn thanh khiết
Hoa huệ áp mình cũng trên bức tường màu trắng
Hai màu trắng như cùng hòa vào lẫn nhau
Anh tự hỏi màu trắng nào là của hoa
Và màu trắng nào là của bức tường trinh khiết
Hình như cả hai màu trắng đều trộn chung làm một
Hay sự phân biệt không có hạn cùng
Tất cả đều là hòa đồng
Không còn đâu là màu trắng của hoa
Không còn đâu là màu trắng của bức tường trinh nguyên nữa
Hoa hiện lên trên bức tường
Hay bức tường làm cho hoa hiện lên
Hình như cả anh và em đều không còn biết được
Em giông như hoa huệ
Toàn một màu trắng trinh nguyên
Cuộc đời cũng giống như bức tường
Bức tường hoàn toàn màu trắng khi người ta chưa vẽ lên gì làm cho hoen ố nó
Em trinh nguyên làm đẹp cho cuộc đời
Cuộc đời trình nguyên lại làm cho em thêm đẹp
Chẳng hề có màu đen trên bóng hoa và trên bức tường
Bởi vì tất cả hay cả hai đều hoàn toàn màu trắng
Mọi sự tinh khiết tuyệt đối thì không hề có xen chút màu đen
Bởi màu đen hoàn toàn không tồn tại trên nền màu trắng
Cũng không tồn tại như có bóng hoa trên bức tường
Tất cả sự trinh khiết như không còn chỗ nào cho điều ngược lại
Anh yêu em bằng tất cả tình yêu cũng hoàn toàn nguyên khôi và nồng nàn như thế
Giống như tiếng chim sơn ca hót trên không trung
Điệu hát cũng là điệu nhạc
Âm thanh trong sáng và bầu trời xanh cùng quyện vào nhau
Như tình yêu của đôi ta
Không có gì khác lẫn lộn vào mà chỉ toàn một màu trắng nuốt
Em thật sự như một đóa hoa huệ trong lành
Còn anh như chú chim sơn ca đang cất tiếng hát trên bầu trời xanh !
NON NGÀN
(24/02/12)