WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Từ Paris thương về Hoàng Sa

Trong chuyến ghé tới Paris mới đây, tôi đã biết thêm một số thông tin về Hoàng Sa qua trò chuyện với người đã từng quản lý trực tiếp Trạm khí tượng Hoàng Sa từ năm 1963 tới ngày Hoàng Sa của Việt Nam bị quân Trung Quốc cưỡng chiếm vào ngày 19/1/1974. Người đó là kỹ sư Đinh Trọng Châu, giữ chức vụ Giám đốc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng trong khoảng thời gian từ năm 1963 đến cuối tháng 3/1975.

Kỹ sư Đinh Trọng Châu sinh năm 1933 tại Huế, trong một gia tộc có truyền thống hiếu học và thành tích khoa bảng từ nhiều thế hệ. Chàng thanh niên Đinh Trọng Châu, sau khi tốt nghiệp Kỹ sư Khí tượng (Ingénieur de la Météorologie) trường École Nationale De La Météorologie thì về Việt Nam làm việc tại Nha Khí tượng (số 8 đường Mạc Đĩnh Chi, Sài Gòn) vào năm 1956. Kỹ sư Châu cho biết năm 1956 người Pháp bàn giao toàn bộ việc quản lý khí tượng miền Nam Việt Nam cho Việt Nam Cộng hòa, trong đó có trạm khí tượng của Hoàng Sa. Giám đốc Nha Khí tượng VNCH lúc bấy giờ là ông Đỗ Đình Cường và về sau là ông Đặng Phúc Đỉnh.

Với khả năng chuyên môn được đào tạo chính quy tại Pháp và tại Mỹ, năm 1963, kỹ sư Đinh Trọng Châu nhậm nhiệm vụ Giám đốc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng, chịu trách nhiệm từ Quảng Trị tới Quy Nhơn. Như vậy Trạm khí tượng đảo Hoàng Sa thuộc quyền quản lý trực tiếp của ông từ năm 1963 cho đến giờ phút cuối cùng Hoàng Sa bị Trung Quốc cưỡng chiếm vào ngày 19/1/1974. Kỹ sư Châu vẫn luôn nhớ Trạm khí tượng Hoàng Sa có mã số (Index) trong mạng khí tượng thế giới (Réseau Mondial) do Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO = World Meteorological Organization, hay OMM = Organisation Mondiale de la Météorologie) quy định là 48860, trong đó hai số đầu 48 là mã số chỉ quốc gia Việt Nam; 3 số sau 860 là mã số chỉ Trạm khí tượng.

 

Kỹ sư Đinh Trọng Châu và phu nhân hiện nay (Ảnh do người viết chụp ngày 26/9/2011 tại nhà riêng của kỹ sư Châu ở Paris, Pháp)

Ông cho biết lúc bấy giờ cả Nha Khí tượng Sài Gòn và các Trung tâm Khí tượng khác ở miền Nam Việt Nam có khoảng 50 nhân viên sẽ lần lượt thay phiên nhau ra Trạm khí tượng Hoàng Sa làm nhiệm vụ 3 tháng một phiên, mỗi phiên có 7 người: 4 quan trắc viên khí tượng, 2 truyền tin và 1 người làm công tác tạp vụ. Trên nguyên tắc vẫn cần một kỹ sư khí tượng ra Hoàng Sa, nhưng lúc bấy giờ một phần do ít kỹ sư, một phần các kỹ sư đều sợ ra Hoàng Sa vì ngoài việc say sóng trên đường đi bằng tàu Hải quân, một phần đời sống trên đảo không dễ dàng như trên đất liền nên không mấy kỹ sư dám đi! Kỹ sư Châu là người kỹ sư duy nhất “chịu chơi” là đi Hoàng Sa 3 tháng với nhân viên thuộc cấp. Cho nên ông vẫn nhớ và thương mến những nhân viên của ông đã ra Hoàng Sa nhiều phiên như các bác Ngô Tấn Phát, Võ Như Dân, Phạm Văn Miễn…

Ông nhớ là ở Hoàng Sa, lương thực, thực phẩm chỉ được tiếp tế 3 tháng một lần nhờ tàu của Hải quân. Do đó, không thể tiếp tế được gà vì gà sẽ chết hết trước khi đến Hoàng Sa do say sóng, chỉ có thể tiếp tế được vịt. Về nước uống thì ông và các nhân viên khí tượng dùng nước mưa hứng được từ mái nhà và tích trữ trong một cái hồ. Những khi thiếu nước mà phải đào giếng thì chỉ đào khoảng một mét là có nước, nhưng là nước mặn! Theo ông, trước thì trên đảo Hoàng Sa không có chuột, nhưng sau có lẽ chuột theo tàu Hải quân lên đảo, và sinh sôi nảy nở quá nhiều! Có nhiều khi ban đêm ông và các nhân viên đi dạo trên đảo thì hàng đàn chuột chạy ngờ ngờ trước mặt.

Ông Phạm Văn Miễn (trái) và ông Võ Như Dân

Kỹ sư Châu cũng cho biết, do thiếu các điều kiện sinh hoạt cho nên trên đảo Hoàng Sa ngoài 7 nhân viên dân sự của Trạm khí tượng, chỉ có một trung đội, có khi chỉ có một tiểu đội địa phương quân với vũ khí cá nhân, không có công sự vững chắc canh giữ đảo. Đó là một trong những lý do khiến Trung Quốc dễ dàng cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974.

Trong khi Hoàng Sa do VNCH làm chủ thì Trung Quốc đã chiếm đảo Boisée với mã số của Trạm khí tượng là 59981. Đảo Boisée có tên Việt là Phú Lâm, tên này có nghĩa là “Rừng có nhiều cây”, phù hợp với cây cối rậm rạp trên đảo. Chữ Boisée của Pháp cũng cùng nghĩa này, và tên tiếng Anh là Woody Island cũng cùng nghĩa. Trung Quốc chiếm đảo và gọi tên là Vĩnh Hưng.

Ông giới thiệu cho tôi một số tài liệu viết về chủ quyền không thể phủ nhận được của Việt Nam ta đối với Hoàng Sa và Trường Sa(1,2,3,4,5,6). Những tài liệu này cho biết đảo Boisée (Phú Lâm) là một trong hai đảo lớn của Hoàng Sa, còn Ba Bình (Itu Aba, mà Trung Quốc chiếm và gọi là Thái Bình) là đảo lớn nhất thuộc quần đảo Trường Sa mà từ năm 1932 người Pháp đã quản lý các đảo này như là những phần của lãnh thổ Việt Nam. Nhưng trong thế chiến thứ hai, Nhật chiếm các đảo này. Đến khi Nhật đầu hàng Đồng Minh, thì theo hội nghị Potsdam, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch được phân công tước khí giới Nhật tại Việt Nam từ vĩ tuyến 16 trở ra. Họ đã tới tước vũ khí của Nhật tại các đảo Boisée, Ba Bình và Hoàng Sa, rồi nhân đó họ chiếm luôn các đảo này.

Nhưng năm 1947, sau khi Pháp trở lại Đông Dương, Pháp chiếm lại Hoàng Sa từ Trung Hoa Dân Quốc, còn hai đảo Boisée và Ba Bình thì Pháp không đủ lực lượng để lấy lại vì lúc bấy giờ Pháp phải lo chiến tranh ở Đông Dương nhất là ở Việt Nam. Đến khoảng năm 1949, Trung Hoa Dân Quốc của Tưởng Giới Thạch bị quân của Mao Trạch Đông đánh bại, phải bỏ Hoa lục chạy ra Đài Loan, thì quân của Tưởng rút khỏi đảo Boisée, nhưng vẫn còn giữ Ba Bình cho tới ngày nay. Rồi khoảng năm 1956, quân của Trung Quốc tới chiếm đảo Boisée. Từ đó họ thiết lập Trạm khí tượng và có mã số 59981 cho tới nay.

Vì thế nên vào năm 1956, khi người Pháp trao quyền quản lý khí tượng lại cho VNCH thì chỉ trao lại đảo Hoàng Sa với Trạm khí tượng có mã số 48860 như ta biết hiện nay và một số đảo của quần đảo Trường Sa.

Kỹ sư Châu cũng nói rằng trong thời gian ông trực tiếp quản lý Trạm khí tượng Hoàng Sa từ 1963 tới 19/1/1974 (Trung Quốc chiếm Hoàng Sa ngày 19/1/1974) với tư cách là Giám đốc Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng (chịu trách nhiệm từ Quảng Trị tới Quy Nhơn) từ năm 1963 tới cuối tháng 3/1975, thì các nhân viên khí tượng ở Hoàng Sa cho ông biết thỉnh thoảng tàu đánh cá của Trung Quốc vẫn ghé Hoàng Sa xin nước ngọt, và vào ngày Quốc khánh của Trung Quốc thì họ ăn mừng, bắn pháo bông trên đảo Boisée, và đã từng gởi lời mời hữu hảo đến anh em khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa qua tham dự lễ và tiệc Quốc khánh của họ trên đảo Boisée. Tất nhiên anh em khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa không hề qua đảo Boisée để tham dự theo lời mời của họ. Như thế anh em khí tượng Việt Nam ở Hoàng Sa, cũng như các anh em địa phương quân Việt Nam canh giữ Hoàng Sa cũng tưởng “người ta” hữu hảo, tử tế.

 

Trạm khí tượng Hoàng Sa ngày ấy

Có ai ngờ vào các đêm trước ngày 17/1/1974 “người ta” lợi dụng đình chiến qua Hiệp định Paris, đã âm thầm đổ bộ nhiều quân lên các hòn đảo nhỏ quanh Hoàng Sa, rồi sau đó đổ quân lên chiếm Hoàng Sa, mà nhân viên của kỹ sư Châu về sau nói là đông đen! Trong khi đó phía VNCH không đủ lực lượng chống giữ và đánh chặn và người Mỹ với Hạm đội Thái Bình Dương ở gần đó thì lại án binh bất động nên anh em binh lính VNCH và một người Mỹ cùng các nhân viên khí tượng trên đảo Hoàng Sa đã bị lực lượng của Trung Quốc bắt.

Binh lính VNCH và người Mỹ bị lính Trung Quốc bắt đem đi vào buổi sáng (hình như sáng ngày 19/1/1974). Riêng các nhân viên khí tượng của kỹ sư Châu thì quân Trung Quốc chưa bắt đi vào buổi sáng mà bắt ngồi tập trung tại cột cờ trên đảo, cho đến chiều mới bắt đem đi vào Hải Nam và sau về Trung Quốc, tách riêng khỏi anh em binh lính. Các nhân viên khí tượng bị bắt học tập chính trị trong 3-4 tháng, nhưng được đối xử tương đối tử tế. Về sau, những nhân viên này được Trung Quốc trao lại cho VNCH tại Hồng Kông.

Như vậy trận hải chiến Hoàng Sa vào ngày 19/1/1974 là trận mà Hải quân VNCH khai hỏa đánh Hải quân Trung Quốc trong ý định lấy lại các đảo nhỏ gần Hoàng Sa đã bị Trung Quốc chiếm một hai hôm trước đó. Nhưng ý định lấy lại ấy đã không thành, Hải quân VNCH có 74 chiến sĩ tử vong, Trung Quốc chiếm luôn Hoàng Sa từ đó.

Điều mà người Việt Nam dù ở trong nước hay ở nước ngoài cần ghi nhớ là Việt Nam là một nước nhỏ ở kế cận anh khổng lồ phương Bắc. Trong hơn 2.000 năm qua, anh khổng lồ phương Bắc đã đem quân xâm lăng nước ta rất nhiều lần, nhưng sau biết bao gian khổ cha ông ta đánh bại quân xâm lược trong những chiến trận rất lẫy lừng và vẫn giữ được độc lập cho Tổ quốc Việt Nam. Năm 1974, anh phương Bắc đánh chiếm Hoàng Sa của VNCH trong khi Hoa Kỳ đang là đồng minh của VNCH và Hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ ở gần đó lại “án binh bất động” nên VNCH mất 74 chiến sĩ và mất Hoàng Sa. Rồi năm 1988, anh phương Bắc lại đánh chiếm mấy đảo nhỏ trong quần đảo Trường Sa của Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, ta hy sinh 64 chiến sĩ và mất luôn mấy đảo ấy.

Vào cuối tháng 3 năm 1975, kỹ sư Châu đã bàn giao nguyên vẹn Trung tâm Khí tượng Đà Nẵng cho cán bộ khí tượng của chính quyền mới. Ông vẫn còn ở Đà Nẵng một thời gian sau 1975, sau đó xin chuyển nhà vào TP Hồ Chí Minh. Năm 1983, ông và gia đình qua Pháp theo chương trình đoàn tụ với ông bà thân sinh và 3 người anh em đang làm việc tại Paris, Pháp. Với trình độ lý thuyết được đào tạo chính quy tại Pháp và Mỹ và với kinh nghiệm thực tế của 17 năm làm việc tại Việt Nam, kỹ sư Châu được mời giảng dạy về Khí tượng miền nhiệt đới (Tropicale Météorologie) tại trường đào tạo kỹ sư khí tượng École Nationale de la Météorologie tại Toulouse, Pháp từ năm 1983 cho đến khi về hưu cách đây vài năm.

Những năm tháng làm công tác khí tượng trực tiếp với anh em khí tượng Hoàng Sa đã để lại trong lòng kỹ sư Châu những tình cảm không thể nào quên. Giờ đây, hưu trí tại Paris, ông vẫn luôn nhớ về những con người đã từng cùng ông chịu thương chịu khó làm việc nơi biên đảo xa xôi của Tổ quốc Việt Nam.

——————————————–

(1) The Southeast Asian Sea Research Foundation, The Indisputable Sovereignty of Viet Nam over the Paracel Islands, by the National Committee for Border Affairs, Ministry of Foreign Affairs, Socialist Republic of Viet Nam, January 30th, 2011

http://www.seasfoundation.org/articles/other-sources/864-the-indisputable-sovereignty-of-viet-nam-over-the-paracel-islands

(2) Một số tư liệu lịch sử, pháp lý về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa
http://www.biengioilanhtho.gov.vn/Media/bbg/News/Archives/vie/chu quyen tren 2 quan dao Hoang Sa – Truong sa.pdf
(3) Đảo Phú Lâm, http://vi.wikipedia.org/wiki/Đảo_Phú_Lâm
(4) Ba Bình, http://vi.wikipedia.org/wiki/Ba_Bình
(5) Hải chiến Hoàng Sa 1974,

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hải_chiến_Hoàng_Sa_1974

(6) Hải chiến Trường Sa 1988,

http://vi.wikipedia.org/wiki/Hải_chiến_Trường_Sa_1988

 

Theo Tạp chí Hồn Việt

 

 

 

4 Phản hồi cho “Từ Paris thương về Hoàng Sa”

  1. xoathantuong says:

    Ở wikipedia, trận Hải chiến Hoàng Sa 1974, http://vi.wikipedia.org/wiki/Hải_chiến_Hoàng_Sa_1974 viết OK.

    Nhưng phần tiếng Anh: Battle of the Paracel Islands – http://en.wikipedia.org/wiki/Battle_of_the_Paracel_Islands viết rất bất lợi cho người Việt. Trong phần “Historical background (Bối cảnh lịch sử)” họ cho là Pháp chiếm đảo bất chấp sự phản đối của Tàu. Ngay cả Nhật cũng phản đối việc chiếm Hoàng Sa của Pháp. Tôi trích lại vài đoạn từ phần tiếng Anh.

    Historical background (Bối cảnh lịch sử)

    “On July 3, 1938, French troops, who had colonized Indochina in the 19th century, invaded and occupied the Paracel Islands despite Chinese protests. This took place shortly after the breakout of the Second Sino-Japanese War, when China was fully engaged in resisting Japan’s invasion. Three days later, on July 6, the Japanese Foreign Ministry also issued a declaration in protest of the French occupation:

    The statement of Great Britain and France made respectively in 1900 and 1921 already declared that the Xisha (Paracel) Islands were part of the Administrative Prefecture of Hainan Island. Therefore, the current claims made by An’nan or France to the Xisha Islands are totally unjustifiable.[1]“

  2. DâM Tiên says:

    Muốn đói lài Hoàng Sa, trước sau cũng phải tìm
    đúng…thủ phạm mà đòi.

    Đòi Trung Cộng , ” Thằng Sam nó giao HS cho
    tao giũ giùm nó mà. ”

    Đòi chú Sam: Ừ, tao nhờ chú Chệt giữ giùm.
    Sau này, khi ta đánh thức cô VNCH dậy, sẽ
    trả Hoàng Sa cho cô, vì là mẹ của Hoàng Sa.

  3. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Thưa bà con,

    Đọc bài trích đăng từ web trong nước lề phải, lòng tôi bồi hồi xúc động. Đọc đi đọc lại vài lần lấy tin và nhìn thật kỹ hình ảnh vợ chồng kỹ sư khí tượng Đinh Trọng Châu !

    Rồi tôi hồi tưởng lại Nha Khí Tượng nằm cạnh hay không xa Nha Canh Nông và bót cảnh sát quận Nhất ở góc đường Mạc Đĩnh Chi và Trần Cao Vân. Nơi đó tôi khá quen biết, bởi gần nhà cũng như sân tennis ở góc Hai Bà Trưng và Hồng Thập Tự nơi tôi từng ghé chơi dài dài sau 1975, hay đi ăn phở bình dân Cao Vân giá rẻ nhưng cũng ngon, nhưng khoái nhất là nghe ông chủ tiệm phở dân Bắc kỳ khen khéo mình bằng cách riêng là hô to mỗi khi tôi đưa trả tiền phở: Thối lại 30 (50 tùy lúc) đồng cho cậu đẹp dzai ! Hình như ai ăn phở ở tiệm ông cũng trở thành đẹp người ra thì phải. Biết thế nhưng lỗ tai mình vẫn khoái nghe những lời mơn trớn đó mới chết chứ ! (Tiệm phở này còn kẻ khẩu hiệu to đùng: Lấy công làm lời !).
    Khu này còn ở gần toà tổng lãnh sự Pháp (mà trước 75 là toà đại sứ Pháp thì phải), cùng toà đại sứ Mỹ. Cũng như hai cái nhà bằng gỗ độc nhất vô nhị ở Sài Gòn cũng nằm gần đó, đối diện với tòa đại sứ Pháp.

    Tôi quen anh Châu qua chị ruột tôi, lúc đó đang làm nhân viên quản lý ngành tiểu thủ công nghiệp ở Quận 1, còn anh Châu làm việc cho một hợp tác xã trong vùng chị tôi quản lý.

    Chị tôi vốn dược sĩ, ra trường năm 1968, sau 1975 thất nghiệp và đi buôn bán thuốc tây vớ vẩn ở chợ trời nơi trung tâm Sài Gòn. Năm 1974 chị tôi học thêm Luật năm thứ nhất. Sau 1975 CS đổi tên là trường trung cấp kinh tế (?), đã cho gọi sinh viên Luật đi học lại. Chị tôi buồn tình cắp cắp sách đi học thêm hai năm chi đó về kinh tế Mác Lê, cùng với một cô em họ con bà dì ruột. (Nên nhớ thời đó sinh viên đi học được hộ khẩu ở SG, được lãnh nhu yếu phẩm, ko bị phường khóm gọi đi lao động xã nghĩa, đi làm thủy lợi vớ vẩn …). Khi tốt nghiệp đã được phân bổ về làm ở Phòng Thương nghiệp quận Nhất.

    Còn anh Châu theo tôi nghĩ, đi làm chơi chơi để đám lóc chóc phường khóm không làm khó dễ, bắt đi lao động hay đi kinh tế mới.
    Khi quen anh tôi thỉnh thoảng lại ghé nhà anh trong một con hẻm khá sạch sẽ ở cuối đường Ngô Tùng Châu (?) (theo tôi nghĩ nơi này xưa thuộc quận Nhì thì phải, nhưng thời CS sát nhập hai quận này thành quận Nhất cho tới ngày hôm nay).
    Tại đó tôi thỉnh thoảng gặp chị Châu, cô con gái duy nhất đã lớn đang đánh piano hay dậy piano chi đó, và đứa cháu gái nhỏ bên vợ anh.

    Tôi gặp anh vào đầu thập niên 80, sau cơn sốt vượt biên bán chính thức kéo dài từ cuối năm 78 sang đến giữa năm 79. Tôi đã “phá sản” toàn bộ khi đi vượt biên bán chính thức tại Bạc Liêu, bởi chính sách này chính thức bị ngưng lại vào hè 1979 ở trong Nam do nhiều tai tiếng, tôi nghe nói thế.
    “Tiền mất tật mang”, vâng tôi mất hết số vàng đã đóng cho chủ tàu, lẫn chỗ làm ở quận 11, khi nhất quyết cố thủ ở thị xã Cà Mau cả mấy tháng liền trên con tàu gỗ dài hơn 20 mét, gắn cái máy nổ “Cô-Le” (Kohler?) to đùng sáu bu-gi đầu xanh ở giữa khoang dưới, phụ trở thêm cái máy phụ đuôi tôm gắn bên hông tàu.
    Tôi đành lưu luyến giã từ con tàu gỗ dài thượt ấy trở về Sài Gòn và tiếp tục lang thang (trong vô vọng) để kiếm mối vượt biên chui miễn phí trong giới quen biết, với nhiệm vụ sẽ làm bác sĩ điều trị (lo phần thuốc men và săn sóc trong hải trình, cũng như khám chùa dài dài cho người nhà các tay chủ chốt trong lúc chờ ngày đi).

    Quen anh Châu, tôi được anh tận tình cung cấp những tin tức chính xác về khí tượng trong vùng biển Đông, giúp cho thế giá của tôi lên cao hơn bao giờ hết.
    Anh thường hẹn tôi ở nhà riêng vào lúc chiều trước giờ cơm, sớm lắm là khoảng 2-3 giờ trưa khi cần gấp do phải lấy tin và chạy bay xuống tỉnh để đưa tin và quyết định nên đánh ngay hay không ?
    Giao tiếp nhiều tôi mới được anh hé lộ cho biết là, anh phải dò nghe tin thông báo khí tượng của các tàu hàng ngoại quốc chạy ngang vùng Biển Đông, thông báo qua phương tiện viễn thông cho các đài khí tượng địa phương biết các dữ kiện họ thu lượm được tại chỗ mà cập nhật tin dự đoán. Anh Châu căn cứ vào đó và vẽ bản đồ khí tượng, rồi tiên đoán mỗi ngày.
    Thú thực có lúc cao hứng anh đưa bản đồ khí tượng mới vẽ ra giải thích cho tôi hiểu, nhưng tôi chỉ biết lờ mờ ! Thực ra tôi chả quan tâm chuyên môn, chỉ muốn biết có thể khởi hành được chưa ?
    Sang ở xứ người, hàng ngày ai ai cũng phải để ý đến tin dự báo thời tiết, tôi mới chú ý kỹ và nhanh chóng hiểu được bản đồ khí tượng anh Châu vẽ với các vùng áp thấp áp cao, bão nhiệt đới (tropical storm) …

    Qua bài báo trên, tôi nay đã rõ tin tức người quen cũng là người ơn ngày cũ, tôi sẽ cố dò tìm ra địa chỉ nhà anh, để đến thăm vấn an và hỏi thêm tin tức về Hoàng Sa Trường Sa. Chắc chắn những tin anh cho hay đều rất qúi báu, bởi anh là người nhiệt tình, cởi mở, rất thẳng tính.

    Xin hẹn hội ngộ với anh chị Châu một ngày không xa.

    Lại Mạnh Cường

  4. Johnathen_tran says:

    Cam on ki su Dinh trong Chau, giam doc khi tuong Da-nang, Nguoi da tung lam viec tai khi tuong Hoang-sa truoc 1975. Cac ban doc tai Hoa-ky Nguong mo anh, Anh Chau cung la mot nhan chung Lich su cho chu quyen Hoang-sa cua me Viet-nam. Mong anh ki su Chau, co the viet sach, tai lieu, ve nhung ngay song tai Hoang-sa, ngay nao ma anh con tren coi doi nay, thi anh can phai la nhan chung lich su cho chu quyen Hoang-sa VN. Xin cam on tac gia bai viet : “TU PARIS THUONG VE HOANG-SA”.

Leave a Reply to DâM Tiên