WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Nhân ngày 30-4: Một dấu chấm trên chữ “i”

Các thuyền nhân Việt Nam này đã được cứu sau 8 ngày lênh đênh trên biển trên chiếc thuyền nhỏ. Hình Wikipedia

Ngày 30-4 lại sắp đến. Ba mươi bẩy năm đã trôi qua. Nhanh thật.

Ngày quốc hận, ngày mất nước, ngày gãy súng, ngày bị đồng minh phản bội, đối với không ít đồng bào ta.

Ngày đại thắng, ngày giải phóng miền Nam thống nhất tổ quốc, ngày hòa bình trở lại, ngày lịch sử, đối với những người lãnh đạo đảng cộng sản và bộ máy tuyên truyền của họ, cũng như những người còn nhẹ dạ quen nghe theo họ.

Tôi không có cảm giác hay nhận thức nào như trên. Tôi tự thấy trong hoàn cảnh đặc biệt. Xin đừng ai bắt tôi phải theo phía này hay phía kia. Tôi cũng không ba phải. Mỗi người có một hoàn cảnh riêng, một quá trình riêng, một số phận riêng, không ai giống ai.

Cái đẹp nhất của nhân loại là hàng tỷ, tỷ con người, cấu tạo cùng một kiểu “người” nhưng không có lấy 2 người giống hệt như nhau, nghĩ hệt như nhau. Giống hệt nhau thì chán chết!

Cứ đến ngày 30-4, suốt 37 năm nay, nhiều nhà báo Việt Nam trong và ngoài nước, một số nhà báo Pháp, Anh, Đức, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Phần Lan, Canada… lại hỏi tôi, phỏng vấn tôi về vấn đề này, năm nào tôi cũng trả lời rõ ràng, ngay thật.

Từ đó đến nay, đông đảo đồng bào quan tâm đến thời sự đất nước hiểu tôi rõ hơn, đầy đủ hơn, tôi rất mừng và biết ơn. Tuy vậy năm nay tôi thấy vẫn cần “đặt một dấu chấm trên chữ i”.

Đó là bởi vì ngày 30-4-1975, do đưa đẩy của hoàn cảnh lịch sử, do nghề nghiệp của mình, tôi được làm một chứng nhân tại chỗ của thời điểm kết thúc chiến tranh ở một địa điểm then chốt, Sài Gòn, thủ đô của chế đô Việt Nam Cộng hòa.

Đối với tôi, ngày 30-4-1975, không hẳn là ngày vui, cũng không hẳn là ngày buồn, mà là một ngày trộn lẫn vui và buồn, cảm nhận ngày càng sâu đậm nhất trong tôi là một niềm cay đắng dai dẳng cho thân phận của dân tộc mình, cho thân phận cá nhân mình.

Không thể không vui khi cuộc chiến tranh huynh đệ tương tàn chấm dứt, không thể không vui khi sự chia cắt độc ác do 2 ông anh nham hiểm một thời của chế độ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa áp đặt hồi 1954 cho đất nước đã được xóa bỏ, mở ra triển vọng hòa hợp dân tộc.

Cay đắng cứ gặm nhấm dần niềm vui chưa trọn, khi nhận ra rằng từ “giải phóng ” sao mà trớ trêu, phải nói thẳng đây là sự “chiếm đóng “, bỏ tù hàng trăm nghìn sỹ quan đồng bào mình, đày ải và hạ nhục trong hàng trăm nhà tù mang danh trại cải tạo, gây nên thảm cảnh “thuyền nhân” kinh hoàng trên biển cả, với hàng vạn người già trẻ lớn bé đồng bào ta chết chìm trong lòng đại dương…Trên đời, trong lịch sử, có bao giờ, ở đâu có cảnh ai oán trầm luân đến vậy?

Có bạn blogger trong nước hỏi tôi, vậy thì niềm cay đắng xuất hiện trong tôi từ thời điểm nào? Tôi cố nhớ lại, và nhận ra ngay từ dịp Tết Mậu Thân đầu năm 1968, khi duyệt các bản trình bày báo Quân đội Nhân dân hàng ngày, tôi đã cảm thấy bị “sốc”, khi thủ trưởng Tổng cục chính trị chỉ thị cho tôi là khi đăng tin chiến sự miền Nam, nếu có các trận thắng diệt gọn “1 cứ điểm do 2 tiểu đoàn, 1 chiến đoàn hay chiếm được 1 quận lỵ, hoặc là diệt trên 1 nghìn địch trở lên” thì phải in tít đậm màu đỏ, kèm theo bản đồ hay sơ đồ, có bài bình quân sự đi theo. Tôi từng được biết tuy còn lờ mờ là một số anh họ, em họ, cháu họ tôi ở Huế và Sài Gòn đang là sỹ quan của miền Nam. Tôi phân vân về chỉ thị trên đây, sao lại mừng, lại vui được, khi quân Việt hăng say diệt quân Việt cùng chung máu mủ họ hàng, không hề thù địch nhau, chỉ do hoàn cảnh mà phải ở tình trạng gay gắt trớ trêu. Cái cảm giác cay đắng này cứ lớn lên, lớn lên mãi thành chất men bất đồng, đối lập, đối kháng về sau. Khi lời hứa hòa giải bị quên.

Có bạn trong nước hỏi, gần như trách móc tôi, là sao chậm giác ngộ thế? đến tận năm 1990 mới rời bỏ chế độ và quyền lực. Tôi nghĩ sớm hay chậm chỉ là tương đối. Tôi ôm niềm cay đắng, không thuần phục cường quyền trong 15 năm, rồi điều gì phải đến đã đến, như một cuộc đổ vỡ, ly hôn không thể tránh khỏi, khi tôi có dịp chính thức sang Pháp, theo lời mời đích danh của Ban Chấp hành Trung ương đảng CS Pháp, do tôi từng hướng dẫn đoàn đảng CS Pháp đi thăm Điện Biên Phủ, vịnh Hạ Long và rừng Cúc Phương 2 năm trước. Tôi nghĩ kỹ, cho rằng đứng ngoài tìm cách nói về có khi hơn là nói từ trong nước, sẽ bị bịt mồm.

Điều tôi tự an ủi là dù sao so với những đảng viên bỏ đảng, trả lại thẻ đảng sau này, tôi vẫn còn là người sớm hơn. Anh Nguyễn Hộ, anh Trần Độ, anh Hoàng Minh Chính, anh Lê Hồng Hà, anh Bùi Minh Quốc, anh Phạm Đình Trọng, anh Đỗ Xuân Thọ… đã trước sau vĩnh biệt đảng. Nay phong trào “nhạt đảng”, “chán đảng”, bỏ sinh hoạt đảng, quay lưng lại với đảng, trả thẻ đảng, nhẹ nhàng, còn tự cho là từ bỏ một gánh nặng, một “của nợ”, đang lan rộng.

Một blogger trong nước phỏng đoán rằng nếu như sắp đến có Luật về lập hội, nếu phỏng như xuất hiện một Tập hợp dân chủ – xã hội, hay một Mặt trận Công dân Việt Nam, có nhóm lãnh đạo trong sạch, có tâm và có tầm, vượt xa Bộ Chính trị và Trung ương đảng CS thời suy thoái và đổ đốn hiện nay, thì lập tức sẽ có 60 % đảng viên CS hân hoan tự nguyện chuyển sang tổ chức mới. Đó sẽ là đảng của đa số, đảng của dân tộc, của tuổi trẻ, của thời đại mới.

Cũng cần nói rõ trong 15 năm, tôi đã nhiều lần cố góp ý, đề đạt chính kiến với lãnh đạo, như gửi hẳn một thư kiến nghị cho ông Trường Chinh, nhưng không có hồi âm.

Tôi còn nhớ một đoạn như sau: “Hiện ta có 1,3 triệu quân tại ngũ, trong khi Ấn Độ có dân số gấp 6 ta mà quân số chỉ bằng của ta, Inđônesia có dân số gấp 3 ta mà quân số chưa đến 1 triệu, cho thấy việc giảm quân là cấp bách ra sao, sau khi ta đã rút quân khỏi Campuchia.”

Lúc ấy là năm 1987, sau khi tôi là nhà báo đi trong đoàn ông Lê Duẩn thăm Ấn Độ và sau đó trong đoàn tướng Văn Tiến Dũng thăm Indonesia. Tôi được nghe chính bà Gandhi trao đổi với ông Lê Duẩn về xung đột biên giới Ấn – Pakistan cùng thực trạng quân đội Ấn, cũng như nghe tướng Suharto trao đổi rất cởi mở về tình hình quân đội Indonesia. Họ đều cho rằng vấn đề số lượng quân tại ngũ là rất quan trọng, theo một tỷ lệ hợp lý so với số dân và nền kinh tế, nếu không sẽ thành gánh nặng nguy hiểm cho xã hội. Các tỷ lệ trên làm tôi giật mình khi nghĩ đến tỷ lệ quá ư phi lý, nguy hiểm ở nước ta, không ai chú ý, nhưng cứ ám ảnh tôi mãi cho đến nay.

Cũng có bạn trẻ ở Bắc Cali, Hoa Kỳ, hỏi tôi chuyện tôi “huênh hoang đe dọa tướng Dương Văn Minh và đồng sự rồi đòi họ đầu hàng, được kể trên báo chí hải ngoại, thực tế là ra sao?”.

Xin trả lời bạn: Tôi đã đọc nhiều bài, tả lại cứ như thật. Nào là: Bùi Tín phách lác, xông vào phòng, rút súng ngắn bắn lên trần, rồi bắt tất cả dơ 2 tay đầu hàng không điều kiện. Thật ra sau khi Trung tá Hân, trưởng phòng bảo vệ Quân đoàn 4, báo trước: “Một sỹ quan cao cấp sắp gặp các ông “, tôi bước vào phòng, còn ngăn lại một chiến sỹ cầm AK dừng lại ở ngoài cửa. Tướng Dương Văn Minh, ông Vũ Văn Mẫu, ông Nguyễn Văn Hảo, tất cả là 37 người, đứng dậy, tướng Minh nói: “Chúng tôi chờ quý ông từ sáng đặng chuyển giao chính quyền”, tôi liền đáp ngay: “Chính quyền các ông đã sụp đổ từ sáng nay rồi”, tôi biết ông Minh đã tuyên bố đầu hàng trước đó rồi, không ai giao cho tôi việc tiếp nhận chính quyền, tôi nói thêm: “Các ông không thể chuyển giao cái không còn ở trong tay”. Thấy họ đều buồn, tôi liền nói, như một lời an ủi: “Từ nay chiến tranh đã chấm dứt, hòa bình đã trở lại, toàn dân tộc ta đã thắng, chỉ có người Mỹ là thua”. Tôi thấy ông Mẫu mỉm cười. Sau đó tôi nói chuyện riêng, nhẹ nhàng, có thể gọi là thân mật tự nhiên với ông Minh, ông Mẫu, ông Hảo… Tôi hỏi ông Mẫu về phong trào Phật giáo, về chuyện vui ông từng cắt tóc ngắn, về chuyện giảng dạy ở trường Luật, tôi hỏi ông Minh về sưu tập hoa phong lan, về chuyện chơi tennis của ông. Cả cảnh này được tổ quay phim thời sự của quân Giải phóng do anh Sanh ghi lại, và sau đó mươi ngày chiếu lại cho các tướng Trần Văn Trà, chủ tịch Ủy ban Quân quản, và tướng Văn Tiến Dũng xem. Sau buổi chiếu, anh Trà bắt tay tổ quay phim và tôi, còn nói: Nhà báo nói hay quá! Sau này tướng Võ Nguyên Giáp cũng kể cho nhà báo Hoa Kỳ Stanley Karnow về chiến dịch cuối cùng, và giới thiệu về tôi: Bùi Tín là nhà báo, cũng là sỹ quan cao cấp có mặt ở Dinh Độc Lập ngày 30-4-1975.

Có mấy điểm gây hiểu lầm tôi đã nhiều lần cải chính. Xin một lần nữa đặt dấu chấm trên chữ i cho sòng phẳng. Tôi từng kể là tôi đi cùng “đơn vị xe tăng đầu tiên” chứ không phải đi trên “chiếc xe tăng đầu tiên”. Hai điều này khác hẳn nhau. Do có nhà báo Pháp hiểu và ghi sai.

Tôi cũng không bao giờ nói rằng tôi là sỹ quan cao cấp đầu tiên và duy nhất đến Dinh Độc Lập. Tôi được biết trước tôi hơn 1 giờ, Thượng tá Nguyễn Công Trang, phó chính ủy Quân đoàn II, đã đến cùng đơn vị tiền trạm. Nhưng không hiểu sao, anh Trang không vào gặp tướng Minh và đồng sự. Đến chiều gần tối tôi mới gặp tướng Nam Long, lúc ấy là phái viên Bộ Tổng tham mưu đi theo sát Quân đoàn II, anh Nam Long rủ tôi chụp chung một pô kỷ niệm. Tôi kể chuyện gặp tướng Dương Văn Minh và hỏi anh rằng anh có định gặp họ không. Anh nói trên không giao nhiệm vụ này.

Vậy khi trên báo trong nước và nước ngoài có viết rằng Bùi Tín là sỹ quan cao cấp duy nhất gặp đại diện chính quyền Sài gòn ngày 30-4-1975 ở tại Dinh Độc Lập là một sự thật. Điều này tôi không bao giờ lấy đó làm một điều gì ghê gớm để khoe khoang. Khoác lác hay phách lác không phải lối sống, phong cách xử sự của tôi. Tôi chỉ là một nhân chứng may mắn. Những sỹ quan khác gặp tướng Minh, nhận đầu hàng hay chứng kiến sự kiện này là Trung tá Bùi Văn Tùng, Trung tá Nguyễn Văn Hân, Đại úy Phạm Xuân Thệ… Theo điều lệnh quân đội, họ thuộc bậc trung cấp, ở dưới cấp thượng tá và đại tá một bậc, chứ không phải 1, 2 cấp mà thôi.

Cao cấp so với bậc trung cấp có mức lương khác hẳn, bếp ăn khác (gọi là tiểu táo), giường nằm khác, quân phục và lễ phục chất lượng khác, lớp học, trưòng học khác, tài liệu đọc khác.

Công bằng mà nói, người được ủy quyền hợp pháp của Mặt trận Dân tộc Giải phóng là ông Sáu Hoàng, tên thật là Cao Đăng Chiếm, chức vụ là Thứ trưởng Bộ công an ở Hà Nội, vào Nam “phụ trách an ninh miền ” thay cho anh Nguyễn Tài, con nhà văn Nguyễn Công Hoan, bị bắt sau Tết Mậu Thân. Anh Sáu Hoàng đi từ Dầu Tiếng xuống, có giấy ủy nhiệm của Chủ tịch Mặt trận Nguyễn Hữu Thọ và Thủ tướng Chính phủ lâm thời Huỳnh Tấn Phát.

Tôi gặp anh Sáu Hoàng khi trời đã tối mịt. Trong sân Dinh Độc Lập một cảnh độc đáo thú vị diễn ra, các tổ trinh sát, thông tin, xe tăng…lần lượt nổi lửa bằng cành cây, đun nước, nấu cơm, làm mì ăn liền rải rác trên sân cỏ. Anh Sáu Hoàng hỏi chuyện tôi qua loa rồi vội vào gặp tướng Minh và đồng sự. Không có tổ quay phim theo anh, cũng không có ai chụp ảnh. Cũng chẳng cần. Bản tin tôi làm về sự kiện này gửi tiếp ra Hà Nội không được đăng. Thì ra ý định xóa sổ cái bình phong Mặt Trận và Chính phủ lâm thời Cộng hòa miền Nam VN đã được quyết định trước rồi. Họ thâm thật! Họ biết từ nay không cần đóng kịch nữa.

Còn một câu hỏi khác: “Có phải nhà báo Bùi Tín dự đoán tình hình Việt Nam sắp biến động như Đông Âu và Liên Xô, nên đã sớm tách ra khỏi chế độ độc đảng để hy vọng sẽ trở thành một Havel, một Walesa, hay là một Gorbachov?”. Không, tôi không bao giờ có cao vọng như thế. Tôi không hề có tham vọng hay ý định là một nhà chính trị, một chính khách.

Từ khi bước vào nghề làm báo (đầu năm 1965) tôi dần dần mê say nghề báo, càng về sau tôi càng xác định sẽ làm báo suốt đời. Tôi quen thân nhiều nhà báo quốc tế Pháp, Đức, Ý, Nhật, Hoa Kỳ, Nga, Thái Lan…trong đó có nhiều nhà báo nổi tiếng. Tôi từng dự nhiều cuộc họp quốc tế ở Bangkok (Thái Lan), Tokyo (Nhật Bản), New York (Hoa Kỳ), Alger (Algeria), Ethiopia, Zimbabwe, thăm Viện báo chí Manila (Philippines)… nên tôi cho rằng viết báo là nghề có ích, thú vị, tự do nhất. Tôi chỉ muốn là nhà báo tự do, không muốn có chức vụ gì, dù là phó tổng, là tổng biên tập. Gia đình tôi, bạn bè tôi đều biết tôi không có máu công danh, máu làm quan, máu hưởng danh lợi. Tôi chỉ có bè bạn thân ở cấp dưới, tôi rất ít tìm gặp cấp trên. Cái tính tôi xưa nay là vậy. Tôi tin là rồi ở ta sẽ có những Walesa, những Havel, những Gorbachov, rồi những Aung San Suu Kyi, nhưng trong đó không có tôi. Tôi tận lực ủng hộ họ. Thế cũng đủ.

Có một cô nhà báo người Việt muốn hỏi tôi về chuyện “16 tấn vàng”. Tôi xin hẹn sẽ nói rõ vào một bài sau. Vì bài này đã khá dài.

Cách đây vài năm, bộ tổng tham mưu Hà Nội đã đưa ra một bản văn kiện chính thức kết luận về diễn biến ngày 30-4-1975, có anh Bùi Văn Tùng, anh Nguyễn Văn Hân, anh Phạm Xuân Thệ… tham gia. Họ cố tình không nói gì đến tôi một cách ngay thật, cũng cố tình xuyên tạc để vu cáo tôi là dối trá, tranh công. Họ cố tình xuyên tạc và vu cáo vì tôi vắng mặt, vì tiếng nói trung thực của tôi được đông đảo đồng bào chú ý lắng nghe, do đó gây hại cho chế độ đang lâm vào quá trình băng hoại không sao kìm hãm nổi.

Đó cũng còn vì họ không muốn nhắc đến chuyện hơn 16 tấn vàng do chính quyền Dương Văn Minh giao lại ngày 30-4-1975, qua lời ông phó thủ tướng đặc trách kinh tế – tài chính Nguyễn Văn Hảo chính thức báo cho tôi – và không hề báo cho một ai khác. Họ vẫn chơi trò mờ ảo, ngầm reo rắc hoài nghi, dựa vào bài viết của một nhân viên CIA Frank Snepp, rằng ông Thiệu đã mang cả 16 tấn vàng ròng của Ngân khố sang Đài Loan vào tối ngày 24-4 rồi.

Vì muốn mọi sự được minh bạch, rõ ràng trong lịch sử dân tộc, tôi sẽ hầu chuyện các bạn xa gần trong một bài sau.


Bùi Tín (VOA)

 

22 Phản hồi cho “Nhân ngày 30-4: Một dấu chấm trên chữ “i””

  1. Vincent Lee says:

    Trận chiến chấm dứt đã 37 năm rồi. Sự giận dữ của mọi người đã phần nào lắng dịu. Chúng ta đã tìm sự thật của cuộc chiến này cũng đã 37 năm. Một kết luận là những kẻ cầm đầu đảng CSVN, đặc biệt là Hồ Chí Minh rỏ ràng bán đứng cái quốc gia VN này cho Trung Cộng rồi. Giờ này đã lộ lắm rồi. Cái điều cần là đưa những kẻ đã bán nước ra xét xữ trước tòa án của toàn thể nhân dân Việt Nam. Có nghỉa là phải đem xuống cái chế độ làm tay sai cho giặc tàu. Lúc bắn giết nhau, ai cũng nóng và đã làm điều về sau chúng ta hối hận cả đời. Nhưng bọn bán nước phải được đem ra pháp trường xữ dù đã chết rồi, tên vẩn cứ để lên xét xữ.

  2. Vũ duy Giang says:

    Mặc dầu Tác giả BT viết bài về 30 tháng 4 sớm hơn cả nửa tháng,nhưng cũng muốn góp phần”kỷ niệm 37 năm”này, bằng bài”Những kẻ không cúi đầu”dưới đây:

    “Họ không cúi đầu,họ ngang tàng,đứng sững
    Cơ đơn nhìn trùng điệp LŨ BUÔN DÂN
    Liếm gót nhau,lên mặt CÔNG THẦN
    Coi sông núi,như QUÂN CỜ,LÁ BẠC.

    Họ đi đâu? BỎ ruộng vàng,sông bạc
    Bỏ xóm làng,BỎ cả TỔ TIÊN
    Học đi đâu?Dữ dội giữa lòng đêm
    Mắt lòe máu,miệng reo hò,tim thổn thức

    Họ đi đâu?Những người còn khố rách
    Trải bao đời,BÁM CHẶT lấy QUÊ HƯƠNG
    Sống hiền lành,thanh thả,sống YÊU THƯƠNG
    Chung NHẪN NẠI,góp mồ hôi,cùng KHỔ não

    Họ đi đâu?Ai HUNG TÀN,ai ma đạo?
    Ai?Ai?Ai?Mà vạn nẻo xô nhau
    Họ đi đâu?Mà vui nhỏ,lớn sầu
    Họ đi đâu?Mà BĂNG RỪNG,TẮT NÚI

    Họ đi đâu?Mà rộng hàng,thưa lối
    Họ đi đâu?Mà SÚNG ĐUỔI,BOM LAN?
    Họ đi đâu?Mà UẤT KHÍ ngút ngàn
    Học đi đâu? HỌC ĐI TÌM ĐẤT SỐNG”

    (Thơ của Phạm Mạnh Viện,KHÔNG phải Nguyễn hữu Viện!)

  3. Trần Việt Hùng says:

    Chỉ còn 16 ngày nữa lại đến 30/4, tôi bâng khuâng nghĩ đến ngày thống nhất Tổ quốc. Tình cờ đọc được bài viết này của ông, tôi thấy trong đó có một phần của quá khứ của tôi.
    Phần lớn dòng họ của tôi đều theo cách mạng, chỉ có cha mẹ tôi kéo nhau ra sống ở Saigon, với chế độ “Ngụy”. Nhờ vậy mà tôi được ăn học đến hết bậc trung học; nhờ vậy dòng họ tôi lôi kéo tôi về quê, học thêm lấy bằng sư phạm, rồi trở thành thầy giáo; rồi trở thành ông Phó chủ tịch xã khi tuổi đời vừa tròn 21 tuổi. Còn trẻ người, non dạ tôi một lòng theo đảng, chỉ đạo dân quân, du kích đi đón đường, chận ngõ theo kiểu giặc cướp bắt bớ bất cứ ai, nếu họ dám mang trên mình một vài lon gạo, một vài ký thịt, một vài cân đường… Nhiều người bị bắt, bị cướp nhìn tôi với ánh mắt hận thù.
    Một lần, đến ngày bầu cử, cấp trên chỉ thị cho tôi tập trung “bọn lính Ngụy” lại một chỗ để dễ quản lý, kẻo họ phá hoại bầu cử. Tôi chấp hành. Trong số những anh lính Ngụy có một người nghèo đến mức phải đi vào rừng đào củ mài mà ăn. Củ mài rất nhiều độc tố, muốn ăn phải ngâm qua nước muối nhiều ngày. Vợ con anh lính Ngụy không biết điều này, khi chồng/cha họ bị chính quyền xã bắt đi giam lỏng, họ nấu củ mài mà ăn. Đêm đó, một người mẹ và 3 đứa con bị ngộ độc và trong số đó có 2 đứa con nhỏ đã qua đời. Ông Bùi Tín ơi! Cho đến bây giờ tôi vẫn nhớ như in ánh mắt thù hận của anh lính chế độ cũ đối với tôi. Tôi biết, tôi không giết người, nhưng người vì tôi mà phải chết.
    Hai năm sau, tôi lặng lẽ từ quan. Người ta không cho, tôi đào nhiệm.
    Rồi duyên phận lại đưa đẩy, tôi gia nhập làng báo. Sau mấy năm nói láo, chuyên đi viết tô hồng những chuyện mà đến nay nếu tình cờ đọc lại, tôi muốn chui xuống đất vì xấu hổ.
    Đến khi ông Nguyễn Văn Linh lên làm TBT. Với chuyên mục: “Những chuyện cần làm ngay”, ông tuyên chiến với tiêu cực. Cánh báo chí trong Nam chúng tôi bừng tỉnh, hăng hái lao vào trận tuyến mới, quyết tâm mới.
    Tôi cũng nằm trong số đó. Và vì chỉ là một anh nhà báo tỉnh lẻ, lại dám đương đầu với cả một thế lực của một tỉnh Đảng bộ, số phận của tôi ra sao? Là một người đàn anh trong nghề, tôi nghĩ anh đã đoán ra rồi.
    Nếu anh là người biết tường tận chuyện “thâm cung bí sử” ở cấp trung ương, thì tôi cũng vậy, nhưng ở cấp tỉnh. Anh dám viết ra nó, còn tôi thì không. Tôi biết tôi là thằng hèn nhát, nhưng anh ơi, vợ con tôi đang nằm trong vòng kềm tỏa. Tôi không ruộng vườn, không nhà cao cửa rộng, nếu lỡ có bề gì tôi không biết vợ con tôi sẽ sống ra sao.
    Tôi gạt nước mắt thú tội với anh.

  4. Người San Jose says:

    Chợ Hồ.

    Lê Duẩn vào Nam dựng chợ Hồ.
    Dựa gươm Tàu Cộng, súng Liên Xô.
    Dép râu mắc nghẹn vinh-quang lớn.
    Mủ cối nhồm-nhoàm thắng-lợi to.
    Râu cối, cối râu phường cẩu trệ.
    Cối râu, râu cối bọn côn-đồ.
    Cõng Tàu chống Mỷ, sao khôn thế !
    Tư-tưởng chi bay, lủ rợ Hồ.

    Người San Jose

  5. Hoàng Hựu says:

    Mỗi một con người ai cũng sống một cuộc đời và cuối cùng đều chết. Vậy thì hãy sống cho đúng nghĩa của một con người có lương tri. Chứ đừng sống như đám lãnh đạo CSVN và đám ăn theo. Dù tiền bạc rủng rẻng do tham nhũng, dù chức vị “cao sang hoành tráng” do độc tài toàn trị, họ chỉ là những con giòi bọ An-nam-mít không ngần ngại bán mẹ đẻ của họ vào nhà thổ vì đồng tiền vì sự tiến thân cá nhân.

    Họ không ngần ngại phát động cuộc chiến huynh đệ tương tàn khiến hơn 3 triệu người Việt bỏ mạng. Họ không chần chừ cắt đất dâng biển cho Trung Quốc. Đảng cộng sản chỉ là tập hợp của những kẻ phản dân hại nước. Những kẻ có lương tri không đứng trong hàng ngũ của đảng phản dân hại nước.

    Tôi luôn dành sự kính trọng cho bác Bùi Tín.

  6. kenny says:

    BBT: Phản hồi không được đăng vì lý do không đánh dấu tiếng Việt.

  7. DâM Tiên says:

    Theo được biết, ông Bùi tín đào nhiệm vào những năm
    1990. trùng vào thời gian Liên Sô và đông Âu sắp đổ
    nhào. — Ông Tín gặp thời, giã từ CSVN ,…mà buồn quá,
    chú Sam lại ..lưu giữ CSVN để còn xử dụng về sau.
    Thành ra, mộng ước của ông BT không thành, bởi không
    có ” thế.”

    Ông Tín khá thành thật không nói mình là người ” chấp
    nhận ông Dương văn Minh đầu hàng.” Thật ra, phe quân
    sự — Trung tá Bùi Văn Tùng — đã tự tay viết ra ” Lời đầu
    hàng” và trao cho ông DV Minh đọc, ghi âm.

    Câu chót, ông Búi Tín, con quan đại thần Bùi Bằng Đoàn,
    ông Tín từng là đội viên trong Trung đội Cảnh vệ cho ông
    HCM. Lúc đó, toán OSS/Mỹ vây quanh ông Hồ, vậy họ có
    rỉ tai nhỏ to gì với ông BT chăng. Thời đó, , ông Tín cũng
    học khá, ít ra là quatrième anneée, hay Diplôme. Vậy
    mũi lõ OSS có thầm thì gì, nhưng sau này OSS lại đổi cái
    giọng, làm cho ông BT bị hố to chăng?

    Ông BT không phùng thời, vì CSVN đang làm…bồi bàn cho\
    chú Sam

  8. D.Nhật Lệ says:

    Theo tôi,bài này của bác BT.có nhiều điều đáng chú ý về khiá cạnh lịch sử hiện đại và tôi cảm thấy phẫn nộ
    thay cho bác.Đó là vì bác bỏ đảng tìm tự do và ủng hộ dân chủ,nên CV.đã xoá tên bác khỏi sự thật lịch sử,
    xem như bác là con zéro,là đố vất đi,đáng bị họ coi bác là người ma,không hế có mặt trong ngày 30-4.
    Việc tự tiện và ngang nhiên xoá tên trên là bằng chứng không thể chối cãi và là lý do tại sao những người không theo CV.đều bị dìm xuống tận đáy bùn đen bằng cách hạ nhục họ,bôi nhọ nhân phẩm cùng danh dự
    của họ cũng như gán toàn là trọng tội như bán nước,phản bội dân tộc cho những ngưòi không theo cs.
    Thứ nữa là tôi chú ý câu Họ thâm thật.Họ biết từ nay sẽ không cần nói dối nữa.Nói thẳng,họ chẳng thâm
    gì mà là đểu giả vì họ lột mặt nạ qúa sớm khiến bạn bè tức bọn thiên tả ‘phòng điều hòa không khí’ ở các
    nước phương Tây phải sửng sốt và ân hận vì đã ngây thơ tin lời tuyên truyền xảo trá của csVN.

    • nômna says:

      Tôi thích đọc phản hồi của bác (D.N Lệ). Cái chữ CV của bác là viết tắt của chữ gì vậy bác ?

Leave a Reply to Vincent Lee