WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Sân chơi

Terrence M. McCoy, Nam Cương chuyển ngữ

 

Terrence McCoy có hai năm sống tại Cambodia trong tư cách thành viên đoàn thanh niên chí nguyện Peace Corps. Trong thời gian đó, anh thanh niên Mỹ đã học hỏi văn hóa và tiếng Khmer do lòng yêu mến đất nước và con người xứ Chùa Tháp. Gần đây, trong tư cách một ký giả, anh trở lại Cambodia và căm phẫn khi thấy nếp sống yên lành của người dân xứ này đã bị tiêu hủy do nạn cướp đất bởi nhà cầm quyền câu kết với tư bản gây ra. Truyện ngắn The Playground của anh mô tả cuộc chiến đấu không cân sức này.

—————————————————————-

Campuchia. Ảnh mang tính minh họa- Nguồn Google.

Dọc theo một đoạn quốc lộ yên ắng ở phía Tây Nam Cambodia, chiếc Camry màu bạc ngừng lại ở giao điểm với con lộ đất không biển tên đường. Một sĩ quan về hưu tên Ngem Un đang chờ, miệng phì phèo điếu thuốc Agra. Ông ngồi trên chiếc Honda Daelim tơi tả, trông giống một chiếc scooter hơn là giống xe mô tô Harley, trong khung cảnh đàn ve kêu inh ỏi trong rừng. Tôi đã yêu cầu ông chở tôi vào những vùng hoang vắng đó, có lẽ là một trong những chốn khuất nẻo nhất thế giới, đến một ngôi làng cách Vịnh Thái Lan khoảng 100 cây số. Tôi cho ông biết là chẳng có ai muốn chở tôi đến đấy. Họ sợ. Còn ông thì sao ?

Un cười phá lên. Trước khi tôi trả cho ông 15 đô la, ông đưa ra lời khuyên: “Khi chúng ta gặp lính, thì đừng để họ biết là anh biết tiếng Khmer. Anh chỉ là một du khách vui vẻ- cố mà hành động sao cho họ tin là như vậy. Và đừng ngã xuống khi tôi lái xe.” Tôi hỏi ông có mũ bảo hiểm không. Ông lại cười lớn, bảo tôi đừng lo gì, nên tôi cũng hết lo. Dù rằng lẽ ra thì nên lo ngại vẫn hơn.

Ba mươi phút chạy trên con đường đất cát mà ngày nào đó sẽ trở thành một xa lộ thênh thang, chúng tôi gặp trạm kiểm soát đầu tiên. Một số lính vai mang AK-47 bước ra hỏi chuyện ông Un, những bàn tay đã chìa ra chờ một điếu thuốc thơm. Tôi cũng cầm một điếu Ara Light.

“Anh này hả ?” ông Un vừa hỏi vừa phà khói thuốc về phía tôi. “Hắn là một thằng Tây ba lô muốn đi phiêu lưu chơi thôi.” Tôi cố gắng thu thân hình lại càng bé càng tốt, thật là điều khó làm đối với một người Mỹ tại Đông Nam Á.

Hai giờ sau, khi chúng tôi đến những ngôi làng dọc vùng duyên hải Koh Kong thì ông Un và tôi mới biết thêm về những người lính, về súng ống của họ, và về lý do tại sao họ canh giữ một con đường mòn trong một trong những cánh rừng rậm nhất thế giới. Và tại sao cư dân các thị trấn lân cận gọi nơi này là “thị trấn Tàu”.

Những người Trung Quốc xuất hiện hồi tháng Hai năm 2008 với máy ủi, máy cày và cưa máy. Không một dân làng nào biết họ là ai hoặc đang xảy ra chuyện gì, nhưng nhiều người còn nhớ là khi đó họ cảm thấy hy vọng tràn trề. Họ thì thầm với nhau, có lẽ mấy người Trung Quốc này sẽ giúp chúng ta, mình sẽ thoát nghèo.

Thế nhưng chỉ một năm sau, một doanh nhân Tàu đỗ chiếc xe màu xanh bóng loáng ở xóm chài Bory Chapun và tập họp khoảng 300 gia đình lại nghe ông báo tin. Dân làng, từ những túp lều lụp xụp nhìn ra bờ biển nước xanh ngọc bích và những hòn đảo xinh tươi, lục tục kéo ra nghe ông loan báo qua người phiên dịch: “Tôi từ Trung Quốc đến. Công ty của tôi đang xây dựng một thành phố mới với đầy đủ điện nước và đường xá. Tất cả mấy người phải rời khỏi đây, vì toàn bộ đất đai này thuộc quyền sở hữu của chúng tôi.” Họ đã bị trục xuất khỏi quê quán mình.

Người này làm việc cho một công ty của Bắc Kinh có tên là Union Development, Liên đoàn Phát triển, đã thuê lại phần đất này từ chính phủ Cambodia và dự định đổ 3 tỷ 800 triệu đô la vào dự án xây những khách sạn 5 sao, các shopping malls và cả một sân bay.

Giờ đây những xóm chài đã thưa người. Phần lớn cư dân đã vào sống trong khu tái định cư cằn cỗi cách đây 20 cây số. Ba phụ nữ đã bỏ mạng ở đó vì hậu sản do thiếu phương tiện y tế trong khu rừng đầy bệnh sốt rét.

Trong mắt nhìn của hầu hết dân làng bây giờ chỉ còn lòng thù hận, và họ không phân biệt là nước Trung Quốc hay những công ty của nó. “bọn Tàu bây giờ là đợt Pol Pot mới”, ông Chea Pheap 42 tuổi, đã nói với tôi khi chúng tôi cùng ngồi ngắm vịnh biển, nước trong xanh và ấm áp như trong một tách trà. Ông tiếp: “Chúng tôi đã nghĩ rằng người Trung Quốc sẽ xây một thành phố mới ở đây. Nó sẽ rất tuyệt vời. Họ bảo chúng tôi là ‘đừng lo, đừng bồn chồn. Các vị sẽ không còn nghèo khó nữa’. Tất cả những khó khăn trong cuộc sống của chúng tôi sẽ được giải quyết hết. Chúng tôi sẽ có điện, sẽ có xe gắn máy. Thế rồi bọn họ lừa chúng tôi.”

Người Trung Quốc có mở văn phòng ở vùng duyên hải này nhưng không một ai dám đưa tôi đến đấy, ngay cả ông Un cũng từ chối. Ông sợ hãi vì có gia đình và con cái còn bé. “Tôi thật tình cũng lo cho anh nữa. Đừng đến đó.”

Không đi thì tôi đến đây làm gì, tôi trả lời ông Un. Tôi tìm được một anh thanh niên 20 tuổi sẵn lòng chở đi. Đường không xa lắm và tôi lại đóng vai du khách khi thấy súng ống xuất hiện. Qua khỏi những trạm gác, giữa vùng cát trắng ngần là hàng dãy khách sạn 5 sao đang xây dựng, xen kẽ là những cao ốc văn phòng. Tôi thấy một kỹ sư Trung Quốc cởi trần vừa bước ra ngoài.

Màn đên sắp buông xuống và lũ ve trên cây hòa ca càng lúc càng lớn hơn. Ở Đông Nam Á đêm xuống thật nhanh, tức khắc và toàn diện. Tôi phải hành động gấp. Tôi vội vã bước vào một văn phòng và tiếp cận một giới chức người Trung Quốc áo sơ mi đã xắn lên cao, thế nhưng tôi bị bắt giữ nhanh chóng. Năm người lính Khmer bao vây hỏi tôi là ai, buông ra những lời đe dọa rồi tống tôi ra khỏi cửa. Họ làm như không nghe những câu hỏi của tôi: chuyện gì đã xảy ra cho dân làng ? sự phát triển này có ý nghĩa gì đối với những người nông dân và ngư dân quá nghèo đó ?

***

Từ những khu nhà lụp sụp ở Phnom Pênh đến các vùng đồi núi phía Đông và duyên hải phía Nam, Cambodia đang hối hả biến mình từ một quốc gia gồm các làng mạc điền dã như Bory Chapun thành một đất nước đầy nhà cao tầng, sân golf, và biệt thự cao cấp có máy lạnh. Sân chơi của giai cấp thượng lưu.

Phần lớn điều đó nhờ vào đầu tư nước ngoài. Kể từ năm 2000 tới nay đã có 21 tỷ đô la từ nước ngoài cam kết góp phần vào sự thay đổi đó, với gần 9 tỷ đô la đến từ Trung Quốc. Đây là con số gấp đôi lượng đầu tư của nước thứ nhì là Hàn Quốc, hứa đầu tư 3 tỷ 800 triệu đôla, theo số liệu của chính phủ Cambodia. Đó là những ngân khoản khổng lồ cho một tiểu quốc mà một bát cơm không thức ăn cũng đủ là một bữa ăn cho một người.

Luồng tư bản đó đã có tác dụng mạnh mẽ. Hồi năm 2009, dù bị Hoa Kỳ lên án, nhưng chính phủ Cambodia của ông Hun Sen vẫn cưỡng bức hồi hương 20 người tỵ nạn Tây Tạng. Dưới mũi súng, cảnh sát Cambodia đã bắt buộc đàn ông, đàn bà và hai trẻ em tỵ nạn này lên chiếc máy bay trở về Trung Quốc. Hai ngày sau, phó chủ nhiệm bộ Chính trị Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đến Phnom Penh vắng người nhưng đầy cờ 5 sao, để ký kết viện trợ cho chính quyền Hun Sen 1 tỷ 200 triệu đô la. Phái bộ ngoại giao Mỹ gởi điện về Washington cảnh báo: Điều kiện viện trợ của Trung Quốc đưa ra có vẻ đã rõ rệt hơn bao giờ hết.

Thế nhưng bên bờ vùng duyên hải êm ả ở làng Bory Chapun, nghe tâm sự của bà Navy Sam đang hấp hối, thì vấn đề địa lý chính trị có vẻ trừu tượng và xa vời. Những vấn nạn của bà là cấp thiết và hiện hữu. “Phát triển là một tiếng ma quỷ,” người phụ nữ 42 tuổi, mặt vàng bủng thì thào nói. Bà bị chồng sang cho vi rút HIV hồi năm 2000 rồi chết, bỏ lại cho bà hai đứa con và 12 mẫu tây trồng điều, cũng đủ cung cấp thức ăn ba mẹ con và thuốc chữa bệnh cho bà. Chính phủ Cambodia cưỡng chế mảnh đất, đền bù cho bà 6 ngàn đô la hồi năm 2009 và nay thì số tiền đó đã cạn. “Họ không quan tâm đến bệnh tình của tôi. Các công ty Trung Quốc và nhà nước nghĩ rằng tiền quan trọng hơn con người. Không ai có chút từ tâm nào cả. Union Development là một công ty quỷ sứ.”

Sau này, khi ngồi hút thuốc uống nước ở nhà một trưởng thôn, tôi nghe chuyện về một người phụ nữ Phnom Pênh đã được loan truyền tại những quán nước, hàng ăn, trên báo chí và cả truyền hình. Tôi hỏi thăm về bà và các phụ nữ do bà lãnh đạo. “Bà ấy là một tấm gương cho chúng tôi.” Ông Sahn Prum nói qua làn khói điếu thuốc Agra. “Bà ấy đã thành công! Bả đã phản đối những chủ trương sai trái của nhà nước bao nhiêu năm nay, sẽ còn phản đối mãi mãi. Họ không chịu thua cho đến khi nhà nước phải thua.”

Tôi hỏi tên người phụ nữ ấy. “Vanny Tep.”

 

***

Len lỏi trong luồng giao thông kẹt cứng ở thủ đô Phnom Penh hồi tháng Mười Hai vừa qua trong chiếc tuk-tuk, Vanny Tep vẫn nói không ngừng. Lúc ấy khoảng giữa chiều và bà đã thức làm việc từ 5 giờ rưỡi sáng, thuyết trình mấy buổi tập huấn dài 3 tiếng về cách thức phản kháng, trả lời ký giả và chính trị gia qua hai điện thoại cầm tay, “một để làm việc, một cho gia đình,” bà nói liên tục, gần như hét vào máy. Chỉ nhìn bà suốt ngày là tôi đã đuối sức, và cố gắng không để bà phải hét với tôi.

“Người Khmer phải giúp người Khmer! Người Khmer phải giúp người Khmer!” Vanny Tep gầm lên với tôi trong chiếc tuk-tuk khi những tiệm sửa xe máy, tiệm nước, hàng cơm, các ngõ hẻm thi nhau chạy dài bên ngoài. “Đó là khẩu hiệu của chúng tôi khi biểu tình, và nếu có ai muốn tham gia tranh đấu cùng chúng tôi thì họ cũng phải hô to khẩu hiệu đó. Họ phải tin vào đấy. Vì ở Cambodia chúng tôi chỉ hủy hoại và tiêu diệt lẫn nhau mà thôi. Chính phủ chỉ lo cho bọn giàu và những doanh nghiệp, họ không quan tâm đến người nghèo. Chúng tôi cần phải thay đổi điều đó!”

“Người Khmer giúp người Khmer?” tôi hỏi lớn.

“Người Khmer giúp người Khmer!” bà hét trả lại.

Trong một đất nước sợ hãi, cai trị bởi một tay chuyên quyền sẵn sàng bỏ tù hay giết hại bất cứ ai không thuận theo ý hắn, thì đó là những câu hiếm khi nghe nói ra. Tôi chưa bao giờ được nghe câu nào tương tự. Từ năm 2009 đến giữa năm 2011 tôi sống ở vùng quê Cambodia với tính cách thanh niên chí nguyện Peace Corps và nhà văn, đi khắp nơi tùy theo nhiệm vụ yêu cầu, hoặc để viết bài cho báo và tạp chí. Tôi đã được biết hàng trăm người Cambodia, trong số đó có vài chục người có thể gọi là thân thiết, và tôi nghĩ rằng mình đã tiếp xúc đủ hết các loại người ở Cambodia. Cho đến khi tôi gặp Vanna Tep.

Tôi thường được nghe xầm xì trong những quán cà phê về chính phủ Cambodia và mối quan hệ với Trung Quốc. Về bè phái của Hun Sen và các đại biểu quốc hội thi nhau bán các mảnh đất mà họ chiếm được cho những nhà đầu tư nước ngoài. Tôi nghe, và tôi đành để người kể tiếp tục sống trong tuyệt vọng. Đôi khi có người túm chặt tay tôi, nhìn thẳng vào mắt, và nói câu mà tôi đã nghe hàng triệu lần; “Cambodia rất khác nước Mỹ. Hãy nhớ rằng chúng tôi từng là nước cộng sản. Chúng tôi bị Trung Quốc tác động. Ở Cambodia này không có tự do! Không giống nước Mỹ của anh.” Rồi thường thì họ….cười.

Một nụ cười toe toét kiểu Cambodia. Nhe hết cả răng và hơi có vẻ đần đần, cách diễn cảm đã làm người Tây phương nhầm lẫn để từ ngày đầu tiên mà người Pháp xâm chiếm xứ này vào những năm 1860. Nụ cười đó hầu như dùng để kết thúc mọi cuộc nói chuyện, chuyển tải một định mệnh đã lan tỏa khắp xã hội Khmer. “Cambodia là vậy, không ai thay đổi được,” một nông dân ở miền Trung xứ này đã nói với tôi như vậy hồi mấy năm trước.

Thế nhưng Vanny nghĩ là bà ấy làm được, nhân cách và tham vọng của bà tiêu biểu cho một nét độc đáo: đó là người phụ nữ Cambodia mới. Trong một nước mà nam giới luôn đứng đầu, thì phụ nữ thường chỉ lo chăm sóc con cái và nhà cửa trong lúc đàn ông hút thuốc và nhậu nhẹt cùng bạn bè. Vanny thì khác, hay nói nhiều và rất sôi nổi, bà có hai con. Con trai 7 tuổi và con gái 9 tuổi. Nhưng chúng đều ở với ông bà ngoại. Bà hiếm khi dọn dẹp nhà cửa, lại càng ít khi nấu nướng. Bận lắm, bà nói, và có lý do hẳn hoi. Năm nay 32 tuổi, bà đã là một loại lãnh tụ của phong trào dân chúng ở thủ đô phản kháng chính phủ và các vụ cưỡng chế đất đai, và cả việc phát triển nữa.

Bà sẽ trình bày trước một diễn đàn Liên hiệp quốc tổ chức tại Hồng Kong vào tháng Sáu tới, đã học hỏi về phương thức phản kháng ở Bangkok, đã hướng dẫn các buổi tập huấn hai tuần một lần về hoạt động bất hợp tác, bất bạo động, đã thu hút người tham dự từ khắp miền đất nước, và đã từng bị bắt giam 4 lần. Vốn từng là người mẫu thời trang, nhưng vẻ ngoài của Vanny ngày nay phản ảnh tính cách đầy thực dụng. Bà chỉ mặc quần jean xanh và áo sơ mi đơn giản, tóc thắt bím gọn gàng ra phía sau. Bà nói, đời tôi bây giờ không còn chỗ cho phù phiếm nữa. “A, mà tôi cũng từng có khi đẹp đó!” bà một nụ cười nở rộng hết khuôn mặt có pha chút nuối tiếc.

Hồi năm 1981 trong vùng nắng cháy da ở phía nam Cambodia, Vanny bước vào cuộc đời hung bạo. Vào lúc đó, Vanny sống sót đã là một cú sốc lớn. Mẹ bà, bà Heap Si năm nay đã 80, nhớ lại lúc bà mang thai Vanny được 8 tháng thì chồng, vốn là tay nghiện rượu, đánh đập bà man rợ vào đầu, vào bụng. Bà tưởng là đã sẩy thai, nhưng lại không. Bạo lực của người cha vẫn tiếp diễn suốt tuổi thơ của bà. Vanny, con thứ tư trong đàn con 9 đứa, đã thù hận cả cha lẫn mẹ. Bà ghét sự nhu nhược của mẹ, và tự hứa khi lớn lên phải mạnh mẽ.

Mẹ Vanny thì có cách riêng khi nói về con gái mình. Bà Si thì thào nói với tôi để Vanny không nghe được vì cô đang ở căn phòng kế bên. “Thật ra, nó là chayo chao, ‘như con chó cái’ vậy.” Bà nói là cô luôn luôn lớn giọng và cứng đầu, muốn là phải được, bất cần là có được xem là nhu mì hay không. Ba của cô thì nói cô là rất nghiêm. Còn một người bạn cô làm nghề lái xe ôm thì bảo là “cô nói quá nhiều!”

Các chỉ dấu về một người phụ nữ mà Vanny sẽ trở thành đã xuất hiện rất sớm. Hồi 6 hay 7 tuổi, một hôm cô đánh nhau với một đứa bạn gái, thì một người đàn ông xuất hiện, xỉn và có mang súng. Đó là cha con bé kia, và cũng là người giàu có nhất làng. Thêm cãi vả lớn tiếng khiến mẹ Vanny lo lắng, quát con gái phải câm họng đi, nhưng Vanny gào lên “Bắn đi! Bắn tui đi! Bắn đi!” Ông ta ngạc nhiên đến sững sờ, rồi thối lui. Vanny kể là cả làng đều chứng kiến, và kể từ hôm đó thì không còn ai muốn gây sự gì với cô nữa. “Họ gọi tôi là bong lek muy, đại ca, dù rằng tôi chỉ là một đứa con gái! Họ nói rằng tôi có tính khí con trai.”

Dọc con đường đất đầy lon nước ngọt và bao plastic vương vãi khắp nơi, chiếc tuk tuk ngừng lại. “A, đến rồi.” Vanny vừa nói vừa bước xuống xe. Từng là một làng chài bình yên, những túp nhà xiêu vẹo nơi đây bây giờ trông giống như trong một phim giả tưởng về sau ngày tận thế. Trơ trọi và lởm chởm. Trước mặt Vanny là 330 mẫu đất cát mênh mông tạo thành một tiểu sa mạc ngay giữa vùng đô thị nhiệt đới. Khoảng nửa chục tòa cao ốc đang xây dựng và tòa nhà văn phòng của Hun Sen thấp thoáng sau những đụn cát. Chỉ mới vài năm trước, nơi đây là một hồ nước ngọt đầy cá và hàng đàn trâu đầm mình bên bờ nước. Quanh hồ là một mê cung gồm những căn nhà tự xây và hai vạn cư dân chen chúc sống. Thế nhưng từ năm 2007 dưới sự trục xuất bị phản kháng mãnh liệt nhất Cambodia kể từ thời sau Pol Pot thì hai phần ba số cư dân đó đã tủi nhục lặng lẽ bỏ đi do bạo lực và đe dọa của chính quyền.

Tôi đã từng nghe nói về vùng này từ nhiều năm nay. Dù tôi ở một ngôi làng khá xa nhưng báo chí đã đăng tin tức về các vụ xung đột của dân chúng với binh lính của chính phủ hỗ trợ cho một công ty Trung Quốc là tập đoàn Shukaku. Lính đã sử dụng roi điện và bắt giam mấy chục dân làng, gồm cả hai trẻ em, đầu cổ sung vù. Một phụ nữ tên Chea Dara có lẽ quá phẫn uất với vụ cưỡng chiếm, đã tự vẫn bằng cách nhảy cầu xuống giòng sông Mekong hồi tháng Mười năm ngoái.

Tôi theo Vanny bước vào nhà của cô. Trong nhà chật cứng với khoảng 20 phụ nữ, tất cả đều nhìn tôi chằm chằm. Vanny nói, “đây là Boeung Kak: chỗ đấu tranh quyết liệt.”

***

Sau thời Pol Pot, hàng triệu người dân Cambodia từ khắp nơi kéo nhau đi tìm đất sinh sống. Chỗ nào đất lành, thì chim đậu. Nhiều chỗ như Boeung Kak thành hình, biến mất, hoặc gia tăng dân số gấp đôi chỉ trong một đêm. Quan niệm sở hữu đất đai hầu như không hề tồn tại. (Và ở phần lớn vùng nông thôn Cambodia bây giờ cũng không có ý niệm đó.)

Hun Sen lúc đó 27 tuổi, gầy và chỉ còn một mắt, là bộ trưởng Ngoại giao đang ra sức học hỏi các nhà ngoại giao Liên Xô về chính trị quốc tế. Với trình độ trung học phổ thông, không biết gì ngoài ruộng đồng và cuộc chiến đã cướp đi con mắt bên trái, Hun Sen mưu tìm bất cứ sự giúp đỡ nào mà ông kiếm được.

Vốn xuất thân nông dân, đây là kinh nghiệm đầu tiên của ông với quyền lực chính trị. Ông nằm trong số các thành viên Khmer Đỏ may mắn biết mình sắp bị thanh trừng hồi năm 1977 và đã bỏ trốn sang Việt Nam và sau đó giúp Hà Nội phế bỏ chế độ Pol Pot. Trong những ngày đó, Hun Sen nổi tiếng là tàn nhẫn và khéo léo nên được Hà Nội nâng lên cho làm Thủ tướng Cambodia vào năm 1985. Nhưng đến năm 1993 trong cuộc tổng tuyển cử quốc gia do Liên hợp quốc bảo trợ, ông thất cử. Hun Sen không để mình bị thất bại dễ dàng, ông đe dọa phát động nội chiến. Phe thắng cử của ông hoàng Ranariddh không có sức mạnh quân sự, đành chịu thỏa thuận, cho Hun Sen làm đồng Thủ tướng.

Cuộc dàn xếp gượng ép chỉ kéo dài được 4 năm. Vào một buổi sáng tháng Bảy, quân đội của Hun Sen giết bộ trưởng Nội vụ và bắt được 4 vệ sĩ của ông hoàng Ranariddh, tất cả bị móc mắt. Ông hoàng trốn thoát sang lưu vong bên Pháp. Máu lửa ngập tràn thủ đô Phnom Pênh và chỉ trong 2 ngày đó, 60 người đã thiệt mạng. Khi lắng dịu, Hun Sen đã thành người cai trị không thể chối cãi được của xứ Chùa Tháp. Ông bắt đầu được tôn xưng bằng từ “Samdeck”, “Đức Ngài”. Ngày nay tước vị của Hun Sen là “Đức Ngài Tôn kính Vô địch Hun Sen.”

Năm nay 59 tuổi, ông đi khắp nước với nụ cười tự tin, như một quốc vương chính hiệu, kiểu như ông là nhà lãnh đạo được kính yêu như ông Nelson Mandela của Nam Phi, hơn là kiểu một nhà độc tài. Năm 2008 ông khoe “Không ai có thể đánh bại Hun Sen, chỉ có chính Hun Sen mới thắng Hun Sen mà thôi.” Hồi tháng Mười Một năm ngoái khi nhà độc tài Muanmar Gaddafi chạy trốn ra khỏi thủ đô Tripoli, vị thủ tướng Cambodia lo sợ số phận tương tự và mạnh mẽ đe dọa “đập tan” và “tiêu diệt” bất cứ ai mưu toan đảo chính. Ông không dọa suông. Hàng chục lãnh tụ đối lập bị giết chết và hàng trăm người khác chịu tù đày.

Cầm đầu lực lượng chính trị duy nhất, đảng Nhân dân Cambodia, những chiếc vòi bạch tuộc của Hun Sen vươn ra khắp nơi. Hình ảnh ông, mang kính đạo mạo và béo tốt, giương mắt nhìn từ các biển báo bên đường cho tới các bích chương biểu ngữ, thậm chí trong từng túp lều lụp sụp khắp xứ Chùa Tháp. Trước khi một cộng đồng có một ngôi trường, chợ, hay nhà thương, thì nó phải có biểu ngữ, bảng hiệu của đảng Nhân dân Cambodia, và chân dung lãnh tụ Hun Sen.

Thế nhưng cuộc sống của một nhà độc tài luôn luôn là cô độc. Hun Sen đã hai lần thoát khỏi mưu sát nên ngày nay ông luôn trú mình trong văn phòng, nhà ở được bảo vệ chặt chẽ với hầm trú, cửa bẫy và hoàng đoàn quan chức không bao giờ dám trái ý ông. Hàng mấy thập niên cô lập và mấy vụ ám sát đã biến ông thành một kẻ nhạy cảm một cách tàn bạo. Những người ông tin phải là đồng chí từ lúc mới khởi nghiệp hoặc thân thích trong gia tộc. Theo nhiều học giả, cơ quan ngoài chính phủ và Cơ quan Viện trợ Mỹ USAID, thì ông thỉnh thoảng mới tiếp xúc với những người giàu có và quyền thế nhất Cambodia mà thôi. Để nhận hối lộ, cướp và bán đất, và nếu cần, để hủy hoại đời sống những người nào đấy.

Trong vòng hai thập niên qua, khoảng từ một phần tư đến một phần ba tổng diện tích Cambodia đã rơi vào tay một phần trăm dân số, theo lượng định của USAID và Licadho, một tổ chức ngoài chính phủ ở Phnom Penh. Trong thời gian đó, có 10% cư dân thủ đô Phnom Penh và 5% tổng dân số đã bị di dời bằng bạo lực.

Tổ chức Nhân chứng Toàn cầu, Global Witness, hồi năm 2007 đã tố cáo một mạng lưới những đảng viên cao cấp lợi dụng chức vụ quan trọng trong chính phủ Cambodia để bòn rút một cách có hệ thống những tài nguyên quốc gia như gỗ rừng, để bán ra chợ đen. Theo USAID thì tham nhũng mỗi năm đã bòn rút ngân sách Cambodia từ 300 đến 500 triệu đôla. Cambodia hiện được xếp trong số 15 quốc gia tham nhũng nhất thế giới. Hun Sen không phải là thủ phạm duy nhất, mà nạn tham nhũng hiện hữu khắp nơi, như một loài ký sinh trong nền văn hóa xứ này: từ những học sinh phải hối lộ thầy giáo, cho đến nhân viên di trú …. tất cả lên đến vòng cộng sự thân tín của Hun Sen, hàng triệu đôla biến mất không dấu vết.

 

***

Vào tháng Hai năm 2007, khi đầu tư nước ngoài đổ xô vào Cambodia, khu Boeung Kak được trao cho tập đoàn Shukaku thuê 100 năm với giá 79 triệu đô la. Viễn cảnh: các khu mua sắm cao cấp và kỹ nghệ du lịch khởi sắc thay vì nông dân lam lũ, siêu villa thay vì các túp nhà lụp sụp. Một khu đô thị mới.

Người đứng đầu tập đoàn Shukaku là nghị sĩ Lao Meng Khin, chủ tịch Phòng Thuong mại Cambodia. Ông nói thạo tiếng Quan Thoại và có người vợ Tàu, thỉnh thoảng tháp tùng Hun Sen đi công du Trung Quốc. Dự án Boeung Kak được ông kết hợp với công ty quốc doanh Trung Quốc Erdos Hung Jun Nội Mông với hàng tỷ đô la vốn. Liên doanh này bỏ thêm 100 triệu đô la cho công tác xây dựng dự án.

Cả hai công ty đều không đáp ứng yêu cầu phỏng vấn của tôi, Sứ quán Trung Quốc ở Cambodia cũng không trả lời hàng chục cú điện thoại và email của tôi. Ngay cả sứ quán Mỹ ở Phnom Penh cũng hỏi là liệu bài viết của tôi “có giúp cho quyền lợi nước Mỹ hay không”. Khi tôi trả lời là không, thì thì họ cắt đứt mọi liên lạc với tôi.

Tất cả những chuyện đó phơi ra sự thật lạnh lùng, là người dân Cambodia phải tự cứu lấy mình, cho dù họ bị chính quyền của họ áp bức, bị đầu tư nước ngoài và tư bản trong nước bóc lột, vì cộng đồng quốc tế bỏ lơ.

Thực trạng đáng buồn đó xuất hiện vào mùa Xuân năm 2007 khi các quan chức chính phủ Cambodia bất thần thông báo lệnh trục xuất cho 4,225 gia đình khu Boeung Kak nhằm “giải quyết vấn đề cư ngụ bất hợp pháp”. Với quyền lực của Lao Meng thì quyết định đó hoàn toàn phù hợp với pháp luật Cambodia.

Có hai giải pháp được đưa ra cho cư dân. Một là nhận đền bù 8 ngàn đô la cho mỗi căn nhà, dù có giá trị gấp mấy lần số tiền đó. Hoặc là nhận và dọn vào ở một nhà trong khu tái định cư cách đó 20 cây số, không diện, không nước, và không việc làm. Khi cư dân địa phương từ chối cả hai giải pháp, Vanny và những người khác nhớ lại rằng một binh sĩ nói, “nếu quý vị không nhận, thì có thể sẽ có hỏa hoạn hay ngập lụt toàn khu vực, lúc đó thì quý vị chẳng có một xu.”

Trong khi cư dân Boeung Kak còn đang dùng dằng thì tập đoàn Shukaku và các người Trung Quốc khởi sự san lấp hồ. Họ dùng những ống to tới 1 thước đường kính để bơm cát và bùn từ sông Mekong lên. Hàng chục ngôi nhà đã bị ngập. Việc lấp hồ phải mất nhiều năm. Ngày và đêm, hàng triệu lít bùn được hối hả bơm, đẩy nước hồ tràn bờ, để rồi dưới ánh nắng nhiệt đới, lòng hồ toàn bùn biến thành một bãi sa mạc nứt nẻ. Đầu năm 2012, dàn máy ủi khởi sự san cát đất chuẩn bị cho công tác xây khách sạn vào tháng Tư. Máy móc xây dựng gầm rú suốt ngày đêm.

Cộng đồng Boeung Kak tan rã. Hàng ngàn người chịu nhận 8 ngàn đô la, bỏ công việc làm ở Phnom Penh, hoặc dọn vào khu tái định cư hay với thân nhân ở nơi khác. Chỉ còn một nhúm các gia đình với khoảng một ngàn người là chọn ở lại. Trong số đó có Vanny và chồng cô là Kong Chea.

Vanny không thể chê trách gì những người đã bỏ đi. Mọi sự đã thay đổi rất nhiều ở cái xóm Boeung Kak này kể từ năm 2006 là lúc vợ chồng cô dọn đến ở. Chea là một anh bộ đội để râu, ít nói nhưng hay cười. Họ xây một ngôi nhà nhỏ bằng đá giữa khoảnh vườn có vài cây chuối và mít. Nhà có hàng hiên rộng để trú nắng trong những buổi trưa gay gắt. Để sinh sống, Vanny bán tạp hóa trước nhà. Cô vẫn còn nhớ như in niềm hạnh phúc nhỏ nhoi khi ấy. Phần lớn tuổi thơ của cô đã phải lục lọi những núi rác để tìm sắt vụn và lon nước ngọt bán lấy tiền đong gạo, nên khi có một cửa hàng tạp hóa nho nhỏ thì cô cảm thấy đời đã hạnh phúc hơn. Với một anh chồng hiền lành, lương thiện và hai đứa con kháu khỉnh, cô đã có một nghề nghiệp thật sự, một đời đáng gọi là sống. Và cô không còn uất hận nữa.

Thế nhưng vào cuối năm 2009, khi xóm Boeung Kak yên tĩnh bắt đầu nhận những đợt cát lấp hồ, thì tiệm tạp hóa của Vanny cũng phá sản. Khi thu dọn những món hàng còn sót lại, nỗi giận dữ của Vanny lại tái hiện. Cô la mắng con cái, và cả mẹ cô, vốn sống gần bên. Anh Chea cũng không biết phải làm gì hơn. Một đêm sau khi cho con ăn xong, hai vợ chồng ngồi lại với nhau, nói thầm thì để trẻ con đang ngủ ở phòng bên không nghe thấy.

“Mỗi ngày, tình hình càng lúc càng giống thời Pol Pot,” anh tâm sự với vợ. “Anh lo cho tương lai quá. Anh không nói về tiền, mà về những gì sẽ xảy ra cho chúng ta. Em nghĩ là mình cần phải làm gì?”

“Chea, mình sẽ không đi đâu hết. Mình sẽ chiến đấu. Nhà nước, các công ty….tất cả bọn họ. Mình sẽ đấu tranh đến cùng.”

 

***

Vanny không biết phải đấu tranh như thế nào. Mấy tháng qua, dân làng đã tìm cách kiện công ty Shukaku ra tòa. Đơn thưa của họ bị bỏ quên, hoặc bị đòi những lệ phí hành chính lên tới 40 ngàn đôla một trường hợp. Không ai có khả năng đó.

Vanny càng không biết về cái gọi là xã hội bất hợp tác. Cô chưa bao giờ nghe tới những cái tên như Gandhi, Luther King, hay Thoreau. Tất cả những gì mà cô biết từ khi lớn lên là rác, bươi những núi rác để tìm lon nước ngọt và sắt vụn để bán. Thế nhưng một buổi sáng tháng Mười năm 2010 trước sân bệnh viện Khmer-Xô Viết ở thủ đô, cô đã thực hiện quyết tâm phản kháng của mình. Trên 100 cư dân xóm Boeung Kak tề tựu để cầu xin sự trợ giúp của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ban Ki-moon, đang ghé thăm Cambodia. Cảnh sát và an ninh bao vây đoàn dân thỉnh nguyện và cuộc đối đầu kết thúc như thường lệ là bằng bạo lực. Phần lớn các người biểu tình là nam giới và cảnh sát, an ninh hành hung thô bạo. Ông Sophorn Suong vỡ đầu, máu chảy tung tóe, đoàn biểu tình tan vỡ.

Vanny trở về xón Boeung Kak uất ức và phiền muộn.

Ít lâu sau, cô thảng thốt nhận ra một điều, là bọn lính hiếm khi đánh dập hay bắt giam phụ nữ, mà chúng chỉ nhắm vào thanh niên, đàn ông. Đó là văn hóa Khmer. Một người đàn ông Khmer mà công khai đánh đàn bà là một sự nhục nhã. Cô nhớ lại lúc đó đã nghĩ “mình phải tập hợp tất cả mấy bà, mấy chị lại.”

Chỉ thoáng chốc, cô đã có 20, rồi 50 phụ nữ tụ tập tại tiệm tạp hóa của cô. Nhiều người mới nghe tin còn đang trên đường tới. Vanny cố tìm mẹ nhưng không thấy vì bà phải đứng ngoài sân, chỉ nhón chân nhìn qua cửa sổ mà thôi. Cô chỉ biết vài người, nhưng điều đó lại có vẻ hay. Cô làm sao để cho mọi người đồng ý rằng mọi việc ở Boeung Kak phải thay đổi. Xóm Boeung Kak đang ở bên bờ vực thẳm và để cứu nó, phụ nữ phải lãnh đạo cuộc đấu tranh. Đàn ông dễ bị cảnh sát, an ninh hành hung bắt giữ, nên không thể lãnh đạo. “Chúng ta không thể cứ giặt quần áo cho chồng mãi được. Chúng ta có sức mạnh không ? Đây chính là cuộc đấu tranh của phụ nữ.” Vanny nhớ những lời đầu tiên của cô trong buổi chiều ấy.

Những gì Vanny nói không chỉ đơn thuần là một sách lược đấu tranh mới, mà nó là sự sắp đặt lại trật tự xã hội mới. Ở Cambodia có câu châm ngôn “đàn ông là vàng, đàn bà là vải.” Nam giới luôn luôn sáng bóng như mới, trong khi nữ giới dù có cố gắng đến đâu cũng chỉ là mảnh vải bị nhuốm bẩn không bao giờ gột sạch. Nếp nghĩ đó đã chi phối hầu như mọi chuyện trong xã hội: nam nữ ve vãn ra sao, ai sẽ được nhận công việc tốt, ai sẽ được vào đại học, và ai ở nhà phơi cá khô. Vanny muốn sửa một phần cái nếp nghĩ cổ hủ đó.

Vài ông chồng hiện diện hôm ấy làu nhàu phản đối, dứt khoát là các bà vợ phải ở nhà, dẹp chuyện biểu tình đi. Ai sẽ lo cho mấy đứa con đây?

 

Phản hồi