Truyền thông TQ cảnh báo Bắc Kinh nên lắng nghe người dân
Hai ngày sau khi chính quyền phải hủy bỏ một dự án gây ô nhiễm ở Khải Đông (Qidong), phía đông Trung Quốc, do có sự phản đối mạnh mẽ của người dân, hôm nay, 30/07/2012, Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc đã lên tiếng cảnh báo giới lãnh đạo là nên chú ý lắng nghe các mối quan tâm của người dân.
Xã luận Nhân dân nhật báo viết, « người dân đang ý thức một cách nhanh chóng những vấn đề môi trường và các quyền của mình ». Do vậy, Trung Quốc cần phải nỗ lực « thiết lập một cơ chế ra quyết định công khai, minh bạch và tạo ra một môi trường chú ý tới công luận ».
Hôm thứ Bẩy, 28/07, hàng chục ngàn cư dân ở thành phố Khải Đông, tỉnh Giang Tô, gần Thượng Hải đã biểu tình chống lại một dự án xây đường ống dẫn nước thải từ một nhà máy giấy của Nhật Bản đổ ra bến cảng của thành phố duyên hải này. Sự bực tức của người biểu tình có lúc đã dẫn đến những hành động bạo lực, đập phá và xô xát với lực lượng công an. Chính quyền địa phương đã phải ra quyết định hủy bỏ dự án này.
Nhân dân nhật báo cho rằng, sự bất bình ngày càng cao của người dân trước tình trạng môi trường xuống cấp nhanh chóng là cơ hội để Trung Quốc phái triển các ngành công nghiệp ít ô nhiễm.
Mặt khác, tờ báo cũng nhấn mạnh đến sự cần thiết phải có « đối thoại giữa công dân và chính phủ » trước khi tiến hành các dự án công nghiệp.
Trong các thập niên qua, chính quyền Trung Quốc đã chạy theo mục tiêu tăng trưởng cao bất chấp các hậu quả môi trường. Thế nhưng, từ vài năm gần đây, ngày càng có nhiều các cuộc biểu tình phản đối những dự án gây ô nhiễm. Trong nhiều trường hợp, nếu cuộc biểu tình tập hợp được đông đảo người tham gia, thì chính quyền phải lùi bước.
Đầu tháng Bẩy, người dân ở thành phố Thập Phương, tỉnh Tứ Xuyên, tây nam Trung Quốc, đã biểu tình trong nhiều ngày, buộc chính quyền phải từ bỏ kế hoạch xây dựng nhà máy luyện kim gây ô nhiễm.
Năm ngoái, một dự án xây nhà máy hóa dầu đã phải di dời đi nơi khác do có sự phản đối quyết liệt của người dân ở thành phố Đại Liên, tỉnh Liêu Ninh.
Đức Tâm (ASG)
CÔNG LUẬN VÀ CÁCH MẠNG
Toàn bộ trước tác của Mác phần lớn là ngụy biện, kiểu dùng lý luận theo cách lấy thịt đè người, cả vú lấp miệng em, chỉ gạc được những người yếu suy xét, khả năng lập luận kém hơn Mác, không thể qua mặt được những người nào già cơ trong nhận thức hơn ông ta. Một trong những ngụy biện, khiên cưỡng, áp chế lý luận vô lối nhất của Mác chính là ông công khai khẳng định, người nào không lập luận giống ông đều là phản động, đều là bọn tư sản. Tính cách phản trí thức, phản khoa học, phản khách quan của Mác đã cho thấy điều đó ở đây chính là một khía cạnh trong vô số những khía cạnh khác mà ông ta từng lập luận.
Cho nên những người làm theo Mác chỉ có hai loại : hoặc loại kém nhận thức, kém lý luận, nên chỉ mù quáng tin theo, nghe theo các lý luận đầy giả tạo, khiên cưỡng của ông ta, nghĩ đó là chân lý khách quan, là sự thật, bởi vì trí tuệ họ thấp hơn nên không bao giờ có thể bẻ lại hay phê phán cách chính xác những gì Mác đã đưa ra được. Còn loại thứ hai có thể vẫn hiểu đấy, nhưng thấy lý thuyết Mác là một lợi khí có thể vận dụng được, nhất là vận dụng tốt cho các ý đồ và mục đích cá nhân của mình. Đó chính là tham vọng riêng tư, ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân nhưng lại được mà mị, nhân danh, núp bóng dưới tên gọi thật kêu là chủ nghĩa xã hội.
Từ nguồn gốc xuất xứ như vậy, rõ ràng thuật tuyên truyền quần chúng là vật bất ly thân trong các tiến trình làm theo và thực hiện chủ thuyết Mác. Đây là thông lệ dung tục nhất trong suốt cả lịch sử liên quan mà nhìn vào đâu, bất kỳ giai đoạn, thời điểm hay hoàn cảnh nào tất cả mọi người đều càng dễ thấy nhất.
Cho nên từ Lênin đến Stalin, đến Mao Trach Đông v.v… giờ đây tất cả mọi lá bài quá khứ đều đã được lật ngữa.
Mao Trạch Đông chính là một mụ phù thủy của các vận dụng những loại tuyên truyền và hành vi như thế.
Bởi vậy nên ngày nay giới truyền thông Trung quốc đặt vấn đề cảnh cáo Bắc Kinh nên lắng nghe người dân chỉ là chuyện cho vui và khôi hài. Bởi đã là bản chất của sự vật thì không thể nào thay đổi được. Trừ phi người ta có phương cách nào đó thật sự hiệu nghiệm, cũng như sự quyết tâm muốn biến đổi chính bản chất đó, hay có can đảm và ý chí mạnh mẽ muốn thay thế chính bản chất đó hay thay thế chính sự vật mang bản chất không tốt hoặc hoàn toàn giả tạo và nguy hiểm đó. Ý nghĩa của công luận và cách mạng thực chất cũng chính là như thế. Bởi mục đích của cách mạng chân chính luôn luôn không thể đi ngược lại chân lý khách quan và công luận. Ngược lại nếu cách mạng mà đi ngược lại chân lý khách quan, nô lệ công luận, bắt ép công luận, giả dối công luận, đó thực chất chỉ là tính phi đạo đức đúng đắn và tính phản lại con người lành mạnh cũng như xã hội trong sáng đúng nghĩa nhất.
Võ Hưng Thanh
(01/8/12)