WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Châu Âu cứng giọng với Belarus sau vụ đóng cửa sứ quán Thụy Điển

Một nhân viên toà đại sứ tại Minsk tháo cờ Thụy Điển (REUTERS)

Tiếp theo việc Minsk trục xuất toàn bộ các nhà ngoại giao Thụy Điển và đóng cửa sứ quán nước này (08/08), hôm qua 10/08/2012, Ủy ban đối ngoại và an ninh chung của Châu Âu đã triệu tập các đại sứ trong một cuộc họp bất thường để phản ứng. Đại diện các nước Châu Âu đã bày tỏ “sự ủng hộ mạnh mẽ” với Thụy Điển.

Các nước Châu Âu không đưa ra quyết định triệu hồi đại sứ tại Belarus, nhưng sẽ xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, một quốc gia vẫn được coi là « chế độ độc tài cuối cùng ở Châu Âu ». Sau đây là phần tường trình từ văn phòng của RFI tại Bruxelles

« Ủy ban đối ngoại và an ninh Châu Âu đã họp các đại sứ 27 nước của liên hiệp tại Bruxelles và bảo đảm với Thụy Điển là, các đối tác Châu Âu hoàn toàn ủng hộ Stockholm. Nhóm 27 nước đã cảnh báo Belarus về quyết định trục xuất đại sứ Thụy Điển, tiếp theo vụ máy bay của một hãng quảng cáo Thụy Điển thả gấu bông xuống lãnh thổ Belarus, mang theo các truyền đơn chỉ trích chế độ Minsk.

Theo Liên Hiệp Châu Âu đây không phải là một vụ việc chỉ liên quan đến quan hệ song phương Thụy Điển – Belarus, mà tác động đến toàn bộ các quan hệ giữa Belarus và Liên Hiệp Châu Âu. Chủ tịch Ủy ban đối ngoại và an ninh Châu Âu đã khẳng định rằng, tổ chức này sẽ xem xét lại các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, dựa trên các quan hệ giữa Minsk và Stockholm, nhưng đồng thời cả tình trạng dân chủ và nhân quyền tại Belarus.

Như vậy, Châu Âu sẽ gia tăng các biện pháp trừng phạt đối với Belarus, có hiệu lực từ năm 2004. Tài sản của 32 doanh nghiệp của Belarus tại Liên Hiệp Châu Âu bị phong tỏa và 243 giới chức nước này bị cấm vào Châu Âu. Bên cạnh đó, mức độ quan hệ ngoại giao cũng bị hạ cấp, các khoản trợ giúp hợp tác có thể sẽ bị giảm hay cắt hẳn. Liên Hiệp Châu Âu cũng dự kiến sẽ tăng cường ủng hộ xã hội dân sự Belarus trong các nỗ lực thay đổi dân chủ. »

Về khủng hoảng ngoại giao mới đây giữa Belarus và Thụy Điện, chính quyền Minsk ra thông cáo cho biết, hai nước có thể mở lại sứ quán, nếu như Stockholm « tôn trọng các nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau và sự bình đẳng về chủ quyền giữa các quốc gia ».

Xin nhắc là, quan hệ giữa Liên Hiệp Châu Âu và Belarus thường xuyên căng thẳng kể từ khi chế độ độc quyền của tổng thống Lukachenko được thiết lập trong những năm 1990. Liên Hiệp Châu Âu thực thi các biện pháp trừng phạt Belarus đặc biệt vì tình trạng nhiều công dân bị giam giữ vì lý do chính trị.

Belarus là thành viên của nhóm « Đối tác phía Đông », một diễn đàn thành lập năm 2009, để xiết chặt quan hệ giữa 27 nước Châu Âu và 6 quốc gia thuộc khối Liên Xô trước đây (Belarus, Ukraina, Moldavie, Gruzia, Armenia và Azerbaidjan). Ngày 23/07, trong một cuộc họp của diễn đàn « Đối tác phía Đông », Liên Hiệp Châu Âu đã kêu gọi Belarus tôn trọng các quyền tự do căn bản.

Thụy Điển là một trong các nước Châu Âu tích cực nhất trong các hoạt động vì dân chủ tại Belarus, đặc biệt sau khi tổng thống Lukashenko tái đắc cử vào năm 2010, với nhiều cáo buộc gian lận.

Lítva mở điều tra về vụ máy bay Thụy Điển thả gấu bông

Cũng liên quan đến vụ việc này, hôm qua, viện công tố Lítva (Lithuania) tuyên bố đang xem xét yêu cầu của Minsk mở cuộc điều tra về việc chiếc máy bay nhỏ do một người Thụy Điển điều khiển thả hàng trăm gấu bông mang truyền đơn cổ vũ dân chủ trên đường biên giới Lítva – Belarus.

Bình luận về sự việc này, một chuyên gia của đại học Vilnius nói : « Nếu các gấu bông trở thành một mối đe dọa đối với chính quyền Belarus, thì chế độ của ông Lukashenko ắt hẳn sắp sụp đổ ». Theo chuyên gia này, có mối liên quan giữa biến cố gấu bông ở Belarus và phiên tòa xử nhóm nhạc Pussy Riot tại Nga, các phản ứng của hai tổng thống Nga và Belarus là điển hình cho các nhà lãnh đạo độc tài.

Trọng Thành (RFI)

 

Phản hồi