WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Quái Đàm, phim ma

Kwaidan

Nhân dịp lễ ma quỉ Halloween cuối tháng 10 năm nay, xin giới thiệu quí vị một phim ma nổi tiếng của Nhật, Quái Đàm (Kwaidan 怪談) quay năm 1964, đạo diễn Masaki Kobayashi, các tài tử Rentaro Mikuni, Keiko Kishi , Michiyo Aratama, Misako Watanabe , Tatsuya Nakadai.

Đây là một cuốn phim có giá trị nghệ thuật quốc tế, đoạt Giải thưởng Đặc biệt của ban giám khảo Đại hội điện ảnh quốc tế tại Cannes, Pháp năm 1965, đã được vào chung kết giải thưởng Phim nói tiếng ngoại quốc hay nhất trong năm của Hàn lâm viện Mỹ. Phim có nhiều cá tính độc đáo đông phương.

Tôi được xem phim này cách đây hơn 40 năm, khoảng năm 1966, 1967 tại Sài gòn và mới được xem lại qua đĩa DVD, trước đây xem ở rạp với màn ảnh rộng, mầu sắc lộng lẫy, nay xem qua màn ảnh nhỏ của TV thì mất hay đi nhiều. Hiện phim vẫn được lưu hành trên thị trường.

Người Nhật chịu ảnh hưởng văn minh Trung hoa nên nay họ vẫn còn dùng nhiều từ chữ Hán như chúng ta. Quái nghĩa ma quái, đàm kể chuyện, Quái đàm tức là truyện ma (ghost story), phim dựa theo những truyện ma phổ thông của người Nhật, gồm bốn truyện không liên hệ nhau:

Mớ tóc đen (The Black Hair), truyện viết năm 1900
Ma tuyết tinh (The Woman of the Snow), truyện viết năm 1903.
Chú tiểu mất tai (Hoichi the Earless)
Trong một chén trà (In a Cup of Tea) viết năm 1902
Xin giới thiệu từng truyện một

Mớ tóc đen

Môt chàng võ sĩ đạo sống với người vợ hiền ở Kyoto trong một căn nhà cũ kỹ rộng lớn, chị ta dệt vải, nhà nghèo. Chàng bỏ vợ lên kinh lập công danh, mặc dù người vợ hiền khẩn khoản xin chàng ở lại, nhưng anh nhất quyết ra đi.
Lên kinh chàng kết hôn với một tiểu thư con quan lớn, đường công danh hoạn lộ vẻ vang, cô tiểu thơ ngày càng ích kỷ, khó chịu dằn vặt chồng luôn luôn. Chàng hiệp sĩ hối hận thương người vợ cũ, nhớ nàng và hối hận quay về nhà cũ.

Khi ấy vào lúc canh khuya, người vợ chào đón chồng , nàng nói vẫn thường khấn nguyện cho chàng nhiều may mắn, thánh thần phù hộ chàng…Người chồng thổ lộ niềm hối hận, chàng vuốt mớ tóc dài đen của nàng. Tối ấy người vợ sửa soạn chăn gối cho chồng rồi mời chàng nghỉ, đến sáng nàng sẽ phải đi, chỉ ở nhà ban đêm.

Chàng ngủ thiếp đi bên cạnh người vợ hiền chung thủy tới khi ánh nắng mắt trời bắt đầu rọi bên song cửa, anh ngoảnh lại phía sau thì thấy đầu chị ta chỉ là cái sọ người ghê rợn. Người võ sĩ hét lên bỏ chạy leo lên trần nhà, mái tóc đen bị gió thổi cứ cuốn theo chàng, hốt hoảng bò hết gian này sang gian khác nhưng mái tóc cứ cuốn theo. Sau cùng chàng rớt bên cạnh cái giếng trong cơn hãi hùng

Thực ra khi chàng bỏ nhà ra đi, người vợ mòn mỏi chờ chồng mà chết nhưng vẫn âm thầm chờ đợi. Nay canh khuya chàng trở về nhà xin tạ lỗi, nàng hiện về đón tiếp chàng, vẫn giữ tình nghĩa mặn nồng như xưa, nhưng khi ánh sáng ban mai chiếu lên nàng phải ra đi.

Một phim ma nhẹ nhàng nhưng không kém phần kinh dị, dàn cảnh công phu cho thấy nhà đạo diễn đã bỏ nhiều công xây dựng tác phẩm của mình. Phần diễn xuất nghiêm chỉnh của các tài tử đã làm tăng thêm ý nghĩa của một cuốn phim nghệ thuật.

Ma tuyết tinh

Hai người tiều phu, một ông già và chàng thanh niên 18 tuổi vào rừng đốn củi. Trời nổi cơn bão tuyết, gió buốt lồng lộng thổi, cả hai vào trú trong căn lều bỏ trống của người lái đò vắng nhà. Khi ấy ma tuyết tinh ở cuối chân trời nhìn họ.
Hai người tiều phu ngủ vùi dưới nền nhà… một người đà bà mặt trắng như tuyết, đẹp lạnh lùng thoăn thoắt bước vào cúi nhìn ông già một lúc thì ông ta chỉ còn là cái xác không hồn. Người đàn bà quay sang người thanh niên, anh ta sợ quá, co rúm lại, người đẹp nói.

-Ta thấy ngươi tôi nghiệp nên tha cho, nhưng không được kể cho ai nghe, trái lời ta thì đừng có trách

Nói rồi ra cửa biến mất.

Mấy hôm sau, vì quá sợ hãi chàng thanh niên phát bệnh, sau khi hồi phục lại đi kiếm củi, có lần trên đường về nhà, anh gặp cô gái trẻ nói một mình lưu lạc đến đây. Chàng lấy cô gái làm vợ, sinh được ba con, gia đình hạnh phúc. Một buổi tối, chàng ngồi đan mấy đôi dép cho vợ con, chị ta đang khâu áo, chàng để ý và chợt thấy khuôn mặt nàng giống hệt người đàn bà trong căn lều đêm bão tuyết xa xưa nhiều năm về trước, con ma tuyết tinh đêm nào….Chàng bật cười , vợ thấy vậy hỏi tại sao cười. Thế là chàng kể lại đầu đuôi cái đêm bão tuyết hãi hùng ấy trong căn lều cho vợ nghe rồi kết luận nó y như một giấc mơ. Tới đây người vợ biến sắc mặt tỏ vẻ giận dữ bảo chàng.

-Con ma đó chính là ta đây, ngươi đã hứa với ta không được kể cho ai nghe chuyện đó sao nay lại kể, ngươi đã thất hứa với ta.

Anh chồng nghe sợ hết hồn, nàng bảo.

-Ta vì mấy đứa con nên tha cho ngươi, ngươi phải nuôi nấng con ta cho tử tế, nêu không đừng trách ta.

Nói rồi chạy ra cửa, biến mất, anh chồng hết cả hồn vìa y như trong cơn ác mộng.

Phim tuy không quái dị lắm nhưng cũng cho khán giả một cảm giác lạnh rờn rợn như tuyết phủ trắng xóa khắp cánh đồng.

Chú tiểu mất tai

Tại một vùng duyên hải, nơi đây đã sẩy ra một trận thủy chiến giữa hai dòng họ, hai vương quốc , nhiều chiến sĩ, vua quan bị thiệt mạng trong trận giao tranh, họ được chôn tại một nghĩa trang. Từ đó ma hiện về quấy phá trong vùng, người ta lập một ngôi chùa để cúng bái ma quỉ khỏi phá. Một chú tiểu mù tên Hoichi, cũng là nhạc sĩ đàn hát hay dến ở chùa, sư cụ chăm lo cho chú vì thấy chú mù lòa tội nghiệp.

Một tối nọ chú ngồi gẩy được vài cung đàn thì có tiếng nói hách dịch cất lên của một ông quan.

-Ta thừa lệnh Chúa công tới đưa anh về dinh đàn hát cho các ngài nghe, các ngài có nghe nói anh đàn hát hay.

Chú bị mù nên không biết là ai, sợ hãi vội ôm đàn tỳ bà theo ông quan về dinh, ông quan mặc áo giáp oai nghi lắm, quan dặn chú không được nói cho ai biết. Tối ấy chú đàn hát trước bệ rồng cho vua quan nghe tới khuya mới về. Sự thực ma ở nghĩa địa đã gọi chú ra đêm ấy, chú bị lừa mà không biết, đem hôm khuya khoắt ngồi gẩy đàn, ca hát ngoài nghĩa địa mà cứ tưởng đang ngồi giữa triều đình.

Hai chú tiểu đồng có nói cho sư cự biết tối qua chú tiểu mù đi tới sáng mới về, cụ bèn cật vấn chỉ nghe chú dấu không dám nói thật, chỉ nói tối qua đi công chuyện riêng.

Một đêm mưa bão, ông quan ma lại đến gọi chú đến cung điện đàn hát cho vua quan nghe. Lần này vua, quan bảo chú đàn hát bài “Trận đánh cuối cùng”, trong trí tưởng tượng chú thấy các vị vua chúa, bá quan văn võ ngồi vây quanh khen ngợi tài đàn hát của chú.

Sư cụ sai hai chú tiểu đồng mang đèn đi tìm chú tiểu, gió mưa ào ạt, hai chú tìm mãi không thấy gì rồi bỗng nghe tiếng đàn hát ở nghĩa trang bèn lần mò lại thì thấy chú tiểu mù đang ngồi trên một ngôi mả vừa đàn vừa hát. Bọn tiểu đồng vội kéo chú dậy dắt về nhưng chú tiểu vùng vẫy bảo đang đàn hát cho các vua quan nghe, tiểu đồng dằng co mãi mới kéo được chú tiểu về chùa.

Sáng hôm sau, sư cụ nói cho chú tiểu biết chú đang trong sự hiểm nghèo.

-Con nguy rồi, sao không cho ta biết sớm, lấn sau mà con ra nghĩa địa nữa là ma nó xé xác con ra nghe chưa? Tối hôm qua con đã ngồi trên mả của ông vua con biết không?

Chú tiểu sợ quá chết điếng không dám nói gì. Sư cụ sai một đệ tử viết trên khắp mình chú tiểu môt bài kinh kệ từ đầu xuống chân . Cụ dặn tối chú ngồi ngoài cửa, ma nó có gọi thì không được nói gì, bài kinh kệ sẽ làm cho chú tàng hình, ma nó sẽ không thấy.

Tối ấy quan ma mặc áo giáp lại tới, lớn tiếng gọi tên chú tiểu nhưng chú nín thinh. Con ma không thấy chú đâu chỉ thấy hai cái tai, nó bèn dựt đứt hai cái tai đem về trình vua quan để làm bằng chứng đã đến tìm chú tiểu.

Sáng hôm sau, sư cụ trách người đệ tử đã quên viết lên hai cái tai nên nó đã bị lộ ra nên mới ra cớ sự.

Dù sao mất hai cái tai những đã thoát chết, sự thật cái giá mất tai để giữ được sinh mạng.

Hôm sau có hai người làm biển bị đắm thuyền xin vào làm tiểu đồng trong chùa.

Truyện nhà sư mất tai ngày càng được nhiều người biết tới, một hôm có đoàn xa giá của các quan và các nhà quí tộc tới chùa thưởng tiền để nghe chú tiểu Hoichi đàn hát. Quan khách ngồi dàn trước sân chùa, ai chú tiểu đồng còn nghi ngờ bảo nhau:

-Trong đám các quan này chắc cũng có ma!!

Từ đấy các nhà quí tộc, vua quan tới nghe nhà sư Hoichi đàn hát và tặng nhiều quà quí giá, từ đấy ông trở thành người giầu có

Phim này dài hơn cả, những cảnh ma quái rùng rợn cũng điểm thêm chút hài hước. Trận thủy chiến được dàn cảnh vĩ đại công phu và có những cá tính riêng của Nhật khác với lối dàn trận của điện ảnh Tây phương cũng như của Trung Hoa. Trận chiến hào hùng, tàn bạo, thảm thương được thực hiện thật nghiêm chỉnh. Bản nhạc độc tấu của cây đàn tỳ bà Nhật thật là tuyệt diệu.

Trong một chén trà

Một vị lãnh chúa cùng đoàn xa giá đi xuất hành đầu năm , họ dừng lại trước một ngôi đền.
Đoàn tùy tùng ngồi nghỉ trước sân, lãnh chúa lại chỗ bình trà múc một chén đưa lên miệng thì thấy hình người hiện ra dưới nước trong chén trà, ông đổ nước múc chén khác vẫn thấy hình người. Tức giận ông quăng chén lấy chén khác múc nước, lần này cũng hiện ra hình người, một hiệp sĩ tươi cười, ông uống hết chén trà.

Tối ấy đến phiên trực gác, lãnh chúa thấy một võ sĩ đạo hiện ra nói
- Ông có nhớ tôi không?

Lãnh chúa bèn hỏi chúng tôi canh gác rất kỹ làm sao anh vào đây được? ông nhìn chàng võ sĩ đạo rồi ngẫm nghĩ một lúc nhớ ra anh ta giống y như người đã hiện ra trong chén trà, ông bèn rút kiếm chém .. chàng võ sĩ chạy, ông chạy tới đâm vào tay hắn, nó biến qua tường …

Lãnh chúa tra kiếm vào bao chạy qua các hành lang kêu lớn.

-Quân bay đâu, có kẻ lạ mặt vào đền.

Quân lính lục lọi khắp nơi rồi trình ngài không thấy ai, mọi người tụ họp lại trình báo không thấy ai cả, lãnh chúa nói đã đâm vào cánh tay hắn nhưng họ nói đã đi kiểm soát mọi nơi trong đền nhưng không thấy vết máu… Họ không tin là có người vào đây vì canh gác kỹ lắm.

Tối hôm sau, tới phiên trực gác của lãnh chúa thì quân lính vào thưa có ba người chờ ngoài sân muốn xin được bệ kiến ngài, ông lấy làm lạ sao đêm hôm khuya khoắt lại có người đến đây vào giờ này.

Lãnh chúa ra trước cửa tiếp đón, ba người khách nói.

-Chúng tôi là quân lính của ông hoàng Shibiku, tối qua tướng quân của chúng tôi có đến thăm ngài thân thiện nhưng bị ngài chém trọng thương phải đi suối nước nóng dưỡng bệnh, rồi sẽ về báo thù.

Lãnh chúa bèn rút kiếm ra chém ba người khách lạ, họ chạy rồi nhẩy vụt ra phía khác, ông bèn lấy ngọn giáo trên giá đựng vũ khí đâm tới tấp.. họ biến đi rồi lại xuất hiện .. sau đó cả ba đêu bị ngài đâm gục…

Lãnh chúa chống ngọn giáo xuống đất rồi cười ngặt nghẹo như điên dại, chuyện chấm dứt ở đây…..

Nhà đạo diễn cho biết tác giả chưa kết thúc chuyện … về sau được biết chính tác giả cũng biến thành ma….
Cũng như ba phim trên, Trong Một Chén Trà được dàn cảnh công phu, trang phục cổ nghiêm chỉnh, diễn tả linh hoạt và kỳ quái.

Người Mỹ làm nhiều phim ma như ma cà rồng hút máu người, quỉ Sa tăng, Dracula…. họ cố tạo ra những hình ảnh thật rùng rợn để làm khán giả phải sợ hết hồn hết vía. Phim ma của Mỹ nói chung giả tạo nhiều, chuyện ma có tính không tưởng và gượng ép.

Phía Á đông không thấy điện ảnh Trung hoa làm phim ma, họ thiên về xã hội nhiều hơn. Người Nhật có làm nhiều phim ma, nhìn chung các diễn tả của họ nhẹ nhàng hơn người Mỹ khiến ta thấy rõ hai nét khác nhau của Đông Tây về đề tài này.
Quái đàm là một phim ma nhưng nhà đạo diễn chú trọng nhiều về nghệ thuật vì đó là cuốn phim để đi dự giải thưởng tại Đại hội điện ảnh quốc tế. Hình ảnh mầu sắc lộng lẫy, tân kỳ, trang phục đẹp, dàn cảnh và diễn xuất rất nghiêm chỉnh mặc dù diễn tả chuyện thần kỳ ma quái. Mục đích nhà đạo diễn để thể hiện một phim có nghệ thuật cao. Điện ảnh Nhật có những nét khác biệt so với Tây phương và với cả Trung hoa

Tây phương cũng như Đông phương đều sáng tác chuyện ma, quay phim ma mặc dù có cá tính khác biệt nhưng họ đã cho ta thấy một nhận định: ma chắc là có thật, Đông cũng như Tây đều nói tới.

© Trọng Đạt

© Đàn Chim Việt

 

Phản hồi