WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Để tiến tới một khối đoàn kết toàn dân Việt

Hình ảnh trong nghị hội của Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa (Việt Báo Online).

Hình ảnh trong nghị hội của Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa (Việt Báo Online).

Phong là gió. Trào là triều, trào là dòng nước lên xuống trong giao thoa giữa sông ngòi và biển cả. Nước đang lên lại gặp gió đang tới gọi là phong trào. Trên dòng sống của xã hội loài người, về mặt chính trị, gió tới quay cuồng với nước lên là biểu tượng của những chuyển biến trầm trọng có tác dụng làm cho lịch sử phải chuyển mình.  Nhằm đón nhận những chuyển mình kia và nhất là nhằm hổ trợ lịch sử di chuyển đúng hướng, con người hình thành các tổ chức chính trị gọi là phong trào. Như vậy phong trào ra đời từ hai yếu tố: một là tình hình chính trị có tính bão tố. Hai là số người tham dự phong trào phải đông đảo.

Phải chăng hiện tình Việt Nam đang bị bủa vây bởi dông bão chính trị, chính trị quốc nội cũng như chính trị quốc tế?

Chính trị quốc nội

Tháng 10 năm 1986 đảng CSVN tuyên bố “đổi mới”. Sự việc này hiển nhiên có nghĩa là CSVN từ bỏ kinh tế CS, đầu hàng kinh tế tư bản, chạy theo kinh tế tư bản. Mặc dầu vậy, do tham vọng thống trị vĩnh viễn xã hội Việt Nam,  CSVN quyết tâm cai trị đất nước theo công thức “Thay đổi kinh tế; không thay đổi chính trị”. Thế nhưng đầu thế kỷ 21 “thay đổi kinh tế” đã thực sự làm cho guồng máy chính trị cuả CSVN chuyển động què quặt. Thực vậy, trong thời vàng son của CS quốc tế: CS Tàu và CS Liên Bang Sô Viết chi viện cho CSVN. Đây là giai đoạn tổng bí thư và bộ chính trị “làm ra tiền” cho toàn đảng CSVN. Ngày nay, CS quốc tế đã tan rã, nhờ mở cửa giao dịch với thế giới tự do, nhờ ngoại thương, nhờ Ngân Hàng Thế Giới và các tác vụ kinh tế toàn cầu hóa… Đây là giai đoạn thủ tướng và nội các “làm ra tiền” cho toàn đảng CSVN. Người Việt Nam có câu nói:

“Nhất sĩ, nhì nông.

Hết gạo chạy rông,

Nhất nông nhì sĩ !”

Gạo tiền là lượng. Giá trị nhất nhì trong xã hội là chất. Lượng đổi làm chất đổi và ngược lại. Đó là quy luật căn bản của sinh hoạt xã hội. Căn cứ vào quy luật này và căn cứ vào hiện tình kinh tế tài chính của Việt Nam: tổng bí thư và bộ chính trị phải mất quyền lãnh đạo. Quyền hành đang nằm trong tay thủ tướng. Đó là nội dung cốt lõi của cuộc đấu đá giữa “đảng quyền” và “thủ tướng quyền” tại Việt Nam ngày nay. Sau đây là ba trận đấu tiêu biểu:

-Hội nghị trung ương 6 khóa ngày 1/10/2012 đảng CSVN thất bại trong việc kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng về tội tham ô.

-Hội nghị trung ương 7 khóa 2/5/2013 đảng CSVN thất bại trong việc mang Nguyễn Bá Thanh vào bộ chính trị để “trị tội” Nguyễn Tấn Dũng.

-Quốc hội khóa ngày 11/6/2013 đảng CSVN thất bại trong việc bất tín nhiệm Nguyễn Tấn Dũng, thay vào đó chỉ là tín nhiệm cao hay tín nhiệm thấp.

Sau ba thất bại kể trên, ngày 6/8/2013 TBT Nguyễn Phú Trọng ký quyết định thành lập 7 đoàn thanh tra tham nhũng nhằm vào 4 tỉnh thành miền Bắc và 7 tỉnh thành miền Nam. Kể từ 1/9/2013, đoàn thanh tra có 45 ngày làm việc, sau đó cuộc chiến giữa đảng quyền và “thủ tướng quyền” sẽ tái phát gay gắt. Chung quanh những tranh dành quyền lực ở cấp lãnh đạo là nạn tham nhũng không giới hạn, chia rẽ Nam Bắc, chia rẽ thân Tàu, thân Mỹ,  thảm họa Vinashin, Vinalines, thảm họa nợ xấu và nợ công gây ra bởi giới đại gia đỏ, lạm phát phi mã, sức chống đối của những đoàn thể dân chủ nhân quyền, tự do tôn giáo, dân oan… ngày càng mạnh mẽ. Trung Cộng đánh phá VN trên nhiều trận địa khác nhau: biển, đảo, đất liền, kinh tế, chính trị, quân sự… Việt Nam đang bị bủa vây bởi 1001 loại khó khăn. Việt Nam đang thực sự lâm nguy.

Chính trị trên bang giao

Bàn cờ bang giao giữa CSVN và xã hội quốc tế xin được trình bày ngắn gọn như sau:

Ngày 21/6/2013 Trương Tấn Sang từ giã Trung Cộng sau 5 ngày thăm viếng quốc gia này. Những ngày kế tiếp, một mặt, Trung Cộng và Việt Cộng vẫn hô to 16 chữ vàng và bốn tốt, mặt khác Trung Cộng vẫn tiếp tục nổ súng vào ngư dân Việt Nam. Đáp ứng với tình hình hiểm ác vừa kể, ngày 25/7/2013 Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang vội vàng đi gặp Tổng Thống Obama. Mặc dầu không được Hoa Kỳ tiếp đón theo lễ nghi dành cho quốc khách, Trương Tấn Sang đã bước vào tòa Bạch Ốc với thái độ trân trọng nhất, với tấm lòng chân thành nhất. Thực vậy, thái độ trân trọng và tấm lòng chân thành kia được gói ghém trong món quà gọi là “Bản sao điện thư do Hồ Chí Minh gửi cho Hary Truman ngày 16/2/1945”. Nội dung bức điện thư này có hàm ý rằng năm 1945 Hồ Chí Minh kêu gọi Mỹ giúp Việt Nam chống Pháp, ngày nay CSVN kêu gọi Mỹ giúp Việt Nam chống Tàu. Kêu gọi sự giúp đỡ của Mỹ là truyền thống bang giao Việt Mỹ của đảng CSVN. Truyền thống này do HCM chủ xướng. Nhằm củng cố lòng tin của Mỹ, trong chuyến thăm Hoa Kỳ, chiều ngày 25/7/2013 tại trung tâm Nghiên Cứu Chiến Lược Quốc Tế (CSIS), ông Trương Tấn Sang đã đưa ra hai tuyên bố rất đáng chú ý:

Một là: “Hợp tác với các nước khác trong liên hợp quốc là quyền của mọi quốc gia và chúng tôi chọn mối hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ”. Nhấn mạnh về quyền tự do bang giao, ông Trương Tấn Sang muốn nói: mặc dầu Trung Cộng không bằng lòng, Việt Nam vẫn quyết tâm bang giao toàn diện với Hoa Kỳ.

Hai là: đề cập tới sự việc “lưỡi bò” của Trung Cộng chiếm tới 80% biển Đông, ông Sang khẳng định: “Chúng tôi không thấy có nền tảng pháp lý hay cơ sở khoa học nào cho tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và do vậy chính sách nhất quán của Việt Nam là phản đối kế hoạch đường chín đoạn của Trung Quốc.”

Đây là lời lẽ chống Trung Cộng mạnh mẽ và cụ thể nhất mà giới lãnh đạo CSVN từ trước tới nay không hề dám phát biểu.

CSVN quyết tâm bang giao mật thiết với Hoa kỳ nhằm hai mục đích:

Thứ nhất: Bang giao hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ, đặc biệt trên lãnh vực an ninh quốc phòng,  CSVN có hậu ý nương vào Mỹ như một đối trọng với Trung Cộng. Đối trọng này sẽ  giúp Việt Nam bảo vệ được chủ quyền chính trị và vẹn toàn lãnh thổ, lãnh hải.

Thứ hai: Việt Nam sẽ được Hoa Kỳ chấp nhận là một thành viên của Hiệp Định Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt là TPP. Đối với CSVN, TPP vừa là nguồn lợi lớn vừa là khó khăn to.

Hình ảnh trong nghị hội của Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa (Việt Báo Online).

Hình ảnh trong nghị hội của Phong Trào Đoàn Kết Việt Nam Cộng Hòa (Việt Báo Online).

Nguồn lợi lớn:

1)      Lợi lớn kinh tế:

Trên nguyên tắc, TPP là một thương trường chỉ chấp nhập tư doanh buôn bán với tư doanh. Trung Cộng là một quốc doanh cực lớn. Vì vậy Trung Cộng không thể có mặt trong TPP. Và cũng vì vậy, vào được TPP Việt Nam có cơ hội ồ ạt xuất khẩu hàng hóa đến các nước trong TPP mà không sợ bị chèn ép bởi hàng hóa từ Trung Cộng. Cuối năm 2012 giới nghiên cứu kinh tế quốc tế dự đoán: nếu vào được TPP, tổng sản lượng quốc gia của Việt Nam sẽ gia tăng 46 tỷ Mỹ Kim/năm, (Hoài Hương phỏng vấn Nguyễn Quốc Khải -VOA-30.08.2013). Kinh tế Việt Nam hiện rất tệ hại. Doanh nhân ngoại quốc rời bỏ Việt Nam ngày càng đông đảo. Thành viên của TPP sẽ làm doanh nhân ngoại quốc trở lại Việt Nam. Sự thể này vừa giúp kinh tế Việt Nam hồi sinh vừa kéo Việt Nam ra khỏi gọng kềm kinh tế của Bắc Kinh. Tổng dân số của các quốc gia tham dự TPP là 800 triệu. Nếu hành động khôn ngoan, 800 triệu người kia sẽ là khách hàng tiêu thụ của guồng máy ngoại thương Việt Nam.

2)      Lợi lớn Chính Trị:

Những lợi lộc kinh tế vừa nêu đã giải thoát Hà Nội ra khỏi áp lực nặng nề về kinh tế từ phía Trung Cộng. Giải thoát gông cùm kinh tế kéo theo giải thoát gông cùm chính trị như một hệ quả tất nhiên. Từ đó hiểm họa Việt Nam trở thành chư hầu của Trung Cộng sẽ thực sự tan biến.

Khó khăn to:

Như đã trình bày tổng quan ở trên, TPP đích thực là môi trường hoạt động kinh tế giữa tư nhân với nhau. Vì vậy muốn trở thành một thành viên ổn định của TPP, CSVN không còn chọn lựa nào khác hơn là thực tâm “tư doanh hóa quốc doanh” triệt để và toàn diện. Điều này có nghĩa là tư nhân Việt Nam phải được cạnh tranh với tư nhân quốc nội và tư nhân các nước bạn một cách hoàn toàn tự do và bình đẳng. Muốn vậy, CSVN phải trả lại cho người dân các quyền tư hữu đất đai, tư hữu tư liệu sản xuất; quyền tự do lập hội, tự do nghiệp đoàn và tất cả những tự do mà một doanh nhân cần có. Nói ngắn và gọn CSVN phải tôn trọng toàn bộ luật quốc tế nhân quyền.

Những trình bày ở trên dẫn tới nhận định rằng: muốn Việt Nam có khả năng bảo vệ độc lập và toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải trước những đòi hỏi tai quái của Trung Cộng, Việt Nam cần phải cùng với Hoa Kỳ thực hiện hai tác vụ.

1/ Tác vụ một:

Việt Nam phải quyết tâm gia nhập TPP nhằm thoát khỏi áp lực vô cùng nặng nề của Trung Cộng về mặt kinh tế. TPP dùng tư doanh chống quốc doanh để vừa loại bỏ Trung Cộng ra khỏi thị trường TPP vừa làm khô héo hệ thống huyết mạch kinh tế của Trung Cộng. Chìa khóa hành động của TPP là lấy Nhân Quyền làm yếu tố trọng tâm giúp kinh tế thịnh vượng và ổn định. Trong TPP Nhân Quyền không còn là một ý niệm về “đạo đức chính trị”, Nhân Quyền đã thực sự trở thành một đòi hỏi có tính kỹ thuật điều hành công việc nằm bên trong guồng máy sản xuất và tiêu thụ. Nó thúc đẩy kinh tế thịnh vượng trên căn bản công bằng và ổn định. Làm thế nào kinh tế của một quốc gia, kinh tế của Loài Người có thể phục vụ hữu hiệu toàn bộ xã hội nếu người dân không được phép sống hiên ngang như một Con Người? Đó là lý do giải thích tại sao TPP chủ trương kinh tế phải được vận hành dựa hẳn vào nguyên tắc thượng tôn luật quốc tế nhân quyền. Kinh tế và nhân quyền là hai mặt không tách rời của một bàn tay.

2/ Tác vụ hai:

TPP vừa là công cụ giúp Việt Nam thoát khỏi gông cùm kinh tế-chính trị của Trung Cộng, vừa là thước đo mức độ chân thực của CSVN trong bang giao Việt Mỹ. Một khi hợp tác giữa Việt Nam và Mỹ cùng các quốc gia khác trong TPP trở nên êm ả và ổn định thì hợp tác mật thiết Việt Mỹ trên địa bàn an ninh quốc phòng sẽ là hệ quả tất nhiên.

Hai tác vụ TPP và an ninh quốc phòng nghe ra tương đối đơn giản nhưng con đường thực hiện thật là nhiêu khê và gập ghềnh, có thể xảy ra sóng gió ngoại giao. Nước Mỹ là một quốc gia thực sự dân chủ, mọi sóng gió ngoại giao đều không nằm ngoài tầm nhìn của quốc hội Mỹ. Thật là sai lầm nếu Việt Nam muốn hợp tác toàn diện với Hoa Kỳ nhưng lại không có những giao hảo cần thiết đối với quốc hội Mỹ. Xin nhớ cho rằng theo tài liệu của  Census Bureau 2010: 1980 dân số Việt Nam tại Mỹ là 261,729 người. Tới năm 2010 thì dân số kia tăng lên là 1,548,449 người. Theo đà gia tăng dân số đáng quan tâm kia, Cộng Đồng VN (CĐVN) tại Mỹ, hằng năm, cung cấp cho xã hội Hoa Kỳ khối lượng chất xám làm cho người Việt Nam không thể không hãnh diện. Với các dữ kiện vừa trình bày, với hàng triệu lá phiếu trong tay, rõ ràng CĐVN tại Mỹ là nhân tố quan trọng hàng đầu giúp tạo giao hảo giữa quốc gia Việt Nam và Hoa Kỳ, bao gồm cả Quốc Hội cùng với Hành Pháp. Đó là lý do giải thích tại sao ngày 25/7/2013 trong phiên họp thượng đỉnh OBAMA-SANG:

Tổng thống Obama tuyên bố rằng CĐVN tại Mỹ là “một trong những nguồn sức mạnh lớn giữa hai nước Việt Mỹ’ và là chất keo dính bền chặt cho quan hệ giữa hai quốc gia”. Mặt khác Chủ Tịch nước Trương Tấn Sang cũng đồng ý với TT Obama khi nhấn mạnh: “(Tôi) tin chắc rằng bà con của chúng tôi, với tư cách là những người Việt Nam cùng chung máu mủ sẽ làm chiếc cầu vững chắc, sẽ thúc đẩy quan hệ hợp tác về nhiều mặt, nhất là trong khuôn khổ đối tác toàn diện lần này.”

Như vậy, không còn nghi ngờ gì nữa, vai trò quan trọng của CĐVN tại Mỹ trong bang giao Việt Mỹ đã được OBAMA-TRƯƠNG TẤN SANG long trọng xác định.

Obama thấy được vai trò quan trọng của CĐVN bởi lẽ CĐ này có khả năng tố cáo mạnh mẽ và chính xác trước Quốc Hội Mỹ mọi gian dối của Hà Nội trong chương trình hạ bệ kinh tế quốc doanh của CSVN.

Trương Tấn Sang nhận ra vai trò quan trọng của CĐVN với hy vọng sẽ thành công trong việc “năn nỉ” CĐVN nhẹ tay trong hành động tố cáo những lọc lừa của Hà Nội. Dĩ Nhiên CĐVN sẽ không bao giờ nghe theo những dụ dỗ của CSVN. Tuy nhiên muốn dùng TPP để buộc Hà Nội phải thực sự qui hàng dân chủ nhân quyền thì CĐVN tại Mỹ phải biết nghe nhau nói và cùng nhau hành động.

CĐVN tại Mỹ sinh hoạt riêng rẽ trong rất nhiều đoàn thể khác nhau: tôn giáo, văn hóa, giáo dục, thể thao, văn nghệ… Làm thế nào thuyết phục CĐ này cùng bắt tay nhau, tác động vào bang giao Việt Mỹ sao cho Việt Nam sớm có độc lập chính tri, dân chủ nhân quyền và kinh tế phi quốc doanh? Câu trả lời nằm ở nhu cầu hình thành một phong trào quần chúng có mục đích đòi hỏi bang giao Việt Mỹ cần phải được nâng cấp hợp tác toàn diện theo hướng dân chủ hóa Việt Nam. Câu hỏi được đặt ra là phong trào này lấy thành phần nhân sự từ đâu để làm lực lượng hạt nhân giúp phong trào lớn mạnh? Thưa rằng lực lựơng hạt nhân vừa kể chính là những người sinh sống tại Miền Nam Việt Nam trước 1975.  Tuy nhiên, nói là Miền Nam Việt Nam lại sợ bị hiểu lầm là bao gồm cả Mặt Trận GPMNVN, vì vậy, chúng tôi chọn tên gọi là Phong Trào Đoàn Kết VNCH.

Phong Trào này ước mong sẽ được sự hưởng ứng của tất cả những ai đã có mặt tại VNCH trong khoảng 1954-1975.

Đây là những người có chung lịch sử vinh nhục của một quốc gia nghèo bị bàn cờ chính trị quốc tế tùy nghi mua bán đổi chác.

Đây là những người  đã từng cùng nhau sống dưới áp lực khủng bố của pháo kích, của hầm chông, mìn bẫy, của đủ loại bom đạn xuất phát từ phía Cộng Quân.

Đây là những người đã sống qua những đêm đen, lòng chùng xuống với những nhạc khúc “Kỷ vật Cho Em”, “Anh không Chết Đâu Em”, “Xuân này con không về” v.v.…, tai vẫn nghe văng vẳng tiếng bom đạn của một chiến trường không xa thành phố…

Sau cùng nhưng quan trọng nhất, chế độ VNCH, công dân VNCH đích thực là những người đã đoạt chiến thắng trong chiến tranh Việt Nam 1954-1975. Thực vậy, sau 38 năm chiến tranh chấm dứt, người Việt Nam, Quốc gia cũng như Cộng Sản, người Việt trong cũng như ngoài nước cùng với công luận của toàn thế giới đều nghiêm chỉnh nhìn nhận VNCH quả thực là thành phần đã kiên cường đề cao và phục vụ chính nghĩa dân chủ nhân quyền bằng chính máu xương của từng người lính, từng người dân sinh ra và lớn lên tại Miền Nam Việt Nam. Quả thực ngày 30/04/1975 VNCH bị “gãy súng” và bị khống chế bởi hỏa lực quân sự của CSVN. Điều được gọi là chiến thắng của VC chẳng khác nào “chiến thắng” của một tên cướp dùng vũ khí để cưỡng bách khổ chủ phải giao nạp tài sản đương sự. Về mặt sử quan, kinh tế, văn hóa, chính trị…rõ ràng VNCH đã chiến thắng. VNCH đã giải phóng Miền Bắc Việt Nam.

Tất cả những sự việc vừa mô tả ở trên, nay đã cô đọng lại thành tấm lòng thân mến giữa những người có chung một văn hóa, một chính nghĩa, có chung vô số kỷ niệm của biết bao tử biệt sinh ly …Với những tâm tình vừa trình bày, chúng tôi tha thiết kêu gọi những người VNCH hãy đoàn kết lại. Đoàn kết không nhằm thành lập chính phủ lưu vong, không nhằm mưu bá, đồ vương, không nhằm vận động cho một VNCH tái sinh. VNCH đoàn kết lại vì chúng ta là thành phần dễ đoàn kết nhất. VNCH đoàn kết lại như một lực lượng hạt nhân có mục đích tiến tới kiến tạo khối đoàn kết người Việt trong và ngoài nước, người Việt Bắc, Trung, Nam. Khối đại đoàn kết này sẽ là thế lực lớn trong nỗ lực vừa giải trừ guồng máy cầm quyền CSVN độc tài tham ô, vừa chống Trung Cộng bá quyền, vừa xây dựng một VN chủ quyền độc lập, dân chủ nhân quyền, kinh tế phồn vinh và công bằng.  Đó tất cả ý nghĩa cốt lõi của công việc vận động cho sự ra đời của Phong Trào Đoàn Kết VNCH.  Phong trào này là hệ quả tất nhiên có tính tự phát của người Việt Nam yêu Quê Hương – Quê Hương đang lâm nguy trên cả hai địa bàn quốc nội và quốc tế.

© Đỗ Thái Nhiên

(Diễn văn ông Đỗ Thái Nhiên đọc tại buổi hội nghị ra mắt Phong Trào Đoàn Kết VNCH, Little Saigon, 15.9.2013. ĐCV bỏ bớt những phần “kính thưa…” để thành một bài viết. Độc giả có thể xem nguyên văn tại trang Chuyển Hoá và YouTube ở phút 39).

 

 

Phản hồi