WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tiếp cận hậu cách mạng mùa xuân Ả-Rập

Tác giả và một gia đình người Ai Cập mới quen tại khu vực Kim Tự Tháp Giza, Cairo

Tác giả và một gia đình người Ai Cập mới quen tại khu vực Kim Tự Tháp Giza, Cairo

Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập xảy ra năm 2011 tại vài quốc gia Ả Rập đã gần như hoàn toàn bị người Việt quên lãng. Tin tức của những cơ quan truyền thông trong nước cũng như tiếng Việt hải ngoại không còn đề cập tới các tin liên quan tới hậu Mùa Xuân Ả Rập nữa. BBC tiếng Việt cũng không đề cập tới tin tức nóng tới cực điểm ở Libya. Tháng 7 vừa qua (2014) tôi đã “thơ thới” lang thang vào Ai Cập, một trong các vùng đất của Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập 2011. Và nếu không bị ngăn chặn thì tôi cũng đã “thơ thới” đi vào Libya, nơi Cách mạng Mùa Xuân Ả Rập 2011 đang để lại những hậu quả tai hại khôn lường.

Như thường lệ nghỉ hè hàng năm, tôi lang thang một tháng tại vài quốc gia nào đó. Tháng 7/2014, tôi mua một vé máy bay đa thành phố (multicity) từ Hoa Kỳ tới Thổ Nhĩ Kỳ và trở về từ Ai Cập. Trong khoảng giữa hai thời gian đó tôi lang thang tới những nước nào là tùy theo tình hình còn dư bao nhiêu thời gian. Sau khi chấm dứt Thổ Nhĩ Kỳ, tôi bay tới thủ đô Amman của Jordan. Dự trù sau đó sẽ vượt biên giới đường bộ vào Israel, rồi từ Israel vượt biên đường bộ vào Ai Cập.

Nhưng rồi bất ngờ chiến sự giữa Israel và Palestine bùng nổ ngày càng mạnh khiến Israel phải tạm đóng cửa biên giới. Cuộc giao tranh bằng hỏa tiễn và chống hỏa tiễn (iron-dome) giữa Israel và người Palestine khiến không những giải Gaza của Palestine nguy hiểm mà ngay cả thủ đô Tel Aviv của Israel cũng không an toàn bởi hỏa tiễn bắn từ giải Gaza. Vậy mà tôi vẫn gặp tại Jordan hai người cương quyết tìm cách vào Israel. Người thứ nhất là chàng trai Mỹ trắng khoảng 30 tự giới thiệu là một freelance reporter và người thứ hai là một thiếu nữ tây ba lô người Croatia ở cùng nhà trọ sinh viên (hostel) với tôi.

Không thể vào Israel được, tôi dự định dành mấy ngày được dự trù thăm Israel để bay đi Libya trước khi từ Libya đi đường bộ vào Ai Cập từ biên giới phía tây của nước này.

Tôi điện thoại cho một người quen thân có chồng là đại sứ một nước phương tây tại Libya thì bà này với giọng sôi nổi cho biết chính bà cũng đang bị kẹt tại Paris chứ không về thủ đô Libya với chồng được. Bà cho biết các nhân viên không quan trọng của tòa đại sứ đã được cho về nước còn chồng bà phải tiếp tục ở lại. Tin mới nhất (lúc đó, gần cuối tháng 7) chồng bà cho biết điện đã bị cắt và ông ta phải ăn đồ hộp. Các tòa đại sứ khác cũng bắt đầu cho nhân viên không quan trọng di tản. Tôi liền google tin tức về Libya thì thấy tình hình thủ đô Tripoli của Libya đã thật sự xấu giống hệt như tình hình thủ đô Sai Gòn của Việt Nam Cộng Hòa vào những ngày cuối tháng Tư 1975. Không thể bay vào Libya được, tôi đành phải bay từ thủ đô Amman của Jordan vào thủ đô Cairo của Ai Cập với số ngày thật thừa thãi.

Trước khi viết những dòng này, tôi điện thoại nói chuyện với bà vợ ông đại sứ nước phương tây nêu trên thì được biết hai tuần trước (hôm nay là 24-8), ông chồng bà đã phải đưa 15 nhân viên cuối cùng của tòa đại sứ, mỗi người chỉ mang được một vali nhỏ, chạy (đúng theo nghĩa đen) ra phi trường để đi nhờ máy bay của một quốc gia Đông Âu ra khỏi Libya. Tất cả đồ đạc, quần áo của gia đình bà và của các nhân viên đều bị mất hết.

Tình hình rối loạn hậu Cách Mạng Mùa Xuân Ả Rập tại Libya ảnh hưởng nặng nề tới tình hình an ninh của mấy quốc gia lân cận, trong đó có Ai Cập. Ngay lúc tôi còn ở Ai Cập, theo tờ The Guardian ra ngày mùng 4/8/2014, cựu bộ trưởng ngoại giao Ai Cập và cũng là cựu Tổng Thư Ký Liên đoàn Ả Rập (the Arab Legue), ông Amr Moussa, đã tuyên bố rằng tình hình rối loạn tại Libya có những ảnh hưởng quan trọng tới tình hình an ninh Ai Cập. Nguyên văn ông nói, “Tình hình tại Libya là mối quan tâm lớn đối với Ai Cập và toàn thể Liên Đoàn Ả Rập.” Ông nói tiếp, “Tình trạng giao tranh giữa các phe phái tại Libya đe dọa trực tiếp tới an ninh Ai Cập. Tôi kêu gọi công luận (Ai Cập) thảo luận về mối nguy cơ này và xây dựng sự ủng hộ cần thiết trong trường hợp chúng ta phải hành xử quyền tự vệ.” Uy tín của ông Moussa đã khiến đồn đoán một cuộc tấn công của Ai Cập vào Libya đang được xem xét (on the table). Trên trang nhất của tờ al-Masry al-Youm, một trong các tờ báo tư nhân lớn nhất Ai Cập đã chạy tựa, “Libya bị tàn phá (burns), và Ai Cập đang toan tính một giải pháp quân sự (approaches a military solution).”

Tuy nhiên không phải ai cũng đồng ý với quan điểm của ông Moussa. Phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Ai Cập từ chối bình luận về tuyên bố của cựu Ngoại Trưởng Moussa, và một nguồn tin từ chính quyền Ai Cập cho hay họ biết là Ai Cập không có kế hoạch can thiệp quân sự vào Libya. Ngày 24/8, hãng thông tấn AP loan báo Tổng thống Ai cập phủ nhận sự lên án của dân quân hồi giáo quá khích ở Libya rằng Ai cập oanh tạc các vị trí của họ tại thủ đô Tripoli. Nguyên văn bản tin viết, “Tổng thống El-Sissi cho hay quân đội của ông chưa thực hiện bất cứ một cuộc hành quân nào ngoài lãnh thổ Ai Cập “cho tới nay”.

Mặc dù vậy, tờ báo cũng viết rằng tình hình bất ổn tại Libya đã củng cố vị trí của Tướng Sissi, nhà lãnh đạo Ai Cập hiện tại (1). Tuy nhiên, trong khi đi lại nhiều nơi tại Ai Cập tôi không thấy người dân quan tâm tới chiến sự và rối loạn chính trị đang diễn ra tại lân quốc Libya. Dù sao thì tôi cũng cảm nhận vị trí của Tân Tổng thống Sissi của Ai Cập đang được củng cố nhưng bởi một sự kiện khác: Người dân Ai Cập đang mong muốn có một sự ổn định chính trị để làm ăn sinh sống. Sự kiện này được thấy rõ tại Ai Cập qua những bích chương lớn in hình Tổng thống Sissi cùng với hai cố Tổng thống Nasser và Sadat được dán khắp hang cùng ngõ hẻm. Hàng ngày, tại nhà trọ sinh viên (hostels), người Ai Cập say sưa theo dõi tin tức truyền hình liên quan tới Tổng thống Sissi một cách thích thú. Họ hỏi tôi nghĩ sao về Tổng thống Sissi. Dĩ nhiên tôi phải khen ông đã dẹp được sự rối loạn chính trị để tạo sự ổn định. Họ đồng ý và co cánh tay với bàn tay nắm lại phát biểu “Ông ta cứng rắn!” (he’s strong!) Dân chúng Ai Cập đã chán tình hình rối loạn trước đó kéo dài từ sau Cách Mạng 2011 tới khi Tướng Sissi đảo chính lật đổ Tổng thống dân cử Morsi của lực lượng Huynh Đệ Hồi Giáo (Muslim Brotherhood) ngày 3/7/2013.

Mặc dù trước khi đi tôi cũng đã đọc bản lưu ý của Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ khuyên công dân Hoa Kỳ không nên du lịch không cần thiết tới Ai Cập, nhưng khi tới thủ đô Cairo tôi thấy tình hình yên tĩnh, và dân chúng có vẻ bình thản. Tuy vậy lực lượng an ninh vũ trang hiện diện khắp nơi. Tại mỗi cao ốc tư nhân cũng đều có một nhân viên an ninh đeo súng lục bên thắt lưng canh gác. Ngoài ra cũng còn nhân viên bảo vệ không mang súng nữa. Cairo có nhiều loại nhân viên an ninh. Tôi không hiểu ai là an ninh tư và ai là viên chức an ninh chính phủ, ai là lực lượng vũ trang đóng nút chận trên nhiều tỉnh lộ, quốc lộ bên ngoài thành phố. Ngay cả phụ giúp vào việc duy trì trật tự giao thông cũng có lực lượng dân sự phụ giúp cảnh sát giao thông.

Nhưng cảnh sát giao thông và lực lượng trợ giúp duy trì trật tự giao thông đều không vũ trang, không có cả dùi cui và roi điện. Họ điều động lưu thông nhưng nếu có xe không tuân lệnh thì họ cũng bỏ qua (họ chỉ nhìn theo lắc đầu!) Hoặc khi chặn lại cũng chỉ “giáo huấn” vài câu, chứ không có hình phạt “chết người” hay nạt nộ như ở Việt Nam.
Lực lượng an ninh nhà nước duy nhất tôi nhận rõ là cảnh sát vũ trang và xe bọc thép. Nói chung, đi qua nhiều nơi ở Ai Cập thì lực lượng vũ trang canh gác rất nhiều, nhưng phong thái của họ không có vẻ căng thẳng, khiến tôi thắc mắc không biết việc bố trí đông đảo lực lượng an ninh vũ trang đó dùng để chống ai. Nếu chống tội phạm hình sự thì không cần phải bố trí đông đảo lực lượng an ninh như vậy. Mà rối loạn chính trị thì không còn nữa. Sự hiện diện của lực lượng an ninh đông đảo ở ngay tất cả các địa điểm di chỉ khảo cổ dành cho du khách. Khi đi xem các bảo tàng viện hay các di chỉ khảo cổ dù ở nơi sa mạc xa xôi hay ngay trung tâm thành phố đều thấy có nhân viên cảnh sát vũ trang hiện diện bên cạnh nhân viên soát vé. Ngoài ra lại còn có cả máy chiếu mọi ba-lô, túi xách của khách cũng như cổng xét kim loại như ở mọi phi trường trên thế giới. Nhưng qua phong thái làm việc, qua biểu lộ của gương mặt của các nhân viên, dễ dàng nhận ra các biện pháp này đều có vẻ hình thức; nhân viên thi hành đều làm một cách chiếu lệ. Nơi tập trung đông đảo lực lượng an ninh vũ trang và xe bọc thép nhất là trước Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở thủ đô Cairo (Egyptian Museum). Có lẽ có đến hơn chục xe bọc thép xếp hàng sát nhau ngay trước cổng Viện Bảo Tàng. Tôi không dám lấy máy hình ra chụp số xe bọc thép này. Việc tập trung đông lực lương an ninh ở đây tôi hiểu được, vì trong mấy năm trước, các cuộc biểu tình bạo động có xảy ra cảnh xâm nhập phá hoại và lấy cướp một số đồ cổ trưng bày trong viện bảo tàng quan trọng nhất Ai Cập này. Những ai yêu văn hóa, những du khách, nhất là những du khách tây ba lô, là thành phần yêu văn hóa thế giới nhất, thường rất lo lắng khi có tin tức rối loạn chính trị đưa tới cướp phá các cổ vật trưng bày trong các Viện Bảo Tàng, như trường hợp Viện Bảo Tàng Quốc Gia ở thủ đô Baghda của Iraq trong các cuộc rối loạn năm 2003 trước khi Saddam Hussein bị lật đổ.

Trên các tỉnh lộ và quốc lộ, cách một quãng ngắn lại có mô thấp buộc mọi xe cộ phải tự động giảm tốc độ. Biện pháp này được áp dụng tương tự ở Mexico. Các nhân viên vũ trang đứng tại các trạm kiểm soát dọc đường không chặn xe lại để kiểm soát. Không biết họ được bố trí như vậy để làm gì.

Tác giả đang đứng ở sa mạc bờ tây của thành phố Luxor. Sau lưng tác giả là hàng trăm ngôi mộ cổ hơn 2000 năm.

Tác giả đang đứng ở sa mạc bờ tây của thành phố Luxor. Sau lưng tác giả là hàng trăm ngôi mộ cổ hơn 2000 năm.

Điều tôi ngạc nhiên nhất là tại thủ đô Cairo của một đất nước có năm ngàn năm văn hóa, cái nôi của văn minh nhân loại, một địa điểm mà nhiều người ưa đi du lịch thường nhắc tới như một địa điểm phải tới, mà không có một văn phòng du lịch nào. Tại nhà trọ sinh viên nơi tôi ở có một anh hoạt động du lịch (tour operator). Tour của anh ta rất rẻ. Nhưng anh ta có vẻ hoạt động cá thể chứ không liên hệ với một công ty du lịch lớn nào. Tôi hỏi các tờ quảng cáo du lịch anh ta không có. Thật là không chuyên nghiệp. Một tour cá nhân (private tour) đi thăm các Kim Tự Tháp nằm ở hai địa điểm cách xa nhau và cách xa Cairo 20 km chỉ mất có $24 USD, đi từ 8:30 sáng tới 4:00 chiều. Tôi có một danh sách mấy địa điểm cần tới trong thủ đô Cairo nhưng tôi không thể tự đi đến nơi vì đại đa số dân chúng, kể cả tài xế taxi, không nói tiếng Anh, mà cũng không biết đọc địa chỉ được viết theo mẫu tự la-tinh. Tên đường phố toàn bằng tiếng Ả Rập cho nên du khách không thể tự tìm đường được. Mỗi khi ra đường đi bộ vài ngã tư là tôi đã quên đường về vì tên đường toàn được viết bằng tiếng Ả Rập. Sau khi tìm cách tự đi không được, mặc dù các địa điểm không xa và taxi rất rẻ, tôi đành phải nhờ anh tổ chức tour. Một ngày taxi đưa đi tất cả địa điểm trong danh sách ở Cairo chỉ mất hơn chục đô la Mỹ. Quá rẻ! Đi ăn một bữa tối có ca nhạc khá hay trên du thuyền chạy trên sông Nile (diner cruise) chỉ tốn có $30 USD. Trong số $30 USD này tôi thấy phải chia ra: phần của anh ta (người tổ chức), phần ăn của tôi, phần ăn của người tài xế taxi (họ cũng ăn như tôi), và tiền công trả người tài xế. Như vậy mỗi phần không phải là nhiều.

Theo dự trù, tôi sẽ bay từ Cairo đi miền Nam Ai Cập là vùng Luxor, một trung tâm du lịch khác của Ai Cập, rồi từ đó tôi tự đi mọi nơi. Nhưng book máy bay nội địa không được. Hãng Orbitz cho biết không bán vé máy bay nội địa vùng đó. Hãng E-dreams có cho thấy các chuyến bay, nhưng tôi book thì cứ bị trục trặc về credit card (đấy là theo phản hồi điện tử của hãng). Không mua vé máy bay được mà mua vé xe lửa thì một chuyến cũng hết $100 USD và họ buộc phải trả bằng tiền đô la Mỹ chứ không nhận credit card. Mà tiền mặt tới lúc đó thì tôi không còn nhiều, cần phải giữ để chỉ xử dụng khi thật cần. Tôi đành nhờ anh tổ chức tour. Thật là hết sức bất ngờ. Anh ta đưa ra một cái giá rẻ hơn nếu tôi tự mua vé máy bay rất nhiều. Hôm đó, nếu tôi tự mua vé máy bay, giá sẽ là $250 USD cho vé khứ hồi. Tiền taxi đưa đón tại phi trường 3 lần hết ít nhất $30 USD. Ba ngày thăm viếng tất cả mọi địa điểm tại vùng Luxor sẽ tốn không biết bao nhiêu tiền taxi nữa. Nhưng anh ta chỉ lấy tôi $333 USD. Như vậy trừ $280 USD tiền máy bay khứ hồi và taxi đi, đến phi trường, chỉ còn lại $53 USD cho ba ngày đi khắp mọi địa điểm theo danh sách tôi đưa ra ở Luxor. Vị chi mỗi ngày chỉ có $14 USD. Không thể ở đâu có giá nào rẻ hơn. Sau đó tôi thấy cần người hướng dẫn (tour guide). Tour guide cần để bảo đảm tài xế taxi đưa tới đúng nơi và để sau khi xem các di tích cổ, có khi mất mấy tiếng đồng hồ, lúc trở ra có tour guide liên lạc taxi tới đón. Chỉ tốn thêm $10 USD mỗi ngày cho tour guide. Anh tổ chức tour hỏi tôi cần khách sạn không? Tôi cho biết chỉ ở khách sạn $10 USD một đêm thôi. Anh ta nói $13 USD một đêm sẽ ở khách sạn 4 sao. Tôi đồng ý liền. Nếu tự đi sẽ mất nhiều thì giờ hơn mà lại tốn hơn rất nhiều. Khi trở lại Cairo, tôi cũng định tự đi thành phố biển nổi tiếng Alexandria bằng tầu điện (train). Tuy vé tầu chỉ tốn $8 USD một chuyến, nhưng phải mua vé trước một ngày, và tầu không khởi hành sớm lúc 6 giờ để có thể tới nơi lúc 9 giờ và sau khi đi xem mọi nơi có thể trở về vào khuya cùng ngày. Tôi bèn hỏi anh tổ chức tour thì anh ta lấy $85 USD xe taxi chở đi khắp nơi ở Alexandria theo danh sách của tôi đưa ra. Tôi cần thêm anh tour guide và tốn thêm $15 USD nữa. Như vậy vẫn là quá rẻ. Bình thường đi tour một ngày tại Alexandria cũng mất $126 USD mà là đi theo group chứ không đi một mình như tôi.

Giá tour quá rẻ như vậy nhưng “tuyệt nhiên” không có du khách. Tôi không thấy bóng dáng nam nữ tây ba lô lang thang trên đường phố tìm hay rời nhà trọ. Với kinh nghiệm của tôi, ở đâu có tây ba lô là ở đó an toàn và có những địa chỉ du lịch đáng tới. Nơi nào không có tây ba lô là ở đó không an toàn hay không có gì đáng tới. Tại khu vực ba Kim tự tháp nổi tiếng du khách rất đông, nhưng đại đa số là du khách nội địa. Tour ăn tối trên du thuyền (diner cruise) cũng chỉ thấy đa số là du khách nội địa. Khi tới Luxor thì mới rõ là có thể nói gần như hoàn toàn không có du khách. Khách sạn tôi ở quả thực là 4 sao, có hồ bơi, nhà ăn khoảng 100 ghế được trang hoàng lịch sự. Khách sạn 4 tầng và bề ngang rất rộng, tổng cộng có lẽ cũng phải trăm phòng. Nhưng khách ở chỉ có khoảng 4, 5 người. Nhân viên phục vụ cho biết từ ngày có cách mạng 2011 (họ không gọi là Cách Mạng Mùa Xuân Ả Rập) thì kinh tế đình trệ, du khách không có. Nhân viên đã phải sa thải một nửa; hiện chỉ còn 2 đầu bếp và mấy người phục vụ, 3 người tiếp tân. Buổi sáng tôi thấy đích thân ông chủ phải đi chợ để chỉ mua vài rổ thức ăn. Ba ngày đi khắp nơi ở Luxor tôi chỉ gặp có 2 xe buýt chở mỗi xe khoảng hơn chục du khách nước ngoài. Chỉ có mình tôi với taxi và tour guide là đi khắp nơi, suốt dọc mấy chục kilomet sa mạc ở bờ tây của khúc sông Nile chia đôi thành phố Luxor, vùng du lịch chính, vì có hàng trăm ngôi mộ cổ của hoàng gia cách nay hơn 2000 năm trong Valley of the Kings và Valley of the Queens, cùng mấy ngôi đền nổi tiếng. Taxi và xe ngựa trong thành phố chỉ tốn khoảng 10 LE (= $1.5 USD) mà không có khách. Thấy du khách là họ theo nài nỉ. Đi hết mọi nơi ở Luxor xong tour guide mời tôi đi vùng Aswan ở cực nam của Ai Cập, chỉ cách Luxor có 2 tiếng rưỡi taxi, đó cũng là một địa điểm du lịch nổi tiếng. Tôi cũng muốn đi nhưng tôi vào một văn phòng du lịch ở Luxor (chỉ ở Luxor tôi mới thấy có một văn phòng du lịch này.) để hỏi giá. Với hy vọng có giá rẻ hơn, tôi nói muốn đi theo group thì họ cho biết không có group. Tôi hỏi tại sao thì họ cho biết vì không có du khách. Tôi trở về hỏi tour guide thì anh ta nói không sao đâu, anh ta bảo đảm. Tôi cười nói, anh bảo đảm nhưng đám khủng bố bắt tôi chứ đâu có bắt anh. Trở về Cairo để đi Alexandria tôi cũng chỉ gặp khoảng một chục du khách ở mấy di chỉ khảo cổ nổi tiếng. Còn thì hàng ngàn du khách vui chơi ở khu vườn nổi tiếng Montazah Palace Gardens, nhưng là du khách nội địa. Tất cả mấy tour guide ở Luxor, ở Alexandria và anh chàng tổ chức tour cho tôi ở Cairo đều cho biết từ sau Cách Mạng 2011 du khách không có. Giọng nói có vẻ than vãn. Khi biết tôi cũng là người hay viết bài về du lịch cho báo mạng tiếng Việt, mấy người đó đều nhờ tôi viết cho du khách biết là lúc này Ai Cập đã hoàn toàn an ninh, du lịch an toàn. Quả thật tôi cũng muốn chuyển tới độc giả thông tin như vậy. Theo tôi, cho dù sau này có xáo trộn chính trị, biểu tình và dẹp biểu tình, thì những biến cố đó không liên quan tới du khách. Cả chính quyền lẫn dân chúng biểu tình đều biết rằng du khách là một nguồn sống quan trọng của họ nên họ sẽ không bao giờ đụng tới và tìm hết cách bảo vệ. Chỉ trừ vùng nào có hoạt động của các phần tử hồi giáo quá khích thì du khách nên tránh, đó là phía cực nam của Ai Cập.

Nhưng thật bất ngờ, ngày 15-8-2014, bản tin của AP viết, có ít nhất ba người thiệt mạng tại thủ đô Cairo trong ngày Thứ Sáu 15/8 khi những người ủng hộ cựu Tổng thống Morsi tổ chức nhiều cuộc biểu tình rải rác sang ngày thứ nhì, tưởng niệm một năm cuộc thảm sát tập thể những người biểu tình ngồi hai ngày tại thủ đô Cairo. Cảnh sát bắt giữ ít nhất 14 người biểu tình. Bộ y tế cũng loan báo, các cuộc đụng độ giữa người biểu tình với lực lượng an ninh trong ngày Thứ Năm trước đó cũng khiến bốn người thiệt mạng (2).

Cho dù những biến cố này không ảnh hưởng tới an ninh của du khách, nhưng vẫn khiến du khách tránh né Ai Cập, và người dân Ai Cập sẽ vẫn tiếp tục đói như từ sau Cách Mạng Mùa Xuân Ả Rập tới nay.

© Nguyễn Tường Tâm

© Đàn Chim Việt

———————

(1) ttp://www.theguardian.com/world/2014/aug/04/egypt-consider-military-action-libya-amr-moussa
Egypt should consider military action in Libya, says senior statesman

http://www.theguardian.com/world/2014/aug/02/british-embassy-withdraws-libya-attacks-ambushes

Britain to close embassy and withdraw staff from Libya

http://www.foxnews.com/world/2014/08/24/egypt-president-denies-any-military-involvement-in-libya-after-mystery/

Egypt’s president denies any military involvement in Libya after mystery airstrikes

(2) http://www.nytimes.com/2014/08/16/world/middleeast/egypt-protests-end-in-violence-again.html
Egypt: Protests End in Violence Again

2 Phản hồi cho “Tiếp cận hậu cách mạng mùa xuân Ả-Rập”

  1. khach says:

    Có lẽ tác giả lầm vì một phần ăn fast food (như Mac Donalds) cho dân bản xứ giá 4 USD hoặc 5 USD. Ăn tối trên thuyền Nile Maxim , có múa bụng và múa quay vòng vòng , giá 50 USD một người. Đó là vào năm 2010.

    • Nguyễn tường Tâm says:

      Chào ông Khách Say (hi/hi!)
      Tôi không lầm đâu. Đi để viết mà lầm thì viết thế nào được. $30 USD cho diner cruise và du thuyển chạy 2 tiếng trên song Nile ở Cairo. Rẻ thế mới khiến mình ngạc nhiên chứ! Và có ngạc nhiên thì mình mới viết cho độc giả chứ!
      Cám ơn ông Khách Say đã đọc và cho ý kiến. Khi nào Khách Tỉnh sẽ hẹn dịp đi du lịch chung (hi/hi)
      thân quí

Leave a Reply to Nguyễn tường Tâm

Loading...