WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Cuba thức giấc

 

Một bài phóng sự

Nếu người Việt lưu vong có Orange County thì người Cuba lưu vong có Miami. Nếu ở Orange County có Little Saigon thì ở Miami có Little Havana. (Chỉ khác một điều là người Cuba lưu vong đoàn kết hơn người Việt, nhờ vậy, họ có nhiều đại diện cấp liên bang, tiểu bang, thành phố và trong các đại công ty, như Coca Cola.)

Bên trong Little Havana có cửa hàng “Nooo! Que Barato!” tạm dịch “Chu choa! Quá rẻ!” Trước đây, cửa hàng này đã tấp nập sẵn, nhưng kể từ sau khi Hoa Kỳ và Cuba tuyên bố chính thức mở lại bang giao vào cuối năm 2014, và sau chuyến đi Cuba của Tổng thống Obama hồi tháng 3 vừa qua, cửa hàng này ngày càng tiền vô như nước.

Lý do: người Mỹ gốc Cuba chen chân vào tiệm này để mua những món hàng có giá hạ để gửi về cho bà con bên nhà.
Thật vậy, một gói 6 cái chuối chiên cho phụ nữ chỉ có $5.99, một áo thun cánh liền ông “mát-ze in Vietnam” cũng chỉ $5.99.

Người dân Cuba lâu nay vẫn trông cậy vào quà của bà con bạn bè bên Mỹ. Mỗi năm, người Mỹ gốc Cuba trung bình gửi về khoảng 2,5 tỉ đô la, người gửi đa số sống tại Miami và vùng phụ cận.

Chính phủ của Tổng thống Obama đã gỡ bỏ giới hạn số tiền gửi về cho thân nhân bên Cuba, và cho phép gửi về một số hàng trước đây bị cấm. Những chuyến phà từ Mỹ đến Cuba và đường bưu điện được mở lại làm cho hàng hóa mang vào dễ hơn.

Người Mỹ gốc Cuba ở Miami nói rằng lâu nay họ vẫn vui vẻ cung cấp cho bà con đau khổ thiếu thốn bên nhà những nhu yếu phẩm để có thể ăn no mặc ấm. Nhưng kể từ khi cánh cửa tự do đã mở ra, bà con bên nhà bỗng dưng quay sang yêu cầu những món theo kiểu ăn ngon mặc đẹp.

Hiện tượng này khiến nhiều người ở Little Havana lười nhấc điện thoại để khỏi phải trả lời những đơn đặt hàng hiệu hoặc mỹ phẩm cao cấp. Kẹt quá thì họ bịa ra lý do để khỏi phải nghe điện thoại.

Bà Eloisa Canova, có mấy em gái vẫn còn ở Cuba cho biết: “Tôi nghe điện thoại nhưng nói, chị đang lái xe trong đường hầm, sóng chập chờn, không nghe rõ, hả, hả, hả… không nghe gì hết. Chán ơi là chán.”

Ngoài đồ lót và quần áo, bà con bên nhà cũng yêu cầu iPhone 6, kính Ray-Ban, giày Nike; nhưng quan trọng nhất vẫn là đô la Mỹ, để họ có tiền mua các phút bỏ vào các thẻ điện thoại di động. Người nào có nhiều phút trên điện thoại sẽ có dịp lướt Internet, tra cứu những món hàng xịn trên không gian cyber để yêu cầu bà con bên Miami mua gửi về cho mình.

Món hàng ưu tiên 1 xin gửi về vẫn là điện thoại di động. Nhưng không phải hiệu nào cũng được, mà phải là iPhone 6, dưới 6 là không ổn. Chẳng những vậy mà họ còn đặt trước những sản phẩm sắp ra của Apple. Laptop và máy tính bảng cũng có ưu tiên cao.

Nhờ được truy cập Internet thoải mái hơn trước, người dân Cuba bây giờ mở ra được một cánh cửa mới, biết được những món hàng cao cấp của các nước phương Tây. Năm ngoái, anh em Castro đã tăng những điểm có wifi lên thành 65 và hứa năm nay sẽ có thêm 58 điểm. Tốc độ truy cập Internet cũng bắt đầu khá hơn.

Năm 2014, trong số 11 triệu dân Cuba có 2,5 triệu người thuê bao điện thoại di động. Qua đến năm 2015 có 3,4 triệu.
Cuba vẫn là nước có ít người sử dụng Internet nhất trong số các nước khu vực Tây Bán Cầu. Ước tính vào khoảng 10% dân Cuba có điều kiện truy cập Internet. Ngay tại trung tâm Havana, nhiều người tụ tập quanh những điểm có wifi công cộng, đến giờ khuya vẫn còn thấy họ bấm bấm quẹt quẹt để gửi tin nhắn hoặc lướt web.

Ngoài điện thoại di động, các món hàng ưu tiên yêu cầu gửi về còn có đồ lót, nội y, cho phụ nữ. Nhưng các cô các bà sành điệu bây giờ không còn muốn loại chuối chiên bán theo lố nữa mà chỉ muốn của Victoria’s Secret thôi.

Còn các ông? Cư dân Miami 66 tuổi, ông Luis Nieves, rời Cuba năm 1999: “Mấy ông bạn tôi chỉ muốn thuốc Vê màu xanh xanh. Tôi trả lời họ ở bên này tôi không xài thứ đó, và đương nhiên nếu tôi không xài thì tôi không gửi.”

Chỉ có thành phần có thân nhân bên Mỹ viện trợ mới có cuộc sống tạm ổn, còn đa số người dân Cuba vẫn còn thiếu những món cần thiết. Nhiều cửa hàng có những kệ trống trơn. Lương tháng trung bình, nếu may mắn kiệm được việc, chưa tới 25 đô la Mỹ.

Bà Sandra Cordero là một giáo viên rời Cuba năm 1980, có chồng làm tài xế xe tải. Bà nói bây giờ thì đơn đặt hàng có cả thuốc sơn móng tay, giầy xịn, máy ép tóc cho thẳng: “Thật tình mà nói, tôi chẳng vui vẻ gì. Cách đây mấy năm họ chẳng hề xin những những món đấy. Vấn đề thực sự ở đây là họ không hiểu, họ bị cô lập với thế giới bên ngoài khá lâu nên cứ tưởng ở bên Mỹ này đồng đô la từ trời rơi xuống.”

Ông Alfonso Martin, giáo sư môn văn học Tây Ban Nha kể lại vào năm 2013, hai người em họ ông ở Havana thuộc độ tuổi dưới 30 xin ông gửi iPhone, ông đã gửi cho họ hai chiếc loại 4s vào dịp Giáng Sinh. Năm ngoái, tức là chưa đầy hai năm, họ lại xin hai máy loại 6s.

Tôi hỏi họ, bộ hai máy kia hư rồi hả? Họ trả lời không, chúng em chỉ muốn bắt kịp thời đại. Tôi từ chối và họ có vẻ giận dỗi. Sau đó ngồi nghĩ lại, tôi thử đặt mình vào vị trí của họ. Họ đang thiếu thốn và chỉ muốn có những gì mà người khác đang sở hữu. Nhưng sự thật là vào lúc nhận được yêu cầu của họ, chính tôi cũng không biết Apple đã ra loại iPhone 6.”

Phong trào thèm thuồng các sản phẩm và dịch vụ của phe tư bản khiến cho anh em nhà Castro rất khó để xóa bỏ giai cấp, tiến lên thế giới đại đồng, không còn người bóc lột người, và cuối cùng, khi mà giai cấp trung lưu lan rộng, sẽ trở thành một thách thức cho chế độ.

Một buổi sáng mới đây trong quán Versailles, một tiệm ăn quen thuộc tại Little Havana mà người Cuba lưu vong hay tụ tập, các khách hàng chia nhau xem và bàn tán tin trên tờ báo nói về buổi trình diễn thời trang của hàng Chanel ngay tại trung tâm Havana.

Ông Andy Castro, rời Cuba năm 1961, phát biểu: “Người dân Cuba chưa bao giờ được xem một buổi trình diễn thời trang như thế cả. Bây giờ thì bất kỳ người phụ nữ nào ở Cuba cũng mong có một bộ đồ và các món phụ tùng của Chanel.”

Từ 50 năm qua mới có một tàu du lịch đầu tiên của Mỹ, chở khách từ Miami đến Havana ngày 2 tháng 5 (Ảnh Adalberto Roque/Agence France-Presse via Getty Images)

Từ 50 năm qua mới có một tàu du lịch đầu tiên của Mỹ, chở khách từ Miami đến Havana ngày 2 tháng 5 (Ảnh Adalberto Roque/Agence France-Presse via Getty Images)

Lời bàn của Mao Tốn Cơm

Bài phóng sự trên tờ Washington Post cho thấy kể từ khi hai anh em nhà Castro bỏ ngoài tai lời anh Sáu Phong, không còn muốn cùng với đảng Cộng sản Việt Nam thay phiên nhau canh giữ hòa bình thế giới, người dân Cuba bây giờ đang có phong trào thi đua… không phải trong lao động mà trong hưởng thụ những sản phẩm và dịch vụ của bọn tư bản giãy chết.

Những cảnh nửa mếu nửa cười trong bài phóng sự có làm chúng ta nhớ lại cái thời ngay sau 75, người dân các đô thị miền Nam trông chờ các thùng quà của thân nhân ở các nước phương Tây gửi về? Các thùng quà đã giúp nhiều gia đình có được những bữa cơm có tí thịt, nhưng cũng làm chia rẽ, tan nát một số gia đình.

Tất cả chỉ vì… đói sau khi được… giải phóng, bên thắng cuộc đưa bên thua cuộc trở về thời kỳ đồ đá. Ai không tin chuyện này thì cứ hỏi những người chưa hề sống ở miền Nam trước 75 như Dương Thu Hương, Bọ Lập, và gần đây nhất lá Ái Vân. Giới cầm bút, giới nghệ sĩ thường rất nhạy cảm, và nhiều khi hay đi trước thời cuộc.

Khi nói đến sản phẩm và dịch vụ của tư bản, dân miền Nam đã từng biết qua quẹt Zippo, kính Ray Ban, thuốc Salem, rượu Johnny Đi Bộ… trong thời gian quân đội Mỹ có mặt. Vì thế họ không choáng ngợp khi nhìn thấy nhãn “mát-ze in USA” giống như dân miền Bắc.

Thông thường, trong ăn uống, khi ta đã từng kinh qua một món ngon nào đó rồi, thì khi gặp lại món đó, ta sẽ thưởng thức một cách từ tốn, lịch sự, chia sẻ với người cùng bàn. Ngược lại, ta sẽ phùng mang trợn má, ăn ngập mày ngập mặt, tọng đầy miệng, mồ hôi nhễ nhại, hả hê vừa nhai vừa nói vừa nốc… Bằng chứng là chỉ cần một bí thư xã cũng có một ngôi nhà to đùng.

Người dân miền Nam cũng đã từng biết qua thế nào là tự do báo chí, tự do bầu cử; họ biết quý trọng những thứ này cho nên mai đây chúng có trở lại, họ sẽ sử dụng các quyền này một cách khôn khéo, đúng đắn hơn. Đối với họ, ban tuyên giáo, chuyện hiệp thương, đảng cử dân bầu, đắc cử 99%… chỉ là những trò dỏm, nhưng vì đang ở trong thế trên đe dưới búa nên đành chấp nhận thôi.

Người dân miền Nam cũng đã biết 20 năm không theo cộng sản, họ đã chế được xe La Dalat, 40 năm bị cộng sản cai trị, một con ốc có độ bền tương đối cũng không sản xuất được.

Tại sao vẫn còn phân biệt vùng miền? Vì rõ ràng sau hơn 40 năm hai miền vẫn chưa hòa đồng được với nhau, bằng mặt nhưng không bằng lòng. Chính bác Cả Trọng công khai đầu têu chia rẽ bắc nam khi giảng rằng Tổng bí thư phải là người có  ’ný nuận’  và phải là Người  Miền Bắc.

Một khi đảng Cộng sản đổ sụp, các nhà lãnh đạo của chế độ mới cần nhận thức rõ tình hình. Trong Nam thì căm thù cộng sản. Ngoài Bắc vẫn còn nhiều người tin tưởng cộng sản vì cứ nghĩ rằng cuộc sống họ bây giờ khá hơn xưa là nhờ ơn đảng. Thay vì mấy gia đình chia nhau sống trong một diện tích tí teo, bây giờ họ được sống trong một căn hộ riêng biệt, có gạo trắng nước trong không cần tem phiếu, lại có xe máy tung tăng. Thành phần “ngáo Văn Ba” này không nghĩ rằng cộng sản tồn tại là nhờ công an có toàn quyền sinh sát, người dân cúi đầu cam chịu, và quan trọng nhất, nhờ có FDI và ODA, nếu không có đảng cuộc sống của họ sẽ khá hơn hiện tại, nếu có một chính quyền lương thiện, luật pháp minh bạch, Việt kiều các nơi trên thế giới sẽ ào ào đổ tiền về đầu tư, trước là để giúp nước Việt Nam khá lên, sau là có dịp về sống ở quê hương một cách thanh thản.

Trước tình hình như thế, các nhà lãnh đạo của chế độ hậu cộng sản cần khôn khéo, cẩn thận trong khi lập chủ trương chính sách. Ví dụ có nên đập tượng hoặc phá lăng giống như Saddam Hussein bên Iraq? Nếu không cẩn trọng, có thể sẽ xảy ra náo loạn, nội chiến không biết chừng?

© Châu Quang

© Đàn Chim Việt

7 Phản hồi cho “Cuba thức giấc”

  1. VNdunglen says:

    DCV nên thiết kế mục phản hồi với “phông chữ” như chữ nhập bình luận (to,rõ,dể đọc) chứ phông chữ phản hồi hiện tại vừa nhỏ vừa nhức mắt, bạn đọc muốn xem nhưng “lười con mắt” quá đi. Chúc DCV phongày càng phát triển được nhiều dân cư mạng ưa thích.

  2. Nguyễn Văn says:

    Mỹ không sợ mất Cuba nhưng sợ mất Việt Nam nên đối xử với cộng sản Cuba khác với cộng sản Việt Nam. Ví dụ như Mỹ không cấm gởi quà và không giới hạn người gốc Việt gởi tiền về cho thân nhân như với Cuba. Tại sao? Đơn giản. Vì Cuba ở sát bên Mỹ còn Việt Nam ở xa. Lẽ dĩ nhiên, ở gần nên không sợ mất mà sợ mất con bài ở xa. Nói rõ hơn là, Cuba và Việt nam, dù đều là cộng sản, nhưng Cuba ở xa tổ còn Việt Nam ở sát và nằm bên trong tổ.

    Cộng sản Cuba gần Mỹ nhưng xa Tàu và Nga nên Mỹ không sợ, không lo, vì Cuba không có sức và không dám quậy. Mỹ muốn Cuba “chết” càng sớm càng tốt để Cuba “về” với Mỹ nên Mỹ không trợ giúp làm ngơ, đợi hai anh em Castro nhà sản chết già và chế độ cũng sẽ buồn mà chết theo. Ngược lại, Việt Nam ở xa Mỹ nhưng sát Tàu và gần Nga hơn nên Mỹ sợ “mất”. Sợ mất hơn sợ chết. Sợ mất là sợ theo Tàu theo Nga chống Mỹ hơn sợ chế độ chết. Thay đổi con người cộng sản là khó nhưng thay đổi tư duy lại càng khó hơn. Điều này Mỹ hiểu rất khó nên phải có thời gian và nhẫn nại, từ từ đào tạo những thế hệ sau này. Hiện tại, thay đổi Việt Nam là điều không tưởng vì VN đang nằm trong tổ sản. Lạ nhưng không lạ, Mỹ đã từng đối xử tử tế để lôi kéo cộng sản Tàu mà thắng cộng sản Liên Xô nên Mỹ cũng không muốn mất con bài “chiến” này nên luôn châm chế và dễ dãi, cho Hà Nội ăn cà rốt để sống và… chờ…

    Cuba hay Việt Nam, nói như Nguyễn Minh Triết, thay nhau canh gác cho thế giới, anh ngủ tôi thức và anh thức tôi ngủ để canh…thằng đế quốc Mỹ. Dù cả hai đều là cộng sản, dù đều nghèo đói và lạc hậu như nhau, dù cả hai đều thèm đô la của Mỹ nhưng Mỹ lại thiết lập bang giao sớm với Việt Nam ở xa mà không thèm ngó ngàng gì tới Cuba ở gần nên VN có đỡ hơn. Tuy nhiên, Cuba, dù bị “hắt hủi” nhưng vẫn may mắn hơn Việt Nam, vì VN dù được chìu chuộng o bế nhưng lại bất hạnh vì xa Mỹ gần Mao.

    nv

    • tt says:

      Trích:” Mỹ không sợ mất Cuba nhưng sợ mất Việt Nam nên đối xử với cộng sản Cuba khác với cộng sản Việt Nam…”
      Mỹ chẳng sợ mất VN đâu thưa ông Nguyễn Văn, Mỹ chỉ muốn cho các nước xung quanh Tàu cộng mua vũ khí của Mỹ thật nhiều để đề phòng Tàu cộng xâm lăng thôi, trừ khi Tàu ra tay thật sự với các nước đó thì Mỹ có thể sẽ tham gia!

      • Nguyễn Văn says:

        Chào bạn tt,
        Đúng là Mỹ muốn bán vũ khí nhưng không hẳn muốn mua là Mỹ bán – như trường hợp VN khi còn bị cấm vận. Và Mỹ chỉ bán những thứ muốn bán chứ không bán những thứ bạn muốn mua – điển hình như Taiwan, Japan, South Korea, Philippines, Thailand, Malaysia, Indonesia… và ngay cả Việt Nam sau bãi bỏ cấm vận. Các nước muốn mua vũ khí mạnh hơn, tối tân hơn, nhưng Mỹ không bán vì hai lý do: Một là để tránh mất thăng bằng cán cân quân sự khu vực; và hai là để tránh bị đánh cắp kỹ thuật cao. Mỹ chủ yếu bán vũ khí phòng thủ, đủ để giữ thế thủ cân bằng hầu để tránh phải xảy ra chiến tranh (nghe như mâu thuẫn nhưng không mâu thuẫn). Bán vũ khí cho đồng minh cũng là một cách, hay nói theo chính sách cũng là một chiến lược để tránh chiến tranh trực diện với Tàu hoặc Nga.

        Tuy nhiên, không phủ nhận bán vũ khí cũng là một lợi ích đem lại lợi nhuận to lớn mà Mỹ cần. Mỹ đã bỏ ra nhiều tiền để nghiên cứu, chế tạo, và đương nhiên cần tìm thị trường tiêu thụ, bán lấy tiền lại để nghiên cứu vũ khí mới. Ở đây, mặt trái của vấn đề là đạo đức vì có khi phải khuấy động, tạo xáo trộn, hoặc gây chiến tranh… để bán. Kỹ nghệ vũ khí là một trong nhiều ngành quan trọng đã đưa kinh tế nước Mỹ đi lên hoặc cần thiết để trợ giúp khi kinh tế Mỹ yếu kém. Điều này đã thấy trong quá khứ từ hai cuộc thế chiến và những cuộc chiến khác của Mỹ mà bạn tt và mọi người đều hiểu nên không cần nói thêm nhiều. Cũng có thể Mỹ chẳng sợ mất VN như bạn nói, nhưng đó là quan điểm của bạn.

        Tiện đây có vài hàng nhận xét về sự đối đầu giữa Tàu và Mỹ sau tuyên bố CPA ngày mai. Chắc chắn là chẳng bên nào muốn chiến tranh nhưng Mỹ sẽ không nhượng bộ để Tàu tiếp tục làm mưa làm gió. Một khi Mỹ cứng rắn và sẵn sàng đối đầu thì Tàu phải tránh né và phải nhượng bộ. Có mất mặt thì cũng vì tự anh gây ra thì anh phải gánh chịu. Nhiệm vụ 8 năm của tổng thống Obama đã hoàn tất. Nước Mỹ không còn “bận bịu” nhiều về hai cuộc chiến ở Iraq và Afghanistan để sẵn sàng cho một cuộc đối đầu mới với một tổng thống mới. Cuộc đối đầu (quân sự và kinh tế) sẽ không thua gì như trong chiến tranh lạnh giữa Quốc và Cộng trong quá khứ. Thế kỷ XXI sẽ thử thách vai trò lãnh đạo của Mỹ. Liệu Mỹ có giữ nổi ngôi vị độc tôn sau khi tuyên bố chuyển trục quay về Á Châu – Thái Bình Dương trong cuộc đối đầu này, nó sẽ lâu dài và khởi đầu bằng tuyên bố của CPA vào ngày mai.

        nv

      • Hạnh Nguyễn says:

        Cám ơn Nguyễn Văn vì tôi đã tiếp nhận những hiểu biết đáng giá từ một thức giả, cho phép tôi gọi như vậy.

      • Nguyễn Văn says:

        Với sự hiểu biết còn hạn hẹp của một cá nhân, nv viết ý kiến của mình trên Đàn Chim Việt hầu mong được chia xẻ để chính nv được học hỏi thêm.
        Cảm ơn bạn Hạnh Nguyễn đã có nhã ý “phong” tặng và xin ghi nhận tấm chân tình của bạn đã dành cho.
        Một lần nữa xin cảm ơn bạn.

        nv

  3. Bắc Việt says:

    Cuba và Việt nam y chang ! Con cá sống vì nước, dân trong nước sống nhờ tỵ nạn hải ngoại .

Leave a Reply to VNdunglen