Từ chuyện Bauxite, phản biện thế nào?
Trong những ngày cuối cùng của năm Kỷ Sửu, có một sự kiện gây chú ý và quan tâm của dư luận đó là việc trang web Bauxite do một nhóm trí thức trong nước chủ trương bị tin tặc. Sự việc có lẽ cũng chỉ dừng lại như hàng loạt các trang web độc lập thường đăng tải những thông tin đa chiều, nằm ngoài sự kiểm duyệt của nhà nước đã từng bị tấn công từ trước tới nay nếu không có những diễn biến đầy kịch tính sau đó.
Một tháng 3 lần “chuyển nhà”
Cách đây vài hôm, nhà văn Phạm Toàn, một trong 3 người khởi xướng trang mạng Bauxite viết một bức thư thông báo tới bạn hữu về việc trang Blog tạm thời của Bauxite ở địa chỉ WordPress đã bị tin tặc đánh phá.
Đây là lần thứ 3 địa chỉ của trang web này ở những tên miền khác nhau bị “oanh tạc”.
Lần đầu, như bạn đọc đã biết, xảy ra từ ngày 12/12/2009. Địa chỉ đã trở nên quen thuộc bauxitevietnam.info từ tháng 4/2009, thu hút gần 18 triệu lượt truy cập, vượt xa nhiều trang web chuyên nghiệp hoạt động dưới sự tài trợ của nhà nước hay của các tổ chức kinh tế, bị phá hoại.
Mặc dù định âm thầm sửa chữa nhưng sự cố đã vượt ra ngoài tầm kiểm soát của Ban biên tập và giáo sư Nguyễn Huệ Chi đã ra thông báo về việc bị tin tặc.
Sau nhiều ngày khắc phục, Ban biên tập của trang mạng thông báo chuyển sang những tên miền khác đó là boxitvn.info và boxitvn.net. Nhưng rồi, chưa ai kịp chia vui với “các ông Bauxite” thì họ lại bị tin tặc tấn công.
Blog Boxitvn.wordpress.com như một “căn nhà tạm”, trong lúc chờ đợi để ra đời một trang web hoành tráng hơn, để lại là nơi gặp gỡ, trao đổi của hàng triệu người với ham muốn được tiếp cận với luồng thông tin đa chiều, phong phú, khác với những món ăn tinh thần tẻ nhạt mà hàng ngày gần 700 tờ báo “lề phải” vẫn cung cấp cho họ.
Vậy mà “căn nhà tạm” ấy lại bị đám tin tặc tấn công đánh sập. Dường như có những kẻ, theo dõi từng bước đi, từng cử chỉ của những người phụ trách trang mạng để triệt hạ đến cùng sự tồn tại của trang web.
Nhưng những “ông Bauxite” như cách gọi gần đây của một số người dành cho GS Huệ Chi và nhà văn Phạm Toàn và các cộng sự đã ra một thông điệp QUYẾT SỐNG. Họ lại một lần nữa lẳng lặng chuyển nhà.
Không lâu sau khi Blog trên WordPress bị sập, ký tên dưới một bức e- mail là “Phờ Tờ”, nhà văn Phạm Toàn thông báo tới anh em tin vui là họ đã chuyển tới một “căn nhà tạm” khác, vẫn là Blog, lần này là boxitvn.blogpost.com
Phải nói là, 3 “nhà giáo lù đù” này hết sức “có duyên” với việc làm web site, theo thông báo của bộ phận kỹ thuật Bauxite thì trang Blog của họ trên WordPress.com mới chỉ tồn tại trong khoảng 2 tuần, cho tới khi bị sập đã xếp thứ hạng thứ 49 trong tổng số 9 triệu Blog trên khắp thế giới của WordPress. Hình như họ cứ “chuyển nhà” đi đâu, độc giả lại theo tới đó!
Một tháng 3 lần “chuyển nhà” với người bình thường đã là mệt, với những người ở vào tuổi “thất thập cổ lai hy” lại càng gian nan hơn. Hy vọng họ sẽ được yên ổn trong “căn nhà tạm” thứ 2, Blogpost này, cho tới khi tìm được một chốn khang trang hơn.
Bị cả “người lạ” và “người quen” tấn công
Ai đó đã nói rằng, từ “người lạ” đáng được coi là thuật ngữ của năm 2009. Từ chuyện các “tầu lạ” tấn công đâm chìm tầu của ngư dân trên biển, “người lạ” đánh đập, phạt vạ ngư dân ta, đến cuối năm rồi, GS Nguyễn Huệ Chi nói về việc trang web của ông bị những nhóm “người lạ” không xác định được danh tính tấn công nhiều lần, theo dõi sát sao 24/24.
Không biết, sự “không xác định” này là do những khó khăn về mặt kỹ thuật hay do sự tế nhị của một con người vốn nho nhã, lịch thiệp, ông Huệ Chi đã không tiện nói ra cho bàn dân thiên hạ được rõ những kẻ lạ đó là ai?
Cũng bị tin tặc sau đó ít lâu, trang mạng X-cafevn và Dân Luận đã tuyên bố huỵch toẹt rằng, 90% số IP tấn công họ dẫn tới sự từ chối dịch vụ (DDoS) có nguồn gốc từ Việt Nam. Họ còn chỉ rõ rằng từ 2 nhà cung cấp dịch vụ viễn thông FPT và Viettel!
Sau những đòn choáng váng của đám “người lạ”, đến lượt những “người quen” ra tay với “các ông Bauxite”. Thôi thì đủ mánh, từ chuyện “mượn tạm” hoặc “nhái” hộp thư để phát tán những thư với nội dung nhăng nhít, gây chia rẽ, đến việc “mượn” ổ cứng máy tính. Rồi mời “làm việc”. Nhà văn Phạm Toàn có lẽ được “ưu ái” hơn ít nhiều nên ông chỉ phải làm việc có một buổi. Trong khi đó, GS Huệ Chi phải làm việc sang tới tuần thứ 2 với những buổi làm việc kéo dài, mệt mỏi.
Chi tiết của những cuộc gặp này chưa được tiết lộ nhiều, nhưng những ai đã phải làm việc với công an đều biết rõ rằng chẳng dễ chịu gì dù thái độ của “mấy ảnh” ngày nay cũng khá hơn nhiều so với trước kia. Nhiều bạn bè, độc giả trong những ngày qua đã lo lắng theo dõi những diễn biến liên quan tới nhóm điều hành web site này và mong họ sẽ chóng tai qua nạn khỏi.
Phản biện thế nào?
Câu chuyện dài “nhiều tập” Bauxite và trước đó là việc Viện nghiên cứu Phát triển IDS phải tự giải thể sau quyết định định 97/2009/QĐ-TTg của thủ tướng chính phủ ban hành ngày 24/7/2009, hay trang web Tia Sáng bị đóng của sau bài viết thẳng thắn về giáo dục của Giáo sư Hoàng Tụy đã đặt ra câu hỏi: Phải phản biện thế nào?
Trong mấy năm lại đây, phản biện xã hội được báo chí, truyền thông trong nước nhắc đến rất nhiều như một sự cần thiết tất yếu giúp xã hội phát triển lành mạnh hơn. Nó dường như là một phương tiện cứu cánh giúp cho chế độ (độc đảng như ở VN) phát hiện ra những sai sót, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện những chế độ chính sách cho hợp lý hơn mà không cần tới tự do báo chí hay đa nguyên, đa đảng vốn là những khái niệm hết sức “dị ứng” đối với đảng.
Phản biện xã hội càng được nhắc tới nhiều hơn sau khi nó được chính thức hóa qua văn kiện Đại hội đảng X (18-25.4.2006). Dư luận xã hội cũng quan tâm tìm hiểu về những khái niệm này, thể hiện qua việc khoảng trên 26 triệu lượt người đã tìm kiếm 2 từ khóa “phản biện” và “phản biện xã hội” trên Google!
Quan điểm của một số trí thức liên quan tới lĩnh vực phản biện mà người viết ghi nhận được trong thời gian qua có thể tạm chia ra 2 luồng sau:
Ý kiến thứ nhất: Không dính dáng tới trị: Những người đại diện cho ý kiến này cho rằng, ở Việt Nam bây giờ cũng tự do lắm, nói thoải mái, phê bình, phản biện thoải mái nhưng đừng đòi hỏi bỏ điều 4 Hiến Pháp, đừng đụng tới quyền lãnh đạo của đảng, đừng nhắc tới đa nguyên, đa đảng là được. Nói tóm lại, cứ tránh xa mấy vấn đề nhạy cảm ra còn muốn nói gì cũng được.
Ý kiến thứ hai: Nếu biết cách nói, đảng Cộng sản sẽ nghe. Ý kiến này cho rằng, mấy “anh” ở hoại ngoại xưa nay ăn nói gay gắt quá, cực đoan quá do vậy đảng (ta) khó “tiếp thu”.
Những luận điểm trên đều đã không đứng vững trong trường hợp trang mạng Bauxite cũng như viện IDS hay báo Tia Sáng.
Những trí thức này đều nhiều lần khẳng định họ chỉ phản biện với một số vấn đề xã hội, “giúp đảng và nhà nước xử lý đúng đắn những vấn đề của đất nước” như tiến sĩ Nguyễn Quang A từng nói. Hay GS Huệ Chi một lần nữa khẳng định sau khi trang web do ông điều hành bị tin tặc như sau: “Bauxite Việt Nam không phải là một trang chính trị đối lập mà chỉ là một trang mạng của trí thức lên tiếng góp ý xây dựng đối với đất nước”. Trang web cũng không phải của một tổ chức hay do tổ chức nào giật dây.
Từ “sự cố” xảy ra với các trí thức trong năm qua, người ta có thể thấy rằng, phản biện – dù không dính dáng tới những vấn đề chính trị nhạy cảm – vẫn là một bài toán nan giải, không phải đơn giản rằng, “biết cách nói, đảng CS sẽ nghe ra”.
Thôi thì, hy vọng rằng, dù chưa “nghe ra” (ngay) nhưng những ý kiến tâm huyết của giới trí thức Việt Nam cũng “ngấm vào đâu đó” và phát huy tác dụng vào “một lúc nào đó” như lời tâm sự mới đây của một trí thức trẻ – giáo sư toán học Ngô Bảo Châu.
© Đàn Chim Việt Online 2010