WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Việt Nam còn 15km nữa thì đạt chuẩn văn hóa giao tiếp đường phố

Vào những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước, có một câu chuyện phiếm được lưu truyền trong giới sinh viên các trường đại học ở khu vực phía bắc Việt Nam. Số là, cứ mỗi kỳ họp đại hội của đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) thì báo cáo của trung ương ĐCSVN luôn có câu : “Kế hoạch năm năm phát triển đất nước theo con đường tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội, chúng ta đã tiến thêm được một bước”…

Cái “một bước” ấy quá trừu tượng vì không có đơn vị nào để đo và rất khó hiểu, nên người ta chỉ có thể hiểu là “một bước… chân người”. Và nếu lấy một bước chân người (tương đương với khoảng 50cm), mốc là con số 5 năm mới tiến lên được 50cm ấy, người ta dự đoán là chỉ còn khoảng…15 km nữa thì Việt Nam sẽ tiến lên thành công Chủ Nghĩa Xã Hội. Có vẻ như rất gần, sắp chạm tay vào được đến nơi?

Nếu làm một phép tính 15 km = 15000 m = 1500000 cm, và 5 năm mới tiến được 50 cm nghĩa là mỗi năm được 10 cm. Kết quả là chỉ còn… 150000 năm nữa là Việt Nam hoàn toàn tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội!

Ai đó nghĩ ra câu chuyện phiếm trên đây chỉ nhằm nhấn mạnh là  “Không bao giờ đất nước Việt Nam tiến lên được Chủ Nghĩa Xã Hội”.

Tại bất kỳ quốc gia nào, vấn đề văn hóa giao tiếp là lối sống, nếp nghĩ của người dân được biểu hiện trong sinh hoạt hàng ngày, luôn thể hiện cho sự tiến bộ xã hội của đất nước ấy. Văn hóa giao tiếp là sản phẩm của ý thức, tri thức thông qua học tập, giáo dục từ gia đình, cộng đồng và nhất là tại các trường học. Tất nhiên, muốn đạt chuẩn nào đó về văn minh, thì còn phải cộng thêm yếu tố công nghệ khoa học hiện đại (tại thời điểm) được ứng dụng rộng khắp, phục vụ đời sống của con người trên đất nước ấy…

Từ xa xưa, chợ là nơi giao thương buôn bán, trao đổi hàng hóa. Và chính từ nơi này mọi giao tiếp ứng xử giữa con người với nhau, cùng với việc tiêu dùng sử dụng hàng hóa đã tao nên những hình thức văn hóa và văn minh sơ khai “kẻ chợ”. Từ hình thức chợ tự phát ban đầu, dần dần khái niệm về đô thị bắt đầu hình thành và liên tục phát triển thành các đô thị như ngày nay. Như vậy, biểu hiện nếp sống văn hóa tại những nơi công cộng đông người (thành thị), có thể được coi như là bộ mặt văn hóa của một khu vực, hay rộng lớn hơn đó là văn hóa của một đất nước.

Để có hạn mức đánh giá một điều gì đó cần phải có một thước đo, hay một sự so sánh. Việt Nam là một cái nôi của Nền Văn Minh Lúa Nước cho nên ta có thể so sánh với một đất nước có chung một nền văn minh tương tự đó là đất nước Thái Lan.
Trong một lần đi thăm Thái Lan, tôi không khỏi ngỡ ngàng về một quốc gia được coi là một cường quốc về… trồng trọt. Thái Lan là một nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đồng thời hoa quả của họ cũng chiếm một thị phần không nhỏ trên thị trường thế giới…Nhưng bước chân đến các thành phố của Thái Lan, đặc biệt là thủ đô Bang Kok du khách không khỏi bất ngờ về một đô thị văn minh hiện đại không kém gì các thành phố hiện đại của Châu Âu. Người ta khó mà cảm nhận, hay là nhận  thấy một “Nền Văn Minh Lúa Nước” tại nơi này…

Các thành phố của Thái Lan đều là thành phố của các cây cầu và… xe Buýt. “Bước chân ra khỏi cửa là nhìn thấy cầu và xe Buýt”. Đó là những điều đập vào mắt mọi du khách. Đường phố của thủ đô Thái Lan hầu hết đều rất rộng thường là từ 8 đến 10 làn xe và tỉ lệ diện tích được sử dụng làm đường giao thông luôn chiếm từ 20% diện tích chung của thành phố trở lên.

Riêng về cầu thì nhiều nhất (về số lượng), phải kể đến cầu vượt dành cho người đi bộ sang đường, tuyệt đối không có kiểu “hầm vượt” như tại Hà Nội của Việt Nam. Đường ngầm chỉ dành cho xe cơ giới thay vì cầu vượt tại một vài giao lộ, và đường hầm dành cho tàu điện ngầm. Đó là một sự giỏi giang về hiểu biết tâm lý người tham gia giao thông, của kiến trúc sư thiết kế quy hoach đô thị. Kế đến là số lượng cầu vượt dành cho xe cơ giới tại các giao lộ, những cầu vượt này cùng với những cây “siêu cầu” là những đường sắt trên cao, đường cao tốc (tiếng Thái gọi là thang đuồn) dành cho ô tô xe máy trên cao (có những tuyến cầu dài hàng vài chục km là đường cao tốc nối thành phố này với thành phố khác) đã tạo ra những “nút giao thông… cầu” rất hoành tráng và tráng lệ, mà hoàn toàn không phá vỡ cảnh quan, cũng như nhịp điệu hài hòa của thành phố.

Nói đến sự hiện đại trong các thành phố của Người Thái thì còn phải liệt kê rất nhiều, nhưng mục đích của bài viết này nói về văn hóa giao tiếp là một mặt của văn minh đô thị, nên tác giả không đi sâu trong phần giới thiệu sự hiện đại của các thành phố ở Thái Lan…

Như đã giới thiệu, xe Buýt là phương tiện giao thông cơ bản của người dân, nhất là tầng lớp lao động. Tại Bang Kok có khoảng trên 1000 tuyến xe Buýt khác nhau, với đủ loại xe lớn nhỏ. Bước chân lên xe là hành khách được nghe “xà guặt đi kha”(xin kính chào) từ người phụ xe kiêm bán vé, dù đó là xe cao cấp có gắn máy lạnh hay là xe Free không tính tiền. Trên xe Buýt đặc biệt ít nghe tiếng nói chuyện riêng, người ta không bao giờ hỏi người lạ kế bên là “anh đi đâu ?” chẳng hạn. Trên xe Buýt có dành riêng chỗ ngồi cho người khuyết tật, các nhà sư, và tất nhiên là những người này không phải mua vé. Nếu có một cụ già hoặc một em bé thiếu nhi, hay một phụ nữ mang thai bước lên xe, thì ngay lập tức có người đứng lên nhường ghế ngồi. Không ai ngồi gác chân hay co chân lên ghế, đặc biệt là ít người ngồi gác chéo chân này lên chân kia, quay ngang quay ngửa vv…

Lần đầu, người viết bài này bước chân lên một chiếc xe Buýt loại kiểu cũ, chỉ có hai hàng ghế hai bên. Một hình ảnh rất đẹp đó là mọi người đều ngồi nghiêm trang, chân vuông góc với đùi, không ai duỗi chân thẳng chiếm chỗ lối đi ở giữa, rất giống với một đoàn binh lính đi hành quân…

Ở Thái Lan không có chuyện người sợ xe ! Mà là xe sợ… người. Nếu vì lý do nào đó mà một người phải băng qua đường thì những chiếc xe hơi sẽ kiên nhẫn chờ cho người đi bộ đó đi qua. Không có chuyện như ở Việt Nam lái xe thò đầu ra quát “muốn chết hả ?” hay thậm chí là một câu chửi hết sức tục tằn không có văn hóa…

Tại Thái Lan, những người chạy xe gắn máy trên đường cao tốc mới bị bắt buộc phải đội mũ bảo hiểm.

Một người Việt sống lâu năm ở Thái kể lại câu chuyện mà anh ta đã chứng kiến tận mắt. Đó là cả đoàn xe khi đi qua một cánh rừng đã phải phanh gấp và dừng lại chờ cho một con rắn bò uể oải ngang qua đường.

Nếu một người đi bộ cùng chiều với xe hơi vô tình chiếm lối đi (tất nhiên là chỉ xảy ra trên đoạn đường hẹp) thì chiếc xe hơi đó sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho người đi bộ đó nhận ra là có xe đi phía sau, chứ họ hoàn toàn không khi nào dùng còi vì sợ người đi bộ giật mình ! Nhưng như vậy không có nghĩa là người đi bộ cứ đi lăng xăng lộn xộn, vì mỗi người đều rất có ý thức khi tham gia giao thông…

Thủ đô Bang Kok có khoảng vài triệu chiếc xe ô tô các loại, nhưng đi cả ngày cũng khó nghe tiếng còi xe. Có chăng chỉ là tiếng còi điện chào nhau của mấy bác tài xế, hoặc là tiếng còi của mấy chiếc xe Buýt mời hành khách đi xe mà thôi…

Ngay cả mấy bác xe ôm cũng mặc áo đồng phục tử tế, và nhất là ai đứng trước, có khách đến thì đi trước. Không có chuyện tranh giành chèo kéo khách, thậm chí giằng túi xách lôi khách đi xềnh xệch như ở Việt Nam.

Tại các quầy dịch vụ hoặc các máy ATM, dù đông người hay chỉ vài người chờ đợi thì không ai bảo ai, họ đều tự giác xếp hàng không có chuyện chen lấn, xô đẩy…

Những câu “khỏ thốt, khọp khun khrắp”(xin lỗi, cám ơn) là những câu rất thường được nghe khi đi ra đường và trong sinh hoạt…

Không thể đưa ra nhận định là do học thức của họ cao, vì qua tìm hiểu thì đại bộ phận những người mà tác giả bài viết này đề cập đến, đều là tầng lớp lao động. Vậy chỉ có một cách giải thích duy nhất đó là do nhận thức trong giáo dục.

Tại Thái Lan, vào những ngày nghỉ thì không nói đến, nhưng những ngày thường, rất ít có trẻ em là thiếu nhi, thiếu niên đi ra đường chơi rông. Nếu bắt găp cảnh sát sẽ hỏi ngay: Tại sao cháu không đi học? Như vậy là từ trong nhà trường đến ngoài xã hội đều rất quan tâm đến các em nhỏ.

Một cái nôi hết sức quan trọng cho việc giáo dục đó là tôn giáo!
Thái Lan có rất nhiều tôn giáo, nhưng nhiều nhất là Đạo Phật (khoảng 70% dân số). Hầu như bất kỳ ai cũng theo một tôn giáo nào đó mà không có chuyện không tôn giáo. Chính những giáo lý của các tôn giáo đã dạy cho con người biết sợ các đấng thần linh và khuôn phép ở đời…

Một thông tin từ nhà nước CS về tình hình tôn giáo tại Việt Nam năm 2009 nói rằng “Việt Nam có trên 85 triệu người nhưng chỉ có 20% là có tôn giáo”. Con số này hoàn toàn không đúng, nhưng nếu đúng như vậy thì hiện nay trên 60 triệu người Việt Nam đang không có tôn giáo nào!
Đây là một thảm họa!

“Hỗn loạn” đó là hiện thực của xã hội Việt Nam ngày nay…
Người ta có thể lao vào ẩu đả lẫn nhau cho đến chết, chỉ vì một va quệt nhỏ trong giao thông. Có thể giết nhau chỉ vì một cái “nhìn đểu”, hoặc biết bao xích mích nhỏ nhặt khác mà thực ra, chỉ cần một lời xin lỗi là đã vừa đủ. Chưa kể đến những vụ cướp bóc tàn bạo, hãm hiếp tàn bạo mà những hành vi đó có lẽ chỉ xảy ra đối với loài thú dữ không có nhân tính mà thôi…

Phần “con” trong con người đang trỗi dậy khủng khiếp!

Phần “người”đang bị triệt tiêu một cách xót xa!

Ngày còn nhỏ, tôi đã chứng kiến một đàn gà bị nhốt trong một cái chuồng chật chội, mà người chủ quên không cho ăn. Loài gà vốn là một loài vật hiền lành, nhút nhát (có lẽ là hiền nhất trong các loài vật). Thế nhưng trong lần đó tôi đã tận mắt nhìn thấy chúng mổ vào hậu môn nhau cho đến chết, và dùng mỏ móc ruột các con gà nhỏ, yếu ra để ăn ruột của các con gà xấu số đó. Thì ra, đứng trước cái đói, cái chật chội bức bách, đến loài gà cũng trở thành ác quỷ!

Người ta tranh giành nhau cơ hội làm ăn, giành giật nhau lối đi trong giao thông. Người ta kiếm tiền bằng mọi giá, mọi thủ đoạn, bất chấp hậu quả sẽ như thế nào! Trong một xã hội sống gấp gáp, vội vàng như vậy thì những giá trị đạo đức hỏi tìm đâu ra chỗ đứng?

Về mật độ dân số, Việt Nam hiện nay có mật độ dân số cao gấp năm lần mật độ trung bình trên thế giới, và cao gấp 1,5 lần so với Trung Quốc (tài liệu của Qũy Dân Số Thế Giới).

Thật khủng khiếp, vì sự hỗn loạn trong xã hội Việt Nam ngày một gia tăng, những tội ác man rợ ngày nào cũng xuất hiện tràn ngập trên báo chí.

Nguyên do vì đâu?

Do nền giáo dục vô kỷ vô cương! Do vấn đề “thượng bất chính, hạ tất loạn”! Do kỷ cương phép nước bị lợi dụng cho những nhóm người có chức quyền! Do sự phân hóa bất minh giữa kẻ giầu và người nghèo! Do không gian sống chật chội (nhất là trong các thành phố). Liệu ai đó có muốn phát điên lên không, khi bị tắc đường hàng giờ trong làn khói bụi ồn ào và cực kỳ ô nhiễm, tiến không được, lui không được, mà trên đầu lại chình ình một cái “nồi cơm” là chiếc mũ bảo hiểm?

Điều quan trọng nhất là do mỗi người dân chưa ý thức đầy đủ về mối nguy hại tiềm tàng của sự hỗn loạn đang xảy ra trên đất nước Việt Nam.

“Trông người lại nghĩ đến ta”. Nhìn những chú chim đủ loại, từ Sáo, Mi, Cu Gáy, Qụa…, nhất là Bồ Câu tự do vô tư kiếm ăn, bay nhảy bên ven đường, nơi đông người qua lại mà tuyệt nhiên không có ai (kể cả các em nhỏ) xua đuổi, săn bắt chúng tại Bang Kok. Ta thấy chợt buồn cho văn hóa của một Hà Nội “Thăng Long ngàn năm văn hiến”, “thanh lịch người Tràng An”, “tử tế người Hà Nội” vv và vv.

Nói như vậy không phải là xã hội Việt Nam ngày nay không còn người tốt, việc tốt. Nhưng rõ ràng cái ác đang lấn át cái thiện. Sự sợ hãi là bản năng động vật của con người đang dày vò tâm trí người tham gia giao thông, người đi đường. Người ta sợ tai nạn giao thông đến bất thình lình, sợ bị giật túi xách, giật đồ trang sức bất kỳ lúc nào, kể cả lúc đang đi bộ. Chưa kể là có thể vô tình bị đánh nhầm, chém nhầm.

Đất nước Thái Lan không phải là Thiên Đường và chưa phải tuyệt đối mọi điều đều tốt đẹp. Nhưng xã hội Thái hoàn toàn đang là một giấc mơ đối với người Việt (trong nước) chúng ta!

Cứ với xã hội này, tình trạng này, Việt nam chắc chắn “năm năm sẽ tiến thêm một bước về văn hóa đường phố”. Và giống như câu chuyện hài hước “tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội” của ĐCSVN. Chỉ cần… 150000 năm nữa thì văn hóa giao tiếp đường phố của Việt Nam sẽ đạt chuẩn thế giới!

Bài do tác giả gửi tới Đàn Chim Việt

Phản hồi