WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Triết lý Con Heo của Lưu Hiểu Ba

Ấn bản tiếng Pháp: La Philosophie du porc et autres essais.
Tác giả: Liu Xiaobo – Nhà xuất bản Gallimard ấn hành năm 2011

Lưu Hiểu Ba là một nhân vật rất nổi danh trên thế giới ngày nay, đặc biệt kể từ lúc ông được cấp phát giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2010 vừa qua. Và cũng giống như trường hợp của bà Aung San Suu Ky người Miến Điện và của nhà bác học Andrei Sakharov người Nga trước đây vì bị chính quyền nước mình ngăn cản, nên đã không thể có mặt trong buổi lễ Trao giải tại thủ đô Oslo của vương quốc Na Uy, ông Lưu Hiểu Ba vì đang bị giam giữ trong tù tại Trung quốc, nên cũng đã vắng mặt trong dịp này. Sự kiện này lại càng khiến công luận khắp thế giới chú ý, và cũng là một điều gây bất lợi cho uy tín của giới lãnh đạo chính quyền Bắc kinh.

Mới đây, vào đầu năm 2011 nhà xuất bản Gallimard ở Pháp đã cho ấn hành một cuốn sách gồm nhiều bài tiểu luận của ông Lưu viết trong vài chục năm gần đây, với nhan đề thật tức cười ngộ nghĩnh lấy từ tiêu đề của một bài tiểu luận, đó là : “Triết lý con heo” như đã được ghi nguyên văn tiếng Pháp ở trên. Sách dày trên 500 trang với Bài tựa ngắn của Cựu Tổng thống Vaclav Havel ở Tiệp khắc. Và bài Giới thiệu khá chi tiết dài 30 trang của chuyên gia nổi tiếng về Trung quốc là Jean-Philippe Béja đích thân tuyển lựa và dịch các bài tiểu luận thật đặc sắc của một nhân vật được học giới Trung hoa gọi là “ con hắc mã “ của văn đàn Trung quốc hiện đại (dark horse = heima).

Bài viết đầu tiên này nhằm giới thiệu tóm lược những nét chính yếu trong cuốn sách giá trị này với độc giả người Việt. Trong các bài tiếp theo, người viết sẽ trình bày chi tiết hơn về một số quan điểm của tác giả họ Lưu, với những lập luận mà chúng ta có thể sử dụng như là những gợi ý cho sự trao đổi thảo luận giữa người Việt chúng ta.

I – Sơ lược tiểu sử của tác giả Lưu Hiểu Ba.

Lưu Hiểu Ba sinh năm 1955 trong một tỉnh thuộc miền đông bắc Trung quốc. Cha của ông là một giáo sư tại đại học sư phạm ở địa phương. Năm lên 14 tuổi, Lưu theo cha mẹ đến các miền quê tại khu vực Nội Mông trong thời kỳ cách mạng văn hóa đày ải giới trí thức. Không được đến trường học, Lưu đã tìm cách đọc tất cả sách báo mình bắt gặp. Vào năm 1973 lúc ở tuổi 18, Lưu được điều động về các làng xã để “học tập cách thức phục vụ nhân dân ”.

Năm 1977, sau khi Mao Trạch Đông từ trần, Lưu được trúng tuyển vào đại học và tốt nghiệp năm 1982 với chuyên môn về văn học Trung quốc. Sau đó, Lưu được nhận vào học tại đại học sư phạm Bắc kinh để thi bằng cao học và cuối cùng ông đã được cấp văn bằng tiến sĩ văn chương tại đây vào năm 1988 ở tuổi 33.

Các bạn hữu cho biết là trong thời gian dài theo học ở Bắc kinh, Lưu ít chú ý đến sinh họat chính trị, mà tập trung vào việc nghiên cứu văn học, ông đặc biệt chú ý đến quan điểm của nhà văn Kafka ở Âu châu vào hồi đầu thế kỷ XX. Năm 1986, Lưu đã gây chấn động trên văn đàn Trung quốc với bài báo phê bình văn học với nhan đề : “ Khủng hỏang ! Văn học thời kỳ mới đang lâm vào cuộc khủng hỏang “. Trong bài này, Lưu phê phán thẳng thừng sự thiếu vắng sáng tạo của các nhà văn Trung quốc, mặc dầu lúc đó họ đang được ca tụng vì đã có những cố gắng vượt thóat khỏi tình trạng kềm kẹp dưới thời Mao Trạch Đông. Quan điểm phê phán triệt để này có thể coi như có tính cách đột phá tương tự như hào khí khai phóng sôi nổi khắp nơi ở Trung quốc của “ Phong trào Ngũ Tứ “ bột phát vào năm 1919 sau thế chiến thứ nhất ( May 4th Movement).

Với danh tiếng đó, Lưu được nhiều đại học trong nước cũng như ngọai quốc mời đến diễn thuyết hay dậy học. Năm 1989, lúc đang làm việc ở đại học Columbia, New York, Lưu đã cắt ngang việc giảng dậy để về nước tiếp sức với giới sinh viên đang sôi nổi đòi phải cải cách dân chủ. Và ngay sau vụ đàn áp đẫm máu Thiên An Môn vào đầu tháng Sáu, Lưu đã bị bắt giữ.
Trong khi ở tù, thì Lưu bị người vợ đòi phải ly dị. Hậu quả của việc ly dị này là Lưu bị mất sổ hộ khẩu, mất cả quyền cư trú hợp pháp ở Bắc kinh lúc ông được trả tự do vào năm 1991. Mà ông cũng không còn được ký tên thật của mình trên các bài báo, hay sách do mình viết nữa. Vì thế mà cuộc sống trở thành hết sức bấp bênh, đến độ nghẹt thở. Nhưng vào năm 2000 trở đi, nhờ sự phát triển của Internet, họ Lưu đã có thể sáng tác hết sức mạnh bạo, mau chóng với sức lan tỏa rộng rãi cùng khắp. Ông thường xuyên bị công an theo dõi và bị làm khó dễ sách nhiễu dọa nạt đủ bề. Tuy vậy, Lưu vẫn kiên trì theo đuổi cuộc tranh đấu cho dân chủ, tự do và nhân quyền của mình.

Sự đóng góp lớn của ông trong việc sọan thảo bản văn “ Linh bát Hiến chương “ (08 Charter) được nhiều nhân vật trí thức và nhà họat động có tên tuổi ở Trung quốc ký và công bố vào năm 2008, nhân kỷ niệm lần thứ 60 ngày công bố Bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền (1948 – 2008), đã khiến cho ông lại bị công an bắt giữ lần nữa và đem ra tòa án xét xử vào cuối năm 2009, và tòa đã đưa ra bản án xử phạt họ Lưu 11 năm tù giam với tội danh rất mơ hồ là  : “ Xúi giục lật đổ chính quyền nhà nước “. Vụ đàn áp thô bạo này đã bị công luận thế giới chỉ trích mãnh liệt và nhiều nhân vật nổi danh trong nước cũng như quốc tế đã lên tiếng đòi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba.

Và tiếp theo việc họ Lưu được cấp phát Giải thưởng Nobel Hòa Bình năm 2010 vừa qua lại càng làm cho tên tuổi của ông được mọi người nhắc nhở tới. Đây là một sự kiện mà chính quyền Bắc kinh dù đã sử dụng mọi đòn phép chính trị bá đạo, thì cũng chẳng làm sao có thể ngăn cản hay bưng bít được nữa.

II – Giới thiệu tóm lược cuốn sách “ Triết lý con heo “.

Cuốn sách này là một tuyển tập các bài viết tiêu biểu của Lưu Hiểu Ba trong nhiều năm, mà có mấy bài viết mới nhất vào năm 2007 – 2008. Các bài này được sắp xếp trong 8 phần, mà ta có thể liệt kê ra mấy đề mục đáng chú ý như sau:

A/ Văn học:  “ Khủng hỏang! Văn học của thời kỳ mới đã lâm vào tình trạng khủng hỏang “ (trang 57 – 87)
B/  Suy nghĩ triết học và chính trị ( trang 91 – 231).
Đặc biệt mục : “Triết lý con heo “ (trang 147 – 177) tiêu đề này được chọn để làm nhan đề cho cả cuốn sách.
C/  Hệ thống chính trị và đời sống chính trị (trang 235 – 331)
Đặc biệt mục : “ Nỗi băn khoăn về ý thức hệ của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo ( trang 319 – 331)
D/  Những bài viết về một số sự việc cụ thể ( trang 355 – 413)
Đặc biệt mục : “ Tuyên ngôn của những nông dân muốn đòi lại  ruộng đất” ( trang 391 – 401).

Nói chung, tác giả họ Lưu đề cập đến nhiều lãnh vực, từ phê bình văn học đến suy nghĩ triết học về chính trị, và nhất là bày tỏ quan điểm dứt khóat về vấn đề tự do, dân chủ, nhân quyền và công lý xã hội. Các bài viết này biểu lộ sự hiểu biết sâu sắc của tác giả qua lối nhận định và phân tích sự kiện cụ thể với một nhãn quan bao quát, thông thóang và một lập trường kiên định tự tin vững vàng. Ta sẽ có dịp thảo luận chi tiết hơn trong các bài viết tiếp theo liên quan tới một số đề tài có tính cách căn bản trong một xã hội còn đang bị kềm kẹp bởi chế độ độc tài cộng sản, ở Trung quốc cũng như ở Việt Nam hiện nay.

Tiếp theo đây, người viết xin giới thiệu riêng về mục “Triết lý con heo” được tác giả trình bày trong 30 trang sách, và tiêu đề của bài này lại được nhà xuất bản lấy làm nhan đề chung cho tòan thể cuốn sách.

III – Triết lý con heo.

Bài này được viết vào năm 2000, tức là 11 năm sau biến cố thảm sát Thiên An Môn ngày 4 tháng sáu năm 1989, mà tác giả lấy làm cột mốc cho sự đàn áp tàn bạo do giới lãnh đạo đảng cộng sản thực hiện nhằm dập tắt mọi ý chí vươn lên của lớp người yêu nước tiến bộ, đặc biệt là giới sinh viên trong công cuộc bảo vệ tự do, dân chủ và nhân quyền cho người dân Trung quốc.

Tác giả nhấn mạnh đến sự đồng lõa, thỏa hiệp của giới trí thức với chủ trương mê hoặc ru ngủ của nhà cầm quyền đương thời qua các chiêu bài “ phải bảo vệ sự ổn định xã hội”, “ phát triển kinh tế là ưu tiên hàng đầu, “trở về với gốc rễ cội nguồn của văn minh Trung quốc “… để mà bỏ qua những đòi hỏi về tự do, công bằng xã hôi và phẩm giá của người công dân.

Ông thẳng thắn tố cáo tình trạng “tồi dở, tầm thường” (médiocrité) cả ở trong chính quyền, lẫn trong giới trí thức ưu tú của xã hội. Với giọng văn thật mạnh mẽ độc đáo, họ Lưu ghi nhận rằng: “ Giới trí thức đang bị tha hóa vì cam tâm lãnh nhận những ân huệ vật chất và các tiện nghi thỏai mái do nhà nước cung ứng cho để đổi lại với sự im lặng làm ngơ trước sự nhũng lạm thối nát, sự đàn áp cướp bóc của cán bộ nhà nước đối với đa số quần chúng dân oan…”

Rõ ràng là đã có sự “bán linh hồn cho quỷ dữ”, sự “tự ý ngoan ngõan đi vào cái chuồng heo” (porcherie) để được vỗ béo, yên thân mà quên đi cái nhiệm vụ phải luôn luôn thức tỉnh để cảnh giác công luận trước những sa đọa tàn bạo của nhà nước chuyên chính độc tài, phải bênh vực đa số quần chúng nạn nhân của sự áp bức bóc lột ở khắp nơi.

Dưới các tiểu đề mục như: “ Sự yếu đuối của người bị trị đã sản xuất ra những người cầm quyền tồi dở” ( la faiblesse des gouvernés produit des gouvernants médiocres) và “ Sự tồi dở nhất lọat đã phá vỡ tất cả” (La médiocrité homogénéisée a tout écrasé), họ Lưu đã thẳng thắn nêu ra cái sự nhục nhã của giới trí thức ưu tú (élites) là đã hèn kém cam tâm phủ phục trước những kẻ lãnh đạo tồi dở tầm thường hiện nay. Ông phát biểu dứt khóat : “ Trên mảnh đất này, sự cao cả của tâm hồn và sự uyên bác thông tuệ không còn chỗ đứng nữa “ ( Sur cette terre, la grandeur d ‘âme et l’érudition n’ont pas leur place)

Vì bài mở đầu này có giới hạn, nên người viết sẽ trình bày chi tiết rõ ràng hơn trong các bài sau, khi thảo luận về từng vấn đề riêng biệt.

Nhân tiện, tác giả cũng xin ghi nhận sự biết ơn đối với anh chị Nguyễn Văn Tánh và Bạch Nhật cư ngụ tại Bruxelles Belgique đã cho đọc cuốn sách giá trị này, nhân chuyến anh chị đến tham dự cuộc Hội Ngộ do tạp chí Diễn Đàn Giáo Dân tổ chức tại miền Nam California vào mấy ngày đầu tháng Sáu năm 2011 vừa qua.

Costa Mesa, Trung tuần tháng Sáu 2011

© Đòan Thanh Liêm

© Đàn Chim Việt

2 Phản hồi cho “Triết lý Con Heo của Lưu Hiểu Ba”

  1. Sỹ Quốc says:

    Đâu rồi Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Trần Xuân Ẩn….đâu rồi những người Mậu thân – Huế. Sao chỉ còn lại Huỳnh Tấn Mẫm, Lê Hiếu Đằng , chẳng lẻ chỉ còn có hai vị này đứng bên chúng tôi để làm lại cuộc cách mạng long trời lở đất… thôi sao ?….
    Hậu quả việc làm tai hại của các ông mà giờ đây Đất nước ra nông nổi này đấy. Trong thời khắc lâm nguy mà các ông còn câm lặng để hưởng lộc trên máu xương của Bà mẹ Việt nam còm cỏi nữa thì tuổi trẻ chúng tôi sẽ tạc tượng các ông lên bức tường lịch sử ô nhục khi cuộc cách mạng dân chủ thành công không xa. Hãy mở miệng đi là vừa, chưa muộn đâu các ông… Nay kính

  2. Thanh says:

    “Sụ thỏa hiệp, đồng lõa của giói trí thúc vói chủ truong mê hoạc của nhà cầm quyền …để mà bỏ qua nhũng đòi hỏi về tụ do, công bàng xã họi, và phẩm giá của nguoi công dân”. Đọc câu này nguoi ta không khỏi không suy nghĩ về thục trạng của giói trí thúc VN hiện nay. Đâu rồi nhũng Nguyễn Huy Thiệp, Hồ Anh Thái, Đỗ Hoàng Diệu, BS Đỗ Hồng Ngọc, Trần Đông A, và còn nhiều trí thúc khác nũa? Sao quý vị không bay tỏ thai độ nhu nhà tho Đỗ Trung Quân, nhạc sĩ Tuấn Khanh… hay là đã thỏa hiệp và đồng lõa vói bọn CS cầm quyền để có duoc sụ an thân và quyền lọi nhỏ nhen của mình trong lúc đất nuoc đang trong con nguy biến vì bọn Trung Cộng bành truongs.

Leave a Reply to Sỹ Quốc