WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có sụp đổ trong năm 2012?

Tác giả: Gordon G. Chang

Giữa năm 2001, trong cuốn sách “The Coming Collapse of China” (Trung Quốc sắp sụp đổ), tôi tiên đoán rằng một thập niên nữa Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ bị phế truất, chủ yếu là do những thay đổi xuất phát từ việc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Một thập niên đã trôi qua; Đảng Cộng sản vẫn còn nắm quyền. Nhưng đừng nghĩ là tôi sẽ rút lại lời tiên đoán của mình.

Tại sao Trung Quốc như ta biết hiện nay vẫn còn đứng vững? Lý do quan trọng nhất là chính quyền trung ương Trung Quốc đã xoay xở tránh tôn trọng nhiều bổn phận trong những bổn phận mở cửa nền kinh tế và chơi đúng luật mà họ cam kết khi gia nhập WTO vào năm 2001, và cộng đồng quốc tế đã giữ thái độ nhìn chung là dung thứ đối với hành vi không tuân thủ này. Do vậy, Bắc Kinh đến nay vừa có thể bảo vệ phần lớn thị trường nội địa của mình tránh khỏi sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài, vừa tăng cường xuất khẩu.

Xét về mọi phương diện, Trung Quốc đã thành công vượt bậc trên con đường phát triển kinh tế sau khi gia nhập WTO – quay trở lại với tỉ lệ tăng trưởng gần hai chữ số mà nước này đã đạt được trước khi suýt bị suy thoái vào cuối thập niên 1990. Nhiều nhà phân tích cho rằng giai đoạn tăng trưởng này có thể tiếp tục mãi. Ví dụ, Justin Yifu Lin (Lâm Nghị Phu), nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới, tin rằng Trung Quốc có thể tăng trưởng 8 phần trăm trong ít nhất hai thập niên nữa, và Quỹ Tiền tệ Quốc tế tiên đoán đến năm 2016 nền kinh tế Trung Quốc sẽ có quy mô lớn hơn nền kinh tế Mỹ.

Đừng tin mấy điều đó. Trung Quốc đạt thành quả tốt hơn những nước khác vì nước này đã ở trong một siêu chu kỳ đi lên kéo dài ba chục năm, chủ yếu vì ba lý do sau. Thứ nhất là những chính sách “cải cách và mở cửa” đổi mới do Đặng Tiểu Bình thực hiện lần đầu vào cuối thập niên 1970. Thứ hai, kỷ nguyên đổi mới của họ Đặng trùng khớp với lúc chấm dứt Chiến tranh Lạnh, giúp loại bỏ những rào cản chính trị đối với thương mại quốc tế. Thứ ba, toàn bộ thành quả này diễn ra trong khi Trung Quốc gặt hái “quả ngọt nhân khẩu”, tức là sự gia tăng phi thường về lực lượng lao động.

Nhưng “thời vàng son” của Trung Quốc đã chấm dứt vì trong những năm gần đây những điều kiện thuận lợi tạo nên thời kỳ đó đã hoặc sẽ sớm biến mất. Thứ nhất, Đảng Cộng sản đã quay lưng lại với những chính sách tiến bộ của họ Đặng. Hồ Cẩm Đào, lãnh tụ hiện nay, đang lèo lái đất nước trong một kỷ nguyên đánh dấu bằng, suy cho cùng, việc đảo ngược chủ trương cải cách. Đặc biệt kể từ năm 2008 đã có tình trạng tái quốc hữu hóa một phần nền kinh tế và giảm đáng kể cơ hội dành cho doanh nghiệp nước ngoài. Ví dụ, Bắc Kinh cấm cản công ty nước ngoài mua lại công ty nội địa, dựng lên những rào cản mới như luật lệ về “sáng tạo bản xứ”, và sách nhiễu những công ty dẫn đầu thị trường như Google. Bằng cách củng cố những doanh nghiệp quốc doanh “quán quân quốc gia” khiến những công ty khác thiệt hại, họ Hồ đã từ bỏ mô hình kinh tế đã mang lại thành công cho đất nước của ông.

Thứ hai, sự bùng nổ kinh tế toàn cầu trong hai thập niên vừa qua đã kết thúc vào năm 2008 khi các thị trường khắp thế giới sụp đổ. Những sự kiện biến động kinh hoàng của năm đó đã chấm dứt một thời kỳ đẹp như mơ, thời kỳ mà các quốc gia cố gắng giúp Trung Quốc hội nhập vào hệ thống quốc tế, nên đã lượng thứ những chính sách trọng thương (mercantilist policies) của Trung Quốc. Tuy nhiên, hiện nay quốc gia nào cũng muốn xuất khẩu nhiều hơn và, trong một kỷ nguyên bảo hộ hoặc thương mại có sự can thiệp của chính phủ (managed trade), Trung Quốc sẽ không thể dùng xuất khẩu để vươn đến thịnh vượng như từng làm trong thời kỳ khủng hoảng tài chính Châu Á vào cuối thập niên 1990. Trung Quốc lệ thuộc vào thương mại quốc tế nhiều hơn bất cứ nước nào khác, vì thế mâu thuẫn thương mại – hay thậm chí mức cầu thế giới sút giảm – sẽ gây tác hại cho Trung Quốc nặng nề hơn những nước khác. Ví dụ, Trung Quốc có cơ trở thành nạn nhân lớn nhất của cuộc khủng hoảng đồng euro.

Thứ ba, Trung Quốc trong kỷ nguyên đổi mới từng có một trong những bức tranh nhân khẩu đẹp nhất của bất kỳ quốc gia nào, nhưng sắp sửa có một trong những bức tranh xấu nhất.Theo các nhà nhân khẩu học của cả Trung Quốc lẫn nước ngoài, lực lượng lao động Trung Quốc sẽ bình ổn vào khoảng năm 2013, có lẽ là 2014, nhưng nước này hiện đã cảm nhận được ảnh hưởng này khi mức lương tăng lên; xu hướng này rốt cuộc sẽ khiến các nhà máy của Trung Quốc mất tính cạnh tranh. Kể cũng lạ là Trung Quốc đang cạn dần người để lên thành phố làm việc trong các nhà máy, và thúc đẩy nền kinh tế. Tình hình nhân khẩu có thể không phải là định mệnh, nhưng giờ đây điều đó sẽ tạo ra rào cản lớn đối với tăng trưởng.

Không những mất đi ba điều kiện thuận lợi này, nền kinh tế Trung Quốc đồng thời còn phải hồi phục từ những xáo trộn (các bong bóng tài sản và lạm phát) xảy ra do chủ trương kích cầu (pump-priming – như tăng chi tiêu chính phủ, giảm thuế và giảm lãi suất, N.D.) quá trớn của Bắc Kinh trong năm 2008 và 2009, chương trình kích thích kinh tế lớn nhất trong lịch sử thế giới (bao gồm hơn một ngàn tỉ đô-la chỉ riêng trong năm 2009). Kể từ cuối tháng 9/2011, những chỉ số kinh tế – mức tiêu thụ điện, đơn đặt hàng công nghiệp, tăng trưởng xuất khẩu, doanh số bán ô tô, giá bất động sản, tất tần tật đủ cả – đang báo hiệu một nền kinh tế dậm chân tại chỗ hoặc suy giảm. Tiền bắt đầu chạy ra khỏi đất nước vào tháng 10, và dự trữ ngoại tệ của Bắc Kinh đã giảm kể từ tháng 9.

Do đó, chúng ta sẽ chứng kiến sự sụp đổ hoặc, khả dĩ hơn, đà trượt dốc trong nhiều thập niên theo kiểu Nhật. Dù kịch bản nào xảy ra đi nữa, những khó khăn kinh tế đang xảy ra ngay đúng lúc xã hội Trung Quốc đang trở nên vô cùng bất mãn. Những vụ phản kháng không những tăng vọt – theo một thống kê, năm ngoái có 280.000 ”biến cố quần chúng” - mà còn ngày càng bạo lực như làn sóng gần đây của những cuộc nổi dậykhởi nghĩabạo loạn và vụ đánh bom cho thấy. Đảng Cộng sản do không thể hòa giải sự bất mãn xã hội nên đã chọn cách tăng cường trấn áp đến mức chưa từng thấy trong hai chục năm qua. Ví dụ, nhà cầm quyền đã phủ kín các thành phố và làng xã khắp nước bằng công an và binh lính có vũ trang, và tăng cường theo dõi hầu như mọi hình thức thông tin liên lạc và các phương tiện truyền thông. Chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi “kiểm soát” và ”hạn chế” được bình chọn là những từ phổ biến nhất của năm 2011 trong các cuộc khảo sát trên mạng.

Phương pháp cứng rắn đó tính đến nay đã giữ an toàn cho chế độ, nhưng sự ổn định do phương pháp đó tạo ra chỉ có thể tồn tại ngắn hạn trong xã hội ngày càng hiện đại hóa của Trung Quốc, trong đó hầu hết người dân dường như tin rằng nhà nước độc đảng không còn phù hợp. Chế độ đó rõ ràng đã thua trận chiến tư tưởng.

Ngày nay, biến đổi xã hội ở Trung Quốc đang tăng tốc. Vấn đề đối với đảng cầm quyền của nước này là mặc dù người Trung Quốc thường không có ý định cách mạng, những hành động đảo lộn xã hội của họ có thể có những tác động mang tính cách mạng bởi vì chúng diễn ra vào thời điểm hết sức nhạy cảm. Tóm lại, Trung Quốc hiện nay quá năng động và đầy biến động đến nỗi giới lãnh đạo của Đảng Cộng sản không thể tiếp tục bám víu. Trong năm đến, ở một nơi nào đó, bất kể là một làng nhỏ hay thành phố lớn, sẽ có một biến cố vượt khỏi tầm kiểm soát và lan nhanh. Vì người dân trên khắp đất nước này có cùng suy nghĩ, ta chẳng nên ngạc nhiên khi họ sẽ hành động giống nhau. Ta đã từng thấy người dân Trung Quốc đồng tâm nhất trí hành động: Vào tháng 6/1989, khá lâu trước khi xuất hiện mạng xã hội, đã có các vụ biểu tình phản kháng ở khoảng 370 thành phố trên khắp Trung Quốc, mà không có ai đứng đầu trên toàn quốc cả.

Hiện tượng này đã lan nhanh khắp Bắc Phi và Trung Đông trong năm nay, cho ta thấy rằng tự thân bản chất của thay đổi chính trị trên khắp thế giới đang biến chuyển, gây mất ổn định ngay cả những chính quyền độc tài có vẻ vững chắc nhất. Trung Quốc không thể nào tránh khỏi làn sóng “dân nổi can qua” này, như ta thấy qua cách Bắc Kinh phản ứng quá mức đối với những cuộc biểu tình có tên gọi “Hoa Nhài” hồi mùa xuân năm nay. Đảng Cộng sản Trung Quốc từng là người thụ hưởng những xu thế toàn cầu, nay lại là nạn nhân của những xu thế đó.

Vậy liệu Trung Quốc có sụp đổ không? Các chính quyền yếu kém có thể tại vị lâu dài. Giới chính trị học, vốn thích lý giải điều không thể giải thích được, cho rằng cần phải hội đủ nhiều yếu tố mới dẫn đến sụp đổ chế độ, và Trung Quốc hiện đang thiếu hai yếu tố quan trọng nhất: một chính quyền bị chia rẽ và một lực lượng đối lập mạnh.

Vào lúc mà những thách thức hệ trọng đang tăng chồng tăng chất, Đảng Cộng sản Trung Quốc sắp bắt đầu sự chuyển giao [thế hệ] chính trị trong nhiều năm, do đó thiếu chuẩn bị kỹ càng cho những vấn đề mà Đảng phải đương đầu. Hiện đã có những phân hóa rõ rệt trong hàng ngũ chóp bu của Đảng, và phản ứng chậm chạp của giới lãnh đạo trong những tháng gần đây (khác hẳn phản ứng nhanh như chớp hồi năm 2008 đối với những khó khăn kinh tế ở nước ngoài) cho thấy tiến trình ra quyết định ở Bắc Kinh đang rệu rã. Vậy ta có thể khẳng định yếu tố thứ nhất: chính quyền bị chia rẽ.

Còn về chuyện có một lực lượng đối lập, Liên Xô suy tàn mà đâu cần có đối lập gì cho cam. Trong thời đại biến động hơn nhiều của chúng ta, chính quyền Trung Quốc có thể tan rã giống như những chế độ chuyên quyền ở Tunisia và Ai Cập. Như ta thấy rõ qua “cuộc nổi dậy công khai” ở làng Ô Khảm (Wukan, 烏坎) thuộc tỉnh Quảng Đông trong tháng 12 này, người dân có thể nhanh chóng tự tổ chức – như họ từng làm quá nhiều lần kể từ cuối thập niên 1980. Dù sao đi nữa, nay đâu còn cần đến một cỗ máy vận hành trơn tru để đánh sập một chế độ trong thời đại cách mạng không có lãnh tụ này.

Mới đây thôi, mọi thứ quá thuận lợi cho giới quan lại ở Bắc Kinh. Nay, thuận chẳng còn, lợi cũng không. Đúng là tôi đã tiên đoán sai. Thay vì năm 2011, Đảng Cộng sản Trung Quốc hùng mạnh sẽ sụp đổ vào năm 2012. Cược gì tôi cũng cược.

Gordon G. Chang là tác giả của The Coming Collapse of China (Trung Quốc sắp sụp đổ), và cây bút phụ trách chuyên mục của trang mạng Forbes.com.

Bản tiếng Anh: The Coming Collapse of China: 2012 Edition, (Trung Quốc sắp sụp đổ: Ấn bản 2012), Foreign Policy, 29/12/2011.

Bản tiếng Việt: PVLH, Blog lên đông xuống đoài

8 Phản hồi cho “Liệu Đảng Cộng sản Trung Quốc có sụp đổ trong năm 2012?”

  1. Sự Thật 100% says:

    Một điều bảo đảm đúng 100% là: Chỉ khi nào cộng sản TQ sụp đổ thì may ra lúc đó các vị lãnh đạo Hà Nội mới được phép từ bỏ cộng sản.

  2. Phu quét đường says:

    Ủa.. Ủa !! cứ tưởng hệ thống cộng sản đã sụp đổ vào lổ cống từ lâu rồi, trên thế giời chỉ còn lại một ít rác rưới thôi chứ?

  3. Gà con says:

    Nếu cộng sản chết hẳn thì sẽ mất cân bằng sinh thái. Cũng như hiện nay đang không cân bằng.Rồi lại phải mất bao công sức để gây dựng lại cái con cộng sản ấy. Phiền toái lắm. Tốt nhất là sinh ra được cái gì cạnh tranh hữu hiệu lành mạnh với cộng sản.

  4. MINH HẰNG says:

    Trong sách ” THE COMING COLLAPSE OF CHINA , Gordon Chang cũng có viết câu chuyện :

    Mao Trạch Đông kể : Một ngày muà đông nọ , một anh nhà nông bắt gặp một con rắng nằm cóng lạnh. Động lòng thuơng hại , anh ta nhặt con rắn đặt vào lòng. Nhờ
    hơi ấm, rắn sống lại. Bản năng rắn thức giấc đưa một cái cắn định mệnh vào kẻ cưú. :”Tôi chết là đáng đời vì đã đem lòng thuơng hại một ác vật .”

    Mao Trạch Đông kể câu chuyện này với mục đích ví nguời điạ chủ như con rắn và không nên thuơng xót .
    Trong khi đó Hồ Chí Minh ví nguời điạ chủ như bụi rậm dành che chở ngọai bang và kẻ thù giai cấp. (gồm nhiều giai cấp khác )

  5. Sự chuyển động của bánh xe lịch sử theo hướng đi tới phía trước của nhân loại là không một lực cản nào có thể chống lại được. Đã hai chục năm qua, cs Liên xô và toàn bộ các nước Đông Âu sụp đổ tan tành. Quả thật, theo tôi đó là một sự kiện lịch sử, nói thế nào cho đúng nhỉ? Tức là ngoài sức tưởng tượng của rất nhiều người, tựa như là một phép lạ diệu kỳ vậy.
    Tuy nhiên, Trung quốc, Việt Nam, Bắc Triều Tiên, Cuba, và cọng thêm anh Lèo có leo lẻo mãi cái điệp khúc “kiên định lập trường Mác Lênin” mà nhân loại đã chán ngấy và vứt bỏ sọt rát từ lâu thì cái bánh xe lịch sử đó dã và đang ầm ầm đi tới với tốc độ ngày càng nhanh, càng mãnh liệt, thì sự sụp đổ của thế giới của sự ác, của những lá cờ màu đỏ cuả máu, của những tên lưu manh nhưng khoác lên mình cái áo nhân dân nhưng bản chất của chúng là cướp của giết người của cái tầng lớp nghèo khổ nhất, cái tầng lớp mà chúng gọi là “lực lượng nòng cốt, chủ lực của cách mạng vô sản”.
    Sự phản bội của chúng với toàn thể loài người nói chung, và với câu khẩu hiệu lừa bịp: “vô sản thế giới liên hiệp lại” của Mác, chính là “gậy ông lại đập lưng ông”. Chắc chắn rằng triệu triệu cái gậy của người Trung Hoa, của người Việt Nam v.v… sẽ đập tan tành bè lũ khốn nạn đó sớm thôi.

  6. kim Thoa GV says:

    Chủ Nghĩa Cọng Sản ngày nay phải nói, đúng là nó đang giẫy chết, bởiquá nhiều Ung nhọt tích tụ hơn nửa thế kỷ qua mà không nhận ra bệnh lý, để đến nay thì hết thuốc chữa trầm kha căng độ chỉ còn thời gian rồi nó tự nổ, hiện tại đang xì ra những mùi ôi thúi (Nhân loại không còn chịu đựng nỗi) các chế độ trong quá khứ. Tử khí của cái quái thai bốc lên từ những bãi rác Cọng Sản còn lại vài ba nước trên thế giới. Nhân dân VN nay đã sáng mắt và nhận thức rất rõ về những hiểm họa của CNCS đã cướp đi quyền cơ bản của con người và nhàm chán những trò hề bịp bợm như Độc tài Đảng trị Mị dân, ngu dân và dối trá trên mọi phương diện. Đảng CSVN trên đà sụp đổ là cái chắc.

  7. Trung Hoàng says:

    Ý THỨC TRỔI DẬY.

    Trong thời đại mới, con người trên thế giới càng đến gần với nhau hơn qua mạng thông tin toàn cầu, khoàng cách giưả người và người luôn được thu ngắn lại trên mọi mặt. Mở cưả kinh tế là động lực chính yếu, đã thúc đẩy nền kinh tế Trung Quốc phát triển trong suốt vài thập niên qua, nhưng cùng một lúc cũng đã nâng cao dân trí bên trong lục điạ nầy, quan trọng hơn cả là về tính dân chủ và quyền làm người.

    Ý thức về quyền làm người luôn được chuyển tải từ khắp nơi trên thế giới, luôn tác động mạnh mẻ trong các tầng lớp dân chúng Trung Quốc, một động lực khả dỉ có thể làm sụp đổ và tan rã một cách rất bất ngờ bất kỳ một chính thể độc tài nào, cho dù chính quyền đã sử dụng bạo lực để trấn áp khủng bố tinh thần người dân, nhưng đó không bao giờ là một biện pháp lâu dài và không thể nào đứng vững được, trước xu thế dân chủ toàn cầu trong thời đại mới nầy. Các nước CS độc tài chuyên chế còn sót lại trên thế giới, mặc dù có cởi mở triệt để về mặt kinh tế đi chăng nưã, nhưng chính thể chế chuyên trị toàn diện chắc chắn sẽ bị người dân đánh đổ trong một ngày gần đây. Sự sụp đổ và tự tan rã hay chuyển hoá, trước hay sau rồi cũng phải đến mà không bao giờ có thể tránh khỏi.

    Nếu nhà cầm quyền CSBK nhờ vào “quả ngọt nhân khẩu” để phát triển kinh tế vượt trội, thì một ngày không xa cũng chính “quả ngọt nhân khẩu” khổng lồ nầy, sẽ xô ngã chính quyền toàn trị nầy một cách đột biến bất ngờ khó mà lường trước được. Sự cấu thành một đất nước Trung Quốc chỉ bằng vào võ lực chiếm đoạt cuả các sắc dân khác, sự kết hợp hoàn toàn mang tính cưỡng bức bằng vào mác với lê như trong thời kỳ tranh đoạt hoang dã trước đây, chắc chắn sẽ không bao giờ được bền vững với thời gian, khi mà dân trí càng ngày luôn càng được mở rộng, qua mạng lưới kết chặt toàn cầu ngày một thăng tiến khó ngăn chận lại.

    Tiếng gầm thét kinh hoàng liên tục cuả Sư Tử Châu Phi, với Hương Hoa Lài toả rộng không thể nào chận đứng lại được, sẽ là những tác động rất mảnh liệt đến quần chúng trên khắp năm châu thế giới, nhất là các nước đang cố giử lấy một thể chế độc tài toàn trị như CSTQ và CSVN ngày nay. Tạng Hồi Mông Mãn chính là nội hàm có quá nhiều ẩn số đột biến, luôn luôn mang tính xung khắc bên trong đất nước Trung Quốc hôm nay và cả tương lai lâu dài mai sau. Sự cướp đoạt và thâu tóm lảnh thổ chỉ bằng vào võ lực thô bạo, ở đó chỉ có sự thù hận và căm hờn, không thể nào có được sự đồng tình chung sống thực sự, chính đó là một yếu tố mà sẽ khiến cho Trung Quốc phải chịu cảnh Tam Phân Tứ Liệt, như lịch sử trước đây đã từng phải bị xảy ra.

    Để vuốt ve thoả mãn tính tự cao tự đại bên trong lục điạ Trung Quốc, nhà cầm quyền CSBK sẽ luôn gây hấn lấn chiếm khắp nơi, để chứng tỏ sức mạnh cuả chính quyền hiện tại. Càng hung hãn bấy nhiêu, cũng chỉ càng lúc càng bộc lộ rõ sự sợ hải bị đánh đổ và tự tan rã khó tránh cuả một chính quyền và đất nước, luôn được xây dựng trên sức mạnh bạo lực hoàn toàn không mang tính tình người trong thời đại mới. Sự chênh lệch giàu nghèo giưả tầng lớp cai trị và tuyệt đại số đông là kẻ bị trị, sẽ tạo nên một động lực thúc đẩy không ngừng cho một biến động phải đến.

    Ý thức trổi dậy mạnh mẻ để đòi lại quyền con người, sẽ có được sự ứng trợ đúng mức kịp thời, qua mạng lưới thông tin truyền đạt rộng khắp toàn cầu, mà hầu như nhà cầm quyền CSBK khó có thể ngăn chận lại được hoàn toàn.

    Xin trân trọng.

  8. nguyễn duy ân says:

    Những đốm than lửa âm ỷ đã lâu ngày
    Những ngọn lửa lớn, nhỏ đã bùng cháy
    Đội chữa lửa thì bệnh hoạn, già nua
    Bọn cầm quyền tham tàn vô đáy
    Ngày sụp đổ chắc không xa!
    Chưa mười một, mười hai thì mười ba!

Leave a Reply to nguyễn duy ân