WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Tình trạng bất ổn tại các nước dân chủ

Ảnh minh hoạ

(Tiến trình toàn cầu hóa và mối đe dọa đối với phương Tây)

Charles A. Kupchan, Foreign Affairs, January/February 2012, Trần Ngọc Cư dịch

Charles A. Kupchan là Giáo sư Quốc tế Sự vụ tại Đại học Georgetown và là Nhà nghiên cứu Thâm niên tại Council on Foreign Relations, một viện nghiên cứu chính sách tại Mỹ. Bài tiểu luận sau đây phỏng theo cuốn sách sắp xuất bản của ông, nhan đề No One’s World: The West, the Rising Rest, and the Coming Global Turn (Thế giới không của riêng ai: phương Tây, phần còn lại đang trỗi dậy và biến chuyển toàn cầu sắp tới), do Oxford University Press xuất bản năm 2012.

Một cuộc khủng hoảng về khả năng điều hành quốc gia đang trùm phủ lên các chế độ dân chủ tiên tiến nhất thế giới. Chẳng phải tình cờ mà Mỹ, châu Âu, và Nhật Bản đang đồng thời trải qua một tình trạng suy sụp chính trị; tiến trình toàn cầu hóa đang mở ra một khoảng cách ngày càng lớn giữa những gì mà các khối cử tri đang đòi hỏi từ chính phủ của họ và những gì mà các chính phủ ấy có thể đáp ứng được. Sự so le giữa việc người dân ngày càng đòi hỏi một khả năng điều hành quốc gia tốt đẹp và việc chính phủ ngày càng bất lực trong việc cung ứng khả năng ấy là một trong những thử thách nghiêm trọng nhất của thế giới phương Tây hiện nay.

Cử tri tại các nước dân chủ công nghiệp hóa đang kỳ vọng chính phủ của họ giải quyết các vấn đề liên quan đến sự sa sút trong mức sống và tình trạng bất bình đẳng kinh tế ngày một gia tăng do sự luân lưu hàng hóa, dịch vụ, và vốn diễn ra ở mức độ chưa từng thấy trên toàn cầu. Họ cũng trông chờ các vị đại biểu của mình giải quyết các vấn đề nổi cộm như việc nhập cư của người nước ngoài, tình trạng hâm nóng địa cầu, và các hệ quả thứ yếu khác của một thế giới toàn cầu hoá. Nhưng các chính phủ phương Tây không đủ khả năng chu toàn nhiệm vụ ấy. Tiến trình toàn cầu hóa đang lấy mất những lợi thế chính sách của những chính phủ này, đồng thời làm suy giảm sự thống trị truyền thống của phương Tây trên các vấn đề quốc tế, vì tiến trình này đã tạo điều kiện cho “phần còn lại của thế giới vươn lên”. Sự bất lực của các chính phủ dân chủ trong việc đáp ứng các nhu cầu của đại chúng do đó đã gia tăng sự bất mãn của người dân, làm suy yếu thêm tính chính danh và hiệu năng của các định chế đại nghị.

Cuộc khủng hoảng về khả năng điều hành quốc gia trong phạm vi thế giới phương Tây đã diễn ra đặc biệt không đúng thời điểm. Toàn bộ hệ thống quốc tế đang kinh qua một biến chuyển tái tạo (tectonic change) do sự phân tán của cải và quyền lực đến những khu vực mới. Tiến trình toàn cầu hóa lẽ ra phải làm lợi cho các xã hội tự do, những xã hội được cho là phù hợp nhất trong việc vận dụng tính nhanh nhạy và linh động của thị trường toàn cầu. Nhưng thay vì vậy, nhiều khối quần chúng ở những nước dân chủ tiên tiến tại Bắc Mỹ, châu Âu, và Đông Á đang gánh chịu nhiều hậu quả nặng nề — chính vì các nền kinh tế của những nước này vừa hết hạn kỳ (không thể phát triển thêm được nữa) vừa mở ra với thế giới bên ngoài.

Trái lại, Brazil, Ấn độ, Hồi Quốc, và các nước dân chủ đang trỗi dậy khác hiện đang hưởng lợi nhờ sự chuyển dịch sinh lực kinh tế từ thế giới phát triển sang thế giới đang phát triển. Đặc biệt Trung Quốc (TQ) đang tỏ ra khôn khéo trong việc gặt hái những lợi ích của việc toàn cầu hóa trong khi hạn chế được những thiệt hại do nó mang lại — một phần không nhỏ là vì TQ đã giữ quyền kiểm soát những công cụ chính sách mà các đối thủ tự do không chịu dùng đến. Chủ nghĩa tư bản nhà nước có những lợi thế rõ ràng, chí ít trong giai đoạn hiện nay. Do đó, không những chỉ có ưu thế vật chất của phương Tây đang bị đe dọa, mà sức hấp dẫn của phiên bản về tính hiện đại phương Tây cũng bị thử thách. Nếu các chế độ tự do dân chủ không thể phục hồi khả năng thanh toán các vấn đề chính trị và kinh tế hiện nay (political and economic solvency), thì quyền lực chính trị và địa chính trị của Thế kỷ 21 rất có thể bị nhiều thế lực khác nhau giành giựt.

Những bất an

Tiến trình toàn cầu hóa đã trải rộng toàn bộ của cải của thế giới và giúp các nước đang phát triển đạt được sự phồn thịnh chưa từng có. Sự gia tăng nhanh chóng số lượng đầu tư, mậu dịch, và các mạng lưới giao thông đã làm sâu sắc thêm sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia (interdependence) và các hệ quả có tiềm năng ổn định tình hình. Xu thế toàn cầu hóa cũng buộc các quốc gia phi dân chủ phải mở cửa và vì thế nó có thể thúc đẩy các cuộc nổi dậy của dân chúng. Nhưng đồng thời, việc toàn cầu hóa và nền kinh tế thông tin (digital economy) mà nó dựa vào là nguyên nhân chính của cuộc khủng hoảng về khả năng điều hành quốc gia hiện nay tại phương Tây. Xu hướng giảm công nghiệp hóa (deindustrialization) và đưa công việc ra nước ngoài (outsourcing), thương mại toàn cầu và bất quân bình ngân sách, vốn thặng dư và tín dụng và bong bóng đầu tư — những hậu quả này của xu thế toàn cầu hóa đang áp đặt lên xã hội phương Tây nhiều gian khổ và bất an mà nhiều thế hệ gần đây chưa từng trải qua. Tình trạng khốn khổ phát xuất từ cuộc khủng hoảng tài chính bắt đầu từ năm 2008 là đặc biệt gay gắt, nhưng những vấn đề cơ bản đã phát xuất sớm hơn nhiều. Trong phần lớn hai thập kỷ qua, đồng lương của giai cấp trung lưu tại các nước dân chủ hàng đầu trên thế giới đã bị giữ ở mức cố định, và tình trạng bất bình đẳng kinh tế đã và đang gia tăng gay gắt, đồng thời xu thế toàn cầu hóa đã tưởng thưởng hậu hĩ những người thành công và để lại đằng sau nhiều người thất bại.

Những xu thế này không phải là phó sản tạm thời của một chu kỳ thương nghiệp (the business cycle), chúng cũng không chủ yếu do việc chính phủ thiếu điều tiết trong khu vực tài chính, hay do việc giảm thuế giữa hai cuộc chiến tranh Iraq và Afghanistan, hay do những chính sách sai lầm khác. Như các nhà phân tích kinh tế Daniel Alpert, Robert Kockett, và Nouriel Roubini đã tranh luận gần đây trong tác phẩm nghiên cứu của họ “The Way Forward” (Con đường phía trước), thì đồng lương trì trệ và tình trạng bất bình đẳng ngày càng gia tăng là hậu quả của việc hội nhập hằng tỉ công nhân lương thấp (low-wage workers) vào nền kinh tế toàn cầu và việc gia tăng năng suất nhờ áp dụng công nghệ thông tin vào khu vực sản xuất. Những phát triển này đã đẩy năng suất toàn cầu cao hơn mức đòi hỏi quá xa, gây tổn thất nặng nề cho công nhân tại các nền kinh tế trả lương cao (high-wage economies) của thế giới công nghiệp. Tình trạng xáo trộn và bất mãn của nhiều khối cử tri phương Tây do việc toàn cầu hóa đã được khuyếch đại bởi cường độ gia tăng của những mối đe doạ xuyên quốc gia, nạn khủng bố, việc nhập cư bất hợp pháp, và nạn xuống cấp môi trường – vốn là hệ quả của quá trình toàn cầu hóa. Cộng thêm vào mối phức tạp xấu xa này là cuộc cách mạng thông tin; Internet và sự tràn ngập các phương tiện thông tin đại chúng hình như đang làm gia tăng tình trạng phân cực ý thức hệ hơn là bồi dưỡng các cuộc thảo luận có ý nghĩa.

Các cử tri đứng trước sức ép kinh tế, xáo trộn xã hội, và chia rẽ chính trị đang hướng về các vị đại diện dân cử để tìm sự giúp đỡ. Nhưng, xu thế toàn cầu hóa càng thúc đẩy đòi hỏi bức thiết là chính phủ phải đáp ứng nguyện vọng người dân bao nhiêu, thì chính xu thế này cũng đảm bảo rằng sự đáp ứng đó là bất cập bấy nhiêu. Các chính phủ tại các nước công nghiệp phương Tây đã đi vào một giai đoạn thiếu hiệu quả rõ rệt, vì ba lý do chủ yếu sau đây:

Một là, xu thế toàn cầu hóa đã biến những công cụ chính sách truyền thống từng được sử dụng bởi những nước tự do dân chủ thành những công cụ cùn cụt hơn trước nhiều. Washington thường xuyên vận dụng chính sách ngân sách và tiền tệ để điều chỉnh hoạt động kinh tế. Nhưng trước cuộc cạnh tranh toàn cầu và một núi nợ chưa từng thấy, nền kinh tế Mỹ có vẻ gần như trở thành miễn dịch đối với các lượng tiền chi tiêu để kích thích kinh tế hay đối với những động thái mới nhất của Quĩ Dự trữ Liên bang [Ngân hàng Trung ương] về lãi suất. Phạm vi rộng lớn và tốc độ nhanh chóng của các lưu lượng thương mại và tài chính toàn cầu có ý nghĩa rằng các quyết định và các biến chuyển ở những nơi khác là quan trọng hơn những quyết định của Washington– như thái độ ngoan cố của Bắc Kinh về đồng Nhân dân tệ, phản ứng chậm chạp của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng tài chính tại đó, hành vi của giới đầu tư và các cơ quan thẩm định giá trị, hoặc sự gia tăng phẩm chất các kiểu xe mới nhất của hãng Hyundai. Các nước dân chủ châu Âu qua một thời gian lâu dài từng dựa vào chính sách tiền tệ để thích nghi với các thay đổi bất thường trong hoạt động kinh tế. Nhưng họ đã từ bỏ lựa chọn ấy khi họ gia nhập khu vực đồng euro. Nhật Bản trong hai thập kỷ vừa qua đã thử nghiệm chiến lược này đến chiến lược khác để kích thích kinh tế, nhưng vô hiệu. Trong một thế giới toàn cầu hóa, giản dị là, các quốc gia dân chủ không còn khả năng kiểm soát các hậu quả như trước.

Hai là, nhiều vấn đề mà các khối cử tri phương Tây đang đòi hỏi chính phủ của mình giải quyết cần đến một mức độ hợp tác quốc tế nào đó, nhưng đây là điều không thể thực hiện. Sự tản mác quyền lực từ phương Tây sang phần còn lại của thế giới có nghĩa là ngày nay có nhiều đầu bếp mới trong nhà bếp; một hành động có hiệu quả không còn chủ yếu tùy thuộc vào sự cộng tác giữa các quốc gia dân chủ có cùng một ý thức hệ. Thay vào đó, nó tùy thuộc vào sự hợp tác giữa một số quốc gia đông đảo hơn và đa dạng hơn. Hiện nay, Mỹ đang hướng về nhóm G-20 để tái quân bình nền kinh tế thế giới. Nhưng rất khó đạt được một sự đồng thuận giữa các quốc gia đang ở vào những giai đoạn phát triển khác nhau và đi theo những đường hướng điều hành kinh tế khác nhau. Những thách đố như nỗ lực chặn đứng tình trạng hâm nóng địa cầu hay cô lập Iran một cách có hiệu quả trong một cách thế tương tự sẽ tùy thuộc vào nỗ lực tập thể, nhưng khả năng này hoàn toàn nằm ngoài tầm vói.

Ba là, các nước dân chủ có thể hành động gọn nhẹ và đáp ứng nhu cầu của dân chúng khi các khối cử tri tại đó cảm thấy thỏa mãn và đạt được một sự đồng thuận phát sinh từ những kỳ vọng lớn lao, nhưng các nước này sẽ trở nên lúng túng và chậm trệ khi người dân của họ đâm ra bi quan và chia rẽ. Các chính thể trong đó sự điều hành quốc gia tùy thuộc vào sự tham gia của dân chúng, sự kiểm soát và quân bình lẫn nhau giữa các định chế, và sự tranh đua giữa các nhóm lợi ích tỏ ra khôn khéo trong việc phân phối các quyền lợi hơn là việc chia đều sự hi sinh. Nhưng hi sinh chính là điều cần thiết để phục hồi khả năng thanh toán kinh tế (economic solvency) — nhằm thoát ra mạng lưới nợ nần hiện nay. Sự kiện này buộc các chính phủ phương Tây phải đối diện với một viễn tượng khó nuốt là theo đuổi những chính sách có nguy cơ làm suy yếu khả năng thu hút cử tri.

Một vấn đề, ba sắc thái

Tại Mỹ, sự đối đầu giữa hai đảng đang làm tê liệt hệ thống chính trị. Nguyên nhân cơ bản là tình trạng thảm hại của nền kinh tế Mỹ. Từ năm 2008, nhiều người Mỹ đã mất nhà, mất công ăn việc làm, và tiền tiết kiệm hưu trí. Tất cả những thất bại này diễn ra tiếp theo sau nhiều thập niên liên tiếp đồng lương của giới trung lưu đứng yên một chỗ. Trong 10 năm qua, mức thu nhập bình quân hộ gia đình tại Mỹ đã sút giảm trên 10%. Trong khi đó, tình trạng bất bình đẳng lợi tức đang tăng lên nhanh chóng, biến Hoa Kỳ thành nước có mức chênh lệch giàu nghèo gay gắt nhất trong thế giới công nghiệp. Nguyên nhân chủ yếu tạo ra tình cảnh sa sút của người công nhân Mỹ là sự cạnh tranh toàn cầu; công ăn việc làm của họ nối đuôi nhau đi ra nước ngoài. Thêm vào đó, nhiều công ty có sức cạnh tranh nhất trong nền kinh tế thông tin điện tử (digital economy) không có cánh dù đủ rộng để bao che một số lượng công nhân to lớn. Công ty Facebook được định giá khoảng 70 tỉ USD, nhưng nó chỉ mướn khoảng 2.000 nhân viên; trong khi đó, công ty General Motors, được định giá khoảng 35 tỉ USD nhưng có đến 77.000 nhân viên tại Mỹ và 208.000 trên thế giới. Sự giàu có của các công ty có sức cạnh tranh hàng đầu của Mỹ hiện nay không nhỏ giọt xuống cho giới trung lưu nước này.

Những thực tế kinh tế khắc nghiệt đang làm sống lại những phân hóa mang tính đảng phái và ý thức hệ từ lâu đã im ắng nhờ những vận hội kinh tế phồn vinh của quốc gia trước đây. Trong những thập niên sau Thế chiến II, một sự phồn vinh được chia sẻ rộng rãi đã thu hút các chính trị gia Dân chủ lẫn Cộng hòa vào vị trí trung tâm của sinh hoạt chính trị. Nhưng ngày nay, Quốc hội Mỹ gần như thiếu hẳn những người chủ trương ôn hòa ở trung tâm sân khấu chính trị và thiếu hẳn tinh thần cộng tác giữa hai chính đảng; phía Dân chủ vận động đòi hỏi thêm tiền để kích thích kinh tế, cứu trợ người thất nghiệp và tăng thuế người giàu, trong khi đó phía Cộng hòa đòi hỏi triệt để cắt giảm kích cỡ và sự chi tiêu của chính phủ. Việc khoét rổng trung tâm chính trị Mỹ đang diễn ra nhanh chóng là do việc phân chia lại các đơn vị bầu cử theo tinh thần đảng phái, do một môi trường truyền thông kích động nhiều hơn thông tin, và do một hệ thống vận động tài chính tranh cử băng hoại đang bị các nhóm lợi ích nắm giữ.

Tình trạng phân cực chính trị do những nguyên nhân trên đang trói chặt nước Mỹ. Tổng thống Barack Obama đã nhận thức được tệ trạng này, đó là lý do tại sao ngay từ khi nhậm chức ông đã hứa sẽ trở thành một vị tổng thống “hậu-đảng phái” (a “postpartisan” president). Nhưng sự thất bại trong những nỗ lực tốt đẹp nhất của Obama nhằm hồi sinh nền kinh tế và phục hồi sự hợp tác lưỡng đảng đã phơi bày tính cách hệ thống của sự rối loạn kinh tế và chính trị tại quốc gia này. Gói kích thích kinh tế 787 tỉ USD của Obama, được thông qua không có sự hậu thuẫn của một dân biểu Cộng hòa nào tại Hạ viện, đã không hà hơi tiếp sức được cho một nền kinh tế vốn bị băng hoại vì nợ nần, vì thiếu công ăn việc làm cho giai cấp trung lưu, và vì cuộc suy thoái toàn cầu. Từ khi đảng Cộng hòa giành được đa số tại Hạ viện vào năm 2010, sự đối đầu của hai đảng đã cản trở sự tiến bộ gần như trên mọi vấn đề. Các dự luật nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế hoặc là không được thông qua hoặc là bị sửa đổi đến mức không gây được tác dụng đáng kể. Các dự luật để cải tổ vấn đề nhập cư và để hạn chế tình trạng hâm nóng địa cầu thậm chí không được đưa lên chương trình nghị sự.

Việc điều hành quốc gia yếu kém, kết hợp với liều lượng xung khắc đảng phái hằng ngày, đã đẩy sự tán thành của dân chúng đối với Quốc hội xuống mức thấp nhất trong lịch sử. Sự thất vọng đều khắp của dân chúng đã sản sinh Phong trào Chiếm Wall Street (the Occupy Wall Street movement) — gồm một loạt các cuộc biểu tình chống đối kéo dài của dân chúng lần đầu tiên diễn ra kể từ thời Chiến tranh Việt Nam. Sự bất mãn của cử tri chỉ làm sâu sắc thêm những thách đố trong việc điều hành quốc gia, khi những chính trị gia vì thấy mình thất thế phải nhắm vào những lợi ích hẹp hòi của cơ sở đảng phái, vì thế hệ thống chính trị quốc gia mất luôn cả sức đẩy nhỏ nhoi.

Trong khi đó, cuộc khủng hoảng về khả năng điều hành tại châu Âu mang dạng thức của một cuộc tái quốc gia hóa (renationalization) nền chính trị tại đó. Nhiều bộ phận dân chúng châu Âu đang nổi lên chống lại cuộc xáo trộn kép gây ra do tiến trình hợp nhất châu Âu và xu thế toàn cầu hóa. Hậu quả là, các nước thành viên EU (Liên minh châu Âu) đang bận rộn đấu tranh giành lại những quyền lợi chủ quyền của mình, đo đó có thể gây nguy cơ cho dự án hợp nhất chính trị và kinh tế châu Âu được khởi động sau Thế chiến II. Cũng như tại Mỹ, tình hình kinh tế là gốc rễ của vấn đề. Trong hai thập kỷ qua, mức thu nhập của giai cấp trung lưu trong hầu hết những nền kinh tế quan trọng của châu Âu liên tục giảm sút và tình trạng bất bình đẳng ngày một gia tăng. Tỉ số thất nghiệp tại Spain lên trên 20%, và thậm chí tại Đức, nền kinh tế hàng đầu của EU, giai cấp trung lưu bị thu nhỏ 13% kể từ năm 2000 đến 2008. Những kẻ sa cơ thất thế thấy mình đang rơi xuống trên một tấm lưới an toàn đã sờn rách; các hệ thống an sinh êm ái của châu Âu, không còn đứng vững trước sức cạnh tranh toàn cầu, đang bị cắt xén nhanh chóng. Tình trạng khắc khổ phát sinh từ cuộc khủng hoảng nợ nần trong khu vực đồng euro chỉ làm cho vấn đề trở nên tồi tệ thêm. Người Hy Lạp phẫn nộ về chính sách thắt lưng buộc bụng mà khối EU thực thi bao nhiêu, thì người Đức lại giận dữ về việc họ phải cứu giúp các nước đình đốn kinh tế tại châu Âu bấy nhiêu.

Dân số đang già nua của châu Âu đã khiến việc nhập cư của người nước ngoài trở thành một tất yếu kinh tế (an economic necessity). Nhưng sự trì trệ của người di dân Hồi giáo trong việc hội nhập vào dòng chính của xã hội châu Âu đã gia tăng sự bất bình của người bản xứ đối với thái độ sốt sắng của EU trong việc thu nhận thêm người nước ngoài vào xã hội của họ. Những đảng chính trị cực hữu đã khai thác mối lo âu này, và chủ nghĩa dân tộc gay gắt của họ không những chỉ nhắm vào người nhập cư mà còn nhắm vào cả EU nữa. Sự thay đổi thế hệ đang làm giảm bớt nhiệt tình của dân chúng đối với việc hợp nhất châu Âu. Những người châu Âu với ký ức kinh hoàng về Thế chiến II coi EU như một lối thoát của châu Âu để tránh xa dĩ vãng đầy máu lệ của nó. Nhưng những thế hệ châu Âu trẻ trung hơn thì không có dĩ vãng nào cần phải trốn chạy. Trong khi những vị trưởng lão coi dự án châu Âu như một niềm tin tưởng, thì các nhà lãnh đạo hiện nay và các khối cử tri lại muốn thẩm định EU xuyên qua một sự đánh giá lạnh lùng – và đôi khi tiêu cực — dựa trên lợi và hại.

Việc điều hành một chính quyền tập thể mà EU rất cần đến để thành công trong một thế giới toàn cầu hóa không nhận được hậu thuẫn của các phong trào chính trị đường phố, một xu thế rõ ràng đang trở nên xung khắc với dự án châu Âu. Các định chế của châu Âu có khả năng xuống cấp ngang với mức độ của chính trị châu Âu, điều này sẽ có hệ quả là biến EU thành một khối mậu dịch không hơn không kém. Một khả năng khác là, chính trị quốc gia của từng nước thành viên có thể một lần nữa lại khoát lên mình một sứ mệnh châu Âu, điều này sẽ thở một luồng khí chính danh mới mẻ vào một liên minh đang ngày càng rổng ruột. Hậu quả của khả năng thứ hai là tốt đẹp hơn nhiều, nhưng nó đòi hỏi tài lãnh đạo và quyết tâm, nhưng hiện nay những yếu tố này không biết tìm đâu cho thấy.

Về phần mình, Nhật Bản cũng đang phiêu dạt về chính trị kể từ khi Junichiro Koizumi thôi chức thủ tướng vào năm 2006. Sau đó, Đảng Tự do Dân chủ (ĐTDDC), một đảng từng khống chế chính trường Nhật Bản suốt gần hết thời hậu chiến, đã thất bại thảm hại, nhường quyền cho Đảng Dân chủ Nhật Bản (ĐDCNB) vào năm 2009. Việc củng cố một hệ thống lưỡng đảng (a two-party system) tưởng có tiềm năng cải thiện việc điều hành quốc gia nhưng thay vì vậy đã chỉ tạo ra bế tắc chính trị và làm mất niềm tin của dân chúng. Nhật Bản trải qua sáu đời thủ tướng trong vòng 5 năm. Mùa hè vừa qua, mức hậu thuẫn của dân chúng dành cho ĐDCNB đứng ở 18%. ĐDCNB và ĐTDDC bị chia rẽ nội bộ gay gắt cùng với mức độ hai đảng hiện đang kềnh cựa lẫn nhau. Việc hoạch định chính sách bị bế tắc trên mọi vấn đề khẩn cấp; phải mất hơn 100 ngày Quốc hội Nhật Bản mới có thể thông qua đạo luật cung cấp cứu trợ cho nạn nhân của cuộc động đất, sóng thần, và thảm họa hạt nhân xảy ra năm ngoái.

Vấn đề bắt đầu diễn ra với việc Nhật Bản vỡ bong bóng tài sản năm 1991, một bước thụt lùi đã phơi bày nhiều vấn đề còn sâu sắc hơn trong nền kinh tế quốc gia và dẫn đến một “thập kỷ mất mát” vì nạn suy thoái kéo dài. Các nhà sản xuất Nhật Bản chịu nhiều thiệt hại, khi công việc và tiền đầu tư chuyển sang Trung Quốc và “các con hổ châu Á”. Khế ước xã hội truyền thống của Nhật Bản, theo đó các tập đoàn doanh nghiệp cung cấp việc làm suốt đời và lương hưu thoải mái, không còn đứng vững được nữa. Hai thập kỷ vừa qua đã mang lại một sự suy giảm đáng kể trong mức thu nhập của giới trung lưu, tình trạng bất bình đẳng kinh tế gia tăng, và tỉ lệ nghèo đã tăng đột biến từ 7% trong những năm 1980 lên 16% trong năm 2009. Trong năm 1989, Nhật Bản đứng hàng thứ tư trên thế giới về GDP đầu người; vào năm 2010, GDP đầu người của Nhật Bản rơi xuống hạng 24.

Chính vì để đối phó với những vấn đề này mà Koizumi đã lao vào những nỗ lực đầy tham vọng nhằm tự do hóa nền kinh tế và giảm bớt quyền lực của giới quan liêu và các nhóm lợi ích. Sức hấp dẫn của cá nhân ông và hậu thuẫn mạnh mẽ của Quốc hội đã tạo được tiến bộ có ý nghĩa, nhưng những kẻ kế vị thuộc ĐTDDC cũng như ĐDCNB tỏ ra quá yếu kém, không đủ sức thúc đẩy tiến trình đi tới. Vì thế Nhật Bản lâm vào tình trạng thiếu lãnh đạo, rơi vào nguy cơ chịu những xáo trộn của một nền kinh tế toàn cầu chưa được tự do hóa hay đủ tính chiến lược cho một sự cạnh tranh hữu hiệu.

Chén thuốc đắng

Không phải tình cờ mà cuộc khủng hoảng khả năng điều hành quốc gia tại phương Tây đã xảy ra trùng hợp với sức mạnh chính trị mới mẻ của các cường quốc đang trỗi dậy; sinh lực kinh tế và chính trị đang chuyển từ trung tâm ra vùng biên của hệ thống quốc tế. Và trong khi những quốc gia cởi mở nhất thế giới đang kinh qua tình trạng mất quyền kiểm soát khi hội nhập vào một thế giới toàn cầu hóa, các quốc gia phi tự do, như Trung Quốc, đang cố tình kìm hãm xã hội chặt chẽ hơn xuyên qua việc hoạch định chính sách bằng đường lối trung ương tập quyền, kiểm soát phương tiện truyền thông, và thị trường được nhà nước giám sát. Nếu các nước dân chủ hàng đầu tiếp tục mất đi ánh quanh vinh trong lúc các nước đang phát triển phác thảo hướng đi lên của mình, thời kỳ quá độ đang diễn ra của quyền lực toàn cầu sẽ gây thêm nhiều bất ổn đáng kể. Ngược lại, một cuộc tái liên kết theo trật tự phân hạng quốc tế sẽ diễn ra thứ tự hơn nếu các nước dân chủ phương Tây lấy lại tư thế của mình và cung ứng một sự lãnh đạo có ý nghĩa.

Điều mà chúng ta cần đến không gì khác hơn là một câu trả lời bức thiết mang tính cách thể kỷ 21 đối với những căng thẳng cơ bản giữa dân chủ, chủ nghĩa tư bản và toàn cầu hóa. Nghị trình chính trị mới mẻ này phải nhắm vào việc tái xác quyết quyền kiểm soát của người dân đối với kinh tế chính trị (political economy), điều khiển hành vi nhà nước hướng tới việc đáp ứng có hiệu quả những thực tại kinh tế của thị trường toàn cầu lẫn những đòi hỏi của xã hội đại chúng về việc phân chia công bình các phần thưởng và các hi sinh.

Phương Tây phải theo đuổi ba chiến lược tổng quát nhằm đáp ứng thách thức này và vì thế phải trang bị các định chế dân chủ của mình hữu hiệu hơn để đối phó một thế giới toàn cầu hóa. Một là, khi phải đối đầu với chủ nghĩa tư bản nhà nước và sức mạnh to lớn của các thị trường toàn cầu, các nước dân chủ phương Tây không còn cách nào khác hơn là phải nhúng tay vào việc hoạch định kinh tế chiến lược trên một qui mô chưa từng có. Việc đầu tư do nhà nước lãnh đạo sẽ rất cần thiết trong các lãnh vực như việc làm, cơ sở hạ tầng, giáo dục, và nghiên cứu để phục hồi sức cạnh tranh kinh tế. Hai là, các nhà lãnh đạo phải tìm cách chuyển hướng sự bất mãn của cử tri vào các mục đích cải tổ xuyên qua một dạng thức tiến bộ của chủ nghĩa dân túy (a progressive brand of populism). Bằng cách theo theo đuổi những chính sách làm lợi cho đại chúng hơn là phục vụ các đảng viên trung kiên và các lợi ích đặc biệt, những nhà chính trị không những lấy lại được lòng dân mà còn tạo lại sinh lực cho những cơ chế dân chủ và phục hồi giá trị của bổn phận công dân và đức tính hy sinh. Ba là, các chính phủ phương Tây phải đưa các khối cử tri của mình ra khỏi sự cảm dỗ của xu thế hướng nội. Lịch sử đã chứng minh, những giai đoạn kinh tế khó khăn có thể nhen nhúm chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch (protectionism) và chủ nghĩa cô lập (isolationism).

Không một chiến lược nào được nêu ra ở trên là dễ thực hiện. Việc theo đuổi toàn bộ những chiến lược này cùng một lúc sẽ đòi hỏi một tài lãnh đạo phi thường và một thái độ can đảm chính trị tương xứng. Nhưng bao lâu mà một nghị trình như thế chưa được thiết kế và thực hiện, thì tình trạng bất ổn của các nước dân chủ phương Tây vẫn còn tồn tại.

Nguồn: Foreign Affairs, January/February 2012

© Trần Ngọc Cư

1 Phản hồi cho “Tình trạng bất ổn tại các nước dân chủ”

  1. LẠI MẠNH CƯỜNG says:

    Xin thành thật cám ơn dịch giả TRẦN NGỌC CƯ !
    Ông đã chọn một bài viết rất hay để giới thiệu toàn cảnh thế giới hiện nay ra sao, nhất là ở Âu Mỹ.
    Bài viết trình bày những nan đề rất mà khó giải quyết của thế giới được ông khéo léo dịch bằng những từ ngữ dễ hiểu, trình bày khúc chiết các lý luận về nguyên nhân lẫn hâu quả của các nan đề trên.

    Tôi được mở mắt thêm nhiều qua bài này, nhưng cũng thú thật cần thời gian để “tiêu hóa” cho thật trọn vẹn.

    So với bài viết “Câu chuyện nợ nần của chính phủ Mỹ” của Lê Văn Bình, cũng đăng tại đây vào ngày 28 tháng 12 năm ngoái, tôi thích bài này hơn vì dễ hiểu, giúp cho độc giả nắm vững các nan đề hơn.

    Nguyễn Xuân Nghĩa cũng có những bài bình luận về kinh tế tài chính nước Mỹ và thế giới khá hấp dẫn, mặc dù phần bình luận của ông theo tôi nặng chủ quan nên không chính xác lắm.

    Dù sao cũng cần có thêm nhiều bài về kinh tế tài chính hơn là chính trị, để độc giả bình thường như tôi mở rộng nhãn quan và gia tăng kiến thức tổng quát.

    Xin cám ơn tất cả, tác giả, dịch giả, độc giả và nhất là Ban Biên Tập DCV đã chọn đăng các bài hay như trên.

    Kính bái,
    Lại Mạnh Cường

Phản hồi