WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

“Thiên tài” vùng Karpat

Tổng thống Reagan đã từng nói: ”Chủ nghĩa cộng sản là một quái thai của thế kỷ 20”. Những nhân vật tiêu biểu của các chế độ độc tài cộng sản như Stalin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Phiden Castro…đã được nhiều sách báo, phim ảnh… giới thiệu. Đây là những nhân vật bạo ngược, ham quyền lực, sẵn sàng ”thanh toán” ngay cả những “đồng chí” thân cận nhất, khi cảm thấy họ đe dọa đến quyền lực của mình. Về đời sống cá nhân, họ tận hưởng mọi lạc thú chẳng khác mấy những vua chúa thời xưa, nhưng được che đậy khéo léo bằng lớp màn “đạo đức cộng sản”.

Nhưng thật thiếu sót, nếu chúng ta không kể đến Ceausescu , một “thiên tài vùng Karpat”, nhà độc tài cộng sản khét tiếng đã bị nhân dân Rumani lật đổ cách đây 20 năm .

Trở thành lãnh tụ đảng

Cũng như nhiều lãnh tụ cộng sản khác, Nicolae Ceausescu gia nhập đảng cộng sản lúc còn rất trẻ. Tham gia các hoạt động của Đảng Cộng Sản Rumani từ thời kỳ đảng còn hoạt động bí mật và giai đoạn chống phát xít trong chiến tranh thế giởi lần thứ 2. Sau chiến tranh, chế độ cộng sản được thiết lập tại Rumani, trở thành   bí thư  Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Rumani (1944-1945).

Năm 1947 Ceaucescu được đề cử giữ chức bộ trưởng bộ nông nghiệp, rồi thứ trưởng bộ quốc phòng (do Gheorghiu-Deja, người sau này trở thành bí thư thứ nhất đảng Công Nhân Rumani làm bộ trưởng).

Năm 1954 Ceausescu trở thành ủy viên chính thức bộ chính trị, nhân vật thứ 2 trong Đảng.

Sau cái chết của của Gheorghiu-Deja ba ngày, Ceausescu trở thành bí thứ thứ nhất Đảng Công Nhân Rumuni năm 1965. Công việc đầu tiên sau khi nhậm chức là đổi tên đảng thành Đảng Cộng Sản Rumuni. Hai năm sau, năm 1967 kiêm nhiệm chức chủ tịch Hội đồng Nhà Nước Rumani (từ năm 1974 là chủ tịch nước Cộng Hòa XHCN Rumuni)

Độc tài, sùng bái cá nhân

Ngay sau khi nắm quyền hành trong đảng và nhà nước, Ceausescu đã thực hiện lãnh đạo theo chủ nghĩa độc tài Stalin.

Ceausescu tự đề cao mình là “người cầm lái”, ”thiên tài vùng Karpat”. Thiết lập lực lượng an ninh (securitate) sâu rộng, cài cắm nhân viên an ninh khắp mọi nơi, từ cơ quan đến xí nghiêp, trường học đến bệnh viện , nhà thờ…Kiểm duyệt chặt chẽ báo chí, triệt hạ các cá nhân, tổ chức đối lập ngay từ khi họ chưa lộ diện.

Ceausescu trở nên nổi tiếng không những ở Rumani, mà còn ở các nước phương tây nhờ đường lối đối ngoại chống Liên Xô. Công khai phê phán các chính sách đối ngoại của Liên Xô như đưa quân đội vào Tiệp Khắc, cắt quan hệ ngoại giao với Izrael…

Về đối nội, Ceausescu thực hiện nhiều chủ trương chính sách kỳ quặc, phi kinh tế. Năm 1972 Ceausescu đề ra kế hoạch “xây dựng xã hội chủ nghĩa phát triển toàn diện”.Đưa nông dân vào sống trong các khu tập thể với các nhà cao tầng được xây dựng  theo kiểu thành phố. 1/5 trung tâm thủ đô Bukarest bị phá hủy để xây dựng lại, trong đó có Tòa Nhà Nhân Dân (nay là Lâu Đài Quốc Hội) được xây dựng với diện tích sử dụng đứng thứ 2 trên thế giới (sau Lầu Năm Góc của Mỹ).

Để đối phó với tình trạng giảm dân số, Ceausescu cho đánh thuế 20% thu nhập đối với  những căp vợ chồng sau tuổi 25 mà chưa có con. Hạn chế ly hôn tối đa. Nghiêm trị các phụ nữ nạo thai và các bác sỹ hành nghề nạo thai, nhiều phụ nữ đã chết do tự hủy thai giấu giếm. Những phụ nữ có 5 con trở lên, đươc nhà nước phong tặng “bà mẹ anh hùng”.

Năm 1971,trong chuyến thăm 3 nước Trung Quốc, Bắc Việt Nam và Bắc Triều Tiên, Ceausescu đặc biệt chú ý đến đường lối lãnh đạo của Kim Nhật Thành ở Bắc Triều Tiên và cách mạng văn hóa của Mao Trạch Đông. Sau chuyến thăm, Ceausescu đã đưa ra chương trình 17 điểm xây dựng Đảng và nhà nước. Đây là những điều dập khuôn những gì mà hai chế độ độc tài cộng sản Bắc Triều Tiên và Trung Quốc đã làm như tăng cường vai trò của đảng, đưa thanh thiếu niên vào các hoat đông chính trị tư tưởng trong các trường học, lấy chính trị làm thống soái trong các phương tiện truyền thông, văn học, điện ảnh, sân khấu… Cổ vũ hình thức „chiến sỹ cách mạng” tương tự như hồng vệ binh của cách mang văn hóa  Trung Quốc. Ngăn cấm tự do trong sáng tác, lâp danh sách những nhà văn và các tác phẩm bị cấm xuất bản.

Kinh tế suy sụp

Do hệ thống quản lý kinh tế xã hội chủ nghĩa đã sẵn yếu kém, cộng thêm sự lãnh đạo độc tài, duy ý chí của Ceausescu và các cộng sự, nền kinh tế của Rumani gần như suy sup.

Rumani đã vay nợ nước ngoài lên đến hơn 18 tỷ đô la Mỹ,mà phần lớn những khoản nợ này đều vay với những điều kiện rất bất lợi , chính quyền Ceausescu đã chấp nhận do thiếu hiểu biết hoặc vô trách nhiệm.

Cuối nhưng năm 80 của thế kỷ trước, nền nông nghiêp, công nghiêp của Rumani đã rất yếu kém, nay phải tập trung xuất khẩu để trả nợ nước ngoài, vì nợ đến hạn phải trả. Hàng hóa phục vụ tiêu dùng, lương thực, thực phẩm … thiếu thốn trầm trọng, trong các cửa hàng với các kệ hàng trống rỗng, những đoàn người xếp hàng dài chờ mua lương thực thực phẩm…vô tận.

Nhưng “thiên tài vùng Karpat” dường như không biết đến những khó khăn và nghèo khổ của những người dân mà mình là lãnh tụ của họ. Vô tuyến truyền hình nhà nước vẫn đưa những hình ảnh Ceausescu thăm các cửa hàng đầy ắp hàng hóa, các hợp tác xã nông nghiệp đầy lương thực và gia súc,các xí nghiệp công nghiêp sản xuất vẫn phát triển. Những người dân Rumani kể lại rằng, trước khi Ceauscu đến thăm các cửa hàng hay hợp tác xã nông nghiệp, hàng hóa mới được đưa đến. Có  đàn bò được vận chuyển đi khắp Rumani, đến các nơi mà  lãnh tụ đến thăm.

Kèm theo sự suy sụp về kinh tế là nạn tham nhũng lan tràn, hàng đống thư từ tố cáo, các khiếu kiện những quan chức chính quyền tham nhũng rơi vào im lặng như những tiếng kêu than trong gió bão , người dân chỉ còn biết cầu nguyện.

Trong khi đó,vợ chồng Ceausescu sống một cuộc sống xa hoa. Ceausescu có 39 vila sang trọng, được xây dựng ở các vùng khác nhau của Rumani, 21 căn hộ cao cấp giành riêng cho Ceausescu tại các sứ quán của Rumani ở nước ngoài. Đội bay phục vụ Ceausescu với 9 máy bay (trong đó có 2 chiếc IL-62 và 1 Boeing707), ba trực thăng và 3 đoàn tầu hỏa đặc biệt.

Nhân dân nổi giận

Tình hình kinh tế chính trị như đã kể trên, làm cho các tầng lớp nhân dân Rumani rất bất bình với chính quyền Ceausescu và đảng cộng sản. Nhưng trong tháng 11-1989 đại hội lần thứ XIV Đảng Công Sản Rumani, một lần nữa, nhà độc tài lại được bầu làm bí thư thứ nhất của đảng nhiệm kỳ 5 năm,ở tuổi 71.

Ngày 16-12-1989 cư dân của Timisoara, một thị trấn 10.000 dân nằm ở phía tây nam Rumani biểu tình phản đối chính quyền địa phương trục xuất mục sư László Tókés ra khỏi giáo phận nơi ông cai quản. Cuộc biểu tình được sự hưởng ứng của sinh viên biến thành cuộc biểu dương chống chính phủ. Ngày 17-12-1989, quân đội, công an và an ninh đã xả súng vào đoàn biểu tình, làm chết gần 100 người.

Ngày 18-12-1989 Ceausescu đi thăm Iran, giao quyền điều hành nhà nước lại cho vợ là Elena Petrescu và các cộng sự.

Sau 3 ngày thăm Iran trở về, tình hình chính trị trở nên rất căng thẳng, Ceausescu lên truyền hình đọc diễn văn về tình hình đất nước. Trong diễn văn “thiên tài vùng Karpat”chẳng hề nhận lỗi trứơc nhân dân, lại đổ vấy cho lực lượng nước ngoài đã can thiệp vào công việc nội bộ, xâm phạm chủ quyền của Rumani ở Tomisoara(!)

Diễn văn của Ceausescu cũng như truyền thông của nhà nước không hề  thông báo về các cuộc biểu tình chống chính phủ ở Tomisora và các nơi khác. Người dân Rumani biết được tình hình đất nước mình là từ các đài phát thanh nước ngoài như “Châu Âu Tự Do”, ”Tiếng Nói Hoa Kỳ” v…v.

Ngày 21-12-1989 ,theo kế hoạch của vợ chồng Ceausescu và chính quyền thủ đô Bukarest , sẽ có cuộc mít tinh ủng hộ Ceausescu. Nhưng cuộc mít tinh đã trở thành cuộc biểu tình chống đối Ceausescu và chính quyền cộng sản. Hàng chục ngàn dân Bukarest và các thành phổ khác của Rumani đã đồng loạt xuống đường biểu tình chống chính quyền cộng sản. Khắp nơi, lưc lượng quân đội, công an và an ninh đã sử dụng vũ khí đàn áp những người biểu tình. Hàng nghìn người bị bắn chết và hàng trăm người bị bắt.

Ngày 22-12-1989, đoàn người biểu tình giận dữ đã chiếm giữ trụ sở ban chấp hành trung ương Đảng Cộng Sản Rumani, tình hình đã trở nên ngoài tầm kiểm soát của chính quyền, vợ chồng Ceausescu lên máy bay trực thăng chạy trốn.

Bản án được thi hành gấp rút

Chiếc máy bay trực thăng chở vợ chổng Ceauscu cùng một vài viên chức cao cấp thân cận rời thủ đô bay thẳng  đến dinh thự của Ceausescu ở Snagov, từ đây bay tiếp đến Tárgovste. Quân đội đã ra lệnh cho máy bay hạ cánh ở ngoại vi thành phố. Vợ chồng Ceausescu bị công an bắt giữ và giao cho quân đội.

Ngày lễ Noen 25-12-1989, tòa án quân sự đã nhanh chóng xét xử và kết án tử hình cả hai vợ chồng Ceausescu với nhiều tội danh, trong đó có tội chiếm dụng bất hợp pháp tài sản quốc gia và tội diệt chủng. Bản án được thi hành ngay tức khắc tại Tárgovsta. Diễn biến của phiên tòa được quay phim đầy đủ, nhưng cảnh thi hành án đươc thực hiện quá nhanh, nhóm làm phim không kịp quay. Đội thi hành án là trung đội lính dù tinh nhuệ. Người ta bắn vợ chồng nhà độc tài ngay khi vừa được đưa đến trường bắn, không kịp cả việc cởi trói và bịt mắt cho tội nhân.

Quang cảnh phiên tòa xét xử vội vã và xác của hai vợ chồng Ceausescu được đưa ngay lên màn ảnh  các kênh truyền hình của Rumani và trên toàn thế giới.

Cách mạng hay đảo chính?

20 năm sau ngày chế độ độc tài cộng sản Ceausescu sụp đổ,  Rumani đã trở thành một quốc gia dân chủ thật sự, thành viên của Liên Minh Châu Âu (EU) và khối quân sự NATO. Tuy nhiên, đến nay các nhà sử học và chính trị Rumani vẫn có những đánh giá khác nhau về sự kiện tháng 12-1989. Vấn đề được đặt ra : đây là cuộc cách mạng hay chỉ là một cuộc đảo chính?

Trả lời phỏng vấn của phóng viên nhật báo “WYBORCZA”  Ba Lan, ông Vladimir Tismaneanu nhà chính trị học của Rumani, hiện đang giảng dậy tại  đại học tổng hợp Maryland Hoa Kỳ cho rằng, những gì đã xẩy ra bao gồm cả 2 yếu tố cách mạng và đảo chính. Vấn đề được ông giải thích như sau:

- Cách mạng: Trước tháng 12-1989, tại Rumani đã tồn tại các điều kiện lý tưởng để nổ ra cuộc cách mạng: nhân dân nghèo khổ cùng cực, thiếu thốn tất cả sản phẩm tối thiểu của cuộc sống hàng ngày. Họ sống trong lo sợ, giầy vỏ và vô vọng. Cuộc tập trung quần chúng tại Timisoara là tự phát, đó thật sự là cuộc cách mạng muốn thay đổi chế độ đã gây đau khổ cho người  dân trong suốt hơn 40 năm. Cuộc mít tinh ngày 22-12 tại Bukarest cũng vậy.Lúc đầu dự định để ủng hộ chính quyền, sau biến thành cuộc biểu tình chống kẻ độc tài và chính quyền cộng sản. Sở dĩ có đổ máu là do Ceausescu đã ra lệnh cho lực lượng an ninh bắn vào các đoàn người biểu tình. Quần chúng biểu tình cũng giống như các cuộc cách mang khác của đông Âu, chỉ đòi hỏi  tự do dân chủ, bãi bỏ chế độ độc tài toàn trị … bằng phương pháp bất bạo động.

- Đảo chình: Khi hàng chục ngàn nhân dân Bukarest giận dữ xuống  đường, Ceausescu hoảng sợ chạy trốn. Lúc đó, một nhóm người trong bộ máy chính quyền của Ceausescu lợi dụng cơ hội này, tuyên bố thành lập chính phủ mới. Trong nhóm này có tướng Viktor Stanlescu, một người cộng tác tin cẩn của Ceausescu trước đây. Họ gấp rút thực hiện bản án đối với vợ chồng Ceausescu để chứng tỏ rằng quần chúng chỉ tập trung vào tội trạng của vợ chồng nhà độc tài, không chú ý đến tội ác của cả hệ thống cai trị của chế độ độc tài cộng sản mà họ là những thành viên.

Vladimir Tismaneanu nói thêm: “Trong quá trình nghiên cứu, tôi không thấy có bất cứ một dự án hay một kế hoạch cụ thể nào để lật đổ Ceausescu của nhóm người đứng ra lập chính phủ mới. Chính nhân dân Rumani đã lật đổ kẻ độc tài và nhóm người này chiếm đoạt công lao của họ. Đây là một vấn đề lịch sử cần làm sáng tỏ mà tổng thống vừa đắc cử của Rumani, ông Traian Basescu đã hứa với các cử tri trong khi tranh cử”.

Bài học lịch sử

Ceausescu là “sản phẩm” của chủ nghĩa cộng sản. Được sinh ra, nuôi dưỡng, phát triển và lộng hành quyền bính trong một chế độ độc tài toàn trị của đảng cộng sản.

Chủ nghĩa cộng sản cổ vũ giành chính quyền bằng bạo lực, giữ chính quyền bằng chuyên chính vô sản. Chính quyền, quân đội ,công an,tòa án, báo chí, đài phát thanh, truyền hình, tài sản quốc gia v…v đều nằm trong tay của đảng cộng sản. Nhân dân bị gạt ra ngoài rìa của quá trình lựa chọn chính quyền và người lãnh đạo quốc gia. Vì vậy xã hội không có một lực lượng, một tổ chức nào để kiềm chế, thay đổi, loại bỏ nhũng người lãnh đạo ,cho dù đó là những kẻ độc tài, bất tài và độc ác.

Tuy vây, sức chịu đựng của nhân dân trong các chế độ độc tài toàn trị cũng chỉ có giới hạn. Chính thể độc tài đã tước đoạt của họ các quyền cơ bản của con người, dùng bạo lực để đe dọa, dồn ép họ tuân phục những quy định, chính sách …phục vụ trước hết cho việc nắm giữ chính quyền  của mình. Nhưng đến một thời điểm nào đó, người dân nhận ra rằng, họ không thể cam chịu mãi thân phận “con dân”, đứng dậy làm cuộc thay đổi xã hội, loại bỏ những kẻ độc tài và chế độ độc tài toàn trị. Kết cục của chế độ độc tài Ceausescu là như vây.

Ngày nay, các chế độ cộng sản còn lại trên thế giới đã biến dạng để cố tồn tại. Họ đã thay nền kinh tế tâp trung, kế hoạch hóa bằng “nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, họ đã nới lỏng môt số quy định mà họ xét thấy không đe dọa đến việc cầm quyền của ho. Nhưng thực chất ,đó vẫn là những chế độ độc tài toàn tri, bóp nghẹt tự do, dân chủ. Những chế độ không có tự do báo chí, tự do ngôn luận, tự do bầu cử, tự do lập hội… Chính quyền vẫn bỏ tù những người dân chỉ phát biểu những chính kiến và những đòi hỏi dân chủ một cách ôn hòa.Vì vậy bài học lịch sử về chế độ độc tài Ceausescu vẫn còn đó tính thời sự và thời đại của nó.

Warsaw tháng 01-2010

———————————————–

Tài liệu tham khảo:

–  Wikipedia
–  Hasla encyklopedyczne – Wydawnictwo Naukowe PWN. Warszawa 2006
–  Nhật báo “WYBORCZA”Ba Lan

© Đàn Chim Việt Online 2010

Phản hồi