‘Hãy chấm dứt sử dụng các điều luật lố bịch’
New York, ngày 11 tháng Mười Hai năm 2014) – Tổ chức Theo dõi Nhân quyền phát biểu rằng Việt Nam cần hủy bỏ mọi cáo buộc và trả tự do ngay lập tức cho các blogger Nguyễn Quang Lập và Hồng Lê Thọ, bị bắt vì trang blog độc lập.
Nguyễn Quang Lập bị bắt ngày mồng 6 tháng Mười Hai, còn Hồng Lê Thọ bị bắt ngày 29 tháng Mười Một ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cả hai người đều bị cáo buộc về tội “lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước” theo điều 258 của Bộ Luật hình sự. Năm 2014, chính quyền Việt Nam đã áp dụng điều 258 để kết án ít nhất là 10 người vận động nhân quyền và bắt giữ bốn blogger.
“Hiếm có một điều luật nào lại quái gở hơn quy định hình sự hóa hành vi ‘lợi dụng quyền tự do dân chủ để xâm phạm lợi ích nhà nước’,” ông Brad Adams, Giám đốc Ban Á châu của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền nói. “Những cáo buộc đó còn phi lý hơn, khi xuất phát từ một chính quyền phi dân chủ và không tôn trọng quyền tự do cá nhân.”
Nguyễn Quang Lập (thường gọi là “Bọ Lập” trên blog Quê Choa nổi tiếng của ông), 58 tuổi, là một nhà văn, nhà báo và blogger rất nổi tiếng. Sau khi tốt nghiệp Đại học Bách khoa, ông phục vụ trong quân ngũ năm năm vào đầu thập niên 1980. Ông Lập bắt đầu nghề viết với tư cách một nhà văn và nhà báo tự do. Ông giữ chức phó tổng biên tập của tạp chí Cửa Việt được nhiều người biết đến từ năm 1990 đến 1992. Chỉ sau mười bảy số, Cửa Việt (bộ cũ) bị chính quyền đóng cửa vì đăng tải những nội dung ủng hộ dân chủ.
Đầu thập niên 1990, ông Lập chuyển ra Hà Nội và làm việc cho nhiều cơ quan văn học như tờ báo Văn Nghệ Trẻ và Nhà Xuất bản Kim Đồng. Ông viết một số vở kịch được công diễn nhiều lần và được đánh giá cao, như các vở Những linh hồn sống và Mùa hạ cay đắng. Các kịch bản phim Thung lũng hoang vắng và Đời cát của ông từng được giải quốc gia. Ngoài các kịch bản phim và sân khấu, ông còn là tác giả của một cuốn tiểu thuyết và nhiều tập truyện, truyện ngắn, và tản văn đã xuất bản. Năm 2001, Nguyễn Quang Lập bị một tai nạn xe máy khiến ông bị liệt một chân, một tay.
Nguyễn Quang Lập bắt đầu viết blog Quê Choa từ năm 2007. Blog của ông nhanh chóng trở thành một trong những blog thu hút được nhiều độc giả tiếng Việt nhất ở cả Việt Nam và hải ngoại. Tháng Năm năm 2013, quản lý tên miền .vn của blog Quê Choa yêu cầu ông gỡ bỏ những bài viết “nhạy cảm” và “có nội dung xấu” đăng trên blog này. Ông từ chối và blog bị dỡ khỏi máy chủ. Sau đó ông Lập chuyển blog sang dịch vụ có máy chủ đặt tại nước ngoài. Dù bị các đợt tấn công và chặn tường lửa, Quê Choa đã có hơn một trăm triệu lượt truy cập tính đến tháng Sáu năm 2014. Tháng Bảy năm 2014, tài khoản Facebook của Nguyễn Quang Lập bị báo cáo, buộc ông phải mở một tài khoản khác. Những nỗ lực buộc Nguyễn Quang Lập im tiếng chỉ làm ông thêm trực ngôn. Trong một bài đăng trên blog vào tháng Sáu, ông viết: “Bọ Lập từ trước đến nay không theo ai không chống ai, và sẽ không theo ai không chống ai, vì đó không phải việc của nhà văn. Trước sau bọ Lập xin làm một người lái đò nhỏ, chở con thuyền SỰ THẬT đến với dân, chỉ vậy thôi, không có gì khác.”
Hồng Lê Thọ (chủ blog Người Lót Gạch), 65 tuổi, là một sinh viên hoạt động trong phong trào phản chiến ở Nhật Bản những năm cuối thập kỷ 1960, đầu 1970. Sau năm 1975, được biết ông có làm việc cho Đại Sứ quán Việt Nam ở Nhật bốn năm trước khi về Việt Nam. Ông bắt đầu lập blog riêng, Người Lót Gạch, vào khoảng năm 2011. Ông chủ yếu dùng blog của mình để đăng lại các bài báo tập trung về các vấn đề chính trị, xã hội của Việt Nam. Ông Thọ được giới trí thức Việt Nam biết đến như một nhà nghiên cứu độc lập về các vấn đề liên quan đến chủ quyền Việt Nam ở Hoàng Sa và Trường Sa. Cả hai ông Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập đã phản đối Trung Quốc rất mạnh mẽ trong việc tranh chấp chủ quyền ở hai quần đảo này.
Hồng Lê Thọ và Nguyễn Quang Lập không phải là những người duy nhất bị bắt và cáo buộc theo điều 258 trong năm nay. Trong số những nạn nhân khác của đợt đàn áp vẫn đang tiếp diễn này còn có Nguyễn Hữu Vinh (bút danh Anh Ba Sàm) và cộng sự của ông, Nguyễn Thị Minh Thúy, cả hai bị bắt vào tháng Năm năm 2014. Vào tháng Mười Một, Trại tạm giam B14 ở Hà Nội từ chối cấp phép cho luật sư Hà Huy Sơn gặp thân chủ Nguyễn Hữu Vinh, và luật sư Nguyễn Tiến Dũng gặp thân chủ Nguyễn Thị Minh Thúy của mình. Vào tháng Mười Hai, văn phòng Viện Kiểm sát thông báo với Hà Huy Sơn rằng hồ sơ đã được trả lại cơ quan điều tra của công an để yêu cầu điều tra bổ sung.
Việt Nam đã trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc vào năm 2014. Tuy nhiên, nhà nước này tiếp tục sử dụng các điều khoản mơ hồ trong bộ luật hình sự, như điều 258, để buộc những người phê phán phải im tiếng, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền.
“Các nỗ lực dập tắt tiếng nói của blogger chỉ khiến cho các cam kết của Việt Nam với Liên hiệp quốc khi ứng cử vào Hội đồng Nhân quyền trở thành trò đùa,” ông Adams nói. “Hình ảnh của chính quyền Việt Nam, trong mắt cả trong và ngoài nước, khi truy tố những người không làm gì hơn là bày tỏ ý kiến của mình, thật chẳng hơn gì một kẻ chỉ chuyên bắt nạt.”
Để đọc thêm các báo cáo của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về Việt Nam, xin vui lòng truy cập:
http://www.hrw.org/vi/asia/vietnam