WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Có thể một mình một chiếu không?

Chiếu hoaq. Ảnh minh họa baodansinh.vn

Chiếu hoa. Ảnh minh họa baodansinh.vn

Mức độ thành công của cuộc biểu tình hàng vạn người ngày chủ nhật vưà rồi, ngày 02/10/2016, phản ánh hai điểm quan trọng.

Một là không thể đàn áp một quần chúng gắn kết đã đạt tới một số lượng đủ đông.

Hai là quần chúng đã có bước nhẩy vọt về nhận thức. Phong trào không còn là một sự tụ họp bột phát, mà là một hành động có ý thức, tự nguyện và chấp nhận tổ chức. Và thực chất, quần chúng đã được tổ chức và đã là một lực lượng có tổ chức. Đó là sự trưởng thành về văn hoá biểu tình ôn hoà bất bạo động. Một hình hài cách mạng đang hiển hiện.

Đương nhiên, thành công này không thể tự nhiên có. Có thể thấy đó là sự bền bỉ, sáng tạo, can đảm và đức hy sinh của những người dẫn dắt, kết hợp với một quần chúng có bản chất cách mạng, trong đó bao hàm tính kế thưà truyền thống. Đây là một thành công lớn của những người dẫn dắt.

Khi nhìn nhận lực lượng quần chúng khu vực miền trung, đặc biệt khu vực mà nòng cốt là quần chúng giáo dân thuộc Giáo phận Vinh là một tài sản vô giá của cuộc cách mạng dân chủ hoá đất nước, thì không thể phủ nhận công sức của những người dẫn dắt. Có thể nói không quá, rằng lịch sử đang bắt đầu từ đây, một lần nữa từ khu vực đặc biệt này của đất nước, dân tộc.

Nhưng đứng trước một thực tiễn trưởng thành của một bộ phận quần chúng, những người tâm huyết với nền dân chủ, những người ít nhiều quan tâm tới tới sự chuyển hoá chế độ đang tự đặt ra câu hỏi, làm thế nào để nhân rộng phong trào, từ khu vực miền trung ra cả nước, làm thế nào để phong trào không chỉ bị bó hẹp trong phạm vi đơn thuần môi trường, bởi vì xét cho cùng, môi trường chỉ là một phần của cuộc sống, và thảm hoạ môi trường có căn nguyên từ khuyết tật có tính bản chất của chế độ và nền tảng tư tưởng mà trên đó, chế độ được thiết lập.

Điều này có nghĩa là chúng ta không thể dừng lại ở đấu tranh môi trường. Dứt khóat và không thể khác phải, nâng cấp mục tiêu đấu tranh lên một cấp mức cao hơn. Cũng có nghĩa là phải công khai và chính thức hoá tính chất chính trị của phong trào. Khẩu hiệu của phong trào sẽ không chỉ dừng lại là «Phải đóng cửa Formosa», «Phải trả lại môi trường sống cho Dân», «Không đổi nghề để trao biển cho kẻ cướp» v.v..mà phải là «Tham nhũng là bản chất chế độ» «Còn chế độ độc đảng thì còn Tham nhũng». «Dân chủ đa đảng là lối thoát», «Kiểm soát quyền lực một cách độc lập là lối thoát» v.v..

Nhưng để nhân rộng và chính trị hoá phong trào, bắt buộc lực lượng quần chúng phải được tiếp thu và dẫn dắt bằng các tổ chức xã hội chính trị, không chỉ bó hẹp trong phạm vi tôn giáo. Trong khi nòng cốt quần chúng chỉ mới quy tụ tập trung tại khu vực miền Trung và chủ yếu được dẫn dắt bằng các nhà lãnh đạo tôn giáo, phần đông còn lại của một dân chúng trên 90 triệu người, gồm đủ các thành phần, từ nông dân, công nhân tới các nhà doanh nhân, tới sinh viên, trí thức, từ tôn giáo tới quân đội, cảnh sát… đang manh mún, từng bộ phận, chịu ảnh hưởng của một tổ chức, một nhóm hội, nhỏ lẻ, được dẫn dắt bằng những cá nhân dấn thân theo từng mức độ, từng khả năng, từng năng lực tinh thần và vật chất riêng rẽ.

Ở trong nước chúng ta đã có gần ba mươi tổ chức xã hội dân sự, ít hoặc nhiều đều thể hiện sức bền và ảnh hưởng. Các tổ chức này, dù trên danh nghĩa là các tổ chức xã hội tự nguyện, không vụ lợi, không kinh doanh và phi chính trị, nhưng thực chất đều có mục tiêu vận động tới một thể thức sinh hoạt xã hội khác về chất với kết cấu xã hội hiện tại, tức là tiến tới thay đổi chế độ, vì vậy mà thực chất đều là các tổ chức chính trị, ít nhất là trong giai đoạn hiện nay, khi một chế độ xã hội khác chưa được thiết lập.

Ở nước ngoài, mặc dù tại thời điểm hiện tại, chỉ còn một vài tổ chức có lực lượng, có tổ chức và chương trình hành động ổn định, trên thực tế vẫn còn hàng chục đảng phái riêng rẽ, mặc dù cùng một mục tiêu đấu tranh cho một nền dân chủ vĩnh viễn tại Việt Nam, nhưng vẫn giữ những phương pháp hoạt động khác nhau, giành giật ảnh hưởng và vì vậy tạo ra sự chia rẽ, gây khó khăn cho việc nhất quán nhận thức của quần chúng.

Rõ ràng liên minh các tổ chức xã hội chính trị nhằm huy động cao nhất sức mạnh quần chúng đã trở nên một đòi hỏi có tính thực tiễn và cấp bách.

Và thực tế đang có một cuộc vận động như vậy, nhưng cũng như rất nhiều lần và nhiều ý định trước đây, cuộc vận động này vẫn bị đáp lại bằng một thái độ có phần lạnh nhạt, chỉ vì một mặc cảm thiếu chuẩn xác.

Cuộc vận động đã chỉ là biểu hiện của một nhu cầu có thật, thúc bách bởi tình hình, nhưng vẫn bị dị ứng bởi tính cứng nhắc cố hữu của mọi tổ chức, đặc biệt là các tổ chức được hình thành từ một ý tưởng triết lý.

Ở mọi tổ chức, chương trình hành động, hay nói theo kiểu đại ngôn là cương lĩnh chính trị, bao giờ cũng được xây dựng một cách độc lập. Vì vậy trong các cương lĩnh này, không ở đâu, và không ở tổ chức nào có điều khoản phối hợp hành động với các tổ chức khác, làm như chỉ có một mình tổ chức của mình làm cách mạng, và chỉ có một mình làm cái việc giáo dục và vận động quần chúng làm cách mạng, trong khi trên thực tế hoàn toàn khác, quần chúng được chia ra thành nhiều cụm, chịu ảnh hưởng của từng nhóm hội hay tổ chức khác nhau. Vì vậy mà, khi xuất hiện nhu cầu liên minh liên kết, mọi tổ chức đều dị ứng.

Người đề xuất hay khởi xướng cuộc vận động liên kết đương nhiên không phải là người có vai trò hay ưu thế tới nội dung liên minh hay liên kết. Bởi vì nguyên tắc bất khả xâm phạm của liên minh là nguyên tắc bảo vệ tính độc lập của mỗi tổ chức. Liên minh không phải là tổ chức hoà tan hay vận hành theo nguyên lý trọng trường, tức là xoá tên, biến tất cả thành một tổ chức duy nhất, hoặc tổ chức lớn sẽ hút các tổ chức nhỏ hơn. Các quyết định của Liên Minh xác lập theo nguyên tắc đồng thuận. Những nội dung có thể đưa vào tuyên bố chung là những nội dung và chỉ là những nội dung có sự đồng thuận 100%. Mọi nội dung nếu có một ý kiến không nhất chí, thì bất kể ý kiến đó là của ai, của tổ chức nào, quy mô lớn hay nhỏ và có khuynh hướng chính trị ra sao, cũng sẽ bị phủ quyết, không có giá trị quy ước và không có hiệu lực hành động trong liên minh.

Như vậy, vấn đề không hề bị hạn chế bởi tư cách hay phẩm chất người đề nghị, Hơn thế nữa, nội dung đề nghị thảo luận không hề có giá trị hướng đạo. Chúng ta đang hướng tới một phong cách sinh họat dân chủ đa nguyên. Bởi vậy, không có gì được ấn định trước, và không ai có khả năng biết trước chắc chắn những gì xảy ra hay đạt được sau thảo luận.

Quần chúng với những phẩm chất cần có, đã có.

Sự tan vỡ của chế độ trong một tương lai rất gần có thể không có gì ngăn cản được.

Quyền lực bị bỏ trống có thể rơi vào tay quân đội. Nếu Tập đoàn lũng đoạn quân đội chỉ nhằm vào việc chiếm quyền kiểm soát Tổng công ty 319, thì nguy cơ độc tài quân phiệt còn nguy hiểm hơn hàng nghìn lần độc tài độc đảng.

Chỉ có thể liên minh,liên kết và chuẩn bị sẵn điều kiện để giữ cho tổ quốc tránh một thảm hoạ có thể vùi lấp thành quả của sự hy sinh nhiều chục năm. Đơn độc, chúng ta sẽ cùng chết.

Chỉ có thể ngồi vào chung một chiếu và cùng tạo ra cái cuối cùng, bởi thực tế, không có ai một mình một chiếu. Chỉ có một cái chiếu và mỗi người đã chiếm cái góc của mình rồi, ngồi chung hay xé nó ra thôi.

Paris, 04/10/2016

© Bùi Quang Vơm

© Đàn Chim Việt

1 Phản hồi cho “Có thể một mình một chiếu không?”

  1. BIỂN NGÀN says:

    QUYỀN DÂN VÀ TÍNH DÂN CHỦ

    Dân chủ nói chung là quyền dân được tôn trọng. Dân có quyền thì dân làm chủ đất nước, đó tức là dân chủ. Dân không có quyền mà chỉ một nhóm nào đó trong dân có quyền, đó là độc tài. Nhóm trong dân đầu tiên vận động, thường được hiểu là nhóm cách mạng. Nhưng khi nhóm đó lên nắm quyền được rồi, nếu không trao quyền lại cho dân, trở thành nhóm độc tài.

    Như vậy vận động cách mạng vẫn chưa thật sự là cách mạng. Ý nghĩa cách mạng chỉ đúng khi mục đích cách mạng là đúng, và cuối cùng phải thực hiện tự do đầy đủ cho dân. Có nghĩa nếu cách mạng hướng tới mục đích nào đó sai, hoặc khi nắm quyền rồi thì độc tài độc đoán, đó thực chất không phải cách mạng mà giả cách mạng, phi cách mạng hay phản cách mạng.

    Nói cách chung nhất, chính trị đúng danh nghĩa luôn phải chính trị mang ý nghĩa chân lý và khoa học. Khoa học là sự nghiên cứu khách quan nên không khi nào sai. Chân lý thì chỉ có một, vì cái đúng nhất chỉ có một. Nói khác đi, trong xã hội loài người chỉ có nguyên tắc tự do dân chủ là chân lý, vì nó khách quan, tức nó đặt mọi người bình đẳng tự do như nhau. Giống nguyên tắc vật lý là nguyên tắc chung trong vật lý học, nguyên tắc bảo tồn và phát triển sự sống là nguyên tắc chung trong sinh học.

    Độc tài trái lại luôn luôn chủ quan và võ đoán, như vậy độc tài không bao giờ là chân lý hay nguyên lý khoa học của xã hội. Độc tài sở dĩ có là do phần lớn người dân không nhận thức rõ sự phân biệt giữa độc tài và tự do dân chủ về mặt ý nghĩa chân lý và giá trị khách quan là gì. Do không phân biệt được nên không quan tâm đấu tranh cho tự do dân chủ mà chỉ thấy có sống là được. Nhưng khi biết có những ý nghĩa, những giá trị của cuộc sống còn cao hơn cả sự sống thuần túy, thế là người dân bắt đầu ý thức đến việc tranh đấu cho tự do dân chủ.

    Sự ý thức nếu ban đầu còn ít, còn rời rạc thì chưa tạo thành sức mạnh lay chuyển. Nhưng nếu số lượng người có nhận thức và ý thức sáng suốt tăng lên, có nghĩa lượng đã chuyển thành chất, chất trong cá nhân và chất trong tập thể cá nhân cùng tăng lên, vậy là đã trở thành sức mạnh chung khó thể nào ngăn cản được. Như vậy sự thống nhất mọi người là sự thống nhất trong nhận thức và trong ý thức, không phải chỉ là sự thống nhất trong tổ chức hay liên kết.

    Bởi nếu tổ chức chỉ là bề ngoài hay liên kết chỉ là bề ngoài, đó vẫn chưa là sự thống nhất thật sự. Sự thống nhất thật sự chính là sự nhận thức và ý thức giống nhau hay tương đồng chung thật sự. Có như thế thì không bao giờ sợ sự chia rẻ, xung đột, đối kháng, vì đều cùng có mục đích chung và lý tưởng chung đó là tranh đấu cho sự tự do dân chủ thật sự. Bởi vậy chỉ có sự độc tài mới đáng sợ, vì độc tài tạo nên sự khống chế, sự chia rẽ, còn tự do dân chủ luôn không đáng sợ, vì tự do dân chủ luôn tạo nên sự đoàn kết và sự thống nhất. Bởi trong tự do dân chủ thì không thể ai lạm dụng vì lợi riêng cả, mà chỉ có thể có lợi chung cho tất cả mọi người.

    NON NGÀN
    (07/10/16)

Phản hồi