WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Việt Hà: Một góc trời quê

Quê hương. Ảnh mang tính minh họa

Quê hương. Ảnh mang tính minh họa

1.

Quê tôi – một mảnh đất địa linh nhân kiệt, nhưng nhiều người lại bảo: đó là mảnh đất không tên; mảnh đất năm cha, ba họ, nghĩa là đất của mình thật đấy nhưng cứ phải lăng xa lăng xăng, rồi van vái, chạy hết cửa này, cửa nọ để xin một xuất làm… người. Để rồi, bao năm, người ngợm đâu chả thấy, thịt da có tí nào thì thiên hạ tùng sẻo hết cả, còn trơ lại vài dải xương sườn lại bị người đời đá… về địa phương để tiếp tục phấn đấu, mong có ngày được các đấng bề trên thương tình, hay để mắt tới mà ban cho một xuất làm người.

Cách đây ít năm, tình cờ tôi gặp một người đồng hương già. Nghe tôi hỏi thăm, bác thở dài, bảo.

- Quê mình à con? – Nghèo, còn nghèo lắm con ạ. Năm 1990 bác về quê lần đầu, dân mình nghèo xơ nghèo xác. Bác đi, rồi ba năm sau lại về, quê mình vẫn nghèo như vậy. Nhiều nhà còn xơ xác hơn cả lần bác về trước, con ạ. Rồi bác lại đi, năm 1998 lại về, cuộc sống đã có phần nhích lên một chút, nhưng bát nháo, nhộm nhoạm, tỉnh chẳng ra tỉnh, thành chẳng ra thành, mà quê cũng chẳng ra quê nữa. Nhìn vào, quả một đôi chỗ có thay đổi vượt cấp nhưng nó chắp vá, nên vẫn không che đậy được cái nghèo…

Nhiều người bảo: Có lẽ đó quê tôi nghèo từ địa lý nghèo ra, bởi đất đai thuộc vào hạng chó ăn đá, gà ăn sỏi. Còn khí hậu cũng khắc nghiệt, mưa chẳng thuận, nắng chẳng hoà, nghĩa là nắng tới cháy da, xém thịt, mà mưa thì cũng rầu rĩ tới thối đất, trốc rễ cây. Có lẽ vì thế mà người dân xứ này ai có chút máu mặt đều tìm cách “bùng” đi “tị nạn” ở những thành phố lớn hết cả. Mà chẳng cứ người dân xứ này, Việt Nam thời bây giờ là thế. Người ở làng thì “bùng” ra xã; người ở xã thì “bùng” ra huyện; người ở huyện thì “bùng” ra thị xã; người thị xã thì “bùng” ra thành phố; người thành phố nhỏ thì “bùng” ra thành phố lớn hơn; người ngoài Bắc “bùng” vào trong Nam; người chán trong Nam thì “bùng” ra hải ngoại; rồi người miền ngược “bùng” về miền xuôi; người miền xuôi “bùng” lên miền ngược… đó là một cuộc cách mạng “bùng” để tìm cho mình một cơ hội sống. Vậy nên nhiều người bảo: những người còn chịu trụ lại ở quê tôi đều là những phần tử nòng cốt, nhưng hệ chất xám lại hơi bị khủng hoảng… thiếu, thành thử ai cũng lạc phạc, kiểu con cò mổ thóc, để rồi, thóc trắc thì đã bị đám cò bự mổ hết cả, còn trơ lại vài đôi hạt thóc lép, thì đám cò con cũng tranh nhau mổ, rỉa để tồn tại.

Quê tôi – mảnh đất địa linh nhân kiệt nhưng có lẽ chỉ còn lưu danh trong sử sách…

2.

Bố tôi – sau hai lần đột quỵ vì cao áp huyết trong khoảng thời gian chưa đầy ba tháng đã khiến sức khoẻ của ông gần như cạn kiệt. Biện pháp cấp cứu theo kiểu thủ công, con nhà nghèo gần như chỉ đủ để ông giữ lại cái mạng. Cũng từ đó tiếng nói của ông đã bị giảm đi phân nửa. Tay phải và phần chân trái cũng bị tê liệt, khiến mọi cử động của ông trở nên vô cùng khó nhọc. Hàng ngày ông cứ ngồi yên trên chiếc ghế bành giữa phòng khách, rồi hai tay xoa xoa lên hai đùi và đầu gối, ánh mắt nhìn vào một khoảng không vô tận trước mặt.

Nhiều lần tôi hỏi ông: Bố đang nghĩ gì vậy? Ông thoáng giật mình, cười, đáp: Bố chẳng nghĩ gì cả! Tôi biết, đó là cách ông đáp lời để các con yên lòng. Thực tình, sau những ngày ông và mẹ tôi được những “đồng chí” của mình trả về địa phương với hai bàn tay trắng để hưởng cảnh thanh bạch, nhà tranh, vách đất, cùng một đống những đồ phế thải của xí nghiệp, những thứ mà ngay cả đám mối mọt nhìn thấy chúng cũng phải vuốt nước mắt để bỏ đi. Cũng từ đó có lẽ thế giới xung quanh ông đã chẳng còn gì đáng để ông lưu luyến, quan tâm. Tuổi già vốn hay nhìn về quá khứ. Quá khứ của ông và mẹ tôi là một quá khứ đầy ai oán, gian nan, buồn, đau và đen sẫm. Vậy nhưng tôi vẫn hy vọng, một phút nào đó ông sẽ bừng tỉnh để khêu lại một đốm sáng từ khoảng không đen sẫm ấy, và nói với con cháu của ông rằng: Con đường ấy, các con, các cháu hãy cố gắng mà lánh xa…

3.

Mẹ tôi – một người đàn bà hiền lương, thục đức, cả đời nhẫn, nhịn. Chưa một lần tôi thấy bà nói to với những người xung quanh hay nặng lời với chồng con, ngay cả khi bà bị người đời ruồng rẫy và cả những khi đám con của bà phạm lỗi. Số phận của bà cũng nghiệt ngã như chính số phận của bố tôi vậy. Dường như bà sinh ra chỉ để gắn kết cuộc đời của mình bố tôi, để cả hai cùng san sẻ, gánh chịu những thiệt thòi, những mất mát, nhưng trái oan mà người đời mang đến, để rồi cả hai cùng gắng gượng, dìu dắt đàn con cho tới lúc trưởng thành… Căn bệnh thấp khớp kinh niên, cộng thêm bệnh cao áp huyết, bệnh co thắt động mạch vành cùng những chuỗi ngày buồn lo của quá khứ… khiến bà luôn sống trong mỏi mệt và hoảng loạn. Sau ngày bố tôi bị đột quỵ, mọi sinh hoạt lớn nhỏ trong gia đình hầu như đều chút hết lên đôi vai gầy guộc, rệu rã của bà. Đã có lần tôi hỏi bà: Mẹ đang nghĩ gì vậy? Bà cười. Vẫn nụ cười hiền hậu thủa nào nhưng tôi cảm được những vị buồn, chua chát, xen lẫn cay đắng, xót xa…

Tôi muốn viết về mẹ thật nhiều nhưng chẳng hiểu sao, lần nào cũng vậy, mỗi khi định viết điều gì thì lòng tôi lại ngập tràn cảm xúc, cũng vì thế mà ngòi bút tự nhiên trùng lại, lại thôi.

Tôi tự nhủ: cuộc đời này chẳng có văn thơ nào có thể viết chọn vẹn về tấm lòng của người mẹ.

4.

Nhà tôi – căn nhà ngói 4 gian được xây cất vào giữa thời Giá-Lương-Tiền* – thời mà nhà cửa của đám người bị liệt vào dạng tư Sản, tư Thương bị truy thu để làm trụ sở công cộng mà không cần phán xét lý do; thời mà đất đai của đám dân nghèo bị cắt xén không thương tiếc để chia chác cho những cán bộ cao cấp và có công với cách mạng; thời mà tiếng dao, thớt, tiếng xào nấu, thậm chí cả tiếng nhai cũng phải dè chừng… Giữa lúc như thế, với đồng lương còm cõi, đủ để cầm hơi hai bữa mà nói chuyện xây nhà quả là chuyện hoang tưởng, vậy nhưng gia đình tôi đã buộc phải “đốt cháy giai đoạn” để tiến thẳng lên Chủ Nghĩa Xã Hội bằng cách… bán đi một phần mảnh đất.

- Cụ bán đất là phải! – Một nhân viên Sở nhà đất nhăn nhở nói với bố tôi như vậy (người nhà nước có một thói quen rất lễ phép với người cao niên, và thường gọi họ bằng cụ, nhưng hễ “cụ” vừa quay lưng đi, lập tức họ sẽ đạp cho cụ ngã tới không ngóc đầu lên được mới thôi).

- Được! Bố tôi đáp. – Nếu các anh không có sự nhân nhượng thì tôi sẽ có cách của tôi…

Nhìn bố tôi ngập ngừng, tay run run ký vào tờ giấy sang nhượng đất, tôi biết, ông đã phải cố gắng kìm lòng mình để không bật lên tiếng khóc. Đôi mắt của ông đã mách bảo chúng tôi rằng: đó là con đường duy nhất để bảo vệ mảnh đất còn lại.

Ngay sau buổi ký sang nhượng đất vài tuần, căn nhà của gia đình tôi đã được vội vã dựng lên, nằm quay lưng ra giữa phố.

- Xây nhà chướng thế cụ ơi!
- Nhà này ngang thật! Dám xây nhà ra giữa lòng đường.
- Cụ xây thế mà không sợ tụi nó đến dỡ à?
- Nhà này dở hơi thế nhỉ? Lưng thì quay ra đường, nhà lại chềnh ềnh ra giữa phố.
- Xây thế này tụi nó lại đến bắt dỡ cho mà coi…

Ngày ngày mọi người đi qua, đi lại, nhòm nhòm, ngó ngó, rồi lời ra lời vào, kẻ chê, người trách. Nhưng có một điều không ai nghĩ và biết được rằng để có con đường mà họ được ung dung phóng xe, và dùng làm con đường vòng để tránh sự truy đuổi của đám thuế vụ, chính là số đất của căn nhà quay lưng ra giữa phố đó đã bị nhà nước trưng dụng.

Số gạch xỉ mấy anh em tôi hì hụi đi mua xỉ từ những lò gạch ở những vùng lân cận, rồi lại hì hùi nhào trộn với vôi, hì hụi khuân khuân, đóng đóng ròng rã cả bao năm trời, rồi chất một đống cao ngất, rêu phong trong vườn, không ngờ tới lúc dùng đến cũng chỉ vừa đủ làm chân móng tường. Thấy chúng tôi buồn thiu, bố tôi động viên, bảo: Vậy là giỏi lắm rồi. Thiếu số gạch đó, nhà mình còn gay nữa. Số tiền bán đất cũng chỉ đủ để dựng 2/3 căn nhà. Đám người của Sở nhà đất ngăn cản không được, thỉnh thoảng lại cho người xuống thăm dò, rồi nửa hăm doạ, nửa “dân vận”.

- Tiện lúc nhà mới cất móng. Gia đình nên thay đổi quyết định, cho dừng thi công đi, rồi làm theo qui hoạch của nhà nước. Mà làm nhà phải quay ra mặt phố, sao lại quay lưng ra đường thế. Không mỹ quan chút nào cả.

Vài lần đầu, họ còn được mời vào nhà uống nước, nhưng kể từ sau buổi khởi công, sự hiện diện của họ hình như không còn tồn tại. Hăm doạ không được, “dân vận” cũng không xong, đám người nhà nước bèn nói xẵng.

- Thôi được, vậy thì nhà này cứ làm theo ý mình đi. Nhưng hậu quả thế nào đừng trách, chúng tôi không nương tay đâu.

Sau gần năm trời, vừa làm, vừa lo chạy nguyên liệu, cái nhà rồi cũng có mái, nhưng cửa rả trống tuếch trống toác. Nhiều người bảo: một năm làm nhà, ba năm làm cửa. Căn nhà của gia đình tôi cũng được áp dụng triệt để mô hình đó.

Những lời bóng gió của đám nhân viên Sở nhà đất cũng không phải hoàn toàn vô căn cứ. Vài năm sau, nhân một ngày trời nóng như thiêu, một đám nhân viên cầu đường ở đâu ập đến cùng lỉnh kỉnh một đống đồ nghề. Thấy họ ngắm ngắm, đo đo vào giữa tâm nhà tôi, rồi kẻ đọc, người hí húi ghi chép, mấy người hàng xóm thấy lạ, bèn chạy ra hỏi.

- Chuẩn bị xây dựng cái gì mà các chú đo đạc vào giữa nhà người ta thế? Một người hàng xóm tò mò hỏi.

- Trung ương chỉ thị, chuẩn bị mở đường xa lộ qua con phố này. Một nhân viên ngừng ghi chép, nhoẻn cười đáp.

- Chú cứ nói hão. Dân cư ở đây trừ mấy dãy cao tầng đằng kia, còn toàn hạng đói thối mồm, mở đường xa lộ để cho trâu bò, với đám xe thồ nó chạy à?

- Phải đấy, vả lại con phố này mới hình thành được ít năm, có nhà còn chưa kịp khô tường, lại toàn nhà cán bộ, dễ mấy mà dám giải toả?

- Mấy bà thì biết gì. Một nhân viên đang đạc đường thấy cả đám xôn xao, bèn bước lại, góp chuyện, rồi hỏi. – Căn nhà này của gia đình nào mà xây ngay giữa đường thế?

Thấy tiếng ồn ào ngoài cổng, mẹ tôi hối hả chạy ra, đáp.

- Nhà tôi đấy. Có chuyện gì thế mấy chú?

- Nhà của bác à? Vậy thì gay rồi. Trên có lệnh giải toả đề làm đường xa lộ đấy.

- Các chú nói vậy là sao? Nhà tôi bị cắt đầu, cắt đuôi còn chưa đủ sao mà bây giờ còn đòi giải toả?

- U ơi, thế lúc xây nhà u không biết con phố này nằm trong hoạch định của thành phố à, mà u lại cho lưng nhà ngoảnh mặt ra giữa phố thế?

- Đất của tôi, tôi muốn xây thế nào mà chả được.

- Phải đấy các chú ạ. Con đường này, rồi cả đám đất bên kia cũng của nhà bác ấy cả đấy. Nhà người ta xây còn chửa xong, giờ lại bảo phá, để mở đường mở xá. Thật chả hiểu mấy ông làm ăn ra làm sao nữa.

Viên nhân viên ghi chép dừng hẳn công việc, châm thuốc, rít một hơi tới lõm má, miệng vừa phà khói thuốc, vừa nói.

- Các u cứ lo xa làm gì? Việc tụi con đang làm mới chỉ là kế hoạch trên mây thôi. Để nó trở thành văn bản, rồi tiến tới thi công, còn xa lắc xa lơ các u ơi.

- Thế không mở đường mà các chú đến đo đo đạc làm gì? – Một người giọng hoài nghi, hỏi.

Viên nhân viên nọ cười toét, nói.

- Khổ quá mấy u ơi. Mấy sếp của tụi con thấy đám công nhân không có việc, hàng ngày đến trình diện xong, không ngồi đánh tá lả lại ngồi nhổ râu với dựt lông mũi, thành thử các sếp mới vẽ ra „những công trình đi cùng năm tháng“ cho tụi con làm để khỏi lãng phí thời giờ vàng ngọc của nhà nước. Vả lại làm vậy, tổng kết quí, tụi con mới có cớ để bình bầu lao động tiên tiến và cuối năm sếp của tụi con mới còn có chuyện đi báo cáo thành tích điển hình chứ. Các u còn lạ gì. Từ lúc các sếp phác thảo được kế hoạch trong đầu, rồi biến thành văn bản là cả một chặng dài dằng dặc. Rồi từ lúc có chỉ thị đến khi đi vào thực tiễn là ít nhất phải “quán triệt” một phát “năm năm”. Nhưng ở nước mình có kế hoạch „năm năm“ nào mà thực hiện một „phát“ là xong đâu, mà tối thiểu các cụ ấy phải gối thêm 5-7 „phát“ nữa. Các u cứ yên chí đi. Từ nay cho tới lúc tụi con về hưu cũng chưa chắc đã có kế hoạch năm năm lần thứ nhất đi vào cuộc sống đâu mà lo…

Thỉnh thoảng gọi điện về nhà, thăm đám bạn cũ, tôi hay hỏi thăm chuyện mở đường xa lộ nọ, bạn tôi cười khà bảo.

- Có đấy. Thỉnh thoảng tụi nó lại cử một đám đến để đạc đường. Hỏi lần nào tụi nó cũng bảo sắp mở. Tới nay dễ cả chục lần có thừa mà có thấy tăm hơi gì đâu.

- Nhưng nếu tụi nó mở thật thì tính sao? Tôi hỏi.

- Ông khỏi lo đi. Thời bây giờ chứ đâu phải thời bao cấp, ngày xưa, mà ngồi chờ tụi nó dắt đâu mình phải đi đấy mà ông lo. Nhà đấy, đất đấy, ruộng vườn đấy… giỏi thì cứ tới mà dỡ. Trục đường mình đang ở toàn gia đình nghèo vĩ đại cả. Động vào họ khác gì động vào ổ kiến lửa. Mà thỉnh thoảng tụi nó cứ thích khuấy… lên để ngửi cho nó vui thôi, chứ móc của nợ gì ra mà làm. Danh sách đầu tư các tỉnh thành trong cả nước thì mình đứng hàng đội sổ. Có chút chỉ tiêu nào, rót về đến Ủy ban, là bốc hơi hết cả. Bọn doanh nghiệp năm nào cũng tới thăm dò, rồi thụt thò trình dự án, xin mở hãng xưởng, mở liên doanh, nhưng chưa kịp đề xuất dự án đã bị tụi nó gài cho tờ giấy đòi “boa” 7-10% khi dự án trúng thầu. Dự án còn trên cung trăng tụi nó đã đòi thò tay vào móc ví thiên hạ, ông bảo dân kinh doanh không chạy mất dép mới là chuyện lạ. Mà đất nhà mình là đất địa linh nhân kiệt, ông khỏi lăn tăn đi. Đường vành đai, có mấy chục cây số mà cũng có tới mấy chục thằng thầu. Khánh thành, thì thằng trước vừa cắt băng xong, thằng đằng sau đã lại lọ mọ để sửa lại. Dân tình kiện thì tụi nó bảo: hỏng mới có công trình kế tiếp mà làm, vả lại muốn hoàn thành đúng hạng mục công trình thì phải chấp nhận những xui xẻo đó.

Ông bảo tụi nó nói như vã cứt vào mặt dân như thế thì còn ai cãi lý nổi với tụi nó nữa…

Quê tôi đang từng ngày từng giờ đổi mới! Theo thống kê bán chính thức, số hộ kinh doanh phát triển ngày một nhiều; số vốn di động cũng ngày một thêm “hoành tráng”, nhưng cứ 100 hộ kinh doanh thì có tới 95-97 hộ có nguồn vốn “di động” bằng cách thế chấp toàn bộ đất đai, nhà cửa và nếu có thể, họ sẵn sàng thế chấp cả cái mạng cùi của mình cho… ngân hàng.

Quê tôi!

Việt Hà

2 Phản hồi cho “Việt Hà: Một góc trời quê”

  1. Tt says:

    Hồ băt đầu từ “cướp” chính quyền, nên từ đó tới giờ toàn bộ chính sách của Việt Cộng là “cướp”!!!!
    - Cải cách ruộng đất ở miền Bắc là CƯỚP ĐẤT
    - Nhân Văn Giai Phẩm là CƯỚP TRÍ TUỆ cuả giới trí thức.
    - Lậpra cái gọi là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam là CƯỚP MIỀN NAM VIỆT NAM.
    - Cải tạo Công Thương Nghiệp là CƯỚP TÀi SẢN cuả dân MIền Nam
    - Đổi tiền là CƯỚP TIỀN
    ….

Leave a Reply to Tây Môn Lú