WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Về Việt Nam sống?

Gần 20 năm nay từ lúc Việt Nam mở cửa và Mỹ bỏ cấm vận du lịch (1991), chuyện hồi hương về Việt Nam sống, xem ra là một đề tài đáng lưu ý, có nhiều hấp dẫn so với một số người Việt nước ngoài, nhưng cũng gây ra không ít tranh cãi xóc nổi với một thiểu số khác chung quanh vấn đề cai trị của Cộng sản. Nhất là vấn đề về sống luôn ở nơi chôn nhau cắt rốn của mình không những chỉ là một chuyện thiết thực đối với một số người đứng tuổi, lặng lẽ muốn tìm về cội nguồn để sống nốt quãng đời còn lại (ở đây người viết chưa nói đến những trường hợp nổi cộm như nhạc sĩ Pham Duy hoặc ông tướng Nguyễn Cao Kỳ) mà còn là một điểm hẹn, một nơi phiêu lưu, mạo hiểm thử thời vận cho một số người ”không lớn tuổi” khác. Có tìm ra được cội nguồn hay đường xưa lối cũ, có được như ý trong nếp sống mới hay không, có phát đạt trong chuyện làm ăn không, chắc phải còn chờ hạ hồi phân giải.

Nói chung, có nhiều nguyên do và động cơ thúc đẩy về Việt-Nam, chỉ xin nêu ra vài thí dụ điển hình: a) làm ăn, thử thời vận (do mình chủ động). b) về công tác do công ty hay nhiệm sở phái đi. c) về hưu, dưỡng già, gần gia đình và bạn bè. d) nghe lời bác Triết hứa hẹn ở Việt Nam có nhiều cô gái trẻ và xinh đẹp [1]. e) nhớ nhà, nghe tiếng gọi của quê hương, của con tim. f) thất bại, không tranh đấu nổi với cuộc sống Mỹ. g) muốn về làm chuyện thiện nguyện, giúp nước.

Tuy nhiên, mục đích bài tùy bút này không nhằm bài bác hay khuyến khích chuyện về Việt Nam. Người viết chỉ nói lên một hiện trạng của một đất nước phân ly – khi xưa Nam-Bắc, bây giờ: trong và ngoài nước – dân chủ và thiếu dân chủ – cố chấp và hiểu biết – che dấu và cởi mở. Thích sang Mỹ, thích về Việt Nam. Những điều viết ra đây chẳng qua chỉ là những trải nghiệm cá nhân, những tâm tình riêng tư của một người, mà không phải là một bài phân tích tường tận về một hiện tượng xã hội học, vì muốn được như vậy, những điều lợi hại, khả quan, tiêu cực hay tích cực trong chuyện về Việt Nam sinh sống, làm ăn phải được đối trọng với cuộc sống ở Mỹ.
 
Vì khi bàn về chuyện sống ở Việt Nam người ta không thể tách rời nó khỏi một xã hội mà đảng và nhà nước đang chi phối. Bởi lẽ cũng có một số người đã thề không đội trời chung với Cộng sản. Nhưng trong một không gian liên đới của thế kỷ (21) toàn cầu hóa này, thế nào là đội trời chung? Làm cách nào để tách bạch được sự trắng đen tuyệt đối? Bức màn sắt đã bị xụp đổ sau khi bức tường Bá Linh bị đập bỏ, chỉ còn lại bức màn tre, che đậy không kín những tàn tích đen tối của lịch sử, loang lổ cùng với thời đại đang được điểm tô bởi lớp son phấn kinh tế thị trường và sự thăng hoa của tư bản đỏ.

Có phải nước nhà đang trải qua một cơn sốt vỡ da? Có phải Việt Nam có nhiều triển vọng vượt lên trên tất cả mọi chướng ngại vật, để quê hương có thể trở thành miền đất hứa? Có phải trong ung thối Cộng sản đã nảy mầm xanh của dân chủ, hy vọng? Có phải trong sự đe dọa thống trị Bắc triều đã nối vòng tay lớn, liên hiệp trong và ngoài nước? Nhiều người đang chấp nhận xây dựng ngay từ trong đổ vỡ tan tác, trong cái xấu đè nén cái đẹp, cái ác trấn áp cái thiện ngay hôm nay. Nhiều người còn chê bai đất nước chưa gột rửa sạch cái tham tàn chuyên chính trước khi họ tìm về ngày mai tươi sáng. Nhưng người ta phải mãnh liệt tin rằng ở trong nước có những người đang vươn lên cho lý tưởng cao cả của họ, bất chấp những cực hình đày đọa bản thân, những ám chướng ngu muội đang trì trệ, kìm hãm quê hương. Có phải đây là những tâm hồn người ta đang tìm đến?
 
Ngày nay, chủ thuyết kinh tế cộng sản và tư bản đã hoán ngôi. Ngay cả con gái của thủ tướng Cộng sản Việt Nam Nguyễn tấn Dũng cũng lấy một đại tư bản Việt kiều Mỹ. Trên nhiều bình diện, lãnh đạo Cộng Sản Trung quốc và Việt Nam, hơn cả tư bản Hoa Kỳ, đặt ưu tiên cho động lực lợi nhuận cá nhân, vinh thân phì gia, quan trọng hơn việc xây dựng một “xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, đánh mất đi cơ bản định hướng “xã hội” của mình. Đương nhiên, khi về Việt Nam sống, một số công dân Mỹ gốc Việt nếu không hoàn toàn chú trọng vào chuyện làm giàu thì cũng mong được hưởng một cuộc sống an nhàn sung túc do chính cuộc sống hiện đại của kinh tế thị trường ồ ạt mang lại.

Họ hy vọng với sự khác biệt giữa mức thu nhập (Mỹ) cá nhân và vật giá thị trường Việt Nam (mà ngày nay nhiều món cũng đã tăng cao không kém gì ở Mỹ) sẽ bảo đảm cho mức sống ưu tú của mình. Thêm vào đó, nếu chủ thể của chuyện làm ăn là một công ty Hoa Kỳ hay quốc tế, được bảo vệ bởi hiệp ước song thương WTO, thì ít ra người ta còn cậy vào các điều khoản pháp lý nhằm chế tài các vụ vi phạm của Việt Nam. Ngoài những quy chế thương mại song thương, một khi về nước, tuy không chính thức trên pháp lý, nhà nước Việt Nam cho rằng công dân Việt-Mỹ đã gián tiếp nhìn nhận mình là người Việt. Do đó vẫn có sự nhập nhằng giữa vấn đề song quốc tịch, quyền lợi và pháp luật không đồng nhất giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.

——————————————————————————–
[1] Ngày 22 tháng 6, 2007, chủ tịch Nguyễn Minh Triết trong bài diễn văn với Hội Á Châu (Asia Society) tại New York mời người ngoại quốc đến Việt Nam “vì Việt Nam có nhiều gái đẹp, mặc áo dài dễ thương…” Đúng ra nhiều người đàn ông hải ngoại, chẳng chờ đến lời chiêu dụ của ông Triết, đã về Việt nam cởi mở con tim, trút bầu nhiệt huyết với các cô trẻ đẹp từ lâu.

Về Nơi Hoang Dã. Ảnh: NKTA

Cho nên, dù có thiếu vắng những sự cố hoặc tiền lệ giữa chuyện chủ quyền nhà đất hay cơ sở kinh doanh, vấn đề về Việt Nam làm ăn sinh sống vẫn là một chuyện phức tạp, không đảm bảo. Cụ thể là các vụ án như vụ vua điện thoại di động Nguyễn Gia Thiều bị lên án buôn lậu, trốn thuế, phạt mấy trăm triệu Mỹ kim, bị tù 6 năm; vua chả giò Trịnh Vĩnh Bình trường hợp cũng tương tự, bị tịch thu cả tài sản, bị giam giữ ba năm, sau khi về nước kiện Việt Nam ở tòa án quốc tế, thắng, được nhà nước Việt Nam đền bù; Nguyễn Đình Hoan, một Việt Kiều Mỹ về cộng tác với Hồ Ngọc Đài, cựu giám đốc Bộ Đào Tạo và Giáo Dục, con rể của cựu chủ tịch nước, mở trường quốc tế từ 1995, bị đối tác Đài kiện, phải nằm tù hơn một năm nay [2] cho nên những chuyện này vẫn chưa nguôi ngoai trong tâm trí người nước ngoài. Người Việt hải ngoại vẫn trông đợi ở một sự cải thiện quy mô và thực sự của nhà nước.

Nói đúng ra, ở nhiều mặt, nhà nước Việt Nam vẫn biết được sự lợi hại trong việc hợp tác với Việt kiều (mà về nước làm ăn là một lợi điểm lớn cho chế độ) cho nên quy chế và luật pháp của Việt Nam (nghị quyết 36) đã thay đổi, tìm cách ưu đãi Việt kiều (từ vé máy bay quốc nội cho đến chuyện chủ quyền nhà đất) họ cố chiêu dụ người Việt hải ngoại nhằm thay đổi bộ mặt nhếch nhác của mình. Khổ nỗi, pháp luật Việt Nam chồng chéo, nhiều thiên vị, không đồng bộ từ trên xuống dưới, tùy theo địa phương hoặc ở các cấp mà cách hành xử (tùy tiện) cũng không nhất quán, gây nên sự bất ổn và bất tín với nhiều người Việt hải ngoại. Cho nên câu chuyện về Việt Nam cũng có cái ưu, khuyết điểm không chỉ tùy theo câu chuyện cá nhân của từng người mà còn tùy thuộc phần lớn vào chính sách minh bạch của nhà nước nhiều hơn.

Thiết tưởng, về hay không về chẳng những chỉ tùy thuộc vào những hành xử thiếu công lý và bất công của nhà chức trách mà còn ở những xử lý tai hại của họ trên vấn đề môi sinh và hệ sinh thái ở Việt Nam, gây ra biết bao nhiêu vấn đề hủy hoại môi trường và bệnh tật lâu đời (di truyền) cho dân cư. Ngoài những vụ phá núi bán rừng gây lũ lụt trầm trọng hàng năm, chưa kể đến hàng trăm các vụ tham nhũng, cho công ty nước ngoài thao túng thiên nhiên, tác hại sức khoẻ dân chúng, còn ai lạ gì với những vụ như công ty bột ngọt Vedan của Đài Loan thải ra hàng tấn độc tố vào sông ngòi Việt Nam được cầm quyền ngoảnh mặt làm ngơ vì đã ăn hối lộ, hoặc chuyện nhà nước ký kết cho Trung quốc khai thác các quặng mỏ Bauxite ở Tây Nguyên phá hủy tài nguyên và đất đai ghê gớm mà không ai cản ngăn được!
 
Rốt cuộc chuyện người hải ngoại về nước (hay du lịch) sẽ không được bền lâu vì Việt Nam: một giải giang sơn gấm vóc sẽ không còn nữa mà chỉ còn tùy thuộc vào những cuộc vui chơi vô bổ nhất thời hoặc là dựa vào mức quan hệ với gia đình bạn bè, cá nhân trong nước của từng người. Có nghĩa là bất kể một chính quyền hư hỏng, dốt nát, không bao giờ biết cảnh tỉnh, người về nước chỉ còn lấy chuyện giao du tương tác của mình làm trọng điểm, gác bỏ chuyện xấu xa của cầm quyền qua một bên, tìm lấy tình người, lấy sự hiểu biết và lòng chân thật mà đối xử với nhau trên bình diện cá nhân một cách thụ động và tiêu cực, cho rằng đó là vấn đề đơn thuần thúc đẩy họ về Việt Nam? Chẳng nhẽ người Việt hải ngoại nếu thật tình còn đoái hoài đến chuyện tồn vong của đất nước, quan tâm cho sức khoẻ và miếng ăn của đồng bào trong nước (ở đây tôi không nói đến chuyện nhân quyền và dân chủ nhé) phải chờ đến một áp lực kinh tế, không gởi tiền kiều hối, không về Việt Nam cho đến khi nhà nước Việt Nam thay đổi chính sách bán nước (Cộng sản mại bản) của mình?

Cuộc sống ở Việt Nam không cô lập như ở Mỹ, đèn ai nấy sáng; chuyện ăn chơi vui nhộn, sống động hay ồn ào, khói bụi và ô nhiễm, điều đó còn tùy theo nhân sinh quan cũng như ở mức độ thẩm định (lương thiện) của từng cá nhân trong cuộc. Đời sống ở Mỹ và đời sống ở Việt Nam có nhiều điều tương phản, mức độ hội nhập cũng như sự thành công và bền vững trong sự nghiệp và tài chánh của mỗi người, ở mỗi nơi đều là yếu tố mang tính quyết định. Được cái này mất cái khác, người ta chỉ lượng định sự chọn lựa nên ở đâu dựa trên một số tiêu chuẩn tổng kết nào đó tùy theo sở thích của riêng mình.
 
Đối với tác giả – một người đã sống suốt quãng đời niên thiếu ở miền Nam, trưởng thành ở Mỹ, về nước đã nhiều lần kể từ đầu thập niên 90 – câu hỏi có nên về nước sống không, nếu không được thực tiễn hoặc còn nằm sâu trong tiềm thức vào những ngày mới về Việt Nam, thì ngày nay cũng đã trổi dậy trong tâm thức để trở nên một điều ray rứt khôn nguôi. Nhất là khi muốn chuyện được làm cha ở gần con thành hiện thực, muốn báo hiếu, muốn thực hiện ước vọng về sống ở Hà thành của người mẹ chính thống Hà Nội của mình (nay đã gần đất xa trời, lại không được ở gần để phụng dưỡng) không phải là chuyện dễ và thực tế. Chỉ tội với tính ăn ngay nói thẳng của mình giữ im lặng với những chuyện bất cập trong nước cho êm chuyện, vừa lòng nhà nước và cho được yên thân quả là một điều khó nếu toan tính đến chuyện về sống dài hạn Việt Nam.

——————————————————————————–
[2]Thể theo quy ước pháp lý thỏa hiệp ở ngoài phiên xử tòa, nhà nước Việt Nam và cá nhân Trịnh Vĩnh Bình chấp nhận tuân thủ không được công bố số tiền đền bù này. Nguyễn Gia Thiều vừa được ra tù khoảng một tháng nay. Việt kiều Nguyễn Đình Hoan ở Hoa Thịnh Đốn, năm 2007 bị kết án mướn trợ lý riêng cho lớp Anh ngữ của mình cũng như thụ hưởng tài khoản bảo hiểm sức khoẻ dành cho người ngoại quốc (cầm quyền Hà Nội quên béng đi ông Hoan là công dân Hoa Kỳ!) bị tước đoạt trường sở và sau khi ra tù vẫn chưa được hoàn lại số tiền $85,000 Mỹ Kim (tiền tại ngoại thế chân hầu tòa/bail) không được đền bù thiệt hại.

——————————————————————————–

Tôi có một người quen, hiện đang sống ở Hà Nội, trước đây cô viết cho một nhật báo Mỹ, giận ông Bush tái đắc cử nên đã về Việt Nam sống. Ở trong nước được 5 năm cô chứng kiến được nhiều cảnh ngang trái. Nhân một hôm bát bộ quanh Hồ Trúc Bạch, nhìn rác rưởi trôi dật dờ và đóng ở quanh bờ, tôi lắc đầu ngao ngán: “Không biết ngày xưa thế nào chứ như mẹ Thái Anh kể thì cũng ở làng Ngũ Xã, tại hồ Trúc Bạch thơ mộng trữ tình này đã có một mối tình rất đẹp, rất nên thơ, hai tình nhân đưa nhau đi quanh hồ (Trúc Bạch đến Hồ Tây) mãi từ hoàng hôn đến đêm khuya trừ tịch vì không người nào muốn để người kia phải lội bộ về nhà một mình…” Cô bạn thảng thốt nhìn mình ngạc nhiên như muốn nói “anh có phải từ cung trăng rơi xuống không, mà mơ mộng dữ vậy?”

“Anh mà về Việt Nam sống thì phải giả câm, giả điếc. Nhiều chuyện phải phớt lờ đi như không thấy…” Rồi cô nói tiếp: “Có một công ty Gia nã Đại muốn tẩy uế Hồ Trúc Bạch (rút hết nước ra, cào sạch lòng hồ, trải cát mới, rồi bơm nước sạch vào). Họ muốn biểu diễn thi công không lấy tiền, nhưng mấy ông lớn không chịu, bảo rằng: “Chúng tôi được cái giải gì nào?” Thật tình! Người ta muốn lo liệu cho quê nhà mà mình lại đòi chi tiền!
 
Cô cho biết thêm: “Bình thường khi ký kết môt công trình xây dựng gì thì các ông phải được hưởng từ 15 đến 20 phần trăm.” Đương nhiên, đây không phải là chuyện đầu tư để làm thương mại theo đúng nghĩa thuần túy của kinh tế, mà một công trình dài hạn để khai quang một khu sinh thái, bắt đầu với Hồ Trúc Bạch, sau đó nếu được cầm quyền và dân tình được như ý họ sẽ làm sạch nhiều hồ khác, khi đó họ mới tính chuyện ký hợp đồng lấy tiền bảo trì các hồ khác. Tôi chỉ thở dài ngao ngán cho chuyện đất nước dưới thời Cộng sản Tư bản.

Cầm quyền như thế chả trách gì người dân. Một ngư ông ở một vùng ngoại ô Hà Nội nhân vụ lụt lội vừa rồi bắt được một rùa thần – cùng một loại rùa như Bác Rùa ở Hồ Gươm – quốc bảo của Việt Nam, rất quý hiếm, trên thế giới chỉ còn vỏn vẹn vài ba con (cho đến nay người ta chỉ thấy ở Việt Nam và Nam Trung quốc) nhất định không chịu phóng thích, bảo rằng có thể bán được cho nhà hàng hơn cả nghìn đô la để họ làm món cao lương mỹ vị. Thuyết phục mãi cuối cùng những người Mỹ hiểu biết về nạn tuyệt chủng phải trả cho ông $200 USD, ông mới chịu cho họ thả vào hồ. Nhưng ngược lại, những người dân trong nước sống qua thời bao cấp đã trải qua bao nhiêu kinh hoàng đau thương khó quên, dường như họ đồng hóa chuyện khổ cực về vật chất, tinh thần với chuyện cảnh quang và môi trường.

Một hôm ngồi uống trà với đạo diễn Trần văn Thủy (Chuyện Tử Tế, Hà Nội Trong Mắt Ai) ở một quán cóc, đối diện với Intercontinental Hotel ở làng Nghi Tàm cũ, cạnh khách sạn Sheraton (mà dân Hà Nội không để mình quên là nơi tổng thống Bush đã lưu trú nhân dịp Việt Nam chủ trì hội nghị thượng đỉnh APEC, gia nhập WTO, tháng 11/2006) tôi than thở với ông là văn minh gì không biết chứ dạo này Hà Nội ô nhiễm quá, xe cộ nhiều quá, (từ phi trường Nội Bài về đến khu Quang Trung gần Hồ Thiền Quang mà mất hết tiếng rưỡi đồng hồ!) khói xe và hơi độc trộn lẫn với hơi sương giăng mù [3] cả thành phố không như ngày xưa (ý tôi muốn nói những năm đầu của thập niên 90) ông lại la toáng lên: “Ấy, chớ có nói thế, thời nay làm sao mà sánh với ngày xưa được, Thái Anh không biết chứ dạo ấy hãi hùng lắm, miếng ăn không có mà ăn, vùng này làm gì được đổ xi-măng, khang trang sạch sẽ như vầy… chỉ tuyền là đất cát và bùn lầy, nhơ nhớp lắm.”

Thì ra những người thành thị văn minh của xứ Cờ Huê như tôi cũng mơ ước thái quá, chỉ mong tìm về Hà Nội và chất hoa nhài của nó, một điều mà tôi chưa bao giờ chứng kiến, ngoại trừ những ngày tẻ lặng của những năm đầu thập niên 90. “Tẻ nhạt và buồn chán” chính là nhận định của nhiều dân Hà Nội nhưng lại là ao ước hoang dại của tôi? Đương nhiên Hà Nội vẫn còn phần nào đó chất thi ca của nó. Tôi vẫn thích về nơi hoang dã, tìm lại gốc gác nhà quê của dân tộc mình. 
  
“Quê hương tôi có con sông đào xinh xắn, nước tuôn trên đồng ruộng vắn, lúa xanh cho đủ hai mùa,” một cô Hà Nội trẻ, hát và ngân nga theo những bản tình ca của Phạm Duy được phóng thanh qua loa trong quán chè Trường Xuân ở phố Ngô Tất Tố. “Tôi yêu tiếng nước tôi từ khi mới ra đờ/Mẹ hiền ru những câu xa vời, à à ơi, tiếng ru muôn đời…” cho đến bản Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng “Ngày xưa có gã từ quan lên non tìm động hoa vàng ngủ say,” ngồi nhâm nhi ly chè Móc câu tôi chợt trổi giọng hát theo: “Thôi thì thôi, để mặc mây trôi/ ôm trăng đánh giấc bên đồi Dạ lan/Thôi thì thôi chỉ là phù vân/Thôi thì thôi nhé có ngần ấy thôi…”, lạc mất cảm xúc từ lúc nào không hay. Hà Nội, bất kể những ồn ào từ tứ xứ tràn vào, vẫn còn chất thơ trong nó. Chẳng nhẽ phải chờ đến người xa xứ mới mang nó về?

Phạm Duy, như tôi phỏng đoán, đã thành công trong việc mang về quê hương những cội nguồn văn hóa đã bị đánh mất đi từ nửa thế kỷ nay, mặc kệ cho ai miệt thị hay bôi bác tánh khí hay chuyện thương mại của ông, người Việt không thể chối bỏ đóng góp tài ba của ông cho nền âm nhạc Việt Nam. Chẳng bù với hằng chục năm trước, những bản nhạc trữ tình nhất của Phạm Duy mang đầy tình quê hương dân tộc không dính dấp gì đến chính thể Cộng hoà của miền Nam mà vẫn bị cấm, trong khi đó một phần lớn nhạc Trịnh Công Sơn, một nhân tài khác của đất nước, vẫn được phổ biến ở Việt Nam. Nguyên do? Trịnh Công Sơn sống trong nước, chấp nhận phần nào oan trái của đời mình và của chế độ để mang xuống tuyền đài những khắc khoải, u uẩn thầm kín nhất: “Sẽ có một ngày Hà Nội trả lời cho tôi!” (Nhớ mùa thu Hà Nội – Trịnh Công Sơn)

Cho nên, câu hỏi: “Nếu hội đủ điều kiện, bạn sẽ về Việt Nam sống không?” vẫn là một giải đáp rất riêng tư, cần tìm lấy ổn thỏa trong nội tâm cũng như minh định được nhân sinh quan của mình. Riêng tôi, một người đã nhận Hoa Kỳ là quê hương thứ hai, quen với nếp sống lành mạnh, tự do và an bình này trên 30 năm nay, tuy vẫn tự hào mình là con người kết cấu bởi hai đất nước: Việt Nam và Hoa Kỳ, nên có thể sống hài hòa ở bất cứ một trong hai xã hội này, thuần thục, hiểu biết và tự nhiên: Duy nếu chọn lựa về Việt Nam sống, có phải phần nào tôi đã đánh mất đi cái tôi, sự truy tìm chân thiện mỹ, niềm an lạc cũng như nét tự nhiên của mình?

——————————————————————————–
[3]Người Mỹ gọi là smog (do chữ fog: sương, hòa chung với chữ smoke: khói, tạo thành) để tả hơi độc ô nhiễm.

© 2009 Đàn Chim Việt

Phản hồi