WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Mắm Cáy

Châu Âu đã vào hạ, cây lá bừng tỉnh sau một giấc dài ngủ đông. Bầu trời cao và trong xanh, tia nắng sớm khỏe, mát như thiếu nữ tuổi dậy thì chiếu vọt qua khung cửa, lòng người thấy nao nao.  Không hiểu sao lúc này cảm giác nhớ nhà, nhớ quê trong tôi trào dâng đến như vậy. Cầm điện thoại định chia sẻ cảm xúc này với bác Trần Mạnh Hảo, có khi lại cảm hứng cho bác đẻ ra vài ba bài thơ chứ chẳng chơi. Nhưng tôi chưa kịp lên tiếng, bác đã hỏi ngay:

- Trường hả! Chú gọi rất đúng lúc, không hiểu sao mấy ngày nay anh nhớ và thèm ăn mắm cáy quá.

Mắm cáy Nam Định

 

Ơ hay bác này! Hôm nay gở người hay sao? Điện đóm chưa thăm hỏi nhau câu nào đã mắm cáy mắm cò.

- Em cũng đang nhớ nhà chết đi được, gọi cho thi sĩ thứ thiệt, tưởng bác cho em vài nhời bay bổng, giời đất trăng sao, ai ngờ bác lại đi thẳng vào đề tài “dùi đục mắm cáy” thế này, làm mất hứng. Bác muốn ăn ra chợ mua, Sài Gòn thiếu gì.

- Chú mày không hiểu gì rồi, chợ bây giờ chỉ có mắm còng thôi làm gì có mắm cáy thứ thiệt, mà anh thèm cái thứ mắm cáy câu ở quê Nghĩa Hưng cơ, chứ không phải mắm làm từ những con còng còng ngòai bể. Cái thứ này ở quê hình như cũng tuyệt chủng rồi.

Giời đất ơi! Cứ tưởng cái bác thi sĩ này cả ngày mơ mơ, màng màng với chữ nghĩa, chứ ngờ đâu có lúc bác lại hoài tưởng, thèm khát đến mắm cáy, cứ như là quốc hồn quốc túy không bằng. Cái thứ mà dân nghèo quê tôi trước đây nhà nào cũng có ít nhất vài ba chum để ở góc vườn, hay chái bếp.

Làng tôi được cắt làm đôi bởi một nhánh con sông Đáy. Nối hai bờ là cây cầu gỗ, vồng lên rất cổ kính. Cạnh nam mố cầu là nhà Đòn, để trống kèn, đòn khiêng phục vụ ma chay của làng. Lùi sâu vào trong  miếu thờ nằm lọt thỏm dưới những tán lá và rễ cây si già. Chiếc ao sau miếu rất rộng có nhiều cá và hoa súng, quanh bờ được lát đều một lớp gạch  mỏng. Cầu ao lên xuống làm bằng hai phiến đá to như manh chiếu được đỡ bằng những cọc tre cắm xuống lòng ao. Những cây nhãn, cây bàng chẳng biết được trồng từ khi nào gốc to bằng mấy vòng tay ôm của lũ trẻ. Bên kia bờ ao giàn nhót chín đỏ rủ xuống nước, lũ trẻ chúng tôi thường cởi truồng, bơi ra hái cho đầy vào hai ống quần đã được túm lại, lên bờ chia nhau ăn.

Chúng tôi dọn về ở nhờ ngôi nhà ngang của chị Hậu. Chị với mẹ sinh hoạt ở ngôi nhà chính, năm đó chị khoảng hai mươi, hai mốt tuổi. Nói là chiến tranh, Mỹ ném bom đánh phá Miền Bắc, nhưng làng tôi rất yên bình sau những rặng tre xanh. Với ký ức tuổi thơ, tôi chỉ nhận ra chiến tranh, bằng những buổi lễ truy điệu liệt sỹ tập thể, với những tấm ảnh thờ cha và hai người anh của chị Hậu, hy sinh ngoài mặt trận. Và làng không có tiếng nói của đàn ông. Ngày trở về Hà Nội, tôi thật sự cảm nhận được chiến tranh qua sự đổ nát, chết chóc đến kinh hoàng ở phố Khâm Thiên và ngõ chợ. Nhà tôi nằm sâu trong ngõ 8 cũng bay mất một phần mái.

Có lẽ cõng trên mình ba cái bằng Tổ Quốc ghi công quá nặng nề, nên mẹ chị Hậu không bao giờ đi đứng thẳng người được nữa. Sau này nghe nói, khi bà sắp phải về nơi xa lắm, người ta cũng kịp dựng bà dậy, choàng lên cổ danh hiệu Bà Mẹ Việt Nam Anh Hùng. Chị Hậu không phải tham gia dân quân du kích, được ưu tiên ở nhà chăm sóc mẹ. Chị không đẹp nhưng rất hiền, có duyên, và kín đáo. Ngoài thời gian làm ngoài đồng, chị thường ở nhà khâu nón lá, gửi mấy bà hàng xén ngoài chợ bán. Chị Hậu rất  khéo tay, nón chị làm ra đẹp nhất vùng, nên nhiều người đặt mua, có khi chị làm cả đêm. Chị bảo kỳ này người ta dùng mũ rơm nhiều để tránh bom bi, nên công việc của chị có thư thả hơn. Hôm nào nắng đẹp, hoặc chiều chiều ngồi khâu nón đã mỏi mệt, chị thường rủ tôi đi câu cáy.

Con Cáy

 

 

Cần câu của chị chỉ là cây hóp vuốt thẳng, đầu cần bé tý tẹo, dây câu là sợi chỉ. Đeo giỏ vào hông, chị thò tay xuống gầm cầu ao bắt một con ốc, đập vỏ lấy ruột làm mồi.  Tôi lẽo đẽo theo chị, có khi tôi đòi chị cho đeo giỏ, chiều tôi chị đồng ý. Được một lúc giỏ tuột xuống chân, chị cười ngất, bảo tôi.em cầm vào quai cũng được. Hôm nào nước ròng, bãi sông thật ra, cáy bò ra nhiều, chị chỉ cần thả mồi xuống là cáy dùng càng quắp  mồi, có những lần có hai, ba con tranh nhau đuổi theo mồi nhử của chị, thế là như chiếc cần cẩu nhỏ chúng bị treo lơ lửng trên không.

Tôi không hiểu nổi loài cáy biết bị lừa mà vẫn bám chặt mồi? chúng chỉ cần nhả càng ra là lại được trở về với thiên nhiên và cuộc sống tươi đẹp vốn có, dẫu rơi xuống có đau đớn, vỡ mai gẫy càng, chắc chắn sẽ hạnh phúc hơn hũ mắm của chị Hậu đang chờ chúng.

Hãy tỉnh ngộ đi hỡi loài cáy kia!

Từ lúc bé tý, lẽo đẽo xách giỏ theo chị Hậu, tôi đã có những câu hỏi thông minh như vậy. Nhưng càng lớn, học nhiều, tước vị cao sang, tôi lại thấy mình rất giống họ nhà cáy này.
Tôi theo chị đi dọc hai bờ sông, trời bắt đầu sẩm tối cũng được đầy giỏ. Những hôm nước lên, nước sông mấp mí bờ, chị phải vào những gò, hoặc mép ruộng câu. Cáy sống ở bờ, gò này thường chỉ thập thò trong lỗ, ít khi chịu ra ngoài. Chị Hậu bảo khó câu hơn một chút, nhưng chúng to và mẩy, rất nhiều trứng. Chị dùng mồi bằng rọc khoai, tẩm thính thơm để nhử chúng. Phải công nhận chị Hậu cầm cần câu uyển chuyển, điệu nghệ như mấy chị nghệ sỹ cầm roi điều khiển thú của đoàn xiếc ở nhà Bạt. Mồi câu thơm phức nhẹ nhàng đều đều thụt lên, thut xuống như điệu tango  phả vào mặt, từ lúc hoài nghi thụt ra thụt vào, đến lúc cáy kềnh phải dừng lại nghe ngóng. Vẫn điệp khúc đó, mùi thơm kỳ quái như thôi miên không cưỡng lại được, cáy kềnh bò ra khỏi lỗ, lật đi lật lại miếng ăn, hấp dẫn quá, nhìn trước ngó sau, yên tĩnh, chắc ăn quá, vội lấy càng quặp chặt định tha vào hang. Nhưng không kịp mất rồi, cáy càng đã bị nhấc bổng lên, rồi ngoan ngoãn chui vào giỏ của chị Hậu.

Câu quanh gò, và mấy mép ruộng, giỏ đã lưng lửng toàn cáy chứng, chị Hậu bảo loại cáy cao cấp này nhát, nhưng tham, cắn mồi rồi không bao giờ chịu nhả ra đâu.
Cáy mang về, chị Hậu rửa sạch sẽ, đổ ra cái nồi đồng, chị bóc hết trứng đem phơi khô, sau đó chị bóc đến mai, con nào to khỏe nhất chị cho vào cối đá giã, lọc lấy nước nấu canh. Còn lại chị cho cả vào chum làm mắm. Nói thật tôi đã đi khắp nơi, ăn không biết bao nhiêu các loại canh, súp, ta có, Tây, Tầu đủ cả, nhưng không đâu ngon bằng canh trứng cáy khô với hoa bí do chị Hậu nấu. Các cụ nhà ta có câu nhát như cáy ngày, quả thật chẳng sai chút nào, tôi thường xuyên cùng chị Hậu bóc mai cáy nhưng chẳng bao giờ bị cắp cả, nhưng cua rốc (cua đồng) lại khác, chúng hung hăng, nghênh càng chiến đấu đến hơi thở cuối cùng khi bị tấn công, nên tay tôi choe chóe những vết do càng cua rốc cắp.

Hoa bí

 

Tháng năm, tháng sáu tầm trưa, trời nóng như đổ lửa. Chị Hậu rủ tôi đi bắt cua rốc. Nước dưới ruộng như muốn sôi lên, cua rốc không chịu nổi trèo tuốt lên cây lúa tránh nóng. Chị Hậu chỉ việc lội xuống ruộng bắt chúng cho vào giỏ. Hôm nào nhiều chị cởi cả đôi xà cạp ở chân ra, buộc một đầu lại bắt cho đầy vào đó.( Xà cạp dùng để chống đỉa cắn, được làm bằng vải thô, bao bố) Cua rốc chỉ để nấu canh, chứ không làm mắm được. Nhưng tôi thích  nhất cua rốc lột rán cháy cạnh, ăn bùi, béo và có hương vị rất đặc biệt, chị Hậu gọi là cua bấy.

Có hôm tôi đi học về, thấy có chiếc xe gắn máy simson mới kính cong dựng ở giữa sân, chị Hậu đang lụi hụi dưới bếp. Tôi hỏi nhà có khách sao chị Hậu, chị đỏ mặt không nói gì. Sau này tôi mới biết, có anh ở xóm trên, từ Đức mới về, đến tìm hiểu chị. Nhưng chị từ chối, tôi gặng hỏi, chị mới bảo, chị đã yêu anh Cu Lớn nhà bên, hiện đang ở ngoài mặt trận. Chị dặn tôi không được nói với ai.

Ngày tôi về Hà Nội, chị buồn lắm, bảo nhớ viết thư và thỉnh thoảng về thăm chị. Chị Hậu ít khi đi đâu xa, tôi thường xuyên viết thư cho chị, lâu lâu có người ở quê lên, chị gửi cho tôi khi dăm, ba lạng trứng cáy, lúc thì cân bột sắn. Rồi tôi mải việc học hành thi cử, thời đó việc đi lại khó khăn, nên không về thăm chị được. Sau chiến tranh, nghe người làng nói, chị đã lấy anh Cu Lớn là thương binh trở về, người vừa được nhà nước phong tặng danh hiệu dũng sỹ diệt Mỹ. Ở xa tôi cũng mừng cho chị.

Học xong tôi đi làm, rồi mang kiếp sống tha phương mấy chục năm, mãi đến năm 2006 từ Châu Âu , tôi mới có dịp về thăm gia đình. Công việc ở Hà Nội đã tạm ổn, tôi về thăm quê, thăm chị Hậu. Đường quốc lộ về quê đẹp và thuận tiện hơn trước rất nhiều. Nhưng quê tôi đổi thay hoàn toàn, ký ức tuổi thơ có con đường với những  khóm tre xanh rủ bóng xuống dòng sông hiền hòa, tôi và chị Hậu thường ngồi nghỉ lúc trưa hè không còn nữa. Dòng sông nước đen sì thối hoắc, tù đọng, lừ đừ như ngừng chảy. Cây cầu gỗ đã phá bỏ thay vào đó chiếc cầu sắt bêton vô hồn. Miếu và cây si làng không còn để lại dấu tích, chiếc ao phía sau cũng bị lấp, thay vào đó là ủy ban xã, lá cờ đảng bay phần phật giữa sân. Ngôi nhà ngói âm dương của chị Hậu cũng biến mất, sừng sững trên mảnh đất đó ngôi nhà ba tầng, trên nóc có hình con sư tử nhe răng trông rất hãi hùng. Cánh cửa sắt sơn mầu vàng chóe, có ổ khóa từ bên trong. Tôi cất tiếng gọi chị Hậu, nhưng im lặng, nhà hình như không có người. Có mấy cháu đi học về, nghe thấy tiếng tôi, dừng lại bảo, nhà bà Hậu bây giờ ở cuối làng, gần bãi tha ma, bác cứ ra đấy mà tìm. Biệt thự này là nơi nghỉ ngơi cuối tuần của bác Trần cán bộ cao cấp trên tỉnh.

Tôi được bà hàng xóm chị Hậu chỉ nhà và réo gọi từ ngoài ngõ:

- Bà Hậu ơi! Có khách xa đến thăm này.

Một lúc chị ở sau nhà đi ra, quả thật tôi chỉ còn nhận ra chị ở đôi mắt. Năm đó chị mới năm nhăm, năm sáu tuổi nhưng nhìn chị như bà lão bảy mươi. Người chị choắt lại, dáng đi lòng khòng. Thấy người lạ, chị vội lấy khăn trên đầu che những vết thâm, bầm trên mặt, hình như chị vừa bị ai đó đánh hay ngã?. Chị sững người nhìn tôi:

- Ông muốn tìm ai ạ?

- Trời! chị không nhận ra em thật sao chị Hậu? Em là thằng Trường ngày xưa ở nhà chị, suốt ngày theo chị đi câu cáy này.

Chị ngẩn người một lúc, đưa tay quệt dòng nước mắt đang chảy xuống:

- Mấy chục năm rồi, tóc em cũng đã bạc, làm sao chị nhận ra được.

Chị nắm tay tôi dẫn vào nhà. Tôi không phải là người mau nước mắt, nhưng nhìn chị và gia cảnh thấy mắt cay cay. Nhà có lẽ đáng giá nhất chiếc tủ chè hai ngăn cũ, đã gẫy một chân. Chân gẫy được thay bằng một chồng gạch còn dính vữa chưa kịp vạc đi. Trên nóc có tủ bát hương, ảnh thờ mẹ chị, và ảnh ba người đàn ông trẻ cười rất vô tư. Đằng sau bốn tấm hình là ba tờ giấy Tổ Quốc Ghi Công, và một giấy chứng nhận, hay quyết định công nhận bà mẹ VN anh hùng gì đó của mẹ chị, tất cả đã ố vàng.

Tôi và chị đang hàn huyên, anh Cu Lớn chồng chị, chân thấp chân cao từ đâu đó về. Chị giới thiệu tôi, anh cười hiền bắt tay và bảo:

- Em ngồi đây với chị, anh đi kiếm cái gì lai rai, cũng trưa rồi.

Chị Hậu cười buồn, trông anh hiền hiền vậy nhưng cục lắm, hôm rồi mang dao đến ủy ban chém cán bộ xã, chị sợ quá can ngăn, anh ấy còn đánh chị thâm cả mặt. Cũng may họ nhanh chân chạy thoát, không đã vào tù rồi. Cũng từ đất đai nhà cửa em ạ. Mấy năm trước cán bộ xã đến nói với anh chị, họ muốn xây nhà trẻ ở trung tâm xã, nhưng không có chỗ nào thích hợp và thuận lời bằng khu đất nhà chị. Họ muốn đổi anh chị ra ngoài này và đền bù thỏa đáng. Đầu tiên anh chị không đồng ý, vì ra ngoài này anh chị không biết làm gì kiếm sống ngoài mấy sào ruộng, tiền trợ cấp thương binh của anh không đủ tiền thuốc. Nhưng họ nằn nỉ mãi, lại nghĩ anh chị không có con cái, xây nhà cho các cháu vui chơi, anh chị cũng xiêu lòng. Anh chị ra đây nhận đất nhận nhà và đền bù xong, họ không xây nhà trẻ, mà họ giao đất, hay bán cho ông Trần xây nhà nghỉ cuối tuần, em thấy có ức không? Ông Trần là cái ông đi học ở Đức về ở làng trên, ngày xưa muốn tìm hiểu chị, chắc em còn nhớ. Chị là đàn bà nghiến răng chịu đựng. Anh không chịu, kiện cáo khắp nơi nhưng không ăn thua, nên thường xuyên vác dao đi tìm họ. Trông anh còn đi lại vậy thôi, chứ chất độc đầy người, nằm xuống lúc nào không biết. Trước đây chị cũng chửa đẻ mấy lần, nhưng có ra hình thù con người đâu em. Lần nào chị cũng ngất vì sợ. Nghe bác sỹ bảo anh nhiễm chất độc ở chiến trường, nên không thể có con được, họ khuyên anh chị đừng chửa đẻ nữa.

Tôi cắt ngang những lời buồn của cuộc đời chị:

- Dạo này chị còn đi câu cáy nữa không?

- Chị đã già, mắt kém, mà hết cáy rồi. Có con nào sống được với thứ nước sông đen  – như nhựa đường ấy. Gò đồng họ phun thuốc sâu bọ lạ đến đỉa cũng phải chết thì làm gì còn cáy.

Tiếng gió hu hú từ bãi tha ma thổi đập vào cửa, làm tủ thờ nhà chị rung rinh như trực đổ. Chị đứng dậy  nhìn về ngôi nhà cũ, nơi có con sư tử nhe răng, căng móng ở trên cao vòi vọi với đôi mắt buồn rười rượi. Ở đây không có đạn bom, nhưng tôi đã nhận ra dường như có một cuộc chiến tranh thật sự đang diễn ra trong lòng người.

Viết đến đây chợt có ông bạn hàng xóm sang hỏi:

- Ông nghĩ gì mà thừ mặt ra vậy?

Tôi trả lời:

- Tôi đang nghĩ, ước gì mình có một hũ mắm cáy thứ thiệt gửi tặng thi sĩ Trần Mạnh Hảo dùng dần, nhưng  khó qúa.

Ông hàng xóm tròn mắt nhìn, như tôi vừa từ trên trời rơi xuống:

- Ông có dở người không đấy! Bây giờ người ta mơ ước đến những cái cao sang, như đường cao tốc, nhà máy điện hạt nhân, ai lại mơ như các ông. Đúng là chập cheng…

Có lẽ ông hàng xóm nhà tôi nói đúng, tôi đã dở người, và cái đầu tôi bắt đầu chập cheng.

2-5-2011

© Đỗ Trường

© Đàn Chim Việt

6 Phản hồi cho “Mắm Cáy”

  1. ThuTrang says:

    Một bài viết đậm tình quê hương và tình người , làm tôi nhớ đến món canh rau đay cua rốc cũng như món hoa bí nhồi thịt của mẹ tôi. Nhưng về phương diện y khoa, tôi nghĩ bài viết này có “vấn đề”. Chị Hậu không thể có con vì chị lớn tuổi, vì thời gian đợi chờ người yêu trở về từ chiến trường nên bị xãy thai. Tôi không nghĩ do chất độc Da Cam, Da Vàng gì cả. Chính tôi cũng xãy thai vài lần vì lớn tuổi , nhất là những phụ nữ trên 35 tuổi mang thai , xác xuầt sinh con dị dạng, hư thai càng cao.

  2. Huy Đăng says:

    Quê tôi ở Thái Bình,món mắm cáy cũng là món vô cùng thân thuộc.Nhớ ngày còn ở quê ( những năm chiến tranh phá hoại ác liệt nhất ) nhà bác tôi làm bún bán chợ,thỉnh thoảng bác cho ăn một bữa bún nóng chan nước mắm cáy ớt , ngon đến bây giờ vẫn còn nhớ.
    Giờ đây mọi thứ đã bể dâu . Nhiều người bạn cũ ra trận và mãi mãi không về . Những con cáy chắc cũng không còn như ngày xưa nữa !

  3. Lũ Út says:

    Cám ơn tác giả.
    Đọc mà muốn khóc.
    ” lối xưa xe ngựa hồn thu thảo
    nền cũ lâu đài bóng tịch dương “

  4. Nonsongvietnam says:

    Yêu lắm, nhưng k dám nói. Tôi hèn ! Thanks tác giả !

  5. Ninh Cơ says:

    Bài viết cảm động lắm. Cám ơn nhà văn Đỗ Trường và Đàn Chim Việt

  6. Tran Minh says:

    Anh bạn chập cheng thỉnh thoảng viết bài cho chúng tôi đọc tí nhé bài của ông đọc thấy nhớ quê quá hà

Leave a Reply to Lũ Út