Lề phải, lề trái
Mai sau, một ngày nào đó, có ai viết về lịch sử báo chí Việt Nam đầu thế kỷ 21, rất nên nhắc tới một “trận chiến vô hình” giữa hai lực lượng báo chí quân xanh quân đỏ. Hai lực lượng này được gọi tên theo một phép ẩn dụ nổi tiếng, là Lề Trái và Lề Phải.
Gọi là “trận chiến” không biết có quá không, vì không có xô xát, xung đột, đổ máu gì, mà nhiều khi chứng kiến những diễn biến chiến sự giữa hai Lề thì đến Thượng đế cũng phải cười. Đơn cử ví dụ gần đây nhất và đang diễn ra là vụ án Cù Huy Hà Vũ chẳng hạn. Hai bên kịch chiến công nhận ác liệt.
MÀN 1: Ngày 5/11. Lề Phải đồng loạt nổ súng, bắn tin ông Cù Huy Hà Vũ bị bắt tại khách sạn Mạch Lâm (TP.HCM). Nguyên nhân ban đầu ngả về hướng ông Vũ “quan hệ bất chính với phụ nữ”, “có hành vi chống người thi hành công vụ”. Lề Trái lặng đi.
MÀN 2: Lề Trái phản đòn bằng một tràng đạn trên Bauxite Việt Nam, Dân Luận, RFI, VOA, RFA… Lề Trái đưa tin cả về phản ứng của những người thân, người quen của ông Vũ (Luật sư Dương Hà vợ ông Vũ gửi đơn tố cáo cơ quan an ninh, luật sư Hồ Lê Như Quỳnh khiếu nại việc bị Lề Phải vu khống, bôi nhọ danh dự…).
Lề Phải, trái lại, không nhắc một lời tới những diễn biến này. Nói chung là Lề Phải kiên quyết không làm diễn đàn cho bất cứ thế lực nào ngoại trừ *** (tự kiểm duyệt). Thay vì thế, Lề Phải mở một chiến dịch tổng tấn công vào “đối tượng” Cù Huy Hà Vũ. “Bài học cho những kẻ ngông cuồng và ảo tưởng”, “Cù Huy Hà Vũ là người như thế nào”… thảy đều đanh thép như dội B40 vào Lề Trái.
Lề Trái tiếp tục chống trả bằng các lập luận “rất chi là lề trái”, ví dụ bàn chuyện phân tích hồ sơ cáo trạng Cù Huy Hà Vũ, nhân quyền, hiến pháp, công pháp quốc tế này nọ. Lề Phải né, gạt ra. (Tạm) bỏ qua chuyện họ Cù “quan hệ bất chính với phụ nữ”, “chống đối người thi hành công vụ” được vài báo nêu lúc đầu, Lề Phải xoáy sâu vào các khía cạnh thuộc tư tưởng, nhân thân, đạo đức của Cù Huy Hà Vũ.
Hai bên ở trong thế trận cài răng lược cho tới sau Tết âm lịch – là khi Lề Phải vào mùa báo xuân. Tết nhất, nghỉ cái đã.
MÀN 3: Tết Tân Mão đã qua. Hai bên Lề lại tiếp tục trận chiến vô hình. Vừa hay lại đúng lúc bên Bắc Phi có biến: cách mạng hoa nhài bùng nổ. Lề Trái như được tiếp thêm sức mạnh. Càng gần tới phiên xử Cù Huy Hà Vũ (lúc đầu định là ngày 24/3, vừa được chuyển sang 4/4), Lề Trái càng đánh mạnh, đánh rát, đánh vỗ mặt: “Cù Huy Hà Vũ và mặt trận pháp lý – công lý”, “Chúng ta là Cù Huy Hà Vũ”, “Xin các vị hãy ghi điểm cho thành tích dân chủ hóa đất nước”, v.v.
Lề Phải nói chung không có nhiều chiến sĩ giỏi. Vài tay súng có vẻ khá nhất tập trung ở các đơn vị QĐND, ANTĐ, ANTG…, thì đẳng cấp và phong độ đều tầm thường như lính vét. Vậy nên, mất vài tháng trời, Lề Phải gần như bỏ ngỏ mặt trận cho Lề Trái tung hoành. Thỉnh thoảng, Lề Phải cũng nổ súng vu vơ, ví dụ đập hoặc nâng Bi ơi đừng sợ, hoặc mở một mặt trận nhỏ trên địa bàn văn hóa, cho các bên xả súng bắn vào nhau, nhân khi có một cô người mẫu giới thiệu bộ ảnh khỏa thân mới trên Internet.
Lề Phải im im vậy, tưởng chừng đã đuối thế, thì “choành” một phát như tiếng sét giữa trời quang. Ấy là bài viết “Bản chất những việc làm vừa qua của Cù Huy Hà Vũ”, tuy không đăng trên Lề Phải, nhưng các lập luận “rất chi là lề phải”.
MÀN 4: Sẽ diễn ra đâu đó xung quanh ngày xét xử vụ án Cù Huy Hà Vũ. Hiện tại, Lề Trái vẫn có vẻ giữ phong độ và khí thế áp đảo, nhưng cứ chờ đến ngày đó đi, cả một dàn trọng pháo của Lề Phải sẽ đồng loạt khạc lửa…
Mặt trận không tiếng súng
Cuộc chiến đấu giữa Lề Phải và Lề Trái này quả thật là một nét đặc trưng của báo chí Việt Nam thời Internet, mà trong tương lai, học giả nào nghiên cứu về lịch sử báo chí chớ nên bỏ qua. Suy cho cùng, đó là một cuộc nội chiến, mà phàm là nội chiến thì dễ vô nghĩa: Tại sao lại tồn tại khái niệm “Lề Phải, Lề Trái” trong báo chí? Báo chí đúng nghĩa chỉ có một Lề thôi, đó là sự thật. Sao tự nhiên lại nảy nòi ra hai cái Lề này trong làng truyền thông Việt Nam?
Nhưng thôi, ta hãy nhìn vào khía cạnh tích cực của vấn đề. Dẫu sao thì sự tồn tại của cả hai Lề đều có ích cho nhau ở một chừng mực nào đó. Rút kinh nghiệm từ những nhược điểm của Lề Phải, Lề Trái (nhìn chung) thường đảm bảo những việc sau đây:
• Dẫn nguồn tương đối cẩn thận. Có lẽ sợ bị kiện nên các chiến sĩ dày dạn kinh nghiệm của Lề Trái thường đề nguồn (trích dẫn ý kiến, tư liệu, hình ảnh) chu đáo.
• Có lỗi, thường nhận luôn. Khoản này Lề Phải còn phải học Lề Trái dài dài. Blogger Người Buôn Gió từng “treo blog 15 ngày vì sai sót khi đưa tin”, Bauxite Việt Nam còn có “Lời cáo lỗi” vì nhầm lẫn, chứ đại nhà báo Kim Ngân của Lề Phải thì khán giả có bắc loa vào tận giường ngủ mà chửi, mặt nàng cũng vẫn bóng như thế. Đúng thôi, Lề Phải hùng hậu, mấy khi bị kiện, mà bị kiện cũng mấy khi thua đâu, trong khi Lề Trái làm sai, lơ mơ là tiêu tùng.
• Tôn trọng và tương tác với độc giả. Không phải luôn luôn, nhưng Lề Trái nói chung thường cho đăng tải ý kiến độc giả thuộc cả hai phe ủng hộ và phản đối. Chứ ngó vào Lề Phải xem, đố tìm được “comment” nào theo hướng bất lợi cho Lề Phải đấy!
Lề Trái nhiều khi còn là nơi cung cấp thông tin, tư liệu, ý tưởng, đề tài cho Lề Phải. Đang có cả một phong trào các chiến sĩ Lề Phải lê la trên diễn đàn của Lề Trái để “nhặt đạn”, nói nôm na là ăn cắp ý tưởng và ý kiến mang về sử dụng, đôi khi cũng có ghi nguồn, và phần lớn trường hợp là không hỏi ý kiến người có ý tưởng/ ý kiến đó.
Nói vậy chứ Lề Phải không hoàn toàn là… vứt đi. Lề Phải cũng có nhiều ưu điểm, tuy nhiên đó lại là chủ đề của một entry khác rồi. Còn bây giờ, chúng ta hãy cùng chờ lần khai hỏa tới đây của hai Lề nàoooooo…
© Đoan Trang
Nguồn: trangridiculous
Đọc bài viết của chị, tôi thấy vui vui, và rất hóm hỉnh.
Trần Gia