Người Hồi giáo sẽ làm phong phú hay sẽ thủ tiêu nước Đức?
Lời người dịch: Chiều ngày 18-03-2011, Câu lạc bộ Chính trị của Viện hàn lâm Tutzinger – CHLB Đức đã khai mạc Hội thảo về chủ đề Thilo Sarrazin & der Normalmuslim (sau khi cuốn sách của ông “Nước Đức tự hủy diệt“ – “Deutschland schafft sich ab“ đã gây sốc khá mạnh trong dư luận).
Căng thẳng bắt đầu ngay từ buổi tối thứ sáu ( 18-03-2011). Sự tranh luận của các trí thức Hồi giáo, các học giả vốn là thành viên các Đảng CDU, SPD… đã diễn ra theo một kịch bản khá thông minh và cuộc đấu khẩu đã tự trôi chảy một cách êm ả dưới hai lá cờ đen-đỏ-vàng và lá cờ màu xanh với một vành trăng khuyết. Hội thảo đã kết thúc với một sưu tập Hội luận nhỏ về Hồi giáo với các học giả như Aiman Mazyek, Ruprecht Polenz (CDU) và Sebastian Edathy (SPD).
Bắt đầu từ sáng thứ Bảy, nhân vật trong tâm bão của cuộc luận chiến là Thilo Sarrazin. Khi ông ta rời khỏi diễn đàn, sự tranh luận mới có phần yên ắng, người ta trò chuyện tương đối hòa bình về Tôn giáo, về sự Di cư, về Hội nhập và về tầng lớp dưới. Những vấn đề của Hội thảo dường như vẫn còn bỏ ngỏ và chưa có câu trả lời.
Người Hồi giáo sẽ làm phong phú hay sẽ thủ tiêu nước Đức? là bài tranh luận trực diện gay gắt của Nhà văn Johano Strasser – Cựu Đảng viên Đảng SPD, Chủ tịch Trung tâm Văn Bút CHLB Đức với nhà văn Thilo Sarrazin vào buổi sáng thứ bảy 19-03-2011 tại Evangelichen Akademie Tutzing. Trân trọng giới thiệu với bạn đọc sự tranh luận thẳng thừng của nhà văn Johano Strasser để chúng ta có thể tham khảo về một văn hóa đối thoại trong xã dân sự đa nguyên tại CHLB Đức.( bản gốc tiếng Đức của bài nói này được lưu lại trên www.pen-deutschland.de)
—————————————————–
Tôi đã tham gia cuộc tranh luận này bất chấp lời khuyên của nhiều người bạn tốt. Họ bảo, không tranh luận gì được với phái dân túy đâu. Nhưng tôi vẫn đủ ngốc nghếch để tin là thảo luận bao giờ cũng hơn là không bàn cãi gì. Thế là nhân buổi họp mặt này tôi đã đọc một cuốn sách mà có lẽ bình thường tôi chả đọc ở đâu, vì những câu trích dẫn mà tôi được thấy không hề có sức hấp dẫn chút nào.
Ngoài ra hồi năm 1996 tôi đã đọc một cuốn sách cũng tuyên bố một thảm họa dân số học chắc nịch tương tự như cuốn sách của Sarrazin. Đó là cuốn: Sự cáo chung của chủ nghĩa cá nhân. Văn hóa phương Tây tự hủy hoại bản thân của Meinhard Miegel/Stefanie Wahl. Những lời tiên tri về ngày tận thế thực ra chưa bao giờ làm tôi đặc biệt hứng thú. Tuy thế cuốn sách của Miegel và Wahl được viết ra không vận dụng lại những ảo tưởng của thuyết ưu sinh thế kỷ XIX và không cảnh báo về một nước Đức bị Hồi giáo hóa. Có lẽ vì thế mà nó gây được rất ít sự quan tâm.
Tôi muốn giới hạn ở trọng tâm cuốn sách của Sarrazin: Ở trang 9 tôi đọc thấy câu: ‘rằng con người vốn khác nhau, nói đúng hơn là có năng khiếu nhiều hay ít hơn, lười nhác hay siêng năng hơn, kiên định hơn ít nhiều về đạo đức – và dù có được giáo dục hay tạo cơ hội ngang nhau đến đâu đi nữa thì cũng vẫn vậy thôi.’ Phần đầu của câu nói này nghe như một sự hiển nhiên: người ta vốn khác nhau. Tuy thế ngay ở đây cũng thấy được điểm đặc trưng hình ảnh con người của Sarrazin là gì: ông ta quan tâm tới khả năng nhận thức và một vài đức tính phụ.
Con người cũng có thể nhã nhặn hay thô lỗ, ít nhiều giàu trí tưởng tượng, nhạy cảm với cái Đẹp, tích cực hoạt động xã hội, biết đồng cảm hay không, với ông ta không có nghĩa lý gì hết. Điểm quyết định lại là phần thứ hai của câu nói này: có được giáo dục hay tạo cơ hội ngang nhau đến đâu đi chăng nữa thì cũng không thay đổi gì được điều đó. Ở trang 175 cuốn sách, nhận định này của ông ta còn được lót đường bằng di truyền học của Mendel: ‘Với một phần lớn những đứa trẻ này (phần lớn thuộc tầng lớp Hồi giáo thấp kém) thất bại đã được định đoạt từ lúc mới sinh: Chúng thừa hưởng, theo những quy luật của Mendel, tri thức của cha mẹ chúng và bị thiệt thòi vì sự kém hiểu biết và thiên hướng cơ bản nói chung của họ.’ Theo quan điểm của tác giả thì đó là một tình huống tuyệt vọng, mọi nỗ lực đào tạo đều là những cố gắng vô ích xuất phát từ tình yêu. Thật là một hình ảnh con người tuyệt vọng! Và thật là tiện biết bao cho tất cả những người có thu nhập trên trung bình, những người cố trốn thuế và muốn tránh trách nhiệm xã hội của mình! Nhưng sẽ thế nào đây, tôi tự hỏi, nếu tác giả nhận thấy con cái mình không phải lúc nào cũng đặc biệt thông minh, đôi khi lười nhác và thậm chí thỉnh thoảng còn độc ác nữa? Hay là thậm chí thấy bản thân mình cũng vậy? Nếu thế ông ta có dễ dãi mà thôi không tính đến chúng hoặc bản thân mình hay không?
Với Sarrazin thuộc về một tầng lớp xã hội nào trước hết là vấn đề trí thông minh được thừa hưởng. Sarrazin có quan điểm vô cùng nghiêm túc là các gen ‘tốt’ bắt buộc phải tập trung ở các tầng lớp trên và gen ‘xấu’ ở tầng lớp dưới. Vì thế theo ông ta tương lai xã hội phụ thuộc vào việc những con người chính cống, đúng hơn là những người ở tầng lớp trên, có sinh được nhiều con hơn tầng lớp dưới không. Nên ông ta đề xuất là các nữ sinh viên đã tốt nghiệp đại học/nữ viện sỹ Viện hàn lâm trẻ tuổi sẽ được nhà nước trợ cấp 50 000 euro cho mỗi đứa con. Và gần như cùng lúc cắt giảm hoặc xóa bỏ trợ cấp con cái dành cho những người thuộc diện Hartz IV. Vì đằng nào thì việc trợ cấp thuần túy cho những đứa trẻ tầng lớp dưới này cũng chỉ hoài công, vô ích,. Đặc biệt khi đó lại là những người di cư từ các nước Hồi giáo.
Trong mối liên hệ này Sarrazin trích dẫn Darwin, người đến lượt mình đã dựa trên người sáng lập ngành di truyền học, Francis Galton, dựa trên chính ông Galton đã nói ra câu: ‘Gã mọi được sinh ra hôm nay ở Hợp chúng quốc Hoa Kỳ có cùng những phẩm cách tự nhiên như họ hàng xa của hắn sinh ra tại châu Phi; lai ghép chả gây ảnh hưởng gì được tới bản chất của hắn cả.’ Darwin/Galton và cùng với họ, Sarrazin coi là sự thật: ‘những kẻ nghèo khó và nông nổi thường bị các thói xấu đủ loại kéo xuống dưới gần như đều lập gia đình sớm, trong khi những người chu đáo và điều độ hầu hết sống một cách chừng mực trong các mối quan hệ khác, lập gia đình khi đủ độ chín để có thể sống vô lo với con cái… Vì thế các thành viên nông nổi và nhiều khó khăn của loài người có xu hướng sinh sôi nhanh hơn những con người chừng mực, có ý thức trách nhiệm.’
Thói vênh váo giai cấp thời Victoria của tầng lớp bên trên đã được phóng đại trước mặt chúng ta tại đây như là một sự thực khoa học. Các con chiên Thiên chúa giáo thân mến, có phải như vậy là các bạn không cần quan tâm gì đến những người chịu vất vả khó khăn. Chính những thành viên nông nổi, cùng khổ hóa và hư hỏng này của nhân loại có lỗi về số phận của họ. Họ không xứng đáng được chúng ta quan tâm. Chúng ta nên hướng sự chú ý và tiền bạc tới những tầng lớp trên thì hơn, những điều tốt đẹp chỉ có thể đến từ họ mà thôi.
Chỉ có điều kỳ lạ là những tầng lớp dưới bị Sarrazin khinh thường đến vậy, những kẻ ‘yếu đuối, hư hỏng, lười nhác và ngu dốt’ tuy thế vẫn có khả năng nắm lấy quyền lực một cách tuyệt vời: ‘Nếu tỷ lệ sinh của người nhập cư … luôn cao hơn dân bản xứ, thì nhà nước và xã hội sẽ do những người nhập cư nắm lấy trong vòng ít thế hệ nữa.’ (Tr. 259)
Có lẽ đây là sự pha trộn giữa sự tự đánh giá cao của các tầng lớp trên và lời cảnh báo tận thế về một chính quyền quần chúng sắp xảy tới làm mê hoặc một phần công chúng tư sản.
Sarrazin chỉ nói tốt về người Do Thái. Dù gì ông ta cũng tin đặt mình ở dưới họ, những người đã tự nuôi bản thân với năng xuất cao thông qua chọn giống di truyền qua nhiều thế kỷ, là một lời khen. Tuy nhiên các bạn bè người Do Thái của tôi không nhờ thế mà thấy được tâng bốc. Nhưng có ai không nghĩ tới quan điểm điên rồ những tên quốc xã đã phát tán liên quan đến người Do Thái khi nghe những gì Sarrazin nói về người nhập cư Hồi giáo? Thay vào vị trí ‘âm mưu quốc tế của người Do Thái’ của quốc xã Sarrazin (giống như Samuel Huntington) đã đặt ra âm mưu quốc tế của người Hồi giáo. Bọn quốc xã, những kẻ đã cảnh báo người Do Thái sẽ thủ tiêu người Đức, hồi đó gần như đã gần như thủ tiêu được người Do Thái, nước Đức và cùng với nó là một nửa thế giới. Tôi tin chắc là ngày nay mối nguy hiểm chủ yếu sẽ tới từ những người giả vờ như phải cảnh báo chúng ta về việc người Đức bị diệt vong.
Trong số các cuốn sách có lẽ Sarrazin chưa đọc, cạnh cuốn sách đã được nhắc tới của Miegel và Wahl còn có cuốn của Gina Maranto, Những đứa bé thiết kế. Giấc mơ của con người về giới hạn, Stuttgart 1998. Trong đó người ta có thể tra cứu được rằng sự phá hoại di truyền học đã và đang gây ra những việc gì. Đồng thời tác giả đề ra một chương trình hành động chống lại sự xem thường con người về chủng tộc (Tr. 339): ‘Điều trẻ em cần không phải là ‘gen tốt’ – dù đó có là cái gì đi nữa -, mà là tình yêu, sự dịu dàng, sự nuôi nấng, quần áo, nơi cư ngụ, nguyên tắc, kỷ luật, hướng dẫn về đạo đức, sự thấu hiểu, sự khích lệ tinh thần và cảm giác là có thể có được sự công bằng, tính ngay thẳng, sự hài hước, tình bằng hữu và một vị trí được gia đình và xã hội thừa nhận. Lắp ráp di truyền học không thể đem lại được điều này, mà chỉ nỗ lực chung của cha mẹ và gia đình, nhà trường, giáo hội và các tổ chức xã hội khác mới có thể thực hiện được nó mà thôi.’ Có lẽ biện luận như vậy sẽ không làm Sarrazin thấy ấn tượng. Có lẽ với ông ta đó chỉ là sự nhân hậu đáng khinh. Quan điểm của tôi là nó đề cập tới một cách nhìn sự vật thực tế hơn là những tưởng tượng di truyền học mà Sarrazin bày ra cho chúng ta như là khoa học.
Khi đọc kỹ cuốn sách, ta sẽ thấy là nó không chỉ nhắc tới ‘người Hồi giáo’. Sarrazin coi tất cả những nỗ lực giúp đỡ ‘những kẻ ở bên dưới kia’ gia nhập xã hội thành công, về căn bản là vô ích và vô vọng. Rõ ràng ông ta không biết gì hoặc cố tình nhắm mắt trước những gì ở chính thành phố quê hương ông ta những người như Heinz Buschkowsky đã làm được quả quyết và có quan điểm rõ ràng về các vấn đề những năm gần đây trong việc cải thiện giáo dục cho trẻ em tầng lớp dưới, có cả con em người nhập cư Hồi giáo. Khi ta biết rằng bằng những phương tiện tài chính ít ỏi thế nào ngôi trường Ruetli đầy tai tiếng trước đây ở Neukoelln đã trở thành một ngôi trường đáng khen ngợi với các thành tích giáo dục đáng ngạc nhiên, thì ta nhận ra, lời phát biểu của Sarrazin rằng vấn đề giáo dục tầng lớp dưới ‘không thay đổi gì được dù có được giáo dục và tạo cơ hội ngang nhau đến đâu đi nữa’ chỉ là một lời nói ngu ngốc nguy hiểm.
Đánh giá ‘ở trên tốt’ và ‘ở dưới kém’ của Sarrazin là điều không bác bỏ được. Ông ta không nhận thấy hoặc không muốn thấy rằng nó không thích hợp với nền dân chủ. Nhưng nó mâu thuẫn với nguyên lý nhân đạo cơ bản về phẩm hạnh của mọi người đều là như nhau, tất cả những điều đáng giá và đáng bảo vệ của nền văn minh phương Tây chúng ta đều dựa trên điều này. Và nó mâu thuẫn với yêu cầu tối dân chủ là thiết lập và duy trì nguồn gốc xuất thân như nhau cho tất cả các công dân trong tiến trình chính trị. Nhưng nó cũng mâu thuẫn với đức tin cơ bản của giáo lý Thiên chúa, theo đó không ai, dù là kẻ phạm tội nặng nhất, lại vô dụng ngay từ đầu. Nếu tôi hiểu đúng giáo lý Thiên chúa thì luôn có lối quay trở về.
Trong những người tôi quen biết không ai nghi ngờ gì việc có các vấn đề về hòa nhập. Đây đó ở những người di cư Hồi giáo thậm chí còn có dấu hiệu từ chối hòa nhập. Nhưng chính trong những năm gần đây có những tiến bộ thấy rõ trong việc hòa nhập của người nhập cư ở Đức, như cuốn Sách giám định về người nhập cư 2010 do Klaus Bade xuất bản đã chỉ ra rất kỹ lưỡng. Nhưng không phải dành cho Sarrazin. Ông ta không tranh luận về hòa nhập, mà là về tuyển chọn. Sarrazin mơ về một dân tộc Đức thuần nhất về văn hóa mà ông ta đặt ‘người Hồi giáo’ đối lại như là biểu tượng của người lạ. Ông ta coi những khác biệt trong cách sống, trong quan niệm về các vấn đề chính trị và tôn giáo của người Hồi giáo là không đáng kể hay thậm chí là lừa lọc. ‘Bọn Hồi giáo’ đang đe dọa nước Đức. Ông ta dùng họ làm nền để làm nổi bật một thứ gì đó như đặc tính Đức rõ ràng hơn. Nhờ thế ông ta đem tới cho một tầng lớp trung lưu vô cùng hoang mang trong thời đại toàn cầu hóa một phương án giải quyết dễ dàng để tu sửa lòng tự trọng bị thiệt hại nhẹ của mình bằng cách tách bản thân mình ra khỏi ‘những kẻ khác’, ‘những kẻ lạ’, ‘bọn Hồi giáo’.
Sarrazin bám chặt lấy một nền văn hóa Đức thuần nhất. Về cơ bản ông ta coi các sắc dân thiểu số là tai họa. Milosevic cũng đã nghĩ như thế, cả Tudman và Izetbegovic cũng đã nghĩ gần như thế. Kết quả thì ai cũng biết. Qua đó ta có thể biết là các quốc gia hiện đại đa phần là đa chủng tộc, nhưng trong nội bộ một cộng đồng dân cư thiểu số và có tín ngưỡng cũng thường có nhiều khác biệt về phong cách sống. Đương nhiên sự đa dạng này sẽ làm nảy sinh nhiều mâu thuẫn, nhưng đó không phải là thảm họa. Và nếu chúng ta ứng xử với nó một cách đúng đắn, thậm chí nó có thể làm phong phú thêm cho chúng ta và đời sống của chúng ta.
Hình dung về văn hóa của Sarrazin ngây ngô một cách trắng trợn. Văn hóa Đức là gì? Đặc tính Đức là gì? Chúng ta ở trung tâm châu Âu ngày nay có liên quan gì đến những nền văn hóa tự khép kín, đến những quả cầu Herder hay không? Văn hóa là một tiến trình chứ không phải là một sự sở hữu mang tính bảo vệ.
Lịch sử nước Đức ở trung tâm châu Âu là một lịch sử của những chuyển đổi đầy kịch tính. Phần đóng góp của những người Hồi giáo đối với văn hóa châu Âu, văn hóa phương Tây lớn hơn hình dung của hầu hết mọi người. Thần khúc của Dante, Những chuyện kể Canterbury của Chaucer, nhiều trong số các tác phẩm vĩ đại nhất của văn học châu Âu được dựa trên các nguyên bản Ấn Độ, Ba Tư, Arap-Hồi giáo. Nếu không có các học giả đạo Hồi và kiến thức được truyền đi thông qua người Do Thái của họ có lẽ chúng ta đã không biết gì tới Aristoteles. Những bài thơ và bản nhạc hay nhất của Troubadoure được dựa trên các nguyên mẫu hoặc là bản dịch từ Adalusien Hồi giáo. Trong khoa học, đặc biệt là toán học và y học, ảnh hưởng của các học giả Hồi giáo là hiển nhiên. Vì sao ta phải bác bỏ điều đó? Ta có thể thừa nhận điều đó mà không hạ thấp sự nghiêm trọng của các vấn đề một vài cộng đồng người Hồi giáo di cư đang gây ra hiện nay.
Dĩ nhiên chung sống đa văn hóa và đa sắc tộc không phải là một lễ hội diễn ra thường xuyên ở sân sau nhà với Pizza, bánh mỳ Doener và thịt xiên nướng. Cuộc gặp gỡ người lạ đôi khi gây bực bội, và làm ai đó sợ hãi. Nước Đức những thập niên gần đây đã trở nên nhiều màu sắc hơn. Dĩ nhiên điều này có ích cho ẩm thực Đức. Và điều này cũng có thể có lợi cho cuộc sống chung của mọi người, nếu chúng ta rốt cuộc nhìn nhận thực tế sự việc là không và không thể có một nền văn hóa Đức thuần nhất mà Sarrazin mơ ước. Ai lo lắng cho tương lai của nước Đức không nên gieo rắc sợ hãi và coi một phần lớn xã hội là không có giá trị, mà cần làm tất cả để những đứa trẻ thuộc tầng lớp dưới có được các khóa học mà chúng cần tới để thành công trong cuộc sống.
Những ai suy nghĩ như Sarrazin là trí tuệ trước hết là vấn đề gen, sẽ coi các nỗ lực đó là vô hi vọng. Ai nghĩ như Sarrazin là mọi hạnh phúc đều phụ thuộc vào việc dân tộc hoặc ‘người Đức sinh học’ trong tương lai cũng chiếm đa số ở trong nước, có thể sẽ phát hoảng vì xu hướng dân cư năm mươi năm trở lại đây. Nhưng, không tính đến việc dự đoán xu thế cho một khoảng thời gian dài luôn thiếu tin cậy, việc tính Đức trong tương lai cũng thay đổi như đã từng đổi thay trong quá khứ có gì là tồi tệ đâu? Sarrazin đặc biệt thích mô tả những người nhập cư gốc Thổ Nhĩ Kỳ như là những người lười nhác, đông con cái, hung hăng, không muốn hòa nhập và chỉ muốn sống bằng phí tổn ‘của chúng ta’.
Trong khi đó những người Hồi giáo ở Đức thật ra hòa nhập không kém gì vào đời sống công việc so với phần còn lại của xã hội. ’50,3% số đàn ông và 37,5% phụ nữ không phải dân di cư hiện có việc làm. Người di cư Thổ Nhĩ Kỳ thì khoảng 45,1% đàn ông và 23,5% phụ nữ có việc làm. Thêm vào đó trong nhiều công ty gia đình cỡ nhỏ có một số lượng lớn những thành viên gia đình phụ giúp công việc không được ghi lại trong thống kê này. Người Hồi giáo cũng hòa nhập trong đời sống lao động tốt hay kém y như những người di cư khác.’ Klaus Bade nói như vậy trong bản tường trình đưa ra năm ngoái của mình.
Tôi có thể chỉ ra ở nhiều ví dụ khác là ông Sarrazin dường như rất tỉnh táo và chính xác; nhưng trong thực tế khi nhắc tới các sự kiện lại hoàn toàn không đáng tin cậy. Như vậy rõ ràng ông ta không biết là trong học tập những người di cư gốc Italia kém thành công hơn những người gốc Thổ Nhĩ Kỳ sống quanh chúng ta.
Núp dưới cái cớ kiểm kê tỉnh táo và dự báo phát triển dân số để được đảm bảo về tính khoa học, ông ta đã phác ra một bức tranh toàn cảnh u ám của nỗi hãi sợ diệt vong mà không viết nổi lấy một câu xem làm cách nào ta có thể thoát được tai họa dường như đang tới gần này. Nhưng có lẽ đó cũng chỉ là một chiến thuật mà thôi. Có lẽ ông ta muốn để cho những người đọc đồng tình với mình rút ra kết luận. Có lẽ họ nên nghĩ đến điều mà ông ta không dám liều mạng viết ra: hãy tống cổ bọn Hồi giáo khỏi nước Đức!
Johano Straasser 19-03-2011 Ev. Akademie Tutzing
Người dịch: Thế Dũng & Thiên Trường
© Đàn Chim Việt
Sự thật thì thường phũ phàng và gây nhiều sự mất lòng . Nhưng nếu chúng ta , những người đã sinh sống lâu năm trên xứ sở này , hàng ngày làm việc chung đụng , tiếp xúc , trò chuyện với những người có tín ngưỡng Hồi giáo , có cơ hội tìm hiểu , qua những sách , báo , tài liệu , qua những phương tiện truyền thông về Tôn giáo này , và những suy nghĩ , đánh gía của những người theo đạo này đối với những người không cùng chung Tôn giáo Hồi giáo như họ , đứng trong một vị trí của một người ngoài cuộc nhưng không đạo đức gỉa , không chạy hùa theo tư tưởng của kẻ khác thì theo thiển kiến của riêng tôi ôngThilo Sarrazin là một người can đảm , dám nói về một vấn đề hết sức Tabu trong một xã hội nước Đức sau thời Đức quốc xã . Chỉ có những người vì những lý do chính trị , thiển cận mới vội vàng lên án ông ta . Hãy nhìn lại và suy ngẫm những gì đã xẩy ra đối với những người đã dám nói về những điều tương tự về Tôn giáo này ở khắp Âu châu trong những năm , tháng qua : từ Đan mạch qua Thụy điển , Hòa lan , Pháp , Anh quốc v… v… . Nói về Tôn giáo này đồng nghĩa là Tự sát , không muốn sống yên thân . Đó là một sự thật nguy hiểm .