WordPress database error: [Expression #1 of ORDER BY clause is not in GROUP BY clause and contains nonaggregated column 'oldsite_dcvwp.wp_posts.post_date' which is not functionally dependent on columns in GROUP BY clause; this is incompatible with sql_mode=only_full_group_by]
SELECT YEAR(post_date) AS `year`, MONTH(post_date) AS `month`, count(ID) as posts FROM wp_posts WHERE post_type = 'post' AND post_status = 'publish' GROUP BY YEAR(post_date), MONTH(post_date) ORDER BY post_date DESC

 
|

Chị em Hồi giáo: Nhận diện người phụ nữ trong nước Ai Cập mới

Visions of Female Identity in the New Egypt

Dialika Krahe, SPIEGEL, 01/4/2011

Những người phụ nữ trong tổ chức Huynh đệ Hồi Giáo đóng một vai trò trợ thủ trong cuộc cách mạng Ai Cập, và bây giờ họ muốn giúp một tay xây dựng tương lai dân chủ của nó. Mặc dù nhiều người mặc âu phục bên dưới mạng che mặt, dùng Facebook và Twitter, và nói những câu chuyện về giải phóng, họ dường như vẫn phải vật lộn với vấn đề làm một người phụ nữ Hồi giáo hiện đại có nghĩa như thế nào.

Ảnh: REUTERS

Jihan, người nhiều tuổi nhất, đang ngồi trong một ghế bành trong căn hộ thứ hai của bà ở Cairo. Một chiếc khăn trùm in hoa đóng khung đôi gò má đỏ của bà, một cốc nước táo trên tay. Bà nói rằng, Inshallah, thậm chí một phụ nữ cũng có thể lên làm tổng thống ở Ai Cập.

Arwa, người trẻ nhất, đang ngồi trước một máy tính bên ngoài phòng trẻ em màu hồng của cô, trong thành phố nhỏ Abu Kebir, lướt trang blog của cô. “Mubarrak bỏ chạy rồi” cô nói. “Khi em đủ lớn, em sẽ có một ghế trong nghị viện, Inshallah.”

Zahraa, ở vào lứa tuổi giữa hai người, đang đứng trong bóng rợp nhà tù Tora của Cairo. Chị kéo chiếc khăn hijab trăng thắt chặt quanh mặt chị, như thể tự vũ trang cho mình vì tương lai. “Nhiệm vụ của chúng tôi là xây dựng đất nước,” chị nói.

Đây là ba người Chị em Hồi giáo, thuộc về các thế hệ khác nhau. Mặc dầu không có quan hệ họ hàng, họ là chị em về tinh thần, ba người trong hàng trăm nghìn phụ nữ như một phần của nhóm kháng chiến lớn nhất đất nước, chiến đấu cho bản thân họ và cho một nước Ai Cập mới.

Mục tiệu của họ là một xã hội Hồi giáo. Họ tự tin và thông điệp của họ là rõ ràng: Đây cũng là thời của chúng tôi. Mặc dầu chúng tôi có thể đeo mạng che mặt, chúng tôi cũng mạnh như những người đàn ông của Huynh đệ Hồi giáo.

Sự công bằng của Chúa

Kể từ cách mạng, mỗi ngày trôi qua họ lại thêm một chút sức mạnh. Bây giờ một cuộc trưng cầu ý dân về hiến pháp đã cho mọi người Ai Cập – kể cả phụ nữ – thứ tự do mà những người như Jihan, Arwa và Zahraa từ lâu đã tin là không thể nào có được.

Mỗi ngày kể từ khi Tổng thống Ai cập Hosni Mubarak bị đuổi là một ngày đặc biệt. Nhưng đối với Zahraa El-Shater, khi chị đứng trước cổng nhà tù Tora, ngày đặc biệt này là một ngày phải ăn mừng.

Bụi cuốn lên không trung, và những đám mây treo lơ lửng trên bầu trời. Zahraa đang đợi cha cô được thả. “Bây giờ là lẽ công bằng của Thượng Đế,” cô nói. “Cha tôi sẽ được tự do, và những người làm điều ấy với chúng tôi sẽ bị đưa vào trong tù.”

Chữ “những người ấy” cô muốn nói đến Mubarak và tay sai của ông ta, nhưng đặc biệt là Habib el-Adly. Người này đến gần đây còn là Bộ trưởng nội vụ Ai Cập bây giờ bị kết tội tham nhũng và ngồi trong xà lim bên cạnh xà lim của cha cô.

Zahraa, 34 tuổi, một người vợ và là mẹ của 4 đứa con, là con gái của Khairat El-Shater, “nhân vật số ba” trong tổ chức Huynh đệ Hồi giáo. Chị là người phụ nữ to lớn với nước da trắng như sứ và đôi mắt đen. Chiếc áo dài quét đất của chị hầu như giấu đi hoàn toàn chị là một người phụ nữ trẻ. Chiếc điện thoại di động của chị rung không ngớt. Chị bỏ qua một nửa số cuộc gọi.

“Chị phải tượng tượng điều này,” chị nói “Các con của tôi đã phải chứng kiến cảnh chồng tôi và cha tôi bị bắt và bọn an ninh quốc gia đập cửa lúc 2 giờ sáng và bỗng nhiên họ đứng đó trong căn hộ của tôi.”

Nửa kia của Huynh đệ

Đứng xếp hàng cạnh chị như một hàng lính che mặt là các chị em của chị. Họ trùm khăn hijab, loại khăn trùm đầu truyền thống của phụ nữ Hồi giáo, và niqab, loại mạng che mặt chỉ để những khe hở cho đôi mắt. Họ là những phụ nữ khác trong Huynh đệ Hồi giáo. Tất cả có những kinh nghiệm tương tự. Mắt họ dán vào cổng nhà tù.

Zahraa đã là thành viên của tổ chức Chị em Hồi giáo từ lâu lắm trong chừng mực chị còn nhớ được. “Nó không giống như bạn phải làm đơn xin một thẻ hội viên.” Chị nói. “chúng tôi có một hệ tư tưởng chung.”

Tổ chức Chị em Hồi giáo có từ năm 1932. Nó là cánh nữ của Huynh đệ Hồi giáo, tổ chức Hồi giáo trong bóng tối mà Mubarak đàn áp và phương Tây sợ. Nhóm này liên hệ với những từ gợi lên nỗi sợ ở Phương Tây, như “Shariah,”(luật Hồi giáo) “jihad” (thánh chiến) and “terror” (khủng bố.)

Trước cách mạng, Mỹ xếp Huynh đệ Hồi giáo vào loại cực đoan, chống phương Tây và chống Israel. Nhưng bây giờ khi chế độ cũ đã đổ, nó đã trở thành lực lượng chính trị mạnh nhất trong nước và tự đóng vai một tổ chức dân chủ. Bất chấp nhiều thập kỷ bị đàn áp, Huynh đệ đã cố gắng thu hút được hàng trăm nghìn người ủng hộ, những người ngày nay chuẩn bị đóng một vai trò trong sự hình thành tương lai của Ai Cập. Khoảng một nửa trong số họ sẽ là phụ nữ: những người con gái và những người mẹ như Zahraa, Jihan và Arwa, những người lúc này đang hô hào đòi có một vai trò mới trong xã hội.

Tự do trong cái nhìn đầu tiên

Cổng mở. Người cha của Zahraa hiện ra, sau bốn năm rưỡi bị chế độ Mubarak cầm tù vì cáo buộc khủng bố, rửa tiền và là thành viên của một tổ chức khủng bố. Ông nheo mắt khi lần đầu tiên nhìn thấy tự do.

Zahraa muốn ôm ông. Vài giọt nước mắt chảy vào mạng che mặt của chị. Nhưng chị không thể đến gần ông. Các thành viên Huynh đệ đã nhanh chóng vây lấy ông và bây giờ đang hô vang  “Allahu akbar” (Thượng Đế vĩ đại!) và “Huynh đệ Hồi giáo là hy vọng của đất nước.” Chỉ mới cách đây ít tuần, họ có thể đã bị bắt.

Trong buổi chiều đó ở Cairo, họ dương cao những lá cờ Ai Cập, cũng những lá cờ những người biểu tình phất lên trên Quảng trường Tahrir. Zahraa nói chị cũng tham gia vào các cuộc biểu tình hàng ngày. “Không có ai ở Ai Cập bị Mubarak khủng bố nhiều hơn chúng tôi,” chị nói.

Zahraa kiễng chân lên để nhìn thấy cha chị rõ hơn, nhưng không có dấu hiệu nào của niềm vui trên mặt chị. Chị cố gắng khó khăn để mỉm cười, giống như một người đang bị sốc hơn, một người không thể tin vào những gì mình đang nhìn. “Khi tôi nghĩ về cha tôi, tôi nhìn thấy ông trong xà lim” chị nói, thêm rằng chị không có hình ảnh nào khác trong đầu. Trong khi chồng của Zahraa phải ngồi tù năm năm, thì cha chị ở đó 12 năm.

Những cái nhìn tự do

Cho đến lúc này, những anh em trong Huynh đệ Hồi giáo vận động dưới những cái bóng của xã hội, trong khi phụ nữ chuyển động dưới những cái bóng của Huynh đệ Hồi giáo. Zahraa thuộc vào thế hệ những phụ nữ không biết cuộc sống nào khác cuộc sống dưới chế độ cũ, những người chưa bao giờ biết cả Hồi giáo lẫn tự do có nghĩa là gì.

Bây giờ vào giữa lứa tuổi 30, Zahraa được 5 tuổi khi Mubarak lên nắm quyền. “Hoặc là chúng tôi, hoặc là chúng nó,” Mubarak lấy cớ để làm cho người dân Ai Cập sợ những người Hồi  giáo. Zahraa nói “cả đời tôi, tôi bận rộn để cố sức đưa những người đàn ông nhà tôi ra khỏi tù và giữ cho gia đình khỏi ly tán, đến nỗi tôi không đến được những cuộc họp hàng tuần của Huynh đệ. Bây giờ mọi việc sẽ phải khác.”

Khi được hỏi chị hình dung nước Ai Cập mới sẽ như thế nào, và nó nên tự do, bao dung và đa nguyên như thế nào, Zahraa nói xã hội dưới chế độ cũ là “nông cạn”. “Cuộc sống không có gì ngoài ăn uống, lấy chồng lấy vợ và lao đi làm việc” chị nói thêm. Như chị thấy, nhiều phụ nữ Ai Cập đeo mạng che mặt và đến cầu nguyện như thể đó là một phần của chương trình tập luyện hàng ngày, nhưng không thật sự sống với niềm tin của mình.

Zahraa nói rằng chị mơ ước một xã hội Hồi giáo văn minh, có những đường phố sạch, lương thiện, một đất nước không có tham nhũng, và trên hết, một nền giáo dục tốt hơn. “Trước đây có lúc việc học tập thật kinh khủng, trong đó người ta khảo bọn học sinh tốt nghiệp, phần lớn bọn chúng thậm chí không biết đọc cho đúng”

Vị trí của một phụ nữ

Khi được hỏi về phụ nữ Ai Cập, Zahraa lúc đầu nói: “Tôi không phân biệt giữa đàn ông và đàn bà. Họ bổ sung cho nhau. Tất cả chúng tôi đều ra quảng trường Tahrir, cả đàn ông đàn bà, đúng không?” Nhưng sau đó chị nói: “Đàn bà thậm chí không muốn làm cùng những việc mà đàn ông làm. Đó là bản chất của họ, chị nói thêm, là có con, tình cảm hơn, và thích hợp với các trách nhiệm xã hội hơn.”

Quả thật, Zahraa còn xa mới được giải phóng và chống lại đàn ông. Chị nói cha chị sức khỏe kém khi ở trong tù. Đặc biệt là về mùa hè, ông chịu cái nóng trong căn xà lim không có điều hòa nhiệt độ. “Tôi muốn chúng tôi cùng chịu đựng với cha,” chị nói, nên chị để cho gia đình cũng không có điều hòa nhiệt độ trong căn hộ của họ. Chịu khổ thay cho người khác rõ ràng cũng là bổn phận của một phụ nữ.

Do bị cấm hoạt động chính trị Huynh đệ trở nên đặc biệt tích cực trong xã hội. Nó điều hành các bệnh viện, các trường học, nhà trẻ và các nơi phát chẩn. Làm thế, nó được nhiều người ủng hộ.

Những thành viên của Huynh đệ Hồi giáo chỉ được hoạt động trong nghị viện với tư cách độc lập. Nhiều người bị theo dõi, giám sát và bị bắt. Vì phụ nữ trong Huynh đệ không bị coi là nguy hiểm, nên họ có thể hoạt động bên dưới tầm dò xét của chính phủ.

Điều này tạo cho Chị em một vai trò quan trọng hơn. Họ giữ cho tổ chức sống, chăm sóc gia đình các tù nhân, tổ chức các cuộc tuần hành phản đối và quyên tiền để thuê luật sư.

Họ không được phép làm lãnh tụ chính trị. “Điều đó không thể được,” Zahraa  nói, “bởi vì an ninh quốc gia. Ý nghĩ rằng phụ nữ có thể bị bắt là cấm kỵ đối với nhóm này.” Ngoài ra, chị nói, nhiều huynh đệ Hồi giáo cảm thấy rằng tốt hơn đối với phụ nữ là thực hiện những bổn phận “tự nhiên” của họ, như làm mẹ chẳng hạn.

Một cựu binh của những ngày xưa

Đám đông đẩy cha của Zahraa về phía phố, và ông chui vào một chiếc xe không quen. Zahraa lao theo chiếc xe. “Họ là ai? họ muốn gì?” chị gào lên. Chị trườn tay qua cửa sổ xe và cố nắm lấy tay ông. “Tôi nghĩ đó là xe của bọn an ninh nhà nước,” chị nói. Những nỗi sợ cũ dai dẳng khó qua.

Zahraa El-Shater, con gái của Khairat El-Shater, được biết rõ trong giới Chị em Hồi giáo. Jihan al-Halafawy, 59 tuổi, người già nhất trong ba chị em Hồi giáo này, cũng biết câu chuyện của chị. “Zahraa giống như một đứa con gái của tôi” bà nói. Jihan vào học trường đại học Alexandria cùng với cha của Zahraa. Vì chồng bà cũng ở tù nhiều năm, nên bà hiểu nỗi lo sợ của Zahraa.

Hôm trước, Jihan cùng với hàng ngàn người biểu tình khác đứng trên Quảng trường Tahrir kêu gọi chính phủ chuyển tiếp giải quyết những yêu cầu chưa được thực hiện của nhân dân. Bây giờ bà ngồi trong căn hộ của bà ở Cairo. Trên chiếc bàn nhỏ cạnh bà là một chiếc vỉ ruồi mầu vàng và một chiếc thảm cầu nguyện cuộn lại.

Jihan là giám đốc một trung tâm văn hóa, Bà đến từ thành phố cảng Alexandria bên bờ Địa Trung Hải, nơi bà vào đại học, gặp chồng bà và gia nhập Huynh đệ. Cuối cùng bà trở thành người Chị em Hồi giáo đầu tiên tranh cử một ghế trong nghị viện.

Jihan đã ở trong nhóm này khi Muabrak lên cầm quyền. Không giống Zahraa, bà biết là một chị em tích cực có ý nghĩa như thế nào và vẫn được tự do. Jihan cười nhiều. Khi bà nói, đôi gò má của bà bị đẩy lên và đôi mắt bà hẹp lại. Bà có những ký ức tốt đẹp về những ngày và gia nhập Huynh đệ. Ký ức của bà là cửa sổ nhìn vào quá khứ, nhưng chúng cũng giữ những đầu mối cho tương lai của Chị em Hồi giáo.

Bước ngoặt 1981

Nó xảy ra sau chiến tranh A rập – Israel năm 1973, bà nói. Sadat đã ban hành lệnh ân xá cho Huynh đệ Hồi giáo, và nhiều tù nhân chính trị đã được thả. Lần đầu tiên sau một thời gian dài, nhóm này có thể nói trước công chúng. Một vài anh em diễn thuyết ở Đại học Alexandria, và Jihan, một sinh viên trẻ vừa mới bắt đầu đeo mạng, ngay lập tức cảm thấy bị hấp dẫn vào những tư tưởng của họ.

Sau khi trở thành một thành viên Jihan tổ chức các cuộc họp, các sự kiện văn hóa và các cuộc thảo luận. Bà chịu trách nhiệm về nhóm phụ nữ trong Huynh đệ Hồi giáo tại trường đại học này. Mục tiêu của nó là phổ biến những tư tưởng của Huynh đệ và cung cấp giáo dục Hồi giáo cho công chúng. “Chúng tôi trẻ,” bà nói, “và chúng tôi muốn thay đổi đất nước.” Vào thời gian đó không có hạn chế của chính phủ, Jihan nói, so sánh với thứ tự do mới mà các Chị em Hồi giáo hiện giờ đang được nếm trải lần đầu.

Khi Sadat hòa bình với Israel, Huynh đệ bác bỏ quyết định của ông, và một số thành viên trở nên quá khích. Năm 1981, Sadat bị ám sát bởi những người được cho là những cựu thành viên Huynh đệ Hồi giáo. Cùng năm đó, Mubarak lên nắm quyền và chồng Jihan bị bắt.

Từ đó, chồng bà đã bị bắt thêm 11 lần nữa. Mặc dầu bà có sáu đứa con phải trông coi, bà vẫn cố gắng tổ chức được các cuộc biểu tình phản đối và vận động truyền thông. Chẳng bao lâu bà trở thành một gương mặt nổi tiếng. Vào thời gian đó, xã hội Ai Cập và phương Tây coi Islamist như một tổ chức lạc hậu, đầu óc hẹp hòi với những cấu trúc không thân thiện với phụ nữ. “Chúng tôi muốn chứng tỏ với họ rằng điều ngược lại mới đúng,” Jihan nói.

Một người đáng là tiên phong

Năm 2000, những hoạt động của Jihan cuối cùng đã khiến bà trở thành người phụ nữ đầu tiên ra tranh cử một ghế trong nghị viện. Những người phê bình bảo bà là một phụ nữ chỉ ngồi đó làm vì.

Vào thời ấy, một trong những lo ngại lớn nhất của bà là việc phụ nữ tranh luận với nam giới ở nơi công cộng không phải là bình thường. Cũng như nhiều người nghĩ vẽ khuôn mặt một phụ nữ lên những áp phích lớn là không thích hợp.

Nhận rõ những vấn đề này, Jihan đến thăm các nhà học giả Hồi giáo và hỏi họ bà nên làm gì. Khi họ nói với bà rằng kinh Koran không cấm những việc như thế, bà lao mình vào công việc. Mặc dầu chồng bà đang bị giam cầm và đội ngũ vận động cho bà đã bị bắt, bà vẫn thắng vòng đầu của cuộc bầu cử. Tuy nhiên, bà đã không được nhận ghế của mình sau khi các quan chức nói có những vi phạm qui tắc bầu cử.

Khi được hỏi ngày nay bà có ra tranh cử lại không, Jihan nói: “Tôi không muốn loại trừ ý nghĩ đó, nhưng tôi muốn thấy thế hệ trẻ tiến lên vị trí lãnh đạo hơn.”

Người Chị em Hồi giáo không điển hình của hôm nay

Khi Jihan nói điều đó, bà nghĩ đến những phụ nữ trẻ như Arwa.

Arwa El-Taweel, người trẻ nhất trong ba Chị em Hồi giáo, năm nay 21 tuổi. Cô mở cửa căn nhà của cô ở thành phố nhỏ Ai Cập Abu Kebir, cách Ciaro 85 km vê hướng đông bắc. Cô sống với cha mẹ và anh em trong một ngôi nhà được coi là “mới giầu” ở Ai Cập. Đồ gỗ trong phòng khách bắt chước phong cách Louis XVI, với những chân mạ vàng, và hoa ở khắp nơi. Cha cô là dược sĩ làm việc ở các nước vùng Vịnh.

Arwa bỏ mạng che mặt ra. Cô chỉ có thể làm thế khi ở nhà, cô giải thích, và bởi vì không có người đàn ông nào có thể kết hôn với cô đang ở trong phòng. Cô treo mạng lên tay nắm cửa, để lộ mớ tóc đuôi ngựa màu nâu, bông tai sáng lóe và chiếc váy dài bó sát. Khi bỏ mạng che mặt ra trông cô giống một thiếu nữ bình thường.

Thật ra, Arwa có thể gần như một thiếu nữ bình thường nếu như không có những sự việc cô nói, như: “Tất nhiên tôi muốn trở thành một chính trị gia” và “Tôi nghĩ những người phương Tây cũng là người.” Cô nói thêm, các nền văn hóa khác nhau thì không có gì sai trái cả.

Phòng ngủ mà Arwa ở chung với em gái được trang bị đồ gỗ màu trắng và hồng gắn vào tường. Những con thú nhồi bông nằm trên giường. Arwa nói năm 16 tuổi cô quyết định gia nhập Huynh đệ. Cô vừa khởi đầu một chương trình nghiên cứu truyền thông ở trường đại học, cô giải thích, và cô đã đạt tới một điểm trong cuộc sống của mình trong đó cô tự hỏi cô muốn trở thành loại phụ nữ nào, và muốn sống loại cuộc sống nào, và vai trò của cô trong xã hội nên là gì.

Sau đó Arwa bắt đầu đọc về nhiều vấn đề – về những người xã hội chủ nghĩa, về đảng Dân tộc Dân chủ của Mubarak, và về chủ nghĩa thế tục nói chung. “Nhưng tôi không hiểu tại sao tôn giáo và chính trị lại được coi là tách rời nhau.” Arwa nói đạo Hồi là toàn thiện. “Tôi làm việc gì, và tôi là ai là từ đạo Hồi mà ra,” cô nói.

Arwa bắt đầu đọc văn học của nhà sáng lập Huynh đệ Hassan al-Banna. “Tôi lập tức say mê tư tưởng của ông,” Arwa nói. Cô cũng đọc tác phẩm của những người Islamist khác. “Nhưng họ quá khắt khe, quá cực đoan,” cô nói. “Họ cấm tất cả những gì của phương Tây trong cuộc sống của họ, và với họ mọi thứ đều là xấu.” Arwa nói những tư tưởng như vừa nêu không phù hợp với thực tế, và thêm: “Để là một người Hồi giáo tốt bạn không cần phải sống như thể đang ở giữa thời Trung Cố.”

Cô lấy xuống từ giá sách một cuốn nát bươm nói về những nguyên tắc của Huynh đệ. Khi cô lật nhanh qua các trang, cô nói quyển sách này là vật duy nhất mà cô cố giữ được. Cô nói, “Bọn nhân viên an ninh nhà nước lục soát nhà chúng tôi mấy phút, và mang đi mọi thứ khác.”

Một cuộc sống đầy mâu thuẫn

Arwa mở chiếc tủ màu hồng của cô và lôi ra một ít váy ngủ – và một bộ áo cưới. “Tôi thích ăn mặc đẹp” cô nói trước khi nói thêm rằng Thứ Sáu này cô sẽ cưới.

Người đàn ông mà cô sẽ cưới là người vị hôn phu thứ hai của cô. “Người đầu tiên không thể chấp nhận tôi muốn có một sự nghiệp bên cạnh một gia đình,” cô nói “và rằng tôi muốn đi đây đi đó và tích cực hoạt động chính trị.” Ngay trước khi kết hôn, người vị hôn phu thứ nhất đòi hỏi cô để nhiều thời gian ở nhà hơn. Bởi vậy cô cắt đứt quan hệ.

Arwa nói chồng chưa cưới mới của cô thì khác. Hai người gặp nhau trong công tác. Cô nói ngay với anh rằng cô không có ý định từ bỏ bất cứ thứ gì. Cô nói cô bảo anh rằng cô có thể bay đến Qatar vào buổi sáng hôm sau ngày cưới của họ để tham dự một hội nghị. “Tôi nghĩ anh ấy không dám nói một điều gì về việc đó,” cô nói.

Arwa lên Facebook, Twitter và cô viết blog, cô có đến 100.000 người đọc. “Đây” cô nói, chỉ vào bức ảnh của cô trên màn hình máy tính. Đó là bức ảnh chụp nhanh trên giải Gaza với một người phụ nữ đeo mạng che mặt màu trắng. Cả hai đang cười. “Hamas,” Arwa nói và mỉm cười.

Rồi trông cô có vẻ hơi bị sốc, như thể cô vừa thoáng nghĩ có lẽ tình bạn với một người trong Hamas có thể thật sự là quá cực đoan chăng. Đó là một trong những khoảnh khắc khi những chiếc mạng che mặt của các Chị em Hồi giáo được nâng lên một chút, hé ra những gì có thể là những mâu thuẫn ẩn giấu giữa những lời lẽ bao dung và những quan điểm bất dung.

Khi được hỏi cô hình dung thế nào về tương lai của cô ở Ai Cập, Arwa nói cô muốn “tận dụng những tiềm năng (của cô),” thêm rằng điều này là đặc biệt quan trọng đối với phụ nữ hiện nay. Cô muốn trở lại trường đại học và lấy thêm một bằng nữa bởi vì cô cảm thấy rằng cô bị lừa dối dưới hệ thống giáo dục cũ. Arwa nói cô cũng muốn trở thành một người mẹ tốt và một người Hồi giáo tốt. Và, tùy thuộc vào cương vị chính trị nào mà Huynh đệ muốn mời cô, cô nói cô muốn “tham gia vào đó,” rằng cô muốn giúp hình thành xã hội mới này. “Và có lẽ năm tôi 30 tuổi,” cô nói thêm, “Tôi sẽ có một ghế trong nghị viện.”

Tưởng tượng một nền Dân chủ Hồi giáo

Vào Thứ Bảy, 19 tháng Ba, nhiều người Ai Cập  – trong đó có cả phụ nữ – đi bỏ phiếu trưng cầu dân ý về hiến pháp mới. Cuộc trưng cầu dân ý là về việc bổ sung những điểm tu chính vào hiến pháp, như đặt nhiệm kỳ giới hạn cho tổng thống tương lai là 8 năm, đòi hỏi nghị viện thông qua đối với các đạo luật trong tình trạng khẩn cấp mà Muabrak đã lợi dụng một cách vô liêm sỉ, và cho phép những cá nhân độc lập về mặt chính trị tranh cử tổng thống.

Tuy nhiên mục tiêu khác của trưng cầu dân ý là mau chóng thực hiện các cuộc bầu cử mới. Vì các đảng khác không có đủ thời gian để tự tổ chức lại, điều này sẽ đặc biệt có lợi cho Huynh đệ Hồi giáo. Vì lý do này, nhiều nhà hoạt động trong cách mạng bao gồm cả nhà chính khách đối lập Mohamed ElBaradei, kêu gọi người Ai Cập loại bỏ tu chính hiến pháp.

Arwa nói rằng đa số bỏ phiếu ủng hộ cuộc trưng cầu dân ý, chứng tỏ rằng người Ai Cập thật sự sẵn sàng cho dân chủ. Jihan nói: “Đây là những gì tất cả chúng tôi đã và đang mơ ước,” bà nói thêm rằng kết quả bầu cử sẽ chứng tỏ rằng người Ai Cập muốn nhanh chóng tiến lên con đường dân chủ.

Tư tưởng của ba Chị em Hồi giáo về dân chủ là nó có thể là một giai đoạn trước mắt trên con đường đưa Ai Cập trở thành một xã hội Hồi giáo. Vấn đề là: Rốt cục một xã hội như thế có thể là dân chủ như thế nào?

Cuộc cách mạng đã cho Arwa, Jihan và Zahraa cả tiếng nói lẫn ý tưởng về dân chủ có thể có nghĩa gì. Nhưng nó không thay đổi những ưu tiên của họ trong cuộc sống. Quả thật, là một người mẹ tốt, một người vợ tốt và một người Hồi giáo tốt vẫn còn là những mục tiêu cao nhất trong cuộc sống. Họ có thể muốn được giải phóng – nhưng chỉ trong chừng mực mà đạo Hồi có thể dung thứ. Họ là những phụ nữ đấu tranh cho các quyền, nhưng họ không quan tâm đến việc đấu tranh cho bản thân họ chống lại đàn ông.

Cái dễ chịu của điều chắc chắn

Buổi chiều muộn ở Cai rô. Thành phố mờ ảo dưới lớp sương khói và ánh mặt trời mầu vàng. Zahraa El-Shater, con gái của người tù chính trị mới được tự do, đã để cho mình bị cuốn đi theo cuộc diễu hành rầm rộ của đoàn người hân hoan ủng hộ ông. Họ lao đi thật nhanh qua những đường phố Cairo, những người đàn ông thò cổ ra ngoài cửa xe để vẫy người đứng xem bên đường, bấm còi inh ỏi và reo hò như những cổ động viên bóng đá sau khi đội bóng của họ đá thắng một trận quan trọng.

Họ dừng xe ở Nasr City, một quận của Cairo nơi Zahraa sống trong một căn hộ ở một chung cư cao tầng. Họ đang được chờ đợi. Ai đó đã treo một dãy đèn nhiều mầu trên mỗi tầng và có hoa nhựa ở lối vào. Zahraa và em gái của chị, trùm khăn đen kín người, đứng ở trước cửa như thể để đề phòng những khách không mời mà đến.

Họ nói về niềm vui sướng của họ, và họ ca ngợi tự do và tín ngưỡng của họ. Họ nói rằng mọi chuyện mà một người mộ đạo có thể hy vọng được biết có thể tìm thấy trong kinh Koran. Từ dưới chiếc khăn đen, em gái của Zahraa rút ra một sự so sánh với chiếc máy giặt: “Nếu anh mua một chiếc và nó không chạy, anh có thể đọc trong sách hướng dẫn” cô nói, “bởi vì anh biết nhà chế tạo chiếc máy này biết máy làm việc như thế nào” Cũng sự việc như thế áp dụng cho Allah, đấng sáng tạo, cô nói. “Ngài là người tạo ra tất cả chúng ta.” Cô nói, kinh Koran là quyển sách hướng dẫn mà Allar đem cho loài người.

Trong lúc hai người phụ nữ nói, những người đàn ông tụ tập xung quanh cha của Zahraa trên đường phố bên dưới. Họ mới từ nhà thờ (Hồi giáo) trở về. Khi họ đánh trống là làm thành một vòng tròn xung quanh những chiếc xe đậu, những con người hân hoan này nói những câu nghe có vẻ phản dân chủ đối với nhiều người. “Kinh Koran là hiến pháp của chúng ta,” họ hát, “và thánh chiến là con đường của chúng ta.”

Christopher Sultan dịch từ tiếng Đức

© Hiếu Tân – Bản tiếng Việt

Phản hồi